NỮ ANH HÙNG GIAO THÔNG
Chị Đ. quê ở Hưng Yên,
Giao thông một huyện gần miền hoả xa.
Từ tiếng súng bùng kháng chiến,
Huyện chị Đ. giặc chiếm xung quanh.
Mỗi năm mấy cuộc "tảo thanh",
Xóm làng xơ xác, cỏ xanh ngập đồng.
Tuy vậy, dân ta vẫn một lòng kiên quyết,
Quyết làm sao tiêu diệt giặc Tây.
Cho nên: Đấu tranh càng tiến càng gay,
Nhóm kia bị quyét, nhóm này nổi lên.
Trong lúc đó, chị Đ. phụ trách đi làm trạm giao thông bí mật khắp các làng trong huyện.
“Đi đêm nhiều, gặp ma”,
Chị Đ. bị bắt, bị tra sáu lần.
Nhưng lần nào chị cũng giấu được tài liệu, không để lọt vào tay địch. Chị bị địch tra tấn dã man: Mấy lần chết đi, sống lại, kiên quyết không nói một lời. Lần thứ 6, chị bị đánh tợn hơn, bị giam lâu hơn hết. Rồi một tên nguỵ binh đòi lấy chị làm vợ. Chị “tương kế, tựu kế”:
Miễn là ích nước lợi dân,
Hy sinh nào quản chi thân phận mình.
Từ đó, chị ra sức thăm dò tin tức, bí mật viết lại và nhờ người chuyển đến các nơi. Nhờ vậy:
Mấy lần quân địch đi càn,
Ta đều biết trước, sẵn sàng phản công.
Một hôm, nhân lúc trong đồn địch lộn xộn, chị Đ. bỏ trốn. Vừa bỏ vừa chạy mấy cây số, đến một ao rau muống, chị lặn dưới ao suốt một ngày. Đến tối, chị mới mò lên, tìm về địa điểm bí mật. Thật là:
Mấy phen chìm nổi, lênh đênh
Mà lòng kháng chiến trung trinh không sờn.
C.B.
Báo Nhân dân số 55, ngày 24-4-1952
*
* *
ĐẠO ĐỨC LAO ĐỘNG
Sau đây là mấy ý kiến của Lênin và Stalin đối với người lao động và chiến sĩ thi đua:
Lênin nói: Công nhân và nông dân… cần phải săn sóc nhà máy và ruộng đất như săn sóc của riêng của mình.
Chủ nghĩa cộng sản là… công nhân tự giác, tự động, tăng năng suất lao động cao hơn năng suất ở các nước tư bản.
Stalin nói: Chỗ xuất sắc nhất của phong trào thi đua là nó làm cho người ta thay đổi thái độ đối với lao động. Trước kia người ta cho lao động là việc nặng nề, xấu hổ. Nay lao động là sự nghiệp vinh quang, vẻ vang, vui thú và anh dũng.
Kế hoạch sản xuất là hành động thực tế của hàng triệu người… Nó là thiết thực, vì nó là chúng ta, là ý chí lao động của tất cả chúng ta, là quyết tâm công tác theo lề lối mới, quyết tâm thực hiện kế hoạch của chúng ta.
Phong trào thi đua đã chứng tỏ: Một số người làm việc kém, một số người làm việc khá, lại có một số người làm rất giỏi - theo cho kịp những người làm rất giỏi để phổ biến việc nâng cao năng suất, thế là thi đua.
Anh hùng lao động là những người cố gắng làm cho giỏi, ra sức phụng sự nhân dân.
Chiến sĩ thi đua… là những gương mẫu làm việc đúng đắn và thiết thực. Họ quý trọng thời giờ. Trong công tác nhưng họ không lãng phí một phút nào, mà cũng không lãng phí một giây nào.
Đ.X.
Báo Cứu quốc số 2092, ngày 4-6-1952
*
* *
CHỐNG QUAN LIÊU, THAM Ô, LÃNG PHÍ
Vì quan liêu, tham ô, lãng phí có hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho đoàn thể, cho kháng chiến và kiến quốc, nên mọi người có quyền và có nghĩa vụ phải chống. Bước đầu thì chống bằng cách kiểm thảo và phê bình. Còn những người, những cơ quan hoặc đoàn thể nào phạm những điều ấy, thì cần phải thật thà và công khai tự kiểm thảo và kiên quyết sửa đổi.
Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Xong những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt bắt chim”, thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí.
Chúng ta nhiều công việc, ít kinh nghiệm, không tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, mà sợ không kiên quyết tự kiểm thảo và sửa chữa.
Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta.
C.B.
Báo Nhân Dân số 68, ngày 31-7-1952
*
* *
*
* *
MỪNG KÊNH VÔNGA - ĐÔNG HOÀN THÀNH (27-7-1952)
Xưa có câu:
Đào núi và đắp bể
Luyện đá vá trời xanh,
Việc gì, dù khó mấy
Quyết chí, ắt làm thành.
Ngày nay:
Chính sách Stalin
Quyết xây dựng hòa bình,
Và gìn giữ hòa bình,
Tạo phúc cho dân sinh.
Cho nên:
Cuộc thi đua ái quốc
Quýnh toàn dân Xô - Liên,
Công nông và trí thức,
Phụ nữ và thanh niên,
Người người đều thi đua,
Góp sức và góp tiền.
Kết quả là:
Kinh đào Vôn ga - Đông,
Hôm nay mừng thành công,
Mỹ xưởng điện khổng lồ
Tung điện ra khắp vùng
Kênh hơn bảy trăm dặm
Rất tiện cho giao thông,
Hăm tám triệu mẫu cát
Thành ruộng cho nhà nông.
Vì vậy:
Nước đã mạnh, thêm mạnh.
Dân đã giàu, càng giàu.
Thái bình và hạnh phúc,
Hưởng mãi muôn đời sau.
*
* *
Nước ta đang kháng chiến
Để diệt lũ thực dân.
Khi kháng chiến thắng lợi,
Ta xây dựng dần dần.
Liên Xô đã bước trước,
Việt Nam sẽ tiến sau.
Ta ra sức thi đua,
Thành công ắt cũng mau.
Ta mừng Vônga - Đông,
Ta phất ngọn cờ hồng.
Và hô to:
Kháng chiến nhất định thắng lợi!
Kiến quốc nhất định thành công!
C.B.
Báo nhân dân số 69, ngày 7-8-1952
*
* *
MỘT LÀNG TIÊN TIẾN KIỂU MẪU
Là làng Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sau khi nghiên cứu kỹ và hiểu rõ kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, đồng bào toàn xã cùng nhau kiểm điểm: Mình đã tiết kiệm chưa? Kết quả là thấy rõ mỗi năm nhân dân toàn xã đã lãng phí 12 vạn nhân công, nghĩa là ta có thể cày cấy thêm 1.000 mẫu ruộng. Thấy như vậy kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, lập chương trình nghề nghiệp phụ như kéo sợi, làm vải, vân vân. Rồi phân công cho mọi người từ các cụ già đến các em bé, ai cũng có việc làm. Thế là:
Phân công hợp lý cả làng.
Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua.
Một mùa gặt bằng hai mùa.
Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây.
Chúng tôi chúc đồng bào Thọ Xuân thành công và mong đồng bào các nơi khác cố gắng thi đua với đồng bào Thọ Xuân.
Đ.X.
Báo Cứu quốc số 2141, ngày 12-8-1952
*
* *
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ
Ngày 8-3-1909, công nhân phụ nữ Mỹ có cuộc đấu tranh to.
Năm 1910, Đại hội Phụ nữ quốc tế quyết định lấy ngày 8-3 làm Ngày Quốc tế phụ nữ.
Năm 1911, phụ nữ nhiều nước bắt đầu kỷ niệm ngày 8-3.
Năm 1917, phụ nữ Nga kỷ niệm ngày 8-3 rất to và đã ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
Năm 1924, phụ nữ Trung Quốc bắt đầu kỷ niệm 8-3 ở Quảng Châu.
Năm 1930, phụ nữ Việt Nam kỉ liệm 8-3 ở nhiều nơi.
Nhân dịp này, tôi xin nêu một số thành tích của phụ nữ, đặc biệt là của chị em Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam ta.
Ở Liên Xô, trong mọi ngành chính trị, kinh tế, văn hóa, phụ nữ đều gánh một phần nhiệm vụ quan trọng như:
Xô Viết tối cao toàn Liên Xô có 280 đại biểu phụ nữ;
Xô Viết tối cao các nước cộng hòa, 1.500 đại biểu phụ nữ;
Xô Viết các địa phương, 50 vạn đại biểu phụ nữ;
Trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp, 38 vạn kỹ sư, và nhân viên chuyên môn phụ nữ;
Chiến sĩ lao động thi đua, 73 vạn người;
Anh hùng lao động, 2.170 người;
Giáo viên, giáo sư, 1 triệu người;
Bác sỹ, y tá, 1 triệu người;
Mẹ anh hùng (có 10 con trở lên), 35.000 người.
Ở Trung Quốc, Chủ tịch ủy ban xã, ủy ban tỉnh, đến các bộ trưởng và Phó Chủ tịch Chính phủ Trung ương, đều có phụ nữ.
Trong các Ủy ban Quân sự cũng có phụ nữ.
9 phần trăm các chiến sĩ và anh hùng lao động là phụ nữ
60 phần trăm phụ nữ nông dân tham gia hội đổi công, hợp tác xã
Gần 27 triệu phụ nữ nông dân tham gia nông hội…
Trong Phong trào bảo vệ hòa bình thế giới, phụ nữ cũng giữ một địa vị quan trọng. Nhiều phụ nữ đã được vinh dự nhận Giải thưởng Hòa Bình quốc tế Stalin, như bà Tống Khánh Linh (Trung Quốc), Phác Chính Ái (Triều Tiên), Phen-tông (Anh), Cô-tông (Pháp), Brăngcô (Brêdin).
Ở Việt Nam ta, trong phong trào thi đua diệt giặc lập công, tăng gia sản xuất, phục vụ chiến dịch, bình dân học vụ, du kích, nữ anh hùng, nữ chiến sỹ và nữ thanh niên xung phong đã có nhiều thành tích vẻ vang. Chúng ta cũng nhớ công ơn các bà mẹ và chị chiến sỹ.
Năm nay, trong việc phóng tay phát động quần chúng để triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, phụ nữ ta, trước nhất là phụ nữ nông dân, cần phải hăng hái tham gia, thi đua thực hiện chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận. Mong rằng ngày 8-3 năm sau, phụ nữ ta sẽ có quyền tự hào mà tuyên bố trước phụ nữ thế giới rằng: “Chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ”.
C. B.
Báo Nhân Dân số 98,
từ ngày 6 đến ngày 10-3-1953
*
* *
CỘT DÂY THÉP
Tôi đi công tác qua làng T.L., đồng bào đang khai hội, kiểm điểm công tác thuế nông nghiệp. Tôi cũng tham gia. Đến mục phê bình và tự phê bình, dân làng phát biểu ý kiến rất sôi nổi. Một chị phụ nữ nói: "Gần làng ta, có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống đã 4,5 hôm mà các anh cán bộ vẫn chưa cho thay cột khác. Thế là không biết giữ gìn của công, như lời Bác dạy..." Chủ tịch xã và Bí thư chi bộ đến nhận lỗi và hứa sáng hôm sau nhất định sửa lại cột dây thép.
Tiếp lời, mấy thanh niên nông dân nói: "Đó là khuyết điểm chung của mọi người. Sáng mai, thanh niên nhất định xung phong trồng lại cột dây thép". Mọi người vỗ tay.
Một cụ phụ lão nói: "Bảo vệ của công là bổn phận của mọi người công dân. Tôi đề nghị: Từ nay hễ ai thấy đường hỏng hoặc cột dây thép xiêu ngả, thì phải lập tức báo cáo để động viên dân làng đi chữa ngay". Mọi người vỗ tay tán thành.
Tôi mừng thầm: Nhân dân, bộ đội, cán bộ đều biết bảo vệ của công, đó là thêm một bằng chứng tỏ rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.
C.B.
Báo Nhân Dân số 103,
từ ngày 26 đến ngày 30-3-1953
*
* *
CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU
Từ ngày Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô lãng phí, bằng cách giáo dục tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và những cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa.
- Các báo chí cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên.
Khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không lên vội đăng mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực.
Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối liên hệ giữa báo chí với quần chúng càng thêm chặt chẽ và việc quần chúng là báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả thêm.
- Các cơ quan và các cán bộ lãnh đạo thì cần liên hệ những việc kiểu mẫu, với công tác của ngành mình và do đó mà mở rộng phong trào phê bình từ trên xuống dưới. Không nên vì việc phê bình ấy không quan hệ trực tiếp với ngành mình mà không nghiên cứu. Cũng không nên tách rời việc phê bình với công tác hàng ngày.
Trong việc “3 chống”, các báo chí cũng như các cơ quan, cần nhằm vào cải tạo tư tưởng. Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, thì tránh được nhiều khuyết điểm.
- Những người bị phê bình (cán bộ hoặc cơ quan), thì phải thật thà tự kiểm thảo trước quần chúng (đăng lên báo), phải quyết tâm sửa đổi. Đè nén phê bình, hoặc phớt phê bình, cũng là tội lỗi.
Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí.
Khéo lãnh đạo, thì đó là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch, để đẩy mạnh công việc kháng chiến và kiến quốc.
C.B.
Báo Nhân Dân số 116,
từ ngày 6 đến ngày 10-6-1953
*
* *
HẠT ĐỖ TRẮNG VÀ HẠT ĐỖ ĐEN
Đồng chí Nguyên đi dự lớp chỉnh huấn về, quyết tâm sửa chữa sai lầm, phát triển ưu điểm.
Ngoài những cuộc tự phê bình và phê bình ở chi bộ, đồng chí Nguyên dùng một cách tự kiểm thảo như sau:
Đồng chí ấy sắm 2 cái ống và 2 nắm đỗ: - 1 nắm đỗ đen và 1 nắm đỗ trắng. Mỗi khi mắc một khuyết điểm, thì bỏ một hạt đỗ trắng vào ống B. Cứ 10 hôm thì đưa hai ống đỗ ra đếm một lần.
Lần đầu tiên, thấy đỗ đen nhiều hơn đỗ trắng.
Lần thứ hai, hai thứ đỗ bằng nhau.
Lần thứ ba, đỗ trắng nhiều hơn đỗ đen.
Cứ như thế mãi, mỗi lần đỗ trắng càng nhiều thêm, đỗ đen càng ít đi, cho đến ngày gần đây, đồng chí Nguyên thấy không còn đỗ đen, chỉ có đỗ trắng. Anh em cũng đều nhận thấy đồng chí Nguyên tiến bộ nhiều.
Nhưng đồng chí Nguyên thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã tiến bộ, không phụ công ơn Đảng giáo dục. Lo sợ vì không khéo thì sẽ mắc bệnh tự kiêu, tự mãn, đỗ đen sẽ lại mọc lên.
Cách tự kiểm thảo ấy rất tốt. Địch, bạn rõ ràng, phải, trái rõ ràng, đen, trắng rõ ràng, thì lập trường và tư tưởng cũng rõ ràng.
C.B.
Báo Nhân Dân số 116,
từ ngày 6 đến ngày 10-6-1953
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa