149. Bác Hồ động viên bộ đội Phòng không - Không quân trước giờ ra trận
Sau thất bại nặng trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa hai ngày 3 và 04-4-1965, không quân Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ trước sự xuất hiện của không quân ta. Chúng vội thay đổi thủ đoạn, không đánh tập trung ồ ạt nữa, mà chỉ dùng tốp nhỏ, bay ở độ cao trên trung bình. Chúng cho rằng, ta chỉ có máy bay MIG-17, tốc độ chậm và hỏa lực mặt đất chỉ có pháo cao xạ là đáng kể. Nếu thường xuyên bay ở độ cao trên trung bình, coi như loại trừ được phần lớn hệ thống hỏa lực đó. Vì thế, từ cuối tháng 5-1965, không quân Mỹ tiếp tục mở đợt "leo thang" mới, đánh rộng ra khắp miền Bắc, chỉ trừ Hà Nội và Hải Phòng. Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân chủng chúng tôi họp và nhận định tình hình, thấy phải nhanh chóng đưa bộ đội tên lửa ra quân, "vít đầu máy bay địch" xuống mà đánh. Lúc này ta mới có hai trung đoàn tên lửa SAM-2 vừa thành lập.
Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa đầu tiên mới bước vào huấn luyện từ tháng 5. Nhưng trước tình hình mới, Trung đoàn 236 phải rút bớt thời gian huấn luyện, khẩn trương ra quân đánh tan thủ đoạn mới của không quân Mỹ. Chúng tôi nhận định trước mắt, địch chưa thể đánh Hà Nội. Cần phải đặt trận địa tên lửa ra ngoài Hà Nội, nơi không quân Mỹ thường hoạt động, sẽ giành được yếu tố bất ngờ. Một mặt báo cáo lên trên xin ý kiến chỉ đạo, một mặt chúng tôi cử cơ quan Tham mưu của quân chủng đi nghiên cứu, xác định rõ nơi cần bố trí trận địa tên lửa, thời gian ra quân và cách đánh sao cho đảm bảo chắc thắng!
Qua kiểm tra, thấy mới có hai tiểu đoàn hỏa lực tên lửa gồm 12 bệ phóng có thể ra quân chiến đấu. Nhưng với quyết tâm đánh thắng thủ đoạn mới của không quân Mỹ, kế hoạch tác chiến đã nhanh chóng hoàn thiện: Ta sẽ tổ chức một cụm phục kích lớn bắn máy bay Mỹ, gồm: 2 tiểu đoàn tên lửa với 12 bệ phóng; 2 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo cao xạ có gần 30 đại đội pháo từ cỡ 37mm đến 100mm; 1 tiểu đoàn súng máy cao xạ tự hành trên xe bọc thép và 10 trận địa súng máy phòng không tầm thấp của dân quân, tự vệ. Lực lượng này được bố trí trên khu vực rộng gần hồ Suối Hai, bên sông Đà thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây. Một đại đội rađa cảnh giới được điều đến trực tiếp phục vụ cụm phục kích. Một Sở chỉ huy tiền phương của quân chủng được thành lập, trực tiếp chỉ huy tác chiến toàn bộ lực lượng trên. Sau khi được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu thông qua kế hoạch và chỉ đạo thêm, Thường vụ Đảng ủy quân chủng chúng tôi lập tức họp bàn tổ chức thực hiện: Đêm 20-7- 1965, các đơn vị bắt đầu hành quân đi chiến đấu, chiếm lĩnh trận địa theo kế hoạch.
Đêm 21-7-1965, hai tiểu đoàn tên lửa 63, 64 phải chiếm lĩnh xong trận địa. Các trận địa dự bị của tên lửa, pháo cao xạ cũng phải chuẩn bị xong trước ngày 22-7. Trận phục kích đánh máy bay Mỹ bắt đầu từ ngày 22-7, kéo dài đến hết tháng. Riêng hai tiểu đoàn tên lửa, sau khi đánh trận đầu phải cơ động ngay trong đêm đến trận địa mới. Hai trận địa tên lửa giả được dựng lên trên trận địa cũ bằng tre và cót ép, sơn như thật để nhử địch đến tập kích, cho các đơn vị pháo cao xạ tiếp tục chiến đấu, lập công... Nhưng tối 18-7-1965, chúng tôi bỗng nhận được thông báo đặc biệt: Bác Hồ nghe báo cáo bộ đội tên lửa chuẩn bị ra quân chiến đấu, đã yêu cầu quân chủng bố trí để Bác đến động viên các chiến sĩ trước giờ ra trận!... Nhận được thông báo, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì trước khi quân chủng thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu mới, đã được Bác Hồ quan tâm đến động viên, giáo dục bộ đội. Lo vì các đơn vị sắp đi chiến đấu, đang gấp rút chuẩn bị hành quân lại ở xa Hà Nội, liệu đón Bác ở đâu sao cho đảm bảo bí mật, an toàn. Sau cùng chúng tôi quyết định điều Đại đội 1, pháo cao xạ Trung đoàn 234 và Tiểu đoàn 241, súng máy cao xạ tự hành trên xe bọc thép, hành quân gấp ngay trong đêm đến chiếm lĩnh trận địa pháo cao xạ đã có sẵn trên sân bay Bạch Mai, sẽ là nơi đón Bác.
Sau khi báo cáo Văn phòng Phủ Chủ tịch và Tổng cục Chính trị về thời gian, địa điểm đón Bác Hồ, chúng tôi phân công anh Phùng Thế Tài, Tư lệnh và anh Đặng Tính, Chính ủy quân chủng thay mặt Bộ Tư lệnh quân chủng đón Bác tại sân bay Bạch Mai vào sáng sớm ngày 19-7. Tôi và các anh Phó Tư lệnh quân chủng vừa lo trực chiến trong Sở chỉ huy, vừa lo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị hành quân theo kế hoạch. Tôi giao nhiệm vụ cho Cục Chính trị cử cán bộ sang đón sẵn tại sân bay Bạch Mai, phổ biến cho cán bộ hai đơn vị vừa hành quân đến, tổ chức giáo dục bộ đội giữ bí mật và chuẩn bị thật tốt trước khi đón Bác Hồ đến thăm. Đồng thời nhắc cơ quan cử phóng viên đến chụp ảnh, ghi âm bài nói của Bác Hồ với bộ đội, viết bài tuyên truyền kịp thời trong quân chủng.
Sáng sớm ngày 19-7-1965, Đại đội 1 Trung đoàn 234 và Tiểu đoàn 241 đã chiếm lĩnh xong trận địa trên sân bay Bạch Mai. Tiếng máy nổ chạy đều và những khẩu pháo cao xạ đã nằm trong công sự, rung rinh lá ngụy trang xanh. Những chiếc xe bọc thép, trên mỗi xe là khẩu súng phòng không hai nòng vươn cao, đỗ thành hàng sát mép đường băng sân bay. Khi khẩu lệnh "chuẩn bị chiến đấu xong" vang lên trên trận địa, cũng là lúc đoàn xe chở Bác Hồ vừa đến. Cùng đi với Bác còn có đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội và đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Bác bước nhanh đến với các chiến sĩ như một người cha hiền từ, rất gần gũi khiến ai nấy đều bồi hồi, xúc động. Đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh báo cáo với Bác về hai đơn vị được thay mặt toàn quân chủng đón Bác đến thăm. Đó là Tiểu đoàn 241, đơn vị súng máy cao xạ tự hành, mới thành lập được hơn hai tháng, đã "vừa đi, vừa đánh", cơ động hàng nghìn kilômét, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ từ Ninh Bình, Hà Bắc tới Quảng Ninh. Đại đội 1 Trung đoàn 234 đã cơ động chiến đấu trên nhiều chiến trường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trở thành "Đại đội quyết thắng" trong Trung đoàn...
Bác Hồ giơ tay vẫy chào các chiến sĩ trên những chiếc xe bọc thép đỗ bên đường băng sân bay. Bác bước vào trận địa Đại đội 1, Trung đoàn 234. Bác leo lên một ụ đất giữa trận địa, chăm chú quan sát các chiến sĩ đang quay nòng pháo, thực hành một bài tập đánh "địch". Được biết Đại đội 1 đã góp phần tích cực cùng quân và dân Thanh Hóa bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ trong hai ngày 3 và 04-4-1965 bên cầu Hàm Rồng, Bác khen tất cả đồng bào và bộ đội đã lập chiến công. Nhưng Bác cũng nhắc cán bộ Đại đội 1, khi Bác thấy quần áo của bộ đội đều bạc trắng, cần phải tổ chức nhuộm lại cho anh em, phải ngụy trang thật tốt, không được để lộ trận địa. Bác xuống hẳn hầm pháo Khẩu đội 6. Bác giơ tay đếm từng người, rồi Bác hỏi tuổi đời, tuổi quân và tinh thần quyết tâm chiến đấu, kết quả tham gia chiến đấu vừa qua của các chiến sĩ.
Đồng chí Khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại báo cáo với Bác về khẩu đội của mình. Bác cầm chiếc mũ sắt của Khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại xem một lúc, rồi Bác thử đội chiếc mũ sắt lên đầu Bác. Bác hỏi các chiến sĩ đội mũ sắt cả ngày có thấy nặng không, chiến đấu dưới trời nắng trên trận địa có nóng và vất vả không? Bác căn dặn các chiến sĩ phải chịu khó rèn luyện học tập, không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật và chiến thuật để đánh giỏi, bắn trúng hơn nữa... Bác đi khắp trận địa. Bác rẽ vào một chiếc lều bạt của bộ đội xem đời sống của chiến sĩ trên trận địa lúc mưa gió hay trong những đêm hè nóng bức có vất vả, gian khổ lắm không? Bác hỏi các chiến sĩ sống với nhau có vui vẻ không, có đoàn kết không?... Bác đi thẳng xuống khu vực nấu ăn, nhà ăn của đơn vị. Bác mở lồng bàn xem những chậu cơm, canh và thức ăn, xem mức sống của các chiến sĩ trên trận địa ra sao. Bác căn dặn các chiến sĩ nuôi quân không được để lãng phí, phải chú ý giữ vệ sinh để bảo đảm phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng... Bác quay ra trận địa, bộ đội đã tập hợp thành hàng ngay ngắn, đợi Bác ra để nghe Bác nói chuyện. Bác bảo các chiến sĩ ngồi xuống bãi cỏ và quây quần quanh Bác, để nghe Bác nói. Mở đầu, Bác nói rất vui:
- Hôm nay Bác đến thăm các chú, thấy chú nào cũng hăng hái, mạnh khỏe, phấn khởi, Bác rất vui lòng. Sau đây Bác dặn các chú vài lời tóm tắt: 1- Giặc Mỹ đang "leo thang" ở miền Bắc, còn ở miền Nam chúng đang tăng thêm quân, thêm súng... Nhưng ta quyết không sợ. Nó đưa thêm chừng nào, ta diệt thêm chừng đó. Các chú bộ đội Phòng không - Không quân đã cùng với quân và dân ta bắn rơi gần 400 máy bay Mỹ, lập công như vậy là tốt. Các chú có vất vả gian khổ, nhưng so với quân và dân miền Nam thì chưa thấm vào đâu. Phải noi gương quân và dân miền Nam đánh giỏi, đánh mạnh, đánh trúng hơn nữa. Chúng ta đã hạ gần 400 máy bay Mỹ, nhưng còn phải bắn rơi nhiều hơn nữa. Đừng thấy thắng mà chủ quan, đã gọi là quân sự thì phải cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu tốt.
2- Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Có quyết tâm đánh, phải có quyết tâm đánh thắng và phải chuẩn bị tinh thần đánh liên tục, đánh đến khi nào giặc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam mới thôi. Vừa qua ta chưa đánh tiêu diệt được địch. Ví dụ nó vào 10 chiếc, ta chỉ bắn rơi có 2. Vì sao? Vấn đề ở chỗ tinh thần của con người phải truyền qua súng, tức là phải có kỹ thuật giỏi. Phải luyện tập công phu mới bắn trúng, bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu tiên. Có bắn trúng, bắn rơi ngay từ loạt đạn đầu mới bắn rơi được tại chỗ, mới tiết kiệm được đạn. Ta thường nói: "Một viên đạn, một quân thù", ở đây với loại pháo này, Bác cho các chú hai mươi viên một quân thù. Các chú cố học, cố rút kinh nghiệm, sẽ làm được.
3- Bộ đội Phòng không - Không quân có nhiều binh chủng, lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng giữa, ai đánh trên cao phải phân công nhau, phối hợp chặt chẽ. Phải có tinh thần lập công tập thể, không được tranh công hoặc đổ lỗi cho nhau...
4- Các chú phải hết sức chú ý về vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật. Muốn dân chủ, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu tự phê bình. Mục đích tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Lúc nào cũng phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa bộ đội với nhau, giữa nhân dân với bộ đội... Một ngón tay thì yếu, nhưng năm ngón tay nắm lại thành quả đấm thì rất mạnh... Cán bộ, chiến sĩ chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời dạy bảo ân cần của Bác. Khi Bác nói đến tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, Bác hỏi: "Tất cả các chú đã sẵn sàng chưa?". Trận địa lại vang lên hai tiếng "Sẵn sàng!" đáp lời Bác. Nói về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác lại hỏi: "Các chú có quyết tâm không?". Tất cả hàng quân lại hô lớn: "Quyết tâm! Quyết tâm!"... Bác gật đầu hài lòng, rồi Bác căn dặn thêm: "Chúng ta phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định thua.
Lúc này còn phân vân tàu địch to, tàu ta nhỏ, tàu bay địch nhiều, súng ta ít liệu có đánh được không là biểu hiện của quyết tâm chưa cao. Tuy không dám nhận là sợ địch nhưng chính đã sợ địch. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc đầu ta yếu, địch mạnh nhưng Đảng đã chỉ ra: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi và ta đã thắng lợi. Ta thắng lợi vì ta quyết tâm, ta đoàn kết. Vì tin tưởng thắng lợi ta mới dám dùng giáo mác đánh với xe tăng địch, cướp súng địch, diệt địch. Ta không có máy bay mà đã đánh tan xác hàng trăm máy bay địch... Nhân dân ta ở miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai, lúc đầu chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng càng đánh, càng thắng, càng mạnh. Nhân dân ta đều biết đánh giặc Mỹ xâm lược có gian khổ, có hy sinh, nhưng vì phải bảo vệ Tổ quốc, giữ lấy quê hương xóm làng nên nhân dân ta kiên quyết đánh và tin tưởng thắng lợi cuối cùng nhất định về ta...
Giờ đây Mỹ đã đưa máy bay B.52 đến ném bom giết hại đồng bào ta ở miền Nam. Ta phải khẳng định rằng: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"(10). Bác vừa dứt lời, cả trận địa đều vang lên tiếng vỗ tay của bộ đội và những tiếng hô không ngớt: "Kiên quyết thực hiện lời dạy của Bác!", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Các chiến sĩ đều lưu luyến nhìn theo Bác ra về, lòng đầy tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Hôm sau giao ban Bộ Tư lệnh, tôi kể lại thật tỉ mỉ câu chuyện đón Bác Hồ trên trận địa và chúng tôi được nghe lại cuốn băng ghi âm bài nói của Bác Hồ với các chiến sĩ, do cơ quan Tuyên huấn đưa sang báo cáo. Chúng tôi quyết định phải thông báo ngay cho toàn quân chủng biết sự kiện Bác Hồ đến thăm và động viên các chiến sĩ trước giờ ra trận. Đồng thời phát động phong trào thi đua "luyện hay, đánh giỏi, bắn trúng loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ và bắn tiết kiệm đạn", để thực hiện lời Bác Hồ dạy... Cuốn băng ghi lời dạy bảo của Bác Hồ được in ngay thành những "tờ bướm" phát kịp thời xuống các trận địa, trước hết là cụm phục kích chiến đấu tên lửa ra quân thuộc khu vực Suối Hai, tỉnh Hà Tây.
(Trích trong "Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân")
150. Cháu tập đàn một tay có khó lắm không?
Tiếng đàn ghi ta cất lên, âm thanh thánh thót lan tỏa khắp câu lạc bộ quân đội. Phía dưới sân khấu, khán giả ngồi chật các hàng ghế. Đây là buổi biểu diễn để chào mừng Đoàn văn công quân đội Liên Xô sang thăm Việt Nam.
Người chơi đàn là một thương binh bị mất cánh tay phải trong một trận chống càn ở Bến Tre. Anh là Đội trưởng Đội xung kích của Đại đội 891 thuộc Trung đoàn của ông Bảy Cống. Bị mất cánh tay nhưng tôi gắng luyện tập bằng tay trái để có thể trở lại với nghề. Chơi đàn bằng một tay rất khó. Mà lại là tay trái, nên đã đổ nhiều mồ hôi trong luyện tập, trong biểu diễn.
Tôi chơi bài “Nam ai”. Điệu nhạc chậm và thoáng buồn. Tiếng đàn gợi lại một vùng quê đã từng sống, ở đấy có con kênh xanh xanh và bóng dừa, có mái và cô gái trẻ… rồi chuyển sang điệu “Nam xuân”, đến khúc vui, tôi ghé sát đàn vào mi-crô nên tiếng đàn vang lên, vừa réo rắt, vừa tình tứ, tiếng đàn như gợi mở lòng người.
Nốt nhạc cuối cùng vừa chấm dứt thì tiếng vỗ tay từng đợt vang lên, nghe tiếng vỗ tay thật to ở các hàng ghế của Đoàn văn công quân đội Liên Xô. Tiếng vỗ tay ấy là yêu cầu tôi phải đánh lại lần thứ hai. Tôi lại ngồi xuống ghế, chơi lần thứ hai. Lần này tiếng vỗ tay vang to hơn, dồn dập hơn, náo nức hơn, vậy anh phải đàn lần thứ ba. Nhưng chưa hết theo yêu cầu của người nghe, tôi lại chơi đàn lần thứ tư để đáp lại sự nhiệt tình của mọi người.
Tôi đứng dậy cúi chào mà cảm thấy người lâng lâng cứ như muốn bay lên. Đấy là cảm giác của hạnh phúc, của sự khổ luyện được đền đáp của một nghệ sĩ đã nguyện sống chết với nghề.
Sáng hôm sau, tôi được Bác gọi vào để hỏi chuyện. Cả đoàn mừng cho tôi, vì đây là một hạnh phúc lớn, nhất là đối với anh em miền Nam tập kết. Tôi ngồi trên chiếc com-măng-ca, xe chạy giữa phố đông người. Xuống xe, đi bộ qua cổng gác, đồng chí bảo vệ chỉ cho tôi:
- Bác đang chờ đấy, đồng chí vào đi.
Anh bước vào, thấy Bác đang sửa một chậu hoa đặt bên cửa sổ. Nhìn thấy tôi, Bác cười:
- Chú đã đến đấy à?
- Báo cáo Bác, cháu được Bác gọi, cháu đã đến…
Bác dắt tay tôi ngồi xuống một chiếc ghế gần Bác. Bác hỏi về tình hình anh chị em tập kết, sức khỏe ba má tôi. Rồi Bác nói:
- Hôm qua cháu đàn được các đồng chí Liên Xô hoan nghênh lắm, nên hôm nay Bác gọi cháu đến hỏi chuyện. Cháu đến thăm Bác như cháu về với gia đình, không phải bỡ ngỡ gì cả.
Bác nắm tay còn lại của anh và hỏi:
- Cháu bị thương từ bao giờ? Cháu tập đàn bằng một tay có khó lắm không?
Tôi kể với Bác quá trình tập luyện và tuổi thơ đã tập đàn để kiếm sống. Tôi được gánh hát Chấn Hưng nhận vào làm một chân đàn phụ. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được nhận nhiệm vụ phụ trách đoàn văn công. Tôi tập lại đàn. Tôi lấy dây chun buộc chặt chiếc que có móc vào cánh tay cụt. Rồi tôi bấm nốt, tiếng đàn bật ra cột lốc, nặng nề. Thế là không được. Lần khác, tôi lấy ngón út khẽ gợi lên khoảng dây đàn, một âm thanh yếu ớt nhưng chính xác phát ra. Vậy là tôi dùng ngón út để thay cả năm ngón bên bàn tay đã mất.
Bác chăm chú nghe rồi hỏi:
- Bây giờ cháu đàn còn gặp nhiều khó khăn không?
- Thưa Bác, do cháu phải gảy đàn trên cần nên tiếng không vang được. Cháu mong đoàn sắm cho cái máy tăng âm…
- Chiều nay, cháu vào đàn cho Bác nghe. Cháu đàn các bài đã biểu diễn cho các đồng chí Liên Xô nghe hôm trước.
Chiều ấy, tôi lại được vào chỗ Bác. Đi với tôi còn có anh Phan Nhưng chơi đàn cò và em Thiện - một em bé miền Nam có giọng hát hay. Tôi đến đã thấy Bác cho để trong phòng một cây đàn mới có cắm điện. Tôi ngồi vào ghế để đàn cho Bác nghe. Tiếng đàn vang khắp căn phòng, tôi cảm thấy lòng mình rung động đến tột bậc.
Sau buổi đàn cho Bác nghe, Bác khen tôi và thưởng cho tôi cây đàn và chiếc máy tăng âm. Tôi xúc động nhận món quà của Bác và thầm hứa: Suốt đời tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với cây đàn mà Bác đã thưởng.
Những ngày sau đó, khi biểu diễn bằng cây đàn Bác cho, tôi thầm nghĩ: “Tiếng đàn như được chấp thêm đôi cánh. Tôi đàn rất say sưa hào hứng với lòng tự hào về nhân dân ta, về quân đội ta. Tiếng đàn nói lên quyết tâm sắt thép vì sự nghiệp giải phóng miên Nam, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tiến tới thống nhất nước nhà. Có đồng chí bảo tôi: “Chỉ thêm có bộ phận tăng âm mà tiếng đàn của cậu xuất sắc, vang vọng hẳn lên”. Tôi hiểu: “Không phải tiếng đàn của tôi chỉ được tăng âm lượng mà chính là những lời dạy bảo và tình cảm của Bác đã làm tăng thêm trong tôi ý thức và tình cảm của người biểu diễn. Tôi nguyện sẽ đem cả cuộc đời làm nghệ thuật của tôi để thực hiện những ước mơ cao đẹp mà Bác đã dẫn dắt tôi đi…”.
(Theo Vân Hoàng, trích trong "Bác Hồ với Cựu chiến binh Việt Nam")
151. Chiếc đồng hồ
Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
- Thưa không được ạ. Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.
Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?
Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!
Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24-5-1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.
Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà.
Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.
(Theo Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội kể)
Tâm Trang (Tổng hợp)