Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

ÔNG TRỜI CÓ MẮT

Đó là một câu nói của Việt Nam, nghĩa của nó là “ông trời có mắt”. Từ khi nước Pháp thất bại thảm hại và đầu hàng, câu nói đó rất thịnh hành ở Việt Nam. Ký giả lúc đầu không rõ lý do tại sao, sau được một người bạn Việt Nam giải thích rằng: Hồi thế kỷ XIX, người Pháp phải mất 20 năm từ 1862 đến 1883 mới chinh phục nổi Việt Nam, vậy mà nay, chưa được vài tháng, nước Pháp đã hoàn toàn bị nước Đức chinh phục! Trước kia, đế quốc Pháp chiếm cả một khu vực rộng 12.000.000 cây số vuông, cai trị 60.000.000 dân thuộc địa, vậy mà nay, ba phần năm nước Pháp bị người ta chiếm đóng, 28 triệu người Pháp hóa thành dân mất nước, 14 vạn người chết trận, hơn 20 vạn người bị thương, 25 vạn người chạy ra nước ngoài, 2 triệu người bị bắt làm tù binh trở thành nô lệ cho quân Đức! Trước kia, đế quốc Pháp bóc lột vơ vét tận xương tủy dân Việt Nam và dân các xứ thuộc địa, vậy mà nay, nước Pháp mỗi ngày phải cung phụng cho quân Đức 400 triệu Phrăng, phải nộp 58 % bột mì, các nguyên liệu khác cũng bị  vơ vét mang đi sạch, đến nỗi 9 phần 10 dân vùng Pari thất nghiệp, dân chúng cả nước, chịu đói rét. Tất cả, tất cả những chuyện ấy chẳng phải là “ông trời có mắt”, đang trả thù cho các dân tộc nhỏ yếu chúng ta đó sao? Lại nữa, người Pháp đều gọi tất cả những cái gì là không hợp lý, là kệch cỡm bằng từ Chinoiserie, tức là “kiểu Tàu”, nay Pháp chịu quỳ gối đầu hàng, còn Trung Quốc thì anh dũng kháng chiến đã hơn ba năm và càng đánh càng mạnh, vậy từ nay, phàm tất cả những gì là nhu nhược, là đớn hèn, chúng ta có thể gọi đó là “kiểu Pháp” được rồi! Âu đó cũng là “ông trời có mắt”…

Ông bạn tôi vui vẻ kết luận: “Nếu dân tộc Trung Quốc và Việt Nam có thể sát cánh chặt chẽ với nhau, đá cho đế quốc đang áp bức chúng ta cút đi, thế thì ông trời chẳng những có mắt mà còn có cả chân nữa!”

*

*          *

TRÒ ĐÙA DAI CỦA RU-ĐƠ-VEN TIÊN SINH

Năm 1760(?), nước Mỹ một mình đơn độc chống lại người Anh. Để kéo cái đuôi con sư tử Grăng Brơtanhơ, Hoàng đế Pháp, phái tướng La Phayét thống lĩnh lính tình nguyện đạp sóng cưỡi gió, vượt trùng dương, đến Tân Thế giới để giúp người Mỹ đánh người Anh.

Trong chiến tranh đế quốc lần thứ Nhất, các nhà tư bản Mỹ cho Anh, Pháp và các nước đồng minh khác vay khá nhiều tiền. Đánh nhau đã hơn 20 năm, liên quân vẫn chưa nắm chắc phần thắng. Nếu quân Đức thắng, các nhà tư bản Mỹ lỗ vốn to. Cho nên Chính phủ Mỹ bèn cử tướng Pershinh chỉ huy đại đội binh mã, đạp sóng cưỡi gió, vượt trùng dương sang Cựu Thế giới để giúp Anh, Pháp đánh Đức.

Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Pháp, việc đầu tiên tướng Pershinh làm là dẫn tất cả nhân viên trong Ban Tham mưu và cử quân đội đến đặt vòng hoa trước mộ La Phayét. Vị nguyên soái Mỹ đã đọc trước mồ vị tướng Pháp một bài diễn từ có thể nói là tráng liệt nhất, hùng hồn nhất và cũng gọn nhất thế giới. Ông ta nói: “La Fayette – we are here”. Chỉ có bốn chữ, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Vẻn vẹn có mấy chữ mà ý nghĩa thật sâu sa. Có thể hiểu: “Chúng tôi đến để lấy đức trả đức” - thực ra là lấy oán trả “đức”, cũng có thể hiểu: “Thế kỷ trước các anh giúp chúng tôi đánh người Anh, đâu phải vì nhân đạo công lý quái gì, chẳng qua các anh muốn làm suy yếu thế lực của Anh. Nay chúng tôi giúp các anh đánh người Đức, cũng đâu phải vì tự do dân chủ, chẳng qua chúng tôi muốn thu hồi những món nợ của nước Mỹ. Dù sao, ơn huệ trước kia của các anh, chúng tôi giờ đã trả đủ, không bớt một chút xíu. Những món nợ hiện nay của phố Uôn, sau chiến tranh, các anh cũng phải hoàn trả đủ số.

Hai mươi lăm năm trước, tướng Pershinh là tử thù của người Đức, là đồng sự trong thắng lợi của tướng Pêtanh. Nhân tài ngoại giao của nước Mỹ đâu ít, vậy mà Tổng thống Ru-đơ-ven cứ khăng khăng cử một ông già đã ngoài tám mươi sang làm đại sứ ở Pháp, chắc không ngoài dụng ý chọc tức người Đức và làm bẽ mặt Pêtanh.

Ru tiên sinh thật đúng là chơi trò đùa dai.

Bình Sơn
Cứu vong nhật báo (Trung Quốc)
ngày 27-11-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

*

*          *

HAI CHÍNH PHỦ VÉC-XÂY

Ngày 23-11 các báo đều đưa tin điện của Mỹ: Chính phủ Visi sắp rời về Véc-xây. Tin này làm người ta nghĩ ngay đến lịch sử ô nhục của Véc-xây. Hồi thế kỷ XVIII, Lu-i 14 tự xưng là “Vua mặt trời” bóp nặn xương máu của bao nhiêu dân chúng Pháp, xây lên ở nơi cách Pa-ri chừng hai mươi dặm một cung điện to tát, lộng lẫy nhất thế giới. Bọn vương công quý tộc Pháp, “cha truyền con nối” sống những ngày cực kỳ xa hoa dâm dật. Một hôm bà hoàng Lu-i 16 nghe tả hữu than rằng dân Pháp đang đói to. Bà ta ngạc nhiên hỏi lại: “Sao họ không ăn thịt?!”. Chuyện vớ vẩn tạm bớt nói, xin vào câu chuyện chính.

Năm 1870, Pháp – Đức chiến tranh Napôlêông 3 đại bại ở Xơđăng. Quân Đức liên tiếp tấn công vua Phổ một mặt lên ngôi hoàng đế ở Véc-xây, một mặt đốc quân bao vây Pa-ri. Dân chúng Pa-ri chủ trương kháng chiến đến cùng, còn Tổng thống Pháp – Nguyên soái Mác Mahông và Thủ tướng của ông ta là Chie lại chủ trương đầu hàng. Bởi vậy, họ đã phái quân đội đi bắt dân chúng phải giao nộp vũ khí. Quân đội được cử đi làm nhiệm vụ lại liên hiệp với nhân dân. Tổng thống và Thủ tướng bèn đang đêm trốn khỏi Pa-ri, thành lập Chính phủ mới, rồi van xin quân Đức giúp chúng tàn sát nhân dân Pa-ri. Đó là Chính phủ Véc-xây thứ nhất.

Trong cuộc chiến tranh năm 1940, nước Pháp cũng thất bại tơi bời. Quân Đức liên tiếp tấn công, Chính phủ chuyển đi chuyển lại, cuối cùng chuyển đến Visi, nơi chuyên chữa trị bệnh ngoài da. Phải sau mấy lần La-van khóc lóc, xin xỏ, Hítle mới cho phép họ dời về Véc-xây, nhưng chỉ được làm việc ở khách sạn Trê-năng chứ không được dọn vào cung điện Véc-xây. Cái nhục vong quốc có thể nói đến thế là cùng!

Con cháu đời sau có thể nghĩ rằng, cách nhau 70 năm, lịch sử nước pháp đã in lầm mất một trang. Vì lẽ hai Chính phủ Véc-xây giống nhau như đúc, cùng đẻ ra trong thất bại của chiến tranh, đều do Nguyên soái làm Tổng thống, đều do luật sư làm Thủ tướng, đều là những anh hùng bán nước! Người Pháp giỏi hài hước gần đây truyền nhau một câu đối rằng:

“Tổng thống, hai tên nguyên soái, đều phường ăn hại

Thủ tướng, một cặp luật sư, rặt lũ bỏ đi”

Bình Sơn
Cứu vong nhật báo (Trung Quốc)
ngày 29-11-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

*

*          *

MẮT CÁ GIẢ NGỌC TRAI

Ở vùng địch chiếm đóng, đa số dân lành không muốn sống dưới gót sắt của giặc lùn. Họ chẳng quản ngần ngại hi sinh tất cả để được trở về trong lòng Tổ quốc. Lợi dụng cơ hội này, địch cho tay chân của chúng đóng giả dân lành, chui vào hậu phương, vừa để tung tin đồn nhảm, vừa để dò la tình hình quân ta. Cái trò mắt cá giả ngọc trai này đã bị chúng ta lật tẩy. Có một trò mắt cá giả ngọc trai khác, chúng ta cũng phải hết sức chú ý.

Phong trào dân tộc Việt Nam hiện nay đang lên mạnh, ai cũng biết cả. Công cuộc giải phóng của Việt Nam không thể tách rời ba điều quan trọng: 1- Liên Hoa; 2- Kháng Nhật; 3- Bài Pháp. Ba điều đó thiếu một không được. Giặc lùn căm nhất là hai điều đầu tiên. Cho nên chúng tìm mọi cách, hòng chia rẽ lực lượng nhân dân Việt Nam và làm mê hoặc hướng đi của họ. Thậm chí người Nhật còn lập ra “Đảng Cách mệnh” Việt Nam giả, giống như chúng đã tổ chức “Quốc dân đảng” giả và “Hội Cứu quốc” giả trong vùng chiếm đóng.

Hôm qua, sau khi đọc Tuyên ngôn của “Đảng thống nhất cách mạng Việt Nam”, ký giả thấy có điều kỳ lạ.

Thứ nhất - bản Tuyên ngôn này công bố ngày 12-10, đúng vào dịp Nhật đánh chiếm Bắc Kỳ, uy hiếp Sài Gòn, vậy mà trong Tuyên ngôn không có một chữ nhắc đến việc chống Nhật.

Thứ hai - phong trào giải phóng của Việt Nam là một mắt xích của mặt trận giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đặc biệt nó là một cánh quân của cuộc kháng chiến cách mạng Trung Quốc. Liên hệ mật thiết với Trung Quốc là một trong những điều kiện tối quan trọng của phong trào giải phóng của Việt Nam. Vậy mà trong Tuyên ngôn không có một chữ nhắc đến Trung Quốc.

Thứ ba - Cường Đế (xuất thân hoàng tộc Việt Nam được giặc Nhật nuôi nấng 35 năm nay, chuẩn bị để về làm bù nhìn. Mấy tháng trước, ông ta cùng với lũ lâu la họp ở Quảng Châu (xem các báo). Ở Việt Nam, họ cho xuất bản ba tờ báo thân địch, tài liệu và kinh phí do giặc Nhật cung cấp, vậy mà Tuyên ngôn lại công nhận lũ Việt gian ấy là đảng cách mạng. Cứ thế mà suy đủ thấy dụng ý của bản Tuyên ngôn này, một là mưu toan ly gián tình cảm giữa hai nước Trung-Việt, hai là mưu toan đánh lừa tai mắt người Việt. Trong các đảng phải yêu nước của Việt Nam, rất nhiều người sáng suốt, họ nhất định không bao giờ phát biểu những bài vô lý kiểu đó.

Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó.

Bình Sơn
Cứu vong nhật báo (Trung Quốc)
ngày 5-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

*

*          *

Ý ĐẠI LỢI THỰC BẤT ĐẠI LỢI

Đánh bạc với chiến tranh là thủ đoạn quen dùng của giai cấp thống trị Ý. Trước năm 1914, Ý là đồng minh của Đức. Sau khi cuộc chiến tranh đế quốc lần thứ nhất nổ ra, thấy trong túi của Anh, Pháp, Mỹ đầy ắp những tiền, máu tham nổi lên, bất chấp tình nghĩa, Ý đã bán đứng bạn đồng minh của mình, gia nhập liên minh, tuyên chiến với Đức. Ý chắc mẩm lúc đó Đức đã bị Anh, Pháp, Nga bao vây chặt, chỉ cần Ý tham gia là chiến tranh sẽ dễ dàng thu được thắng lợi. Khi đại bộ phận quân Đức bị giam chân ở Véc-xây, quân Ý bèn ào ào tiến quân vào Bắc Biacôvi với khí thế như rời non lấp biển. Dè đâu chưa kịp vượt sông thủy quân Ý đã bị quân Đức đánh cho tan tác tơi bời, không còn một mảnh giáp. Ngày chiến tranh Châu Âu kết thúc, ở Hội nghị Véc-xây, Ý được hưởng phần ăn chia chẳng bõ bèn gì so với cái đã mất.

Trong cuộc chiến tranh đế quốc lần này, nhà cầm quyền Ý thấy lão Hít phẩy tay một cái đã nuốt chửng bẩy nước, máu tham lại không kìm được. Thế là nó liều mạng, một mặt tấn công Ai Cập, một mặt xâm lược Hy Lạp. Ngờ đâu đại quân vừa xuất trận thì tin thất bại đã bay về như tuyết rơi. Trong cùng tháng (ngày mùng 9 tháng này), trên đất Ai Cập, quân Anh đột nhiên mở cuộc tấn công toàn diện, mấy nghìn quân Ý bị bắt làm tù binh… Dinh lũy cuối cùng của quân Ý chiếm  được ở Anbani – Agiloo Caxrorô – bị quân Hy Lạp đột phá, đó là thất bại lớn nhất của quân Ý kể từ ngày tham chiến… Quân đội Hy Lạp đã chiếm được ¼ Anbani… (tin điện Hoa Kỳ).

Trong khi đó giai cấp thống trị Ý lại gặp những chuyện bất lợi khác. Ở Tơrielít, ở Phuma và nhiều nơi khác có “phiến loạn” chống chiến tranh, chống phát xít. Ở Xanh Gô Lăng, nhân dân vũ trang nổi dậy, tập kích quân Ý, giết và làm bị thương hơn 200 binh sỹ… Xung đột kịch liệt đã xảy ra trong nội bộ đảng phát xít, đến nỗi Tổng Tư lệnh là tướng Patôgriô, Tư lệnh tiền phương là Nguyên soái Graxini… buộc phải từ chức.

Tất cả những sự việc đó cho chúng ta thấy rõ rằng giấc mộng của Mútxôlini muốn khôi phục lại Impiris Romano đã thành bong bóng xà phòng và cái ngày mà nhân dân Ý thoát khỏi gông xiềng xích phát xít đã sắp đến rồi.

Bình Sơn
Cứu vong nhật báo (Trung Quốc)
ngày 16-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh

*

*          *

TRẢ LỜI CHO BỌN DE GAULLE

Gần đây, Pháp quốc phải giải phóng ủy hội ở Alger, tuyên bố rằng sau cuộc chiến tranh này, nước Pháp sẽ sẵn lòng ban cho dân Việt Nam sự cải thiện.

Thưa Ngài, Tổ quốc của Ngài đại Pháp, đã đầu hàng Hite, một cách rất vẻ vang, hơn 500 lính và hai triệu lính của quý quốc đương bị Đức cầm tù một cách rất oanh liệt, ba phần tư non sông quý quốc đang bị người chiếm lĩnh. Bốn mươi triệu đồng bào của Ngài đang trong kiếp ngựa, trâu, nhân dân quý quốc hiện nay bánh không có ăn, áo không đủ mặc, phải quyên quần áo cũ của nhân dân Việt Nam, một triệu thanh niên nam nữ nước Ngài phải qua làm cu ly bên Đức. Xin Ngài lo cứu nước và dân tộc Ngài đã rồi sẽ nói đến việc khác; còn Việt Nam chúng tôi, 40 năm nay nhờ “công đức” của quý quốc đã nhiều lần rồi. Lần này, chúng tôi quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ ơn huệ ấy và giành lại độc lập tự do cho Việt Nam. Chúng tôi xin Ngài chớ lo! Và chúc Ngài hai chữ Thất Bại!

Hồ Chí Minh
Báo Đồng Minh số Xuân Giáp Thân

*

*          *

BỎ CÁCH LÀM TIỀN ẤY ĐI

Một ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nọ, sang dự cuộc hội họp tại một thôn bên cạnh, nhân nói chuyện về những việc cải cách trong làng mình lại khoe rằng thôn ông trong tháng vừa qua đã bán thứ vị như Chánh Phó lý, Khán thủ.

…và đã thu được một món khá lớn.

Thật là trái ngược! Nói một hội đồng kỳ mục cũ làm tiền cho dân bằng cách bán thứ vị, còn nghe được. Một ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến lại đi làm tiền theo một phương pháp cũ rích chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác.

Các ông nói: Miễn sao có tiền cho dân là được?

Không được! Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền.

Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước.

Trong lúc xung quanh mình, người ta mở ngày Vàng, ngày Văn hoá, diễn kịch để lấy tiền giúp quỹ này, quỹ khác, ủy ban đó còn quay lại lối làm tiền cũ rích, bán ngôi thứ, thật đã tỏ rõ một khối óc đặc sệt. Những cuộc “làm tiền” phải đem theo nó một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia.

Bán ngôi thứ làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa.

Lòng sốt sắng làm tiền cho dân của ông chủ tịch nọ đáng hoan nghênh thật, nhưng cách làm tiền của ông lại có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải phủi đi hết những thủ tục khác: Làm rượu ăn mừng được bầu vào ủy ban, dùng chữ nho trong những tờ thông đạt…

CHIẾN THẮNG
Báo Cứu quốc số 69, ngày 17-10-1945

*

*          *

THÊU GẤM VÀ CHO THAN

Người Tàu có câu thơ:

Thêu hoa trên gấm, bao nhiêu kẻ,

Gặp tuyết cho than, được mấy ai.

Ngày nay, chắc bà Tưởng Giới Thạch lòng ngậm ngùi đọc hai câu thơ ấy. Năm xưa, ông Tưởng đang có thế lực to lớn, bà Tưởng đi sang Mỹ, Chính phủ Mỹ đón tiếp bà hết sức long trọng.

Bà đến trường bay thì các vị bộ trưởng, các nhà lãnh tụ, quân đội, đoàn thể và nhân dân kéo đến hoan nghênh bà như một vị đế vương.

Bà được mời trú ở phủ Tổng thống. Bà được mời đến diễn thuyết trong Quốc hội. Bà đi đâu thì có xe đưa đặc biệt. Và đến đâu thì hàng triệu người Mỹ ra hoan nghênh. Trong mấy hôm bà ở Mỹ, các báo Mỹ ngày nào cũng tâng bốc bà. Họ kể tỉ mỉ những kiểu giầy bà đi, những thứ hoa bà cầm…

Nói tóm lại, hồi đó Mỹ đã tung bà lên chín tầng mây xanh. Nghĩa là người Mỹ đã thêu thêm hoa trên bức gấm đã sẵn đẹp.

Ngày nay, ông Tưởng thua trận này đến trận khác. Ông dọa ông sẽ tự tử. Bà Tưởng vội sang cầu cứu Mỹ. Thì nay người Mỹ đối với bà thế nào?

Sau đây những tin tức của hãng thông tin Mỹ nói về bà Tưởng: “Sự sốt sắng trước kia của các giới trong Quốc hội Mỹ đối với bà Tưởng, nay đã nguội lạnh rõ ràng. Ông nghị viện Bờ-lum (Bloom) trước đây đã xin Quốc hội mời bà đến tỏ bày ý kiến. Nay ông Bờ-lum đã tuyên bố rằng bà Tưởng không được mời!”.

Nghị viện kiêm Trưởng ban Ban Viện trợ ngoại quốc là ông Smith tuyên bố rằng: Ban ấy không muốn làm điều gì có thể làm cho Chính phủ Mỹ can thiệp vào việc nước Tàu.

Nghị viện kiêm Trưởng ban Ban Ngoại giao là ông Côn-na-ly tuyên bố ông Tưởng nên tự cứu trước, rồi nhờ Mỹ cứu sau.

Hãng thông tin ấy viết thêm: Các giới chính trị Mỹ tiếp đón bà Tưởng một cách rất lạnh lùng. Ngoài một viên nghi lễ, không có ai trong Chính phủ Mỹ đến trường bay đón bà.

Tệ hơn nữa là các báo Mỹ còn nhạo báng bà Tưởng một cách rất mỉa mai. Thí dụ báo Hoa Thịnh Đốn (Washington Post) vẽ bà Tưởng mặc áo tiên nữ ghẹo ông già Mỹ đang đứng dựa vào tủ bạc với nét mặt ghê gớm. Bà Tưởng nói khẽ với già Mỹ: “Chúng ta đi tàu thủy vào Tàu, anh muốn không? Đi tàu thủy để kéo dài thì giờ”.

Tờ thông tin, Thời báo (Times Herald) là báo to nhất ở Mỹ thì vẽ ông Tưởng với một võ quan miệng ngậm xì gà, mắt nhìn bức địa đồ một cách mơ màng. Già Mỹ hé cửa nhìn vào và hỏi hai người: “Này, sao hai ông không đi thăm một mặt trận một chút?”.

Lần này bà Tưởng sang Mỹ không kèn không trống, không tiếp bước, không hoan nghênh, mà chỉ có lạnh lùng và nhạo báng!

Thế là trong lúc bà Tường đang bị sương tuyết lạnh lùng thì người Mỹ chẳng ai cho bà một chút than cho đỡ rét. Song không trách được người Mỹ. Vì họ Tưởng đã đi ngược với quyền lợi của nhân dân Tàu, thì dù Mỹ có giúp thêm nữa thì nhân dân Tàu cũng không theo họ Tưởng.

A.G
Sự thật, số 106 và 107 năm thứ X,
Xuân Kỷ Sửu (1949)

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: