CẦN PHẢI XEM BÁO ĐẢNG
Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất. Trong báo Đảng có những mục giải thích về:
Lý luận Mác - Lê-nin.
Tình hình thế giới và trong nước.
Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ.
Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết.
Đời sống và ý nguyện của nhân dân.
Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương.
Các học tập, công tác, tự phê bình và phê bình…
Tờ báo Đảng là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất của chúng ta.
Nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.
Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng.
Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này, cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo. Đó là một điều chúng ta phải học tập.
Hai vấn đề nữa: 1) Số báo ta có hạn mà người cần xem báo thì nhiều; 2) Nhiều người không sẵn tiền mua báo. Để giải quyết hai khó khăn ấy, các chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhà máy… nên tổ chức góp nhau mua báo, cùng nhau đọc báo. Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu thì nên viết thư hỏi nhà báo.
C.B.
Báo Nhân Dân số 197,
từ ngày 22 đến ngày 24-6-1954
*
* *
KINH NGHIỆM PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG
Trong đợt 5, gần 3.300 cán bộ (non một nửa là cán bộ cũ) đi phát động ngót 200 xã.
Nhiều cán bộ thật sự “ba cùng”, thăm nghèo hỏi khổ. Có đội đã giúp nông dân đào giếng tát nước, tăng gia sản xuất...
Nhưng vẫn còn một số cán bộ phạm những khuyết điểm nghiêm trọng. Khuyết điểm chính là không biết tuyên truyền chính sách, không biết chấp hành chính sách. Do đó, mà sinh ra những khuyết điểm khác như:
- Có đội thì nghi ngờ tất cả cán bộ địa phương, không phân biệt người tốt kẻ xấu.
- Có đội thì không chịu được khổ, không thật “ba cùng”, bắt rễ lung tung, nhờ tổ chức cũ.
Đối với trung nông, có đội thì giải thích: "Trung nông lừng chừng, cho nên chỉ đoàn kết thôi" (Công Liêm, Thanh Hoá). Có đội thì bắt bớ lung tung, niêm phong cả nhà trung nông (Yên Bái). Có đội thì đấu cả trung nông, không cho trung nông tố khổ và giam giữ cả bần nông (Tuyên Quang).
- Đối với phú nông, có đội cấm cả phú nông không cho đi lại và vạch thành phần lung tung, từ 11 địa chủ tăng đến 65 địa chủ (Trường Văn, Thanh Hoá).
- Đối với địa chủ ương ngạnh, đội thì không dám trấn áp, đội thì trấn áp tràn lan bừa bãi. Có đội đấu địa chủ trong Đảng cũng như đấu ở ngoài dân, đấu từ chiều đến sáng hôm sau, dùng cách "phát hiện ngay, buộc tội ngay" (Yên Bái).
- Có đội thì phát động các em nhi đồng chửi rủa địa chủ, có đội thì nói: "Không thoái tô, thì chết".
- Đối với nông dân công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác-Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ hễ nói đến cha xứ, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân công giáo khó chịu.
Đây chỉ là vài thí dụ về một số khuyết điểm đã ảnh hưởng xấu đến công tác. Để giành lấy kết quả tốt, tất cả các đội cần phải thật thà kiểm thảo từng bước công tác để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm.
C.B.
Báo Nhân Dân số 214,
từ ngày 13 đến ngày 15-8-1954
*
* *
PHẢI THEO ĐÚNG KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG
Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau.
Kỷ luật nghiêm minh, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân.
Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thi.
Mỗi khi gặp tình hình mới, công tác mới, nhất là hiện nay từ chiến tranh đổi sang hoà bình, là một cuộc đổi mới rất lớn
Tư tưởng của một số đảng viên và cán bộ không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc tả hoặc hữu. Cho nên thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ và đảng viên, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, Phải tuyệt đối chấp hành mọi chính sách và nghị quyết của Đảng.
Hiện nay, chính sách của Đảng và của Chính phủ ta là: Thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, giữ gìn và củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Mọi hoạt động của Đảng, của Chính phủ và của nhân dân ta đều nhằm vào mục đích ấy. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của đảng viên và cán bộ ta đều phải nhằm vào mục đích ấy. Các cơ quan tuyên truyền, tổ chức, giáo dục của Đảng phải làm cho cán bộ và đảng viên nhận rõ và theo đúng kỷ luật của Đảng. Đối với mỗi công tác quan trọng, cần phải làm cho mọi người hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh, thế nào là đúng, thế nào là sai kỷ luật của Đảng. Như vậy kỷ luật của Đảng sẽ được bảo đảm, công tác của Đảng sẽ được thuận lợi, nhiệm vụ của Đảng sẽ chắc chắn hoàn thành. Toàn thể đảng viên và cán bộ ta hãy quyết tâm làm theo đúng kỷ luật của Đảng!
C.B.
Báo Nhân Dân số 217,
từ ngày 22 đến ngày 24-8-1954
*
* *
PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG, KINH NGHIỆM TỐT
Đồng chí Nguyễn Thị Kim được phái về phát động một làng đồng bào công giáo và thiểu số. Trong các cuộc họp, đồng bào có vẻ e dè, ít phát biểu ý kiến.
Đồng chí Kim ra sức thăm nghèo hỏi khổ, đi sâu xét kỹ, thì thấy đồng bào có thắc mắc:
- Thiếu trâu bò, thiếu thóc giống để cày cấy - lo thiếu ăn.
- Trong trận địch càn quét, nhiều nhà cửa bị phá - thiếu chỗ ở.
- Nhiều con em bị bắt đi ngụy binh, đồng bào lo không biết Chính phủ sẽ đối với họ thế nào.
Đồng chí Kim đến từng nhà, từng xóm, giải thích vận động, tổ chức hội đổi công, giúp nhau trâu bò và thóc giống. Kết quả các nhà đều gieo được mạ.
Lại tổ chức các nhóm đi cắt tranh, giúp nhau làm nhà.
Trong lúc đó, lác đác có bệnh đậu mùa. Đồng chí Kim tổ chức một tuần lễ vệ sinh. Nhờ sạch sẽ mà đậu mùa đỡ được nhiều. Trong khi làm những việc đó, đồng chí Kim giải thích rõ ràng chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với nguỵ binh và những người khác đã lầm đường theo địch. Từ đó, đồng bào yên lòng, hết e dè thắc mắc, rất tin cán bộ và rất hăng hái đấu tranh.
Đồng chí Kim có thành tích tốt là vì đã đi sát với quần chúng, hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, giúp đỡ quần chúng thiết thực giải quyết những thắc mắc và những khó khăn trong đời sống hằng ngày.
Đồng chí Kim là một gương mẫu mà mọi cán bộ đều nên noi theo.
C.B.
Báo Nhân Dân số 218,
từ ngày 25 đến ngày 27-8-1954
*
* *
NHỮNG KINH NGHIỆM CẦN PHẢI TRÁNH TRONG CÔNG TÁC PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG
Ở Hà Tĩnh có những khẩu hiệu: "Tố lên nỗi khổ để Đảng và Bác nghe", "Triệt để giai cấp địa chủ, nông dân". Không nói triệt để cái gì?
- Có cán bộ giải thích: "Vì trung nông thờ ơ với thuế nông nghiệp cho nên chỉ đoàn kết với họ. Vì phú nông kháng chiến mạnh, cho nên liên hiệp với họ".
- Ở Thái Nguyên có cán bộ đảo ngược chính sách đã nói: "Rút xấu bù tốt, rút xa bù gần". Kết quả: Ai cũng muốn bù tốt, bù gần.
- Ở Cao Bằng, tại một nơi trước bị địch chiếm, khi giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, cán bộ nói: Ai có tội, nói thật sẽ được khoan hồng. Giấu không được. Bay lên trời cũng có súng bắn. Chui xuống đất cũng đào lên. Trốn vào hang cũng đục đá bắt bằng được. Một cách khoan hồng thật quái lạ!
- Khi phê bình cán bộ không nắm vững chính sách, vì đã nói đến địa chủ và phú nông trước hết, rồi nói đến trung nông, sau cùng mới nói đến bần cố nông. Thế là đoàn ủy đã đảo ngược chính sách.
Trong một bản báo cáo của tòa án nhân dân đặc biệt, một thẩm phán đã viết: “Địa chủ đã đánh vào gáy ông Y, máu chảy lan rộng bằng một gian nhà. Hiện nay ông Y còn sẹo ở gáy dài độ năm mươi phân tây”. Một cái sẹo ở gáy dài nửa thước tây!
- Trong đợt 4, chỉ có độ nửa số cán bộ “ba cùng” mà có nơi đã bị 90 phần 100 rễ là rễ xấu.
- Ở xã T, Đồng chí A chắc 2 cốt cán đã được “bồi dưỡng” 100 %. Khi sắp giới thiệu hai người vào Đảng họ đều nói: “Nhà neo người, không dám vào Đảng. Chúng em có xin vào đâu”. Thế là đã rất sơ suất đối với việc giới thiệu người vào Đảng.
Một khuyết điểm rất phổ biến là: Khi nói với bà con nông dân, cán bộ hay dùng danh từ: Sách lược, quan điểm, đối tượng, cao độ, v.v và v.v... Kết quả là “dầm” suốt buổi mà chẳng ai hiểu cán bộ “dầm” cái gì.
Những cái tếu trên đã làm hại nhiều cho công việc. Mong cán bộ ta cẩn thận từng lời nói, việc làm, thật thà “ba cùng”, làm đúng chính sách, để giành lấy kết quả tốt hơn trong công tác phát động quần chúng.
C.B.
Báo Nhân Dân số 221,
từ ngày 4 đến ngày 6-9-1954
*
* *
BỌ ĐỘI ĐÁNH THẮNG GIẶC LỤT
Quân đội nhân dân chẳng những khi cầm súng đánh giặc, mới lập được công. Mà trong thời kỳ hòa bình cũng lập được công. Thí dụ:
Năm nay, nước sông to hơn mọi năm trước. Ở Liên khu III, nhiều chỗ đê vỡ. Bộ đội ta ở những vùng đó đã ra sức cùng nhân dân chống lụt, giữ đê, đã có những hành động oanh liệt và anh hùng tập thể như: Ở Vụ Bản (Nam Định), và Lý Nhân (Hà Nam) khi thấy đê sạt, cống vỡ, toàn thể đại đội L. và trung đội M. liền nhảy xuống nước, nắm chặt tay nhau, dùng thân mình làm con đê sống. Nước lên ngập cổ, các chiến sĩ vẫn kiên quyết giữ vững để đơn vị khác và nhân dân có đủ thời giờ chữa lại đê.
Nhiều đơn vị không quản mưa to gió rét, làm việc suốt ngày đêm. Có đơn vị đã khéo kết hợp việc giúp dân giữ đê với việc tuyên truyền giải thích cho đồng bào rõ chính sách của Đảng và của Chính phủ.
Kết quả là đã cứu được hàng vạn mẫu ruộng, lại thắt chặt thêm mối đoàn kết giữa quân và dân. Đồng bào Nam Định đã đặt câu hát thắm thiết để tặng bộ đội:
Dù rằng công việc khó khăn,
Các anh bộ đội cũng lăn mình vào.
Dù nguy hiểm đến thế nào,
Các anh bộ đội chẳng bao giờ chùn.
Một lòng vì nước, vì dân,
Các anh xứng đáng là con Bác Hồ!
Đó là một giải thường rất quý báu cho bộ đôi! Chúng tôi được tin rằng Hồ Chủ tịch và Chính phủ định khen thưởng thêm những đơn vị đã có công đánh thắng giặc lụt.
Hoan hô tinh thần anh dũng của bộ đội ta!
C.B.
Báo Nhân Dân số 237,
từ ngày 11 đến ngày 12-10-1954
*
* *
TUYÊN TRUYỀN
Mỗi người yêu nước đều phải làm tuyên truyền. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng ta có thể là một công tác tuyên truyền. Vài thí dụ:
Mới đến chỗ động, cơ quan N. liền đặt kế hoạch, chia, phân công vận động nhân dân. Tổ thì khuyến khích và giúp sức cùng đồng bào làm vệ sinh khắp phố. Tổ thì giúp mở lớp bình dân học vụ v.v.... Chỉ trong mấy hôm mà cán bộ cơ quan và nhân dân trong phố đoàn kết thân mật, như anh em một nhà.
Nghe nói bộ đội ta rất trong sạch, một Hoa kiều muốn thử xem có thật như thế chăng. Mỗi khi các chiến sĩ đến mua gì, ông ta cứ thoái thừa tiền. Mấy lần như vậy, lần nào các chiến sĩ cũng đưa trả số tiền cho ông ta. Sau đó, tự ông ta đi tuyên truyền khắp phố: “Bộ đội cụ Hồ liêm chính thật”.
C.B.
Báo Nhân Dân số 273, ngày 25-11-1954
*
* *
THẦY THUỐC NÓI
Chữa bệnh lâu năm thì phải uống thuốc đắng cay nhiều ngày mới khỏi. Đối với một người như vậy, đối với một nước cũng như vậy.
Việt Nam ta bị bệnh mất nước 80 năm trường, tức là hơn 29.000 ngày! Xương tủy bị vi trùng thực dân đục khoét. Lại bị 15 năm - tức là hơn 5.400 ngày chiến tranh tàn phá (kể từ năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ Hai).
Bệnh thật nặng! Song, vì nòi giống Tiên Rồng khí huyết rất khoẻ, cho nên sau 8, 9 năm uống thuốc kháng chiến, ta đã thoát khỏi tai nạn mất nước, đập tan ách nô lệ giành lại độc lập, chủ quyền. Đó là một kết quả cực kỳ to lớn nhưng mới là kết quả bước đầu.
Bệnh khỏi, còn phải trải qua một thời kỳ cố gắng gay go, mới đến ngày thật khỏe. Sau một trận ốm 29.000 ngày, chúng ta phải trải qua một thời kỳ chịu khó, chịu khổ, vượt nhiều khó khăn để khôi phục lại mức sống bình thường về mọi mặt. Cũng như nhà nông làm ruộng, từ khi chuẩn bị gieo mạ cho đến gặt lúa, phải trải nhiều ngày thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn. Không nên sốt ruột!
Từ sau cách mạng thành công đến ngày khôi phục lại nền kinh tế, Liên Xô đã trải qua 12 năm gian khổ., Trung Quốc trải qua 3 năm.
Kinh nghiệm thiết thực ấy chứng tỏ rằng sau vài năm phấn đấu chúng ta có thể khôi phục lại kinh tế nước nhà. Với hai bàn tay không, chúng ta đã anh dũng kháng chiến 8,9 năm, đã giành được tự do, độc lập. Thì với lòng nồng nàn yêu nước và chí kiên nhẫn, cố gắng của mọi người dân và mọi tầng lớp, chúng ta nhất định xây dựng được một đời sống hòa bình tươi đẹp, mọi người đều có công ăn việc làm, áo ấm cơm no.
C.B.
Báo Nhân Dân số 275, ngày 28-11-1954
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa