116. Chuyện về nữ cảnh vệ suốt đời vì công việc
Đó là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, tham gia cách mạng từ ngày tiền khởi nghĩa, kinh qua nhiều vị trí công tác, trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt, bà có hơn 22 năm vinh dự làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, nước uống bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Bà sinh năm 1922 trong một gia đình công nhân tại làng Lãng Yên, tổng Thanh Nhàn (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng nghe lời dạy của cha: "Phải học để có một cái nghề nương thân", ngay từ nhỏ ngoài thời gian giúp đỡ công việc gia đình, cô bé Bích Thuận đã chú tâm học tập. Thông minh chăm học, năm 17 tuổi, cô nữ sinh trường Đồng Khánh đã đỗ bằng Điplôm. Cuối năm 1944, từ bỏ việc dạy học ở trường Hoài Đức, Bích Thuận tham gia phong trào phụ nữ Mặt trận Việt Minh, được cử đi bán tín phiếu lấy tiền xây dựng quỹ cho tổ chức. Với nhiệt huyết cách mạng và ước nguyện mãi mãi đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tháng 10-1945, Bích Thuận vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước khi Đảng tuyên bố rút vào hoạt động bí mật và được tổ chức điều về phụ trách một số chị em làm công tác nuôi quân tại Ty Liêm phóng Bắc Bộ.
Tháng 11-1946, được lệnh của Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, bà Thuận đi nhận nhiệm vụ mới, phụ trách công tác mật mã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Ngày đó Văn phòng Xứ ủy đóng tại một ngôi nhà gần Pháo đài Láng, Hà Nội. Thời gian này, bà đã được vinh dự mã hóa bức điện lịch sử ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Nhớ lại kỷ niệm về một thời khó khăn nhưng rất oanh liệt của dân tộc, bà xúc động kể lại: "Tình hình đất nước những ngày đầu cách mạng ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", mặc dù Chính phủ ta đã nhân nhượng trong một số điều của Thỏa ước nhưng thực dân Pháp đã không tôn trọng mà ngày càng lấn tới, ráo riết đánh chiếm nhiều nơi. Khả năng hòa hoãn với thực dân Pháp đã chấm dứt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Trước tình hình cấp bách đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi mã hóa bức điện mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào mặt trận Liên khu I cho đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Liên khu I. Bức điện có đoạn: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau". Nhận được bức điện của Bác vào những ngày hết sức quyết liệt, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô coi đây là mệnh lệnh, lời kêu gọi kháng chiến của dân tộc, của non sông đất nước, nên như được tiếp thêm sức mạnh. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Lê Trung Toản điện ra hứa với Bác và Trung ương: "Nguyện quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Ở vào thời điểm nước sôi lửa bỏng, khi mã hóa hai bức điện lịch sử trên, tôi không cầm nổi nước mắt vì cảm động trước tình cảm của vị lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước đối với bộ đội".
Mùa Xuân năm 1947, bà Bích Thuận được tổ chức điều về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng. Tại an toàn khu Thái Nguyên, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đã giới thiệu bà với đồng chí Lê Văn Lương (đồng chí Lê Văn Lương sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Nhớ về kỷ niệm này, bà như sống lại thời con gái đang tràn đầy ước mơ và hoài bão, bà kể lại: "Sau một thời gian tìm hiểu, tôi thấy anh Lương người cao, nước da trắng trông rất thư sinh, đặc biệt anh là người sống có lý tưởng cách mạng, nên tôi đặt niềm tin vào anh. Tình yêu trong sáng của hai người cùng chung một con đường và lý tưởng cách mạng đã đưa hai chúng tôi đến hôn nhân. Lễ cưới của hai chúng tôi được tổ chức đơn giản nhưng rất ý nghĩa. Bác Tôn Đức Thắng làm chủ hôn. Anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ, anh Hoàng Quốc Việt và các đồng chí trong cơ quan tôi đến dự. Đặc biệt, Bác Hồ gửi thư chúc mừng: "Chúc Lương - Thuận đoàn kết, chặt chẽ". Chị Hai Sóc và mọi người vào rừng hái hoa tặng cô dâu và chú rể. Sau khi xây dựng gia đình, chúng tôi sống rất hạnh phúc và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong cuộc sống và công tác".
Theo chủ trương trí thức hóa công nông của Đảng, bà Bích Thuận được cử đi học. Năm 1961, tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Hà Nội, bà được cử về Cục Cảnh vệ làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, nước uống bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Và cũng từ đây bà vinh dự trở thành người cận vệ được bảo vệ Bác Hồ. Bà kể lại: "Công việc của tôi thì hay được vào gặp Bác, tôi có nhiều kỷ niệm về Người nhưng có lẽ nhớ nhất là lần tôi có việc vào chỗ Bác và được ở lại ăn cơm với Bác. Bữa cơm của Bác, của một vị Chủ tịch nước mà lại rất thanh đạm. Trong lúc ăn cơm, Bác cho tôi biết Người vẫn nhớ những món ăn quê nhà như ăn cơm với cà nghệ, mắm chua. Nhưng các đồng chí bác sĩ chăm sóc sức khỏe Bác không muốn Bác dùng, đề phòng rối loạn tiêu hóa. Trong suốt bữa ăn, ngồi bên Bác mà tôi miên man nghĩ tới những bữa ăn hằng ngày Bác ngồi ăn cơm chỉ có một mình... Tôi cảm thấy bùi ngùi, cổ cứ nghẹn lại!".
Năm 1963, tôi được Bộ Công an cử đi học chuyên ngành của Ủy ban An ninh ở Liên Xô. Trước khi lên đường, tôi đến chào Bác. Người rất vui và dặn dò: "Cô muốn học gì thì học, đừng cho Bác ăn chuối như chú Kháng vẫn cho Bác ăn". Tôi không hiểu thế nào nên hỏi lại anh Kháng (đồng chí Hoàng Hữu Kháng là cận vệ của Bác). Anh Kháng cười và kể lại: "Anh em bảo vệ lúc đầu không dám mua chuối ở ngoài sợ bị đầu độc, nên cứ lấy chuối trong vườn tự tăng gia để Bác dùng. Chuối quả nhỏ, lại không biết rấm nên không ngon". Là người được sống và làm việc gần gũi bên Bác Hồ, bà Bích Thuận luôn được Bác động viên, dạy bảo, nhất là trong công tác. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà còn làm tròn trách nhiệm của phu nhân đồng chí Lê Văn Lương, vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước và là người mẹ hiền nuôi dạy con cháu trưởng thành. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác ở khu phố. Đặc biệt, là nhân chứng lịch sử, bà đã nhiệt tình cung cấp tư liệu và tham gia góp ý vào công tác biên soạn lịch sử Văn phòng Trung ương, lịch sử phụ nữ Công an nhân dân, lịch sử Cảnh vệ Công an nhân dân... Bà thật xứng đáng với truyền thống người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ)
117. Nhớ đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu
Trong gần 30 năm công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an, chị Lê Thị Thọ vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác đều để lại trong lòng người con gái thành phố hoa phượng đỏ những kỷ niệm sâu sắc.
Trong thời khắc thiêng liêng chuẩn bị bước sang năm mới, năm Quý Tỵ 2013, chị Lê Thị Thọ bồi hồi xúc động kể lại kỷ niệm đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu 1969, chị vinh dự cùng một số chị em cảnh vệ được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn Mai Hoa quyền phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Mai Hoa quyền là bài quyền truyền thống của lực lượng Cảnh vệ). Vào trung tuần tháng 11-1968, sau khi tham gia hội thao ở Bộ Công an về, cán bộ, chiến sĩ các đội tuyển của Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) trở về đơn vị công tác; đang phấn khởi về những thành tích xuất sắc trong đợt hội thao, được ít hôm thì có kế hoạch tập trung. Đồng chí võ sư Phạm Văn Long phụ trách đội quyền triệu tập 20 chị em trong đội quyền nữ lên quán triệt: Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục Cảnh vệ, đội quyền của chúng ta lại tiếp tục đi vào tập luyện. Mọi người xì xào hỏi nhau, không hiểu hội thao xong rồi còn tập luyện làm gì, đang băn khoăn thì đồng chí Phạm Văn Long nói tiếp: Bài Mai Hoa quyền của chúng ta được tham gia vào chương trình văn nghệ mừng Xuân trong đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu tới. Thế là những ngày sau đó, chị em trong đội quyền lại lao vào luyện tập, không biết mệt mỏi. Chỉ có điều mọi người chưa biết biểu diễn ở đâu? Cho ai xem? Lúc đầu mọi người đoán chắc biểu diễn cho lãnh đạo Cục, chỉ huy các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ trong Cục xem.
Một hôm, như thường lệ sau buổi tập, đồng chí Phạm Văn Long tập trung đội hình, nhận xét về kết quả buổi tập và động viên chị em. Đồng chí còn dặn riêng đồng chí Lê Thị Thọ: Là người biểu diễn trước một lần, sau đó cả đội vào biểu diễn nên đồng chí cần cố gắng hơn. Về kỷ niệm này, chị Lê Thị Thọ kể lại:
Cuối buổi nhận xét, đồng chí Long mới tiết lộ: Bài quyền của chúng ta được chọn là một tiết mục biểu diễn tại Phủ Chủ tịch phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong đêm 30 Tết này. Nghe đến đây, chị em chúng tôi mừng quýnh cả lên, ai cũng phấn khởi vì sắp được gặp Bác, được vào chúc Tết Bác.
Sau khi được biết tin vui đó, mọi người trong đội càng hăng say tập luyện hơn, quên cả không khí Tết mà nhân dân Thủ đô Hà Nội đang phấn khởi tất bật chuẩn bị, mặc các vết tích ngổn ngang của những trận bom bắn phá mà đế quốc Mỹ gây ra.
Tối 29 Tết, đồng chí Hoàng Hữu Kháng thay mặt Đảng ủy và lãnh đạo Cục Cảnh vệ đến đội quyền của chúng tôi ở 192B Quán Thánh động viên và giao nhiệm vụ:
- Bác Hồ rất quan tâm đến lực lượng Cảnh vệ, nhất là công tác nghiệp vụ và rèn luyện sức khỏe của chúng ta. Tháng 02-1962, với tình cảm đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Cục Cảnh vệ tại Hội nghị tổng kết công tác năm. Người căn dặn một số vấn đề về công tác cảnh vệ. Đặc biệt, Người dạy: “Muốn bảo vệ thì người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe…”. Lời Bác dạy đã được ghi vào truyền thống vẻ vang của đơn vị và được lực lượng Cảnh vệ lấy đó làm quan điểm, phương châm trong công tác nghiệp vụ và xây dựng lực lượng.
Sau khi đồng chí Cục trưởng xuống động viên và giao nhiệm vụ, chị em chúng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì ngày mai được gặp và chúc Tết Bác, mong muốn này mọi người đang thấp thỏm chờ mong, lo vì biểu diễn thế nào đạt kết quả tốt nhất để khỏi phụ lòng tin của Bác với lực lượng Cảnh vệ. Đêm hôm đó chúng tôi không sao ngủ được, nằm thao thức kể cho nhau nghe những lần mọi người được gặp Bác, được Bác tặng quà. Ôi! Sao mà Bác tình cảm, gần gũi đến thế. Ngoài trời mưa xuân nhẹ phủ trắng cả không gian.
Sáng 30 Tết, chị em chúng tôi được nghỉ để chuẩn bị trang phục và tinh thần tối biểu diễn. Ăn cơm chiều xong, chúng tôi được lệnh đến Phủ Chủ tịch. Từ 192B Quán Thánh tắt qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng đi vào cổng Đỏ, vì là "người nhà" nên thủ tục kiểm tra ở cổng đối với chúng tôi nhanh gọn hơn một số đoàn khác.
Phủ Chủ tịch đêm giao thừa thật lộng lẫy và tràn đầy không khí Tết. Những cây quất, cây đào và muôn loài hoa đua nhau khoe sắc cùng những chùm đèn màu lung linh rực rỡ. Cùng biểu diễn phục vụ Bác hôm ấy còn có các cháu thiếu nhi quận Ba Đình, đoàn Văn công giải phóng, đoàn Ca múa nhạc Trung ương, đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, đoàn Nghệ thuật Công an vũ trang và một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khác. Trong trang phục lộng lẫy, sặc sỡ của các đoàn, màu xanh đồng phục của chúng tôi mang dáng con nhà võ, gọn gàng khỏe khoắn làm cho không khí ngày hội mừng Xuân chúcTết Bác thêm phong phú hơn.
Đúng 19 giờ, Bác xuất hiện trong tiếng vỗ tay vang dậy, Người mặc chiếc áo bông trông thật giản dị, đi cùng với Người có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng PhạmVăn Đồng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Mặc dù ban tổ chức đã phổ biến nội quy, nhưng chẳng ai chịu đứng yên, ai cũng muốn đứng gần Bác. Biết mình thấp, tôi cố len lên phía trước để nhìn Bác được rõ hơn. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, còn Bác ngồi ở chính giữa làm "khán giả". Tất cả vừa ổn định trật tự thì các đoàn liền cử đại diện lên tặng hoa và tặng quà Bác. Tôi nhìn thấy nhiều bó hoa tươi thắm, đặc biệt đoàn Công an vũ trang tặng Bác những sản phẩm do chính đơn vị mình tăng gia được. Bác rất vui, không khí càng thêm ấm cúng. Sau tiết mục của các đơn vị, Bác tặng hoa cho các diễn viên, làm cho không khí đêm liên hoan thật sôi nổi và hào hứng. Đến tiết mục của mình, hồi hộp quá, nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình trước đơn vị, tôi lấy lại được bình tĩnh. Sau động tác chào "kiểu nhà võ", tôi thấy Bác vỗ tay nhìn tôi mỉm cười. Tôi nhanh chóng tập trung cao độ để các thế võ được khỏe, các động tác di chuyển được uyển chuyển, mềm mại. Vừa biểu diễn tôi vừa nhìn về phía Bác. Đến lượt cả đội biểu diễn, 20 chị em chúng tôi đều tăm tắp, những cánh tay chém trong không khí phần phật. Khi biểu diễn xong bài quyền cũng là lúc kết thúc chương trình văn nghệ, Bác đứng dậy tặng hoa cho chị em chúng tôi. Tặng hoa xong, Người nói:
- Bác cảm ơn các cháu đã biểu diễn cho Bác xem một chương trình mừng Xuân rất hấp dẫn. Bác thấy mình trẻ lại. Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, Bác chúc các cháu mạnh khỏe, cố gắng hơn nữa trong công tác của mình. Dứt lời Bác là tràng vỗ tay vang dậy. Mọi người ai cũng muốn đứng gần Bác để được chụp ảnh với Người. Chụp ảnh xong, Bác bắt nhịp cho mọi người hát vang bài "Kết đoàn"và bài "Giải phóng miền Nam". Giọng hát của các lứa tuổi hòa quyện với nhau làm cho không khí tưng bừng náo nhiệt. Bác cũng vỗ tay theo nhịp của bài hát.
Bây giờ cứ mỗi khi Tết đến xuân về, tôilại hình dung buổi biểu diễn phục vụ Bác như vừa diễn ra hôm qua. Lòng tôi xúc động nhớ tới công ơn trời biển của Người. Tôi lại tự hứa với bản thân, phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
(Ghi theo lời kể của đồng chí Lê Thị Thọ, nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ
118. Cây vú sữa
Đất nước Việt Nam trong lịch sử đấu tranh cho hòa bình thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ có chuyện "Cây vú sữa miền Nam", lại có chuyện "Cây vú sữa Bác Hồ". Chuyện cây vú sữa, chuyện của đất nước, của dân tộc. Những cây vú sữa xanh tươi gợi lên hình ảnh của đồng bào miền Nam ruột thịt, hình ảnh Bác Hồ muôn quý ngàn yêu!
Chuyện cây vú sữa gắn với địa chỉ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Xã Trí Lực là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng với những sự tích anh hùng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Trí Lực có trận đánh Pháp bên dòng kinh Chắc Băng lừng tiếng.
Trong kháng chiến chống Mỹ - ngụy, xã Trí Lực nằm trong địa bàn đồng khởi 1960 lừng danh huyện Thới Bình. Xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thuộc vùng rừng và miệt đồng. Một miệt đồng kinh rạch và phù sa phì nhiêu, ở cuối đất cùng trời phương Nam, nhưng lại mang truyền thống dựng nước, giữ nước của ông bà từ ngàn năm lịch sử. Ấy là tinh thần “ngự binh ư nông”. Kháng chiến chống thực dân Pháp có những đơn vị bộ đội chính quy tới ở Trí Lực cùng dân lo sản xuất lấy lương thực, cùng dân đánh giặc. Ở miệt đồng sống thuần nông với đất. Trên ruộng chỉ có lúa, những giống lúa Tiên Đôi, Nàng Cum và giống nếp với cái tên thật dễ thương “nếp Tất Nợ” (nếp giống tốt, năng suấtcao trả hết nợ (!)). Đồng ruộng ấy cùng kinh rạch kia còn cónhiều tôm cá. Những cá lóc, cá rô, cá trê vàng, trê trắng, cá chèm dính sáng lưới, làm mắm, ăn tươi, làm khô. Miệt vườn cây ăn trái chỉ có ít loại xoài, mít, cam còn đa phần là chuối, khóm; rau lang, rau muống, rau ngò, bông súng...
Chuyện cây trái đất Trí Lực phải nhắc tới cây vú sữa. Chỉ có một cây duy nhất trên bờ Chắc Băng, thuộc ấp số 10. Cây vú sữa của ông Hai Phường lấy giống từ Tiền Giang về trồng. Một thời gian sau ông di dời để lại khu đất cho ông Đương. Ông Đương là tên dân gọi theo nghề nghiệp của ông. Một tay chuyên sống bằng nghề đồ tre, vót cần câu, đan lát, thúng mủng, rổ rế. Cây vú sữa đã có trái. Cây trái lạ ngon ngọt quý hiếm và giá mua bán rất mắc. Mỗi chục một giạ lúa. Chỉ khi lễ trọng cúng ông bà, chỉ khi có người bệnh nhiều mới mua cho ăn lấy lại sức. Đất nuôi quân đánh giặc cũng chỉ cần lúa gạo, rau cá. Thường nhật lấy gạo nấu cơm, kéo lưới, đặt lờ lợp, dỡ trà lấy cá kho, nấu canh chua. Trúng mùa vụ, đánh trận thắng hay ngày lễ, Tết thì các má chiến sĩ nấu xôi, nấu chè liên hoan thắm thiết tình nghĩa quân dân.
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng toàn cầu, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở Đông Dương. Theo tinh thần Hội nghị Giơnevơ, nước Việt Nam tạm chia hai miền. Hai trăm ngày tập kết, là những ngày chia tay, kẻ ở người đi đầy thương mến. Khi đó, một đại đội của Tiểu đoàn 307 đóng ở Trí Lực. Má Lê Thị Sảnh (Tư Sảnh), hội viên Hội mẹ chiến sĩ làm 14 công ruộng, lâu nay gia đình má nuôi chứa Ban Chỉ huy đại đội, má đã nghĩ ra việc gửi theo những anh bộ đội Cụ Hồ biếu Bác Hồ cây vú sữa như gửi lòng mình, gửi sản vật quý giá của quê hương mình tới Bác tỏ lòng yêu thương, tỏ ý chí thống nhất đất nước. Má cùng cô con gái thứ Bảy còn nhỏ xíu lo cây vú sữa nhỏ gửi tặng Bác Hồ. Cây vú sữa đã được Bác trồng, chăm sóc lớn lên bên Nhà sàn Bác Hồ.
Năm 2003, chúng tôi làm phim kỷ niệm 50 năm ngày tập kết (1954-2004) cùng với cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, cùng đồng chí Đặng Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trí Lực đã tới nhà má Tư Sảnh ở ấp 10, thắp nhang và ghi lại hình thờ của má và chồng má, là ông Đỗ Văn Tốn, gặp các con cháu của má Tư Sảnh. Chúng tôi nghe ông Nguyễn Văn Phận, 81 tuổi, nguyên là Tổ trưởng tổ Đảng của ấp 10 thời gian năm 1954 kể lại: Trong cuộc mít tinh tiễn đưa các chiến sĩ đi tập kết, ông Phận đã giới thiệu má Tư Sảnh lên khán đài gửi cây vú sữa tặng Bác Hồ kính yêu. Đại đội trưởng Kiên, người quê Bến Tre, bị thương cụt một cánh tay trái, đã thay mặt anh em chiến sĩ nhận cây vú sữa từ tay má Lê Thị Sảnh, đem theo đoàn tập kết ra miền Bắc để tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây vú sữa trên đất Trí Lực do má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác Hồ đã được Người chăm sóc chu đáo. Cây xanh tươi thân thương như hình ảnh miền Nam thương yêu bên Người. Cây xanh tươi, đơm bông kết trái như sức sống bất diệt, sự gắn bó máu thịt của miền Nam với Bác Hồ kính yêu. Cây vú sữa mang cái tên đầy yêu thương là cây vú sữa miền Nam.
(Linh Hương - Phạm Văn Tắc, trích trong "Miền Tây Nam bộ nhớ mãi Bác Hồ")
Tâm Trang (tổng hợp)