134. "Phải kiên quyết bắn rơi máy bay Mỹ, nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta"
Ngày mồng 1 Tết Giáp Thìn (13-02-1964), Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Đại đội 130 pháo cao xạ, Trung đoàn 260 ở gần Dốc Vân, ngay bên kia cầu Đuống, Hà Nội. Sở dĩ Bác chọn đến chúc Tết Đại đội 130 vì ngày 11-8-1963, lần đầu tiên Mỹ cho hai chiếc máy bay trinh sát phản lực xâm phạm vùng trời Đông Bắc Hà Nội. Hôm đó là ngày Chủ nhật, nhưng với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội đã nổ súng kịp thời, trong đó có Đại đội 130 nổ súng đầu tiên. Máy bay địch phải cơ động rút chạy. Trận đánh tuy không bắn rơi máy bay Mỹ, nhưng đã phản ánh tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội pháo cao xạ trong thời bình. Bác đến thăm và chúc Tết Đại đội 130, cũng là đến với Quân chủng Phòng không - Không quân, động viên các chiến sĩ phải nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao hơn nữa.
Hôm đó, anh Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng và tôi, cùng một số cán bộ cơ quan quân chủng, đều có mặt rất sớm tại Đại đội 130 để đón Bác. Khi trời vừa hửng nắng, đã thấy hai chiếc xe đang chạy trên đường quốc lộ số 3, bỗng rẽ vào cổng đơn vị. Đi trước là xe của đồng chí Lê Thanh Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và một cán bộ Trung ương nữa. Bao cặp mắt còn đang chăm chú nhìn các vị khách thì từ chiếc xe sau, một cụ già đầu đội mũ công nhân, bước xuống. Toàn đơn vị đều xúc động đứng lặng cả người và bỗng bật lên tiếng hô vang: Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!
Lúc đó, chúng tôi cùng hô với anh em, sau đó tôi nhắc đồng chí Đại đội trưởng chú ý giữ trật tự. Các chiến sĩ cùng cán bộ chạy ùa tới đứng vây quanh Bác Hồ, tỏ lòng rất vinh dự được đón Bác, nhất là các chiến sĩ mới nhập ngũ vào bộ đội phòng không, đã có dịp may được đón Bác. Bác hồng hào khỏe mạnh, giản dị trong bộ ka ki bạc màu Bác thường mặc và đôi giầy vải xanh đã cũ. Bác tươi cười trìu mến nhìn các cán bộ, chiến sĩ. Bác vào nhà nghỉ Trung đội 3, thấy chăn, ba lô xếp gọn gàng, Bác tỏ lời khen ngợi. Rồi Bác xuống nhà Câu lạc bộ đại đội, Bác nhìn các tờ báo viết về mừng Xuân sẵn sàng chiến đấu. Bác dừng lại chỗ treo lá cờ "Học tập khá nhất", giải thưởng luân lưu của Bác, đôi mắt Bác ánh lên niềm vui. Bác xuống nhà bếp thấy vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng và thấy có nhiều quang sọt bằng tre xếp ngay ngắn và các bó đòn gánh, Bác hỏi:
- Đơn vị các chú đang làm gì? Đồng chí Chính trị viên đại đội thưa với Bác: - Thưa Bác, chúng cháu đang làm đường để di chuyển trận địa khi xảy ra chiến đấu và củng cố thêm, kết hợp đào ao thả cá vừa tăng gia cải thiện bữa ăn, vừa lấy nước tắm rửa cho bộ đội... Bác chăm chú xem chỗ nấu cơm và nấu thức ăn. Bác hỏi một chiến sĩ nuôi quân:
- Các chú có luôn luôn giữ sạch sẽ thế này không?
- Thưa Bác, đại đội chúng cháu luôn luôn được biểu dương về thành tích vệ sinh và phòng bệnh ạ!
Anh Phùng Thế Tài và tôi cùng đi theo Bác. Tôi đề nghị anh Tài - Tư lệnh quân chủng nhắc cán bộ đại đội cho đơn vị tập hợp thành 6 hàng giữa sân, để nghe Bác nói chuyện. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng muốn đứng gần để nhìn rõ Bác, nên tập hợp hơi chậm. Thông cảm với nguyện vọng của các chiến sĩ, Bác ra hiệu cho mọi người tiến lại gần Bác, bên rặng phi lao nghe Bác nói chuyện.
Bác hỏi: Các chú ở bộ đội có vui không?
- Thưa Bác, vui lắm ạ!
Cả đơn vị đều đồng thanh đáp lại...
- Tết có bánh chưng, có thịt mỡ, có dưa hành không?
- Thưa Bác, có ạ!
- Các chú đã sẵn sàng chiến đấu chưa?
- Thưa Bác, chúng cháu đã sẵn sàng ạ!
Bác nói:
- Hôm nay, Bác và các đồng chí Trung ương tới thăm đơn vị các chú, Bác thấy chú nào cũng khỏe và vui, Bác mừng, nhất là khi thấy đơn vị các chú được tặng cờ thưởng luân lưu "Học tập khá nhất" và doanh trại vệ sinh, trật tự, như vậy là tốt. Bác chúc các chú năm mới mạnh khỏe, thắng lợi và nhờ các chú chuyển lời chúc Tết của Bác và các đồng chí Trung ương tới gia đình các chú.
Bác Hồ hỏi tiếp: - Các chú thấy đồng bào miền Nam ta chiến đấu có giỏi không?
- Thưa Bác, có ạ!
Vậy ta phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Đế quốc Mỹ có nhiều âm mưu thâm độc, các chú phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, phải bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Bác trìu mến nhìn suốt hàng quân, rồi Bác căn dặn tiếp:
- Muốn được như vậy, năm nay các chú phải ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật cho giỏi, cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà... Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nhắc lại nhiệm vụ: - Các chú phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch, nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Các chú lập được công, Tết sang năm Bác lại xuống thăm... Bác vừa dứt lời, cả đại đội đều dồn dập hô vang: "Quyết tâm làm theo lời Bác dạy! Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi! Hồ Chủ tịch muôn năm!".
Trước lúc lên xe, Bác quay lại vẫy tay, nói vui: "Tết các chú quên không mời Bác ăn bánh chưng, mà chỉ hô khẩu hiệu!". Cán bộ, chiến sĩ chạy cả ra cổng doanh trại, lưu luyến nhìn theo xe Bác... Tiễn Bác xong, tôi và anh Phùng Thế Tài còn ở lại làm việc với các đồng chí trong Ban Chỉ huy Đại đội về một số vấn đề trước mắt đơn vị phải làm, để thực hiện chỉ thị của Bác.
Trở về Bộ Tư lệnh quân chủng, xe chúng tôi bon nhanh lên hướng cầu Đuống. Ngày mồng 1 Tết năm ấy trời thật đẹp, nắng Xuân tỏa trên những xóm làng chạy dài hai bên bờ sông, rực rỡ, mượt mà. Từng đoàn người đi chơi Xuân quần áo mới đủ màu sắc, nét mặt hớn hở. Các em thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ, chạy tung tăng như những bầy chim non. Đã là mùa Xuân thứ 10 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đối với nhân dân miền Bắc, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang hoàn thành thắng lợi. Đời sống nhân dân đang được nâng lên. Bữa cơm hằng ngày tuy còn phải độn thêm ngô, sắn, nhưng nhìn chung nhà nào cũng no đủ. Trong điều kiện cuộc sống lúc bấy giờ, đời sống từng bước đang đi lên. Thế mà chiến tranh lại sắp xảy ra ư? "Các chú phải luôn luôn nêu cao cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch, nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta!". Những lời căn dặn ấy của Bác Hồ, sâu sắc làm sao!
Xe chúng tôi vòng lên cầu Long Biên. Sông Hồng rộng lớn và hiền hòa. Nhất định máy bay địch sẽ bị bắn rơi, nếu chúng dám dẫn xác tới đây! Nhưng muốn bảo vệ an toàn những mục tiêu lớn như cầu Long Biên, cần phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp lắm, vì ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Mải suy nghĩ, xe chạy vào trung tâm thành phố lúc nào tôi không biết. Hà Nội đang tưng bừng đón Xuân mới có biết chăng sáng nay giữa ngày mồng 1 Tết, từ một trận địa pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm và ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị sẵn sàng đánh trả bọn cướp Mỹ, nếu chúng liều lĩnh cho máy bay xâm phạm vùng trời miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước...
(Nhà báo Xuân Mai, trích trong "Bác Hồ với Bộ đội Phòng không - Không quân")
135. Tết ấy, Huỳnh Cung đón Bác
Vào dịp Tết Nguyên đán năm Quý Mão (1963), ông Trần Duy Dương - Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội vinh dự được lên báo cáo với Bác Hồ về tình hình sản xuất của địa phương và được đón Người về thăm và chúc Tết nhân dân Hợp tác xã Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.
Tính đến nay đã tròn nửa thế kỷ, nhưng kỷ niệm đó vẫn in sâu trong trí nhớ của ông Dương. Chiều hôm ấy 24-01-1963, tức ngày 30 Tết năm Quý Mão, Văn phòng Chính phủ gọi điện đến Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đề nghị cho người lên báo cáo với Bác Hồ về tình hình sản xuất nông nghiệp và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước năm 1962. Ông Trần Duy Dương - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ lên báo cáo với Bác.
Về kỷ niệm này, ông Trần Duy Dương kể lại: Là người vinh dự đã được báo cáo công việc với Bác khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, nên tôi biết tác phong làm việc của Người. Tôi báo cáo với Bác công việc thật ngắn gọn, cụ thể. Sau khi nghe báo cáo tình hình các địa phương của Hà Nội, trong đó nổi lên có huyện Đông Anh và Hợp tác xã Huỳnh Cung của huyện Thanh Trì có phong trào sản xuất và làm nghĩa vụ khá hơn so với các huyện và hợp tác xã khác của thành phố, Bác hỏi tôi: - Sao Hợp tác xã Huỳnh Cung làm được như vậy?
- Dạ thưa Bác! Hợp tác xã Huỳnh Cung có đồng chí Phạm Văn Đính - Bí thư Đảng ủy rất nhiệt tình công tác; cán bộ, đảng viên ở đây rất hăng hái công tác; Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ hoạt động đều nhiệt tình; nhân dân tin tưởng vào Đảng, đoàn kết gắn bó với nhau và có phong trào thi đua sản xuất giỏi; các cháu học sinh có phong trào học tập khá nhất huyện; trật tự an ninh tốt...
Nghe xong Bác gật đầu hài lòng, Người hỏi tiếp: - Chú nói rõ kết quả của Huỳnh Cung đã đạt được cho Bác nghe xem nào?
- Thưa Bác! Năm qua Huỳnh Cung đã giao nộp 30 tấn thóc, vượt gấp đôi chỉ tiêu trên giao. Ngoài ra, nhân dân bán hỗ trợ thêm 12 tấn thóc nữa. Về thực phẩm, năm nào cũng hoàn thành nghĩa vụ, có năm bán được trên 100 tấn thịt lợn. Với những thành tích trên, Hợp tác xã Huỳnh Cung đã được đón nhận lá cờ đầu luân lưu về sản xuất nông nghiệp của cấp trên. Nghe đến đây, Bác nhìn tôi vui vẻ cười: - Ngày mai, Bác xuống Huỳnh Cung ăn Tết với đồng bào. Sau khi nhận chỉ thị của Bác, trên đường về nhà, tôi rẽ vào nhà anh Nguyễn Lam - Bí thư Thành ủy Hà Nội, báo cáo với anh về việc ngày mai Bác Hồ xuống Hợp tác xã Huỳnh Cung chúc Tết đồng bào.
Anh Nguyễn Lam và tôi vội điện cho các đồng chí cán bộ huyện Thanh Trì cùng xuống xã Tam Hiệp để bàn kế hoạch đón đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương về chúc Tết đồng bào vào ngày Tết cổ truyền. Khi làm việc, để bảo đảm bí mật, chúng tôi chưa cho địa phương biết Bác Hồ xuống chúc Tết. Công tác chuẩn bị đón đoàn được chúng tôi và các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã Tam Hiệp triển khai chặt chẽ và chu đáo, đến quá nửa đêm thì hoàn tất. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau, ngày mùng 1 Tết năm Quý Mão, tôi cùng các đồng chí cán bộ huyện và xã đang đứng chờ ở cổng xóm Tiền thì nhìn thấy từ đằng xa đoàn xe đi tới. Mọi người phấn khởi chạy ra đón khách. Đoàn xe vừa dừng thì ai đó ở đằng kia reo lên:
- Bác Hồ! Bác Hồ đến các đồng chí ơi! Mọi người vừa reo hò vừa chạy ùa ra đón Bác. Hôm đó Bác mặc chiếc áo bông, chân đi đôi dép cao su giản dị, đi bên cạnh là đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, các đồng chí cảnh vệ bảo vệ Bác và một số cán bộ khác. Đến gần Bác, không ai bảo ai mọi người đồng thanh:
- Chúng cháu chào Bác ạ! Bác Hồ muôn năm! Bác vui vẻ vẫy chào mọi người, chẳng mấy chốc bà con nhân dân và các cháu thiếu nhi đã quây quần quanh Bác rất đông. Thấy vậy, Bác chỉ về phía trước và nói:
- Các cháu đứng xếp hàng lại đây, Bác chia kẹo cho. Bác đưa túi kẹo cho đồng chí Đặng - Hội trưởng Phụ nữ xã chia quà cho các cháu. Như đàn cháu nhỏ lâu ngày mới được gặp ông, đám trẻ ríu rít phấn khởi nhận quà của Bác, không khí thật vui vẻ. Các đồng chí cán bộ xã đưa Bác vào chúc Tết một số gia đình xã viên. Nhà đầu tiên là gia đình chị Nguyễn Thị Tăng, là vợ liệt sĩ. Vừa đi đến sân, các đồng chí lãnh đạo xã báo cáo với Bác:
- Thưa Bác! Đây là nhà của địa chủ, cải cách ruộng đất tịch thu chia cho gia đình liệt sĩ ạ! Mọi người trong gia đình chị Tăng lễ phép chào Bác. Bác quay sang hỏi chị Tăng:
- Nhà cô có mấy nhân khẩu?
Chị Tăng đứng cạnh Bác, hồi hộp thưa:
- Dạ thưa Bác! Nhà cháu có năm nhân khẩu ạ.
- Tết này nhà cô ăn Tết có vui không? Gói bao nhiêu bánh chưng?
- Thưa Bác! Tết này nhà cháu vui lắm ạ! Gói 15 cái bánh chưng ạ!
Bác vui vẻ cười và kéo một cháu nhỏ vào lòng, Người ân cần:
- Bác về thăm hợp tác xã, vào thăm gia đình cô, sang năm mới cố gắng sản xuất tốt, các cháu học giỏi. Cả gia đình chị Tăng xúc động chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Sợ mất thời gian của Bác, các đồng chí cán bộ xã đưa Người đi chúc Tết một số gia đình khác. Đến gần ngã ba cổng Tiền, nhìn về phía giếng Thơi, Bác nói:
- Kìa bà con đang chờ, để Bác đến nói chuyện với bà con, không để các cụ mất thời gian. Đến gần, Bác bắt tay chúc Tết hỏi thăm các cụ phụ lão và bà con xã viên. Người đứng chào tất cả mọi người một lượt rồi nói:
- Mấy năm qua Hợp tác xã Huỳnh Cung có phong trào thi đua sản xuất giỏi, cấy hết diện tích, năng suất cao và làm nghĩa vụ vượt mức cao về lương thực, thực phẩm, như thế là chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước. Bác xin biểu dương những thành tích Huỳnh Cung đã đạt được. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác và một số cán bộ Trung ương, thành phố Hà Nội về thăm, chúc Tết cán bộ, xã viên Hợp tác xã Huỳnh Cung. Chúc Tết xong, Bác nêu ra một số việc mà Huỳnh Cung cần phải làm như: Giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân... Tất cả mọi người im phăng phắc nghe như nuốt từng lời. Bác vừa dứt lời, tiếng vỗ tay vang dội mãi không ngớt. Lát sau, Bác giơ hai tay ra hiệu rồi hỏi:
- Bà con ta có làm được không? Đáp lời Bác, tất cả đồng thanh:
- Thưa Bác! Làm được ạ. Bác phấn khởi bắt tay mọi người và mong Huỳnh Cung tiến bộ nhiều mặt hơn nữa, làm ăn tốt Bác sẽ lại về thăm. Người chào mọi người và ra về. Bà con nhân dân lưu luyến nhìn theo Bác tới khi đoàn xe khuất dần sau hàng cây. Có một số cụ phụ lão cảm động rơi nước mắt vì sung sướng được gặp Bác Hồ. Nhiều người thôn Yên Ngưu và thôn Tựu Liệt khi nghe tin chạy đến thì Bác đã đi rồi, cứ tiếc mãi. Mọi người ngồi lại vui vẻ kể cho nhau nghe về Bác mãi mới ra về. Sau lần Bác về thăm, Hợp tác xã Huỳnh Cung quyết tâm làm theo lời Bác, phấn đấu đạt thành tích cao trong lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào của huyệncũng như của thành phố, thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới. Huỳnh Cung thật xứng đáng là một điểm sáng của Thủ đô Hà Nội anh hùng.
(Theo lời kể của ông Trần Duy Dương, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố)
136. Ngôi Đền thờ Bác Hồ đầu tiên trên đất mũi Cà Mau
Tôi tìm tới nhà chú Nguyễn Tài Bá (tức Ba Long), ở ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Sau khi nghe tôi trình bày yêu cầu sưu tầm về việc xây dựng đền thờ Bác Hồ. Chú Ba Long rất vui vẻ và sẵn sàng kể lại những kỷ niệm thiêng liêng ngày ấy. Trước khi về Tân Hưng Tây làm Bí thư Xã ủy, chú Nguyễn Tài Bá là Trưởng trại giam thuộc Tỉnh đội Cà Mau.
Ngày đó, trại đặt ở xã Đất Mới, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hơn ba mươi năm đã qua, chú còn nhớ như in mọi việc, cứ như vừa mới diễn ra vậy.
Chú Ba kể: Sáng ngày 04-9-1969, ông Hai Khá là Tổ trưởng Tổ Đảng ấp Biện Trượng, xã Đất Mới, huyện Ngọc Hiển, cùng người con trai chống xuồng tới cơ quan, gặp chú
Ba Long, ông hỏi liền:
- Chú Ba và anh em ở đây có hay tin gì không?
Chú Ba Long hỏi:
- Nghe tin gì?
- Bác Hồ mất rồi! Ông Hai trả lời giọng run run, nước mắt tuôn trào.
Tôi kêu lên:
- Bác mất hồi nào?
- Bác mất hồi 9 giờ hôm qua! Tôi nghe đài Hà Nội báo tin lúc 5 giờ sáng nay. Ông Hai Khá nói rồi khóc ròng.
Anh em trong trại được tin xúm lại. Lúc đó một số cán bộ ở Tỉnh đội xuống, nhiều cán bộ và đồng bào địa phương tới; có chừng năm, sáu chục người. Tất cả đều khóc nghẹn ngào, một lát ông Hai Khá lau nước mắt nói với tôi:
- Bây giờ, có cách nào chú Ba xin cho tôi một tấm ảnh Bác Hồ để tôi đem về nhà tôi thờ.
Tôi nói với ông:
- Anh đem ảnh Bác về nhà để thờ cũng được, nhưng nếu anh em mình cùng thờ chung với nhau có được không? Có thể làm Đền thờ Bác ở ngã ba gần nhà anh.
Ông Hai nói:
- Được vậy hay quá rồi.
Chúng tôi liền quây quần lại bàn việc dựng đền thờ Bác. Lúc đó có đồng chí Nguyễn Văn Tiến (Bảy Một), là Bí thư Xã ủy và bốn đảng viên nữa, có đồng chí Bảy Lễ là Trại phó và rất đông thanh niên. Anh em khóc thương Bác quá trời nên không tính toán gì được, mọi người bắt tay ngay vào công việc. Trung đội trưởng Sang của trại chúng tôi có cha mẹ bị bọn Bình Hưng1 giết hại, thương nhớ Bác Hồ tràn dâng, Sang xung phong dẫn đầu anh em vào rừng lấy cây lập đền thờ.
Chúng tôi huy động trên hàng chục người. Dụng cụ gồm những cưa, búa, bào, đục có sẵn nên công việc lấy cây đước tiến hành rất nhanh chóng.
Tôi hỏi chú Ba Long:
- Thưa chú, chú còn nhớ việc dựng đền và kích thước ngôi đền lúc đó?
Chú Ba Long trả lời:
- Khi đó còn giặc, nên chúng tôi làm ngôi đền thật gọn, mỗi chiều chỉ hơn 4 mét, kê táng lên cao. Ván lót sàn bằng gỗ đước. Hai đầu song dùng lá, còn phía sau, đóng vách bằng ván gỗ mắm.
Anh em ra làm bất kể ngày đêm. Mọi người làm đền trong niềm thương nhớ Bác khôn nguôi. Tôi nhớ, ông Hai Khá lúc dựng đền, cứ khóc hoài. Chúng tôi động viên nhau: "Công ơn của Bác có lấy gì sánh được, Bác mất ai mà không đau thương, nhưng mình ráng vượt qua, tỉnh táo để anh em tập trung làm đền thật tốt mới được".
- Xin chú cho biết lúc đó các chú làm bàn thờ Bác bằng loại gỗ gì và bàn thờ được làm thế nào?
Chú Ba Long:
- Mình ở rừng Cà Mau, cây đước bạt ngàn; gỗ đước cưa xẻ ra, đục cho bén, bào cho láng lên, đóng cho thật chắc, cái bàn thờ đặt giữa ngôi đền. Hình Bác đóng khung trang trọng được đặt cao trên đó. Có chuyện này thật không sao quên được, ông Hai Khá về nhà chở nguyên bộ tranh thờ ông bà vào đền và mua cái lọ bằng sành để làm lư hương. Vợ chồng ông Hai Khá còn đem theo một bộ bình trà và ly để trên bàn thờ lo cho bà con thờ cúng Bác như thờ cúng ông bà mình vậy.
Ngày 04-9-1969, chúng tôi bàn tính việc xây dựng đền thờ, thì chỉ 7-8 ngày sau đã dựng xong đền.
Đền thờ Bác được dựng trong những ngày quốc tang Bác!
Ngày khánh thành, trưng ảnh thờ Bác, đốt nhang cúng kiếng Người, là ngày chúng tôi làm lễ tang Người. Vợ chồng ông Hai Khá lo mâm cỗ cúng, có bánh tét, có con gà luộc, đĩa xôi nếp.
Tất cả anh em trong cơ quan và bà con trong xóm ấp tới thọ tang Bác. Nghe đọc tiểu sử về cuộc đời hoạt động và Di chúc của Bác Hồ, mọi người khóc nức nở.
Từ đó đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cứ mỗi lần đi ngang đền đều ghé vào đốt nhang viếng Bác.
Vợ chồng ông Ba Thu, nhà ở gần đền thờ Bác được cử giữ đền, hằng ngày lo đèn nhang. Kể từ đó, mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của Bác 19-5, ngày Bác mất 02-9, chúng tôi lo cúng kiếng, mọi người tụ họp đốt hương, kể chuyện về cuộc đời và nhắc nhở công ơn của Người đối với non sông, dân tộc rồi ngồi khóc. Mọi người khóc, nhớ Bác cả năm trời.
- Dạ, sau cả năm vẫn còn khóc?
Chú Ba Long gật đầu:
- Còn chứ! Đừng nói một năm. Mới hôm rồi đây này, khi nghe đài truyền hình đưa tin về bà lão ở Hiệp Tùng vẫn giữ ảnh Bác cho tới bây giờ, chúng tôi không cầm được nước mắt! Công lao của Bác lấy gì đền đáp được. Bác mất rồi cứ thương nhớ mãi. Mình làm đền thờ để nguôi ngoai chút nhớ thương, chớ làm sao quên Bác cho được!
- Thưa chú, nghe nói các ngôi đền thờ Bác dựng ngày trước, đều phải lo đánh giặc để bảo vệ?
Chú Ba Long trầm giọng nói:
- Dựng đền thờ Người trong chiến tranh, khi đất nước còn giặc, cũng đồng thời với việc đánh giặc giữ đền. Với ngôi đền này, chúng tôi phải đối đầu với lũ giặc ở đồn Ông Trang2.
Giặc càn quét khủng bố, tính phá đền. Các tay súng bộ đội, du kích phối hợp giữ đền. Sau bao lần phục kích chống càn, anh chị em chúng tôi đã bắt được tên đại úy đồn trưởng tên là Chà, dập tắt âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ ngôi đền thiêng liêng này.
Ngôi đền thờ Bác ở Hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Đào, thuộc ấp Biện Trượng, xã Đất Mới là đền thờ Bác Hồ được nhân dân bắt tay xây dựng đầu tiên, xây dựng ngay từ ngày 04-9-1969 và 7-8 ngày sau đã hoàn thành.
Một ngôi đền thờ Bác Hồ thiêng liêng trong lòng dân Đất Mũi.
Bác ra đi ngày đất nước còn bị chia cắt. Đồng bào Đất Mũi, đồng bào Cà Mau cũng như đồng bào miền Nam không thực hiện được ước mơ đón Bác ngày toàn thắng, hòa bình thống nhất, độc lập, tự do, nhưng toàn dân có niềm an ủi dựng đền thờ Người, rước anh linh của Người về Đất Mũi ngay từ ngày Bác đi xa.
Chú Ba Long nói dự kiến của chú và một số người cho chúng tôi nghe: Chú có bàn với xã, các chú sẽ vận động anh em nghỉ hưu và bà con sẽ xây cất lại đền thờ Bác. Mỗi người một ít, góp gió thành bão, nhất định sẽ làm được.
Tôi nhìn chú Ba Long, một cán bộ trung kiên, một con người từng trải, dường như trong chú còn tiềm ẩn những điều sâu sắc về cuộc sống chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Người chiến sĩ ấy tới nay vẫn sống thanh đạm ở bán đảo Cà Mau thân thương. Chú Ba Long, ông Hai Khá và bao nhiêu đồng bào, chiến sĩ có tấm lòng như viên ngọc sáng ngời! Trong những ngày quốc tang Bác, lo ngay việc dựng đền thờ Bác ở Hậu Nà Chim, thuộc ấp Biện Trượng, xã Đất Mới, huyện Ngọc Hiển.
Đây là ngôi đền thờ Bác được xây dựng đầu tiên, tỏ lòng trung thành và tình yêu kính Bác Hồ như trời cao biển rộng của đàn con tận Mũi Cà Mau.
(Theo Trường Sơn, trích trong "Miền Tây Nam bộ nhớ mãi Bác Hồ")
Tâm Trang (tổng hợp)