127. Bác thăm bộ đội ở Bắc Giang
Trong lúc cả đơn vị đã chuẩn bị đủ lễ bộ long trọng để đón tiếp Bác, nào kèn đồng, trống, cờ, khẩu hiệu, bộ đội nai nịt gọn gàng, hàng ngũ chỉnh tề chờ đợi, thì Bác và những người cùng đi đã vào bằng cổng sau, nơi ngổn ngang chưa dọn dẹp và xuất hiện một cách bất ngờ làm mọi người choáng váng. Mọi kế hoạch dự tính trước đều bị đảo lộn. Bác rất thân mật đến bắt tay mọi người đang hớt hải chạy đến, và thoáng một nét cười, Bác hóm hỉnh bảo:
- Chú chỉ huy ở đây phòng thủ thế nào mà quân địch vào giữa doanh trại mới biết?
Mọi người đều cười.
Chương trình đón tiếp lại tiếp tục bị thay đổi. Bác chủ động từ chối việc vào phòng khách có bày biện nước nôi, hoa quả, mà đề nghị được đi thăm nơi ăn chốn ở của bộ đội, trước hết là đi xem nhà vệ sinh.
Đoàn quân tiếp đón có trống kèn lích kích chạy đến, Bác xua tay, vui vẻ bảo anh em cứ trở về chỗ cũ, Bác sẽ đến sau.
Bác hài lòng thấy nhà bếp gọn gàng, ngăn nắp, sang nhà ăn, Bác khen là thoáng mát và sạch sẽ, nhưng Bác hơi buồn khi thấy bàn ghế thiếu thốn, phải lấy mấy cánh cửa hạ xuống kê vào thành các cửa sổ làm bàn ăn. Và trên cánh cửa, ngoài đĩa cá khô có một nửa tàu chuối đựng đầy rau muống luộc. Cá là do bộ đội giúp dân tát ao, nên được biếu cá.
Bác thoáng một nét vui. Bác nói:
- Lao động giúp dân thế là tốt, lại có cá ăn. Này, các chú có ngửi thấy mùi thơm của cá kho không? Các chú kho cá với gì thế này? Khế à? Tốt! Gì nữa đây? À chuối xanh! Chú nào kho cá mà khéo thế Bác vỗ vai khen các đồng chí kho cá ngon, lại hỏi:
- Này các chú. Các chú có bao giờ ăn cá kho với quả sung chưa? Cũng ngon lắm. Bữa nào Bác thử xem.
Rồi Bác lại hỏi:
- Này các chú luộc rau mà không dùng nước rau à?
Bác hỏi thêm, mỗi bữa ăn, mỗi người ăn được mấy bát? Bác lại hay pha trò cho vui câu chuyện, chẳng hạn như đối với đồng chí nuôi quân là Thùng Văn Rùa, có cái bụng lớn mà ăn nhiều nên anh em đùa đổi họ Nguyễn thành họ Thùng (ăn khoẻ thùng bất chi thình), sau thành quen, Bác vui vẻ gọi lại gần, xoa bụng anh và nói vui: - Chú Rùa này là tốt bụng với anh em lắm đây! Tướng Thùng Văn Rùa mà cầm quân chống giặc đói thì chắc là gay go quyết liệt lắm nhỉ?
Nói chuyện với toàn quân, Bác khen vệ sinh, bếp ăn, nhưng Bác nhắc có mấy đống rác to ở sân sau, cần đốt đi cho sạch sân, chống muỗi lại có tro bón cho các luống rau, gốc chuối. Bác lại ôn tồn nhắc mọi người phải đọc nhanh viết thạo, hàng ngày chăm đọc báo, thể thao, ca hát, tăng gia và tập quân sự. Sau đó, Bác đề nghị tỉnh cho đơn vị ít tiền mua đĩa đựng rau, chậu đựng nước rau và những cái môi để múc, chan.
Tiễn Bác ra về, mọi người hô vang: ''Hồ Chủ tịch muôn năm''. Bác lại hóm hỉnh: ''Các chú hô ''Hồ Chủ tịch muốn nằm'' à? Không đâu. Bác còn phải đi, đi nhiều thăm nhiều đồng bào và chiến sĩ và còn hàng núi công việc phải làm. Hồ Chủ tịch chưa muốn nằm đâu!''.
(Theo Thiếu tướng Văn Giang, trong hồi ký ''Bác của chúng ta là như thế”)
128. Những năm tháng phục vụ Bác Hồ
Ðầu năm 1950, tôi vinh dự được phục vụ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc. Hồi này Bác đang ở Khấu Lấu. Khi tôi đến anh Nguyễn Văn Dụng ra đón, đưa vào giới thiệu với Bác. Bác bắt tay thân mật và hỏi:
- Quê chú ở đâu?
- Thưa Bác, quê cháu ở Nghi Lộc ạ.
Nghe tôi trả lời, Bác đùa lại:
- Có phải Nghi Lộc cà có cuống, cà có đuôi không? Rồi Bác cười hiền lành bảo tôi:
- Chú vào cất ba-lô, nghỉ ngơi mai Bác giao công việc.
Lần đầu tiên được gặp Bác tôi cũng run. Song cái bắt tay thân mật và sự ân cần của Bác đã giúp tôi trấn tĩnh lại. Sự thay đổi trong công việc đem đến hạnh phúc lớn trong đời tôi. Tôi được đi theo Bác và phục vụ Bác Hồ từ năm đó.
Ở chiến khu, để bảo đảm bí mật và do yêu cầu của công tác kháng chiến Bác phải thay đổi chỗ ở luôn. Do đó phải làm nhà liên tục, tôi vốn là thợ mộc nên thời gian đầu ở Việt Bắc tôi được giao nhiệm vụ làm nhà cho Bác mỗi khi di chuyển đến chỗ ở mới.
Tháng 3 năm 1950, tôi được giao nhiệm vụ đi làm nhà cho Bác. Thường thì anh Kháng, anh Dụng tìm địa điểm, còn tôi và hai anh nữa đi làm nhà. Trước đây khi chưa có người biết làm nhà, các đồng chí phục vụ Bác chỉ dựng tạm tre nứa như một túp lều để ở. Sau này chúng tôi làm nhà cho Bác theo kiểu nhà sàn ở miền núi, không to nhưng phù hợp và vệ sinh tiện lợi. Nhà làm đơn sơ có hai buồng, một buồng để Bác làm việc và tiếp khách, còn một buồng để Bác nghỉ ngơi.
Những năm tháng kháng chiến, số người phục vụ, giúp việc Bác không nhiều, do đó ngoài việc dựng lán, làm nhà cho Bác tôi cũng như các anh em khác kiêm nhiệm nhiều việc. Khi di chuyển chỗ ở thì lo tìm địa điểm, lo làm nhà, buổi tối thì đi gác cùng anh em bảo vệ.
Thời gian ở Việt Bắc tôi đã làm nhà cho Bác ở các nơi sau: Tháng 5, tháng 6 năm 1951 làm nhà ở bản Vèn. Ðầu năm 1952 làm nhà ở Ðầm Hồng, Chiêm Hóa, Bản Thí, Tuyên Quang. Giữa năm 1952 làm nhà ở Ðèo Dát. Ðầu năm 1953 về Hồng Thái, làm nhà ở Hang Bòng. Sau đó đi Khuôn Mã. Một thời gian ở Vai Cày, Thái Nguyên. Dù là lán hay nhà chúng tôi đều làm đẹp, cẩn thận, do đó Bác rất ưng ý. Chúng tôi rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé vào việc giúp cho Bác tạm an cư để lo sự nghiệp lớn của đất nước.
Kháng chiến chín năm thắng lợi, Bác từ chiến khu cách mạng về Hà Nội. Tôi cũng được theo Bác trở về. Trên đường về, Bác dừng lại ở Sơn Tây (thôn Phù Xa, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây), sau về nhà thương Ðồn Thủy, rồi mới về Phủ Chủ tịch.
Về thủ đô Hà Nội, không phải lo làm nhà cho Bác nữa, tôi được giao nhiệm vụ phục vụ Bác. Nhiệm vụ của tôi là chăm lo việc ăn ngủ, tắm giặt, sinh hoạt... của Bác. Tuy Bác ăn uống đơn giản, sống tiết kiệm, giản dị song tôi luôn cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra sơ suất gì. Tôi luôn tâm niệm một điều: Sức khỏe của Bác là tài sản của dân tộc. Gánh nặng của công việc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước còn đè nặng lên vai Người. Bác có khỏe mới có sức làm việc, có đủ minh mẫn và sáng suốt để giải quyết công việc trong lúc vận nước có lúc như ngàn cân treo sợi tóc.
Một ngày Bác ăn ba bữa chính, ba bữa phụ rất đơn giản. Mỗi bữa phụ của Bác chỉ là một cốc sữa.
Bữa ăn chính của Bác cũng giản dị, mỗi bữa thường có mấy miếng thịt, hoặc khúc cá và một bát canh rau. Bữa nào có thịt bò thì anh Cẩn thường làm bít tết cho Bác ăn.
Anh Cẩn làm nhiệm vụ nấu ăn, còn tôi sắp xếp mời Bác lên ăn. Bác ăn rất tiết kiệm. Một khúc cá liệu ăn một bữa không hết, Bác lấy dao xắt đôi, để lại một nửa cho bữa sau. Bác ăn ít nhưng điều độ. Thường thì hằng ngày Bác đi bộ sang nhà ăn để ăn cơm. Những hôm mưa to đường ngập nước Bác cũng xắn quần lội từ nhà sàn sang nhà ăn... Khi đi công tác các nơi Bác bảo chúng tôi chuẩn bị sẵn thức ăn từ nhà mang đi hoặc mang nồi đi tự nấu lấy để tiết kiệm, tránh các nơi khi đón Bác thường tổ chức ăn uống linh đình. Bác đã có lần nói đùa:
- Bác không ăn, vì không khéo dân lại nói rằng ông Chủ tịch nước về thăm làm thịt mất một con bò.
Bác mặc rất giản dị, tiết kiệm. Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ, may cùng kiểu. Sau khi may xong mang đi xí nghiệp Tô Châu nhuộm gụ hết. Khi Bác mặc, bộ nào hơi cũ chúng tôi thay bộ mới vào. Vì áo quần may cùng một kiểu, vải giống nhau nên lúc đầu Bác không nhận ra. Sau thấy quần áo mặc nhiều mà vẫn mới Bác sinh nghi. Bác bèn đánh dấu và phát hiện ra quần áo đã bị đổi, Bác phê bình và không đồng ý cho thay. Thế nên có cái áo của Bác rách vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Khổ người của tôi cao giống Bác, tôi thường đo theo người tôi về là Bác mặc vừa. Các đồ dùng khác của Bác thường là tôi đi mua.
Về chuyện quần áo của Bác về sau chúng tôi được nghe kể lại là Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng một cách chân tình: "Này chú! Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Ðừng bỏ cái phúc ấy đi".
Việc sinh hoạt hằng ngày của Bác cũng rất nền nếp. Buổi sáng Bác dậy sớm, tập thể dục, đi những bài quyền đẹp mắt. Sau đó ăn sáng rồi Bác làm việc luôn. Bác làm việc đúng giờ, nên chúng tôi phục vụ cũng phải rất đúng giờ.
Buổi tối, anh Chước vào đọc báo, bản tin cho Bác nghe, thường 11 giờ Bác mới đi ngủ.
Buổi chiều Bác thường đi bách bộ trong vườn. Bác rất ít uống thuốc và rất ghét uống thuốc. Những hôm mệt Bác cố gắng luyện tập để át bệnh đi.
Dịp sinh nhật Bác, ngày Tết, Bác thường đi thăm các nơi. Bác tránh những ngày này sợ các nơi đến chúc tụng.
Khi tôi phục vụ Bác, Bác giao cho tôi quản lý tất cả các đồ dùng của Bác và quà Bác được tặng. Số quà được tặng Bác thường dùng để tặng các cụ già, gia đình bộ đội, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cháu ngoan Bác Hồ.
Mỗi buổi chiều, khi thấy chúng tôi tăng gia ở vườn, Bác thường ra xem. Có lần Bác cùng cuốc đất, trồng cây với chúng tôi. Khu vườn quanh nhà Bác ở chúng tôi trồng rau. Bác nói:
- Các chú trồng rau thì phải chăm cho tốt, kẻo khách của Bác qua lại đây cười cho đấy.
Hằng ngày, sau giờ làm việc để thư giãn Bác ra cầu ao ngồi cho cá ăn. Suất bánh mì của Bác, Bác thường bớt lại mang cho cá ăn. Sau thấy thế chúng tôi chế biến một loại thức ăn cho cá để sẵn đó, mỗi buổi chiều Bác lấy một ít rắc xuống ao cho cá ăn. Ðã thành thói quen, cứ đúng giờ nghe tiếng vỗ tay gọi đàn cá lại ngoi lên đớp mồi, trông thật vui mắt.
Ðối với anh em phục vụ, Bác rất quan tâm. Mỗi lần chúng tôi về thăm nhà lên, Bác thường hỏi thăm tình hình gia đình, vợ con sống thế nào. Chúng tôi vào phục vụ Bác liên tục không mấy khi được nghỉ. Do đó, mỗi khi Bác đi công tác xa, ngoài số anh em phải đi theo, Bác gọi số anh em còn lại đến dặn:
- Các chú tranh thủ về thăm nhà, nhưng nhớ đúng hẹn lên đón Bác.
Ðối với chúng tôi Bác còn dạy phải luôn luôn giữ bí mật. Bí mật là một nguyên tắc trong hoạt động cách mạng. Chúng tôi đã làm theo đúng lời Bác dặn. Mỗi lần họp Bộ Chính trị, tôi có nhiệm vụ mang nước lên. Tôi nghe được các đồng chí trong Bộ Chính trị bàn công tác. Nhất là trong những ngày chuẩn bị cho các chiến dịch lớn ở Nam Bộ. Tôi thấy các đồng chí trải bản đồ ra, chỉ đánh ở đâu, ở đâu... tôi nghe, biết nhưng không bao giờ nói chuyện với ai.
Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Bác luôn dạy chúng tôi sống giản dị, tiết kiệm. Giản dị, tiết kiệm ngay cả ăn, mặc và sinh hoạt. Thấm nhuần lời dạy của Bác, chúng tôi luôn có phương châm: Sống giản dị, tiết kiệm. Sau này khi có điều kiện may được chiếc áo trắng lúc mặc tôi cũng thấy ngường ngượng, khó quen.
Sau thời gian Bác mất, các anh bên điện ảnh có ý mời tôi đóng một vài phim về Bác. Song tôi nghĩ mình không thể hoàn thành được nhiệm vụ này nên từ chối. Khi còn sống tôi được phục vụ bên Bác. Bác coi tôi như con. Nay Người mất đi tôi rất buồn. Tôi không thể đóng vai Bác được, dù tôi biết đó chỉ là phim.
Trong thời gian phục vụ Bác, chúng tôi đã học tập được ở Bác rất nhiều, đặc biệt học được ở Bác đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Cuộc đời của Bác trong suốt như pha-lê. Chúng tôi tự soi mình vào cuộc đời Bác và nguyện sống theo gương Người.
(Theo Lê Văn Cần, cán bộ phục vụ Bác Hồ từ năm 1950 đến 1969
129. Những lời Bác dạy đầu tiên
Mùa Thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tàu Đuymông Đuếvin. Tàu này là một chiếc tàu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ, tình hình ở trong nước đang căng thẳng ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để được kéo dài những ngày chung sống với Bác.
Trên chuyến xe lửa từ Pari đi Macxây, Bác nói:
- Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào…
Lên tàu rồi, một hôm Bác dặn:
- Ở nhà không có gì đâu. Nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm.
Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm tên đại tá chỉ huy tàu tổ chức tập trận giữa biển cả mênh mông, tiếng súng đại bác, súng máy các loại thi nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung tóe ngoài khơi. Trong chúng tôi, thoạt tiên cũng có người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng xem. Bác mỉm cười bảo chúng tôi:
- Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú. Các chú có sợ không?
Nhân đó, Bác chỉ cho chúng tôi thấy bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng…
Tại Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác khen…
Vinh dự đó thuộc về anh em ngành quân giới trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của Bác đã đóng góp một phần.
Những lời dạy của Bác như bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.
(Theo Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa)
130. Một lần được gặp Bác Hồ
Bữa cơm đêm hôm ấy, chúng tôi cùng ăn chung. Bác Hồ bảo không nên dùng nghi lễ, hãy để tất cả các đĩa thức ăn trên bàn không cần phải đưa từng đĩa một. Bác nói: “Cái gì tôi thích thì tôi lấy, cái gì anh thích thì anh lấy, như ở nhà mình”.
Bác Tukimin có nhiệm vụ xem xét, phục vụ lúc ăn uống cũng được Người kéo vào và bảo ngồi cùng ăn.
Ăn xong, đột nhiên Bác Hồ yêu cầu tôi đưa Người đi dạo phố mà không cần bảo vệ. Tôi được bỏ quân phục và tất cả phù hiệu.
Tất nhiên là tôi ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao Người lại tin cậy chúng tôi, những người mà Người chưa hề quen biết đến như thế?
Tôi nghĩ: Chắc là vì Người rất tin tưởng vào bản thân mình. Nhưng tôi cũng cảm thấy sung sướng khi được Bác Hồ tin cậy. Đúng là khi được nhận trách nhiệm và được tin cậy thì ai cũng rất sung sướng.
Chúng tôi đưa Bác Hồ đi xem những cái tốt đẹp của thành phố Giacácta, và chúng tôi cũng không thấy thẹn khi đưa Người đi xem những cái chưa tốt, vì tôi nghĩ phải chăng Người là một nhà cách mạng, một chiến sĩ, tất biết rõ việc xây dựng phải khó khăn biết bao nhiêu, tất biết rõ nhân dân và yêu cầu của nhân dân.
Lúc nhìn sông Gilirung, tôi xấu hổ khi thấy nhân dân tắm ở đấy, và giặt quần áo cũng ở đấy. Trong thâm tâm tôi chỉ muốn cho vị khách quý xem những cái tốt đẹp, nhưng lại gặp những sự thật đắng cay.
Hình như Người đoán được điều tôi đang suy nghĩ, Người liền nói: “Thay đổi tình hình và xây dựng quả không thực hiện được trong thời gian ngắn, không thể thay đổi tình hình trong một đêm như làm ảo thuật. Cần phải có tính nhẫn nại cách mạng. Miễn là chúng ta không quên rằng cách mạng không chỉ để giành độc lập chính trị mà còn phải nhằm mục đích và phải thu kết quả cho đời sống nhân dân. Nhân dân phải được ăn nhiều hơn, mặc đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn. Nếu không, thì cách mạng không có ích gì”.
Đêm hôm ấy, một đêm đầy sao, tôi nói chuyện với vị lão thành ấy về chiến tranh du kích, về sự dã man của quân thù, quyết tâm và hy sinh của nhân dân, hoài bảo và lý tưởng chung của chúng tôi.
Đêm hôm ấy, ranh giới hai hàng rào ngăn cách đều bị xóa hết đối với tôi. Tôi không còn cảm thấy Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người Việt Nam nữa, mà chỉ như một chiến sĩ giản dị có thể xem như một người Cha, một người chỉ huy và một người bạn, không còn là một người nước ngoài nữa.
Quả là những lý tưởng có thể đạt tới một xã hội công bằng và phồn vinh có thể thắt chặt lòng người này với người khác. Chủng tộc hay dân tộc không quan trọng, điều quan trọng là những lý tưởng. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao trong những ngày sau đó, Bung Cácnô và Bác Hồ lại có mối quan hệ với nhau chặt chẽ, thoải mái và thân thiết đến thế.
Đêm chia tay ở Mê Đăng, tôi và bạn tôi được gọi lại, Người nói: “Tôi cảm ơn tất cả các bạn, vì nhờ tất cả các bạn mà cuộc đi thăm của tôi thành công. Tôi thực sự cảm thấy như giữa anh em trong nhà; mong rằng cuộc đấu tranh của các bạn thành công. Để làm kỷ niệm, tôi tặng các bạn những vật này: Một tấm hình và Huy hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ, không phải mọi người đều được Huy hiệu này, mà chỉ những người thực sự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới có”.
Tôi đáp lại với Người rằng bảo vệ và phục vụ Người đối với chúng tôi là một vinh dự, tôi đã học được nhiều. Tôi đã học được rằng: Người ta phải làm, phải nghĩ và phải sống như thế nào để được xứng đáng là người lãnh đạo. Những điều tôi thu nhập được là rất quý báu.
Tôi là vệ sĩ của Bác Hồ, nhưng ngược lại chắc rằng Bác Hồ là người che chở tôi, nếu như có xảy ra chuyện gì.
(Trung tá Xuhácgiơ, trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)
Tâm Trang (tổng hợp)