139. "Các chú phải thấy rõ trách nhiệm trước tính mạng và tài sản của nhân dân"
Năm 1967, cuộc chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc nói chung, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng nói riêng, diễn ra ngày càng ác liệt.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt ấy, có mấy lần bộ đội tên lửa của ta, do địch gây nhiễu điện tử rất nặng nên đạn tên lửa đã chệch ra ngoài cánh sóng điều khiển, rơi xuống đất, làm hư hại mấy nhà của dân, thuộc tỉnh Hà Tây. Chính quyền địa phương báo cáo sự việc đó lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Tin đó đã đến Bác Hồ. Tin đạn rơi gây thiệt hại cho dân, chúng tôi đã chủ động báo cáo lên Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu. Theo nếp thường xuyên, Quân chủng Phòng không - Không quân khi thắng lợi, cũng như lúc có khó khăn vấp váp, đều kịp thời báo cáo với trên, đó là kỷ luật quân đội, kể từ việc nhỏ đến việc lớn, kể cả sự việc trong quan hệ quân - dân.
Tôi được phân công lên báo cáo trực tiếp với đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Câu đầu tiên đồng chí hỏi tôi:
- Tại sao lại để đạn tên lửa rơi xuống đất? Tôi trả lời:
- Gần đây, do bị thiệt hại nặng, không quân Mỹ đã rút kinh nghiệm. Chúng có nền công nghiệp quân sự cao, đã cải tiến kỹ thuật gây nhiễu phức tạp hơn trước, làm cho đạn tên lửa của ta vượt ra ngoài sự điều khiển, nên đạn rơi xuống đất. Những trường hợp đạn rơi ra cánh đồng thì không sao, chỉ hỏng hoa màu. Lần này đạn rơi vào mấy nhà dân, nên địa phương báo cáo lên Trung ương. Quân chủng đã bàn kế hoạch khắc phục, nhưng chưa kịp sửa chữa...
Anh Phạm Ngọc Mậu cho biết, anh sẽ trình bày việc này với Thường vụ Quân ủy và anh nhắc tôi:
- Các đồng chí về bàn kế hoạch lãnh đạo, động viên bộ đội bình tĩnh, tìm biện pháp khắc phục, tránh để gây thiệt hại cho dân. Khi xảy ra, phải giải quyết tốt và chu đáo với nhân dân; đã xảy ra, phải đảm bảo quyền lợi cho dân, tìm hết biện pháp phát động anh em, phát huy trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ, nhất là thông số kỹ thuật và trao đổi học hỏi thêm ở bạn...
Anh Phạm Ngọc Mậu còn nói với tôi:
- Có thể đồng chí còn phải sang gặp Bộ Chính trị và cả Bác Hồ đấy! Tôi chào thủ trưởng, về báo cáo lại với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh quân chủng. Các đồng chí đều suy nghĩ, tìm cách khắc phục. Hôm sau, có điện ở trên gọi quân chủng lên báo cáo. Tôi được phân công lên báo cáo cơ quan Trung ương ở nhà số 4, phố Nguyễn Cảnh Chân. Tại đó, tôi được gặp đồng chí Lê Văn Lương, trong Ban Bí thư. Đồng chí hỏi thăm sức khỏe và nói: "Chắc các đồng chí ở dưới quân chủng vất vả và căng thẳng lắm?". Tôi thưa với đồng chí Lương: "Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng đều quyết tâm thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Quân ủy Trung ương, không ngại gian khổ, quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái"...
Đồng chí Lê Văn Lương nói: "Gần đây Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Hà Tây có báo cáo lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, đạn tên lửa của ta rơi có gây thiệt hại mấy nhà của dân. Các đồng chí trong Bộ Chính trị muốn biết lý do tại sao?". Sau khi hỏi thêm một số điều cụ thể, đồng chí Lê Văn Lương dẫn tôi sang gặp các đồng chí trong Bộ Chính trị. Các đồng chí chỉ tôi ngồi xuống ghế trong phòng họp. Tôi thấy đã có các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Tôi xin phép báo cáo. Các đồng chí hỏi cặn kẽ về tình hình chiến đấu của bộ đội tên lửa và tỏ ra hết sức quan tâm, thông cảm trước những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là bộ đội tên lửa. Các đồng chí nói: "Đây là cuộc đấu trí giữa ta và địch. Mỹ có nhiều tiềm lực to lớn, có kỹ thuật hiện đại, ta gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng ta có sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí quyết tâm cao. Bộ đội ta dũng cảm, mưu trí sáng tạo, cố vươn lên làm chủ kỹ thuật thì dù thế nào ta cũng đánh thắng không quân Mỹ. Cần phát huy hết vai trò làm chủ tập thể của bộ đội, thường xuyên học tập kỹ thuật và cả nghệ thuật chỉ huy. Phải tạo nên sức mạnh tổng hợp, và công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng rất quan trọng".
Tôi nhớ đồng chí Lê Duẩn dặn đi dặn lại: "Phải tổ chức công tác huấn luyện kỹ thuật cho giỏi, thì mới thắng được tuyệt đối, không được xem nhẹ vấn đề kỹ thuật!". Tôi xin phép ra về và báo cáo lại với các đồng chí ở nhà ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị. Lãnh đạo quân chủng nhất trí mở cuộc vận động học tập kỹ thuật: "Luyện hay, đánh giỏi, vạch nhiễu tìm thù...". Tiếp hai ngày sau, tôi được gọi lên gặp Bác Hồ, vẫn là vấn đề đạn tên lửa rơi xuống đất. Tôi vừa lo lắng, vừa hồi hộp. Bác ngồi trên chiếc ghế mây và cho phép tôi ngồi bên cạnh. Tôi đang loay hoay lấy sổ ở trong cặp ra để báo cáo, thì Bác bảo:
- Thôi mọi chuyện Bác biết cả rồi. Bây giờ chú nói cho Bác biết: Các chú có cách gì để hạn chế việc đã xảy ra?
- Thưa Bác, chúng cháu đã bàn và động viên bộ đội học tập kỹ thuật cho giỏi và nghiên cứu cách chống nhiễu để khắc phục cho đạn khỏi rơi ạ! Bác Hồ nói: "Điều cần nhất các chú phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước tính mạng và tài sản của nhân dân. Phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ cùng thấy rõ trách nhiệm đó". Ngừng một lát, Bác nói tiếp: "Nhân dân ta tốt lắm, nhưng các chú đừng thấy nhân dân tốt, dân không nói mà các chú cứ để tình trạng này xảy ra thì không được? Chú về nói lại với các chú trong Bộ Tư lệnh là Bác nhắc như vậy". Rồi Bác hỏi tiếp: "Năm cái nhà dân bị hư hỏng ở Hà Tây, các chú đã làm lại cho dân cái nào chưa?"
Tôi thưa với Bác, tất cả đã được đền bù! Nhưng Bác lại hỏi: "Bác muốn biết nhà của dân bị đạn các chú làm hỏng, bây giờ dân đã có nhà ở chưa?". Tôi lúng túng:
- Thưa Bác, đơn vị dưới báo cáo đã đền bù cả rồi ạ! Còn dân đã có nhà ở chưa thì cháu chưa nắm chắc. Xin phép Bác, cháu về kiểm tra lại, xin báo cáo với Bác sau có được không ạ? Tôi thấy vô cùng ân hận và tự trách mình đã không đi kiểm tra trực tiếp để khi Bác hỏi, không báo cáo được đầy đủ. Bác căn dặn thêm:
- Từ nay về sau, nếu xảy ra những chuyện như thế này, chú phải đích thân đến nơi giải quyết. Không chỉ bồi thường cho dân thỏa đáng, vấn đề không chỉ là tiền mà còn thăm hỏi nhân dân và nhận thiếu sót trước dân. Đừng lấy lẽ mình đánh giặc, muốn làm thế nào cũng được! Bác chỉ bảo mọi việc đã xong, tôi xin phép Bác ra về. Tôi muốn về càng nhanh càng tốt để được báo cáo lại với các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân chủng về những lời chỉ bảo ân cần của Bác. Tôi cũng dự định xuống ngay mấy nơi xảy ra đạn rơi gây thiệt hại mấy nhà dân, xem đã được sửa chữa chưa và dân có nhà ở chưa?
Rời khỏi nhà sàn, nơi Bác Hồ ở và làm việc, lòng tôi nặng trĩu. Anh Vũ Kỳ nói nhỏ với tôi: "Anh báo cáo lại với các đồng chí ở nhà, làm thế nào, chứ Bác suy nghĩ nhiều về vấn đề này đấy!". Tôi thưa lại với anh Vũ Kỳ: "Chúng tôi cũng cùng bộ đội mất ăn, mất ngủ về việc đạn rơi này!". Tôi bắt tay anh Vũ Kỳ rồi lên xe về quân chủng. Câu nói của Bác Hồ: "Các chú phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước tính mạng và tài sản của nhân dân" vẫn như văng vẳng bên tai, xoáy mãi vào tâm trí tôi...
(Theo đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân kể).
140. Không có núi sông thì dựa vào người
Lớp học chính trị tại hang Kéo Quảng (Nguyễn Bình) do Bác Hồ trực tiếp phụ trách.
Hồi bấy giờ, Hítle đang ồ ạt tiến công Liên Xô. Quân đội phát xít Đức đã chiếm gần hết Ucraina và chỉ còn cách Thủ đô Mátxcơva khoảng ba mươi kilômét. Nhiều người lo lắng hỏi:
- Phát xít Đức mạnh đến như thế, liệu Liên Xô có thể bị mất không ạ?
Bác nói:
- Việc gì mà phải lo. Liên Xô đã chuẩn bị từ lâu. Đất nước này rộng lắm. Các nhà máy ở thủ đô đều đã rời vào dãy núi Uran cách xa hàng nghìn cây số. Nếu quân đội của Hítle chiếm đóng những vùng gần thủ đô thì Liên Xô sẽ rút về phía Uran và tiếp tục kháng chiến. Đánh giặc phải có căn cứ địa chứ.
Nghe nói đến căn cứ địa, có người hỏi:
- Thưa lão đồng chí, ở miền núi thì lấy núi lấy sông làm căn cứ địa, thế còn ở đồng bằng không có địa thế hiểm trở thì làm thế nào ạ?
Bác cười bảo:
- Có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi, có sông thì dựa vào người dân ở đó.
Rồi Bác kể lại chuyện ông cha ta bao đời đánh giặc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, kẻ địch mạnh đến nỗi hầu hết các nước đều phải chịu thua. Nhưng khi chúng kéo quân vào nước ta, thì cả ba lần đều bị thất bại. Đó là vì triều Trần đã biết lấy dân làm sông, làm núi. Rồi Bác nói tiếp:
- Các chú có biết chữ Hán có chữ “nhân sơn, nhân hải” có nghĩa là “núi người, biển người” không? Ở đâu có dân là ở đó có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công.
(Theo Hồi ký của Bằng Giang)
141. Chiếc ô tô cũ "Thắng lợi"
Là vị Chủ tịch nước, nhưng Bác Hồ vẫn chỉ sử dụng đến suốt đời chiếc xe cũ POBEDA (Thắng lợi), màu cà phê sữa, do Chính phủ Liên Xô (trước đây) tặng Bác. Hai đồng chí Ngọc và Nguyên thường lái, chăm chút bảo quản nên vẫn phục vụ Bác được. Xe sử dụng lâu năm cũng xuống cấp nhiều, nên cán bộ giúp việc có ý muốn thay chiếc xe mới. Bác biết tin, Bác hỏi đồng chí Ngọc lái xe:
- Xe hiện nay đã hỏng chưa?
- Thưa Bác xe chưa hỏng nhưng đổi xe mới chạy êm hơn, nhanh hơn…
Nghe vậy, Bác nói ngay:
- Nếu thế thì chưa nên đổi. Ai muốn xe chạy nhanh hơn, ngồi êm hơn thì đổi. Bác vẫn dùng chiếc xe này được rồi, vì nó chưa hỏng. Bác còn nói thêm: Xe tốt thì nên ưu tiên cho các đồng chí làm ngoại giao khi cần tiếp khách quốc tế trước…
Cán bộ giúp việc chưa từ bỏ ý định, mới bàn riêng với lái xe, nhân một lần đi công tác, cố tạo ra sự cố hỏng xe để lấy cớ: Xe quá cũ, máy nóng… không khởi động được, nhưng Bác vẫn không đổi ý, còn dặn:
- Lần sau, trước khi đi công tác, nên kiểm tra cẩn thận, chuẩn bị tốt thì sẽ không bị lỡ công việc.
Cứ như vậy, Bác thủy chung với chiếc xe “Thắng lợi” cho tới ngày Bác đi xa.
Chung quanh chuyện sinh hoạt đời thường của Bác rất nhiều chuyện xúc động, như chiếc xe “Thắng lợi” hiện vẫn ở Bảo tàng Cách mạng là hiện vật lịch sử, nhưng điều ai cũng thấy, cũng nhận ra là bao giờ Bác Hồ cũng rất tiết kiệm, đơn sơ mà gần gũi, bình dân… là bài học giáo dục lớn một cách sinh động nhất.
(Vũ Kỳ kể, Nguyễn Đình ghi, trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
142. Đi làm ruộng với nông dân
Bác sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho, nhưng là nhà Nho có nguồn gốc nông dân. Thời gian dài từ tấm bé đến tuổi học trò Bác sống ở quê giữa những người nghèo khổ, một nắng hai sương ngoài đồng nên Người thấm thía nỗi khổ, nỗi vất vả của người nông dân. Những việc của nghề nông đối với Bác cũng không có gì xa lạ. Thời kỳ hoạt động cách mạng ở nước ngoài, khi Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân, có người thắc mắc hoài nghi vì Bác khai trong lý lịch là xuất thân nhà Nho, trí thức, nghề nghiệp chính lại là thủy thủ, họ e rằng Bác sẽ không có điều kiện để am hiểu các vấn đề về nông dân.
Sau khi bế mạc Đại hội Nông dân, các đại biểu đi thăm một nông trang, thấy nông dân đang lao động, Bác cũng xắn quần xuống giúp một nông dân đang làm ruộng, việc nhà nông đối với Bác không gì khó khăn, trong khi các đại biểu nhiều người đang lúng túng, thì Bác làm nhanh nhẹn như một nông dân thực thụ, trước con mắt thán phục của mọi người. Có ai biết một thời Bác ra đồng cùng người dân quê làng Sen làm lụng, hay những lúc đi trồng nho cùng những người nồng dân nghèo khổ ở Bruklin nước Mỹ.
Trên mặt trận báo chí công luận, Bác là người viết nhiều về nông dân, tố cáo, vạch mặt sự bóc lột sức lao động người nông dân của địa chủ cường hào phong kiến, đẩy nông dân vào con đường bần cùng bằng sưu cao thuế nặng. Bác đã tìm ra và chính Người đã thực hiện cương lĩnh giải phóng người nông dân bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Người đã để lại một di sản có một không hai trong lịch sử loài người chân dung một lãnh tụ bên người nông dân...
Ngay sau khi giành được chính quyền, tuy bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành nhiều thời gian, không chỉ nhắc nhở các địa phương đắp đê chống bão lụt, mà còn trực tiếp xuống tận các xã để đôn đốc, kiểm tra công việc. Biết tin đê sông Hồng ở khu vực Hưng Yên, Thái Bình bị vỡ, Bác đích thân xuống kiểm tra việc khắc phục hậu quả để có biện pháp kịp thời cùng chính quyền địa phương vận động giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn. Bác hỏi cặn kẽ số người bị nạn, trước hết phải lo cái ăn để họ khỏi đói bữa, sau đến nơi ở và ổn định sinh hoạt cho mọi người, tập trung nhân tài vật lực để đắp lại chỗ đê bị vỡ. Bác hứa khi nào đắp xong Bác sẽ xuống thăm. Thế rồi giữ đúng lời hứa, bốn tháng sau Bác xuống cắt băng khánh thành chỗ đê vừa mới đắp. Bác đi kiểm tra một lượt, nhìn chỗ giáp ranh đê mới đê cũ, Người nhắc nhở phải tăng cường gia cố mới an toàn. Bác vừa đi vừa nhún thử độ lún, khen đắp nhanh nhưng chưa lèn chặt, cần tăng cường thêm lực lượng để đầm thật kỹ mới bảo đảm lâu dài.
Thay mặt "Ban đời sống mới", nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến báo cáo với Bác là hoạt động của Ban dựa trên ba nguyên tắc: Dân tộc, dân chủ và khoa học. Nghe xong, Bác bèn nói: "Trong đồng bào ta chưa mấy người hiểu những từ chú nói mà hiện nay họ cần là cần cái này'', vừa nói Bác vừa chỉ tay vào bụng, "phải có cái ăn đã nếu không có ăn không làm gì được. Hoạt động của "Ban đời sống mới" cũng phải tập trung cái đó đã, vận động bà con "lá lành đùm lá rách", "tăng gia sản xuất, cứu đói".
Hậu quả nạn đói năm 1945 như một bóng ma ghê rợn phủ lên cuộc sống đói rách của người nông dân, càng làm không khí ảm đạm khó khăn thêm. Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đi xuống các địa phương như Ninh Bình, Thái Bình... để đôn đốc việc cứu đói, tổ chức tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống thiên tai... Một lần trong cuộc họp, bàn chống đói, Bác nói: ''Các chú biết không, người xưa nói: Dân vĩ thực vi thiên''. Có đồng chí tưởng Bác nói nhầm bèn chữa lại: Thưa Bác "Dân dĩ thực vi tiên chứ ạ". Bác cười và giải thích: "Bác nói "Dân dĩ thực vi thiên" là người xưa dạy ''Dân lấy cái ăn làm trời", Đảng, Chính phủ phải lo cái ăn cho dân không được để dân đói". Đó là Bác lấy lời của Lục Sinh nói với Hán Cao Tổ: "Nhà vua lấy dân làm trời, dân lấy cái ăn làm trời". Bác dạy thật chí lý.
Năm 1955, nghe tin lũ lụt lớn ở Kiến An gây thiệt hại lớn về người và của cho nhân dân, Bác cho gọi đồng chí có trách nhiệm lên hỏi cụ thể. Bác hỏi: Xã Hòa Nghĩa mấy người chết, nhà cửa, trường học, bệnh xá bị đổ bao nhiêu?. Khi nghe báo cáo con số thiệt hại cụ thể, Bác rất lo lắng và rơm rớm nước mắt, nhất là biết có nhiều gia đình chết người và trôi nhà cửa. Bác căn dặn phải có phương án tỷ mỉ khắc phục hậu quả thiệt hại. Người chỉ thị Tỉnh ủy phải trực tiếp chỉ đạo và dặn đi dặn lại: "Trước hết phải lo để không một người bị đói". Cứ đến mùa nước lũ, hay kỳ hạn hán Bác thường trực tiếp xuống địa phương tham gia "chống trời" cùng nhân dân. Nhớ lần về công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, Bác xuống cùng trường tham gia lao động như một người dân. Trên đường đi, thấy một chị đang đẩy xe cút kít nặng nề lên dốc, Bác vội chạy đến đẩy giúp chị...
Lần Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân, nghe tin Bác về các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Bác long trọng. Bác không hài lòng, phê bình ngay: "Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp". Bác ăn mặc quần áo như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con, để lại phía sau các "quan cách mạng" trong những bộ quần áo bảnh bao đang lúng túng hổ thẹn trước dân chúng. Cuối cùng tất cả cùng ào xuống đào đất với bà con theo gương Bác. Bác không nói, không hô hào, nhưng Người đã làm cuộc "cách mạng" cho "các quan" trước muôn dân. Bác ăn cơm chung với mọi người tại nơi đang đào mương. Thấy người xới cơm xới bát nào cũng vơi, Bác nói vui: "Chú xới cơm thế này thì công việc làm sao cho đầy được". Bữa ăn có Bác vui hẳn lên. Bác hỏi chuyện:
- "Các chú có biết nấu nướng không?"
Mỗi người kể theo cách hiểu của mình. Bác thừa hiểu chẳng có ai ở nhà thực sự giúp vợ nấu ăn cả nên nghe nói nấu nướng sao thì kể vậy. Rồi Bác kể chuyện hồi xưa Bác làm phụ bếp thế nào nên biết nấu nướng, Bác nói nghề nấu ăn ai biết nấu kể là biết ngay, còn ai chỉ nghe hoặc nhìn thì không thể bịp được người khác, vì kỹ thuật nấu ăn quan trọng là chỗ này. Bác chỉ vào mũi, chứ không phải chỗ này - Bác chỉ vào mắt và tai. Bác nói tiếp, vì sao mọi người phải biết nấu ăn là vì vừa giúp được “cô ấy” có thời gian học tập và nuôi dạy con cái vừa rèn luyện mình, chữa cái bệnh hão, bệnh sĩ, bệnh gia trưởng thâm căn cố đế, cho việc bếp núc là của đàn bà. Hơn nữa khi tự mình nấu thì mình ăn ngon hơn, thích ăn món nào thì làm món ấy. Chuyện vui, nhưng Bác giáo dục đạo đức con người, đạo đức cộng sản trong cán bộ. Bác lo lắng quan tâm đến sự tiến bộ của cán bộ từ những việc làm bình thường nhất nhưng chính đó là những xuất phát điểm của đạo đức chân chính, mà mọi người cán bộ muốn dân tin thì soi vào để tự xem xét rèn luyện hoàn thiện mình.
Bác về Hà Đông chống hạn, khi đến một con mương chắn ngang đường, đồng chí Chủ tịch tỉnh mời Bác đi vòng đến chỗ dễ qua hơn. Nhìn xuống thấy đồng chí Chủ tịch tỉnh đi đôi giày bóng lộn. Bác bảo: "Chú cứ đi đường ấy". Nói rồi, Bác cởi dép lội tắt qua cho nhanh để đến với nông dân đang tát nước chống hạn. Sang bờ bên kia, Bác bảo mọi mười cùng tát nước giúp dân.
Bác chỉ một thanh niên ăn mặc bảnh bao cùng tát nước với Bác, nhưng đồng chí này không biết tát nước, đồng chí Bí thư tỉnh đỡ lời: "Thưa Bác, đồng chí này là nhà báo ạ". Bác cười và nói: "Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được".
Mỗi người dân chúng ta ai cũng được xem hình ảnh Bác đang đạp nước trên guồng chống úng, ghi nhận trong ta hình ảnh Bác hòa mình với nỗi vất vả một nắng hai sương của người nông dân. Khắc sâu trong ta tâm niệm Chủ tịch nước cũng là một công dân một người lao động trong triệu triệu người không có gì cách biệt. Đó là hình ảnh được ghi lại vào năm 1960 khi Bác về chống úng tại xã Hiệp Lực. Vừa đạp guồng nước, Bác vừa nhắc nên lắp ổ bi vào trục để người đạp đỡ vất vả, mà năng suất cao hơn. Bác hỏi các cô thanh niên có biết hát đối không, rồi Bác lẩy Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta, chống úng thắng lợi mới là người ngoan". Bác bảo các cô lẩy tiếp, các cô vì mãi nhìn Bác nên không chuẩn bị không lẩy tiếp được chỉ biết vỗ tay, và xin mắc nợ với Bác. Bác nói: ''Muốn lao động đỡ mệt và có sức mạnh thanh niên nên tổ chức văn nghệ".
Năm 1958, Bác về Nam Định dự Hội nghị "Bàn về sản xuất nông nghiệp". Bác chăm chú lắng nghe các bản báo cáo thành tích của các đơn vị. Bác chú ý bản báo cáo nói về cách làm các loại phân bón. Bác đứng lên nhìn khắp hội trường và hỏi to: "Chú nào gánh bùn đổ cho hai sào lúa có đây không?". Không có ai đứng dậy. Một đồng chí cán bộ tỉnh ủy báo cáo là người nông dân đó không thuộc diện tham dự hội nghị này. Bác phê hình và yêu cầu cho người đó đến dự hội nghị ngay. Bác hỏi, chị em phụ nữ ở đây có đội phân nữa không? Các đồng chí cán bộ tỉnh chưa dám báo cáo với Bác ngay, may có chị đại biểu nữ đỡ lời: "Thưa Bác, chị em ở đây không quen gánh nên cái gì cũng đội ạ". Bác dặn: "Nên tìm cách cải tiến vận chuyển bằng xe để đỡ cho chị em về lâu dài".
Năm 1968, Bác về chống hạn ở Nghiêm Xuân (huyện Thường Tín); hôm đó Bác đến sớm, đồng bào còn vắng, tiện đường Bác xuống khu dân cư, hỏi thăm bà con. Bác vào một nhà dân hỏi Tết vừa qua gia đình đón Tết có vui không? Có cụ già 60 tuổi thưa với Bác là ăn Tết không vui. Bác hỏi vì sao, cụ kể lại gia đình từ xưa có ngôi nhà gần đường, vừa qua huyện có lệnh đuổi bà đi để mở đường, không bồi thường, cũng không chỉ cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui, người ra lệnh ấy là ông chủ tịch huyện. Bác lắng nghe mà vẻ mặt không vui, Bác bảo, làm người cán bộ như vậy là không xứng đáng, không khác gì cường hào xưa. Sau đó Bác chỉ thị phải điều tra làm rõ ngay. Vị Chủ tịch kia bị kỷ luật. Lòng dân rất phấn khởi và nhắc mãi chuyện đó như làm gương cho cán bộ đối với dân phải làm gì. Hôm đó Bác tham gia chống hạn với dân, trời nắng to có đồng chí cầm ô che cho Bác, Bác bảo: "Dân chịu được thì Bác cũng chịu được, chú làm như Bác là ông quan thời xưa". Trên đường đi chống hạn giúp dân, thấy phía trước có xe công an còi inh ỏi dẹp đường, Bác cho dừng xe và lệnh cho xe công an dừng lại, Bác mới đi tiếp. Bác phê bình: "Bác xuống với dân để chống hạn mà các chú làm cho dân họ sợ thì xuống làm gì?"...
Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe yếu nhưng Người đã dành nhiều thời gian làm việc với các đồng chí phụ trách nông nghiệp. Họp Bộ Chính trị hay trong các buổi làm việc về nông nghiệp Bác thường nhắc đến Điều lệ Hợp tác xã. Bác bảo công nhân có ngày kỷ niệm, nên lấy ngày ban hành Điều lệ Hợp tác xã làm ngày kỷ niệm cho nông dân. Bác dặn viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được. Sau khi đọc bản dự thảo, Bác nói đây là bản dùng cho cán bộ, còn đối với xã viên thì viết phải tóm tắt hơn, dễ hiểu hơn. Bác đọc và sửa chữa rất kỹ, có chỗ nào chữ nghĩa cầu kỳ khó hiểu Bác đều sửa lại. Số thứ tự các chương đánh số La Mã, Bác sửa lại "chương Một... Hai..." Sau đó Bác yêu cầu chuyển nội dung bản Điều lệ sang diễn ca phát trên Đài Phát thanh cho dân dễ thuộc, dễ nhớ, để làm theo.
(Theo Bá Ngọc, trích trong “Hồ Chí Minh - chân dung đời thường”)
Tâm Trang (tổng hợp)