131. Tấm lòng của Bác và câu chuyện về chiếc tàu phá thủy lôi mang biệt hiệu T5
Năm 1965, ông (Phan Trọng Tuệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) làm Chính ủy kiêm Tư lệnh đường mòn Hồ Chí Minh. Một hôm đồng chí Vũ Kỳ gặp ông và nói xem có phim tư liệu gì mới về cuộc sống, chiến đấu và lao động của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đem vào chiếu cho Bác xem.
Ông về lựa chọn và đưa cuốn phim về giao thông vận tải, quay từ Hà Nội vào đến Vinh cho Bác xem. Bộ phim ông mang vào chiếu cho Bác xem, có cảnh phá thủy lôi bằng kích thích. Cho ca nô chạy nhanh qua bãi thủy lôi. Thủy thủ lái ca nô mặc áo bảo vệ kèm phao bơi. Bác xem rất chăm chú sau đó Người hỏi: Mặc như thế kia thì cử động thế nào, ca nô chạy như thế liệu có đảm bảo an toàn cho chiến sĩ? Tiếp đó Bác nói luôn các chú lái ca nô thật dũng cảm, nhưng phải nghĩ xem có phương pháp nào điều khiển ca nô chạy tự động qua bãi thủy lôi, chứ làm như thế này nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ.
Ông đã suy nghĩ rất nhiều về lời gợi ý của Bác. Sau đó ông cho họp Hội đồng kỹ thuật, báo cáo lại ý kiến của Bác. Mọi người đều rất tán thành và đề nghị thiết kế tàu không người lái, điều khiển từ xa.
Sau đó một loại tàu mới có biệt hiệu là T5 ra đời, có người điều khiển từ xa để phá thủy lôi. Đó là do bao công sức đóng góp của các anh em làm công tác kỹ thuật sáng chế.
Khi chiếc tàu này mới được chế tạo, đã mang lên Hồ Tây chạy thử. Lần chạy thử đó có mời đồng chí Tố Hữu đến xem. Nhờ chiếc tàu đó mà ta đã phá được rất nhiều thủy lôi, đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, lại không nguy hiểm đến tính mạng cho các chiến sĩ.
Lời phát biểu của Bác đã tác động đến anh em kỹ thuật, giúp họ suy nghĩ, phát huy sáng kiến và chế tạo ra chiếc tàu mang biệt hiệu T5.
Chiếc tàu mang biệt hiệu T5 hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam. Đó không chỉ là hiện vật quý trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của nhân dân ta, mà còn là minh chứng cho tấm lòng thương yêu cán bộ, chiến sĩ của Bác Hồ. Trước bất cứ một công việc gì, Bác đều suy nghĩ làm thế nào cho tốt nhất, không ảnh hưởng đến tính mạng, của cải, tài sản của nhân dân.
(Theo ông Phan Trọng Tuệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trích trong “Kể chuyện về Bác”)
132. Bác hát bài anh hùng xưa nay
... Một buổi chiều chụp ảnh. Trong ảnh rõ ràng hai thế hệ. Các cụ ngồi ngay ngắn. Đằng sau là các Bộ trưởng, mỗi người một vẻ.
Chụp xong Cụ Hồ nắm lấy cánh tay tôi:
- Tối hôm nay cụ tổ chức lửa trại nhé.
Mấy ông già với mấy ông trẻ đầy lo nghĩ, lửa trại vui được khó quá.
- Cứ vui đấy!
Bỗng một ý nghĩ thoáng qua, tôi thưa:
- Cụ lệnh tổ chức, tôi xin làm. Nhưng thưa Cụ, ở lửa trại thì người giữ lửa có quyền to lắm, ai cũng phải nghe đấy.
- Nhất định thế!
Bọn chúng tôi vẫn có cái thói cứ hay “chọc” Cụ một cách kính mến, không dám làm Cụ bí, vì Cụ có bí bao giờ đâu, nhưng để xem Cụ đối phó thế nào, rồi ngồi cười cùng nhau, lý thú về cách trả lời của Cụ, Cụ cũng hiểu thế và mỉm cười.
Mọi người đã ngồi quanh đống lửa. Tôi châm lửa và tuyên bố:
- Thi hành quyền lực của trùm trại, tôi đề nghị Cụ Chủ tịch hát mở đầu cuộc vui.
Mọi người nhìn cả về phía Cụ. Cụ nhẹ nhàng đứng dậy, vừa đi quanh vừa hát bài hát hướng đạo về Đinh Bộ Lĩnh:
Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ.
Quên mình là mình giúp nước...
Già trẻ ai nấy con mắt long lanh, nhìn âu yếm Cụ Chủ tịch của mình, mà như thế là cuộc lửa trại vui lên.
(Trích trong “117 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)
133. Đồng chí Lê Văn Cần và những kỷ niệm với Bác Hồ
Đầu năm 1950, tôi vinh dự được phục vụ Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc. Lúc đó, Bác đang ở Khấu Lấu. Khi tôi đến, anh Nguyễn Văn Dụng ra đón, đưa vào giới thiệu với Bác. Bác bắt tay thân mật và hỏi:
- Quê chú ở đâu?
- Thưa Bác, quê cháu ở Nghi Lộc ạ.
Nghe tôi trả lời, Bác đùa lại:
- Có phải Nghi Lộc cà có cuống, cà có đuôi không? Rồi Bác cười hiền lành bảo tôi:
- Chú vào cất ba lô, nghỉ ngơi mai Bác giao công việc.
Lần đầu tiên được gặp Bác tôi cũng run. Song cái bắt tay thân mật và sự ân cần của Bác đã giúp tôi trấn tĩnh lại. Sự thay đổi trong công việc đem đến hạnh phúc lớn trong đời tôi. Tôi được đi theo Bác và phục vụ Bác Hồ từ năm đó.
Ở chiến khu, để đảm bảo bí mật và do yêu cầu của công tác kháng chiến Bác phải thay đổi chỗ ở luôn. Do đó phải làm nhà liên tục, tôi vốn là thợ mộc nên thời gian đầu ở Việt Bắc tôi được giao nhiệm vụ làm nhà cho Bác mỗi khi di chuyển đến chỗ ở mới.
Tháng 3-1950, tôi được giao nhiệm vụ đi làm nhà cho Bác. Thường thì anh Kháng, anh Dụng tìm địa điểm, còn tôi và hai anh nữa đi làm nhà. Trước đây khi chưa có người biết làm nhà, các đồng chí phục vụ Bác chỉ dựng tạm che nứa như một túp lều để ở. Sau này, chúng tôi làm nhà cho Bác theo kiểu nhà sàn ở miền núi, không to nhưng phù hợp và vệ sinh tiện lợi. Nhà làm đơn sơ có hai buồng, một buồng để Bác làm việc và tiếp khách, còn một buồng để Bác nghỉ ngơi.
Những năm tháng kháng chiến, số người phục vụ, giúp việc Bác không nhiều, do đó ngoài việc dựng lán, làm nhà cho Bác, tôi cũng như các anh em khác kiêm nhiệm nhiều việc. Khi di chuyển chỗ ở thì lo tìm địa điểm, lo làm nhà, buổi tối thì đi gác cùng anh em bảo vệ.
Thời gian ở Việt Bắc, tôi đã làm nhà cho Bác ở các nơi sau: Tháng 5, tháng 6-1951 làm nhà ở bản Vèn. Đầu năm 1952 làm nhà ở Đầm Hồng, Chiêm Hóa, Bản Thí, Tuyên Quang. Giữa năm 1952 làm nhà ở Đèo Dát. Đầu năm 1953 về Hồng Thái, làm nhà ở Hang Bòng. Sau đó đi Khuôn Mã. Một thời gian ở Vai Cày, Thái Nguyên. Dù là lán hay nhà chúng tôi đều làm đẹp, cẩn thận, do đó Bác rất ưng ý.
Chúng tôi rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé vào việc giúp cho Bác tạm an cư để lo sự nghiệp lớn của đất nước.
Kháng chiến chín năm thắng lợi, Bác từ chiến khu cách mạng về Hà Nội. Tôi cũng theo Bác trở về. Trên đường về, Bác dừng lại ở Sơn Tây (thôn Phù Xa, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây), sau về Nhà thương Đồn Thủy, rồi mới về Phủ Chủ tịch.
Về Thủ đô Hà Nội, không phải lo làm nhà cho Bác nữa, tôi được giao nhiệm vụ phục vụ Bác. Nhiệm vụ của tôi là chăm lo việc ăn ngủ, tắm giặt, sinh hoạt… của Bác. Tuy Bác ăn uống đơn giản, sống tiết kiệm, giản dị song tôi luôn cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra sơ suất gì. Tôi luôn tâm niệm một điều: Sức khẻo của Bác là tài sản của dân tộc. Gánh nặng của công việc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước còn đè nặng lên vai Người. Bác có khỏe mới có sức làm việc, có đủ minh mẫn và sáng suốt để giải quyết công việc trong lúc vận nước có lúc như ngàn cân treo sợi tóc.
Một ngày Bác ăn ba bữa chính, ba bữa phụ rất đơn giản. Mỗi bữa phụ của Bác chỉ là một cốc sữa.
Bữa ăn chính của Bác cũng giản dị, mỗi bữa thường có mấy miếng thịt, hoặc khúc cá và một bát canh rau. Bữa nào có thịt bò thì anh Cẩn thường làm bít tết cho Bác ăn.
Anh Cẩn làm nhiệm vụ nấu ăn, còn tôi sắp xếp mời Bác lên ăn. Bác ăn rất tiết kiệm. Một khúc cá liệu ăn một bữa không hết, Bác lấy dao xắt đôi, để lại một nửa cho bữa sau. Bác ăn ít như điều độ. Thường thì hàng ngày Bác đi bộ sang nhà ăn để ăn cơm. Những hôm mưa to đường ngập nước Bác cũng xắn quần lội từ nhà sàn sang nhà ăn… Khi đi công tác các nơi Bác bảo chúng tôi chuẩn bị sẵn thức ăn từ nhà mang đi hoặc mang nồi đi tự nấu lấy để tiết kiệm, tránh các nơi khi đón Bác thường tổ chức ăn uống linh đình. Bác đã có lần nói đùa:
- Bác không ăn, vì không khéo dân lại nói rằng ông Chủ tịch nước về thăm làm thịt mất một con bò.
Bác mặc rất giản dị, tiết kiệm. Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ, may cùng kiểu. Sau khi may xong mang đi xí nghiệp Tô Châu nhuộm gụ hết. Khi Bác mặc, bộ nào hơi cũ chúng tôi thay bộ mới vào. Vì quần áo may cùng một kiểu, vải giống nhau nên lúc đầu Bác không nhận ra. Sau thấy quần áo mặc nhiều mà vẫn mới Bác sinh nghi. Bác bèn đánh dấu và phát hiện quần áo đã bị đổi, Bác phê bình và không đồng ý cho thay. Thế nên có cái áo của Bác rách vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Khổ người của tôi cao giống Bác, tôi thường đo theo người tôi về là Bác mặc vừa. Các đồ dùng khác của Bác thường là tôi đi mua.
Về chuyện quần áo của Bác, về sau chúng tôi được nghe kể lại là Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng một cách chân tình: “Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”.
Việc sinh hoạt hàng ngày của Bác cũng rất nền nếp. Buổi sáng, Bác dậy sớm, tập thể dục, đi những bài quyền đẹp mắt. Sau đó, Bác ăn sáng rồi làm việc luôn. Bác làm việc đúng giờ, nên chúng tôi phục vụ cũng phải rất đúng giờ.
Buổi chiều Bác thường đi bách bộ trong vườn. Bác rất ít uống thuốc và rất ghét uống thuốc. Những hôm mệt Bác cố gắng luyện tập để át bệnh đi.
Buổi tối, anh Chước vào đọc báo, bản tin cho Bác nghe, thường 11 giờ Bác mới đi ngủ.
Dịp sinh nhật Bác, ngày Tết, Bác thường đi thăm các nơi. Bác tránh những ngày này sợ các nơi đến chúc tụng.
Khi tôi phục vụ Bác, Bác giao cho tôi quản lý tất cả các đồ dùng của Bác và quà Bác được tặng. Số quà được tặng Bác thường dùng để tặng các cụ già, gia đình bộ đội, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cháu ngoan Bác Hồ.
Mỗi buổi chiều, khi thấy chúng tôi tăng gia ở vườn, Bác thường ra xem. Có lần Bác cùng cuốc đất, trồng cây với chúng tôi. Khu vườn quanh nhà Bác ở chúng tôi trồng rau. Bác nói:
- Các chú trồng rau thì phải chăm cho tốt, kẻo khách của Bác qua lại đây cười cho đấy.
Hằng ngày, sau giờ làm việc, để thư giãn Bác ra cầu ao ngồi cho cá ăn. Suất bánh mì của Bác, Bác thường bớt lại mang cho cá ăn. Sau thấy thế chúng tôi chế biến một loại thức ăn cho cá để sẵn đó, mỗi buổi chiều Bác lấy một ít rắc xuống ao cho cá ăn. Đã thành thói quen, cứ đúng giờ nghe tiếng vỗ tay gọi đàn cá lại ngoi lên đớp mồi, trông thật vui mắt.
Đối với anh em phục vụ, Bác rất quan tâm. Mỗi lần chúng tôi về thăm nhà lên, Bác thường hỏi thăm tình hình gia đình, vợ con sống thế nào. Chúng tôi vào phục vụ Bác liên tục không mấy khi được nghỉ. Do đó, mỗi khi Bác đi công tác xa, ngoài số anh em phải đi theo, Bác gọi số anh em còn lại đến dặn:
- Các chú tranh thủ về thăm nhà, nhưng nhớ đúng hẹn lên đón Bác.
Đối với chúng tôi Bác còn dạy phải luôn luôn giữ bí mật. Bí mật là một nguyên tắc trong hoạt động cách mạng. Chúng tôi đã làm theo đúng lời Bác dặn. Mỗi lần đi họp Bộ Chính trị, tôi có nhiệm vụ mang nước lên. Tôi nghe được các đồng chí trong Bộ Chính trị bàn công tác. Nhất là trong những ngày chuẩn bị cho các chiến dịch lớn ở Nam Bộ. Tôi thấy các đồng chí trải bản đồ ra, chỉ đánh ở đâu, ở đâu… tôi nghe, biết nhưng không bao giờ nói chuyện với ai.
Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Bác luôn dạy chúng tôi sống giản dị, tiết kiệm. Giản dị, tiết kiệm ngay cả ăn, mặc và sinh hoạt. Thấm nhuần lời dạy của Bác, chúng tôi luôn có phương châm: Sống giản dị, tiết kiệm. Sau này khi có điều kiện may được chiếc áo trắng lúc mặc tôi cũng thấy ngường ngượng, khó quen.
Sau thời gian Bác mất, các anh em bên điện ảnh có ý mời tôi đóng một vài bộ phim về Bác. Song tôi nghĩ mình không thể hoàn thành được nhiệm vụ này nên từ chối. Khi còn sống tôi được phục vụ bên Bác. Bác coi tôi như con. Nay Người mất đi tôi rất buồn. Tôi không thể đóng vai Bác được, dù tôi biết đó chỉ là phim.
Trong thời gian phục vụ Bác, chúng tôi đã học tập được ở Bác rất nhiều, đặc biệt học được ở Bác đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Cuộc đời của Bác trong suốt như phalê. Chúng tôi tự soi mình vào cuộc đời Bác và nguyện sống theo gương Người.
(Lê Văn Cần, trích trong “Người cận vệ Bác Hồ”)
134. Bác Hồ giáo dục tướng lĩnh quân đội
Năm 1960, Đoàn đại biểu Đảng bộ quân đội chúng tôi vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đoàn được chia làm nhiều tổ. Cùng tổ với tôi có anh Trần Độ, anh Tiệp, anh Nam Thắng, anh Quang Trung và tôi. Một buổi tối nhân Đại hội nghỉ, anh Đàm Quang Trung nói chuyện với chúng tôi về Bác Hồ căn dặn anh trước lúc lên đường đi chiến đấu.
Đó là vào tháng 8-1945, trước khi anh đi nhận nhiệm vụ chiến đấuở Nam Trung Bộ. Anh Quang Trung kể: "Tôi được thông báo đến gặp Bác ở số nhà 48, phố Hàng Ngang - Hà Nội. Khi tôi bước vào nhà nhìn thấy Bác, đột nhiên tôi vô cùng xúc động. Bác nói: "Chú đấy à!". Tôi: "Dạ!". Bác mời: "Chú vào đây!". Rồi Bác nói: "Khi chú về Hà Nội thì kèn trống đón rước inh ỏi, đi đến đâu cũng nói đến chi đội Quang Trung!". "Còn Bác thì đến lúc này vẫn chưa ai biết Bác là ai, tuy ở giữa thành phố Hà Nội đông vui! Khi còn ở Việt Bắc, nhân dân thường gọi Bác là cụ Ké. Còn về đây, Bác là cụ Già!".
Trước tiên Bác hỏi thăm gia đình tôi, rồi Bác hỏi: "Chú có gì khó khăn không?".
Tôi thật cảm động trước tấm lòng của Bác, tôi thưa với Bác: "Thưa Bác. Cháu đã chuẩn bị rồi ạ!". Trong phòng lúc ấy chỉ có hai Bác cháu, tôi với Bác. Tôi càng thấy bồi hồi, xúc động vì đã hơn một năm được sống bên Bác, tôi đã học được nhiều điều Bác dạy từ việc nhỏ đến việc lớn, từ cách sống và suy nghĩ, phân tích xem xét vấn đề và lối ứng xử, đặc biệt là phong cách của cán bộ cách mạng và người chỉ huy quân sự của quân đội cách mạng. Giờ đây trước lúc lên đường đi chiến đấu trên chiến trường Nam Trung Bộ, Bác lại nói với tôi về nhân cách người làm tướng chỉ huy. Bác bảo có nhiều loại tướng. Bác lấy ví dụ: Mãnh tướng như Trương Phi. Dũng tướng như Quan Vân Trường. Hổ tướng như Triệu Tử Long. Bác nói: Các loại tướng như thế đều tốt, đều cần vì nhân dân ta sắp phải bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược Pháp. Chúng ta cần có nhiều tướng, nhưng phải có nhiều "Nhân tướng", bởi vì cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến tranh nhân dân, vì nhân dân, vì con người, vì giải phóng dân tộc. Rồi Bác còn căn dặn thêm: Nhân tướng là người tướng hiểu sâu sắc con người và biết yêu quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý, mến phục. Chỉ có những người tướng như thế mới trăm trận, trăm thắng.
Bác lại nói tiếp: Mỗi cán bộ chỉ huy quân sự của quân đội ta cần thấm nhuần đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cán bộ phải ra sức rèn luyện, để có thể bồi đắp cho mình có đủ nhân cách làm người chỉ huy. Sau buổi nghe anh Đàm Quang Trung kể, chúng tôi vô cùng xúc động và đều ghi vào trong lòng mình. Rồi đến Đại hội chính thức, tôi nhìn lên thấy Bác Hồ ngồi giữa hàng ghế đầu của Đoàn Chủ tịch.
Trước đó, khi Người vào, cả hội trường đều đứng lên hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác ra hiệu các đại biểu ngồi xuống. Tiếp đến các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, các vị khách nướcngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Lào, v.v.. Rồiđến các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bước vào. Bác đọc lời khai mạc Đại hội. Khi Bác đứng lên, cả hội trường vang dậy tiếng hô: Hồ Chủ tịch muôn năm! Đến giờ nghỉ 15 phút, Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội được Bác Hồ tới thăm và được chụp ảnh cùng Bác. Trong đoàn mấy chục đồng chí đại biểu cho Đảng bộ toàn quân, có các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Tạ Xuân Thu, Hoàng Văn Thái, Bằng Giang và tôi cùng vinh dự được đứng nghe Bác nói về Đại hội bàn nhiều vấn đề, nhưng có hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là: - Xây dựng miền Bắc, khôi phục, phát triển kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa. - Đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, giải phóng miền Nam... Trong hai nhiệm vụ chiến lược ấy "Quân đội có nhiệm vụ nặng nề và rất vẻ vang".
Sau Đại hội trở về, trải qua cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và ác liệt, bảo vệ miền Bắc, chi viện và đấu tranh giải phóng miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn, non sông thu về một mối, đất nước đã thống nhất. Trong những năm tháng lâu dài, gian khổ, tôi còn nhiều lần gặp gỡ anh Đàm Quang Trung: Lần Đại hội toàn quân chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, rồi Đại hội toàn quốc lần thứ V, tôi gặp lại anh Quang Trung. Anh lại kể về Bác đã dặn dò anh về "Nhân tướng".
Chúng tôi đều nhớ lại và càng xúc động về lời Bác đã căn dặn. Khi Sài Gòn giải phóng, tôi gặp lại anh Quang Trung cùng vợ anh vào thăm Sài Gòn. Anh chị có đến cơ quan chỉ huy tiền phương của Quân chủng Phòng không - Không quân, vui mừng gặp lại nhau giữa Sài Gòn giải phóng. Lúc đó có anh Đào Đình Luyện cùng tôi chỉ huy ở Bộ Tư lệnh tiền phương. Vui mừng gặp lại nhau và ôn lại những câu chuyện mà anh kể về Bác Hồ căn dặn trước khi lên đường đi chiến đấu ở Nam Trung Bộ năm 1945, chúng tôi càng thêm xúc động nhớ tới Bác Hồ. Dù Bác đã đi xa, nhưng những lời Bác dặn còn ghi tạc mãi mãi trong tâm trí chúng tôi./.
(Thượng tướng Đàm Quang Trung kể, trích trong “Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân”)
Tâm Trang (tổng hợp)