Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

VỮNG CHẮC VÀ CỐ CHẤP

Lập trường chắc chắn và tư tưởng cố chấp, hai điều đó khác nhau, nhưng có người nhầm lẫn cố chấp với chắc chắn. Vì nhầm lẫn ấy, mà tưởng chỉ có ý kiến của mình là “đúng”, ý kiến của người khác là “sai”. Khi bàn việc gì, dù sai hay là đúng, cũng cứ khư khư giữ lấy ý kiến của mình, tưởng như thế là “lập trường chắc chắn”, “có tính nguyên tắc”. Thế là cố chấp.

Thế nào là lập trường vững chắc?

- Tức là đứng hẳn về lập trường giai cấp công nhân. Không có chút tự tư tự lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Lý luận phải chăng đều do công tác thực tế thử thách. Việc đúng là đúng, chứ không phải cứ tự cho mình là đúng. Khiêm tốn, cẩn thận, chứ không phải hàm hồ khinh người. Người khác đúng thì mình thật thà hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Người khác sai thì mình chịu khó lắng nghe, bền lòng giải thích. Dù sai lầm của mình rất nhỏ, cũng mạnh dạn thừa nhận, kiên quyết sửa chữa. Dù ý kiến của người khác chỉ đúng một chút, mình cũng phê phán chỗ sai, hoan nghênh chỗ đúng.

Ai mà tư tưởng cố chấp, chắc chắn là người chủ quan. Chỉ nghe, chỉ hiểu một chút, hoặc chỉ có chút kinh nghiệm, rồi cứ lắp nguyên văn vào tất cả mọi việc một cách máy móc. Kết quả là đầu óc cứng đờ, không biết biến hóa, trái ngược với thái độ của giai cấp công nhân, trái hẳn với khoa học cách mạng.

Vì vậy, chúng ta phải học tập và rèn luyện, làm cho lập trường vững chắc và chống tư tưởng thái độ cố chấp và chủ quan.

C.B.
Báo Nhân Dân số 165,
từ ngày 11 đến ngày 15-2-1954

*

*          *

CHIẾN SỸ GƯƠNG MẪU

Trong công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, số đông cán bộ đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn có những cán bộ phạm sai lầm như: Chủ quan khinh địch, sợ khó sợ khổ, chủ quan bao biện… Có một số (rất ít) hủ hóa. Có một số cán bộ rất kỳ quái - trong lúc “3 cùng” mà dùng nước hoa.

Cuộc phát động quần chúng là một trường huấn luyện rộng lớn, để rèn luyện và cải tạo cán bộ cũ, để đào tạo và cất nhắc cán bộ mới. Đó là một cuộc thi đua ái quốc thiết thực và dài hạn cho tất cả cán bộ cũ và mới.

Chúng ta vui lòng nêu lên những chiến sỹ xuất sắc sau đây (ở Liên khu IV). Những chiến sỹ này đã: Chịu khó chịu khổ, đi sâu làm kỹ, thực hiện dân chủ, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật, đoàn kết nội bộ và quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, theo đúng đường lối của nhân dân.

Nữ đồng chí: Đào, Thiều, Nam, Bút (đồng bào thiểu số); đồng chí: Tỉnh (Công giáo), Thi, Quang, Tiếp, Loan, Thúc, Thuần, Phát, Ban, Thu Giang, Thương (1 cán bộ Công giáo đã 60 tuổi).

(Mong các đoàn công tác gửi tên chiến sỹ gương mẫu cho chúng tôi để đăng tiếp).

Đ.X.
Báo Cứu quốc số 2546
ngày 5-3-1954

*

*          *

CHỐNG NẠN GIẤY TỜ

Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: Một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang, v.v.

Bộ Tài chính: Riêng Vụ Ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo dài hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột, v.v…

Bộ Canh nông: Là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:

- Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.

- Quá chậm trễ: Chỉ thị về việc giữ gìn trâu bò khỏi rét: Mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.

- Không đúng nguyên tắc: Có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.

- Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được phải gửi trả lại.

- Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển mà nói cả những điều cần phải giữ bí mật.

Nguyên nhân: Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết nhiều chỉ thị, thông tư… Nhưng không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế.

Cách chống nạn: Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên.

Kết luận: Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng, tác phong của cán bộ. Nó là di tích của đế quốc và phong kiến, là hiện tượng tai hại của nạn quan liêu. Mà nạn quan liêu là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí.

Nhân dân rất mong các bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

C.B.
Báo Nhân Dân số 170,
từ ngày 6 đến ngày 10-3-1954

*

*          *

NHIỆM VỤ CỦA CHI BỘ Ở CÁC CƠ QUAN

Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Bởi vậy, nhiệm vụ của chi bộ là:

- Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.

- Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

- Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra các sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to.

- Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng xuất công tác, giữ gìn bí mật của nhà nước, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc.

- Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ.

- Giải thích cho mọi người thấu hiểu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, ở bất kỳ địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ.

Chi bộ cần phải làm được như vậy. Mà muốn làm được như vậy, thì mỗi đảng viên phải xung phong làm gương mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng.

Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ.

Cần chú ý: Để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng… Chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.

Các chi bộ bất kỳ ở cơ quan to nhỏ, đều nên đặt kế hoạch thi đua thiết thực, thi hành những công tác nói trên để góp sức làm trọn hai nhiệm vụ trung tâm mà Đảng và Chính phủ đã đề ra; đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất.

C.B.
Báo Nhân Dân số 176,
từ ngày 6 đến ngày 10-4-1954

*

*          *

KINH NGHIỆM XẤU VÀ KINH NGHIỆM TỐT

Trong bước đầu kiểm tra việc chỉnh lý thuế nông nghiệp năm 1953, ta đã thấy những kinh nghiệm xấu. Vì cán bộ mắc bệnh quan liêu, hoặc bệnh tự tư tự lợi mà có những khuyết điểm tai hại như:

Chỉ ở trung du Việt Bắc đã để lậu 1 vạn 366 mẫu ruộng. Ở tả ngạn, có huyện bỏ quên 4,5 trăm mẫu không khai. Ở miền núi, nhiều cán bộ ban thuế đã ẩn lậu, tính đổ đồng, mỗi cán bộ lậu độ 8 sào. Số ruộng đất thì giấu bớt, số người thì man khai thêm. Cả hai cách đều để lậu thuế. Như ở Hải Hậu có địa chủ khai man thêm 8 người, ở Thạch Bi có địa chủ khai man thêm 11 người, vân vân…

Kinh nghiệm tốt - Khi hiểu rõ chính sách, thì nhân dân rất hăng hái. Chẳng những không khai man, ẩn lậu mà còn thi đua nộp nhanh, nộp đủ, có nơi nộp vượt mức. Ví dụ:

Thôn Xuân Liêm, chỉ trong một tiếng rưỡi đồng hồ nộp đủ 62 tạ. Rồi đồng bào còn tự động đi gánh giúp các thôn khác. Thôn Liên Đôi, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ nộp đủ 74 tạ.

Xã Hải Châu, chỉ trong một ngày rưỡi nộp xong 1.150 tạ, vượt mức 32 tạ. Cán bộ lại thanh toán xong nợ Chính phủ mắc của dân, miễn thuế và giảm thuế đúng mức cho dân nghèo. Thành thử thuế thu nhanh chóng, vượt mức, nhân dân lại phấn khởi, vui vẻ tăng gia sản xuất và hăng hái làm công việc kháng chiến.

Kết luận: Nhân dân ở đâu và lúc nào cũng hăng hái, chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng đúng đắn. Nếu cán bộ tẩy trừ sạch bệnh quan liêu và ích kỷ, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì to mấy, khó mấy cũng thành công.

Đ.X.
Báo Cứu quốc, số 2573, ngày 12-4-1954

*

*          *

CÁCH NÓI CỦA QUẦN CHÚNG

Phụ nữ xã T.T. họp, một cốt cán là chị Nâu hướng dẫn. Chị Nâu nói: Hôm nay chị em ta họp để bàn cách chia ruộng đất thế nào. Ví dụ, nay chị em ta hái được một buồng chuối, có nải to nải nhỏ, thì chia thế nào cho đều được?

Một chị nói: “5 ngón tay có ngón dài, ngón ngắn. Chị em ta phải thương yêu nhau, nhường nhau, chứ thế nào nải to, nải nhỏ cũng có chênh lệch một tí”.

Chị Nâu nói: “Thế thì ruộng đất cắt ra thật đều mà chia có được không?”.

Một chị khác nói: “Không, ta phải nhân nhượng nhau chứ?”.

Chị Nâu lại nói: “Hái được buồng chuối, tôi giữ nải to lại nhiều quả, chị em thì giữ nải nhỏ, như vậy có nên không?”.

Các chị em đều nói: “Không nên, chuối là của chung, một người giữ nhiều quá để chị em khác không có thế là không thương yêu nhau”.

Chị Nâu nói tiếp: “Thế thì ruộng đất chúng ta đấu tranh được, người nhận được nhiều có nên rút bớt chia cho người khác không?”. Mọi người đều tán thành rút bớt. Chị Nâu kết luận: “Thế thì chúng ta phải đoàn kết thương yêu nhau để chia ruộng đất. Người nhận nhiều ruộng phải nhường bớt để chia cho người thiếu hoặc không có ruộng đất”. Tất cả chị em vui vẻ tán thành.

Trong cuộc khai hội, ai cũng có ý kiến, cũng tham gia hoặc bàn bạc. rồi ai cũng hiểu chính sách và tán thành chính sách. Cuộc họp đã vui vẻ lại không tốn nhiều thì giờ.

Đó là cách khai hội, cách bàn bạc của quần chúng và kết quả tốt của nó.

Đó là điều mà cán bộ ta nên học tập để tránh những “khách quan chủ quan, tích cực tiêu cực, sự thực cầu thị, dây muống dây cà…” mà kết quả là kéo dài thời giờ, quần chúng ít hiểu.

Cách nói không mất tiền mua,

Giản đơn, dễ hiểu, thì vừa tai dân

Đ.X.
Báo Cứu quốc, số 2574, ngày 14-4-1954

*

*          *

MẤY KHUYẾT ĐIỂM CỦA BÁO CHÍ TA

So với mấy năm trước, thì nay báo chí ta có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Vài thí dụ:

Đối với các ngành hoạt động, nêu các thành tích - thế là đúng nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?

Về thi đua tăng gia sản xuất thì các báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ như: Nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngăn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa…

Lại thí dụ như các hội đổi công ở nông thôn, các báo chí ta chỉ nêu những con số phát triển, nhưng không nghiên cứu kỹ càng những hội ấy có ưu điểm gì, để giúp họ phát triển; có khuyết điểm gì để giúp họ sửa đổi; những khó khăn gì, để giúp họ giải quyết.

Nói tóm lại: Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi với quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

C.B.
Báo Nhân Dân số 181,
từ ngày 1 đến ngày 5-5-1954

*

*          *

CHỚ KIÊU NGẠO, PHẢI KHIÊM TỐN

Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo.

Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực, nói thẳng…

Kết quả của bênh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Đại đa số chúng ta thì trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít. Có như thế mới làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta.

Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy, mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi.

Thế là khiêm tốn. Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.

C.B.
Báo Nhân Dân số 181,
từ ngày 1 đến ngày 5-5-1954

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: