1. Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập.
Đây thực sự là một niềm vinh dự cho tôi khi được phát biểu trước các nhà tri thức và thông thái cao quý hội tụ ở đây hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sỹ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cảm kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: Tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau. Nghị quyết này cũng yêu cầu Tổng Giám đốc UNESCO giúp đỡ cho các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt ở Việt Nam.
Tên gọi cuộc Hội thảo khoa học là "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn" nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này. Do đó, tôi thấy sẽ không khiêm tốn nếu bàn về cuộc đời và các thành tựu của Người khi bao nhiêu diễn giả nổi tiếng có mặt tại đây và là những người mà tôi tin chắc sẽ góp phần quan trọng là điều sẽ rất đáng ca ngợi và làm phong phú kinh nghiệm cho mọi người.
Đây là một trong những thành tựu không nhỏ đối với Người, con một nhà Nho của một đất nước nghèo. Người trở thành nhà lãnh đạo uy tín của nhân dân Việt Nam và riêng mình đã phải chịu đựng những khó khăn khủng khiếp suốt trên ba thập kỷ. Nếu ta nhìn về thời niên thiếu của Người, chúng ta thấy một con người luôn trăn trở. Người không thể hoàn tất việc học tập của mình và sau đó đã trở thành một thầy giáo. Người vào học một trường kỹ thuật. Trong vài năm, Người trở thành một thủy thủ đi hết hải cảng này đến hải cảng khác. Giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất, ta lần lượt gặp Người là người coi vườn, quét tuyết, hầu bàn, rửa ảnh và thợ đốt lò. Dĩ nhiên Người cảm thấy không thanh thản và lo tìm một ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Chính ở Pháp, giữa những năm 1917 và 1923, Người đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa tích cực và chính lúc này, ta thấy phẩm chất thực sự của Người được thể hiện mạnh mẽ. Năm 1920, được cổ vũ bởi thành công của cách mạng cộng sản ở Nga, Người đứng về phía những người cộng sản Pháp khi họ rút khỏi Đảng Xã hội. Đây là một bước ngoặt lớn và về sau dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Người tích cực xây dựng lực lượng của phong trào yêu nước ở Việt Nam và bắt tay với Đồng minh chống Nhật. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong cả nước. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, trước một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, Người nói:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"1. Người khôn khéo kết hợp chiến thuật với ngoại giao, kiên trì thương lượng, bởi vì Người biết rằng thời gian thuộc về phía mình. Quan điểm sáng suốt và khả năng làm chủ sự kiện giúp Người đạt mục tiêu của mình. Lòng yêu nước của Người được phát huy cùng với sự hiểu biết sâu sắc về khoa học chính trị và quân sự, về lịch sử và văn hóa, và trên tất cả Người hết lòng yêu mến nhân dân. Trong khi chiến đấu cả đời chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà văn chân chính trong tư tưởng và hành động.
Bây giờ cho phép tôi đề cập đến một phương diện khác về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là một nhà văn hóa lớn. Việt Nam là một nước tương đối đồng nhất về mặt xã hội: Xét theo quan điểm dân tộc thì vào khoảng 85% toàn bộ nhân dân cùng có chung một nền văn hóa Việt Nam chủ đạo. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều nhóm thiểu số tôn giáo cùng với các nhóm thiểu số dân tộc thật sự tạo ra nhiều khó khăn trong việc hình thành một xã hội liên kết. Tuy vậy, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này và trong việc làm, lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ dân ca, những người đem lại cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị và truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi Trái đất này. Tôi hy vọng cuộc Hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm cuộc đời và thành tích của Hồ Chí Minh. Đó là một đóng góp có ý nghĩa nhất vào việc tưởng niệm nhân vật vĩ đại này.
(Tiến sỹ M.ATMÉT, nguyên Giáo đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO).
2. Một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới.
Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ với các đồng chí Việt Nam rằng đối với nhân dân, Chính phủ và những người cách mạng Chilê, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và mãi mãi vẫn là tượng trưng của một niềm tin sâu sắc đã thành sự thật trong từng giây phút của cuộc đời Người.
Người là một nhà tổ chức cách mạng, một nhà lãnh đạo chính trị, một người đã từng bôn ba ở nước ngoài, một nhà tổ chức quân sự, một nhà văn, một nhà thơ. Rất hiếm có những người tập trung ở mình nhiều đức tính nổi bật đến thế. Nếu như muốn tìm sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường. Một niềm sung sướng đối với tôi là đã gặp được Người. Tôi đã đến Việt Nam năm 1969, lúc mà tuổi tác đang đè nặng lên Người và đã mấy tháng liền Người không hề tiếp một đại sứ nào trình quốc thư. Tôi đã được một điều hân hạnh đặc biệt là Người đã rời giường bệnh để tiếp chúng tôi trong Đoàn đại biểu Đảng Xã hội. Chúng tôi đã được Người tiếp 45 phút liền.
Chưa bao giờ trong đời tôi, có dịp được trò chuyện, trao đổi và thảo luận với những con người lỗi lạc, với những nhà cách mạng xuất sắc như Người. Chưa bao giờ có một con người nào đã để lại cho tôi những ấn tượng và cảm tưởng sâu sắc như đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến nhân vật thần thoại đó, một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới. Tôi muốn nói với các đồng chí Việt Nam rằng trên vĩ tuyến này cũng như trên tất cả các vĩ tuyến khác, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện qua bài học mà cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho đồng bào Người.
… Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến những người đã đi tiên phong trên con đường đấu tranh như Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả cuộc đời của mình, đã nêu cao quyết tâm giải phóng nhân dân mình và xây dựng xã hội chủ nghĩa.
(Xanvado Angiênđê, Cố Tổng thống Chilê, trích bài phát biểu của đồng chí Xanvado Angiênđê trong dịp gặp hai Đoàn đại biểu thanh niên và học sinh đại học miền Bắc và Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ năm của Tổ chức Sinh viên Mỹ Latinh họp ở Thủ đô Xantiagoo, tháng 5 năm 1973).
3. Tấm gương Hồ Chí Minh
… Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi là mất đi một nhân vật vĩ đại nhất và có thể nói là có uy tín nhất đối với các nước mới giành được độc lập. Sự thương tiếc và xúc động do việc Người từ trần đã lan tỏa khắp thế giới, chứng tỏ tiếng tăm lẫy lừng của vị anh hùng thần thoại đó…
Người đã lấy tên là Hồ Chí Minh, nghĩa là "Người đã nhận được ánh sáng" và phải công nhận rằng ánh sáng đó đã soi đường cho tất cả các phong trào giải phóng dân tộc…
Các chiến sỹ đấu tranh cho tự do ở Palextin, Nam Phi, Rôđêdi và Ănggôla phải học tập những điều mà Giăng La Cutuya2 đã gọi rất đúng là "sự kết hợp tài tình giữa sự mềm dẻo về chính trị với thái độ kiên trì giữ vững những nguyên tắc về truyền thống yêu nước và về cách phân tích theo quan điểm mác xít". Tất cả những điều đó đã làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do của các nước mới giành được độc lập.
(Pôn Bécnơten, Tác giả Tuynidi, trích bài đăng trên Tạp chí Châu Phi trẻ, số ra trong tuần lễ từ 16 đến 22 tháng 9 năm 1969).
4. Cuộc chiến đấu của Người là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh
Ôi vị anh hùng! Đây là ngày đau thương, ngày mà Người vĩnh biệt chúng tôi! Người đã dẫn đường, chỉ lối cho các thế hệ trong suốt cuộc đời mình, một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, chống sự nô dịch và bóc lột.
Người đã đấu tranh để giành lại tự do cho dân tộc của Người, một dân tộc tự hào về phẩm cách của mình, một dân tộc đã đi tiên phong trong sự hy sinh và lòng dũng cảm và đã nêu một tấm gương đấu tranh sáng nhất ở mọi nơi và trong mọi lúc, một dân tộc đã chứng tỏ rằng mình là một trong những dân tộc vĩ đại của thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới để khẳng định mình trên các lĩnh vực tinh thần, ngôn ngữ và kinh tế, để làm cho các dân tộc đoàn kết lại với nhau, tiến tới một nền hòa bình mà đặc điểm của nó là tự do, phẩm cách và đoàn kết thống nhất.
Người mất đi là Thế giới thứ ba mất đi một người đứng đầu. Cuộc đời chiến đấu của Người cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức, của Châu Phi, của Palextin, của Việt Nam, của Châu Á và của Thế giới thứ ba, để giành lại phẩm cách và danh dự của mình. Cuộc chiến đấu đó sẽ còn tiếp tục cho đến thắng lợi hoàn toàn và sẽ vẫn là tượng trưng cao cả nhất cho cuộc đấu tranh này.
… Mong rằng tấm gương của Người và cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
(Huari Bumêđiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa dân chủ và nhân dân Angiêri, trích bài của đồng chí Huari Bumêđiên, ghi ở trang đầu quyển sổ tang, khi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Angiêri, ngày 04 tháng 9 năm 1969).
Tâm Trang (tổng hợp)
Chú thích:
1. "Hồ Chí Minh" Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.1.
2. Nhà báo Pháp đã viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.