82. Giờ nào, việc nấy
Khi Bác mới sang Liên Xô, nghe nói Quốc tế Cộng sản thấy Bác gầy yếu, có để Bác xuống nghỉ ở Xôtri, nhưng được một, hai ngày, Bác đã trở về.
Người Bác vẫn gầy, nước da vẫn xanh. Có điều lạ là Bác không bao giờ mệt, ốm không bao giờ chịu nằm luôn mấy hôm, chỉ thỉnh thoảng ho và khạc ra huyết.
Lần này, Bác ở Liên Xô lâu hơn hết. Mùa Đông rất rét, có khi đến 30, 34 độ dưới không, nhưng Bác vẫn giữ được sức khỏe là vì sinh hoạt của Bác rất đều, có giờ giấc rất nghiêm: Sáng nào dậy Bác cũng tập thể dục, trong buồng có những dụng cụ tập như quả tạ, dây chun, v.v...
Khi đi chơi, hoặc đến nhà anh em, bạn, Bác cũng rất điều độ, nói giờ nào đến thì đúng giờ ấy, nói ở chơi được bao lâu thì rồi chơi đúng bấy nhiêu, đố ai vì một lý do gì có thể giữ Bác lại được thêm mấy phút. Không lề mề, la cà, không việc nọ xọ sang việc kia, đó là một biểu hiện của lối kỷ luật, tính tổ chức, của tinh thần tự chủ mà Bác đạt đến độ cao.
Ở Mátxcơva, ngày kỷ niệm Lao động quốc tế 01-5, các đoàn đại biểu ngoại quốc đến rất đông. Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa có nhiều học sinh các thuộc địa. Để giữ bí mật, ngày đó nhà trường báo với học sinh không ra đường. Trong lúc ngoài phố thiên hạ nô nức, rộn rịp, Bác tổ chức cho anh em ăn Tết 01-5 ở nhà một cách thoải mái, vui vẻ.
Bác rất lo lắng đến việc học hành của anh em, nhất là đối với những người còn kém, học chậm. Có hôm tôi đến chỗ Bác, thấy Bác đang viết một bài lục bát, hỏi Bác làm thơ phải không, Bác bảo:
Đây là bài địa lý lịch sử Việt Nam để dạy cho mấy anh em. Có người lớn tuổi, dạy thế nào cũng cứ quên, nên mình phải làm thế này để cho dễ nhớ.
Thường ở trường anh em học môn gì, sau lớp, Bác vẫn kiểm soát lại, một là xem anh em có hiểu mục đích, yêu cầu của môn đó không, hai là để xem học có thiết thực không, có dính liền với thực tế, với đấu tranh cách mạng không, ba là những danh từ trong bài có đúng không, anh em đọc có hiểu nghĩa không. Do đó mà nhiều khi Bác bổ sung thêm cho bài học, làm cho anh em hiểu thêm được nhiều.
Có điều là Bác làm một cách nhẹ nhàng, tự nhiên không phải quy định giờ để "kiểm soát", mà là hỏi han trong khi nói chuyện thường, thành ra không có không khí gò bó, khiến anh em lo phải "trả bài" cho Bác.
Thỉnh thoảng, ngày Chủ nhật, trong xóm tổ chức nấu cơm Việt Nam, có nơi các đồng chí phụ trách trường đến ăn, Bác cũng xuống bếp thổi nấu, dọn dẹp.
(Nguyễn Khánh Toàn, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
83. Nhà phải có cột mới vững chãi
Những ngày làm công tác ở cơ sở, tôi vinh dự được "Đồng chí già" nhiều lúc trực tiếp dạy bảo. Người luôn luôn có mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ với quần chúng, vì vậy quần chúng rất gần gũi Người, không hề cảm thấy có gì ngăn cách. Công tác huấn luyện quần chúng được Người tiến hành bất kể lúc nào trong câu chuyện, trong việc làm thường ngày, có khi là những lời ngắn gọn như một châm ngôn. Những bài học ấy thường rất cụ thể và có hình ảnh sinh động, đi vào trí nhớ của chúng tôi rất nhanh. Thú thực mà nói, có những vấn đề về Đảng, về giai cấp, về dân tộc, về kẻ thù... mà chúng tôi đã được một số đồng chí cán bộ khác giảng giải cho nghe, thật khó hiểu và rắc rối không còn biết lần đâu ra mối. Cái đó không phải là lỗi của những người truyền đạt, mà chủ yếu là vì chúng tôi đã quá quen với một cách nói cụ thể và có hình ảnh, vốn là lối suy nghĩ đặc biệt của người miền núi. "Đồng chí già" nắm rất chắc đặc điểm ấy trong cách nhận thức của chúng tôi. Người biến những suy nghĩ đậm đà màu sắc triết học, những khái niệm trừu tượng đầy tính khái quát, những chủ trương, đường lối và phương pháp cách mạng ngắn gọn, súc tích, thành cách nói mộc mạc, dễ hiểu cho quần chúng.
Có lần bàn về các đoàn thể cách mạng trong nước, Người nói: "Nhà thì phải có cột mới vững chãi. Các đoàn thể cách mạng cũng thế, phải có cái cột của nó mới đứng vững được, nghĩa là phải có Đảng lãnh đạo".
(Dương Đại Lâm, trích trong "Bác Hồ sống với mãi chúng ta")
84. Các dân tộc phải tiếp tục đoàn kết
Cách mạng thành công, tôi được trúng cử vào Quốc hội. Ước mơ được gặp Bác trở thành sự thật. Đã gần hai mươi năm qua rồi mà tôi vẫn không quên những cảm giác lần đầu tiên được gặp Bác, trong khóa họp Quốc hội lần thứ nhất, năm 1946. Biết tin được gặp Bác, suốt đêm tôi thao thức mong đợi. Cho đến khi được nắm bàn tay ấm áp của Bác, tôi vẫn ngỡ là mình đang mơ. Tôi cứ nắm tay Bác thật chặt, thật lâu. Hồi ấy, Bác gầy lắm, nhưng đôi mắt Bác thì sáng một cách kỳ lạ. Trán Bác cao và rộng, biểu hiện của một trí tuệ tuyệt vời. Bác nói thật giản dị và dễ hiểu: “Bác hoan nghênh các đại biểu dân tộc đã khởi nghĩa cùng một lúc với người Kinh. Các dân tộc đều đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, đều tán thành điều lệ, đường lối của Việt Minh. Tất cả đều xác định được công việc mình làm là tốt, mang lại quyền lợi cho dân tộc mình. Các đại biểu Quốc hội đã có quyền tham gia công việc nước nhà mà trước đó không có. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của người Kinh, người Thượng. Quốc hội là Quốc hội chung, Chính phủ là Chính phủ chung của cả nước. Từ nay về sau, công việc còn nhiều, khó khăn cũng còn nhiều. Các dân tộc phải tiếp tục đoàn kết, đoàn kết với người Kinh để tiếp tục làm công việc của Việt Minh: Chống kẻ thù xâm lược và nhất định sẽ đánh thắng chúng”.
Lời Bác nói đến đâu thấm đến đó. Tôi thấy Bác gần gũi với các dân tộc Tây Nguyên quá. Bác như một nhân vật hiện ra trong ước mơ của các dân tộc Tây Nguyên.
(Bác sĩ Y Ngông Niêk Đam, trích trong "Bác Hồ sống với mãi chúng ta")
85. Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế nào
Đội Thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên thành lập ngày 15/7/1950 theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Sau khi phục vụ chiến dịch Biên giới, Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên. Đội đã được tổ chức thành nhiều Liên phân đội rải quân dọc tuyến đường và nhận nhiệm vụ bám trụ những nơi hiểm yếu. Liên phân đội TNXP 321 của chúng tôi được nhận trọng trách bảo vệ cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), nằm trên tuyến đường từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng. Cầu Nà Cù lúc này không những đã trở thành mục tiêu ném bom bắn phá của máy bay địch, mà còn có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi.
Trung tuần tháng 9/1950, chúng tôi được tin báo có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) sẽ đến thăm đơn vị. Đêm hôm đó, chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách. Vừa trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, tôi cho anh chị em vỗ tay hoan hô: "Hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh". Khách vào tới nơi, định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm hạnh phúc thật bất ngờ: Bác Hồ đến thăm. Hàng ngũ của chúng tôi trở nên xáo động..., nhưng do việc giữ bí mật đã ăn sâu vào ý thức từng người nên trong hàng ngũ cũng chỉ truyền đi những tiếng reo khe khẽ: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chồm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh.
Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu: - Các cháu ngồi cả xuống.
Chúng tôi đều răm rắp nghe theo lời Bác, im lặng ngồi xuống.
Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời hỏi thăm ân cần về tình hình đời sống của đơn vị.
Bác hỏi:
- Các cháu ăn uống có đủ no không?
- Thưa Bác có ạ!
- Các cháu có đủ muối ăn không?
- Thưa Bác đủ ạ!
- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh chữa bệnh có đủ không?
- Thưa Bác đủ ạ!
Qua nụ cười hiền hậu trên nét mặt của Bác, chúng tôi thấy Bác biết thừa là chúng tôi nói dối để Bác vui lòng.
Bác đã được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp báo cáo đầy đủ về chế độ cấp phát lương thực, thuốc men, quân trang cho thanh niên xung phong còn thiếu thốn. Bác lại hỏi:
- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?
- Thưa Bác có ạ!
Sau đó Bác lại hỏi tiếp:
- Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?
Một số người trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi, nên trả lời rất lúng túng.
Sau đó bằng những câu ngắn gọn, Bác đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II vừa mới họp về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp đó Bác nhắc nhở: Lần sau cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt.
Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp: - Đào núi có khó không?
Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như trước nữa. Thế là người trả lời: Khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó.
Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm. Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chúng tôi: - Có ai dám đào núi không?
Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngay trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:
- Thưa Bác có ạ! Thanh niên xung phong chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ! (Hồi bấy giờ chúng tôi đào núi bằng cuốc, xẻng, không được cơ giới hóa như bây giờ). Nghe xong, Bác cười:
- Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì? Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biểu, có người trả lời "cần quyết tâm cao", có người "cần kiên gan bền chí", "cần vượt khó vượt khổ", có người "cần xung phong dũng cảm", toàn là những khẩu hiệu hành động của thanh niên xung phong chúng tôi hồi đó.
Bác động viên chúng tôi:
- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim". Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.
Giữa rừng đêm khuya, dưới ánh lửa bập bùng, Bác cùng chúng tôi hòa nhịp theo bài ca "Nhạc tuổi xanh". Chúng tôi hát hào hứng, say mê. Đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa! Bác xuất hiện và ra đi như một ông tiên trong chuyện cổ tích huyền thoại. Đám thanh niên chúng tôi ngẩn ngơ nuối tiếc hồi lâu.
Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Bài thơ đã là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên xung phong chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.
(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
86. Bác Hồ thích ăn món gì nhất
Nhiều người quan tâm đến sinh hoạt đời thường của Bác Hồ đã có lúc đặt ra câu hỏi ấy. Mới xem qua, dường như nó chẳng có ý nghĩa gì mấy, bởi nó riêng tư, mỗi người đều có sở thích của mình, khẩu vị và thị hiếu là vấn đề không thể bàn cãi!
Đúng như vậy. Nhưng tìm hiểu sở thích của một người cũng là một hướng tiếp cận tính cách của con người đó, càng cần thiết hơn khi đó là một vĩ nhân.
Cũng như mọi người, có món ăn Bác Hồ rất thích, nhiều món ăn được, có món không thích. Ví dụ qua bữa cơm với bà Thanh được kể lại, ta biết cậu Thành từ nhỏ không ăn được tỏi.
Nét nổi bật là vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta lại rất thích ăn các món ăn dân dã như mắm, cà dầm tương, canh cua ăn với rau chuối thái ghém,...
Có lần, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chủ tịch Liên khu IV Lê Viết Lượng có gửi lên Việt Bắc biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích ăn. Ngày đó, Bác vẫn thường ăn chung với các nhân viên phục vụ của mình. Có bữa bận phải ăn sau, Bác dặn:
- Các cô, chú cứ ăn thịt cá, để phần Bác món cà dầm mắm. Ở rừng, thỉnh thoảng vẫn thiếu rau. Bác bảo:
- Ta thiếu rau nhưng nhiều mít, cô Mai (vợ bác sĩ Chánh) làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột.
Chị Mai thú thực không biết làm. Bác lại bày cho cách làm nhút từ quả mít xanh. Có lẽ trong các món mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng. Hôm nào đồng chí Cần, cấp dưỡng của Bác làm món ăn đó, Người thường ăn hết, để món thịt lại.
Có lần Bác được mời đi nghỉ tại Liên Xô. Bạn cho ăn toàn những món đặc sản vào loại tuyệt hảo. Bỗng một hôm Bác bảo: "Mình nhớ món cá bống kho lá gừng quá!".
Một chuyện thật đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh đó thực hiện lại không dễ. Nấu ở nhà nghỉ thì không ổn, hơn nữa bạn lại rất sợ mùi nước mắm. Kho ở sứ quán rồi mang vào, lại sợ bạn biết sẽ phật ý. Cuối cùng, nhờ sự trổ tài khéo léo của đồng chí Vũ Kỳ trong việc giới thiệu các món ăn cổ truyền của dân tộc, món cá bống kho lá gừng đã được thực hiện.
Ở Việt Bắc, hôm nào có điều kiện ăn tươi, Bác lại bảo: Ra gọi cô Cúc (vợ đồng chí Phạm Văn Đồng) và cô Mai vào trổ tài cho Bác cháu mình thưởng thức. Chị Mai làm món gà rút xương, thịt băm trộn nấm hương nhồi đùi gà, đem hấp. Chị Cúc làm món bít-tết. Bác khen ngon, vì làm rất công phu. Bác nhận xét:
- Gia vị đối với món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị, món ăn sẽ giảm hương vị đi rất nhiều.
Coi trọng nội dung, Bác cũng nhắc nhở cần chú ý đến cả hình thức trình bày. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo: Các chú nấu cơm, để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín. Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp. Anh em cười thán phục. Bác bảo:
- Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!
Ngày 16/6/1957, Bác đi thăm Đồng Hới (Quảng Bình). Trong bữa cơm trưa có đủ các món đặc sản của Đồng Hới: Mắm tôm chua, rau muống chẻ, cá thu kho,... Bác cháu vừa ăn vừa trò chuyện. Bác chỉ tay sang bác sĩ Nhữ Thế Bảo nói đùa:
- Bác sĩ khuyên mọi người ăn chín, uống sôi, còn bản thân bác sĩ thì lại ăn rau muống sống hơi quá nhiều đấy!
Mọi người cười vang. Bữa ăn ngon lành càng thêm vui vẻ.
(Vũ Kỳ và vợ bác sĩ Chánh kể, Trần Song ghi, trích trong "Bác Hồ - con người và phong cách")
Tâm Trang (tổng hợp)