119. Hãy gọi các cháu lên đây với Bác
Vinh dự được bảo vệ Bác từ năm 1958 đến khi Người qua đời, tôi đã được chứng kiến nhiều lần Bác đến thăm các trường học, đến các trại hè, các đại hội thiếu nhi, các cuộc liên hoan…
Ông tiên giữa đời thường
Những lần Bác đi công tác cần bảo đảm bí mật, lực lượng cảnh vệ đã làm nhiều cách để ít người nhận ra Bác. Nhưng đối với các cháu thiếu nhi ở thành thị cũng như ở nông thôn, chỉ thoáng thấy Bác là các cháu đã hò reo, vẫy gọi và ùa đến quanh Bác. Những lần như vậy, các cháu thường được Bác chia kẹo, phát quà và có nhiều lần Bác đã cho dừng xe vui với các cháu thiếu nhi.
Một lần, trên đường đi công tác, vì đường còn xa nên chúng tôi bố trí Bác nghỉ tạm trên một đồi cây, xung quanh là cánh đồng lúa đang độ trổ bông, tỏa hương thơm ngát. Chúng tôi yên trí vì đã chọn được một nơi yên tĩnh, không khí trong lành và quan trọng hơn là nơi đây vắng vẻ, ít người qua lại, có thể bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Bác vừa ngồi xuống gần một gốc cây thì chúng tôi bỗng nghe thấy có tiếng bì bõm đâu đây. Lát sau tiếng lội rõ hơn, xen lẫn tiếng xì xào ở trong ruộng lúa. Tôi tiến lại gần, thấy gần chục cháu nhỏ, các cháu cầm giỏ bắt cua đang đi về phía chúng tôi. Thấy vậy, chúng tôi bàn nhau cử người đến bảo các cháu hãy đi nơi khác kẻo ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của Bác. Chúng tôi đang nói với các cháu chợt nghe tiếng Bác:
- Có chuyện gì vậy các chú? Tôi phải báo cáo thật:
- Thưa Bác! Có mấy cháu thiếu nhi đi bắt cua đồng ạ. Như hiểu được ý định của chúng tôi, Bác nói:
- Các chú đừng có đuổi các cháu. Hãy gọi các cháu lên đây với Bác. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải cử một đồng chí xuống đón các cháu. Các cháu phấn khởi nhìn nhau cười rồi tiến lại gần chỗ Bác ngồi. Vừa nhìn thấy Bác, các cháu sung sướng mừng quýnh cả lên:
- Chúng cháu chào Bác ạ! Bác Hồ các bạn ơi! Bác nhìn các cháu âu yếm:
- Các cháu làm gì ở đây? Một bé trai nhanh nhảu:
- Thưa Bác! Chúng cháu qua đây thấy Bác nên muốn đến để được ngắm Bác ạ. Các bé ào đến quây quần bên Bác như đàn cháu lâu ngày mới được gặp người ông, tranh nhau ôm lấy tay Bác. Có cháu sà vào lòng Bác, Bác xoa đầu một cháu ngồi gần, giọng ấm áp:
- Các cháu có được đi học không? Các cháu đồng thanh:
- Thưa Bác! Chúng cháu được đi học, vui lắm ạ.
- Các cháu có giúp đỡ bố mẹ, có giữ gìn vệ sinh không? Các cháu tranh nhau trả lời:
- Thưa Bác, chúng cháu đều giúp bố mẹ những việc nhỏ trong nhà ạ! Bác rất vui, khen các cháu:
- Thế là tốt! Bây giờ các cháu hát cho Bác nghe một bài. Các cháu cùng hát bài: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.
Dưới bóng cây râm mát lộng gió trời thu, đàn cháu nhỏ quây quần như được gặp ông tiên trong truyện cổ tích mà ngày nhỏ được bà kể lại. Nhưng tại lúc này, Bác là “ông tiên” của đời mình, “ông tiên” của lòng mình. Đã đến giờ lên đường, tôi mời Bác lên xe. Xe từ từ chuyển bánh, Bác giơ tay vẫy chào các cháu. Qua cửa kính, tôi còn thấy những đôi bàn tay nhỏ xinh xinh như những bông hoa vẫy mãi.
Bài học dạy trẻ
Một lần khác vào mùa Hè năm 1963, Bác thăm một trường mẫu giáo ở Hà Nội. Khi chúng tôi đến chuẩn bị thì lãnh đạo ở đây tuy không nói ra nhưng đều biết là Bác sẽ đến thăm, không còn cách nào khác, mọi việc vẫn phải tiến hành theo kế hoạch.
Đúng 9 giờ sáng hôm đó Bác đến thăm trường. Khi tới cổng, Bác thấy trời nắng và oi bức, thế mà các cô dẫn các cháu tô son, má phấn, xúng xính trong bộ quần áo hoa còn mới nguyên, tay cầm cờ, hoa để chờ đón Bác. Mặt cháu nào cũng đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại. Thương các cháu, vì gặp được Bác mà vất vả nên khi vừa xuống xe, Bác bỏ qua hết thủ tục do trường tổ chức mà cho tất cả các cháu vào hội trường, bật quạt để các cháu mát. Khi Bác bước vào, các cháu không ai bảo ai đứng dậy đồng thanh:
- Chúng cháu chào Bác ạ! Bác cười, âu yếm nhìn các cháu và ra hiệu để mọi người trật tự. Người hỏi:
- Các cháu có ngoan không?
- Thưa Bác! Có ạ. Cả hội trường đồng thanh đáp.
- Các cháu có vâng lời cô giáo không? Tiếng ngây thơ của các cháu lại vang lên như những lần trước:
- Thưa Bác! Có ạ. Bác quay lại nhìn các cô giáo cười, còn các cô thì mặt đỏ ửng và lúng túng, các cháu ngơ ngác nhìn Bác rồi nhìn các cô giáo, như thấy điều gì đó, chúng làm chưa đúng.
Bác thoáng buồn và căn dặn các cô giáo:
- Hình thức là quan trọng nhưng ở đây các cô lại hình thức quá. Do đó Bác không thấy được thực tế nơi ăn ở học tập của các cháu, không thấy được các cấp lãnh đạo cơ sở quan tâm các cháu đến đâu? Các cháu bé là những tờ giấy trắng, các cô giáo là các họa sĩ phải biết pha màu để dựng nên những bức tranh đẹp có ý nghĩa, có ích cho xã hội. Không dạy để các cháu tiếp thu máy móc và học kiểu học vẹt. Các cô giáo ân hận vì đã có lỗi với Bác và chăm chú nghe Bác dạy, còn các cháu bé xúm lại nhận quà của Bác, không khí thật ấm áp.
(Theo Phạm Lê Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ)
120. Ba lần xây dựng Đền thờ Bác Hồ
Bà con xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau ba lần dựng đền thờ Bác Hồ, một việc làm có lẽ nhiều người không tưởng tượng được. Đây là một biểu hiện sâu lắng tấm lòng của nhân dân Cà Mau đối với Bác.
Tháng 2-1970, sau khi có chủ trương của Huyện ủy, được sự chỉ đạo của đồng chí Năm Lập, Bí thư Xã ủy và các đồng chí đảng viên cao tuổi Nguyễn Văn Ký, Năm Tần, trên hai chục gia đình xóm Kinh Rẫy, ấp Hồng Phước đã xây dựng đền thờ Bác Hồ bên bờ sông Đầm Chim, ngày đó là xã Tân Tiến - nay là xã Nguyễn Huân.
Đền thờ làm vuông vắn, mỗi cạnh 7 mét, cột kê táng bằng gỗ đước, có bốn chái bắt vần, lợp phibrôximăng. Chung quanh đền, đóng bằng ván gỗ mắm, phía trên đóng song khung gỗ đước. Hơn một trăm người làm dưới sự chỉ huy của ông thợ mộc Trương Văn Sa. Sau hơn một tháng thi công, ngôi đền đã hoàn thành. Ông Trần Minh Tân và ông Nguyễn Văn Thế, cán bộ thông tin, được giao nhiệm vụ trang trí. Đồng chí Mười Bài, cán bộ đơn vị 962, tặng cho bà con bức ảnh Bác mang về từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bức ảnh được lồng vào khung gỗ sơn màu đỏ, thật trang trọng. Hai bên bàn thờ là hai câu liễn sơn đỏ chữ vàng: "Chí khí tráng sơn hà, cứu quốc anh hùng duy hữu nhất Minh tinh quang vũ trụ, Á - Âu hào kiệt thị vô song". Ông Nguyễn Văn Ký là người được giao trực tiếp trông coi đền thờ. Mỗi ngày ông đến đốt hương và vun quén bồn hoa quanh đền. Ngày khánh thành đền, làm lễ dâng hương cúng kiếng Người, đội văn nghệ của xã do anh Hai Tốt phụ trách đã tổ chức một chương trình văn nghệ hát về Bác Hồ và quê xứ yêu thương.
Kể từ đó, hằng ngày các em thiếu nhi đến đây vui ca, múa hát. Nhiều chị em phụ nữ, cả những người có chồng, có con cũng lo thu xếp việc nhà đến đây tập múa, tập hát dưới sự hướng dẫn của anh Bưởi và anh Thế. Những lần kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, ngày Bác từ trần, bà con ấp Hồng Phước, bà con xóm Cá Rô - xóm Đùng Đình mang bánh trái, quà vật tới đền thờ. Lễ cúng kiếng rất tôn nghiêm, trang trọng.
Biết được hoạt động này, bọn địch điên cuồng lồng lộn. Chúng tổ chức càn quét, bắn giết, tính phá hủy cho kỳ được ngôi đền thờ Bác. Đội du kích ấp gồm hai chục tay súng, dưới sự chỉ huy của Ấp đội trưởng Lê Minh Châu, Ấp đội phó Nguyễn Văn Phát bố trí canh gác, đánh địch ngày đêm, quyết bảo vệ đền thờ an toàn. Có lần lực lượng du kích bắn bị thương tên đồn trưởng khi hắn chỉ huy càn quét nơi đây. Dùng bộ binh thất bại, bọn chúng cho tàu sắt nã trọng liên và cho máy bay bắn phá đền thờ. Nhưng tàu đến thì du kích bắn tàu, máy bay tới thì du kích bắn máy bay. Dù bọn địch dùng phương tiện và vũ khí chiến tranh hiện đại nhưng vẫn không hủy diệt được đền thờ Bác. Trái lại, ta còn treo băng cờ, khẩu hiệu quanh đền ngày đêm rực rỡ.
Khi địch mở chiến dịch bình định nông thôn, đánh phá vô cùng ác liệt, sau khi bàn bạc thống nhất, Đảng bộ và nhân dân nơi đây quyết định di dời đền thờ Bác Hồ vào rừng chống giặc. Nơi chuyển đền thờ Bác tới là Kinh Rẫy, một dòng kinh nhỏ rộng hơn 10 mét, dài chừng 500 mét giữa rừng đước. Ngôi đền có kích thước như cũ nhưng lợp lá, không dựng trên nền đất, mà dựng sàn bằng gỗ đước. Phía trên, bàc on dùng dây chì kéo chằng những ngọn cây đước, ngụy trang rất kín đáo, máy bay địch không thể phát hiện được. Con kinh này hiện nay mang tên "Kinh Đền thờ Bác Hồ".
Thời gian này, khắp nơi bị địch đánh phá rất dữ dội. Ở xã này, cùng một lúc chúng giết gia đình chị Nguyễn Thị Cúc 6 người. Nhưng bà con đều sẵn sàng sống bất hợp tác với địch. Hễ nghe tin chúng đi càn, bà con bỏ hết nhà cửa chạy vô rừng, chờ im tiếng súng, mọi người lần lượt bám về. Dù cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn, Đảng bộ và bà con vẫn thường xuyên tề tựu nơi đền thờ Bác. Ông Nguyễn Văn Ký vẫn hằng ngày đốt hương và chăm sóc ngôi đền. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi có chủ trương khôi phục rừng, xóm Kinh Rẫy, ấp Hồng Phúc được di dời về nơi mới là kinh Khạo Nhòng, ấp Văn Luyện, xã Nguyễn Huân.
Ngôi đền trong rừng năm xưa đã hư hỏng nhiều, bà con quyết định dựng ngôi đền mới tại khu vực được định cư. Bà con vào rừng đốn cây, góp tiền mua tôn và các loại vật liệu khác. Đền vẫn dựng theo kích thước cũ nhưng giờ đây khang trang hơn, uy nghi, sáng láng hơn. Ngôi đền dựng lần thứ ba này tọa lạc tại ngã ba Tân Thành, cách vàm Cây Gừa (sông Bàu Sen) khoảng 800 mét. Chăm sóc ngôi đền vẫn là ông Nguyễn Văn Ký. Ngày 04-9-1990 (âm lịch), ông Ký qua đời, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đầy (Năm Ho) lãnh nhiệm vụ hương khói và chăm sóc giữ gìn đền thờ Bác. Khi ông Đầy mãn phần, bà Lê Thị Phú - vợ ông Đầy - tiếp tục nhiệm vụ của mình cho tới khi ngôi đền không còn chịu đựng được nắng mưa, giông bão. Bà Lê Thị Phú rước lư hương của Bác về nhà thờ phượng. Bà đã 87 tuổi, không có con cái, có lúc bà ở xã Nguyễn Huân, lúc về Tân Bằng, bên dòng sông Trẹm xã Biện Bạch, huyện Thới Bình; có khi trở lại ấp Cây Gừa bên dòng Bàu Sen. Một thân, một mình, một ghe, bà vẫn mang theo kỷ vật thiêng liêng là cái lư hương thờ Bác từ năm nào và ngày ngày vẫn đốt hương tưởng nhớ Người.
Tại nhà ông Ký, bức ảnh Bác lồng trong khung kính sơn đỏ làm từ năm 1970, con cháu ông vẫn treo thờ giữa nhà. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, nhất là những ngày chiến tranh ác liệt, nhân dân và Đảng bộ xã Nguyễn Huân đã dựng đền thờ Bác để theo Người chiến đấu vì độc lập, tự do.
Có một điều rất ý nghĩa đã nói ở trên vẫn cần nhắc lại ở đây. Ấy là việc sau khi hòa bình, đền thờ Bác Hồ ở Kinh Rẫy được di chuyển về xóm ấp mới thì dòng Kinh Rẫy được nhân dân gọi là: KINH ĐỀN THỜ BÁC HỒ. Trong rừng đước có một dòng kinh mang tên ý nghĩa vô cùng! Những kỷ niệm thiêng liêng về Bác luôn luôn sống giữa lòng dân.
(Theo Trường Sơn, trích trong "Miền Tây Nam bộ nhớ mãi Bác Hồ")
121. Kỷ niệm về những năm tháng phục vụ Bác Hồ
Ngày 11-10-1947, tôi được giao nhiệm vụ phục vụ Bác Hồ, hôm đó đúng vào ngày Bác di chuyển chỗ ở. Nghe tin báo địch sẽ nhảy dù xuống một số địa điểm, vì vậy nửa đêm chúng tôi đã phải lên đường. Ðoàn chúng tôi đi trước để chuẩn bị địa điểm. Ðến Tràng Xá, chúng tôi mượn nhà dân để đón Bác, sau đó mới làm lán để Bác ở.
Ở Tràng Xá, Tân Hồng, anh em vận động nhân dân ủng hộ đội võ trang tuyên truyền. Dân có gì ủng hộ nấy. Nhiều nhà có lợn, gà đã đem cúng cho người ốm khỏi bệnh, nên họ ủng hộ một con chó. Tôi về báo cáo Bác, Bác nói:
- Mình đang thiếu thốn, dân ủng hộ gì cũng quý cả, cần gì cứ phải gà với lợn. Nhưng các chú phải ghi lại để sau này có điều kiện hoàn trả lại cho dân, cho tương xứng với cái người ta đã ủng hộ mình.
Biết là nhân dân rất tình cảm, yêu quý những người cách mạng, đã ủng hộ một cách vô tư, nhưng nhớ lời Bác dặn, sau đó chúng tôi đã mua thuốc lào mang đến làm quà cho mỗi nhà một bánh.
Lán của Bác lúc đầu làm ở phía ngoài bìa rừng, sau có tin Pháp nhảy dù mới làm sâu vào bên trong. Thời gian này Bác phải di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi.
Năm 1947 lên Bản Ca. Năm 1948 ở chân đèo De và ăn Tết ở đó. Ở Tràng Xá một thời gian Bác lại chuyển lên Khuôn Tát ở nhà anh Thảo. Ở Khuôn Tát cứ sáng dậy nấu ăn xong lại lên núi, được ba, bốn ngày thì không ở đó nữa mà lên Bản Ca (cuối năm 1947). Ðồng chí Lê Giản đưa Bác đi, Bác cũng đi bộ. Ở Bản Ca một thời gian, năm 1948 chuyển về chân đèo De, ở một cái lán bên cạnh "Trại nhi đồng".
Năm 1949 sang Tân Trào ở nhà anh Quyết, dưới chân núi Hồng. Thời gian này Bác di chuyển chỗ ở liên tục. Bác lên ở Bản Ca hai lần. Lần thứ nhất, giặc Pháp nhảy dù, đồng chí Lê Giản đưa Bác lên Bản Ca. Lần thứ hai vào năm 1951 Bác lại lên Bản Ca ở xã Thành Công.
Năm 1951 tôi đánh bóng bị đau tức ngực sau đó bị ốm, Bác cho tôi đi nghỉ cùng anh Tô (đồng chí Phạm Văn Ðồng), anh Ðẩu và anh Trần Quý Kiên. Tôi đi nghỉ trở về thì Bác đã chuyển lên đèo Cón, ở ngã ba, một đường đi Bắc Cạn, một đường đi Thành Công, một đường rẽ vào chỗ Bác ở.
Tôi và đồng chí Phúc được chọn vào phục vụ Bác cùng một đợt. Lần đầu tiên vào gặp Bác chúng tôi rất lúng túng. Chúng tôi chào Bác bằng Cụ, Bác cười và bảo đừng gọi thế, gọi Bác thôi.
Bác hỏi tên hai chúng tôi, khi biết chúng tôi tên là Nga và Phúc, Bác nói:
- Bác đặt tên mới cho hai chú là Kiên, Quyết. Các chú phải làm việc như thế nào cho xứng đáng với cái tên của mình.
Tôi còn nhớ mấy anh em phục vụ Bác lúc đó: Đồng chí Trung, đồng chí Dũng và tôi. Tôi được Bác đổi tên là Kiên, đồng chí Phúc đổi tên là Quyết, đồng chí Lộc nấu ăn đổi tên là Ðồng và bác sĩ Chánh đổi tên là Tâm. Cùng với những người bảo vệ được Bác đặt tên Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Ðịnh, Thắng, Lợi, những cái tên được Bác đặt mang nhiều ý nghĩa, thể hiện quyết tâm, đồng lòng kháng chiến. Dù được giao nhiệm vụ gì chúng tôi cũng cố gắng làm thật tốt.
Trong thời gian phục vụ Bác chúng tôi được Bác rất quan tâm. Nhưng Bác quan tâm một cách công bằng chứ không thiên vị ai.
Năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới, Bác được nhân dân tặng một số quần áo may sẵn, Bác không dùng mà làm quà thưởng cho anh em chúng tôi. Nhưng trong số quần áo đó có nhiều loại khác nhau. Bác tặng chúng tôi, rồi đề nghị bắt số hay nhường nhau, chứ Bác không tự tay thưởng từng người một. Bác bảo làm thế cho công bằng.
Khi anh Lộc, người nấu cơm cho Bác bị ốm, rồi qua đời, Bác buồn lắm. Anh Bảy (đồng chí Phan Mỹ) nói tìm người thay anh Lộc nấu ăn cho Bác. Thấy thế Bác nói:
- Cũng không cần thiết lắm, Bác ăn uống cũng dễ. Trong nhà này cử một chú ra nấu ăn đỡ phải tìm người. Mà các chú cũng phải học mà nấu ăn, sau này về nhà khi có khách còn biết nấu các món ăn. Các chú đóng một quyển sổ nhỏ, gửi mấy cô phụ vận ở Văn phòng Trung ương nhờ các cô ấy ghi cách nấu nướng về mà thực tập.
Do đó năm ấy không lấy người ngoài vào nữa mà chuyển đồng chí Trung sang nấu ăn cho Bác.
Ðồng chí Trung chuyển sang nấu ăn cho Bác nhưng cứ băn khoăn, đi bộ đội mà chẳng được đánh trận nào, súng đeo rách cả vai áo. Ðồng chí Trung xin chuyển sang chỗ anh Ninh. Biết việc này, một buổi tối Bác cháu cùng ngồi sinh hoạt bên bếp lửa, Bác đem câu chuyện chiếc đồng hồ ra kể với ý nhắc chúng tôi hãy yên tâm với công việc được giao. Bác cũng cho gọi đồng chí Trung lên và nói:
- Công tác cách mạng do Ðảng phân công, mỗi người một việc, các chú làm nhiệm vụ bảo vệ, hãy làm tốt việc được phân công đã.
Tuy thế, đến cuối năm 1952 đồng chí Cẩn được cử về thay đồng chí Trung nấu ăn cho Bác. Ðồng chí Trung được chuyển sang quân đội.
Những năm kháng chiến, Bác ở trên chiến khu Việt Bắc, mà ở chiến khu cũng không được an toàn lắm, cứ phải di chuyển chỗ ở luôn. Thấy thế một số đồng chí thì thầm với nhau:
- Về Thái Nguyên ở có tốt hơn không, làm gì cứ phải ở bí mật, di chuyển mãi thế này cho vất vả.
Bác nghe các đồng chí nói vậy thì giải thích:
- Có bí mật mới có công khai, cũng như có kháng chiến mới có thắng lợi.
(Theo cuốn “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ”).
Tâm Trang (tổng hợp)