107. Các chú có báo không?
Ông cụ bắt tay chúng tôi và hỏi:
- Các chú là tự vệ thôn đây?
- Dạ.
Ông cụ liền chỉ tay vào các đồng chí cùng đi, nói: - Các chú đây là Giải phóng quân.
Lâu nay ba tiếng Giải phóng quân có sức thu hút mãnh liệt đối với tôi. Hằng ngày cứ đứng trên đê, hướng về dãy núi Tam Đảo, tôi ao ước sao có cánh để bay tới chiến khu Tuyên - Thái mà sống cuộc sống chiến đấu và tự do trên ấy. Tôi đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho thoát ly để tham gia Giải phóng quân, nhưng chưa được. Giờ đây trước mặt tôi là những con người ấy đang tươi cười bắt tay mình. Tôi không sao nén được cảm động trước những đồng chí mới gặp lần đầu này, đặc biệt là cụ già trong đoàn.
Sau phút chào hỏi, chúng tôi mời ông cụ về trụ sở tự vệ của chúng tôi trong thôn. Tới cổng thôn, ông cụ dừng lại xem các khẩu hiệu kẻ trên bức tường. Chợt nhìn thấy hàng dây cờ căng trước cổng thôn, ông cụ bỗng nhiên hỏi:
Sao các chú làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh?
Chúng tôi cùng nhìn lên, thì ra cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh thật! Một đồng chí trong chúng tôi thưa với cụ:
- Dạ, giấy đỏ và giấy vàng nhân dân ta mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ, nên chúng cháu phải cắt bỏ đi một chút ạ.
- Không nên - ông cụ khẽ lắc đầu và bảo. Các chú phải hiểu là: Cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và ngang hàng với các nước khác, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ của các nước. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình.
Chúng tôi đều vâng lời, một đồng chí tự vệ vội trèo lên lấy dây cờ xuống để sửa lại.
Về tới trụ sở của đội tự vệ (nói là trụ sở, thật ra chỉ là một ngôi miếu gần đình làng tôi, cả ngôi miếu bấy giờ chỉ có hai cái phản để chúng tôi nghỉ mỗi khi đi tuần tra, canh gác về; sở dĩ chúng tôi chọn nơi đây là cốt để yên tĩnh và chờ đến tối sẽ chuyển sang địa điểm khác), tôi vội đi lên trước, toan trải chiếu, nhưng ông cụ gạt đi và thản nhiên ngồi xuống phản. Hai đồng chí Giải phóng quân cùng anh em tự vệ chúng tôi gác phía ngoài. Số còn lại thì vào nghỉ ở chiếc phản kề bên.
Tôi mang bộ đồ trà tới. Quen như tiếp khách ở nhà, tôi toan rót nước ra chén. Ông cụ bảo:
- Cháu cứ để đấy, ai khát sẽ rót uống, không nên rót sẵn. Tôi vâng lời. Ông cụ lại hỏi:
- Các chú có báo không?
- Dạ, có ạ.
Tôi vội mang tới cho ông cụ tờ báo Cờ giải phóng chúng tôi vừa mua ban sáng. Ông cụ chỉ đầu bài rồi giao cho một đồng chí Giải phóng quân đọc, các đồng chí khác cùng ngồi quây quần lắng nghe. Ông cụ vừa nghe, vừa thỉnh thoảng ghi gì đó vào sổ tay. Có lúc ông cụ dừng lại, nêu câu hỏi để các đồng chí Giải phóng quân nêu ý kiến, rồi cụ giảng giải thêm, sau đó mới cho đọc tiếp.
(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
108. Chú trả lời cho rõ hơn
Sau khi thăm xong khu nhà ở, chúng tôi đưa Bác tới hội trường, đồng thời cũng là câu lạc bộ của đơn vị. Thấy nền gạch trong hội trường được anh em lau rất sạch, Bác cởi dép để ngoài thềm, đi chân không vào hội trường. Chúng tôi cũng làm theo Người. Thấy vậy, Bác bảo:
- Nên để cái gì lau chân, vừa sạch nhà, vừa đẹp mắt.
Bước vào trong hội trường, Bác đưa mắt nhìn chung quanh một lượt, để xem cách bố trí hội trường và phòng đọc sách. Sau đó, Người lần lượt xem các bức vẽ và bích báo của các chiến sĩ. Bác chú ý những bài nói về kinh nghiệm học tập quân sự, chính trị, văn hóa, thành tích tăng gia... Bác khen:
- Các bức vẽ và bích báo đều tốt, nhưng thiếu mục phê bình!
Tới giữa hội trường, Bác nhìn lên khẩu hiệu dưới ảnh Người và bảo:
- Chữ viết đẹp. Nhưng là những chữ gì? - Nói xong, Bác liền đọc: "Hồ Chủ tịch muốn nằm".
Phê bình mà chúng tôi cũng không sao nhịn được cười. Bác cũng cười. Đuôi mắt Người nheo hẳn lại, chòm râu rung rung.
- Thưa Bác, chúng cháu viết khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm" đấy ạ! Sợ vì đánh dấu sẽ giảm mất mỹ thuật nên viết như thế ạ. - Đó là lời đồng chí Minh, người chiến sĩ vừa tòng quân năm 1961. Lần đầu gặp Bác, thấy Bác đọc khẩu hiệu như thế, Minh tưởng Bác đọc thật, vội trình bày lại.
Bác nhìn Minh, âu yếm hỏi:
- Chú bao nhiêu tuổi?
- Thưa Bác, cháu 18 ạ!
- Chú ở nhà làm gì? Gia đình hiện nay như thế nào?
- Dạ, cháu ở nhà đi học và giúp bố mẹ cháu làm trong hợp tác xã ạ! Bố cháu trước là cố nông, sau Cách mạng tháng Tám đi bộ đội, mới phục viên năm 1959 ạ!
- Chú học lớp mấy?
- Dạ, cháu học lớp 9...
Bác chỉ vào bản đồ Việt Nam treo trên tường và bảo Minh:
- Cháu chỉ cho Bác xem âm mưu Mỹ - Diệm dùng chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam như thế nào, tác hại ra sao?
Minh trả lời xong, Bác gật đầu tỏ vẻ bằng lòng:
- Chú hiểu đúng! Nên làm cho anh em khác cũng hiểu như mình. Nhắc Minh xong, Bác quay lại hỏi tôi:
- Lúc ở nhà chú làm gì?
- Ngày bé cháu đi ở cho địa chủ, lớn lên được người anh xin cho vào học việc ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Kháng chiến cháu tham gia đội nghĩa quân Hồng Hà, rồi sau chuyển sang sư đoàn Quân tiên phong ạ!
Bác quay lại hỏi Minh:
- Chú nghĩ như thế nào khi thấy mình học hết lớp 9 và trung đoàn trưởng của chú trước làm công nhân?
Minh suy nghĩ có vẻ khó khăn, đôi lông mày thanh thanh nhíu lại. Má lại đỏ bừng lên. Cuối cùng Minh trả lời gượng:
- Thưa Bác, đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại ạ!
Có tiếng xì xào Bác ra hiệu giữ trật tự rồi chỉ Thượng sĩ Bình, người chiến sĩ tình nguyện:
- Chú trả lời cho rõ hơn!
Rập chân đứng nghiêm lại, vẻ tự tin, Bình thưa:
- Đó là bản chất của chế độ ta, mặt khác cũng nói rõ quân đội ta là của quần chúng nhân dân lao động, công nông là chủ lực của cách mạng.
- Chú học lớp mấy? - Bác hỏi tiếp đồng chí Bình.
- Dạ, cháu học lớp 5 ạ! - Bình hơi thẹn, thanh minh thêm: Cháu vào bộ đội mới được học ạ!
Bác dặn:
- Hai chú cần học tập lẫn nhau, giúp nhau để cùng tiến bộ.
(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
109. Sự phân công
- Các cô, các chú nhiều người có đồng hồ ở đây chứ?
- Thưa Bác, có ạ!
- Các cô, các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim phút di chuyển hơi chậm, kim giờ thì rề rề chuyển chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không?
- Dạ, đúng ạ!
- Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: "Tôi chạy thế này thì mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu". Mặt số kêu lên: "Đứng mãi một chỗ chán quá, cho tôi chạy như kim giây". Bộ máy lại nói: "Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số". Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?
Cả lớp vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:
- Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ !
- Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tuỳ theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bác được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chỉ cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chỉ cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công việc chung. Đó là sự phân công của tổ chức.
(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
110. Bảo vệ Bác Hồ đón Giao thừa trong ngày Tết độc lập
Cứ mỗi khi đường phố Hà Nội tràn ngập hoa đào đỏ thắm và quất vàng tươi, báo hiệu mùa Xuân đến, đồng chí Tạ Quang Chiến lại bồi hồi xúc động nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất của đời mình. Đó là trong ngày Tết độc lập đầu tiên của dân tộc, đồng chí vinh dự được bảo vệ Bác Hồ đi chúc Tết một số gia đình bà con ở Hà Nội và đón giao thừa ở Hồ Gươm.
"Những ngày đầu cách mạng, Nhà nước dân chủ nhân dân mới ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ gay go và ác liệt. Tháng 8-1945, với danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng do Lư Hán đem theo hàng trăm tên tay sai phản động mang danh "Cách mạng Hải ngoại", "Cách mạng Quốc gia" do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam... cầm đầu kéo vào miền Bắc nước ta. Chúng dựa vào quân Tưởng sách nhiễu nhân dân ta, tổ chức bắt cóc, ám sát cán bộ, gây rối chính trị và trật tự xã hội.
Trước tình hình đó, công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn. Trung ương quyết định tăng cường công tác bảo vệ, bổ sung người hiểu biết tình hình và địa bàn Thủ đô vào tổ cận vệ bảo vệ Người.
Tháng 10-1945, đồng chí Trần Quang Huy, Bí thư Thành ủy Hà Nội giới thiệu với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thường vụ Trung ương Đảng hai đồng chí trong đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu. Đó là đồng chí Nguyễn Hữu Văn và đồng chí Võ Chương bổ sung vào tổ cận vệ trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, chọn ông Vũ Đình Huỳnh, đồng chí Vũ Long Chuẩn làm thư ký và điều đồng chí Nguyễn Văn Lý là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ ở Tân Trào (Tuyên Quang) về phụ trách tổ cận vệ. Được về công tác tại tổ cận vệ bảo vệ Bác, tôi vô cùng phấn khởi và xúc động. Là một chiến sĩ trẻ, nay được trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại vừa lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân, mang lại độc lập cho dân tộc Việt Nam, trong đó có gia đình tôi, tôi tự nhủ, phải phấn đấu hết mình trong côngtác để bảo vệ Người được tuyệt đối an toàn. Sau khi được vào công tác tại tổ cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cùng các đồng chí trong đơn vị triển khai công tác bảo vệ Người trong dịp Tết Nguyên đán năm 1946.
Tết Bính Tuất là Tết độc lập đầu tiên sau hơn 80 năm nô lệ, nên đồng bào cả nước rất vui mừng phấn khởi. Riêng Thủ đô Hà Nội, nhân dân tổ chức Tết mừng cách mạng thành công, nên đường phố nhộn nhịp đông đúc khác thường. Đối với Bác Hồ, sau bao nhiêu năm nếm mật, nằm gai nơi rừng sâu nước độc, đây là lần đầu tiên Người được đón Tết ở Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, Bác rất vui và phấn khởi. Chiều 30 Tết năm ấy, Bác ở Bắc Bộ phủ về số 8 phố Vua Lê (nơi ở của Bác Hồ những ngày đầu cách mạng, nay là phố Lê Thái Tổ) sớm hơn mọi ngày.
Người cho gọi tổ giúp việc đến và dặn: "Tối nay, các chú đưa Bác đi chúc Tết một số gia đình và đi xem bà con Hà Nội chơi giao thừa, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật đấy!".
Nghe Bác chỉ thị chúng tôi sửng sốt. Lúc này tình hình vận nước đang "ngàn cân treo sợi tóc". Thù trong giặc ngoài câu kết với nhau hòng tiêu diệt nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ. Các tổ chức phản động đang ngày đêm rình rập tìm mọi cách ám hại Bác. Do vậy, bảo vệ Bác đi chúc Tết nhân dân và đón giao thừa ngoài phố là một việc vô cùng hệ trọng. Trước yêu cầu của Bác và tình hình an ninh - trật tự của Thủ đô, một kế hoạch bảo vệ Bác được chúng tôi xây dựng rất khẩn trương, chu đáo và sát hợp. Với phương châm bí mật, bất ngờ, đến không báo trước để Bác trực tiếp thấy được sự thật và làm cho kẻ địch có mắt cũng như đui, lực lượng trinh sát do Sở Liêm phóng Bắc Bộ chỉ đạo được triển khai hết sức chặt chẽ tại các vị trí theo kế hoạch...
Tối 30 Tết, theo kế hoạch đề ra, tôi và anh Nguyễn Văn Lý (tức đồng chí Hoàng Hữu Kháng, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ); anh Vũ Long Chuẩn (tức đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác) và một số người khác trực tiếp bảo vệ Bác đi chúc Tết một số gia đình nhân dân nghèo ở Hà Nội.
Hơn 7 giờ tối, chiếc xe ô tô đã cũ do anh Hà Ngọc Nguyên lái như bao nhiêu chiếc ô tô khác ở Hà Nội lúc bấy giờ, nhẹ nhàng rời nhà số 8 phố Vua Lê hòa vào dòng người, dòng xe đông đúc của phố xá Thủ đô đêm giao thừa.
Hôm ấy, chúng tôi đưa Bác đến thăm và chúc Tết một gia đình ở ngõ Hàng Đũa thuộc phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến); một gia đình ở phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn); một gia đình ở phố Hàng Vải và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy. Nhiều nhà dân Hà Nội trang trí cành đào, trên bàn thờ Tổ quốc có khẩu hiệu: "Tổ quốc trên hết".
Đặc biệt, cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh treo ở nơi trang trọng nhất của mỗi gia đình. Nhiều khu phố còn bày bàn thờ Tổ quốc ra ngoài cửa tỏ lòng vui mừng về Tết Độc lập đầu tiên. Cả Hà Nội như không ngủ để chờ đón Xuân vào mọi nhà. Các gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết đều rất ngạc nhiên và bày tỏ sự phấn khởi đến rơi nước mắt, được trực tiếp gặp Chủ tịch nước kính mến mà họ hằng ngưỡng mộ.
Và tối 30 Tết độc lập đầu tiên ấy, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tận mắt nhìn thấy cảnh Tết của những người dân lao động...
Khi tin Bác Hồ đi thăm và chúc Tết nhân dân nghèo được báo chí công bố, cả Hà Nội xôn xao bàn tán về tác phong gần gũi, thương dân của vị lãnh tụ dân tộc, để lại ấn tượng rất đẹp và sâu sắc trong lòng mọi người dân Thủ đô văn hiến.
Sau khi đến thăm và chúc Tết một số gia đình ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nhà số 8 phố Vua Lê để hóa trang đi đón giao thừa. Quần áo và đồ dùng hóa trang do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị mang đến từ sớm theo yêu cầu của Người.
Hôm ấy, Bác hóa trang thành một cụ già. Người đội chiếc khăn xếp màu đen, mặc áo the, cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu. Bác tự hóa trang rất khéo. Bác và đồng chí Vũ Long Chuẩn đóng giả thành hai bố con người Hà Nội đi chơi Tết. Sắp đến giờ giao thừa, chúng tôi bí mật đưa Bác tản bộ đến ngắm cảnh Hồ Gươm. Hồ Gươm trong ngày Tết độc lập đầu tiên đượctrang hoàng lộng lẫy. Đèn màu trang trí được kết thành hoa và cờ Tổ quốc sáng rực xung quanh hồ. Người đi dự lễ nườm nượp. Qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn, mặc dù chúng tôi rất lo lắng nhưng không ai nhận ra Bác. Qua ánh mắt và cử chỉ của Bác, chúng tôi thấy Người rất vui trước quang cảnh ngày hội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân đến Thủ đô, Bác được đi lẫn trong dòng người Hà thành nô nức đi hái lộc xuân tại nơi thiêng liêng giữa trái tim của Thủ đô. Bác dừng lại rất lâu trước những tấm bia, ngắm nghía các câu đối rồi ra đứng ở đình Trấn Ba ngắm mặt nước Hồ Gươm lăn tăn ánh điện. Người thốt lên:
- Hồ Gươm đẹp lắm! Hà Nội đẹp lắm!
Chúng tôi đưa Bác đi bách bộ quanh hồ một lát. Trên đường, vừa đi Bác vừa nói:
- Mình bây giờ mới biết đồng bào Hà Nội đón giao thừa như thế nào, hái lộc ra sao. Vui quá!
Bây giờ mỗi lần đi qua Hồ Gươm, tôi lại hình dung thấy Bác trong lần đón giao thừa trong ngày Tết độc lập. Lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về Người, một lãnh tụ vĩ đại nhưng gần gũi thân thương".
(Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao)
Tâm Trang (tổng hợp)