87. Theo Bác đi chiến dịch
Năm 1950, Bác đi chiến dịch biên giới. Đi theo Bác có một số đồng chí bảo vệ. Tôi cũng được đi cùng với Bác. Đồng chí Trung, người nấu ăn cho Bác được phân công ở lại trông cơ quan.
Chuyến đi khoảng hơn một tháng. Riêng đi bộ hết hai mươi chín ngày. Chuyến đi vất vả nhưng chúng tôi học được bao điều bổ ích. Tôi còn nhớ được một số mẩu chuyện nhỏ.
Có một lần, đoàn đi mải miết suốt ngày, tối mịt mới về đến một bản của đồng bào dân tộc. Vừa đói, vừa mệt, nhưng nhìn Bác càng thấy thương hơn. Chúng tôi vào bản tìm mua cam để Bác ăn. Nhưng vì trời tối nên người ta bán đắt quá. Tám hào (tiền Đông Dương) một quả (ngày thường chỉ hai, ba hào). Chúng tôi mua nhưng vẫn lo bị Bác phê bình vì mua đắt. Đem cam về Bác bảo bóc ra để anh em cùng ăn. Ăn xong tỉnh cả người, lúc đó Bác mới hỏi mua bao nhiêu tiền. Chúng tôi thưa mua tám hào một quả. Bác nói: "Đắt đấy, nhưng lúc này Bác cháu đang mệt, mua thế cũng được".
Một hôm đi mãi từ sáng đến trưa không nghỉ.
Chúng tôi mệt nhưng không dám đề nghị Bác cho nghỉ. Đến một đoạn đường có cây to, thấy nhân dân treo khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác cười vui vẻ hỏi: “Đố các chú đồng bào treo bảng gì kia?”. Anh em trả lời: “Thưa Bác, khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muôn năm ạ”. Bác cười mà nói: “Không phải, Hồ Chủ tịch muốn nằm đấy”. Được lời như cởi tấm lòng. Anh em đề nghị Bác cho tạt vào rừng nghỉ, Bác đồng ý.
Đường lên Cao Bằng càng lên càng dốc. Hết lên đèo lại xuống đèo. Một lần ngồi nghỉ giải lao, Bác chỉ đồng chí cùng đi người Cao Bằng và bảo: “Tỉnh chú lấy tên là Cao Bằng là không đúng”. Đồng chí kia chưa hiểu Bác định nói gì, thì Bác cười vui nói tiếp: "Cao Bằng gì mà càng lên cao càng dốc, theo Bác phải đặt tên là Cao Cao mới đúng". Hiểu ý Bác đùa, Bác cháu cùng cười vang, quên cả mệt nhọc.
(Lê Văn Chánh, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
88. Bác phải làm việc nhiều thì miền Nam mới mau thống nhất
Tình thương của Bác đối với tôi thật không bờ bến. Tôi hiểu rằng Bác dành tình thương đó không chỉ riêng cho tôi mà cho toàn thể phụ nữ, thanh niên và đồng bào miền Nam gian khổ đi trước về sau.
Tôi còn nhớ một chiều Xuân 1968, tôi lại được vào thăm Bác. Các chú cho tôi đến trước giờ hẹn. Bác đang làm việc trên chiếc Nhà sàn đơn sơ. Tôi rón rén vào đứng sau lưng Bác. Bác đã biết, nhưng không quay lại, Bác bảo:
- Lý đó à. Cháu chờ Bác làm việc xong, một tí thôi!
Tôi thưa với Bác: Thưa Bác! Bác làm việc nhiều quá. Tuổi Bác ngày càng cao. Bác giữ gìn sức khỏe để vào thăm đồng bào miền Nam…
Bác xúc động nói:
- Bác phải làm việc nhiều thì miền Nam mới mau thống nhất, Bác sẽ vui nhiều, khỏe nhiều.
Tôi ứa hai hàng nước mắt và thẫn thờ ngồi nhìn Bác làm việc, lòng nghẹn ngào, không dám nói thêm với Bác một lời nào. Ôi, suốt cuộc đời của Bác, Bác đã đặt hết tâm lực vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từng giờ, từng phút, Bác lo cho miền Nam. Bác đã hy sinh hạnh phúc cá nhân vì cả dân tộc.
(Trần Thị Nhâm (Lý), trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
89. Người là nghệ sỹ của nhân dân
Mấy năm gần đây, đã nhiều nhà văn tìm hiểu văn Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuốn Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, đã vạch rõ những bài học lớn trong đời sống, tư tưởng và tác phong của Hồ Chủ tịch.
Văn Hồ Chủ tịch giản dị như tâm hồn của nhân dân. Cái lớn lao của một nhà tư tưởng là tìm được đường lối giản dị, soi sáng cả muôn ngàn sự việc rắc rối, hỗn độn của đời sống hàng ngày. Cuộc chiến đấu gian nan và phức tạp của chúng ta đã được Hồ Chủ tịch soi sáng theo một đường lối minh bạch, ai cũng hiểu và tin.
Phân tích chủ trương chính trị của Người, đồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Dân tộc Việt Nam bây giờ muốn gì? Muốn thống nhất độc lập, muốn no ấm, muốn biết chữ, muốn đời sống bớt tối tăm. Cho nên Hồ Chủ tịch chủ trương: Đoàn kết kháng chiến, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, đời sống mới". Tiến gần đến phản công, Hồ Chủ tịch dặn trước mọi người: "Càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian nan". Ngày nay giặc đánh khu Ba, tàu bay khủng bố, thóc cao gạo kém, các bà các cụ nhà quê vẫn truyền nhau câu ấy mà hiểu được tình thế. Sự sáng rõ giản dị của Hồ Chủ tịch là do một tư tưởng khoa học đã thấm nhuần được vào cuộc sống bình thường làm lụng, chiến đấu hàng ngày.
Hồ Chủ tịch nói là để làm và để mọi người làm. Người nói một câu, viết một câu bao giờ cũng chú ý làm sao người tầm thường nhất cũng hiểu và làm theo được...
Giản dị, thực tế, luôn luôn từ đời sống nhân dân nảy lên, nên văn Hồ Chủ tịch không khô khan lạnh lẽo. Lời nói của Người đầm ấm thấm nhuần tâm hồn. Hồ Chủ tịch không những là nhà tư tưởng, người là nghệ sĩ của nhân dân. Trong mỗi lời của Người, ta nghe rõ lối cảm xúc của nhân dân. Người khuyên răn cán bộ đừng "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị". Ai quên được bức thư trung thu đầu tiên của Người gửi cho nhi đồng: "Trăng Thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ lành". Người để lại câu: "Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ". Hồ Chủ tịch bảo: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". Nhắc nhở đồng bào phải cố gắng vượt bậc, Người nói: "Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai"...
Nhân dân là nhà hiền triết cũng là nhà thi sĩ đầu tiên.
Những nhà tư tưởng và những nghệ sĩ thiên tài chỉ nảy lên khi nào họ đứng vào hàng ngũ nhân dân, tìm tòi thu hút những sáng tạo của nhân dân, khi nào là kết tinh của nhân dân.
(Nguyễn Đình Thi, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
90. Bài học về cách nói, cách dùng từ
Ở Bác tỏa ra một sự tươi tắn, mát mẻ, một niềm vui thường xuyên và một tình thương rộng lớn. Tôi hiểu rằng Bác thương yêu và Bác vui thích gặp những đứa con của miền Nam, nơi luôn luôn ở trong tim của Bác. Tôi lặng nhìn chòm râu bạc, đôi mắt sáng, nụ cười tươi mát đang hấp dẫn tôi đến mức tôi thật sự không còn để ý đến sự có mặt của những người chung quanh.
Bác bắt tay anh chị em chúng tôi rồi vui vẻ chỉ ghế mời chúng tôi ngồi. Bác hồn nhiên, cởi mở, chủ động và gần gũi với tất cả đàn con đang quây quần chung quanh Người. Vào câu chuyện, Bác nói lên một câu nói trang trọng đầy tình nghĩa. Nhìn Thủ tướng Phạm Văn Đồng rồi nhìn sang chúng tôi khắp lượt, Bác nói, giọng chậm rãi, ôn tồn, ấm áp:
- Hôm nay tôi và đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt 20 triệu đồng bào miền Bắc hoan nghênh các cô các chú trong Liên minh ra thăm miền Bắc.
Bác lần lượt hỏi thăm sức khỏe mỗi người chúng tôi. Người hỏi về chuyến đi từ trong vùng giải phóng miền Nam ra đến miền Bắc có an toàn không? Đi bằng phương tiện gì? Đường sá như thế nào? Ăn uống ra làm sao? Bác lại hỏi gia đình của mỗi chúng tôi hiện ở đâu? Có được an toàn không? Sinh sống làm ăn thế nào? Bác hỏi rất tỉ mỉ, rất thân tình. Chúng tôi không dám nói nhiều về bản thân nhưng khi nghe chúng tôi trả lời ngắn, Bác lại hỏi thêm một số chi tiết cho đầy đủ. Thấy tôi đeo kính cận thị Bác hỏi kính nặng mấy điốp. Rõ ràng là Người có sự quan tâm rất mực của một người cha hiền.
Bác hỏi chúng tôi rất kỹ về tình hình vùng giải phóng, vùng đô thị bị tạm chiếm. Nghe kể về Huế, Bác rất chăm chú, thỉnh thoảng Bác gợi lại vài kỷ niệm của thời thơ ấu, nhắc tới những nơi Bác đã từng sống qua: Trường Quốc học, thành nội, chợ Xép, quán Ao Hồ, cầu Tràng Tiền... Bác hỏi ở Huế có những chén chè nho nhỏ để trên cái trẹt bán mỗi chén một tiền còn hay không? Bác nhắc tới tên vài đường phố cũ ở Huế nà thuở nhỏ Bác đi học ở đây thường qua lại. Trí nhớ của Bác thật dồi dào, Bác hồ hởi nhắc lại tuổi trẻ của mình bên bờ sông Hương. Giọng Bác thực sự xúc động khi hỏi sông Hương hiện nay còn đẹp không? Đồng bào mình dưới ách Mỹ ngụy khổ đến mức nào? Câu nói dạt dào tình thương vô hạn đối với đồng bào miền Nam và gợi lên trong lòng chúng tôi một nỗi xốn sang căm thù da diết kẻ thù cướp nước và bán nước. Miền Nam! Miền Nam còn chưa giải phóng. Chúng tôi xót xa nghĩ tới miền Nam khi đang được ngồi dưới bầu trời miền Bắc, bên cạnh Cha già, hiện thân vĩ đại của độc lập, tự do.
Bác nói bằng lời văn giản dị, nôm na, ngắn gọn, cô đúc mà chúng tôi thấy thật là mới mẻ, nhẹ nhàng. Ở vùng tạm bị chiếm miền Nam, cả đến ngôn ngữ cũng bị vẩn đục, lai căng pha tạp. Những lời nói của Bác đối với tôi là cả một bài học lớn về tiếng nói, cách nói, cách dùng từ. Ngôn ngữ của Bác giàu hình tượng, sinh động như trong ca dao tục ngữ. Bác dùng chữ, đặt câu rất giản dị và chuẩn xác. Nếu có ai trong chúng tôi dùng chữ chưa được chuẩn, sử dụng từ Hán Việt nặng nề, phức tạp, không cần thiết thì Bác nhẹ nhàng vui vẻ chữa lại cho chúng tôi.
Qua cuộc nói chuyện, Bác đánh giá cao những hy sinh gian khổ, những sự tích anh hùng của đồng bào ta ở hai miền với một tấm lòng ưu ái đặc biệt dành cho miền Nam tiền tuyến đầu sóng ngọn gió. Bác nhắc nhở chúng tôi đức khiêm tốn và ý chí tiếp tục phấn đấu, đừng tự cao, tự mãn, Bác bảo chúng tôi:
- Giỏi thì có giỏi thật đấy nhưng cứ nói gì thì nói chứ đừng vội kết luận rằng dân tộc Việt Nam là nhất thế giới nhé.
Mọi người chúng tôi lấy làm vui được nghe Bác truyền cho bài học khiêm tốn, giản dị mà sâu sắc ấy. Ở gần bên Bác, tôi vừa cảm thấy được động viên, cổ vũ khích lệ rất nhiều, đồng thời cũng cảm thấy mình chưa làm được bao nhiêu so với yêu cầu của thực tế và lòng mong muốn của Bác.
(Lê Thị Hảo, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
91. Ăn no rồi hãy đến làm việc
Anh em, bạn bè, họ hàng lâu ngày gặp nhau, cùng uống một chén rượu, ăn với nhau một bữa cơm cũng là việc thường tình. Cái chính là ở tấm lòng trung thực, tình nghĩa, kính trọng, yêu thương nhau chứ không nên "khách một khứa mười" tranh thủ chi tiêu "tiền chùa" xả láng. Khách không nên vì cương vị "gợi ý" khéo để chủ nhà "nghênh tiếp".
Anh em ở gần Bác cho biết, dù trong kháng chiến ở Việt Bắc, hay khi đã về Hà Nội, kể cả trong những năm chống Mỹ, cứu nước, hễ đi công tác xa, gần, là nhất định Bác "bắt" mang cơm đi theo. Khi cơm nắm, độn cả ngô, mì. Khi là bánh mì với thức ăn nguội. Chỉ có canh là cho vào phích để đến bữa, Bác dùng cho nóng.
Nhớ lần về thăm tỉnh Thái Bình, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm. Bác nói: "Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì". Nói xong, Bác lại thương cán bộ vì đã có cơm sẵn. Bác gọi đồng chí cảnh vệ đưa cơm nắm thức ăn mặn của Bác đến và bảo:
- Mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn chú và bác sĩ sang mâm kia ăn cơm với cán bộ tỉnh.
Thường là đi công tác, đến bữa, Bác cho dừng xe, chọn nơi vắng, mát, sạch, Bác, cháu mang cơm ra ăn. Làm việc xong, Bác chọn giờ ra về để kịp ăn cơm "ở nhà". Nếu không, lại có cơm nấu bữa thứ hai mang theo. Chỉ khi nào ở đâu, công tác lâu Bác mới chịu "ăn" cơm ở địa phương. Bao giờ Bác cũng dặn "chủ nhà":
- Đoàn Bác đi có từng này người. Nếu được, chỉ ăn từng này, từng này...
Dù không nghe lời Bác, chủ nhà dọn "cỗ" ra, Bác cũng có cách riêng của Bác. Bác nói với anh em:
- Bác cháu ta chỉ ăn hết món này, món này thôi. Còn món này để nguyên.
Nhà chủ thiết tha mời Bác dùng thử món "cây nhà lá vườn", Bác cũng chỉ gắp vào bát anh em và bát mình mỗi người một miếng rồi lại xếp ngay ngắn đĩa thức ăn ấy, kiên quyết để ra ngoài mâm, người ngoài nhìn vào thấy đĩa thức ăn vẫn như nguyên vẹn. Bác nói với cán bộ:
- Người ta dọn ra một bữa sang, Bác cháu mình có khi cũng chẳng ăn đâu, chẳng ăn hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: Đấy, Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người này, người nọ từ giao tế sang, mất thời gian. Thế là, tự mình, Bác lại bao che cho cái chuyện xôi, thịt... Cứ ăn no rồi đến làm việc.
(Nguyễn Việt Hồng, trích trong "Bác Hồ, con người và phong cách")
92. Bác Hồ chứ còn ai!
Trong Chiến dịch Biên giới, một lần đi gần tới Đông Khê (Cao Bằng), Bác rẽ vào nhà một đồng bào nghỉ ngơi. Một em bé Nùng gánh đôi bảng nước từ dưới suối đi lên trông thấy cụ già quen quá mà không rõ gặp ở đâu rồi. Em nghĩ chưa ra thì cụ đã tới gần. Giọng cụ ấm áp:
- Cháu gánh có nặng không?
- Ồ! Không nặng đâu!
Em bé vội đáp, ngạc nhiên trước cử chỉ của cụ. Em xốc lại đòn gánh thong thả bước. Cụ già bước theo lên cầu thang. Vào nhà, cụ hỏi em bé:
- Cháu tên là gì?
- Là Phấn.
Cụ già xoa đầu Phấn.
- Pá (bố) đi dân công phải không? Cháu làm việc nhiều quá.
- Pá đi dân công phục vụ chiến dịch. Cháu ở nhà giúp mế (mẹ) gánh nước. Không mệt đâu. Cụ già lại hỏi:
- Cháu có biết đi dân công để làm gì không?
- Đi dân công để giết Tây.
Phấn trả lời cụ già, rồi kể:
- Thằng Tây nó ác hơn cọp ông à! Tàu bay nó bắn cháy trường cháu ba lần. Bây giờ trường phải dời vào lũng xa lắm. Nó bắn chết cả Pu, con trưởng thôn.
Cụ già đặt tay lên vai Phấn, đôi mắt hiền từ nhìn Phấn, khẽ nói: - Bao giờ hết giặc, cháu sẽ không phải vất vả như thế này nữa.
Hai Bác cháu nói chuyện thêm một lát nữa. Rồi Bác nhắc Phấn đi ngủ.
Đêm gần về sáng. Phấn còn đang yên giấc ngủ thì cụ già đã cùng mấy người khác đi. Lúc tỉnh dậy, thấy nhà trống trải, vắng vẻ quá, Phấn bật lên khóc. Nhìn lọ thuốc ho, chiếc khăn quàng cổ cụ già cho, lòng Phấn càng nhớ cụ khôn xiết.
Cho đến lúc ấy, Phấn chưa nhận ra cụ già trọ ở nhà mình là ai? Mãi đến khi Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, bố Phấn đi dân công về nghe chuyện mới quả quyết với con rằng:
- A lúi! Bác Hồ chứ còn ai!
Và hai bố con rất tiếc, nhưng rất sung sướng là Cụ Hồ đã đến ở nhà mình.
(Trích trong "Bác Hồ kính yêu")
Tâm Trang (tổng hợp)