Hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh (Phần 3)
Phần III: Thành ngữ - Tục ngữ - Thơ từ trong tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh
1. Nghệ thuật sử dụng thành ngữ, tục ngữ độc đáo, linh hoạt
Mỗi dân tộc đều có một vốn thành ngữ, tục ngữ riêng của mình trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc đó. Về một khía cạnh nhất định thành ngữ, tục ngữ phản ánh cuộc sống phong phú nhiều mặt trong quá trình lịch sử của dân tộc. “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. Còn thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn”. Tục ngữ chính là một hình thức kết tinh những kinh nghiệm sống về nhiều mặt của con người qua nhiều thế hệ. Thành ngữ tuy chỉ tương đương với từ, có nội dung là khái niệm nhưng nó cũng chính là hình ảnh, dấu ấn của lịch sử dân tộc. Kho tàng thành ngữ, tục ngữ của ta vô cùng phong phú, phản ánh lịch sử lâu dài nhiều hình, nhiều vế của dân tộc. Các thành ngữ đều do nhân dân lao động sáng tác, được truyền miệng, gọt rũa, tinh chế qua nhiều người, nhiều thế hệ nên rất cô đọng, súc tích, giàu sức biểu cảm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
Trong các tiểu phẩm của mình, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng các thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt ý một cách giản dị, súc tích, giàu nhịp điệu, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Mặt khác, những thành ngữ, tục ngữ trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh được sử dụng một cách sáng tạo, sinh động, khiêu gợi, góp phần tạo lên tiếng cười châm biếm phê phán kẻ thù dân tộc.
Qua khảo sát các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh cho thấy Người đã sử dụng hàng trăm thành ngữ, tục ngữ. Trong số thành ngữ này, gần 80% là thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Số còn lại là các thành ngữ, tục ngữ của nước ngoài, bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ của một số nước phương Tây.
Cách dùng thành ngữ, tục ngữ của Hồ Chí Minh không gò bó, cứng nhắc với hình thức sẵn có. Trong các trường hợp cụ thể, tùy theo nội dung vấn đề, Người có cách sử dụng thích hợp, độc đáo, tạo ra khả năng diễn đạt, biểu cảm rất sinh động, phong phú của thành ngữ, tục ngữ.
Thông thường, Hồ Chí Minh dùng nguyên vẹn các thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt ý trong tác phẩm. Do tính đại chúng, nội dung súc tích và gợi cảm mạnh của thành ngữ, tục ngữ nên việc sử dụng chúng rất phù hợp với tình cảm, tâm hồn của nhân dân, gợi ra những hình tượng sinh động, tạo ra sự hài hòa về âm thanh nhịp điệu. Mặt khác sử dụng tốt thành ngữ, tục ngữ làm cho lời văn ngắn gọn mà diễn đạt ý sâu sắc, hàm súc. Trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, thành ngữ, tục ngữ góp phần đắc lực vào việc tạo ra tiếng cười sâu sắc mà không cay cú, cộc cằn mà chứa chất căm thù đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ “vừa ăn cướp, vừa la làng” để vạch rõ nội dung thực chất giả dối trong “Cuốn sách trắng” của Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam.
“Nhưng bàn tay đẫm máu của đế quốc Mỹ không bưng bít được mặt trời sự thật. Mặt nạ gian dối của đế quốc Mỹ “vừa ăn cướp, vừa la làng” đã bị cả thế giới lột trần.
Để vạch rõ sự giả dối nham hiểm của đế quốc Mỹ, ở trường hợp khác Hồ Chí Minh dùng thành ngữ “ném đá dấu tay”.
“Ném đá dấu tay” là thói quen của đế quốc Mỹ. Chúng hòng lừa bịp dư luận thế giới, làm ra vẻ chúng không bao giờ can thiệp vào nội bộ của nước ngoài.
Khi vạch trần thực chất những lời nói của Đa-lét, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Hồ Chí Minh viết: “Đa-lét mồm loa mép giải vu cáo, dựng đứng là ở miền Bắc Việt Nam không có tự do, dân chủ là nhằm mục đích phá hoại ấy”. “Mồm loa mép giải” là thành ngữ dùng để chỉ những kẻ lắm lời mà đặt điều chua ngoa, gian dối. Dùng “mồm loa mép giải” cho Đa-lét trong trường hợp trên thật đích đáng và buồn cười cho sự đánh giá một Bộ trưởng Mỹ.
Hồ Chí Minh dùng “mưu ma chước quỷ” để chỉ những thủ đoạn chiến tranh tội ác của đế quốc Mỹ.
Người vạch trần thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp nhân dân các nước bằng đô la viện trợ của Mỹ là giả nhân, giả nghĩa.
“Nay Mỹ bị sa lầy không có lối thoát, tổng Giôn bèn giả nhân giả nghĩa hòng dùng một nghìn triệu đô la để mua chuộc nhân dân Đông Nam Á”.
“Chết mà không chừa” vốn được dùng để chỉ thói đam mê mù quáng, sự không tỉnh táo trong cuộc sống hàng ngày, được Hồ Chí Minh dùng với nghĩa rộng hơn khi nói về đế quốc Mỹ.
“Đế quốc Mỹ bị mấy cái tát nữa”.
Trong mười năm nay, chúng đã bị nhiều vố đau. Nhưng “chết mà không chừa”, chúng không chịu rút kinh nghiệm. “Chết mà không chừa” thể hiện rất cô đọng sự ngoan cố, liều lĩnh của đế quốc Mỹ với lời văn ngắn gọn, tiết kiệm nhất.
Khi nói về chính sách chiến tranh hung tàn của đế quốc Mỹ và tay sai, Hồ Chí Minh dùng thành ngữ “chó dại cắn càn”. Người viết:
“…Như “chó dại cắn càn”, đế quốc Mỹ càng thua đau, chúng càng giãy giụa, hung dữ”.
“Chính sách hung tàn không phải là dấu hiệu sự mạnh mẽ của Mỹ - Diệm, nó là dấu hiệu sự ươn hèn của chúng. Đó là dấu hiệu của “chó dại cắn càn”.
Dùng “chó dại cắn càn” trong những trường hợp trên, Hồ Chí Minh lột tả rất sinh động, thực chất thế và lực của kẻ thù dân tộc. Đó là thế của kẻ thất bại, cùng đường, lực của kẻ bệnh hoạn dẫn đến những phản ứng mất lý trí. Mặt khác, so sánh chính sách, hành động của Mỹ với hiện tượng “chó dại cắn càn” chính là bày tỏ sự khinh bỉ, coi thường đối với chúng.
Đối với bọn tay sai ngụy quyền, ngụy quân, đem thân làm bù nhìn, nối giáo cho giặc cướp nước, Hồ Chí Minh đã dùng thành ngữ, tục ngữ thật tài tình để phơi trần bản chất và cười vào mặt chúng một cách sâu cay đáng đời.
Về vụ đảo chính nội bộ bọn tay sai Mỹ ở miền Nam, giữa hai anh em Diệm – Nhu, Hồ Chí Minh cảnh báo bọn tay sai ở nước khác:
“Thấy Diệm và Nhu chết thê thảm như vậy, những bù nhìn khác như Tưởng Giới Thạch, Pác Chung Hy… và ngay cả bọn đảo chính Sài Gòn, không phải không trông người mà ngẫm đến ta”.
Hồ Chí Minh lấy một câu Kiều để diễn đạt thân phận bọn tay sai là đảo chính: “Bọn đảo chính – là một lũ thân lươn bao quản lấm đầu”. Câu “thân lươn bao quản lấm đầu” biểu hiện thân phận xót xa, tủi nhục của nàng Kiều sau khi mắc lừa Sở Khanh, phải cam chịu cuộc đời gái lầu xanh. Hồ Chí Minh dùng câu này như một thành ngữ để diễn đạt thân phận đê hèn, cam chịu của bọn tay sai bán nước, hại dân. Người nhận định tình hình nội bộ của bọn tay sai đó một cách khinh ghét, mỉa mai: “Tương lai của chúng ra sao? Là lũ chó tranh xương, hiện nay chúng đã lục đục và sẽ lục đục mãi. Có lẽ không có gì chính xác hơn, sâu cay hơn, thích đáng hơn là gọi bọn tay sai đế quốc là “lũ chó tranh xương”.
Có khi dường như Hồ Chí Minh thể hiện sự chất chứa căm thù, khinh bỉ bọn tay sai bán nước, hại dân vào một loạt thành ngữ nối tiếp nhau: “Chó săn là đồng minh trung thành của đế quốc Mỹ. Đây là chuyện chó săn 4 chân, chứ không phải loài chó mặt người bụng thú, rước voi dày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà như bọn Thiệu”.
Trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh ta có thể thấy nhiều thành ngữ, tục ngữ khác được dùng nguyên vẹn cả về cấu trúc ngôn ngữ và ý nghĩa như: “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột”, “nồi da nấu thịt”, “treo đầu dê bán thịt chó”, “chứng nào tật ấy”, “dấu đầu hở đuôi”, “ba bè, bảy mảng”, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “vơ đũa cả nắm”, “lửa thử vàng, gian nan thử thách”….
Trong nhiều trường hợp, Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ, tục ngữ một cách sáng tạo, không phụ thuộc vào cấu trúc ngôn ngữ vốn có. Ta đã biết thành ngữ đã được nhân dân sáng tác và truyền miệng, chau chuốt qua nhiều thế hệ. Vì thế, chúng có cấu trúc khá ổn định và nội dung rất cô đọng, hàm súc. Nhưng trong một số trường hợp, Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ có diễn đạt ở ý khác hoặc nhấn mạnh ý nguyên thủy của chúng bằng cách thêm các thành phần, tách rời các bộ phận, thậm chí diễn giải nội dung thành ngữ, tục ngữ ra để biểu đạt ý toàn vẹn, sâu sắc hơn, dễ hiểu hơn. Tuy vậy, trong những trường hợp đó, Người không phá vỡ tính hàm súc, sự cân đối, nhịp nhàng của thành ngữ, tục ngữ. Đó chính là một sự sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh.
Ở các tiểu phẩm của mình trong nhiều trường hợp, Hồ Chí Minh thêm một số thành phần vào thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt ý rõ hơn hoặc nhấn mạnh ý muốn nói.
Thành ngữ có câu “bé hạt tiêu”, Hồ Chí Minh thêm “nhưng bé” vào giữa để nhấn mạnh ý “hạt tiêu”: Đảng Cộng sản Mỹ tuy không lớn lắm, nhưng có anh em đồng chí khắp thế giới ủng hộ, “bé nhưng bé hạt tiêu”.
Thành ngữ “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” dùng diễn đạt sự thúc bách của điều kiện khách quan cùng sự mù quáng, thiếu cảnh giác, không nhìn xa trông rộng của người đời. Hồ Chí Minh dùng thành ngữ ấy như một lời khuyên răn nhân dân ta cảnh giác bằng cách thay đổi một số thành phần. “Đạp vỏ dưa, tránh vỏ dừa”. Nhân dân ta và cán bộ ta cần biết những chuyện ấy, để luôn tỉnh táo và để phòng, chống những âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng.
Đối với kẻ thù, Hồ Chí Minh dùng thành ngữ đó như một lời cảnh báo, Người viết:
“Hồi Tơ-ru-man nối nghiệp Ru-dơ-ven, chỉ vì cuộc xâm lược Triều Tiên mà danh giá của Đảng Dân chủ xuống dốc. Nay Giôn-xơn nối nghiệp Ken-nơ-đi, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có chiều hướng biến thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác. Chẳng hay tổng Giôn có “đạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa” mà sợ không?”…
Câu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” được Hồ Chí Minh thay đổi, sửa chữa lại thành một câu rất sinh động, rất thích hợp để diễn đạt lối sống Mỹ, đạo đức Mỹ:
“Lợi tao trước hết, ai chết mặc ai”. Đạo đức Mỹ là như thế đó. Câu của Hồ Chí Minh vẫn bảo đảm vần vè, nhịp điệu mà còn nhấn mạnh hơn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ do đưa vế “lợi tao” trước hết lên đầu.
Viết về cuộc sống cơ cực, đau khổ của những người thổ dân Nam Mỹ dưới sự bóc lột của bọn tư bản Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh viết: “Tiền lương trả cho công nhân đồn điền rất ít ỏi, ăn không no, đói không chết”. Bác đã thay đổi thành ngữ “ăn không ngon, ngủ không yên” vốn diễn tả sự bất ổn định, lo lắng không yên tâm thành một thành ngữ diễn đạt cảnh sống dở, chết dở của những người dân nô lệ. “Ăn không no” là cách nói dễ hiểu nhưng “đói không chết” thực sự diễn đạt bất ngờ, lột tả đúng thực chất hoàn cảnh của những người thổ dân da đỏ thời đó.
“Mang thúng úp voi” cũng như câu “lực bất tòng tâm” là để nói sự không cân đối giữa khả năng thực tế quá nhỏ với ý đồ, kế hoạch quá lớn. Hồ Chí Minh thêm “không” vào để thành ngữ diễn đạt rõ ý hơn trong đoạn sau:
“Từ ngày bắt đầu xâm lược miền Nam nước ta, giặc Mỹ luôn luôn khoe khoang thắng lợi. Nhưng “thúng không úp voi”. Thế giới đều biết rằng 4 phần 5 đất đai và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng”.
Khi sử dụng thành ngữ, tục ngữ, có trường hợp Hồ Chí Minh tách thành ngữ, tục ngữ thành hai phần trong khi diễn đạt ý để nhấn mạnh hay làm rõ nét hơn ý muốn nói. Thành ngữ “được đằng chân, lân đằng đầu” được Hồ Chí Minh tách đôi sử dụng trong trường hợp sau:
“Dụ dỗ Pháp ký Hiệp ước Ma-ni, đế quốc Mỹ đã nắm được đằng chân thì không ngại ngùng gì mà không lân đằng đầu”. Ở đây, việc tách đôi thành ngữ và thêm vào giữa đó tập hợp từ “thì không ngại ngùng gì mà không”, có tác dụng nhấn mạnh hơn bản chất giả dối, cơ hội của đế quốc Mỹ.
Thành ngữ “nói một đường, làm một nẻo” được Hồ Chí Minh đưa vào để diễn đạt một cách khác. Người viết “phái viên Mỹ nói một đường. Chó săn Mỹ sủa một nẻo”. Thành ngữ gốc chỉ còn hai bộ phận “một đường” và “một nẻo” nói lên sự không cùng hướng. Hai thành phần mới thêm vào là “phái viên Mỹ nói”, “chó săn Mỹ sủa”. Như vậy là hai bộ phận đó trở thành hai vế đối nhau và “phái viên Mỹ”, “chó săn Mỹ”, người xếp ngang với chó.
Khi châm biếm, giễu cợt lính Mỹ, Hồ Chí Minh viết: “Các ngài quân nhân Mỹ to gan như cáy, chưa tối đã rúc xuống hầm”. Ta có thể liên tưởng đến “gan cóc tía” và “nhát như cáy”. Gần như trong trường hợp trên Bác đã hoán vị hai thành ngữ đó để hình thành một cách nói đầy mỉa mai.
Cùng với vốn thành ngữ, tục ngữ thuần Việt rất phong phú, đôi khi Hồ Chí Minh còn dùng một số thành ngữ nước ngoài và thành ngữ gốc Hán. Nói chung, những thành ngữ được Người dùng đều dễ hiểu, có nội dung hàm súc.
Thành ngữ phương Tây “sói đội lột cừu” dùng để chỉ sự độc ác, hung bạo được che đậy dưới cái vỏ hiền lành, đạo đức, Hồ Chí Minh dùng thành ngữ đó để biểu đạt sự giả nhân, giả nghĩa của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn.
“Chó sói dù đội lốt cừu non
Sự thật đã vạch mặt tổng Giôn Huê- kỳ”(1)
Trong những trường hợp khác “sói đội lột cừu” được sửa đổi ít nhiều, có nhịp điệu, vần cân đối để diễn đạt phù hợp với ngữ cảnh cụ thể.
“Chó sói học nói giọng cừu. Lời đường mật của tổng Ken chẳng những không lừa bịp được nhân dân nước ngoài mà cũng không lừa được đồng bào Mỹ của y”(2). Giữa hành động Ken-nơ-đy nói chuyện về hòa bình ở một trường đại học Mỹ với việc “chó sói học nói giọng cừu” là sự tương đồng đầy mỉa mai. Thực chất của những lời lẽ rêu rao về hòa bình của tổng Ken chỉ là sự che đậy tâm địa độc ác, nham hiểm như chó sói của hắn! Chất mỉa mai, châm biếm có được trong trường hợp này là nhờ việc sử dụng thành ngữ một cách sáng tạo, bất ngờ.
Tuyệt đại đa số các thành ngữ Hán – Việt được Hồ Chí Minh dùng trong tiểu phẩm đều là thành ngữ được nhân dân ta quen dùng hàng ngày. Ví dụ, Người viết: “Tình hình Mỹ ở miền Nam thật là tiến thoái lưỡng nan”(3).
Các cụm từ tương đương với thành ngữ được Hồ Chí Minh dùng trong các tiểu phẩm như “Quang minh chính đại”, “Bách chiến bách thắng”, “Quyết chiến quyết thắng”… tuy bao gồm những từ Hán - Việt, song cũng đã trở thành thông thường trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân ta.
Trong hàng trăm lượt dùng thành ngữ ở các tiểu phẩm có thể nói chỉ có vài lần Hồ Chí Minh dùng thành ngữ có gốc Hán - Việt tương đối khó.
Lần thứ nhất, Hồ Chí Minh dùng “Ngôn bất cố hành” để nói về Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi.
“Tổng Ken nói thì hay đấy nhưng ngôn bất cố hành”(4).
Lần khác, Người viết về tình cảnh của binh lính Pháp và tay sai phản động ở Việt Nam bằng cách diễn đạt câu: “Phong hạc giai binh”.
Tuy nhiên, ngay sau đầu đề “Phong hạc giai binh”, Người giải thích: “Câu nói Trung Quốc đó có nghĩa là: Khi ta thắng to, địch hoảng sợ, nghe gió thổi, chim kêu cũng tưởng là binh ta đến đánh”(5). Trong trường hợp này thành ngữ “phong hạc giai binh” trở thành một đầu đề hấp dẫn, gợi sự tò mò của người đọc.
Qua khảo sát các tiểu phẩm có thể thấy Hồ Chí Minh sử dụng thành ngữ, tục ngữ rất phong phú, linh động và sáng tạo, mang lại cho chúng một khả năng biểu đạt ý sâu sắc, nhiều hình nhiều vẻ không gò bó trong những cấu trúc cũ. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ góp phần làm cho các tiểu phẩm của Người ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng nhân dân lao động, vạch trần bản chất xấu xa vô nhân đạo của bè lũ đế quốc Mỹ và tay sai, tạo ra tiếng cười châm biếm sâu cay mà không thô tục, mỉa mai, giễu cợt mà chứa chất căm thù, khinh bỉ. Đó là một bài học lớn cho mỗi chúng ta học tập, noi theo để góp phần làm cho tiếng Việt thêm trong sáng, sinh động và hiện đại.
2. Nghệ thuật lẩy Kiều trong tiểu phẩm Hồ Chí Minh
Cùng với thành ngữ, tục ngữ, lẩy Kiều cũng được dùng một cách khá phổ biến trong các tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh.
Lẩy Kiều, nhại Kiều vốn đã thành một truyền thống của nhân dân ta. “Truyện Kiều” của một đại thi hào Nguyễn Du là một đỉnh cao chói lọi của nền văn học Việt Nam, một “bách khoa toàn thư” về đời sống xã hội của đất nước ta trong giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XIX. Nhân dân ta thường có những hình thức dựa vào những câu Kiều, hay bộ phận của câu hoặc cách diễn đạt ý trong Kiều để diễn đạt ý muốn nói. Thường thường, người ta lẩy Kiều để vui cười, để biểu đạt tâm tư, nguyện vọng và đôi khi là để thi thố tài năng. Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp này trong tiểu phẩm để diễn đạt ý một cách sinh động, dễ hiểu, đồng thời tạo ra tiếng cười mỉa mai, giễu cợt kẻ thù. Kiều vào tiểu phẩm của Hồ Chí Minh rất tế nhị, nhuần nhuyễn. Có khi Người chỉ lấy một câu hòa trộn vào trong văn xuôi. Thậm chí có trường hợp câu ca dao Người sáng tác chỉ mang chút ít hơi hướng phong vị của câu Kiều mà thôi.
Trong một tiểu phẩm lên án âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm vận động ép buộc đồng bào công giáo di cư vào Nam với những luận điệu như: Chúa đã vào Nam rồi, ai vào Nam mới còn linh hồn, vào Nam sẽ có cuộc sống vật chất bảo đảm… Hồ Chí Minh dùng hai câu nhái Kiều để đặt đầu đề:
“Thiên đường của Diệm là ở đâu?
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!”(6)
Nguyên văn câu Kiều thứ tư được ghép đôi với câu hỏi: “Thiên đường của Diệm là ở đâu? Có vai trò như một câu trả lời khẳng định. Câu trả lời đã được đặt vào một hoàn cảnh rất mới song vẫn còn mang hơi hướng sắc thái buồn đau, day dứt trong Kiều. Mặt khác hoàn cảnh mới cũng tạo ra một cái cười mỉa mai chua chát vừa thương, vừa tội.
Bài “Đế quốc Mỹ bi và bí”(7), được Hồ Chí Minh viết như một màn hoạt cảnh nhỏ với hai nhân vật là Giôn-xơn – đương kim Tổng thống Mỹ và Ken-nơ-đi – Tổng thống Mỹ đã bị ám sát chết trước đó. Đây là lời của Giôn-xơn:
“Very bad Ken? Hôm Ken chết, tôi hý hửng mừng được làm tổng thống… Nhưng…
Xin mời Ken hãy rốn ngồi
Để nghe Zôôn kể khúc nhôi đoạn trường”
Câu nhại Kiều được dùng ở đây thật là mỉa mai, tức cười đối với tình cảm của một Tổng thống Hoa Kỳ.
Cuối bài này, Hồ Chí Minh đã dựa vào hai câu Kiều: 213 và 214 “Gió đâu sịch bức mành mành, tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao” để viết thành:
Bỗng cơn gió sịch bức mành
Zôôn tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao
Hai câu Kiều được dùng một cách linh động với sự bổ sung và đảo các thành phần để tạo hiệu quả biểu hiện độc đáo. Ở câu trên “bỗng” được đưa lên đầu câu làm tăng thêm sự bất ngờ - như là sự giật mình thảng thốt. Câu cuối không còn 8 chữ mà thành 9 chữ do thêm Zôôn vào. Sự phá thể thơ ở đây cũng có thể tạo nên cái cười, nhờ vào sự liên tưởng bất ngờ giữa ngữ nghĩa văn bản với hoàn cảnh thực tế. Hai câu lẩy Kiều để vào chuyện – vào giấc mơ, hai câu lẩy Kiều để kết thúc giấc mơ, góp phần làm cho toàn cảnh một tiểu phẩm mang phong vị một hoạt cảnh hài hước.
Trong tiểu phẩm “Trò xiếc tuyển cử Tổng thống Mỹ”, sau khi vạch trần bộ mặt giả dối, phản động của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Giôn-oa-tơ và Giôn-xơn, Hồ Chí Minh hạ một câu: “Mạt cưa mướp đắng hai bên cũng vừa”. Đó là một lời bình sâu sắc, giản dị, đầy giễu cợt, khinh bỉ. Trong câu này vừa có hình ảnh một thành ngữ, lại vừa mang dáng dấp một câu Kiều (câu Kiều 812) là: “Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”.
Ở tiểu phẩm “Không chắc có tiền mua tiên cũng được”, Hồ Chí Minh giễu cợt chính sách của Mỹ dùng tiền viện trợ để mua chuộc và kiềm chế các nước khác:
“Có tiền mà cậy chi tiền
Có tiền như Mỹ cũng phiền lắm thay”
Câu Kiều “Có tài mà cậy chi tài” được Bác thay tiếng “tài” bằng “tiền” để cười vào mặt nước Mỹ. Trong tiểu phẩm này, ta còn thấy sự kết hợp tài tình giữa một thành ngữ với thủ pháp lẩy Kiều để tạo nên một kết cấu hoàn chỉnh với lập luận chặt chẽ, thuyết phục người đọc.
3. Dùng thơ như một phương tiện châm biếm
Những câu thơ từ, ca dao cũng có vị trí rất quan trọng trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh. Nếu như cách nói có vần, có nhạc điệu hài hòa vẫn được nhân dân ta ưa thích thì việc dùng những câu ca dao, văn vần trong tiểu phẩm của Hồ Chí Minh làm cho sự diễn đạt trong tác phẩm cô đọng, hàm xúc hơn, vừa tăng khả năng thuyết phục đối với đông đảo người đọc. Thơ từ, ca dao được dùng rất sinh động, giản dị trong tiểu phẩm của Người. Thường thường, Hồ Chí Minh dùng hai, ba hoặc bốn câu thơ thể lục bát là một thể thơ đặc trưng của dân tộc ta dễ nhớ, dễ thuộc. Song không phải lúc nào câu thơ lục bát cũng phải chỉnh thể, hài thanh. Trong một số trường hợp, câu thơ Người dùng được đổi mới về nhịp điệu, số tiếng nhằm mục đích diễn đạt ý tốt nào đó tốt hơn.
Hồ Chí Minh viết:
“Trái đạo đức, khinh cha mẹ
Máu tham hễ thấy đô la thì mê”
“Đô la” thay thế cho “hơi đồng” trong câu Kiều “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”, làm cho nhịp điệu những câu thơ bị khác đi, gây sự chú ý cho người đọc, tạo ra sự hài hước, dí dỏm.
Trong trường hợp khác, Hồ Chí Minh tạo ra câu thơ lục bát phá thể nhằm nhấn mạnh ý muốn nói:
“Lại thêm chứng cớ rõ ràng,
Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh và càng thắng to”
Câu 8 trong thơ lục bát được phá thể thành câu có 12 tiếng với ba tiếng “càng”, rõ ràng có tác dụng nhấn mạnh, thế phát triển không ngừng của cách mạng.
Ngoài thể lục bát, ở các tiểu phẩm, cũng xen vào các khổ thơ năm chữ như:
“Giết người không bị tội
Hãm hiếp cả con trai
Tham ô và hối lộ
Kiểu Mỹ đẹp vậy thay!”
Hay khổ thơ 7 chữ:
“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu,
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng, lay Lầu trắng,
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!”
Ở đoạn thơ trên, ba câu đầu giản dị như lời nói thường ngày, câu cuối chứa đựng cái cười khinh bỉ, cái cười nhếch mép, nửa miệng. Đoạn thơ sau cũng vậy, câu cuối cùng cũng là một lời cảnh cáo mỉa mai.
Nói chung, tuyệt đại đa số các câu thơ, ca dao đều được Hồ Chí Minh dùng ở cuối tiểu phẩm. Nó có tác dụng như một lời kết luận rút ra từ những nội dung đã trình bày trong tác phẩm. Trong tiểu phẩm “Tổng Giôn và vụ giết chết nghị sĩ R.Ken-nơ-đi”, Người kết luận:
“Mỹ là một nước văn minh
Giết người như chuột tội tình gì đâu”
Hai câu lục bát này đã nhấn sâu thêm nội dung chính trình bày trong tiểu phẩm. Đồng thời, mâu thuẫn giữa những lời truyên truyền về xã hội văn minh và thực tế xã hội Mỹ “giết người như chuột” đã vạch trần sự giả dối của những kẻ cầm đầu nước Mỹ. Tiếng cười mỉa mai cũng có cốt lõi từ sự mâu thuẫn đó.
Ở tiểu phẩm “Mỹ lại thất bại”, Hồ Chí Minh viết:
“Giặc Mỹ quỷ quái tinh ma,
Chiến tranh thủ phạm tên là Giôn-xơn”
Đó là một lời kết luận vạch mặt thủ phạm chiến tranh: Giôn-xơn – một tên quỷ quái tinh ma trong số những tên giặc Mỹ quỷ quái tinh ma. Lời kết luận giản dị, dễ hiểu, được diễn tả bằng thơ lục bát lại càng dễ nhớ.
Trong tiểu phẩm “Giả nhân giả nghĩa” đăng báo Nhân dân ngày 29-9-1962 Hồ Chí Minh kết luận bằng một câu lục bát phá thể với giọng điệu chua cay, róc ráy đối với hành vi của kẻ thù:
“Vậy có thơ rằng:
Đô la Mỹ không mua được lương tâm
Phen này Mỹ lại phơi trần mặt mo”
Đối với tiểu phẩm “Ai dã man? Ai văn minh?”. Mấy câu ca dao cuối tác phẩm là một kết luận có tính khái quát trả lời câu hỏi đặt ra từ đầu đề:
“Lăm le cướp nước người ta
Bọn đế quốc Mỹ thật là dã man
Quyết lòng gìn giữ giang sơn
Đồng bào Nam Việt muôn vàn văn minh”
Một vài trường hợp khác Hồ Chí Minh dùng hình thức thơ xen vào giữa tiểu phẩm. Tuy vậy, những câu thơ cũng là một kết luận rút ra sau khi đã trình bày trọn vẹn một vấn đề nào đó. Trong tiểu phẩm “Lại chuyện chó Mỹ”, sau khi vạch rõ những thủ đoạn tăng cường chiến tranh núp dưới chiêu bài hòa bình của tập đoàn hiếu chiến Mỹ đứng đầu là Giôn-xơn, Người viết:
“Chó sói đội lốt cừu non
Sự thật đã vạch mặt tổng Giôn Huê kỳ”
Hai câu lục bát phá thể đã lột tả thật cô đọng bản chất phản động, giả nhân, giả nghĩa của đế quốc Mỹ. Sau phần vạch mặt nạ giả dối của kẻ thù, Hồ Chí Minh đưa ra một loạt số liệu, lời thú nhận của đối phương đã làm rõ những thắng lợi to lớn về quân sự của nhân dân ta ở cả hai miền, kiên quyết đánh bại những âm mưu xảo quyệt và và độc ác của kẻ thù.
Có thể nói, các hình thức lẩy Kiều, những câu thơ từ, ca dao dùng trong tiểu phẩm Hồ Chí Minh rất phong phú, sáng tạo. Chúng có vai trò quan trọng trong việc diễn đạt một cách hàm súc, ý nhị, góp phần tạo nên tiếng cười sâu cay, hóm hỉnh trong tiểu phẩm báo chí của Người. Nhưng ở một khía cạnh sâu sắc hơn, trong sâu thẳm tâm hồn của vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đó chính là lòng yêu nước, là tình yêu thiết tha, cháy bỏng dành cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chính những tình cảm ấy đã khiến Người gắn bó, trân trọng những giá trị văn hóa, những truyền thống, bản sắc của dân tộc, cho đến từng lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Để rồi khi đã thấm sâu, hòa quyện vào một lối sống, cách nghĩ, trở thành phong cách, phương pháp sáng tạo, những giá trị đó lại được phản ánh một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn trong các tác phẩm, tiểu phẩm báo chí nói riêng, cũng như trong di sản văn học, báo chí nói chung của Hồ Chí Minh. Đến lượt nó những hình thức trên cũng lại trở thành một yếu tố góp phần làm cho tác phẩm của Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân dân, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12 (1966-1969), Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, trang 27.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội, 31996, trang 104.
(3) T.L: Tình hình tháng 01-1963 ở miền Nam anh dũng, Báo nhân dân ngày 01-02-1963.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, Hà Nội, 31996, trang 103.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6 (1950-1952), Nxb CTQG, Hà Nội, 31996, trang 104.
(6) C.B: Báo Nhân dân, ngày 30-11-1954.
(7) Chiến sỹ: Đế quốc Mỹ bị bí, báo Nhân dân, ngày 07-3-1964.
Đức Hiếu (Tổng hợp)