Thứ sáu, 29/03/2024

Chỉ mục bài viết

 94. Bác muốn biết sự thật kia

Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân.

Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa. Anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác.

Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, chúng tôi yên chí chờ đợi... Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

- Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ! Bác quay lại nói ngay:

- Đông gì? Các chú bố trí đấy! - Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về nhà, Bác bảo chúng tôi: "Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh "nông dân" mặc quần kaki đi gặt). Bác nói tiếp:

- Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực !

(Hồng Long, Văn Nam, Văn Phan - Cục Cảnh vệ kể, trích trong "Bác Hồ chiến sĩ")

95. Có như thế mới giữ được bí mật

Khoảng năm 1944, Bác Hồ và các anh đi bộ từ trong nước sang. Đến Côn Minh vừa đúng một tháng. Khi đi Bác mang theo một ống bương dài trong đựng một killôgam muối, một kilôgam mỡ và một kilôgam ớt. Tất cả cho vào một cái cóng đi đường. Cùng đi với Bác có anh Minh (người dân tộc thiểu số) và anh Phùng Thế Tài. Cứ sau một ngày đi đường, nghỉ ở đâu thì nấu cơm ăn ở đó. Gần đến Côn Minh, Bác bị sốt rét phải ở lại hai ngày. Anh Phùng Thế Tài đến trước báo cho chúng tôi. Anh Phạm Việt Tử và anh Tống Minh Phương (chồng tôi) mừng lắm, các anh nói với tôi là nhà ta sắp có khách. Buổi sáng một ngày tháng 10 có một Ông Cụ mặc quần áo và đội mũ của lính Tàu Tưởng, đi đôi dép rách, ngoài khoác cái chăn sợi cũ rách, cứ thế đi thẳng vào trong nhà tôi. Cầu thang đi lên gác phải qua bếp, Ông Cụ nhìn tôi, làm tôi giật mình, lúc đầu tôi hơi sợ vì thấy Ông Cụ có đôi mắt rất sáng. Ông Cụ lên gác, tôi thấy anh Việt Tử, anh Phương, cụ Lê và cả nhà nhộn nhịp hẳn lên. Tôi lên gác, Cụ nhìn tôi và hỏi: Phương đấy à. Lúc đó nhìn Cụ gầy gò tôi thấy thương Cụ quá. Sau đó Cụ lên cơn sốt, đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ. Anh Phạm Việt Tử đi mua thuốc ký ninh về tiêm ven cho Cụ, như vậy có chết người không? Tôi tiêm cho Cụ hai ngày, tiêm được hai ống thì dứt cơn sốt. Chúng tôi cho Cụ uống thuốc bổ, nhưng Cụ không chịu uống mà nói: Ở trong nước, thuốc bệnh cũng không có, có thuốc là tốt lắm rồi. Chúng tôi phải nói dối Cụ là thuốc của nhà thừa lại (lúc bấy giờ chưa gọi Bác), nếu Cụ không uống thì phí đi. Lúc đó Ông Cụ sợ lãng phí và sợ lộ bí mật. Vì thế thuốc mua về bỏ vỏ ra, đưa cho Cụ uống, uống được mấy hôm thì Cụ phát hiện ra là tôi nói dối.

Trong thời gian này, sáng nào chúng tôi cũng chuẩn bị cho Cụ một cốc cà phê sữa, nhưng phải nói khéo lắm Cụ mới uống. Ăn uống hàng ngày, Ông Cụ ít dùng đến thịt, cá. Lúc bấy giờ Cụ đã khỏe, mỗi bữa ăn được ba bát. Sau một thời gian ngắn, Cụ xuống bán hàng, mỗi ngày khoảng hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi bảo với Cụ: Nếu cứ thế này thì lộ bí mật mất, nhưng Ông Cụ bảo: Có như thế này mới giữ được bí mật. Ông Cụ biết nhiều thứ tiếng, cửa hàng của tôi Tây vào nhiều. Lúc bấy giờ các cửa hàng ở Tàu chưa treo biển tiếng Pháp, chỉ sính tiếng Anh thôi, do đó biển treo toàn viết bằng tiếng Anh. Ông Cụ bảo: Bây giờ nhà mình viết biển bằng tiếng Pháp đi, vì đất này ít lâu nữa Pháp sẽ sang rất đông, mà cả cái tỉnh này, không có cửa hiệu nào treo biển bằng tiếng Pháp, chỉ nhà mình treo thì bọn chúng sẽ vào nhiều. Chúng tôi thấy ông Cụ nói có lý nên làm ngay. Ông Cụ nói hôm trước thì hôm sau kẻ lại biển và quả nhiên sau khi ông Cụ về, với cái biển cà phê Việt Nam bằng chữ Pháp, bọn Pháp sang đây và tập trung vào nhà chúng tôi rất đông.

(Trần Việt Hoa, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

96. Như lạc vào cảnh tiên

Bác còn là một tấm gương sáng về sự giữ gìn và rèn luyện sức khỏe. Bất kỳ thời tiết nào, dù nhiều việc bận đến đâu, sáng nào Bác cũng tập thể dục. Có lần tôi được thấy Bác tập võ. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, nhìn Bác phất phơ chòm râu bạc, đi một đường quyền uyển chuyển nhẹ nhàng, tôi có cảm giác như đang lạc vào một cảnh tiên, gặp một ông tiên nào đó. Bác cũng thường nhân những lúc nghỉ, ra ngồi câu cá bên bờ suối. Nhất là những đêm trăng sáng, Bác hay gọi chúng tôi đến kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Bác. Và chúng tôi như những đứa cháu nhỏ quây quần chung quanh ông nội, nghe ông kể chuyện. Thật là những giờ phút suốt đời tôi không bao giờ quên được.

(Diệp Minh Châu, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

97. Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Bác như Bác thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:

- Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chủ phải giúp Bác bỏ tật xấu này. Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thói quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penixillin ở nơi làm việc và ở phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: “Nhưng hút thế để có cữ”. Với cách làm đó Bác đã giảm từ cả bao xuống ba bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3-1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.

Sau một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác đã bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:

“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa Xuân”.

(Lê Văn Mẫn, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

98. Phải dân chủ với dân

Khoảng 11 giờ thì đến Vật Lại, bà con xã viên, các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi chờ đón từ đầu đường rẽ lên đồi. Bác vui vẻ cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn. Bác thân mật nghe cán bộ địa phương báo cáo và hỏi chuyện mọi người. Bác nói với chị Nguyệt, con cụ Chu Công Tự, chiến sĩ trồng cây của xã Vật Lại: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Chị Đỗ Thị Soạn, trưởng thành từ phong trào Cô gái Đại Phong, nay là Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt, báo cáo với Bác phong trào nhân dân trong xã. Nghe xong, Bác dặn: “Phải dân chủ với dân. Phải để cho dân phê bình cán bộ, đảng viên”. Bác hỏi đồng chí Hán, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Thịnh: “Hợp tác xã có hay liên hoan chè chén không?. Đồng chí Hán báo cáo.

- Thưa Bác! Hợp tác xã chúng cháu dạo này không ăn uống xa phí nữa. Có người cho chúng cháu là keo kiệt.

Bác cười rất hiền và động viên:

- Cháu làm thế là đúng, là biết giữ gìn của cải cho xã viên.

Tôi ngồi nhìn Bác, chăm chú nghe cuộc đối thoại giữa vị Chủ tịch nước với người dân bình thường và phát hiện ra một điều là Bác Hồ đi trồng cây nhưng đang nói chuyện “trồng người”. Cuộc đối thoại này, những lời dạy đầu năm này của Bác, ngày mai sẽ bay đi khắp đất nước, bổ sung vào đợt giáo dục đạo đức cách mạng do chính Bác phát động.

Bác cùng các cụ trồng cây. Khung cảnh chung quanh thật đẹp. Nắng Xuân ấm áp. Lúa đang lên xanh. Một cụ già tóc bạc, da dẻ hồng hào, giữa đàn con cháu… Tôi nhớ đến câu:

Vì lợi ích mười năm, trồng cây

Vì lợi ích trăm năm, trồng người.

Mùa Xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ vẫn chăm lo việc trồng cây, trồng người.

(Vũ Kỳ, trích trong “Bác Hồ viết Di chúc")

99. Tiết kiệm

Sáng 24-7-1957, trong buổi tiễn đoàn đại biểu nước ta, khi Chủ tịch Giavatxki cùng Bác từ trên gác bước xuống tầng dưới, đến một gian phòng rộng hàng ngàn thước vuông với ba chùm đèn có hàng trăm ngọn sáng trưng, trong khi mặt trời đã lên cao, bỗng nhiên Bác hỏi:

- Vụ trưởng Lễ tân có mặt ở đây không?

Mọi người ngạc nhiên, chưa biết Bác hỏi để làm gì. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước bạn bước lại gần Bác:

- Thưa Chủ tịch, Vụ trưởng Lễ tân đang ở ngoài sân bay. Tôi là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Xin Chủ tịch chỉ thị.

Bác hỏi:

- Chỗ tắt điện ở đâu?

Mấy chiến sĩ bảo vệ vội vàng chạy đi tắt đèn. Chủ tịch Giavatxki quay mặt đối diện với Bác, nói nghiêm trang:

- Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi chân thành nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện chỉ thị tiết kiệm của Lênin.

(Sơn Tùng, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: