Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh (Phần 2)

Phần 2: Nghệ thuật ngôn từ trong tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh

1. Nghệ thuật sử dụng vốn từ thuần Việt

Do đặc điểm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thông tin - chính luận và ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật, nên tiểu phẩm cho phép sử dụng một cách phong phú các lớp từ của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy vậy, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, cuối cùng quyết định độ phong phú của từ trong tiểu phẩm. Một nguyên nhân khác cũng có vai trò quyết định trong vấn đề này, đó là tác giả. Hồ Chí Minh viết báo nói chung, cũng như viết tiểu phẩm nói riêng đều có mục đích hết sức rõ ràng là động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh vì lí tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do, vì tương lai chủ nghĩa xã hội tươi đẹp. Chính vì thế Người luôn quan tâm đến đối tượng công nông binh, chú ý sử dụng phương tiện ngôn từ diễn đạt một cách chính xác mà giản dị, dễ hiểu mà hiệu quả. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Hồ Chí Minh luôn chú ý việc giữ gìn trong sáng và làm giàu thêm vốn từ, Người dạy các nhà báo tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Chính Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về quý trọng, giữ gìn, làm phong phú thêm vốn từ thuần Việt.

Vốn từ của tiếng Việt có hai bộ phận được phân biệt. Đó là bộ phận từ thuần Việt và bộ phận từ gốc Hán, vay mượn từ tiếng Hán qua nhiều thời kỳ lịch sử. Do điều kiện lịch sử để lại nên vốn từ thuần Việt trước kia vẫn được coi là “nôm na”, chỉ được dùng trong tiếng nói hàng ngày của nhân dân, ít khi được dùng trong văn học - nghệ thuật. Trong văn chương bác học và những sự vụ hành chính quốc gia, chỉ có những từ gốc Hán mới được coi là trang nhã.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của nước ta và ngày càng phát triển. Vốn từ thuần Việt ngày càng được sử dụng một cách phong phú, sinh động, được bổ sung ngày càng nhiều để có đủ khả năng phục vụ cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Nhìn chung mà nói: “Ngôn ngữ của Bác có thể nói là đỉnh cao của tiếng Việt trong 30 năm nay. Ảnh hưởng của Hồ Chủ tịch rất lớn trong tiếng Việt. Chính Bác đã hướng dẫn cho tiếng Việt ngày càng được chuẩn hóa”.

Riêng trong tiểu phẩm, Hồ Chí Minh rất chú ý sử dụng vốn từ nôm na, thông tục một cách có chọn lọc, phù hợp với ngữ cảnh – cụ thể. Việc sử dụng tốt những từ này thật sự tạo ra được những liên tưởng bất ngờ trong hàm nghĩa tinh tế, sinh động có tác dụng trong việc vạch trần bộ mặt thật của kẻ thù để tạo nên tiếng cười châm biếm, sâu cay.

Trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, lớp từ này được sử dụng rất phong phú, đa dạng. Đọc tiểu phẩm của Người, chỗ nào cũng có thể thấy những đoạn văn như:

“Về chính trị, cần phải vạch rõ mưu mô xỏ lá của đại bợm Giôn. Càng thua Giôn càng giãy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, càng rêu rao cái món hòa bình giả dối. Từ tháng 4 năm 1965, ý đưa ra cái gọi là: “Đàm phán không điều kiện – hòng bịp bợm thiên hạ”(1). Trong đoạn văn nêu trên các từ “xỏ lá”, “bịp”, “bợm” là những từ thuần Việt, có nét nghĩa “tục”. Thông thường, trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày, những từ đó dùng để nói về những hành vi xấu xa, không chính đáng, tỏ rõ thái độ khinh bỉ, chê trách của Người nói như: “Đồ xỏ lá”, “quân bịp bợm”. Từ “bợm” được dùng để chỉ những kẻ làm việc bất chính, chuyên lừa gạt người khác, được Hồ Chí Minh dùng để chỉ Giôn-xơn, Tổng thống Mỹ. Từ “đại bợm” trong câu văn này được dùng rất logic. Giôn là “đại bợm” vì Giôn có “mưu mô xỏ lá”, vì Giôn “rêu rao cái món hòa bình giả dối”, vì y “hòng bịp thiên hạ”. Ở đây, nói theo cách nói của nhân dân thì kẻ thù bị Người “chỉ mặt đặt tên” một cách đích đáng.

Trong tiểu phẩm “Đốp! Đốp!”, Hồ Chí Minh cụ thể hóa nỗi thất bại của đế quốc Mỹ là một “cái tát”. “Đế quốc Mỹ lại bị mấy cái tát nữa”. “Vừa rồi, đế quốc Mỹ còn bị một cái tát khác nữa”(2). Đế quốc Mỹ được cụ thể hóa như một con người, một kẻ thù bằng xương, bằng thịt. Mỗi thất bại của chúng về kinh tế, chính trị và quân sự được gọi là một cái tát. Với kẻ thù như đế quốc Mỹ việc dùng từ “cái tát”, ở đây cho phép người ta hình dung, liên tưởng đến một con người, một kẻ thù bằng xương, bằng thịt cụ thể, giúp người ta hiểu vấn đề một cách sinh động, cụ thể. Nhiều khi tiếng cười trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh là được tạo nên do việc diễn đạt nội dung bằng những từ nhẹ nhàng, giản dị. “Chợt thấy mình hớ hênh, lỡ miệng, hôm 15-3-1964 tổng Giôn đã thề hết thành hoàng, thổ công rằng y tuyệt đối không có âm mưu Bắc tiến”. Tổng thống Mỹ mà “hớ hênh lỡ miệng” đi thề hết “thành hoàng thổ công”, thì thật là mỉa mai.

Những từ có nét nghĩa chửi rủa cũng được sử dụng trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, song những từ đó được sử dụng chọn lọc, tế nhị, không dùng xô bồ, vơ đũa cả nắm. Nhóm “chết người, hại của” có thể nghe thấy nhiều trong những câu chửi rủa ở nông thôn trước đây. Trong câu “Cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra chẳng những làm thiệt hại đến đồng bào miền Nam ta mà cũng làm cho nhân dân Hoa Kỳ chết người, hại của”, “chết người, hại của” dùng để biểu đạt sự thiệt hại về người và của của nhân dân Mỹ một cách ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.

Khi cần vạch trần bộ mặt thật của kẻ thù, Hồ Chí Minh dùng cả những từ như: “Đê tiện”, “xỏ lá”, “bỉ ổi”, “dơ bẩn”… thể hiện thái độ căm ghét, khinh bỉ đối với chúng. Sau một thời gian tạm ngừng, ngày 31-01-1966, Giôn-xơn lại cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc, Hồ Chí Minh gọi màn kịch ấy của chúng là “trò hề đê tiện”. Một mặt vừa tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, mặt khác Tổng thống Mỹ Giôn-xơn luôn mồm nói đến hòa bình, “thảo luận không điều kiện”… Hồ Chí Minh gọi đó là “một trò xỏ lá bỉ ổi”. Với “cuốn sách trắng” của Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam năm 1965, Hồ Chí Minh không tiếc dùng những từ xấu xa, bẩn thỉu nhất để vạch mặt thật của Mỹ. Đó “là văn kiện đen tối nhất, xấu xa nhất và dơ bẩn nhất trong lịch sử. Đó chỉ là số giấy lộn hôi tanh”(3).

“Sa lầy” trong thực tế để chỉ sự rơi vào bãi lầy – nơi bùn đất không có nền cứng. Ở những bãi lầy mà bùn loãng dày, nền đất ở quá sâu thì người hoặc động vật sa vào đó rất nguy hiểm, khó bể xoay sở và rất dễ bị thiệt mạng. Trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh viết về đế quốc Mỹ, “sa lầy” luôn được sử dụng đúng chỗ, chỉ tình thế bi đát của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

- “Giặc Mỹ thì ngày càng sa lầy về quân sự và cô lập về chính trị”(4)

- “Đế quốc Mỹ càng thất bại và sa lầy ở miền Nam Việt Nam...”(5)

- “Danh giá của Mỹ ngày càng sa lầy(6)

- “Giặc Mỹ ngày càng sa lầy về quân sự và cô lập về chính trị”(7)

Tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ tốn tiền hại của bị nhân dân Mỹ và cả thế giới yêu chuộng hòa bình lên án. Ở miền Nam Việt Nam, quân Mỹ và tay sai liên tục bị thất bại về quân sự, bọn tay sai Mỹ thì lục đục, đấm đá nhau. Mỹ rút quân ra thì tiếc miếng mồi bở đã lỡ đeo đuổi, sợ đổ bể mưu đồ ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa xã hội và cũng là sợ mang tiếng thua trận. Nhưng càng tăng cường chiến tranh thì đế quốc Mỹ càng bí, càng thất bại. Thật là một tình thế đi cũng dở, ở cũng không xong, tiến thoái lưỡng nan. “Sa lầy” được dùng trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh chỉ ra bản chất tình thế của đế quốc Mỹ và bọn tay sai ở miền Nam Việt Nam. Đó là cái “bi”, cái “bí” từ bên trong của kẻ vẫn cố tình làm bộ làm tịch. Trong tình thế “sa lầy” như thế mà Mỹ vẫn khoe khoang rằng “mạnh”, rằng “thắng lợi”, vẫn rùm beng về “thiện chí”, về “đàm phán không điều kiện”... Mâu thuẫn ấy tạo lên tiếng cười sâu sắc mà ý vị!

Trong các tiểu phẩm, có những lúc Hồ Chí Minh dùng từ “láo” hoặc từ “láo” có thêm “toét”, “xược” để vạch mặt bè lũ đế quốc xâm lược:

- “Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mặt-na-ma-ra là trạng nói láo(8).

- “Bài diễn văn láo xược của Đa-lét không doạ nổi nhân dân Châu Á”(9).

- “Nay chúng dùng việc tạm ngưng ném bom hòng ép ta nhận những điều kiện láo xược của chúng”(10).

- “Vì sao tổng Ken láo toét như vậy?”(11).

- “Tổng Giôn luôn mồm ba hoa rằng mục đích của Mỹ là hoà bình... Thật là láo toét(12).

V...v...

“Láo” thường được dùng trong trường hợp người lớn mắng trẻ con, người trên mắng kẻ dưới. Thêm vào “láo” yếu tố “xược”, một mặt tăng mức độ sự sai trái cần phê phán mặt khác đặt vị trí người phê phán cao hơn hẳn thế của kẻ bị phê phán. Thêm vào “láo” yếu tố “toét”, “láo toét” hàm nghĩa cả sự khinh bỉ của người nói hay viết. Khi dùng “láo”, “láo xược”, “láo toét” để chỉ tính chất những lời nói, hành động của kẻ thù là Hồ Chí Minh đang đứng ở thế mạnh, thế bên trên để phủ đầu, vạch mặt, giễu cợt chúng.

“Thối nát”, “hôi thối” cũng là những từ được Hồ Chí Minh dùng để thể hiện tính chất, tình trạng của kẻ thù. Người gọi Ngô Đình Diệm là “một tên độc tài thối nát và bất lực”. Chế độ bù nhìn tay sai Diệm-Nhu được Người gọi là “chế độ thối nát” hay là sự “thối nát xấu xa”.

Mùi “hôi thối” khó chịu được Hồ Chí Minh dùng để xác định tính chất xã hội nước Mỹ một cách cụ thể. Đó là xã hội “hôi thối quá, hôi thối không thể tả”(13). Vì ở đó có sự phân biệt màu da rất trắng trợn. Vì ở đó, sự choáng lộn của nhà cao tầng, những “hoa cỏ thơm tươi” chỉ là “bức màn gấm phủ trên đống rác”. Những người lao động da đen, da vàng sống “bẩn thỉu không thể tả”, nhà thương thiếu thốn, người ốm không có thuốc... Cuốn “sách trắng” của Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đầy những sự giả dối, vu cáo bị Hồ Chí Minh gọi là “quyển sách trắng hôi thối...”.

Những từ thuần Việt trong tiếng nói thường ngày của nhân dân vốn “rất giàu hình ảnh và rất trong sáng”. Dưới ngòi bút tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, vốn từ đó được sử dụng một cách nhuận nhị, có khả năng gợi cảm phong phú. Viết về sự nói, sự phát ngôn của kẻ thù, Người viết hàng trăm cách. Mỗi cách dùng từ của Hồ Chí Minh trong từng trường hợp đều diễn đạt được nhiều nhất tính chất của thông điệp và thái độ của tác giả đối với phát ngôn đó.

Ở mức độ bình thường Bác dùng từ "nói" hoặc thêm từ "nói" vào một yếu tố bổ sung nghĩa nào đó.

- “Ngài nói Mỹ là dân chủ”(14).

- “... Tổng thống Mỹ nói đại ý”(15).

- “Tổng Ai đã nói dài dòng...”(16).

Thêm “dài dòng”, sự “nói” của Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao đã một bước bị xem thường.

- “Tên chỉ huy đội này là Sơ-ri-vơ cũng nói toạc móng heo rằng”(17)

- “Tên Rát-pho, Tổng Tham mưu trưởng của đế quốc Mỹ ngày 01 tháng 3 nói trắng ra rằng”(18).

- “Tổng Giôn yêu chuộng hoà bình. Tối nào y cũng đọc kinh cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố(19).

- “Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thì nói thẳng vào mặt Lo...”(20)

v.v...

Các trường hợp trên đều có nghĩa gần nhau là nói ra một sự thật nào đó - sự thật ấy có thể tốt hoặc xấu. Nhưng cách diễn đạt, trong mỗi trường hợp đưa lại những hiệu quả thông tin riêng.

“Nói toạc móng heo” là nói ra tất cả sự thật không cần úp mở. “Nói trắng” ra cũng là nói ra sự thật nhưng thái độ kẻ nói không khiêm tốn, không được sự đồng tình của tác giả. “Trắng trợn tuyên bố” lại biểu thị sự ngang ngược, trơ tráo của kẻ nói và “điều tuyên bố” lại biểu thị sự ngang ngược, trơ tráo của kẻ nói về điều thông tin của kẻ đó không báo hiệu sự tốt lành gì. Ở “nói thẳng vào mặt” cũng là nói ra một điều gì đó thẳng thắn không úp mở nhưng hàm nghĩa khinh khi, thách thức.

Có thể thống kê một loạt các dùng từ để diễn đạt sự nói, sự phát ngôn rất phong phú mà Hồ Chí Minh đã dùng trong các tiểu phẩm châm biếm đế quốc Mỹ:

- “Đế quốc Mỹ thường khoe...”(21)

- “Mỹ thường khoe khoang…”(22)

- “Thế mà đại bợm Giôn dám ba hoa…(23)

- “Chính phủ Mỹ luôn mồm nói…”(24)

- “Trước thế giới thì Giôn rùm beng...”(25)

- “Đế quốc Mỹ lặp đi lặp lại rằng...”(26)

- “Lốt là một chính khách cáo già phản động, Y thường múa mồm rằng...”(27)

- “Cũng tên Giôn đó đã lép bép rằng...”(28)

- “Cách chức Lo, tổng Giôn còn nói xỏ y rằng...”(29)

- “Tê Đa-lét hiếu chiến đã thốt ra rằng...”(30)

- Thế mà Tổng thống Mỹ vẫn ca tụng “Vãn” chẳng những là vĩ nhân mà còn là một người đại “ái quốc”.

Trong từng trường hợp, Hồ Chí Minh đều chọn lọc và sử dụng rất đắt vốn từ dân gian để diễn đạt nội dung. Chưa cần đọc nội dung của phát ngôn, chỉ mới qua thông báo về sự nói, người đọc đã thấy thái độ khinh bỉ, giễu cợt của người viết và một phần thực chất nội dung không tốt lành của phát ngôn.

Rõ ràng, vốn từ thuần Việt, thông tục được Hồ Chí Minh dùng đúng chỗ, nên giàu sức gợi cảm, giàu khả năng biểu hiện nội dung. Mặt khác, những từ đó góp phần quan trọng vào việc tạo ra cái cười châm biếm kẻ thù trong tiểu phẩm của Người.

2. Phiên âm tiếng nước ngoài với tính cách một thủ pháp nghệ thuật châm biếm

Trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, việc phiên âm tiếng nước ngoài không chỉ đáp ứng yêu cầu chính xác, thuận lợi mà còn phục vụ cho việc châm biếm kẻ thù. Hầu như tất cả các nhân vật tai mắt, chóp bu của chính quyền Hoa Kỳ, bọn tướng lĩnh, quan chức của chúng có mặt tại miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trước năm 1969 đều bị Người vạch mặt, đặt cho những cái tên thích đáng.

Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao được Hồ Chí Minh rút gọn đặt là "Ai", "Ai-cơ", "Ike", "Tổng Ai". Rất ít trường hợp Người để nguyên "tổng thống" mà chỉ để "tổng" đi liền với tên rút gọn. Hồ Chí Minh viết: "Mấy lời thành thật ngỏ cùng Ai" là "Ai-xen-hao", "ai" là buồn phiền, khổ não và "ai" là đại từ nghi vấn để hỏi về người.

Sự hàm nghĩa của "Ai" tạo lên cái cười mỉa mai, giễu cợt. Hơn nữa trong tiếng Việt, nếu chỉ gọi tên, không có họ và tên lót, không có đại từ xưng hô cũng biểu hiện sự không tôn trọng, sự coi thường, nếu không phải là thân mật gần gũi.  Ở tất cả các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, có rất ít trường hợp nhắc đến Oa-sinh-tơn, Linh-côn, Ru-dơ-ven - những tổng thống có công lớn đối với nước Mỹ và góp phần nào đó vào việc đấu tranh cho lý tưởng nhân đạo, Người mới viết đủ tên. Một trường hợp khác, ở đầu đề Hồ Chí Minh viết: "Gửi Mr.Ni-xon, Phó Tổng thống Mỹ". Nhưng ngay dòng đầu bài đó, Ni-xon lại được gọi là Nix: "Allo, Mr.Nix! You đến Sài Gòn với mục đích gì?".

Trong tiểu phẩm “Mỹ mà không đẹp” Hồ Chí Minh gọi tên một lô Tổng thống Mỹ:

“Trước tổng Ken, tổng Ai đã nói như vậy.

Trước tổng Ai, tổng Tu-ma cũng nói như vậy

Sau tổng Ken, tổng Giôn lại nói như vậy.”

"Tổng Ken" chính là Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi. “Nhưng Ken trong tiếng Việt còn có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn. Như vậy tổng Ken là tên tổng thống bủn xỉn, bẩn thỉu”.

Còn Tổng thống T'ru-man được gọi là Tu-ma. Về âm mưu, Tu-ma rất gần T'ru-man. Về nghĩa người đọc có thể hiểu "tổng Tu-ma" là "tổng chó" vì trong tiếng Tày, Tu-ma có nghĩa là chó.

Riêng với Giôn-xơn Hồ Chí Minh phiên âm và rút gọn thành bốn cách gọi khác nhau. Thông thường Người viết nhiều nhất là "tổng Giôn" hay "Giôn".

- “Tổng Giôn bèn giả nhân giả nghĩa hòng dùng một nghìn triệu đô la mua chuộc nhân dân Đông Nam Á”.

- “Tổng Giôn luẩn quẩn - Tổng Giôn thì vừa rêu rao cái đàm phán không điều kiện…”

- “Trước thế giới thì Giôn rùm beng là ra vẻ y muốn hoà bình”.

v.v....

Có khi Người phiên âm đủ cả tên Giôn-xơn nhưng lại thêm một yếu tố xấu ở phía trước:

“Đại bợm Giôn-xơ miệng nói hòa bình, tay vung binh hoả”. Ở đây Tổng thống Mỹ Giôn-xơn được coi là một tên đại bợm một kẻ lừa đảo hạng cáo già.

Ở một vài tiểu phẩm, Hồ Chí Minh dùng “zôôn” để gọi Giôn-xơn: “Tình hình gay go ở nước Mỹ và trên thế giới làm cho tổng zôôn rất đau đầu. Uống xong thuốc zôôn vừa thiu thiu ngủ, thì liền mơ thấy tổng Ken bước vào”.

Trong tiểu phẩm “Tin mừng cho lính Mỹ”, Hồ Chí Minh viết: “Vợ Tổng thống Phi-líp-pin là Ma-cô phu nhân đã hứa với tổng Zôôn...”

Theo giáo sư Nguyễn Văn Tu “Bác dùng âm Giôn hay Zôôn có liên hệ với âm Jaune (Giôn-nơ) của tiếng Pháp có nghĩa là màu vàng. Người ta thường gọi con chó màu vàng là Giôn. Như vậy tổng Giôn cũng có nghĩa là tổng chó - vì hắn chủ trương xâm lược nước ta, giết hại đồng bào ta. Còn vợ của Tổng thống Phi-líp-pin lúc đó là Mác-cốt lại được gọi là Ma-cô. Rõ ràng Ma-cô là hàm ý xấu nhưng âm lại rất gần với âm của từ gốc. Tổng thống Giôn-xơn lại được phiên âm thành Zoon - Âm lạ mà trong tiếng Việt người ta có thể liên tưởng đến "don" trong "cá rô don". Ở đây Hồ Chí Minh đã liên tưởng, lựa chọn từ để phiên âm thật tài tình và độc đáo.

Tiếp theo các Tổng thống Mỹ, một loạt tên các tướng tá, quan chức chóp bu, Chính phủ Mỹ được Hồ Chí Minh phiên âm rất đặc sắc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra được gọi là "Mặt nạ", "Mặt-nạ-ma-ra", "Mắt-na-ra" và "Na-ma-ra". Trong các trường hợp này, hai âm tiết tiếng Anh trong tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ được phiên âm thành "mặt nạ" - vừa gần về âm, vừa giễu cợt châm biếm.

Trong các cách phiên âm này, “ma” vừa là âm tiết được phiên âm chính xác, nhưng cũng có nghĩa là “ma” trong “ma quỷ, ma mãnh”... Như vậy, Mắc-na-ma-ra chỉ là một kẻ giả dối, đeo mặt nạ, rất ranh ma, quỷ quyệt và cũng có thể ra ma thật! Đin-rát (Dean Reyk) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ mà được Người phiên âm thành "Định rút" thì thật độc đáo và tức cười.

Tướng Mac Arthur được phiên âm thành Mặt-ác-tệ vì hắn có âm mưu và việc làm rất độc ác.

Các-bốt-lốt đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, một chính khách cáo già của Mỹ được Hồ Chí Minh phiên âm thành: Cá-bỏ-lọt, Cá-bột-lót, Lột, Lót. Cá-bỏ-lọt có thể hiểu loại cá quá nhỏ bị lọt lưới, lọt rổ. Cũng có thể hiểu là con cá bột tên là lót. Lót là một thứ vỏ và lót cũng là lót đáy thùng, hay lót vật gì bị thủng, ở đáy.

Ha-kin - Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam được phiên âm thành “Hắc-ín” - lòng dạ, mưu đồ hắn đen tối như Hắc-ín và cuộc chiến tranh hắn đang lao vào cũng như cái hầm đen tối tựa hắc-ín, không có đường ra.

Oét-mo-len - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam sau Ha-kin “một trong những tên quân phiệt Mỹ nổi tiếng là tài giỏi nhất và hiếu chiến nhất” được Hồ Chí Minh phiên âm trong các tiểu phẩm thành: Vét, Vét-mò-lên, Vét-mỡ-lợn. Thật nực cười khi một kẻ danh tiếng lẫy lừng trong giới quân sự Hoa Kỳ lại được gọi là Vét - có nghĩa là vét nồi, vét chảo vừa vét cả mỡ lợn! Những tên đó cũng xứng đáng với Oét-mo-len thật, vì kết cục hắn chỉ là một tên thất trận, một kẻ khoác lác, một “đại bại tướng”.

Tay-lo, tên trùm quân phiệt số một của Mỹ, tên “đại tướng vừa là đại ba hoa” được Hồ Chí Minh gọi là Tay-lo và Lo. Trong liên tưởng, khi nói tay người ta nhớ ngay đến chân. Cho nên Hồ Chí Minh viết "Tay lo rồi chân cũng lo". Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy ở miền Nam Việt Nam, chẳng những “Tay lo mà chân cũng lo để chuồn”. Ở đây Người rất khéo lợi dụng sự đồng âm của âm tiết đầu trong tên viên tướng Mỹ với “tay” trong tiếng Việt nghĩa là chi trên của người và âm tiết sau trong tên của hắn với “lo” có nghĩa là một trạng thái tinh thần như: Lo lắng, lo âu. Sự đồng âm trái nghĩa đến bất ngờ ấy được sử dụng thật tài tình trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh gây ra tiếng cười. Đằng sau sự đồng âm ngẫu nhiên là cái logic thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. “Chúng ta có thể đoán chắc rằng Lót cũng sẽ thất bại nhục nhã như Lo và cuộc thay thế Lót-Lo, Lót-Lo chứng tỏ rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ nhất định sẽ thất bại”. Dù cho Mỹ có thay Ca-bốt-lốt bằng Tay-lo và đổi ngược lại, dù cho chúng có lo lắng hay lót đậy bằng gì thì tình hình của chúng vẫn là sa lầy, không có lối thoát.

Như vậy trong các tiểu phẩm, khi phiên âm tên kẻ thù từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm phiên âm đúng mà còn dùng phiên âm để chỉ mặt đặt tên, diệu cơ, châm biếm chúng. Khi phiên âm Người chú ý chuyển toàn bộ hay một số âm tiết thành tiếng Việt nhưng có hàm nghĩa xấu, nghĩa chế nhạo, giễu cợt. Trong nhiều tiểu phẩm, Người sử dụng phương pháp này với nhân vật trung tâm mà ngay từ đầu đến cuối nhân vật chủ yếu bị phê phán, giễu cợt. Các phiên âm của Hồ Chí Minh rõ ràng làm tăng hiệu quả thông tin, góp phần tạo dựng tiếng cười sâu cay trong các tiểu phẩm.

3. Nghệ thuật sử dụng từ trong dấu ngoặc kép với mục đích châm biếm

Sử dụng từ đặt trong dấu ngoặc kép với nghĩa trái ngược là một thủ pháp độc đáo trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, trong ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày của tiếng Việt, người ta dùng từ với nghĩa trái ngược trong trường hợp đay nghiến, giễu cợt, châm chọc. Trong mỗi trường hợp, Người đều nhìn nhận ra sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, giữa lời nói và việc làm của kẻ thù. Tiếng cười giễu cợt xuất hiện trên sự mâu thuẫn ấy. Có thể nói tiếng cười trong những trường hợp này là cười gằn, cười nhếch mép, cái cười có kèm theo một tiếng xì hơi qua mũi tỏ vẻ khinh bỉ.

Ở các tiểu phẩm, dạng phổ biến nhất là Hồ Chí Minh dùng những từ có nghĩa tốt đẹp để biểu đạt cái xấu của kẻ thù. Thường thì các từ ấy không dùng đơn độc. Nó luôn luôn được đặt trong một ngữ cảnh mà bản chất xấu xa của kẻ thù đã bị vạch trần về mặt nội dung. Từ có nghĩa tốt đẹp trở thành vế đối lập về mặt hình thức với nội dung đó. Ví dụ, giới cầm quyền Mỹ vẫn rùm beng, tự ca ngợi về cái gọi là văn minh của nước Mỹ. Theo nghĩa bình thường, văn minh là sự tiến bộ, tốt đẹp. Nhưng thứ văn minh của Mỹ không phải như vậy. Thứ văn minh đó có thể tóm tắt trong một câu:

“Trái đạo đức khinh cha mẹ

Máu tham hễ thấy đô la thì mê”(31).

Nghĩa là đối với Mỹ, “văn minh” phải hiểu là không văn minh, là trái đạo đức, là xã hội đồng tiền làm chúa tể.

“Hòa bình” là từ có nghĩa tốt đẹp. Đối lập nghĩa với hòa bình là chiến tranh. Vậy mà: “Tổng Giôn yêu chuộng hòa bình. Tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố "Mỹ quyết không rời khỏi miền Nam Việt Nam (tháng 4-1965), Mỹ quyết theo đuổi những cố gắng chiến tranh ở Việt Nam. Cần thêm bao nhiêu lính Mỹ, sẽ có bấy nhiêu (8-12-1965).” Rõ ràng, cái thứ hòa bình mà Mỹ tuyên truyền là giả dối. Thực chất thì lời nói của Giôn không đúng như việc hắn làm. Cái hòa bình của Mỹ rất đáng cười - cười chứa đựng sự căm ghét và lên án!

Để biểu thị sự chống Mỹ, xua đuổi Mỹ của nhân dân các nước, Hồ Chí Minh dùng từ “hoan nghênh”. “Hồi tháng 2, khi thăm bốn nước Nam Mỹ, chính ngài (Tổng thống Mỹ) đã thấy rõ lòng căm ghét đế quốc Hoa Kỳ trong những cuộc “hoan nghênh” nó đã làm cho ngài, ứa nước mắt”. “Tháng 5 năm nay, nhân dân hai nước Colombia và Venezuela đã nhiệt liệt “hoan nghênh” Phó Tổng thống Mỹ bằng trứng thối, gậy gộc và bằng khẩu hiệu đả đảo”. Từ hoan nghênh ở đây dùng rất đắt tạo ra tiếng cười rất ý nhị mà sâu cay.

Thành ngữ ta có câu “nhát như cáy”, Hồ Chí Minh viết: “Các ngài quân nhân Mỹ to gan như cáy, chưa tối đã rúc xuống hầm”. Nhát như cáy có nghĩa là nhát lắm, hèn lắm, nhưng to gan như cáy thì không những nhát lắm mà cái nhát đó còn đáng mỉa mai lắm!

Khi diễn tả ý: Mỹ càng tăng thêm quân thì số quân bị tiêu diệt càng nhiều hơn, Hồ Chí Minh viết: “Mỹ cần xuất khẩu nhiều lính “G.I” (người Mỹ gọi lính là G.I) - thì sẽ phải nhập khẩu nhiều quan tài về Mỹ”.

Cũng là những từ trong ngoặc kép, song có khi Hồ Chí Minh chỉ dùng với nghĩa nhấn mạnh hơn, bao hàm trong đó có cả sự giễu cợt. Trong tác phẩm “Mỹ mà không đẹp”, Người viết: “Trong năm 1963, bọn nhà giàu Mỹ đã tiêu cho mèo và chó yêu của chúng hơn 3.000 triệu đô la. So sánh với việc tổng Giôn chi 300 triệu đô la để cứu trợ cho 50 triệu người Mỹ nghèo khổ thì thật là mỉa mai. Đúng là ở xã hội Mỹ chó và mèo được trọng hơn con người thật!”.

Ở tiểu phẩm “Chuyện ngược đời”, Hồ Chí Minh viết “Tổng Ken đề ra một biện pháp mà ông gọi là lương thực dùng vào hòa bình”. Tức là, đưa số lương thực thừa ứ “giúp cho các nước chậm tiến”. “Giúp” được nhấn mạnh bao hàm sự mỉa mai. Hồ Chí Minh lấy một ví dụ cụ thể là việc Mỹ giúp Philippines để vạch trần thực chất của vấn đề. Mỹ giúp Philippines nhưng lại tính tiền nợ và đặt điều kiện về chính trị, quân sự. Cách “giúp” của Mỹ, thực tế là: “Tay phải xoáy hết những cái gì tay trái đã cho”. Về hình thức, hành động này của Mỹ là “giúp”. Nhưng nội dung thực chất xấu xa lại gọi là âm mưu một công ba việc, một vốn bốn lời của bọn cáo già phản động Mỹ.

4. Nghệ thuật sử dụng vốn từ dân gian phong phú

Đối với các tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh còn có nhiều cách dùng từ khác để lột mặt nạ giả dối, tạo lên cái cười châm biếm kẻ thù như:

- Khai thác vốn đại từ phong phú của tiếng Việt;

- Chơi chữ bằng nhiều cách khác nhau trong tiếng Việt;

- Dùng những từ cổ mà ngày nay ít dùng hoặc không dùng trong giao tiếp nữa.

- Dùng xen tiếng nước ngoài…

Khác với nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới, vốn đại từ chỉ người của tiếng Việt rất phong phú, biểu thị mọi sắc thái tình cảm, mọi quan hệ giữa người với người. Hồ Chí Minh đã vận dụng chọn lọc vốn đại từ chỉ người chủ yếu là đại từ chỉ ngôi thứ ba để tỏ thái độ căm thù, châm biếm kẻ thù. Trong tiểu phẩm của Người có thể gặp đủ các đại từ chỉ người ở ngôi thứ ba, mang sắc thái khinh bỉ như: Gã, hắn, tên, kẻ, lão, y, chúng, bọn, lũ…

Trong tiếng Việt, “gã” dùng để khinh kẻ mình khinh khi, coi thường, Hồ Chí Minh dùng "gã" để nói về Giôn-xơn và Giôn-oa-tơ, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 1964… “cả hai gã đều không dám nói làm thế nào để cải thiện tình trạng đen tối ở nội bộ Hoa kỳ... hai gã đều không dám nói đến tình hình thế giới đối với Mỹ”.

Hồ Chí Minh gọi Ngô Đình Diệm là “hắn” và bè lũ của Diệm là “bọn” những từ có nghĩa xấu, mang sắc thái khinh khi thù ghét: “Trung tuần tháng 3, bọn Diệm tiếp lời quan thầy Mỹ: “Chất độc ấy chỉ để khai quang hai bên đường và sông ngòi ở những nơi Việt cộng ẩn trốn... Nhưng hắn cũng thú nhận rằng: “Đó là một vũ khí chiến tranh rất hiệu nghiệm…”

Đối với Nguyễn Cao Kỳ tên tay sai liếm hết gót thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ trong cuộc đời bán nước hại dân của hắn, Hồ Chí Minh không tiếc lời cay độc vạch mặt: “Kết cục tạm thời của tên cao bồi Cao Kỳ làm Thủ tướng, nó tôn thờ con quỷ phát xít Hitler làm tổ sư”.

Đại từ ngôi thứ ba số ít: “Y” và đại từ ngôi thứ ba số nhiều “chúng” được Chí Minh dùng nhiều nhất để gọi kẻ thù. Bác dùng "y" cho Tổng thống Mỹ: “Giôn rùm beng ra vẻ y muốn hoà bình... thế mà đại bợm Giôn dám ba hoa rằng y là kẻ bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ...”, cho cả bọn tướng tá lớn nhỏ của chúng: “Bản thân Lo cũng hớn hở cho rằng y sẽ thắng lợi”. Tất cả những kẻ thù lớn nhỏ, thấp cao được Người gọi chung là “chúng”. Nhưng chính như Mỹ còn phạm tội ác to hơn nữa. Chúng nó xâm phạm miền Nam nước ta.

Trong một số trường hợp, Hồ Chí Minh dùng đại từ chỉ Người ngôi thứ hai số ít là “ngài”, “ông”, để chỉ Tổng thống Mỹ. “Ngài” hay “ông” trong những trường hợp này không mang sắc thái tôn trọng, vị nể mà đặt kẻ thù đối diện để chỉ mặt đặt tên chúng với sự căm thù sâu sắc, lời vạch tội đanh thép. Hồ Chí Minh đã gọi Tổng thống Ai-xen-hao là “ngài” và vạch tội “ngài” Ai-xen-hao:

“Tự miệng ngài cũng thường nói đến hòa bình, chính nghĩa… nhưng trong hành động thực tế đối với Việt Nam, ngài đã làm trái ngược với chính nghĩa hòa bình:

Ngài đã khuyến khích chính quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngăn trở Việt Nam thống nhất.

Ngài đã đưa vào miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự Mỹ…”

Trong tác phẩm: “Thư gửi ông Ken-nơ-đi, Tổng thống mới của Mỹ”, Hồ Chí Minh gọi Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi là “ông”. Nhưng đây là đại từ “ông” mà ta có thể gặp trong những câu nguyền rủa đầy căm ghét và mỉa mai chứ không phải “ông” trong những cuộc giao tiếp giữa những người tôn trọng, vị nể lẫn nhau. Người viết: “Đúng! Mặc dù ông là thủ lĩnh của bọn đế quốc, người Việt Nam có thể đồng ý với những lời đó. Nhưng xin ông hãy xét kỹ những lời cảnh cáo sau đây…” Ở đoạn khác Người viết: “Nói tóm lại, vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam biến thành địa ngục trần gian. Điều đó ông có biết không?”.

Nếu ông biết mà không nói thì ông là người:

“Ngoài miệng thì tụng nam mô

Trong lòng thì đựng cả bồ dao găm”

Nghệ thuật chơi chữ được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả đặc biệt trong tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh. Cách thủ pháp nghệ thuật chơi chữ được biến hóa phong phú, chọn lọc, tạo ra khả năng biểu hiện lớn, tạo ra thích thú bất ngờ, gây nên cái cười châm biếm sâu cay mà dí dỏm. Chơi chữ có nhiều cách khác nhau như dựa vào sự đồng âm khác nghĩa của từ, hiện tượng gần nhau về âm, hiện tượng nói lái... Trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh có thể thấy các dạng chơi chữ rất phong phú, đưa lại hiệu quả bất ngờ, trong việc tạo ra cái cười châm biếm chế giễu kẻ thù.

Một trong những cách chơi chữ thành công nhất của Hồ Chí Minh là sử dụng hiện tượng đồng âm, gần âm của một hay nhiều âm tiết tiếng nước ngoài với tiếng Việt để tạo lên cái cười, như "ai" trong Ai-xen-hao với "ai" là đại từ nghi vấn tiếng Việt hoặc "ai" là bi ai, sầu muộn, giữa Tay-lo tên tiếng Anh với "tay-chân" trong tiếng Việt, giữa Mác Ác-lơ (Mác Artheur) với Mặt-ác-tệ... Cách phiêm âm - chơi chữ đó của Hồ Chí Minh rõ ràng có hiệu quả cao trong việc tạo ra tiếng cười bất ngờ mà thú vị, sâu cay mà ý nhị.

Ngoài cách chơi chữ phổ biến trên, Hồ Chí Minh còn sử dụng hiện tượng đồng âm hay gần âm của các từ tiếng Việt với nhau. Khi viết về sự mâu thuẫn lục đục của bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền miền Nam với quan thầy Mỹ dẫn đến những vụ đảo chính. Người sử dụng âm “đảo” để giễu cợt chúng. Hồ Chí Minh viết: “Nói tóm lại, rồi đây chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng”. Như vậy, "đảo" đứng một mình mang nét nghĩa khác nhau khi nó đứng trong "đảo chính". "Đảo" trong câu của Người nghĩa là hất nhào cả bọn bán nước hại dân.

Đối với Ngô Đình Diệm, một kẻ bán nước ôm chân đế quốc tự huênh hoang là “chí sỹ”, Hồ Chí Minh gọi là "Ngô Chí Khỉ". Trong "Thư không dán - kính gửi ông Ike - Tổng thống Mỹ", Hồ Chí Minh viết: “Tổng thống Mỹ này! Nếu ngài muốn cho thiên hạ tin rằng “hy vọng của Mỹ là công lý và hòa bình”, thì ngài hãy bảo nhân viên quân sự Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam, đừng xúi bảy “Ngô Chí Khỉ” phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ và chớ có khủng bố nhân dân miền Nam nữa”. Như vậy Ngô Đình Diệm từ chỗ tự nhận là bậc chí sỹ bị Hồ Chí Minh giáng xuống thành chí khỉ. Nói cụ thể hơn theo cách hiểu bình thường của người đọc thì: “Diệm chính là đồ con khỉ!”. Còn cái tổ chức giả cầy, đeo nhãn hiệu dân chủ được thầy trò Mỹ - Diệm nhào nặn ra là "quốc hội lâm thời" hòng bôi son, trát phấn cho bộ máy tay sai bán nước hại dân của Diệm được Người gọi là "Quốc hội làm thối".

Trong một số trường hợp khác, Hồ Chí Minh lại dùng cách nhại âm để giễu cợt kẻ thù. Người gọi một tên nghị sỹ Mỹ ở tỉnh U-ta, trúng cử do bịa chuyện anh hùng là vị "iêng hùng" trong trường hợp khác, Bác lại dùng "eng hùng" để nhại âm, giễu cợt: “Bọn quân phiệt Mỹ thường ba hoa rằng binh sỹ Mỹ là những người "eng hùng" gan dạ. Sự thật thì chúng chỉ là "eng hùng rơm", "Anh hùng rơm" đã là thứ không đáng coi ra gì. Còn "eng hùng rơm” thì không những không đáng một xu mà còn đáng bị cười vào mũi.

Khi viết "Mỹ là xấu", Hồ Chí Minh lại chơi chữ theo dạng sử dụng hiện tượng đồng âm giữa "Mỹ" là tên của nước với "mỹ" có nghĩa là đẹp - một từ gốc Hán. Sau đầu đề "Mỹ là xấu", Hồ Chí Minh viết: "Mỹ nữ là gái đẹp. Mỹ đức là nết tốt. Nhưng Mỹ quốc lại là nước xấu”. Những điều đó mới nghe tưởng không hợp lý. Nó tạo ra mâu thuẫn, nghi vấn kích thích sự tò mò, muốn biết rõ ngọn ngành có vấn đề, làm cho người đọc chú ý tập trung theo dõi.

Có thể nói, nghệ thuật chơi chữ trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh không những có khung biểu cảm lớn, tạo ra tiếng cười châm biếm kẻ thù mà còn kích thích tò mò hứng thú lôi cuốn người đọc vào vấn đề cần quan tâm.

Những từ cổ ngày nay không dùng hay ít dùng trong giao tiếp cũng được Hồ Chí Minh sử dụng làm phương tiện để châm biếm bọn đế quốc Mỹ và tay sai. Trong ngôn ngữ, từ vựng là bộ phận vận động nhiều nhất, mang tính lịch sử rõ nét nhất. Mỗi thời đại đều có bộ phận từ vựng đặc trưng có số phận gắn liền với số phận của chế độ xã hội đó. Hồ Chí Minh sử dụng một số từ tồn tại dưới chế độ phong kiến để diễn đạt những sự việc, gọi tên những loại người trong thời hiện đại. Sự không đồng nhất giữa từ vựng và lịch sử đó tạo ra tiếng cười hài hước, giễu cợt. Hồ Chí Minh viết: "Hôm 26-10, mượn tiếng chúc mừng ngày Ngô Đình Diệm lên ngôi, Ngài đã phái tàu chiến và máy bay Mỹ xâm phạm hải phận và không phận của Việt Nam, hòng uy hiếp tinh thần phấn đấu của nhân dân Việt Nam”. "Lên ngôi" là việc trong cung đình vua chúa xưa kia. Gọi việc Diệm nhận chức Tổng thống bù nhìn là “lên ngôi” cũng có nghĩa, việc đó là một trò hề lố bịch, không hợp thời, không hợp lòng người.

Nói về bọn tướng tá, quan chức của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh viết: “Cùng trong lúc đó, tổng Giôn làm trò hề đã sắp xếp sẵn. Y vội vã họp quan văn, tướng võ và các lãnh tụ Quốc hội Mỹ”. Ở một tiểu phẩm khác Hồ Chí Minh viết: “Văn thần như phó Tổng thống Hăm-phơ-đi, Đại sứ Ha-ri-man, Cố vấn Bân-đi, Đặc phái viên Cô-bơc... được phải đi gặp Chính phủ nhiều nước ở năm châu để tỏ thiện ý của Mỹ sẵn sàng đàm phán hòa bình”.

Cũng trong lúc đó, thì các võ tướng đầu sỏ và cuồng chiến như: Bộ trưởng Lục quân Ri-đô, Bộ trưởng Không quân Bơ-rao, Tham mưu Trưởng Lục quân Giôn-sơn, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Uy-lơ… kéo nhau đến miền Nam để chuẩn bị kế hoạch mở rộng chiến tranh.

Giữa thế kỉ 20 mà gọi các quan chức, tướng lĩnh của Mỹ là “văn thần” hay “quan văn”, “võ tướng” quả là hài hước. Sự hài hước có được nhờ tạo nên liên tưởng của người đọc về sự khác biệt giữa cái mới và cái cổ hủ, cũ kỹ.

Việc dùng xen tiếng nước ngoài trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh gây ra sự đối lập giữa nội dung thực chất và từ dùng xa lạ với hệ thống tiếng ta do đó đưa đến sự mỉa mai. Khi dùng tiếng nước ngoài, Hồ Chí Minh có thể để nguyên chữ của thứ tiếng đó, hoặc phiên âm theo chữ cái tiếng Việt. Bác viết: “Hello, Mr.Nix! You Đến Sài Gòn với mục đích gì?”. Người đọc có thể cảm nhận được ở đây sự giễu cợt như lời nhại để mỉa mai cái gì không tốt đẹp. Cách viết như thế thể hiện vị trí của Người như là một người trên, người ở thế mạnh nói với kẻ dưới, kẻ ở thế yếu.

Trong tiểu phẩm "Tay-lo rồi chân cũng lo", Hồ Chí Minh dùng O.K như là một sự thách thức đầy mỉa mai: “Nghe nói Tay-lo biết nhiều tiếng nước ngoài và sẽ học tiếng Việt Nam. Ok! Như thế, ông ta sẽ hiểu rõ và thấm thía khi nghe nhân dân Việt Nam hô to “Đế quốc Mỹ cút đi”.

Tóm lại, trong các tiểu phẩm báo chí châm biếm đả kích đế quốc và bọn tay sai, Hồ Chí Minh đã chọn lọc, sử dụng một cách sáng tạo vốn từ và các thủ pháp nghệ thuật dùng từ nhằm tăng khả năng biểu cảm, vạch mặt châm biếm kẻ thù. Cái tài hoa, sự độc đáo trong nghệ thuật ngôn từ của Hồ Chí Minh xuất phát từ nền tảng căn bản và quyết định là vốn tiếng Việt phong phú và uyên thâm của Người. Đó chính là điều kiện cho phép Người rất thông minh, sáng tạo trong việc thiết lập các mối quan hệ, tạo ra các khả năng sinh động để sử dụng vốn từ một cách đắc địa hiệu quả. Người đặc biệt quan tâm đến vốn từ thông thường được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Dưới ngòi bút của Người, vốn từ ấy được gạn lọc, nâng cao, tạo ra khả năng biểu hiện lớn. Sử dụng từ sáng tạo, độc đáo, giản dị trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh làm cho tiểu phẩm của Người dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, tạo ra tiếng cười châm biếm kẻ thù sâu cay mà ý nhị, căm ghét mà mỉa mai.

Chú thích:

(1) Chiến sỹ: Ta nhất định thắng, giặc nhất định thua, Báo Nhân dân ngày 30-7-1965

(2) Đốp! Đốp!, bài đăng trên báo Nhân dân ngày 18-12-1963

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG,Hà Nội, 1996, trang 403

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 1963-1965, Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 570

(5) TL: Mỹ Diệm là quỷ dữ khát máu điên cuồng, Báo Nhân dân ngày 03-4-1963

(6) TL: Sư và sứ Mỹ đều là Xpay, Báo Nhân dân ngày 04-9-1962

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 570

(8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 9.

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 495.

(10) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 12.

(11) TL: Ai dã man? Ai văn minh?, Báo Nhân dân, ngày 15-5-1962.

(12) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 288.

(13) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 69.

(14) TL: Thư không dán gửi Tổng thống Mỹ, Báo Nhân dân, ngày 21-4-1960

(15) CB: Gửi Mr Nixon, Phó Tổng thống Mỹ, Báo Nhân dân, ngày 8-7-1956

(16) TL: Mấy lời thành thật ngỏ cùng Ai, Báo Nhân dân, ngày 26-9-1960

(17) TL: Tên là “Đội hào bình”, thực chất là đội họa binh, Báo Nhân dân, ngày 13-12-1962

(18) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 407.

(19) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 11.

(20) Chiến sỹ: Tổng Tay-lo, Báo Nhân dân, ngày 30-7-1965

(21) CB: Chết mà chưa hết nhục, Báo Nhân dân, ngày 13-11-1952

(22) TL: Chuyện ngược đời, Báo Nhân dân, ngày 03-4-1964

(23) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 497.

(24) Đ.X: Tự do hòa bình kiểu Mỹ, Báo Nhân dân, ngày 08-8-1951

(25) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 26.

(26) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 399.

(27) Chiến sỹ: Tổng Tay-lo, Báo Nhân dân, ngày 30-7-1965.

(28) Đ.X: Tự do hòa bình kiểu Mỹ, Báo Nhân dân, ngày 08-8-1951

(29) Chiến sỹ: Tổng Tay-lo, Báo Nhân dân, ngày 30-7-1965

(30) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955), Nxb CTQG, Hà Nội. 1996, trang 483.

(31) Chiến sỹ: Văn minh kiểu Mỹ, Báo Nhân dân, ngày 29-11-1963.

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: