Chỉ mục bài viết

1. Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập.

Đây thực sự là một niềm vinh dự cho tôi khi được phát biểu trước các nhà tri thức và thông thái cao quý hội tụ ở đây hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sỹ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cảm kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: Tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau. Nghị quyết này cũng yêu cầu Tổng Giám đốc UNESCO giúp đỡ cho các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt ở Việt Nam.

Tên gọi cuộc Hội thảo khoa học là "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn" nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này. Do đó, tôi thấy sẽ không khiêm tốn nếu bàn về cuộc đời và các thành tựu của Người khi bao nhiêu diễn giả nổi tiếng có mặt tại đây và là những người mà tôi tin chắc sẽ góp phần quan trọng là điều sẽ rất đáng ca ngợi và làm phong phú kinh nghiệm cho mọi người.

Đây là một trong những thành tựu không nhỏ đối với Người, con một nhà Nho của một đất nước nghèo. Người trở thành nhà lãnh đạo uy tín của nhân dân Việt Nam và riêng mình đã phải chịu đựng những khó khăn khủng khiếp suốt trên ba thập kỷ. Nếu ta nhìn về thời niên thiếu của Người, chúng ta thấy một con người luôn trăn trở. Người không thể hoàn tất việc học tập của mình và sau đó đã trở thành một thầy giáo. Người vào học một trường kỹ thuật. Trong vài năm, Người trở thành một thủy thủ đi hết hải cảng này đến hải cảng khác. Giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất, ta lần lượt gặp Người là người coi vườn, quét tuyết, hầu bàn, rửa ảnh và thợ đốt lò. Dĩ nhiên Người cảm thấy không thanh thản và lo tìm một ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Chính ở Pháp, giữa những năm 1917 và 1923, Người đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa tích cực và chính lúc này, ta thấy phẩm chất thực sự của Người được thể hiện mạnh mẽ. Năm 1920, được cổ vũ bởi thành công của cách mạng cộng sản ở Nga, Người đứng về phía những người cộng sản Pháp khi họ rút khỏi Đảng Xã hội. Đây là một bước ngoặt lớn và về sau dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Người tích cực xây dựng lực lượng của phong trào yêu nước ở Việt Nam và bắt tay với Đồng minh chống Nhật. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong cả nước. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, trước một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, Người nói:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"1. Người khôn khéo kết hợp chiến thuật với ngoại giao, kiên trì thương lượng, bởi vì Người biết rằng thời gian thuộc về phía mình. Quan điểm sáng suốt và khả năng làm chủ sự kiện giúp Người đạt mục tiêu của mình. Lòng yêu nước của Người được phát huy cùng với sự hiểu biết sâu sắc về khoa học chính trị và quân sự, về lịch sử và văn hóa, và trên tất cả Người hết lòng yêu mến nhân dân. Trong khi chiến đấu cả đời chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà văn chân chính trong tư tưởng và hành động.

Bây giờ cho phép tôi đề cập đến một phương diện khác về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là một nhà văn hóa lớn. Việt Nam là một nước tương đối đồng nhất về mặt xã hội: Xét theo quan điểm dân tộc thì vào khoảng 85% toàn bộ nhân dân cùng có chung một nền văn hóa Việt Nam chủ đạo. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều nhóm thiểu số tôn giáo cùng với các nhóm thiểu số dân tộc thật sự tạo ra nhiều khó khăn trong việc hình thành một xã hội liên kết. Tuy vậy, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này và trong việc làm, lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ dân ca, những người đem lại cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị và truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi Trái đất này. Tôi hy vọng cuộc Hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm cuộc đời và thành tích của Hồ Chí Minh. Đó là một đóng góp có ý nghĩa nhất vào việc tưởng niệm nhân vật vĩ đại này.

(Tiến sỹ M.ATMÉT, nguyên Giáo đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO).

2. Một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới.

Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ với các đồng chí Việt Nam rằng đối với nhân dân, Chính phủ và những người cách mạng Chilê, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và mãi mãi vẫn là tượng trưng của một niềm tin sâu sắc đã thành sự thật trong từng giây phút của cuộc đời Người.

Người là một nhà tổ chức cách mạng, một nhà lãnh đạo chính trị, một người đã từng bôn ba ở nước ngoài, một nhà tổ chức quân sự, một nhà văn, một nhà thơ. Rất hiếm có những người tập trung ở mình nhiều đức tính nổi bật đến thế. Nếu như muốn tìm sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường. Một niềm sung sướng đối với tôi là đã gặp được Người. Tôi đã đến Việt Nam năm 1969, lúc mà tuổi tác đang đè nặng lên Người và đã mấy tháng liền Người không hề tiếp một đại sứ nào trình quốc thư. Tôi đã được một điều hân hạnh đặc biệt là Người đã rời giường bệnh để tiếp chúng tôi trong Đoàn đại biểu Đảng Xã hội. Chúng tôi đã được Người tiếp 45 phút liền.

Chưa bao giờ trong đời tôi, có dịp được trò chuyện, trao đổi và thảo luận với những con người lỗi lạc, với những nhà cách mạng xuất sắc như Người. Chưa bao giờ có một con người nào đã để lại cho tôi những ấn tượng và cảm tưởng sâu sắc như đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến nhân vật thần thoại đó, một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới. Tôi muốn nói với các đồng chí Việt Nam rằng trên vĩ tuyến này cũng như trên tất cả các vĩ tuyến khác, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện qua bài học mà cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho đồng bào Người.

… Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến những người đã đi tiên phong trên con đường đấu tranh như Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả cuộc đời của mình, đã nêu cao quyết tâm giải phóng nhân dân mình và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

(Xanvado Angiênđê, Cố Tổng thống Chilê, trích bài phát biểu của đồng chí Xanvado Angiênđê trong dịp gặp hai Đoàn đại biểu thanh niên và học sinh đại học miền Bắc và Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ năm của Tổ chức Sinh viên Mỹ Latinh họp ở Thủ đô Xantiagoo, tháng 5 năm 1973).

3. Tấm gương Hồ Chí Minh

… Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi là mất đi một nhân vật vĩ đại nhất và có thể nói là có uy tín nhất đối với các nước mới giành được độc lập. Sự thương tiếc và xúc động do việc Người từ trần đã lan tỏa khắp thế giới, chứng tỏ tiếng tăm lẫy lừng của vị anh hùng thần thoại đó…

Người đã lấy tên là Hồ Chí Minh, nghĩa là "Người đã nhận được ánh sáng" và phải công nhận rằng ánh sáng đó đã soi đường cho tất cả các phong trào giải phóng dân tộc…

Các chiến sỹ đấu tranh cho tự do ở Palextin, Nam Phi, Rôđêdi và Ănggôla phải học tập những điều mà Giăng La Cutuya2 đã gọi rất đúng là "sự kết hợp tài tình giữa sự mềm dẻo về chính trị với thái độ kiên trì giữ vững những nguyên tắc về truyền thống yêu nước và về cách phân tích theo quan điểm mác xít". Tất cả những điều đó đã làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do của các nước mới giành được độc lập.

(Pôn Bécnơten, Tác giả Tuynidi, trích bài đăng trên Tạp chí Châu Phi trẻ, số ra trong tuần lễ từ 16 đến 22 tháng 9 năm 1969).

4. Cuộc chiến đấu của Người là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh

Ôi vị anh hùng! Đây là ngày đau thương, ngày mà Người vĩnh biệt chúng tôi! Người đã dẫn đường, chỉ lối cho các thế hệ trong suốt cuộc đời mình, một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, chống sự nô dịch và bóc lột.

Người đã đấu tranh để giành lại tự do cho dân tộc của Người, một dân tộc tự hào về phẩm cách của mình, một dân tộc đã đi tiên phong trong sự hy sinh và lòng dũng cảm và đã nêu một tấm gương đấu tranh sáng nhất ở mọi nơi và trong mọi lúc, một dân tộc đã chứng tỏ rằng mình là một trong những dân tộc vĩ đại của thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình, đã đập tan sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới để khẳng định mình trên các lĩnh vực tinh thần, ngôn ngữ và kinh tế, để làm cho các dân tộc đoàn kết lại với nhau, tiến tới một nền hòa bình mà đặc điểm của nó là tự do, phẩm cách và đoàn kết thống nhất.

Người mất đi là Thế giới thứ ba mất đi một người đứng đầu. Cuộc đời chiến đấu của Người cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức, của Châu Phi, của Palextin, của Việt Nam, của Châu Á và của Thế giới thứ ba, để giành lại phẩm cách và danh dự của mình. Cuộc chiến đấu đó sẽ còn tiếp tục cho đến thắng lợi hoàn toàn và sẽ vẫn là tượng trưng cao cả nhất cho cuộc đấu tranh này.

… Mong rằng tấm gương của Người và cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.

(Huari Bumêđiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa dân chủ và nhân dân Angiêri, trích bài của đồng chí Huari Bumêđiên, ghi ở trang đầu quyển sổ tang, khi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Angiêri, ngày 04 tháng 9 năm 1969).

Tâm Trang (tổng hợp)

Chú thích:

1. "Hồ Chí Minh" Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.1.

2. Nhà báo Pháp đã viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.


5. Bác Hồ với các nghệ sỹ Balê

Alixia ALôngô là nữ nghệ sỹ balê bậc thầy, nổi tiếng ở Cuba và trên thế giới. Bà đã từng được tặng giải "Sao vàng" - giải thưởng quốc tế cao nhất dành cho một nghệ sỹ múa và được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Cuba.

Nghệ sỹ Alixia ALôngô đến thăm Việt Nam lần đầu tiên tháng 12 năm 1964. Gần 20 năm sau, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi đó, bà vẫn xúc động về cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch. Bà nói: "Những kỷ niệm của chúng tôi về Việt Nam, về Bác Hồ thật không thể diễn tả bằng lời. Hồi ấy mắt tôi không nhìn rõ, nhưng nghe Người nói, nghe tiếng dép Người đi, tôi hình dung ra tất cả. Đó là một con người vĩ đại và giản dị. Khi tôi đang nói đây, tôi vẫn như nghe thấy tiếng dép của Người và hình dung ra vóc dáng hiền từ của Người. Tôi nhớ mãi buổi sáng ngày 19 tháng 12 năm 1964. Hôm đó, chúng tôi được báo là 6 giờ sáng thì tới gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với một đoàn nghệ thuật balê, thường phải biểu diễn đến tận đêm khuya, bao giờ các diễn viên cũng có thói quen dậy muộn. Nhưng hôm đó mọi người dậy rất sớm, chuẩn bị xong xuôi từ một tiếng đồng hồ trước khi gặp Chủ tịch. Chúng tôi đến nơi, ai cũng xúc động khi nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu mà mình mong gặp và sự xúc động đã khiến không ai nói nên lời. Bác Hồ hiểu điều đó nên đã chủ động hỏi chuyện từng người. Người hỏi: "Trong số các đồng chí, số người nghe được tiếng Anh nhiều hơn hay số người nghe được tiếng Pháp nhiều hơn?". Mọi người giơ tay. Người nhận thấy số người nghe được tiếng Anh nhiều hơn, thế thì Người dùng tiếng Anh để nói chuyện. Người chủ động bố trí cho những ai biết tiếng Anh ngồi cạnh người không biết, để có thể dịch lại cho nhau. Người hỏi thăm kết quả biểu diễn của đoàn và nói chuyện rất thân mật, giản dị. Người kể cho chúng tôi nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Người vừa kể vừa cầm cái gạt tàn thuốc lá, và lấy bàn tay khum lại thành hình lòng chảo, rồi dùng con dao, cái đĩa miêu tả diễn biến của chiến dịch lịch sử này, và nói về ý đồ của địch, chủ trương của cách mạng. Người cầm cái này, sử dụng vật kia, dùng mọi cách diễn đạt để cho những điều phức tạp về chiến lược, chiến thuật của một chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ được diễn tả một cách đơn giản nhất. Trong chúng tôi, ai cũng được nghe hoặc đã được học về Điện Biên Phủ, nhưng thật kỳ lạ khi thấy rằng đối với con người vĩ đại đó thì câu chuyện lại giản dị như vậy.

Đến khi ra chụp ảnh kỷ niệm, đám thanh niên nam nữ ai cũng muốn được đứng gần Người. Họ chen nhau, chạy bên nọ qua bên kia, hồi lâu vẫn chưa ổn định được trật tự. Lúc đó Hồ Chủ tịch đứng ra và nói: "Để Bác sắp xếp cho". Thế là Người gọi cô trẻ nhất trong đoàn đứng cạnh, còn tôi thì Người cho đứng một bên và bảo mọi người lần lượt đứng vào. Thế là chụp được tấm ảnh mà ngày nay chúng tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm quý giá trong đời mình.

Lúc ra về, số thanh niên lại muốn chạy vào bắt tay Người, có anh chị em bắt tay xong còn vòng ra đằng sau xếp hàng lần nữa. Có người bắt tay lần thứ hai, và đến là thứ ba thì Người nhắc: "Thôi chứ, chú đã bắt tay đến lượt thứ ba rồi còn gì". Mọi người cười ồ vui vẻ và ra về với một niềm hân hoan thật hiếm thấy.

(Alixia ALôngô - nữ nghệ sỹ balê nổi tiếng của Cuba,
Bùi Ngọc Hải, Phạm Đình Lợi: Tuần tin tức
 - Thông tấn xã Việt Nam số ra ngày 19-5-1984)

6. Chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo ở Việt Nam bởi một trong những nhân vật quốc tế chủ nghĩa và cách mạng của tất cả các thời đại: Hồ Chí Minh

Thay mặt hàng triệu học sinh đại học Châu Phi, tôi xin gửi những lời chào anh em và đồng chí tới mảnh đất của chủ nghĩa anh hùng - Việt Nam, tới dân tộc Việt Nam bất khuất, tới Đảng Cộng sản Việt Nam được chỉ đạo bằng quan điểm khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, được vận dụng một cách sáng tạo bởi một trong những nhân vật quốc tế chủ nghĩa và cách mạng của tất cả các thời đại: Hồ Chí Minh.

Khoảng một năm trước, tôi đã tranh luận với em trai tôi khi đề cập đến cái tên đáng kính trọng Hồ Chí Minh. Tôi rất kinh ngạc trước hiểu biết của em tôi về con người vĩ đại này. Bởi vậy, tôi hỏi em tôi: Làm sao em biết Người, biết tên Người. Câu trả lời của em tôi đơn giản: Em vừa đọc về Người trong một cuốn sách và có ấn tượng rất lớn về cuộc đời của Người. Đáng ra, tôi không nên ngạc nhiên mới phải vì có đầy đủ lý do khiến em trai tôi ở tận nước Gana xa xôi mà lại biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng cuộc sống tận tụy, bằng hoạt động có nguyên tắc, bằng những sự chỉ giáo cách mạng của Người, tên Hồ Chí Minh hôm nay là cái tên quen thuộc, vang lên khắp mọi nơi trên thế giới, mang hy vọng và niềm tin về tự do cho tất cả các dân tộc bị áp bức và bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và tất cả các thế lực phản động.

Chủ đề của Hội nghị quốc tế quan trọng này "Việt Nam và thế giới" kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự thống nhất tự nhiên mà không thể không nhấn mạnh - sự thống nhất giữa các từ Việt Nam, thế giới và Hồ Chí Minh. Không ai có thể nghĩ về Việt Nam mà không nghĩ đến cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội lừng lẫy thế giới và cũng không ai có thể nghĩ về Việt Nam mà không nghĩ đến vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của Việt Nam. Và sức mạnh, tinh thần gắn bó ba khía cạnh không thể tách rời này của lịch sử loài người chính là thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lênin, nguyên tắc chỉ đạo của giai cấp công nhân và tất cả những chiến sỹ chân chính đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, vì giải phóng dân tộc và xã hội.

Nếu nhân dân Việt Nam tiêu biểu cho tính giản dị, khiêm tốn, chủ nghĩa anh hùng, cho ý chí độc lập không gì lay chuyển nổi, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng cho dân tộc của Người và của thời đại, của tất cả những phẩm chất cao đẹp và quý giá của Việt Nam một cách hoàn hảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chân chính, nhà lý luận lỗi lạc và nhà tổ chức thiên tài. Chính Người đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin tới Đông Dương và hoạt động kiên trì, liên tục để tuyên truyền ấy, để đưa tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

Áp dụng tài tình và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Người chỉ ra rằng, chủ nghĩa Mác không phải là một giáo lý mà là phương hướng để hành động. Một lần nữa Người cũng chứng minh rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng cách mạng duy nhất có thể đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có các phong trào dân tộc khác để lật đổ chủ nghĩa thực dân Pháp - phong trào Cần Vương cuối những năm 1880 và phong trào Văn Thân. Nhưng không phong trào nào có thể thành công, bởi vì thiếu sự chỉ đạo cả tư tưởng cách mạng và khoa học, chủ nghĩa Mác, và bởi vì họ không nắm gốc rễ trong nhân dân.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lôi cuốn được nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng, đã đạp tan chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cống hiến rất vĩ đại vào kho tàng truyền thống cách mạng thế giới về tổ chức, về chiến lược và chiến thuật đấu tranh vũ trang, về việc sử dụng mặt trận thống nhất. Người phát triển gần tới mực hoàn thiện cuộc đấu tranh du kích, việc sử dụng các hình thức đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, công khai và bí mật quy mô lớn và nhỏ. Những kinh nghiệm to lớn này mãi mãi được phong trào cách mạng thế giới quý trọng gìn giữ…

(Anthôni Acactô Ampô, đại diện Hội Liên hiệp học sinh đại học toàn Châu Phi, bài đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 23-5-1980)

7. Từ "Người cùng khổ" đến vị Chủ tịch nước

Những ai đã từng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những giai đoạn trong cuộc đời của Người đều có thể theo dõi con đường đi của nước Việt Nam từ ngày còn còng lưng dưới ách thực dân cho đến ngày trở thành người chủ vận mệnh của mình.

… Chính năm 1917, trong khói lửa của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên tôi gặp những người mà chúng tôi gọi là An Nam, cũng như hàng vạn người khác bị đưa từ nước họ sang làm việc ở xưởng vũ khí Rôan, trong khi một số anh em họ bị đưa ra mặt trận vào hàng ngũ “lính An Nam” và “lính Bắc kỳ”.

Sau đấy, tôi được biết đồng chí Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch tương lại của nước Việt Nam, lúc bấy giờ cũng đang ở Pháp…

Năm 1922, tới dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp. Có người nói với tôi: “Một thanh niên An Nam sẽ nói chuyện với các đồng chí về những nỗi khổ và hy vọng của đất nước đồng chí đó”. Tôi nhớ hình như người ta giới thiệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc với chúng tôi như thế. Đồng chí nói về những nỗi đau khổ của các dân tộc ở Đông Dương được hưởng tự do trong độc lập, rằng thanh niên cộng sản Pháp sẽ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Đông Dương, vì đó cũng là một biện pháp để giải phóng nước Pháp.

Nhìn và nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu, tôi hình dung lại những người An Nam làm việc ở xưởng sản xuất vũ khí Rôan bị bóc lột tàn tệ nhưng lại vô cùng tự hào đến nỗi không ai có thể nói là họ bị nô lệ.

Hai năm sau, năm 1924, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lần này không phải trong mấy phút mà trong nhiều tuần lễ, tại Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội đó, đồng chí đã phê bình một số mặt trong chính sách của Đảng, của đồng chí - Đảng Cộng sản Pháp - lúc đó chưa hoàn toàn thoát khỏi hệ tư tưởng thuộc địa. Đồng chí phê bình một cách không hài lòng nhưng đồng thời cũng không gay gắt. Nguyện vọng duy nhất của đồng chí là phát triển tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Trong nhiều cuộc nói chuyện khác, đồng chí thường đề cập vấn đề này, vấn đề mà đồng chí cho là hàng đầu.

Ba năm trôi qua, năm 1927, là đại biểu của thanh niên cộng sản Pháp trong Ban Thường vụ Thanh niên Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang nằm dưỡng bệnh mấy tuần tại vùng Côcadơ tôi nhận được một danh thiếp của đồng chí yêu cầu tôi đừng quên gửi cho đồng chí báo Nhân đạo và các sách báo khác của Đảng Cộng sản Pháp.

Mấy ngày trước đó, đồng chí đã nói với tôi rằng đồng chí rất vui mừng khi thấy hoạt động của những người cộng sản Pháp chống các cuộc chiến tranh ở Marốc và Xyri, về sự ủng hộ đối với các cuộc đấu tranh của các dân tộc Đông Dương. Đồng chí nói: “Tôi biết phải kinh qua nhiều khó khăn, phải kiên trì cố gắng, nhưng sự tồn tại của một Đảng Cộng sản ở Đông Dương sẽ tạo điều kiện để tổ chức và lãnh đạo đúng đắn cuộc giải phóng dân tộc và xã hội ở Việt Nam”. Và năm 1930, điều đó đã trở thành sự thật.

Đến năm 1946, tại Pari tôi lại gặp đồng chí, lúc này đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội đã nhân danh dân tộc mình tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam.

Người sáng lập tờ Người cùng khổ, tờ báo Pháp đầu tiên nói tới những người bị chủ nghĩa thực dân đàn áp, đã trở thành Chủ tịch nước…

Khốn thay, bọn thực dân Pháp không muốn để Việt Nam sống tự do trong hòa bình, và cuộc "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" bắt đầu.

Chính năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam ở Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Một buổi tối, đồng chí mời tôi tới dự bữa tiệc chiêu đãi vị đứng đầu một nước Châu Phi mới giải phóng, đồng chí nói: “Đồng chí hãy ngồi với chúng tôi vì đồng chí đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp, là những người luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Năm 1964, tôi sang Hà Nội để bày tỏ ý định của Đảng Cộng sản Pháp hành động chống đế quốc Mỹ đã thay đế quốc Pháp. Một buổi sáng, tôi cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trụ sở bỏ phiếu. Ở sân trụ sở, có hàng trăm người, phần lớn là phụ nữ. Khoác tay tôi, đồng chí quay về phía mọi người và nói: “Tôi xin giới thiệu với đồng bào một người Pháp nhưng là một người bạn thân, một người anh em. Đồng chí là đại diện của nước Pháp lao động và biết suy nghĩ, của nước Pháp đứng bên cạnh những người đang đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Tuần lễ mới đây tôi lại được gặp người đồng chí, người bạn thân thiết Hồ Chí Minh của tôi lần cuối cùng. Đồng chí không thể nói chuyện với tôi được nữa, song nghe đọc lời Di chúc của Người, ở từng câu, từng chữ, tôi cảm thấy Người còn sống, Người rất gần chúng ta!

Trước đó mấy giờ, trong khi nghẹn ngào ôm hôn nhau, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nói với đồng chí Lêô Phighe và tôi: “Cho đến tận những giây phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch còn nói với chúng tôi về những mối quan hệ hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai Đảng chúng ta. Người căn dặn chúng tôi phải chú ý bảo vệ mối quan hệ đó và chúng tôi sẽ thực hiện lời dặn của Người!”.

Đồng chí luôn luôn là bạn thân của những người cộng sản Pháp, đồng chí sẽ là tấm gương sáng đối với những người cộng sản Pháp. Là những người đã từng biết đồng chí từ ngày đồng chí còn là chiến sĩ bí mật, là những người mà tâm hồn luôn luôn ở bên cạnh đồng chí trong những năm gian khổ, khó khăn và lại được gặp đồng chí là Chủ tịch nước - đất nước mà đồng chí đã cùng với Đảng của đồng chí và dân tộc của đồng chí dựng lên - chúng tôi có thể chứng minh rằng lòng dũng cảm và ý chí bất khuất của đồng chí trong đấu tranh thật là vô địch.

Đối với mỗi người Việt Nam, đồng chí là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất. Đồng chí cũng là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất của chúng tôi, của những người anh em của đồng chí, của các cháu của đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp.

(Phrăngxoa Biu, Nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản Pháp, trích bài đăng trên tuần báo nước Pháp mới, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 17-9-1969).

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa


 8. Lần đầu gặp gỡ với Việt Nam 

Tôi không hiểu tại sao, ngày 27/7/1946 tôi lại nhận lời mời của người Việt Nam. Có lẽ để thoát khỏi những hồ sơ của văn phòng Bộ, hay để xem vườn hồng ở Bagatelle mà người ta từng ca ngợi. Cuộc chiêu đãi người ta mời tôi là để chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pa-ri theo lời mời của Chính phủ Pháp trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán khó khăn ở Phôngtennơblô.

Nói về Việt Nam, tôi không biết gì hơn phần đông đồng bào chúng tôi.  Dư luận nước Pháp rất chia rẽ. Các bạn kháng chiến của tôi cũng không thoát khỏi cuộc tranh luận đó, người thì muốn nước Pháp giành lại quyền toàn vẹn các thuộc địa và tuyên bố rằng dưới thời chiếm đóng họ cũng đã chiến đấu vì mục tiêu đó. Đấy cũng là quan điểm của một số lớn những người từng tham gia vào lực lượng Pháp tự do. Những người khác - trong đó có Lucie và tôi thì coi thời đại thực dân đã qua rồi. Chúng tôi còn dám so sánh cuộc chiếm đóng thuộc địa như thời kỳ chúng tôi bị Đức chiếm và đã chiến đấu chống lại nó.

 Ngày 06 tháng 3, nước Pháp ký Hiệp định công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Grăng Xanhtơni, đại diện Chính phủ Pháp biết rõ rằng đó là để đạt được sự quay lại Bắc kỳ của quân đội Pháp và để quân Trung Hoa rút đi. Cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô phải xem xét nhiều vấn đề đang còn bỏ lửng. Cùng lúc đó Đô đốc DArgenlieu lại tiến hành ở Đà Lạt một cuộc thương thuyết khác nhằm giải quyết việc vận mệnh Đông Dương.

Được mời đến Pháp, Hồ Chí Minh không tham gia Phái đoàn đàm phán ở Phôngtennơblô do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đây là tất cả những gì tôi biết được về quan hệ Pháp - Việt, khi một người trong Ban Tổ chức đề nghị giới thiệu tôi với Chủ tịch của họ.

Đi qua đám đông, người ta dẫn tôi về phía con người nhỏ nhắn, tươi cười với chòm râu dài, đôi mắt tinh anh trên hai gò má cao. Ông cầm tay tôi tách khỏi đám đông bao quanh và nói: “Ông Ôbrắc tôi đã biết về những việc ông làm cách đây 3 năm ở Mác-xây đối với đồng bào tôi, xin cảm ơn ông”.

 Khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, người ta đã đưa đến hàng nghìn lao động Đông Dương để thay thế công nhân Pháp bị động viên. Sau cuộc thất trận năm 1940, những người đó tập trung trong các trại để trải qua những năm tháng chiếm đóng. Một trại gần Mác-xây đã tập trung hai hay ba nghìn người, mà cuối tháng 8 đầu tháng 9 với tư cách là Ủy viên Chính phủ, tôi được biết là họ đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Tôi cử đến một quan sát viên mà báo cáo gửi về quả là rõ ràng. Ban Chỉ huy trại đã dung túng hay tổ chức hệ thống đánh bạc, gái điếm và bán chợ đen những khẩu phần gạo ít ỏi mà họ phân phối. Trại nằm trong tay những tên đầu gấu có thế lực. Tình trạng tử vong đến mức không thể chấp nhận được. Và thời kỳ đó, khi công việc còn được giải quyết nhanh chóng, quyết định của tôi đã được áp dụng ngay.

Ban Chỉ huy cũ bị gạt ra và thay vào những người trung thực. Tôi cho những người lao động bầu đại biểu của mình vào một Ủy ban Tư vấn thay mặt cho họ bên cạnh Ban Chỉ huy trại. Nói tóm lại tôi đã làm những gì có thể làm được.

Từ đấy, những người lao động Đông Dương, mà nhóm có tổ chức nhất là những người Việt Nam, đã tỏ thái độ biết ơn đối với tôi. Chúng tôi nhận được 1 hộp sô cô la vào ngày đầu năm, được mời đến ăn Tết với họ và lâu lâu là một bữa ăn Việt Nam. Việc mời tôi đến Bagatelle không phải là điều bất ngờ.

Khoác tay nhau trên những con đường nhỏ ở Bagatelle cùng với con người mà những trang đầu của báo chí đang đưa lên thành nhân vật chính của thời sự, tôi không biết nói gì với ông.

- Thưa Chủ tịch, ngài có thích Pa-ri không?

- Tất nhiên và tôi đã biết từ nhiều năm trước, nhất là khu phố La tinh.

- Chỗ ở của Người có tốt không?

- Chính phủ của ông đã thuê cho tôi một tầng của tòa dinh thự trong khu phố Khải hoàn môn. Nhưng tôi thấy không hợp, tôi thấy thiếu một cái vườn.

- Tôi rất vui lòng chỉ cho ngài nhà của tôi. Nhưng tôi ở khá xa, tận ngoại ô, ở Soiny-sous-Montmonrency phía Bắc Pa-ri.

- Vậy thì ông Ôbrắc, tôi rất vui lòng đến thăm vườn của ông. Nếu không phiền thì tôi sẽ đến vào thứ 3 tới để uống trà cùng với hai người bạn của tôi.

Chiều hôm đó tôi báo cho Lucie biết cuộc viếng thăm của người khách nổi tiếng này. Vào đúng ngày giờ đã hẹn vị Chủ tịch của tôi đến cùng đoàn mô tô hộ tống của Sở Cảnh sát thành phố. Bàn ăn được dọn trước nhà, trong sân nối tiếp với khu vườn không lấy gì làm rộng lắm. Ba mẹ của Lucie cũng có mặt ở đây, bà đến để gặp chúng tôi vì Lucie sắp sinh cháu. Cháu Jean-Pierre, 5 tuổi đã đi học về. Cháu bé Catherine đang chơi trong vườn. Đúng là khung cảnh của một gia đình êm ấm.

- Trà của ông thì chưa được ngon lắm nhưng nhà của ông thì lớn thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Người hỏi:

- Những ai sống ở đây?

Tôi trả lời:

- Những người ngài thấy ở đây và một cô trông trẻ.

- Tôi muốn đi thăm nhà? Người nói.

Ngôi nhà gồm ba tầng (…) Sau khi đi thăm khắp nhà từ tầng hầm đến gác thượng, Hồ Chí Minh kết thúc cuộc viếng thăm bằng những nhận xét ngắn gọn, như là tiện dịp nói qua: “Tầng hai của ông không có ai ở. Tôi thích khu vườn. Nếu tôi được ở đây thì hơn là sống trong dinh thự”.

Tính lịch thiệp, sự quan tâm và cả tình cảm mà con người đó biểu lộ khiến chúng tôi lập tức đề nghị ông đến ở cùng gia đình. Thế là đã mở ra, có thể nói là một chương mới trong cuộc đời tôi, hay nói đúng hơn là khởi đầu cho một loạt sự kiện sẽ trải dài trong hơn 40 năm và cho đến nay vẫn tiếp tục, khi tôi viết những dòng này. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn là có những mối quan hệ đã được những người Việt Nam phác họa từ khi tôi đi qua Mác-xây.

Không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, Lucie và tôi vẫn được coi là những người cảm tình tích cực, cái mà người ta gọi là “những người bạn đường”. Hình như ở đây có sự tiếp nối thái độ dấn thân liên tục của chúng tôi. Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bạn bè với những người bạn kháng chiến, đang giữ những vị trí chính trị và xã hội rất khác nhau. Nhưng chúng tôi chịu ảnh hưởng từ những phân tích của Đảng Cộng sản và chúng tôi mong muốn đứng về phía những người đi tìm công lý. Đấy là trường hợp những nhà lãnh đạo Việt Nam đang đấu tranh cho độc lập của đất nước họ.

Cuộc sống chung của chúng tôi với Bác Hồ được tổ chức không mấy khó khăn. Con người có tính cách đặc biệt đó, ngoài những đức tính thiên phú khác, còn có khả năng thiết lập ngay những mối quan hệ đơn giản nhất với tất cả những người đối thoại, dù họ là Bộ trưởng hay nông dân. Chỉ trong chốc lát, ai cũng thấy thoải mái và không bao giờ ông giữ khoảng cách, mà thường những người tự biết hay làm ra vẻ là nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng thường ẩn mình sau đó.

Người bạn thân thiết của Bác Hồ trong sáu tuần lễ Người ở nhà tôi có lẽ là bà mẹ vợ tôi, một bà nông dân vùng Bourgogne, vẫn giữ lối nói thẳng với óc thông minh sâu sắc. Bác Hồ đã gợi cho bà kể về công việc, những thói quen, những định kiến của người trồng nho chúng tôi và trao đổi về những nông dân nước ông.

Một buổi sáng, người ta đem báo đến, tất cả các báo Pháp mà cả báo Đức, Anh, Mỹ, Nga. Và Bác không có gì thích hơn là đọc lướt qua tất cả, ngồi trên bãi cỏ, giữa những người đến thăm. Nhiều lần trong tuần Bác đến thăm người làm vườn trong làng và trở về tay ôm đầy hoa. Trong ngày nếu không đi gặp những người đối thoại ở Pa-ri, thì Bác tiếp khách tại nhà. Những người đàm phán ở Phôngtennơblô hầu như đến gặp Bác hàng ngày. Buổi chiều, Bác đề nghị chúng tôi mời ăn tối những nhân vật khác nhau, chính khách cánh hữu hay cánh tả, nhà văn, nhà báo. Những bữa ăn đó, mà mẹ vợ tôi thường tìm cách không tham dự, đã cho chúng tôi cơ hội để theo dõi bên lề sự dậm chân tại chỗ của một cuộc đàm phán rõ ràng không đi đến kết quả.

Việc chợ búa và nấu ăn là một gánh nặng đối với Lucie, mẹ vợ tôi và chị giúp việc. Còn có vấn đề về tài chính nữa, vì lương hai chúng tôi không đủ để bảo đảm một lối sống trong nhà như vậy. Sau mấy ngày đắn đo, với sự ngần ngại của nền giáo dục tư sản mà tôi được hưởng, tôi đành phải nói thật với vị khách. Ông Hồ đề nghị đưa một người bạn cũ đến làm việc cả ngày, đó là một đầu bếp số một đang mở quán ăn nhỏ ở khu phố La tinh và ông ta đã đề nghị được tạm thời đóng cửa tiệm. Vậy là bố già Ti đến. Ông chiếm lĩnh nhà bếp, hầm rượu và nhà phụ. Nhà tôi trở thành một nơi tuyệt vời của bếp ăn Việt Nam. Là một người thành thạo và luôn tươi cười, ông Ti quả là một chuyên gia lớn về ẩm thực…

Cuối tháng 7 nhân dịp sinh nhật tôi, Bác Hồ tặng tôi một bức tranh của họa sĩ Việt Nam Vũ Cao Đàm. Đó là bức tranh một bà mẹ trong sáng, bàn tay dài của bà mẹ với những ngón thon nhỏ, ve vuốt và bảo vệ đầu đứa con.

Hai hay ba ngày sau khi con gái tôi Elisabeth được sinh ra ở nhà hộ sinh Prot-Royal, các cô y tá trông thấy một người khách khác thường tới thăm, hai tay ôm hoa và kẹo, họ đã nhận ra ngay vì hình ảnh Người được đăng lên khắp các báo. Bác Hồ bế cháu bé trên tay và trước khi đặt xuống nôi đã quyết định nhận làm cha đỡ đầu của cháu. Người gọi Êlidabét là Babét (Babette). Từ đấy đã xảy ra cái nghi thức đặc biệt như thế này: Cứ mỗi lần sinh nhật của Babette, Người luôn gửi đến cháu một món quà nhỏ hay một kỷ vật gì đó…

Khi cuộc đàm phán Phôngtennơblô kết thúc, Bác Hồ để phái đoàn trở về trước còn mình ở lại Pháp một thời gian để ký với Marius Moutet một văn bản không rõ ràng gọi là Tạm ước, đặt một vài cơ sở để tiến tới một Hiệp nghị và hòng cứu vãn hòa bình, đã gây cho ông những khó khăn với các bạn cực đoan khi trở về nước. Ngày 19 tháng 9 ông xuống tàu ở Toulon và chúng tôi nhận được một bức thư ngắn gửi khi tàu cập bến Port-Said…

Trong những năm chiến tranh đó, hai lần người ta yêu cầu tôi sang Việt Nam, để gặp người bạn Hồ Chí Minh của mình. Tôi từ chối vì biết rằng họ không có đề nghị gì đưa ra và cuộc đi của tôi chỉ là cái cớ cho những chính khách dựa vào để tiếp tục chiến tranh.

(Raymông Ôbrắc1, trích từ cuốn hồi ký Nơi ký ức dừng chân của Raymông Ôbrắc, Nxb. Odole Jacob, 1996. - Đào Hùng dịch)

9. Hồ Chí Minh chân lý của lịch sử

“Căn nhà tre nhỏ ở làng Kim Liên, nơi 85 năm trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, một căn nhà nhỏ mà chính gia đình của Người xây dựng nên. Thời tiết Nghệ An luôn luôn nóng. Cửa sổ và cửa ra vào căn nhà là những lỗ nhỏ trên tường. Căn nhà đó cũng giống như những căn nhà của người nông dân miền Trung Việt Nam khác.

Khi đồng chí Hồ Chí Minh sinh ra cũng là lúc hơn một nửa thế kỷ, đại bộ phận loài người còn sống dưới ách thuộc địa và nửa thuộc địa. Hầu hết nhân dân Đông Dương mù chữ, bệnh tật đã giết chết hàng nghìn, hàng vạn người, đất đai màu mỡ bị cướp đoạt, nhân dân rất đói khổ.

Khi Người 30 tuổi, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Đại hội đóng vai trò quyết định trong việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp - Người đã nói lên một sự thật, một bằng chứng: “Bọn thực dân áp bức rất tàn bạo, dã man 560 triệu người”.

Những tàn tích cuối cùng của hình thức thống trị tàn bạo và đểu cáng đó bị chìm dần từ nửa thế kỷ nay. Đồng chí Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, là người tổ chức cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân, là người tổ chức cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi.

Lúc 40 tuổi, đồng chí Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Người trở thành lãnh tụ của Đảng và tại Đại hội Đảng, người đã công bố cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Đảng của Người và chính Người trở thành biểu tượng của tự do ở Đông Dương lúc đó và của sự tách khỏi hàng ngũ thuộc địa. Vai trò đó được nhân lên gấp bội sau khi thực dân mới Mỹ thay thế chỗ của thực dân Pháp. Chúng cướp phá, bóc lột, thi hành chính sách ngu dân và giết người hàng loạt. Nhưng chúng không đạt được mục đích của chúng.

Tất cả những chương trình mà Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh đề ra năm 1930 đã nhanh chóng được thực hiện ở miền Bắc chiến thắng.

Năm người 64 tuổi, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và nước Việt  Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Chí Minh trở thành căn cứ địa cách mạng cho cả nước.

Người luôn có mặt bên cạnh các chiến sĩ trong cả những lúc mưa bom, bão đạn và Người nói: “Nhân dân ta anh hùng, đường lối của ta đúng. Chúng ta nhất trí, đại bộ phận nhân loại ủng hộ chúng ta. Chúng ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ. Chúng ta có quyết tâm. Nhân dân ta nhất định thắng”.

Trong lúc đế quốc Mỹ muốn dìm miền Bắc trong biển máu và nước mắt, đồng chí Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thắng lợi nhất định thuộc về Việt Nam. Hai miền Tổ quốc sẽ được thống nhất. Làm theo lời Người, học sinh rời ghế nhà trường, nam sinh ghi tên đi chiến đấu chống đế quốc Mỹ bên cạnh Người.

Trên con đường mang tên Người, hết năm này đến tháng khác những phụ nữ, trẻ em và cụ già chân đi dép cao su chở gạo, thuốc men, đạn dược cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Những quả bom khổng lồ của Mỹ xóa đi hàng 100 con đường mòn thì những người công nhân vận tải Việt Nam lại tìm ra 200 đường mòn khác... Trên con đường mang tên Người, sự đi lại nhộn nhịp không bao giờ dứt. Mỗi hạt gạo đều sẻ làm đôi gửi ra cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Những người yêu tự do đặt tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Dù họ bị truy nã, bị tù đày chém giết thì Sài Gòn cũng mãi mãi vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên gọi đó là biểu tượng cho lòng tha thiết yêu tự do. Những Tổng thống bù nhìn, những tên Toàn quyền, đại sứ và tướng tá cố làm cho người ta quên đi, biết bao lần chúng xuyên tạc, nói xấu đồng chí Hồ Chí Minh ở miền Nam. Nhưng tất cả đều vô ích. Lịch sử đã đưa kẻ thù của Người về dĩ vãng, những kỷ niệm về chúng đang bị lu mờ đi. Những kỷ niệm về đồng chí Hồ Chí Minh luôn luôn rực rỡ.

Các dân tộc không bao giờ quên vị lãnh tụ chân chính, họ luôn luôn trung thành với những người thực sự đại diện cho ý nguyện và tình cảm của họ.

Đồng chí Hồ Chí Minh không bao giờ yêu cầu bất cứ ai bắt chước mình. Người chỉ muốn sao cho mọi người hiểu rõ sự nghiệp mà vì nó Người đã sống. Mỗi lời nói, việc làm của Người đều thể hiện điều đó.

Chính vì vậy mà Người đã trở thành lãnh tụ chính. Nhân dân Việt Nam hiểu và làm theo Người, coi những nhiệm vụ Người nêu ra là của chính mình. Đồng chí Hồ Chí Minh không có vợ, tất cả thì giờ người hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng và hạnh phúc của dân tộc. Người không có con, nhưng Người có hàng triệu, hàng triệu người con trai và con gái trung thành noi gương Người. Nhân dân Việt Nam tuân theo lời dạy của Người. Hàng triệu người trên thế giới khâm phục những hành động của họ. Khi họ dũng cảm chống lại bọn đế quốc Mỹ giết người, người ta nói rằng họ không sợ chết. Không đúng. Họ là những người yêu cuộc sống vui tươi và điềm tĩnh, nhưng họ rất sợ phải sống nô lệ...

Có nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác về đồng chí Hồ Chí Minh, mỗi người đều dùng những phương tiện nghệ thuật của mình cố gắng miêu tả Người. Nhưng ít người miêu tả được hết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có rất nhiều kỷ niệm, ý nghĩ, tình cảm về con người mảnh khảnh đó. Những lời nói của con người, phương tiện của nghệ thuật không đủ để miêu tả những đặc điểm đó. Ít có người Việt Nam có thể nói hết tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người cha, người thân kính nhất ấy...

Hồ Chí Minh là chân lý của lịch sử.

Năm 1969, lúc Người từ trần không phải chỉ có nhân dân của Người thương tiếc. Cả thế giới có lương tri đều khóc trước linh cữu Người. Chiến tranh tiếp tục, Người chưa được thấy ngày chiến tranh kết thúc. Trong “Di chúc” của mình, Người viết về những kế hoạch của mình sau ngày thắng Mỹ. Người muốn trước hết đi thăm hỏi hai miền Nam, Bắc thân yêu, để chào những người làm nên chiến thắng, những cán bộ chính trị, những chiến sĩ quân đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Sau đó sẽ đi thăm bè bạn khắp năm châu để cảm ơn về sự giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam giành thắng lợi.

Lẽ ra Người cũng đến thăm đất nước chúng tôi, biết bao người Hunggari đã hiến máu, và bằng công sức của mình giúp đỡ Việt Nam, đáng lẽ bây giờ đã có thể bắt tay Người và nay chỉ có thể tưởng nhớ Người trong ngày sinh của Người và vui ngày chiến thắng với nhân dân Việt Nam.

Hôm nay, hơn một nửa thế giới cùng với chúng ta kính cẩn trước đồng chí Hồ Chí Minh giản dị và khiêm tốn. Việc chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng cuộc sống tự do ở các nước thuộc địa này chẳng còn là ước mơ nữa: Ngày mai của nhân loại là thế giới tự do và nhân đạo đang được xây trên con đường Hồ Chí Minh dài hàng vạn dặm trong lễ kỷ niệm lần thứ 85 Ngày sinh của Người.

(Matê Gioocgi, trích bài đăng trên báo Tự do nhân dân, cơ quan Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari, số ra ngày 18/5/1975)

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa

 1. Một nhân vật lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống sự chiếm đóng của quân Đức từ năm 1940. Sau chiến tranh, ông giữ vai trò quan trọng trong việc tái thiết nước Pháp, tham gia điều hành công việc của Liên Hợp quốc. Nhưng đặc biệt ông đã trở thành bạn của Bác Hồ từ năm 1946 và từng làm trung gian giữa Pháp và Việt Nam trong những cuộc thương lượng bí mật thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.


 10. Bác Hồ cũng như Môi Dơ1

Dù người ta thân mật gọi là Bác Hồ và kính cẩn gọi Cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì con người vừa mới qua đời vẫn là một trong những người đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trong thế kỷ chúng ta ngày nay. Dù ta có tìm xem ở Cụ, phần cộng sản hay phần quốc gia phần nào nhiều hơn, hoặc cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia đều ngang nhau ở Cụ, thì trong cương vị một nhà hoạt động chính trị và người đứng đầu nhà nước, Cụ vẫn là “nhà cách mạng chuyên nghiệp” trước hết đã đánh đuổi Pháp khỏi đất nước Cụ và sau đó lại không một chút nao núng đương đầu với lực lượng quân sự hùng mạnh nhất của thời đại ngày nay là đế quốc Mỹ...

Trong tuần vừa qua, trên báo chí và các làn sóng điện Pháp, đã vang lên một bản hòa tấu gồm những lời ca ngợi hầu như hoàn toàn nhất trí. Chỉ trừ có thái độ lố bịch của Gioocgiơ Biđôn là tỏ vẻ hằn học bực tức, còn thì tất cả các lãnh tụ chính trị đều ca ngợi đức tính của Cụ như: Trí thông minh, thái độ lịch thiệp, tài khéo léo, chí kiên quyết và không khoan nhượng, lòng thủy chung không gì lay chuyển nổi đối với lý tưởng mà Cụ hằng ôm ấp từ thời niên thiếu. Người ta tưởng hầu như quên hẳn Bác Hồ đã mở một đột phá đầu tiên vào các “đế quốc thực dân của chúng ta” và là bàn tay đắc lực nhất trong việc làm cho diện tích nước Pháp thu hẹp lại chỉ còn cái bình sáu cạnh...

… Những bước đầu học tập của Cụ là ở trên đất nước chúng ta, nơi mà giới cách mạng còn giữ mãi hình ảnh Cụ hồi đó là một chàng thanh niên Đông Dương, dáng mảnh khảnh và khiêm tốn, đã từng đến Đại hội Tua năm 1920 nhắc nhở các đảng viên Đảng Xã hội Pháp, ngay trước ngày phân liệt của Đảng này rằng: Một dân tộc đi đàn áp một dân tộc khác thì không thể có tự do...

Tiểu sử của cụ Hồ Chí Minh cho ta thấy khi trong tâm hồn và trái tim đã chứa đựng một ý chí kiên quyết, một tư tưởng mãnh liệt, một mục tiêu làm nức lòng người, thì không có thử thách nào mà người ta không dám chịu đựng. Mọi cố gắng cũng như mọi tư tưởng của người ta đều hướng về một mục đích, và đối với của Hồ Chí Minh, mục đích đó là nền độc lập của đất nước, là việc thiết lập một chế độ nhân dân nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột và suy đồi cho chế độ thực dân nuôi dưỡng. Để hoàn thành nhiệm vụ mà Người tự đặt ra cho mình, Hồ Chí Minh đã làm hầu như đủ mọi nghề. Nhà Nho uyên thâm đó, xuất thân từ một gia đình quan lại, đã làm phụ bếp trên một chiếc tàu thủy để được đi khắp thế giới. Cụ đã làm phu quét đường ở Luân Đôn, làm thợ ảnh ở Pa-ri. Người đã trải qua cảnh lao tù và sống những ngày gian nan, nguy hiểm của thời kỳ bí mật. Sinh nhai bằng những nghề tầm thường, Cụ đã quen với lối sống thanh đạm. Nếp sống thanh đạm đến mức khắc khổ này kết hợp với phong cách nhà hiền triết Phương Đông, đã tạo nên một thiên thần thoại chung quanh Bác Hồ và khiến Cụ trở thành một nhà tiên tri của Châu Á, báo hiệu công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức sẽ thành công. Vinh quang đến tột đỉnh, nhưng con người Cụ vẫn như trước kia, nghĩa là vẫn ghét xa hoa hào nhoáng, vẫn giản dị về ăn mặc cũng như trong tác phong sinh hoạt. Để cho các em học sinh vuốt râu mình lúc Cụ đến thăm trường, hoặc khi Cụ đi đôi dép bằng lốp cao su, thì đều không có chút gì là mị dân hoặc giả tạo cả.

Với Cụ, muốn đánh thắng chủ nghĩa thực dân thì phải hợp lực với những người lao động và dân chủ Pháp. Sự có mặt của Cụ ở Đại hội Tua là một tượng trưng. Người muốn rằng chính bản thân nhân dân Pháp sẽ giúp đỡ Cụ trong cuộc chiến đấu “chống kẻ thù chung”. Điều đó đã được thực hiện trong cuộc chiến tranh với Pháp. Tuy cuộc chiến tranh với Mỹ rõ ràng là khó hơn, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Thế rồi Cụ Hồ Chí Minh qua đời trước khi được nhìn thấy nền hòa bình mà Cụ biết bao mong ước. Cụ cũng giống như Môi Dơ đứng trước ngưỡng cửa “đất hứa hẹn”2 mà chưa kịp bước chân vào. Nhưng chiến thắng về tinh thần, chiến thắng của ý chí và lòng dũng cảm thì Cụ đã giành được.

 (Phrăngxoa Phôngviây Anri3, Trích bài đăng trên tuần báo Bằng chứng Thiên chúa giáo, số ra 11/9)

11. Đối với riêng tôi, Người cũng là đồng chí

Hồi đầu tháng 9 năm 1969, tôi đáp máy bay đi Hà Nội dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng và là lãnh tụ kính yêu đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam.

Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Người không chỉ thuộc về Việt Nam, mà là cả Đông Dương, cả Châu Á và có thể là cả thế giới, vì Người luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như các quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Riêng đối với tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến, và tôi cũng đã luôn ước mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhưng các bạn Việt Nam lại nói, Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi. Tôi đã đáp lại: “Thì chính đây là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước ngài nếu xảy ra rủi ro đối với ngài vì những trận ném bom của Mỹ”. Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch nữa.

Lúc máy bay cất cánh, tôi nghĩ thật là đau đớn biết bao, chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại là để dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này tôi mới được biết, lúc máy bay vừa cất cánh thì Si-rik Ma-tak đã vội triệu tập ngay đồng bọn trong đó có Lon Nol, ở ngay tại sân bay, để nhận định rằng đây là thời cơ tốt, thừa dịp lúc tôi đi vắng để phế truất tôi. Si-rik Ma-tak nói rằng nếu tiến hành ngay thì tôi sẽ không dám trở về Campuchia nữa. Nhưng Lon Nol là người rất mê tín, dị đoan, vợ lại vừa mới chết chưa hết tang, nên chưa dám khởi sự vì sợ xúi quẩy. Lon Nol đề nghị chờ một dịp khác, mặc dù khi tôi bay đi Hà Nội, CIA đã cam kết với Lon Nol là Mỹ sẽ ủng hộ cuộc đảo chính, chỉ cần Lon Nol và Si-rik Ma-tak quyết định các chi tiết hành động cụ thể và ngày giờ tiến hành. Nhưng sau đó Lon Nol cũng phải đi Pháp chữa bệnh. Vì vậy, mãi đến 18 tháng 3 năm 1970, cuộc đảo chính mới được tiến hành khi tôi sang Pháp điều trị bệnh.

Trong buổi tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi lại sực nhớ đến một trong những câu nói mà tôi cho rằng không có gì đúng hơn. Đó là câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình thường, tôi là một quý tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không cùng một thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới 30 tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn đất nước được độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đường cách mạng gay go ác liệt còn tôi một con người trẻ tuổi lại rất sợ chảy máu. Nhưng cuối cùng, chính Cụ đã dạy chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho phép các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do, đó là con đường đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định.

Lý do tôi từ chối khuất phục Mỹ xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu theo Mỹ, có nghĩa là tôi phải từ bỏ đường lối trung lập của Campuchia. Thứ hai, quả là tôi cũng như đại đa số nhân dân Campuchia, thật sự có thiện cảm với những vị lãnh đạo kháng chiến Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống sự xâm lược của Mỹ. Càng được tiếp xúc với những người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi càng đánh giá cao lòng yêu nước, tinh thần hy sinh phấn đấu và những tính cách nhân văn nhân bản của họ. Chính vì những lẽ đó, tôi đã chỉ thị tổ chức ba ngày theo nghi lễ Quốc tang truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay trong Hoàng cung, tại chính điện, nơi đặt ngai vàng. Một trăm vị sư sãi đã đọc kinh cầu nguyện trước sự tập hợp của tất cả các quan chức cao cấp trong khi ban nhạc cử bài “Chiêu hồn”.

Kinh nghiệm của các bạn Việt Nam đã cho tôi biết, con đường đi tới thắng lợi là lâu dài và khúc khuỷu, nhưng tôi cũng nghĩ rằng chính kinh nghiệm cũng như thắng lợi của các bạn Việt Nam sẽ làm cho bước đường đấu tranh vũ trang của Campuchia bớt gay go hơn.

Ngày 23/3/1970, tức năm ngày sau khi Lon Nol tiến hành đảo chính, Đài Phát thanh Bắc Kinh đã chuyển đi bản tuyên bố kháng chiến của tôi, trong đó tôi kiên quyết đòi giải tán chế độ bất hợp pháp, bất hợp hiến của Lon Nol và kêu gọi thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi và một quân đội giải phóng nhằm giải phóng cho Campuchia khỏi ách thống trị của Lon Nol, Si-rik Ma-tak, Cheng Heng, đồng thời cũng giải thoát cho Campuchia khỏi quan thầy đế quốc Mỹ.

Ngày 24 tháng 3, tôi lại nói trên Đài Phát thanh Bắc Kinh, kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy rút vào hoạt động bí mật hoặc chạy lên bưng biền chờ đón vũ khí và các huấn luyện viên quân sự sẽ được đưa tới, còn những người ở ngoài nước hãy nhanh chóng liên lạc với tôi tại Bắc Kinh. Trong thời gian từ 26 đến 30 tháng 3, qua những nguồn tin nước ngoài tôi được biết hàng trăm đồng bào tay không vũ khí, hăng hái đi biểu tình chống Lon Nol đã bị đàn áp rất dữ dội, nhiều người bị chết. Ngày 4 tháng 4, tôi lại một lần nữa lên tiếng trên Đài Phát thanh Bắc Kinh kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, bắt liên lạc với các lực lượng kháng chiến đã được thành lập tại vùng rừng núi.

Tôi không muốn ca ngợi quá lời các bạn Việt Nam cũng như không muốn tự khen đã được các bạn Việt Nam coi là đồng minh chiến đấu. Một hôm, tôi đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng: “Đề nghị bạn hứa với tôi một câu. Đó là, sau này toàn thắng cho tôi biết tại sao các bạn vẫn cứ vận chuyển được vũ khí quân nhu suốt dọc Trường Sơn mặc dù Mỹ trút xuống đây hàng ngàn tấn bom đạn kèm theo tất cả các kĩ thuật thám báo và hàng rào điện tử. Nhưng xin đừng nói ngay lúc này vì tôi ngại do vô ý sẽ tiết lộ bí mật của các bạn”. Phạm Văn Đồng cười rất vui và hẹn sẽ có ngày đưa tôi đi qua đường Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.

Đúng là những người Việt Nam đã đạt được những huyền thoại thần kỳ rất đáng kinh ngạc trong tinh thần dũng cảm và tận tụy mà Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài và nhà chiến lược gia quân sự nổi tiếng. Tôi đã có dịp nói chuyện lâu với tướng Giáp đúng thời điểm quân đội chế độ Sài Gòn đang tiến đánh Nam Lào hồi tháng 2 năm 1971. Suốt cả buổi chiều chúng tôi cùng nhau điểm lại tình hình Campuchia rồi lại cùng nhau ngồi ăn cơm tối. Sau bữa cơm, tôi càng ngạc nhiên hơn thấy tướng Giáp vẫn giữ tôi lại, mời uống cà phê và nghe nhạc, có vẻ như chẳng cần để ý gì đến thời gian. Cuối cùng, tôi đành phải nói:

- Thưa Tướng quân, tôi quả là người có lỗi, làm mất quá nhiều thời giờ của Ngài. Tôi không thể nào hiểu nổi giữa lúc bên Lào chiến sự đang diễn ra rất ác liệt vậy mà Ngài vẫn dành thời gian tiếp đãi tôi lâu như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nở nụ cười nhẹ nhàng đượm đôi chút hóm hỉnh rồi trả lời tôi:

- Ồ! Chiến dịch này đã được chuẩn bị chu đáo rồi. Các đồng chí Pa-thét Lào của chúng ta đã hoàn toàn có đủ mọi thứ cần thiết. Tôi không có gì phải lo tính nữa. Sáng nay, tôi nghe Đài Phát thanh, thấy Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quân đội ngụy Sài Gòn sẽ ở lại Lào đến giữa tháng sáu nhưng tôi cho rằng chỉ đến cuối tháng ba là chậm nhất chúng sẽ phải rút hết khỏi Lào!

Quả nhiên, đến 23 tháng 3 năm 1971, đơn vị cuối cùng của Thiệu đã phải chạy hết khỏi Lào.

(Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc4, theo Báo Văn nghệ, số 39, 28 9/2002)

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Một nhân vật truyền thuyết trong Kinh Cựu ước, người đã có công trong việc lãnh đạo dân tộc Do Thái đấu tranh để thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Ai Cập thời cổ.

2. Trong Kinh thánh, chỉ đất Sanaang (Palextin) phì nhiêu mà Thượng đế hứa cho người Do Thái. Chính Môidơ sau khi giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Ai Cập, đã đưa họ đến ngưỡng cửa của đất này, nhưng Môidơ kiệt sức và chết trên núi Xinai, điểm cao nhìn xuống Sanaang.

3. Nhà báo Pháp.

4. Cựu Quốc vương Campuchia.


 12. Chính Người - Bác Hồ đã giúp chúng tôi mở đường đi đến ánh sáng

Tôi được tin người đã mất. Tin đó đến với tôi thật bất ngờ. Sao cái chết của Người lại đến đúng vào lúc không ai có thể ngờ được đó! Cuộc đời của Người đã bất diệt cơ mà! Ngày đầu tiên trong cuộc đời của Người là ngày Người cùng với các đồng chí của mình lập nên Đảng Cộng sản Pháp ở Paris. Ý nghĩa ngày đó đối với cuộc đời của Người là ở chỗ Người đã bắt đầu mang lại một ánh sáng mới cho nhân loại đau thương. Vào ngày mà Người cùng các đồng chí Việt Nam của mình gieo những hạt giống đầu tiên trong cuộc đấu tranh của nhân dân đất nước Người, đó là ngày bình minh đã xuất hiện ở Châu Á. Với ánh bình minh ấy, các trẻ em Việt Nam đang quằn quại đau thương dưới gót giày của chủ nghĩa đế quốc thế giới, cảm thấy thế giới mới của mình đã tạo nên một con người, đó là Hồ Chí Minh. Và các em bé Việt Nam, sống dưới bom đạn của bọn xâm lược ấy đã gọi Người là Bác Hồ. Người không những là Bác, là cha của thiếu nhi Việt Nam, mà Người còn là Bác, là cha của thiếu nhi toàn thế giới, đặc biệt là thiếu nhi Arab chúng tôi.

Thiếu nhi Yemen của chúng tôi cũng như thiếu nhi trên bán đảo Arab và ở nhiều vùng rộng lớn trong Tổ quốc Arab chúng tôi còn quằn quại đau thương dưới gót giày của bọn đế quốc và bọn phản động. Chúng ngăn cản ánh bình minh đến với các em, chúng không cho chúng tôi đem lại ánh sáng cho các em.

Chính Người, Bác Hồ đã đóng hàng nghìn mũi đinh vào cái quan tài của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở trên đất nước Việt Nam. Chính Người đã giúp chúng tôi mở đường đi đến ánh sáng, để cho những đôi mắt của trẻ em chúng tôi trở nên trong sáng và đáng yêu, để cho trẻ em chúng tôi được tới trường học và để thay thế những bãi rác kia bằng những vườn hoa.

Chính Người, Bác Hồ đã đóng hàng triệu mũi đinh lên chiếc quan tài của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở trên đất nước Việt Nam và giúp cho chúng tôi tìm thấy con đường giải phóng khỏi ách gông cùm cho những con người trên bán đảo Arab, để cho chúng tôi trở lại làm người và không bị coi khinh bởi những tên man rợ.

Chính Người, Bác Hồ, đã xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới bom đạn của đế quốc Mỹ và dạy cho chúng tôi biết rằng, uy lực và cường bạo không thể lay chuyển nổi ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách mạng, không thể ngăn cản bước đi của họ. Người trung thực với chính bản thân mình và cả thế giới. Người đã mang lại ánh sáng của cho nhân dân của Người. Sự nghiệp của Người là sự nghiệp của tất cả các chiến sỹ đang đấu tranh vẻ vang. Người tin tưởng vững chắc rằng: Khối ý chí sắt thép được tạo nên ở trong Đảng sẽ thay đổi được thế giới. Người đã làm như vậy ngay từ ngày đầu cùng với các đồng chí của Người ở Paris và sau đó Người đã làm như vậy cùng với các đồng chí của Người ở Việt Nam.

Cuộc đời của Người sẽ sống mãi!

Người không bao giờ chết cả!

Cái chết của Người sẽ sống mãi!

Cuộc đời và cái chết của Người đã trở lên rạng rỡ!

(Amin1, trích bài đăng trên Báo 14 tháng 10 số ra ngày 07/9/1969.

13. Hồ Chí Minh, ngôi sao trên bầu trời cách mạng

 Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những hình ảnh thân yêu nhất của phong trào cộng sản quốc tế, đồng chí là tượng trưng cho khối đoàn kết của chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên toàn thế giới. Hàng triệu, hàng triệu người từ La Habana tới Mátxcơva đang nghiêng cờ trước người anh hùng đã khuất. Đó là sự thể hiện lòng đau thương của giai cấp công nhân thế giới đối với Người chiến sỹ vĩ đại đã từ trần. Hôm nay, toàn nhân loại đang để tang Người.

… Đồng chí Hồ Chí Minh là tượng trưng cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp nhất của con người và phẩm chất của nhân dân Việt Nam đang đương đầu chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống chiến tranh hóa học, chống tội ác của bọn dã man đang cố gắng một cách vô ích nhằm dập tắt ngôi sao của chủ nghĩa xã hội tại khu vực này của Châu Á, bằng cách giết chóc hàng loạt.

Đồng chí Hồ Chí Minh là tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng vô hạn làm cho Việt Nam trở thành tấm gương đẹp nhất của loài người. Thanh niên, công nhân, trí thức, những anh hùng đã chiến thắng tra tấn và tù đày, tất cả đều công nhận tấm gương sáng ngời đó: Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng ta đã thấy rõ sự kết hợp giữa hai trào lưu cơ bản của cuộc cách mạng trong thời đại chúng ta: Cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng của các dân tộc thuộc địa.

Trong cuộc đấu tranh, chống thực dân Pháp trước kia và xâm lược Mỹ ngày nay, đồng chí Hồ Chí Minh là người lãnh đạo nhân dân Việt Nam, là lãnh tụ của Đảng. Không có gì có thể chiến thắng được Việt Nam, vì chủ nghĩa anh hùng, ý chí kiên cường, vì phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, của những cán bộ được Đảng rèn luyện: Không thắng được Việt Nam vì so sánh lực lượng trên thế giới đã thay đổi, dù bọn đế quốc có dùng tội ác cũng không thể phá vỡ được mắt xích trong phe xã hội chủ nghĩa và đẩy lùi được lịch sử…

Hồ Chí Minh, nhà yêu nước và chiến sỹ quốc tế.

Ngày 19 tháng 5 năm 1969 đồng chí Hồ Chí Minh tròn 79 tuổi. Hơn 50 năm trong đời mình, Người đã hiến dâng cho cuộc đấu tranh cách mạng và đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn đặc tính cơ bản của người cộng sản: Đó là lòng yêu nước và tinh thần quốc tế. Đồng chí Hồ Chí Minh muốn tìm con đường giải phóng dân tộc qua lịch sử đấu tranh của các nước khác. Ở Pháp, Người đã làm việc và tự nuôi sống bằng đồng lương của mình và Người tiếp xúc với những tư tưởng của Lênin. Về sau, Người đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Học thuyết Mác - Lênin đã thấm vào tâm hồn Người. Người đã đi tới chủ nghĩa cộng sản từ khát vọng giải phóng dân tộc.

Đồng chí Hồ Chí Minh đã đi tới chủ nghĩa cộng sản khi Người tìm thấy ở Lênin và Quốc tế Cộng sản những câu trả lời về cuộc cách mạng của các nước thuộc địa, những điều mà đồng chí đã khao khát tìm kiếm.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của một người cộng sản. Người là hiện thân của hình ảnh mà Lênin gọi là “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, Người đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp chung.

Đồng chí Hồ Chí Minh có sự hiểu biết rộng lớn. Người là một cán bộ mẫu mực, bất khuất, có khả năng đấu tranh vì tự do, vì sự vĩ đại của con người, vì niềm tin ở sự tất thắng của cách mạng, cho dù gông cùm có treo trên cổ. Trong nhà tù, Người viết những bài thơ tuyệt đẹp…

Đồng chí Hồ Chí Minh trở thành một nhân vật thần thoại đối với nhân dân về tính khiêm tốn, giản dị, hết sức nhạy cảm về chiến thuật, kiên quyết và trung thành với nguyên lý cách mạng, giàu lòng nhân đạo và trên khuôn mặt Người lúc nào cũng giữ một nụ cười hiền hậu.

Tháng 7 năm 1946, khi Người ở Paris, một nhà báo phương Tây phỏng vấn Người, trong đó có một câu hỏi về thời gian Người bị tù đày. Với nụ cười trên môi, Người trả lời: “Bạn có biết không, thời gian ở tù thì bao giờ cũng dài”. Bị giam cầm cùm xích, Người làm thơ và mỉm cười. Trong nụ cười, người tù đã biểu thị niềm tin vào cách mạng vào cuộc đời.

Chúng tôi gặp đồng chí Hồ Chí Minh tươi cười như vậy, luôn luôn mỉm cười.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lao to lớn, là lãnh tụ quốc tế, tên tuổi của Người được cả thế giới biết đến và kính trọng. Người ta mang chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc đấu tranh... Người ta làm thơ, sáng tác bài hát ca ngợi Người.

Là người Mácxít - Lêninnít có khả năng thuyết phục và trung thành, Người đã áp dụng học thuyết bất diệt của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Khi Người chuẩn bị thành lập Đảng thì ở Việt Nam đã có nhiều trào lưu cách mạng, trào lưu tư sản và tiểu tư sản, trào lưu bắt nguồn từ nông dân… Người đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cùng với giai cấp công nhân tiên phong, lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

… Trong những yêu cầu của việc thành lập Đảng, đồng chí Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò Đảng của giai cấp công nhân, Đảng để lãnh đạo cách mạng, đào tạo nên những lãnh tụ của mình và các lãnh tụ đó trở nên vĩ đại trong quá trình sát cánh cùng nhân dân đấu tranh và phục vụ Đảng.

 Đảng mà Người thành lập rất mạnh vì có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng. Nhờ vậy, ngày nay nhân dân Việt Nam trở thành một khối thống nhất đứng lên đấu tranh chống xâm lược. Không có quần chúng thì một nhóm nhỏ táo bạo không thể nào làm cách mạng được. Cách mạng là sự nghiệp chung của quần chúng, nó phải được một chiến lược và chiến thuật thích ứng lãnh đạo, phải thấm nhuần tư tưởng Mácxít- Lêninlít của Đảng, của giai cấp công nhân người rèn luyện lực lượng xã hội của cách mạng.

Hồ Chí Minh, một trong những người con vĩ đại nhất của thời đại và của sự nghiệp chúng ta.

Hôm nay chúng ta làm lễ tưởng niệm một trong những con người vĩ đại nhất của thời đại chúng ta và của sự nghiệp chúng ta.

Chúng ta nghiêng cờ trước một trong những vị anh hùng chân chính nhất, trước một chiến sỹ vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế, của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, trước một nhà Mácxít - Lêninlít, trước một lãnh tụ chân chính của Đảng, một hình ảnh và một tấm gương mẫu mực.

Trong bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” viết nhân ngày vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta từ trần, đồng chí Hồ Chí Minh đã kết luận như sau:

“Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.

Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay là ngôi sao trên bầu trời của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, đang chỉ đường cho chúng ta bằng ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong sự nghiệp của tất cả chúng ta, nhất định Người sẽ sống mãi.

(R.Arixmendi3, trích bài đăng trên tạp chí Extuđiốt, tháng 9 năm 1969)

14. Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập Mỹ

Các nhà sử học Mỹ luôn nói (có phần nào không đúng) rằng Hồ Chí Minh đã mở đầu Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam bằng việc trích dẫn “Tuyên ngôn” của Mỹ. Cụ Hồ có kiểm tra lại trích dẫn của mình không? Nếu có thì thế nào nhỉ? Trả lời được câu hỏi ấy, chúng ta có thể đoán được chính xác rằng liệu Cụ Hồ có ngẫu nhiên hoặc cố ý sửa đổi trích dẫn từ bản Tuyên ngôn của Mỹ.

Vào tháng 8 năm 1945, ông Charles Fenn, một nhân viên của OSS (bí danh là “Hamlet”) đặt mật danh cho Cụ Hồ là “Lucius”, tên vị Hoàng đế La Mã chiến thắng trong vở bi kịch đầu tiên của Shakespear là Titus Andronicus.

Hồ Chí Minh lại vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Cụ đã kiểm tra lại các trích dẫn: “Lucius” điện cho “Hamlet”. “Hamlet” đã soát lại tại thư viện của Chính phủ Mỹ. Cụ Hồ đã đổi câu trong bản dịch Tiếng Anh của mình.

Bản Tuyên ngôn của Mỹ viết:

“… Chúng tôi coi đây mà một chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông (tôi gạch dưới) sinh ra đều bình đẳng…”

“… We hold these truths to be sefl-evident, that all men (emphasis mine) are created equal…”

Khi Tuyên ngôn của Mỹ viết năm 1775 “mọi đàn ông” (all men) là “đàn ông da trắng có sở hữu”, mà “sở hữu” lúc đó thường là “nô lệ da đen”. Đàn ông da đen có quyền được đi bầu cử 95 năm sau đó; phụ nữ Mỹ được đi bầu cử 50 năm sau nữa.

Khác với Tuyên ngôn của Mỹ, “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu:

“Tất cả mọi người (tôi gạch dưới) đều sinh ra có quyền bình đẳng…”

“All people (emphasis mine) are created equal…”

Hơn nữa, cách chọn từ của Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi của mình “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng là chỉ ra được ý định tập hợp mọi người dân. “Đồng bào” là “cùng trong bọc trứng” mà theo huyền thoại gốc của Việt Nam là do bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con: 50 người lên núi và 50 người xuống đồng bằng.

Tuyên ngôn Độc lập” của Cụ Hồ bao hàm ngôn ngữ tổng hợp như “dân” (people, common people); “nhân dân” (citizens) và “dân tộc” (nation, the people) cũng là từ chính thức để chỉ bất cứ dân tộc nào trong năm mươi tư dân tộc của Việt Nam. Từ tiếng Việt để chỉ “đàn ông” (men) không hề xuất hiện ở đây.

Năm 1945, Việt Nam còn là một xã hội Nho giáo, phụ nữ phải tam tòng: Còn nhỏ phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng và khi chồng chết thì phải theo con trai (câu nói của Khổng tử: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Người phụ nữ lúc đó không bao giờ được tự thuộc về chính bản thân mình.

Hồ Chí Minh rất giỏi tiếng Anh: Cụ phân biệt được “đàn ông” (men) và “mọi người” (people). Với việc chỉ sửa một từ trong bản dịch của mình, Cụ Hồ đã khôn khéo nhưng cuối cùng cũng thông báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: Đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam.

 (Lady Borton4, Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa hòa bình, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb. Văn hóa Sài Gòn ấn hành, 2005)

Khánh Linh (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:

1. Nhà báo Yêmen.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tra.237.

3. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Urugoay.

4. Lady Borton là một phụ nữ Mỹ gắn bó với Việt Nam, bà đã có mặt ở Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh để làm những công việc từ thiện. Cho đến nay bà vẫn tham gia giúp đỡ nhiều hoạt động văn hóa ở Việt Nam.


 15. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng không nghĩ tới mình

Tấm gương của nhân dân Việt Nam

Nói đến một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều ân hận là Người đã qua đời trước khi hoàn thành sự nghiệp cách mạng và đạt được mục đích giành độc lập hoàn toàn cho một nước Việt Nam thống nhất mà Người đã cống hiến cả đời mình.

Đồng chí Hồ Chí Minh là một người đã cảm hóa tất cả mọi người Việt Nam từ già đến trẻ. Người là một con người thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị. Hình ảnh vị anh hùng không nghĩ tới mình, trước sau như một của Người từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Minh trước đây đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Cộng (Mặt trận Dân tộc giải phóng) ngày nay đã cổ vũ và trở thành tấm gương cho hàng chục vạn thanh niên Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ.

Từ khi bắt đầu ném bom miền Bắc, Mỹ đã dùng mọi cách tàn phá những công trình công nghiệp, y tế, giáo dục, tất cả đều được xây dựng sau khi thắng Pháp, hầu như tất cả những di sản của tổ tiên để lại cũng đều trở thành những đống gạch vụn do bom đạn của Mỹ, nhưng toàn thể nhân dân miền Bắc Việt Nam đều nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” dù có bị tàn phá nặng nề đến thế nào, dù cả Hà Nội và Hải Phòng có bị tàn phá chăng nữa.

Trong thời gian miền Bắc bị ném bom ác liệt nhất, một nông dân Việt Nam đã nói với tôi: “Ném bom quả là đáng sợ thật, nhưng so với ách chiếm đóng của bọn thực dân thì không nghĩa lý gì. Có bị tàn phá thì chúng tôi xây dựng lại”.

Làm việc ở ngoài hiên

Một chuyện điển hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh là sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Người đã đặt Văn phòng Chủ tịch ở một căn nhà nguyên là chỗ ở của những nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền của Pháp trước đây. Còn Phủ Toàn quyền, Người chỉ chuyên dành cho các cuộc tiếp đãi chính thức.

Khi tôi hỏi Người: “Văn phòng của Chủ tịch nước ở đâu?” Câu trả lời của Người làm tôi kinh ngạc: “Lúc nào trời sáng thì ở ngoài hiên, khi trời mưa thì ở trong buồng ngủ”.

Sự thực là Người không có một ngôi nhà nào khác. Khi tôi đến thăm Người mặc bộ quần áo vải nâu mà những nông dân thường mặc và đi đôi dép cao su lốp ô tô, Người ra đón tôi như đón một người quen cũ. Tác phong giản dị, không cầu kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời không thay đổi.

Một con người ít nói

Một đặc điểm nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người trình bày những sự việc hết sức phức tạp bằng những lời lẽ ngắn gọn, dùng những hình ảnh hết sức trong sáng khiến ai cũng có thể hiểu được.

Sau khi Mỹ đưa quân đội chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, có dư luận cho rằng có thể chúng sẽ tiến công ra miền Bắc. Tôi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh là nếu quân Mỹ làm như vậy thì kết quả sẽ ra sao?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để cho tôi liên tưởng tới chuyện con cáo bị mắc bẫy một chân rồi trả lời tôi: “Nếu cứ giãy giụa lung tung định hòng thoát bẫy thì còn chân kia cũng sẽ mất nốt. Nếu Mỹ dám tiến công miền Bắc thì kết quả rồi sẽ như vậy”.

Lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cũng đã được thấy những hình ảnh tả thực, được nghe những câu nói ngắn gọn như những lời tiên tri như vậy. Đó là vào đầu tháng 3 năm 1954. Tuy mới đặt chân lên đất nước Việt Nam, nhưng trên đường tới đây tôi đã được nghe Đài Phát thanh Hà Nội, lúc này cũng vẫn còn ở trong tay người Pháp, đưa tin về tình hình hoạt động của quân Pháp ở phía sau quân Việt Minh từ căn cứ Điện Biên Phủ. Khi đó, tên Điện Biên Phủ mới bắt đầu được nói tới trong cuộc chiến tranh, do đó tôi đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh liền đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ nói: “Đây là Điện Biên Phủ, một thung lũng có núi bao bọc xung quanh”. Sau đó người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp: “Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở xung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được”.

Đó là xu thế tất nhiên và lịch sử đã chứng minh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đúng.

Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, tôi lại hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người nghĩ như thế nào đối với việc Mỹ tuy thừa nhận là họ không thể thắng được trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam nhưng lại huênh hoang bằng cách ném bom miền Bắc, chúng sẽ có thể thắng được. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Mỹ đã tính lầm nếu cho rằng dựa vào việc tàn phá miền Bắc bằng bom đạn, chúng sẽ không thể thắng được ở miền Nam, chúng tôi quyết không ngừng chiến đấu, dù là 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Cuộc chiến đấu của chúng tôi là chính nghĩa, chúng tôi được sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới kể cả nhân dân Mỹ. Chúng tôi sẽ thắng”.

Ấn tượng nổi bật nhất mà bất cứ ai lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều cảm thấy là trí tuệ tập trung ở đôi mắt đen ngời sáng của Người, là lòng nhân đạo và sức hấp dẫn làm cho người tới thăm thấy gần gũi ngay với Người. Ấn tượng thứ hai là khả năng đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề bằng những lời lẽ ngắn gọn và rất trúng. Điều này chứng tỏ Người nắm rất chắc một cách toàn diện nội dung bàn luận.

Người không những biết sử dụng rất nhiều thứ tiếng Âu, Á, đồng thời còn rất hiểu tình hình trong nước của những người khách đến thăm.

Lịch sử sẽ dành cho Người vinh dự của một vị lãnh tụ vĩ đại mà thế kỷ XX đã sinh ra. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi ca ngợi Người.

(U. Bớcsét1, trích bài đăng trên Báo Mainichi Simbun Nhật Bản số ra ngày 10/9/1969)

16. Hồ Chí Minh, người bạn của tôi

Êríc Giôhansơn2, năm nay 70 tuổi, là kỹ sư và họa sĩ sống tại Thụy Điển từ năm 1938, nhưng sinh tại Đrexđen. Bố mẹ ông là người Thụy Điển. Ông được giáo dục tinh thần cách mạng trong giới cấp tiến của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Đrexđen đầu thế kỷ này. Thủa thanh niên sôi động của họa sĩ Êríc Giôhansơn mang đầy những sự tích kỳ diệu, trong đó có cuộc gặp mặt kéo dài hàng tháng của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Êríc Giôhansơn kể lại: Năm 1924, khi tôi phụ trách cuộc triển lãm nghệ thuật quần chúng đầu tiên của Đức được tổ chức ở Mátxcơva và đang quan sát việc sắp xếp các tác phẩm nghệ thuật tại ngôi nhà mà hiện nay là Bách hóa tổng hợp GUM thì có một người bước vào. Thoạt đầu tôi tưởng rằng ông là một người Nhật Bản, sau mới biết ông là người Việt Nam. Ông tự giới thiệu tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Ông tỏ ra là người say sưa nghệ thuật. Cuộc bàn luận sôi nổi giữa chúng tôi kéo dài đến tận đêm khuya tại một tiệm ăn ở Mátxcơva.

Trong suốt thời gian tôi ở Mátxcơva, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau để nói chuyện về nghệ thuật và chính trị. Ái Quốc - Tôi vẫn gọi Người bằng cái tên ấy, là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người rất uyên bác. Ngay lúc đó, người đã biết tới 28 thứ tiếng. Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi, khoảng bốn tháng, người đã học được rất nhiều tiếng Thụy Điển và người đã có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng.

Người nghiên cứu tiếng Nga tại Đại học Phương Đông. Rời Mátxcơva, Người có thể sử dụng tốt vốn hiểu biết về ngôn ngữ của mình và trở thành phiên dịch cho Brôđin người Liên Xô, Cố vấn của Tưởng Giới Thạch lúc đó. Với thái độ thân mật, lịch thiệp của mình, người bạn mới của tôi rất được yêu mến trong giới họa sĩ chúng tôi...

- Vâng, thế về chính trị thì sao? Quan điểm của Người thế nào?

Người vừa lí tưởng vừa thực tế. Cũng như tôi, Người ủng hộ chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP). Chính sách đó làm cho Mátxcơva không bị thiếu những sản phẩm nhu yếu.

Vừa nghiên cứu, Người vừa là đại diện của các dân tộc thuộc địa trong quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, Người không hề là người cộng sản giáo điều. Toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Người hướng vào việc giải phóng Việt Nam...

- Thế Người suy nghĩ về việc giải phóng Việt Nam như thế nào?

Bằng cách tổ chức khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, Người không cho rằng việc giải phóng đất nước có thể thực hiện được bằng cải cách dần dần hay thông qua một sự giải phóng dội từ trên xuống. Người cho rằng một cuộc đảo chính đơn giản không thể thực hiện được. Khi ở Mátxcơva, Người nói chuyện rất say sưa về việc tổ chức càng nhiều càng tốt những nhóm vũ trang của những nông dân và công nhân tại Việt Nam. Đó là những tế bào có thể hợp thành hạt nhân của một cuộc khởi nghĩa mà Người tin chắc chắn sẽ nổ ra. Sự mô tả của Người về tội ác của thực dân Pháp đã gây một ấn tượng rất sâu sắc trong chúng tôi. Chúng tôi thì làm hết sức mình để giúp đỡ Người.

- Có bao giờ người mô tả về đất nước Việt Nam sau giải phóng hay không?

Có chứ! Người hay nói về vấn đề này lắm chứ! Mơ ước của Người là một đất nước Việt Nam tự do và độc lập như với các nước Nga, Pháp, Anh, Mỹ. Người kể về đất nước mình, một đất nước hàng trăm năm bị hết nước lớn này đến nước lớn khác đô hộ và lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cuộc chiến đấu  lâu dài chống giặc ngoại xâm từ mọi phía.

Bằng cách tiến hành đấu tranh vũ trang, Người muốn chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của nước ngoài và xây dựng một nước Việt Nam độc lập. Như tôi đã nói, Người ủng hộ nhiệt tình chính sách kinh tế mới của Lênin. Người nghĩ rằng đại thể một chính sách như vậy cũng sẽ phải có ở một nước Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh những người nông dân làm ăn tập thể, lại còn có những người làm ăn cá thể nữa. Người không chống lại việc còn những người thợ thủ công và thương nhân cá thể, nhưng cho rằng nhân dân phải có ảnh hưởng trong đời sống kinh tế cá thể.

Đại thể là cương lĩnh của Người gần giống như Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển. Nhưng, Người phê phán rất gay gắt xu hướng xã hội dân chủ lúc bấy giờ. Cũng như chúng tôi, những người đã có kinh nghiệm về Đảng Xã hội dân chủ Đức, Người coi xã hội dân chủ nói chung là phản động và tham nhũng; do đó xã hội dân chủ không thể tách mình khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa quân phiệt. Người công nhận một cách thoải mái những gì chủ nghĩa tư bản làm được, nhưng cho rằng nó đã hết vai trò lịch sử và cần được thay bằng một xã hội mới.

- Có bao giờ Người mơ ước trở thành lãnh tụ của Việt Nam không?

Nếu có thì Người cũng không bao giờ nói ra điều ấy. Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín về cá nhân. Người có thể trở thành lãnh tụ, nhưng không phải bằng một cái gì bề ngoài, mà bằng học thức, bằng sự hiểu biết và bằng trí tuệ của Người.

- Thế các ông vẫn giữ liên hệ với nhau đấy chứ?

Rất tiếc là không. Người rời Mátxcơva vào dịp Nôen năm 1924 và từ đó, tôi không còn nhận được tin tức về Người. Nhân dịp Người 75 tuổi, tôi thấy bức chân dung Người trên một tờ báo. Tôi cảm thấy khuôn mặt trông quen lắm. Thế là tôi lấy bức chân dung của Nguyễn Ái Quốc rồi đến bộ biên tập tờ báo nọ và đề nghị họ cho xem bản gốc tấm ảnh của Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi nhận ra vành tai với hình dạng đặc biệt trên bức ảnh nọ chính là người tôi đã vẽ chân dung năm 1924. Sung sướng quá, tôi viết một bức thư chúc thọ nhân kỷ niệm Ngày sinh của Người.

(Êríc Giôhansơn2, bài đăng trên báo Buổi chiều của Thụy Điển, số ra ngày 26/12/1967)

17. Nhớ Bác Hồ ở Trường Quốc tế Lênin

Chiều 14 tháng 5, đầu mùa Hè ở Mátxcơva mát mẻ. Những bức tường nhà trên phố Goócki nổi tiếng ở trung tâm thành phố vẫn sáng lên trong ánh nắng cuối ngày. Tôi đến gặp một nữ đồng chí đã làm việc với Bác Hồ ở Trường Quốc tế Lênin. Khách sạn “Luých” nay mang tên "Xentơrannaia" vẫn giữ nguyên dáng dấp như thời Bác đã từng nghỉ ở đây trong lần đầu tiên đến Liên Xô. Qua khỏi khách sạn chừng vài trăm mét, tôi rẽ vào một ngõ mang cái tên mộc mạc: “Ngõ ba cái ao”, có lẽ đã có từ thời Mátxcơva mới ra đời. Bà Liđia Xamôilốpna Pháctơ (Lidya Samoilovna Faktor) - người mà tôi đến gặp - ở trong một căn nhà yên tĩnh, sâu trong ngõ. Ngôi nhà gạch màu đỏ ít nhất cũng cùng thời với khách sạn Luých. Bà tiếp tôi trong một căn phòng nhỏ, giản dị trên tầng ba. Căn phòng kê một giường ngủ, một bàn đọc sách, một tủ sách và vài thứ đơn sơ khác. Ở tuổi 75, bà vẫn linh hoạt trong cách nói, vẫn tinh tế khi nhận xét những điều gì thuộc về tình cảm, mặc dù trông bà không khỏe lắm so với tám năm trước, khi tôi gặp lần đầu. Đó là một phụ nữ đôn hậu, vẫn giữ lại những nét riêng của thời con gái - người bạn gái thời thanh niên của nhạc sĩ Đimitơri Sôxtacôvích.

Bà ôn lại kỷ niệm những năm công tác ở Quốc tế Cộng sản, đó là những năm không bao giờ phai mờ trong ký ức của bà, có thể nói là những năm quý giá nhất trong cuộc đời bà. Bà thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, từng làm phiên dịch ở cơ quan Quốc tế Cộng sản. Bà kể:

“Hồi đó, tôi cũng có chút thiệt thòi. Từ khi vào làm ở cơ quan Quốc tế Cộng sản, gần như tôi không còn có điều kiện quan hệ với bạn bè cũ nữa, họ cũng không biết tôi làm việc ở đâu. Nhưng được tiếp xúc với những người trong Quốc tế Cộng sản, những con người sâu sắc, am hiểu nhiều, lăn lộn trong hoạt động cách mạng, trong trường đời, thật sự là một niềm vui, một nguồn động viên rất lớn đối với tôi. Về nguyên tắc, chúng tôi chỉ làm phần việc mình được giao, không bao giờ đi quá phạm vi đó. Vào khoảng tháng 4 năm 1935, một đồng chí tên là Lin mà chúng tôi quen gọi là Lilo xuất hiện trong nhóm nói tiếng Pháp ở Trường Quốc tế Lênin. Nhóm có vài chục người, phần lớn là các đồng chí người Pháp, một số đồng chí người Bỉ. Duy nhất có đồng chí Lin là người Châu Á mà tôi hiểu là từ Đông Dương tới. Không như các đồng chí khác trong nhóm, đồng chí Lin tương đối thạo tiếng Nga. Đồng chí thường mặc áo ngoài cài khuy cổ màu sẫm. Đồng chí luôn luôn nói nhẹ nhàng, điềm đạm không bao giờ lên cao giọng, nhưng rất có duyên với những câu đùa hóm hỉnh”.

Bà Liđia Xamôilốpna hồi đó chỉ biết những học viên của Trường Quốc tế Lênin là các cán bộ lãnh đạo của các Đảng Cộng sản trên thế giới đến nghiên cứu về những vấn đề lý luận và phương pháp vận động cách mạng. Sau này, khi nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là đồng chí Lin, bà mới biết rằng, hồi đó đồng chí Lin vừa hoàn thành một sứ mệnh cách mạng cực kỳ lớn lao là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng vừa trải qua hai năm đầy sóng gió ở Hồng Kông, thoát được nanh vuốt của bọn mật thám Anh, Pháp, trở lại Liên Xô sau bảy năm hoạt động ở vùng Đông Nam Á, Trung Quốc. Bà Liđia nói: “Đồng chí Lin là người đứng tuổi hơn cả trong nhóm nói tiếng Pháp, bao giờ cũng điềm tĩnh và đặc biệt là rất yêu trẻ con”.

Bà kể tiếp: Chuyện gia đình của đồng chí Lin tôi không rõ và đồng chí cũng không bao giờ kể. Song qua cái nhìn và cách xử sự của đồng chí, tôi hiểu đồng chí Lin yêu quý trẻ con như thế nào. Vào dịp tôi sắp sinh cháu, đồng chí Lin ái ngại cho tôi vẫn cứ phải lên dịch trong những buổi thuyết trình. Đồng chí đã dịch giúp cho tôi trong một số buổi. Tất nhiên, đồng chí không phải là người phiên dịch chuyên nghiệp, nên có lần tôi góp một vài ý đồng chí vui vẻ nói: “Bạn thân mến. Tôi sẽ cố gắng để bạn yên tâm”. Tôi sinh cháu trai vào 13/8/1936. Chồng tôi là một học viên trong nhóm nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi sống với nhau được rất ít, vì chồng tôi trở về nước hoạt động. Biết tin tôi sinh cháu, đồng chí Lin và nhiều học viên của trường đã mang hoa đến mừng tôi. Sự quan tâm của đồng chí đến mọi người là điều tôi không thể nào quên. Mãi 21 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại đồng chí Lin. Lúc này đồng chí đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và dịp Hội nghị Quốc tế Cộng sản và công nhân họp năm 1957 ở Mátxcơva, tôi làm phiên dịch ở buồng máy. Chắc là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra giọng tôi qua ống nghe, nên cuối buổi họp đầu tiên, Người đã lên tận buồng máy cảm ơn và ôm hôn tôi. Tôi còn gặp Người ở hai hội nghị sau đó nữa, lần nào Người cũng gặp tôi và khen việc dịch thuật của tôi.

Bà Liđia ngừng lại, đăm chiêu suy nghĩ. Kỷ niệm về những năm hoạt động sôi nổi trong cơ quan Quốc tế Cộng sản 50 năm làm khuôn mặt của bà tươi trẻ trở lại. Trong cách sống giản dị của bà hiện nay, trong suy nghĩ của bà về cuộc đời mang dấu ấn rõ rệt của những người cộng sản quốc tế bà đã gặp, của đồng chí Lin mà bà rất yêu quý.

Tôi tạm biệt bà trong đêm Mátxcơva rất yên tĩnh và đi trở lại theo con đường mà nửa thế kỷ trước Bác Hồ đã nhiều lần đặt chân lên. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng như huyền thoại của Người, đã có bao nhiêu người được gặp Người, và có lẽ đối với ai, Người cũng để lại những dấu ấn sâu sắc.

(Liđia Xamôilốpna Pháctơ4, bài viết trong sách Chủ tịch Hồ Chí Minh
 với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Nxb, tr 503-505.)

Khánh Linh (tổng hợp)
Còn nữa

Ghi chú:

1. Nhà báo Ôxtrâylia.
2. Êríc Giôhansơn gặp Nguyễn Ái Quốc tại Mátxcơva năm 1924. Hai người sau đó trở thành bạn thân. Họ bàn luận về nghệ thuật và chính trị. Hồ Chí Minh làm người ta khâm phục vì sự hiểu biết rộng và thái độ thân mật, niềm nở của Người. Họa sỹ Êríc Giôhansơn đã vẽ bức chân dung đặc biệt của Hồ Chí Minh, đề năm 1924. Đây là bài phỏng vấn của Guxtáp Xgiécxbéc với họa sỹ Êríc Giôhansơn.
3. Họa sỹ Thụy Điển.
4. Nhà cách mạng Nga.


 18. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vĩ đại trong sự giản dị và giản dị trong sự vĩ đại

Ba tôi - Chủ tịch Xu-pha-nu-vông thường hay kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về Bác, về thân thế và sự nghiệp của Người và về những đức tính quý báu của Người như tính giản dị, nhân hậu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng yêu thương, quan tâm săn sóc của Bác đối với mọi người. Ba tôi nói: “Tuy ba xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc lớn nhất thuộc giai cấp phong kiến trước kia ở Lào, nhưng nhờ có Đảng, có cách mạng và đặc biệt là có sự tận tình giúp đỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ba mới thực sự trở thành một con người có ích cho nhân dân, cho cách mạng”. Có lần, ba tôi được vinh dự làm việc với Bác Hồ, trời bỗng trở lạnh, không ngần ngại, Bác Hồ liền cởi ngay tấm khăn quàng cổ mà Bác ưa dùng khoác lên vai ba tôi và nói Người tặng luôn ba tôi làm kỷ niệm… Cảm động trước sự săn sóc của Người, ba tôi đã giữ chiếc khăn đó mãi bên mình và coi như một vật kỷ niệm quý báu nhất. Sau này, ba tôi tặng lại cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Là con gái của một nhà cách mạng Lào nên tôi vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vài lần cùng với gia đình chúng tôi. Những cuộc gặp gỡ đó đã để lại những ấn tượng không bao giờ quên trong đời tôi. Tôi còn nhớ hồi nhỏ khi đang theo học trường tiểu học cùng với các bạn Việt Nam tôi vinh dự được cùng với một số học sinh được chọn đi tặng hoa Bác Hồ, khi Bác đến thăm trường chúng tôi và khuyên tôi nên cố gắng học giỏi, ngoan để mai sau trở về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Lào cho thật tốt, thật xứng đáng là con của ba tôi… Tôi hết sức cảm động về những lời khuyên chân thành của Bác đối với tôi.

Khoảng giữa năm 1962, gia đình tôi được vinh dự đến thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Trông Bác vẫn như xưa, vẫn khuôn mặt hồng hào, vầng trán cao, cặp mắt to trong sáng, giọng nói ấm áp. Người thân mật hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, mời chúng tôi ăn bánh kẹo, uống nước chè thơm với Người. Sau đó, Bác Hồ bảo tôi hát cho Bác Hồ nghe, rồi Bác khen hay, tặng tôi một bông hồng rất đẹp, rất thơm, Bác nói vui: Con gái ông “Hoàng đỏ” có khác (vì ba tôi theo cách mạng mà) vừa đẹp người, học giỏi lại hát hay, thật hơn hẳn con gái ông “Hoàng xanh”… Cả nhà chúng tôi đều cười vui vì câu nói vui, tế nhị, đầy tình cảm cách mạng của Bác. Riêng tôi, tuy hơi xấu hổ vì Bác quá khen nhưng lòng cảm thấy ấm áp vì tình cảm chân thành của Bác và nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tấm lòng của Bác đối với gia đình chúng tôi.

Đầu năm 1967, được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm gia đình chúng tôi tại nhà nghỉ ở Hà Nội, má tôi giục tôi ăn mặc và trang điểm cho thật đẹp, thật lộng lẫy ra đón Bác cho xứng đáng là con gái của ba má. Tôi nói là ăn mặc bình thường, giản dị thôi cũng được, miễn sao sạch sẽ, gọn gàng, vì dù sao Bác Hồ cũng ưa giản dị. Như để chứng minh cho lời nói của tôi, vừa trông thấy tôi ra đón, Bác Hồ thốt lên: “Cháu Kiều Nga đấy à, (Kiều Nga là tên mà ba má đặt cho tôi khi tôi theo học ở Việt Nam), trông cháu đẹp, gọn gàng như một nữ du kích Hoàng Ngân hay nữ du kích miền Nam Việt Nam ấy!” (Hồi đó còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên chúng tôi ăn mặc quần áo sẫm màu, một phần để tránh máy bay Mỹ bắn phá, một phần để dễ hoạt động, đi lại, nên khi ra đón Bác, tôi vận bộ đồ bà ba: Quần đen, áo xanh sẫm, cổ quấn chiếc khăn rằn màu xanh). Tuy hơi bất ngờ vì câu nói vui của Bác, nhưng tôi cảm thấy lòng ấm áp vì nghĩ mình nói đúng. Ba tôi vui vẻ mỉm cười. Còn má tôi im lặng, không nói gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy đó! Người giản dị trong sự vĩ đại và vĩ đại trong sự giản dị!

Mỗi lần được gặp Bác, được ở bên Người, tôi cảm thấy như mình được nâng lên, được là một con người với đúng ý nghĩa của nó. Bên Bác, tôi cảm thấy thanh thản, cảm thấy tự tin hơn và muốn vươn lên để đạt tới một điều gì đó cao quý hơn, tốt đẹp hơn.

Lần cuối cùng gia đình chúng tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào khoảng đầu năm 1969. Bác đến tận nhà riêng thăm chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chạy ra đón Bác. Ba tôi ôm hôn Bác, còn chúng tôi nắm tay Bác, lòng xúc động lạ thường. Trông Bác dạo đó gầy hẳn đi. Nghe Bác nói không được khỏe, chúng tôi thương Bác quá… Thế rồi sau lần chia tay với Bác hôm đó, gia đình chúng tôi trở về vùng giải phóng Viêng Xay một thời gian thì được tin Bác Hồ mất. Ba, má và tất cả anh em trong gia đình chúng tôi đều khóc thương tiếc Bác như đã từng khóc thương anh trai cả Arin-ha Tham-ma-xin Xu-pha-nu-vông thân yêu của chúng tôi bị bọn phản động tay sai của đế quốc Mỹ sát hại cách đó hai năm. Cả gia đình tôi đã cùng với các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vùng giải phóng nghẹn ngào để tang Bác bằng những mảnh vải đỏ - đen gắn trên ngực, trên vai áo của mình. Chúng tôi cùng chia sẻ nỗi đau buồn to lớn đó với nhân dân Việt Nam anh em. Mỗi khi nhắc tới đất nước Việt Nam tươi đẹp, tới nhân dân Việt Nam anh hùng là ai ai cũng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những chỉ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến sỹ kiên cường, anh minh, sáng suốt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là người đã sáng lập ra Đảng cộng sản Đông Dương đã từng đánh thắng ba tên đế quốc là Nhật, Pháp, Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc - là tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và là Người đã dày công vun đắp cho tình hữu nghị  đoàn kết đặc biệt Lào - Việt tươi thắm mãi…

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua,

Việt - Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Bác Hồ đã đi xa nhưng những vần thơ đẹp của Bác ca ngợi tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam vẫn đằm thắm và đầy ý nghĩa như thế. Bác như nhắn nhủ lại cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, trí thức và nhân dân hai nước chúng ta làm theo lời Bác, vì đó là yếu tố đã, đang và sẽ giúp ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào của chúng tôi cũng thường khuyên chúng tôi hãy làm theo lời Bác, hãy hết sức giữ tình đoàn kết Lào - Việt như giữ gìn “con ngươi của mắt mình” và trong mọi hành động, hãy lấy nhân dân làm gốc, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân… Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy đó! Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn Người và quyết tâm sống, làm việc học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại!

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tôi xin có mấy vần thơ kính dâng Bác và cùng bài viết này xin tặng Ban Biên tập báo Nhân Dân và các bạn Việt Nam thân mến của tôi:

Bác Hồ tuy đã đi xa,

Nhưng hình ảnh Bác chan hòa trong tim.

Giúp ta vững bước tiến lên,

Giúp ta chiến thắng xây nền tương lai.

Việt - Lào hạnh phúc ngày mai,

Muôn đời ơn Bác, nhớ hoài Bác ơi!

                                  Viêng Chăn, 08 tháng 5 năm 1990.

(Nhọt Kẹo-ma-ni Xu-pha-nu-vông1, trích bài đăng trên Báo Nhân Dân 
số ra ngày 14/5/1990)

19. Trái tim của một chiến sỹ

Trái tim của người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, trái tim của một nhà cách mạng, một chiến sỹ đã ngừng đập. Đồng chí Hồ Chí Minh đã mất. Tôi muốn nhắc lại lịch sử trái tim đó.

Trái tim của Người…, Người đã cống hiến nó cho mọi người, cho dân tộc, cho cuộc đấu tranh giành tự do và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tôi còn nhớ, lúc ở Hà Nội, trong Viện Bảo tàng cách mạng, một cô gái vừa chỉ bức ảnh “đồng chí Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 ở thành phố Tua” vừa nói: “Người là người Việt Nam đầu tiên hiểu được, nắm vững và đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm ngọn cờ của cuộc đời mình”. Lúc đó ở Pháp, một đảng viên cộng sản trẻ từ đất nước Việt Nam xa xôi, đang chảy máu dưới ách thực dân, đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình và hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ.

Năm 1924, người cộng sản trẻ tuổi đó đã đến Mạc Tư Khoa (Mát-xcơ- va) hy vọng gặp Lênin và đau đớn được tin Lênin không còn nữa. Và lúc đó trên báo Tiếng còi xuất hiện bài: “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, phía dưới ký một cái tên chưa ai biết: Nguyễn Ái Quốc. Đó là biệt hiệu của đồng chí Hồ Chí Minh, trong đó nói lên lòng tin vào thắng lợi của những lời di chúc của vị lãnh tụ của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và là lời thề trung thành với chủ nghĩa Lênin.

Lịch sử trái tim của Người là lịch sử đấu tranh của một dân tộc. Người là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân đã đứng lên đấu tranh cho tự do và đã chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám.

Tôi nhớ đến những cuộc gặp gỡ với các chiến sỹ cách mạng lão thành của Việt Nam. Họ kể lại rằng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai có súng dùng súng, Ai có gươm dùng gươm…” xông lên chiến đấu cho tự do đã đem lại cho mọi người biết bao nghị lực và lòng tin. Trái tim của Người, Người đã hiến dâng nó cho cuộc đấu tranh của nhân dân…

Tôi rất hân hạnh được gặp đồng chí Hồ Chí Minh và nói chuyện với Người. Lúc đó ở Hà Nội chỉ hai giờ sau khi tôi đến đây. Khi tôi nhìn Người, một con người tuyệt vời, tôi hiểu ra được rằng tại sao người ta nói đến đồng chí Hồ Chí Minh không những với lòng tôn kính mà còn cả với lòng trìu mến đặc biệt.

Có lẽ bạn sẽ không biết Người giữa muôn người khác và sẽ không phân biệt được Người về dáng dấp bên ngoài, vì Người cũng như mọi người khác. Nhưng không thể không biết Người, bởi vì Người không phải như mọi người. Người là Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ những phút gặp gỡ đầu tiên, dáng đi nhẹ nhàng và những cử chỉ khỏe mạnh đã làm tôi ngạc nhiên. Người còn có đôi mắt lạ thường - đôi mắt trẻ trung, sáng ngời, hóm hỉnh, Người hỏi tôi như người cha: “Cháu đến lâu chưa?” - Thưa Bác, cách đây hai giờ”… Người nói một cách nhiệt tình, theo kiểu nói thanh niên và đồng thời rất nghiêm chỉnh.

Lúc đó, tôi cùng với Người đi xem triển lãm nhân dân Liên Xô đoàn kết với cuộc đấu tranh của Việt Nam, xem phim về miền Nam Việt Nam rất lâu và tôi bày tỏ mong muốn được đi thăm miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “… Hãy đi vào các tuyến lửa của chúng tôi. Xem nhân dân chúng tôi đang sống và chiến đấu ra sao. Hãy viết về tinh thần dũng cảm của họ, hãy viết về thanh niên anh hùng của chúng tôi, hãy kể với mọi người về sự phá hoại của Mỹ”.

Tôi đã đi nhiều ở Việt Nam, tôi đã gặp rất nhiều người và ở mọi nơi, trên mâm pháo cũng như trong công sự của các chiến sỹ tự vệ, trên đồng ruộng cũng như trong xưởng máy, đâu đâu tôi cũng nghe thấy những tiếng nói thân yêu, trìu mến: “Chúng tôi là con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những người nghèo khổ đến với Người với cả một niềm vui sướng. Người rất quan tâm đến cuộc sống của mọi người và khiêm tốn cho đến ngày cuối cùng như dân tộc của Người đã sống.

Việt Nam đang đeo băng tang. Trái tim của đồng chí Hồ Chí Minh đã ngừng đập, trái tim của một người đã ngừng đập nhưng trái tim của lịch sử không ngừng đập. Một con người đã từ giã cõi đời, nhưng nếu người đó cống hiến cả cuộc sống của mình, cả tài năng cách mạng của mình cho cuộc đấu tranh để giành thắng lợi của chủ nghĩa Mác  - Lênin, giành tự do cho dân tộc mình và nếu người đó cùng máu mủ với nhân dân thì người đó là bất tử. Một trái tim đã ngừng đập - Không! Hãy lắng nghe và bạn sẽ thấy tiếng đập của nó trong hàng ngàn, hàng triệu trái tim của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hồ Chí Minh là người bạn lớn của nước Xô Viết, của nhân dân Liên Xô. Tình hữu nghị đó của Người sẽ là lời kêu gọi củng cố hơn nữa các quan hệ của chúng ta, củng cố tình đoàn kết của các dân tộc Việt - Xô.

(IRin-na Lép-tren-cô2, trích trong Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr.20-33)

20. Bác Hồ - một pho lịch sử đấu tranh

Bác sĩ Hồ Chí Minh(3) - được mọi người thân mật gọi là Bác Hồ - là một nhân vật thần kỳ đối với miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam. Không có vị lãnh tụ của một dân tộc nhỏ nào đã từng ghi lại một dấu ấn sâu sắc đến thế trong lịch sử của thời đại mình, như Bác Hồ. Có nhiều lãnh tụ đã lãnh đạo nhân dân họ giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị thực dân và đã làm một cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ. Nhưng chưa một ai phải đối phó với những khó khăn ghê gớm như Bác Hồ, trong một cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài như vậy, chống lại cả một loạt kẻ thù.

Hồ Chí Minh thuộc thế hệ của Găng-đi và Nê-ru, thế hệ Châu Á đã từng thách thức và đánh bại chủ nghĩa đế quốc Châu Âu vốn có 200 năm lịch sử. Người đối với nhân dân Việt Nam chẳng khác nào Giăng-đi và Nê-ru đối với nhân dân Ấn Độ. Nê-ru đã nhận xét về người như sau: “Người không phải chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, người là một con người của quần chúng - một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất; xếp theo bất cứ tiêu chuẩn nào, người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta...”.

1. Năm 1914, Người ở Luân Đôn, làm đầu bếp trong một khách sạn, ở đây Người đã tham gia một tổ chức chống thực dân, do người Trung Quốc lãnh đạo, mang tên “Lao động hải ngoại”.

2. Năm 1924, bác sĩ Hồ Chí Minh sang Mátxcơva với tư cách là một đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản và năm sau người lại đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội quốc tế nông dân, cũng họp ở Mátxcơva. Người ở lại nước Nga xô viết từ năm 1924 đến năm 1925 để học tập nghệ thuật lãnh đạo cách mạng…

Cuối năm 1925, Bác Hồ về Trung Quốc, làm việc trong Lãnh sự quán Liên Xô với tư cách là phiên dịch và trợ lý cho cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc Dân đảng... Sau khi Tưởng Giới Thạch cắt đứt quan hệ với những người cộng sản năm 1927, khiến cho những người cộng sản phải đi vào hoạt động bí mật, Người lại sang Mátxcơva. Thời gian này, Người đã trở thành một trong những nhân vật chủ chốt của Quốc tế Cộng sản. Là người lãnh đạo Cục Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Cụ Hồ chịu trách nhiệm về các vấn đề của phong trào cộng sản trong một khu vực bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và Nhật Bản.

Trong phần lớn thời gian của những năm 1930, bác sĩ Hồ Chí Minh là một nhân vật hoạt động ở hậu trường. Người đã giúp vào việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Singapore và đã từng bí mật đi qua nhiều nơi ở Đông Nam Á, khi thì hóa trang là một nhà sư, khi thì đóng vai là một người hành khất, hoặc có khi lại là một nhà buôn lớn...

Ngày 19/8/1945, các lực lượng Việt Minh của Cụ Hồ Chí Minh tiến quân thắng lợi vào Hà Nội, đánh đuổi phát xít Nhật, và 02/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập. Tháng 01 năm 1946, Tổng Tuyển cử toàn quốc được tiến hành và Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch, trong số 300 Quốc Hội mới có 230 đại biểu thuộc mặt trận Việt Minh.

Trong khi đó, ngày 06/3/1946, nước Pháp tuy không muốn hoàn toàn từ bỏ Việt Nam, nhưng đã buộc phải công nhận xứ bảo hộ cũ của nó là một quốc gia tự do trong khối “Liên hiệp Pháp”. Cụ Hồ tuyên bố kháng chiến toàn quốc và kêu gọi đồng bào của Cụ đánh đuổi thực dân Pháp, cứu lấy Tổ quốc. Ngày 21/7/1954, sau chín năm kháng chiến, Pháp đã bị đánh bại. Một Hiệp định ngừng chiến đã được ký kết ở Genève, nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền. Ngoài những điểm khác, Hiệp định có điều khoản quy định rằng sau hai năm sẽ tuyển cử để giải quyết tương lai của đất nước bị chia cắt này.

Sau khi hòa bình được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam bắt đầu khôi phục một cách thuận lợi nền kinh tế của mình. Cải cách ruộng đất thành công về cơ bản. Chính phủ của Cụ Hồ đã không ngừng thực hiện chính sách củng cố hòa bình, thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ và đấu tranh để thống nhất Tổ quốc. Năm 1960, Cụ Hồ lại được bầu làm Chủ tịch nước.

Trong khi đó, năm 1959, ở miền Nam Việt Nam lực lượng du kích xuất hiện. Cụ Hồ Chí Minh đã chứng minh sự có mặt của các lực lượng đó là do chính quyền Nam Việt Nam từ chối tuyển cử như đã ghi trong Hiệp định Giơnevơ. Mỹ là kẻ xâm lược, Mỹ đã viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Cụ Hồ cho rằng chính quyền Sài Gòn do đế quốc Mỹ dựng lên, và do hành động can thiệp của mình, Mỹ đã vi phạm hiệp định Giơnevơ, ngăn cản sự thống nhất đất nước Việt Nam.

“Việt cộng” ngày càng mạnh và hiện nay đối lập với ngụy quyền, họ đã thành lập chính quyền song song trên những bộ phận rộng lớn của đất nước mặc dù Mỹ đã ném hơn nửa triệu quân vào miền Nam Việt Nam. Trong suốt ba năm kể từ năm 1965, dù đã ném bom liên tục và nặng nề xuống miền Bắc Việt Nam, Mỹ vẫn thất bại, không làm cho tình hình có thay đổi gì đáng kể. Mỹ đã buộc phải thừa nhận không thể trông chờ vào bất cứ thắng lợi quân sự nào và con đường duy nhất của nó là rút khỏi Việt Nam. Thực tế, chính trong cuộc chiến tranh nhằm đánh đuổi bọn can thiệp Mỹ, người Việt Nam đã thể hiện rõ bản chất dân tộc thực sự của họ. Chính là nhờ có Bác Hồ hơn là nhờ ở bất cứ ai khác, mới có một phong trào phản đối sâu rộng như vậy ở Mỹ hiện nay, chống lại sự can thiệp vũ trang của Mỹ vào các nước khác.

Có một lần Bác Hồ nói với một nhà báo Mỹ: “Người già thích giữ lại cho mình một vài điều bí ẩn nhỏ”. Có lẽ vì thế nên người ta biết rất ít về đời tư của Người.

Bác Hồ quen sống một cách khiêm tốn ở căn nhà của Người trong khu vườn lâu đài của viên quan toàn quyền Pháp cũ, giản dị với đôi dép và bộ quần áo theo kiểu lão nông. Người là một nhà thơ, một họa sĩ điêu luyện, một người viết chữ nho đẹp. Cụ Hồ cũng thích đá bóng. Ngoài các ngôn ngữ thông dụng ở Việt Nam và Trung Quốc, người nói được tiếng Pháp, Anh, Đức, Nga, Tiệp, Nhật và một ít tiếng Bồ Đào Nha. Một nhà báo Anh đã có nhận xét trong cuốn sách của mình rằng Cụ Hồ Chí Minh có được cái chất hiếm thấy trong các lãnh tụ Cộng sản: Người có tài vui nhộn, cởi mở, giàu tưởng tượng... Tóm lại Người là Bác Hồ của tất cả mọi người - đúng như Người đã tự nhận.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoàn toàn chưa phải đã kết thúc và Bác Hồ không còn sống để nhìn thấy ngày thắng lợi cuối cùng. Nhưng một khi hòa bình và thống nhất trở lại với đất nước và tên lính ngoại xâm cuối cùng rời khỏi mảnh đất Việt Nam, thì chính Cụ hơn bất cứ ai khác, sẽ là Người mà nhân dân Việt Nam, đời đời mang ơn.

(N.K.Xinh, trích bài đăng trên Báo Người yêu nước, số ra ngày 14/9/1969)

Khánh Linh (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Con gái của Cố Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xu-pha-nu-vông
2. Nữ văn sĩ Liên Xô
3. Năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trường đại học Pátgiagiaran (Inđônêxia) trao tặng bằng bác sĩ danh dự nhân dịp Người sang thăm Inđônêxia.


 21. Bác Hồ, một cuộc đời vì nhân dân

“Nếu đồng chí muốn đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên K thì ngay sáng mai, 5 giờ sáng, đề nghị đồng chí đợi chúng tôi ở ngã ba T.Đ trên đường đi Tuyên Quang”.

Tôi hết sức sung sướng và cảm động khi nhận được những dòng thông báo trên đây, do Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi cho. Thế là một trong những mong ước lớn nhất của tôi sắp trở thành hiện thực. Tính từ ngày đặt chân tới Việt Nam đã hai tháng còn gì! Dịp ấy, tôi được cử dẫn đầu một đoàn cán bộ Cộng hòa Dân chủ Đức gồm năm nhà văn, nhà báo và nhà điện ảnh sang thăm Việt Nam các đồng chí từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 1 năm 1955. Các bạn điện ảnh đang quyết tâm hoàn thành hai bộ phim tài liệu quý về đất nước và con người Việt Nam; còn tôi, tôi cũng phải mang về nước mình những gì có ích cho nhân dân. Tôi ao ước có ngày được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của nhân dân Việt Nam và sẽ viết một bài về Người. Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, trước đó cũng đã có người giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nhưng thường là mang tính chất tiểu sử, tư liệu. Chúng tôi biết rõ người đã từng hoạt động bí mật ở Đức, từng có quan hệ mật thiết với các lãnh tụ của phong trào công nhân Đức như Clara Détkin, Vin hem Pích1… Tôi nghĩ rằng chắc chắn Người có nhiều kỷ niệm và những mối thiện cảm với nhân dân Đức. Càng nghĩ, tôi càng bồi hồi, không sao ngủ được. Ở Việt Nam, trong những ngày tháng này, tôi đã có những đêm khó ngủ như thế. Dạo ấy, Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, trên đất nước này diễn ra bao sự kiện quan trọng. Khi tôi đặt chân tới Việt Nam, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng đang cúi đầu rút khỏi Hà Nội. Nhưng Nam Định và một vài địa phương khác vẫn còn trong tay chúng. Hồi này, việc cưỡng ép di cư vào Nam đối với những công giáo ở các vùng Bùi Chu, Phát Diệm đang được các thế lực phản động tiến hành ráo riết.

Sáng ấy, tôi dậy rất sớm, cẩn thận cất vào túi mảnh giấy có dòng thông báo quan trọng về việc đi gặp Bác Hồ và vội vã lên đường. Tại ngã ba T.Đ tôi nhập vào đoàn xe như đã hẹn. Khi đoàn xe dừng lại trước bờ sông thì mặt trời đã nhô ra khỏi rặng tre, đỏ lựng. Tôi nhìn thấy những chiếc thuyền nan đang chờ khác tới. Tôi cùng mọi người xuống thuyền. Trong số đó có một ông cụ bịt kín mặt bằng chiếc khăn len, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Trên bờ sông, có những người chỉ trỏ Ông Cụ đang nhanh nhẹn bước xuống thuyền và thì thầm gì đó vào tai nhau. Ông Cụ ngồi khuất trong một góc kín, đã bỏ chiếc khăn len ra khỏi mặt. Người phụ nữ lái thuyền và tôi cũng nhận ra ngay: Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thật xúc động, muốn bước tới chào Người nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi chỉ ngồi im. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ trong trường hợp như vậy đấy.

Làng khuất sau một bãi chuối xanh rì. Con đường hẹp từ bờ sông dẫn vào làng không dài lắm nhưng dốc. Tôi đi trong tốp đầu, nhận ra ngay trong một căn nhà tranh khá rộng, có đông người đang ngồi trên những dãy ghế dài. Người dẫn đường nói nhỏ với tôi:

Đó là Hội nghị cán bộ cải cách ruộng đất. Tôi gật đầu vào lúc này tôi mới hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một Hội nghị quan trọng. Căn phòng khá rộng, được trang trí giản dị. Phía trước Hội trường là bức chân dung cỡ lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, treo trên nền cờ đỏ sao vàng. Có tới 2.000 người tham dự Hội nghị. Tôi đang chờ dịch nghĩa mấy câu khẩu hiệu căng ở hai phía Hội trường thì mọi người nhộn nhịp đứng cả dậy hô lớn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!...”

Bác Hồ tươi cười vẫy chào mọi người và bước lên bục. Tiếng hoan hô vẫn vang dậy. Không thể không xúc động trước nhiệt tình của những người cán bộ đối với vị lãnh tụ của mình. Nhưng khi Người bắt đầu nói thì Hội trường trở lại im phăng phắc một cách kỳ lạ.

Người nói liền trong một tiếng đồng hồ. Như một người cha, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi những cố gắng của cán bộ và khuyến khích họ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được trao. Tôi nhớ nhất câu người nói: Cuộc cải cách ruộng đất cũng là một cuộc cách mạng đầy gian khổ, tuy không vũ trang. Các cô, các chú cũng là một loại binh chủng. Đó là binh chủng đấu tranh quét sạch tàn dư của chủ nghĩa phong kiến. Người cũng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện chưa thật gần gũi quần chúng của một số cán bộ. Người nhấn mạnh: Muốn đạt kết quả tốt, các cô, các chú phải dựa vào quần chúng, tức là dựa vào bà con nông dân. Phải biết kính trọng, yêu mến họ, vì chính họ là lực lượng chủ yếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Họ đã khổ cực rất nhiều, đã hy sinh rất nhiều. Và lúc này chúng ta có nhiệm vụ đem lại cho nông dân một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các cô, các chú hãy gần gũi họ, lắng nghe họ, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với họ. Và chỉ như vậy, các cô, các chú mới có nghị lực để vượt qua những khó khăn trong công tác. Bác tin các cô, các chú sẽ làm được như vậy!

Người vừa dứt lời, cả Hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy. Bác Hồ nhẹ nhàng rút trong túi ra 15 chiếc Huy hiệu của Người và để trên bàn. Bác hỏi:

Bác biết tặng cô, chú nào những chiếc Huy hiệu này đây? Tốt nhất là các cô, các chú chọn ra những người xuất sắc nhất! Các cô, các chú đồng ý với Bác nhé!

Mọi người lại vỗ tay reo lên sung sướng...

Đoàn xe đi chậm lại, rồi dừng hẳn. Đồng chí bác sĩ tùy tùng của Bác nói với tôi:

- Chúng ta tạm nghỉ để ăn sáng đã.

Một vài đồng chí bộ đội trải khăn ra dọn ăn. Bác Hồ đang ngồi bên một gốc cây thông. Lúc này tôi mới dám đến gần Người. Bác Hồ mỉm cười chào tôi bằng tiếng Đức:

- Mời đồng chí ngồi xuống đây!

Các đồng chí khác cũng quây quần bên Người. Bữa ăn sáng thật đơn giản: Cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Tôi cũng lấy thức ăn mang theo, nhưng Bác Hồ bảo ăn cùng với người.

Thoạt tiên Bác Hồ nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn Người nói bằng tiếng Đức. Giữa một vùng quê Việt Nam hùng vĩ, được nghe Người, nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, nói tiếng nói của dân tộc chúng tôi, tôi không khỏi xúc động. Và trong giây phút ấy, tôi thoáng nghĩ về quê hương, nơi hàng chục năm về trước Bác Hồ đã đặt chân tới. Người cho biết: Hồi ấy, Người chỉ ở Berlin một thời gian ngắn, vì cảnh sát truy lùng rất gắt gao. Các đồng chí cách mạng Đức bố trí Người đến ở các vùng Noikhoen, Vétđinh và sau cùng xuống Semnitxo, tức là tỉnh CácMácxtát ngày nay. Vùng này yên ổn hơn, phong chào công nhân mạnh. Người nhắc đến Vinhhem Pích, vị Chủ tịch đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức, với một tình cảm đằm thắm. Người đưa mắt nhìn ra xa, rồi quay lại nói với tôi: “Phong trào công nhân Đức là cả một lực lượng mạnh!”

Bác Hồ chợt quay lại phía tôi, cười hiền hậu:

- Ở Berlin, bia “bốc” còn ngon như trước không?

Tôi phải bật cười và không khỏi ngạc nhiên bởi vì, sau mấy chục năm trời, Bác Hồ vẫn còn nhớ đến loại bia mạnh có tiếng bên Đức. Người cho biết: Khi ở Berlin, Người thường đến ăn tại tiệm “Asinhngo”, một tiệm ăn rẻ tiền giá mỗi bữa chỉ 20 xu, thường có món súp đậu, còn bánh mì thì để trong một cái đĩa to đặt giữa bàn, ăn thoải mái, không phải tính tiền. Tiệm ăn này đông khách lắm, phần lớn là sinh viên và dân nghèo. Thỉnh thoảng Người có mua một cốc bia “bốc” để uống.

Tôi lặng lẽ nhìn gương mặt Bác. Đó là gương mặt của một người cha suốt đời chịu đựng hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình. Người nói như tâm sự: Tôi ít khi được ngồi nghỉ ngơi như thế này. Đồng chí bác sĩ của tôi khuyên thỉnh thoảng nên nghỉ một chút và quả là làm như vậy tốt hơn.

*

Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng tôi dừng lại ở một làng quê ven sông Hồng. Chúng tôi theo Người bước trên con đường trải nhựa, chạy ngoằn nghèo trong xóm, lẫn trong bóng mát của những rặng chuối tiêu. Các em nhỏ nô đùa trong sân chạy ùa ra sân vì thấy có khách lạ. Được Bác Hồ đưa tay xoa đầu, một em gái nhoẻn miệng cười sung sướng, nhưng hẳn em không thể ngờ được rằng người xoa đầu em chính là Bác Hồ.

Chị chủ nhà vừa đi làm đồng về, đang cho trâu vào chuồng, nghe thấy tiếng người vội quay lại: Trước mặt chị là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn mặt chị cũng đủ hiểu chị rất xúc động trước điều vui sướng bất ngờ này. Chị cúi chào Người kính cẩn theo kiểu chào ở nông thôn Việt Nam và mời Người vào nhà. Chị vội vã đun nước và rót mời khách. Chúng tôi uống cạn những chén nước nhỏ, thầm cảm ơn lòng mến khách của chị chủ nhà. Bác hỏi chuyện làng xóm. Chị thưa với Người là nhờ cải cách ruộng đất, chị vừa được chia một thửa ruộng. Bác Hồ hỏi việc cày bừa có vất vả không. Chị trả lời:

- Thưa Bác, cháu trai lớn của cháu mới được phục viên giúp cháu nhiều. Và vừa hôm qua, Ủy ban cũng vừa chia cho một con trâu.

Chị cười sung sướng:

- Bây giờ cháu giàu thật rồi Bác ạ!

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cười. Nhưng gương mặt chị bỗng nhiên đượm một vẻ buồn. Chị thưa với Người. 

- Giá như nhà cháu còn sống mà thấy cảnh này thì thật thỏa lòng. Nhà cháu hy sinh ở mặt trận Hòa Bình Bác ạ!

Nghe chị nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lặng đi một lát, chừng như thấu hiểu nỗi lòng người vợ của một chiến sỹ vô danh và đang tìm lời an ủi chị. Bác nói với chị, giọng trầm hẳn xuống: “Ngay từ những ngày đầu, khi bước vào con đường đấu tranh cho tự do, chúng ta ai nấy đều hiểu rõ không phải mọi người đều sẽ về tới đích. Chắc chắn sẽ chịu những hy sinh, mất mát. Mỗi người trong chúng ta đều cống hiến cuộc đời mình cho tự do của đất nước. Một số đồng chí đã ngã xuống! Chúng ta không bao giờ quên công ơn của họ. Và chúng ta có nhiệm vụ làm cho con em họ, gia đình họ được no ấm hơn. Sự biết ơn của Tổ quốc đối với họ không phải là nói suông...”.

*

Người tiếp tục đến thăm các gia đình khác trong làng. Hệt như một người cha đi vắng lâu ngày về thăm các con vậy. Điều gì Người cũng muốn biết: Lúa cấy ra sao, sức kéo có đủ không; bao nhiêu cháu học cấp một, cấp hai…

Người cũng không ngần ngại lắng nghe cả những phân trần của bà con trong việc phân chia ruộng đất, trâu cày. Đó là những lời nói thật thà, cởi mở. Còn có thể tin ai hơn Bác Hồ - người suốt đời chăm lo lợi ích của nông dân, công nhân, luôn luôn chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của họ? Nhưng cái chính là họ đều thưa với vị Chủ tịch của mình về những đổi mới tốt đẹp. Họ khoe với Người về căn nhà tranh mới xây, về bát cơm đầy, về tấm áo lành lặn. Và Bác Hồ, người cha hiền từ của họ đã mỉm cười hài lòng. Người cầm tay họ, ân cần khuyên bảo điều này, điều nọ. Không ít người đã khóc vì vui sướng, xúc động.

Cuộc chia tay thật là nặng nề. Tưởng chừng những nông dân ở khu vực sông Hồng này không thể rời khỏi vị lãnh tụ kính yêu của họ được.

Xe chúng tôi đã đi được một chặng đường rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn triền miên trong ý nghĩ về cái làng Việt Nam với những con người chân chất, hồn hậu ấy. Và tôi lại càng nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người đã, đang và sẽ không ngừng mang cho họ một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mặt trời tỏa ánh nắng dìu dịu trên những đồng lúa xanh biếc. Vụ này hẳn sẽ được mùa.

(Phranxơ Phabe2, trích trong sách Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr. 223-232).

22. Một lãnh tụ không chuộng nghi thức

Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh là vào dịp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do Chủ tịch Nô-xa-ca Xan-dô dẫn đầu sang thăm Trung Quốc năm 1959. Lần đầu để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc là vào dịp họp Hội nghị lần thứ 81 của Đảng Cộng sản và Công nhân ở Mát-xcơ-va năm 1960. Với tư cách là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản, tôi đã đến thăm đồng chí Hồ Chí Minh… Đồng chí ngồi xếp bằng tròn trên một chiếc ghế và thân mật nói chuyện với tôi… Tới năm 1964, trong lần Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản chúng tôi sang thăm Hà Nội, đồng chí Hồ Chí Minh đã đặc biệt thân hành đến thăm chỗ chúng tôi ở.

Cái hôn

Lần này cũng vậy, đồng chí đến thăm chúng tôi không phải với kiểu cách đặc biệt trịnh trọng, không dẫn theo nhiều người, cũng không đi vào cửa chính chỗ chúng tôi ở mà đến với chúng tôi một cách hoàn toàn tự nhiên, thoải mái. Đồng chí nói chuyện với chúng tôi và hoan nghênh chúng tôi không một chút nghi thức phiền phức nào. Đồng chí đã ôm hôn chúng tôi, coi chúng tôi như những người Việt Nam, như những người bạn nước ngoài rất thân thiết.

Ngay trong buổi chiêu đãi chính thức chào mừng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản chúng tôi cũng vậy, đồng chí Hồ Chí Minh cũng hết sức thân mật, vui vẻ như gặp lại những người đồng chí lâu ngày xa cách…

Chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đến thăm nhà riêng chúng tôi ở và nói với chúng tôi những câu chuyện vui thoải mái, tất nhiên cũng có cả những câu chuyện chính trị. Mỗi lần nói chuyện xong, Người đều nói: “Chào các đồng chí”, rồi đồng chí ra về rất tự nhiên. Có một lần, khi xuống thang gác ra về, phóng viên nhiếp ảnh đề nghị: “Xin Chủ tịch cho chụp một kiểu ảnh ở đây”. Với một giọng vui vẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thế à, nào thì chụp!”. Rồi Người ngồi ngay xuống bậc thang và bảo tôi: “Mời đồng chí ngồi xuống đây!”. Thế là chúng tôi có được tấm ảnh chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một việc đó cũng chứng tỏ đồng chí Hồ Chí Minh không chuộng nghi thức một chút nào.

Vừa là phòng đọc sách, vừa là buồng ngủ

… Chủ tịch Hồ Chí Minh mời chúng tôi đến thăm ngôi nhà Người ở. Ngôi nhà thật giản dị.

Vừa vào tới nhà, Người ngồi xếp bằng tròn ngay lên giường và nói: “Mời các đồng chí ngồi xuống đây”. Nơi Người ở vừa là chỗ ngủ, vừa là phòng đọc sách. Người đã tiếp chúng tôi tại đây.

… Những điều trên đây làm tôi thực sự hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 30 triệu nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc tôn kính, tin cậy và thương yêu vô hạn.

Khiêm tốn, gần gũi

Các đại biểu của nhân dân Việt Nam đã sang thăm Nhật Bản nhiều lần. Chúng tôi có ấn tượng là những người Việt Nam sang thăm Nhật Bản đều rất khiêm tốn, giản dị. Tôi cảm thấy chính phẩm cách, tác phong đặc biệt khiêm tốn, giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng sâu sắc đến Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hòa sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Ngôi Nhà sàn giản dị

Trong dịp chúng tôi sang thăm Việt Nam năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo chúng tôi: “Mời các đồng chí lúc nào đến chỗ tôi chơi”. Đây là một ngôi Nhà sàn bằng gỗ, giản dị và nhỏ như những ngôi nhà của những công nhân, viên chức hạng thấp ở Tô-ky-ô. Ở cầu thang có mắc chuông gọi. Khách đến thăm giật chuông báo trước. Cái chuông này do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm lấy. Người chỉ cho chúng tôi xem và nói: “Tiện lắm, các đồng chí ạ!”.

Quần áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như quần áo của nông dân Việt Nam vẫn thường mặc. Hình như Chủ tịch Hồ Chí Minh không có quần áo nào khác ngoài những bộ đó. Người đi dép không mang bít tất. Đó là loại dép cao su cắt từ lốp ô tô ra. Loại dép này Người đi từ thời gian phải leo đèo, lội suối để kháng chiến chống thực dân Pháp, hiện nay đã trở thành một thứ nổi tiếng được gọi là “đôi dép Bác Hồ”.

Điều đáng ngạc nhiên là khi họp Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân ở Mát-xcơ-va đầy tuyết với trang phục như vậy, vẫn với đôi dép cao su đàng hoàng đi vào Điện Krem-li, hoàn toàn như một nông dân Việt Nam chất phác. Người chỉ khác người thường ở đôi mắt sáng ngời, đôi mắt đặc biệt chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Tôi mãi mãi không thể nào quên được đôi mắt đó…

(Ha-ra-ma-đa Xa-tô-mi3 và Yô-nê-ha-ra Y-ta-ru4, trích bài đăng trên báo Acahata, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản số ra ngày 05/9/1969).

Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa


 23. Ở Đại hội Tua

 Năm 18 tuổi tôi đi lính ra trận, tham ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Bố tôi là đồ đệ của Giăng Giôrét, đã giải thích cho tôi hiểu chiến tranh đế quốc chỉ làm lợi cho bọn tư bản và ních chặt thêm két bạc của chúng. Trước khi chiến tranh kết thúc tôi bị thương nặng, được giải ngũ và từ đó tôi căm thù vô cùng những cuộc chiến tranh do bọn đế quốc gây ra.

Năm 20 tuổi, tôi làm thợ xe lửa ở Xômuya và lãnh đạo phong trào bãi công của thợ xe lửa ở đây. Lúc đó chưa có Đảng Cộng sản Pháp, trong Công đoàn Pháp có nhiều phần tử xã hội cơ hội chủ nghĩa, cho nên một số người lập ra “Ủy ban công đoàn đỏ” tỉnh Menêloa. Tôi có chân trong “Ủy ban Công đoàn Đỏ”, bao gồm nhiều ngành lao động trong Tỉnh; tháng 8 năm 1920 Ủy ban Công đoàn Đỏ tỉnh Menêloa và tổ chức “Đoàn thanh niên công đoàn xã hội” cử tôi và hai đồng chí nữa làm đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua.

Cuối năm 1920, chúng tôi đến Tua bằng xe lửa. Tới ga có các đồng chí ở địa phương ra đón. Ba chúng tôi ở trọ tại nhà đồng chí Rơ-véc-đi, thợ xe lửa ở Tua. Đại hội Đảng Xã hội khai mạc vào đúng dịp lễ Noel, ngày 25 tháng 12 năm 1920, tại phòng họp lớn của nhà Mane ở Tua. Sau lưng Đoàn Chủ tịch Đại hội có hai khẩu hiệu lớn: “Giải phóng người lao động là nhiệm vụ của chính người lao động”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Ngoài hành lang, cạnh phòng họp có nơi làm việc của nhân viên Sở Bưu điện để phục vụ nhà báo và các đại biểu. Ban nhạc “Tương lai nhân dân” hát bài Quốc tế ca, sau đó một ban nhạc đồng ca hát hai bài ca cách mạng khai mạc phiên đầu tiên của Đại hội Tua. Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm các đồng chí Mácxen Casanh cùng sáu, bẩy đồng chí khác và Chủ tịch danh dự của Đại hội là cánh thủy thủ Pháp làm binh biến trên biển Hắc Hải.

Đại hội đã trải qua những giờ phút vô cùng sôi nổi. Tôi nhớ nhất lúc Phrốtxa, Tổng Bí thư Đảng đang đọc diễn văn thì nữ đồng chí Clara Đétkin, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, đại diện Quốc tế Cộng sản bước vào Đại hội bất chấp sự bao vây, ngăn cản của cảnh sát Pháp. Một sự kiện nổi bật khác trong Đại hội là lúc Đoàn Chủ tịch giới thiệu với Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cả Đại hội đứng dậy vỗ tay như sấm ran, hoan hô nhiệt liệt người đồng chí Việt Nam có thân hình cao và gầy, khuôn mặt xương xương. Tôi nhớ rõ khung cảnh hoành tráng của Đại hội khi đồng chí Tổng Bí thư Đảng thay mặt Đoàn Chủ tịch ôm hôn đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tiếng vỗ tay vang dội.

Hồi ấy phòng họp Đại hội chưa có micro và hệ thống phóng thanh tốt như ngày nay. Đại hội đã lắng nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, tả lại nỗi thống khổ của 20 triệu người Việt Nam thời đó người ta gọi là người An Nam bị đàn áp, khủng bố, bóc lột thậm tệ dưới ách đô hộ Pháp, bị bọn thực dân dùng rượu với thuốc phiện đầu độc. Đồng chí nêu lên vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau đó, Gôngđơ trên Đoàn Chủ tịch Đại hội tuyên bố trước Đại hội: “Toàn thể Đảng Xã hội Pháp nhất trí phản đối những tội ác và sự lộng quyền của bọn tư bản ở Đông Dương”. Phải nói thêm là đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp giỏi.

Một vấn đề hết sức quan trọng được thảo luận trong Đại hội là vấn đề Đảng Xã hội Pháp gia nhập Đệ tam Quốc tế hay không? Lúc đó trong Đảng có nhiều khuynh hướng mâu thuẫn nhau và các đại biểu trong Đại hội ngồi theo khuynh hướng, những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó ngồi ở phía trái của phòng họp, nhìn từ trên Đoàn Chủ tịch xuống. Bàn các đại biểu xếp theo chiều dọc phòng họp chứ không xếp theo chiều ngang. Đồng chí ngồi ở dãy bàn thứ hai kể từ trái và ngồi cạnh đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê.

Người ta đưa ra trước Đại hội nhiều kiến nghị khác nhau về vấn đề Đảng Xã hội có gia nhập Đệ tam Quốc tế hay không? Có kiến nghị của Casanh - Phrốtxa ở “Ủy ban Đệ tam Quốc tế” đưa ra, kiến nghị Giăng Lôngghê Pôn Pho ở “Ủy ban Tái thiết quốc tế” đưa ra, kiến nghị của “Ủy ban Kháng chiến xã hội” do Lêông Blum và Paoli đưa ra và kiến nghị của Prétxơman. Kiến nghị của Casanh - Phrốtxa chủ trương hoàn toàn gia nhập Đệ tam Quốc tế còn các kiến nghị khác thì chống lại.

Đại hội tranh luận khá náo nhiệt chung quanh các kiến nghị nói trên. Cuối cùng Đại hội bỏ phiếu để quyết định. Kiến nghị Casanh Phrốtxa chủ trương gia nhập Đệ tam Quốc tế đã thắng lợi với đa số phiếu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Đệ tam Quốc tế. Những đại biểu chống việc gia nhập Đệ tam Quốc tế liền rời khỏi Đại hội, rủ nhau đi họp ở những nơi khác. Những người chủ trương gia nhập Quốc tế Cộng sản ở lại, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Pháp và Đại hội của Đảng Cộng sản Pháp mới ra đời tiếp tục họp tại phòng họp nhà Mane ở Tua và như thế đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp.

Riêng tôi không bao giờ quên được hình ảnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua và tôi kính trọng đồng chí ở tinh thần cách mạng vĩ đại và đức tính giản dị vô song. Trong tuổi già này tôi chỉ có một lời chúc chân thành cho nhân dân Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam của đồng chí Nguyễn Ái Quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ giành được hòa bình trong độc lập và tự do thật sự.

(Raun Lácsê1, Trích trong Bác Hồ ở Pa-ri, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.20-23).

 24. Hồi ức về Hồ Chí Minh

Vào giữa những năm 1960, khi đại diện cho phong trào hòa bình Ô-xtrây-li-a tại một hội nghị Châu Âu, tôi được Hội đồng Hòa bình Việt Nam mời tới thăm Việt Nam trên đường trở về Ô-xtrây-li-a. Tại Hà Nội, sau những cuộc thảo luận với Hội đồng Hòa bình, tôi đã được đặc ân thú vị là trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc này xảy ra tại dinh trước đây của cao ủy Pháp ở Đông Dương, nhưng nay là trụ sở chính thức của Chủ tịch và dinh còn được dùng vào những cuộc tiếp đón chính thức. Chúng tôi ngồi trao đổi bên nhau trên chiếc ghế đẩu trong sân đình, cạnh một cái nhà nhỏ. Vào thời thực dân Pháp trước đây, chỗ này là nơi ở của người coi vườn của Cao ủy, nhưng nay là nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thái độ và cách đối xử thân mật, cởi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay lập tức làm người ta thoải mái và cuộc trao đổi sau đó giữa chúng tôi là một cuộc trao đổi giữa hai người bạn đi theo hai đường khác nhau để tìm cách chấm dứt sự xâm lược của đế quốc Mỹ và chư hầu Ô-xtrây-li-a của nó ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh chống áp bức của thực dân Pháp và sau khi giành được thắng lợi Người lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân mình bắt đầu một cuộc đấu tranh mới. Sự can thiệp chính trị và quân sự của Mỹ.

Những cuộc đấu tranh suốt đời để giành độc lập cho đất nước mình đã không làm cho Hồ Chí Minh trở thành một người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, trái lại, Người vẫn là một người quốc tế chủ nghĩa vĩ đại với một nhãn quan thế giới.

Người bảo tôi rằng phong trào phản chiến to lớn đã bắt đầu ở chính nước Mỹ và trở thành phong trào toàn thế giới phong trào lớn nhất trong lịch sử, có tầm quan trọng to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ cho tự do và độc lập và tình đoàn kết quốc tế ấy đánh dấu những bước đầu của một giai đoạn mới trong các mối liên hệ giữa người với người.

Chủ nghĩa quốc tế của Hồ Chí Minh tiêu biểu bởi tinh thần nhân đạo và thương người. Người đã nghiên cứu và đã học ở Pháp và làm việc ở Anh, đồng thời là hiện thân và ủng hộ những ai đấu tranh chống áp bức và bất công xã hội ở Châu Âu cũng như Châu Á. Nói thạo tiếng Pháp và tiếng Anh như tôi đã phát hiện trong cuộc trò chuyện với Người, Hồ Chí Minh nói cả tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Lòng nhân ái của Người biểu lộ đối với cả những kẻ do bọn cai trị của họ phái đi, nhiều khi trái ngược với ý muốn của họ, để tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo chống lại dân thường. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi đi thăm một nhóm nhỏ phi công Mỹ, bị bắn rơi trong các đợt ném bom và nay đang bị giam. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ, bị canh giữ, nhưng được đối xử lịch sự và theo đúng các điều luật quốc tế về tù nhân chiến tranh. Mục đích cuộc đi thăm của tôi, như tôi hiểu, là cho các phi công Mỹ trong những năm bị giam giữ, một sự tiếp xúc với một nền văn hóa và một ngôn ngữ giống như họ. Tôi thảo luận với họ, trả lời một vài câu hỏi của họ và nhận một vài bức thư để trao cho bạn bè, người thân của họ. Tôi không thể hình dung nước Mỹ có cách đối xử tương tự đối với tù binh chiến tranh mà họ bắt được.

Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa sáng tạo vĩ đại và là một người hành động. Chủ nghĩa xã hội ở Người không bè phái cũng không giáo điều, mà nhân đạo và nhân loại. Nhiệm vụ đầu tiên là giành tự do, độc lập cho đất nước, thiết lập một xã hội - xã hội chủ nghĩa với tính cách một bộ phận của cuộc đấu tranh của Châu Á để tự giải phóng mình khỏi sự áp bức và bóc lột của đế quốc nước ngoài. Tư tưởng chính trị của Người chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa xã hội lớn Châu Âu được áp dụng vào một hoàn cảnh Châu Á và điều đó đã đem lại cho nó một ý nghĩa thế giới.

Tấm gương và tinh thần của Hồ Chí Minh sống mãi ở Việt Nam và trong lòng nhân dân Việt Nam. Tuy bị một kẻ thù cô lập hóa nó, Việt Nam sẽ lấy lại vị trí xứng đáng của mình trên thế giới nhờ tinh thần bất khuất mà họ đã biểu lộ một nửa thế kỷ đấu tranh cho các quyền của mình với tư cách một thành viên trong toàn thể cộng đồng thế giới.

(Giônlan (W.E.Gollan)2, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.250).

25. Một con người suốt đời vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội

... Trong Di chúc, văn kiện đặc sắc cuối cùng, biểu hiện sự sáng suốt của đồng chí Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”3.

Người viết như vậy, chính là vì Người hết lòng yêu mến nhân dân Việt Nam và Người mong muốn họ sẽ được sung sướng.

Và cũng chính vì đồng chí Hồ Chí Minh là người suốt đời phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, cho độc lập và tự do, cho Đảng và chủ nghĩa xã hội.

...

Chính nhờ có Đảng và chủ nghĩa xã hội, nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước đầu tiên đã chuyển từ chế độ thuộc địa sang chủ nghĩa xã hội và ngày nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có thể, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lại, chuyển sang gần tới một giai đoạn phát triển mới.

Bởi vậy, người chiến sĩ Việt Nam yêu nước vĩ đại ấy không phải chỉ là người của riêng nhân dân Việt Nam mà còn là người của phong trào cách mạng thế giới, người của phong trào cộng sản quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại của thời kỳ quang vinh trong những năm đầu tiên của Quốc tế III, vì Người bắt đầu hoạt động trong Quốc tế Cộng sản ngay lúc Lênin vừa mất. Chúng ta tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn vì Chủ tịch là một trong những chiến sỹ tiên phong của chủ nghĩa cộng sản, một trong những người đã tổ chức và phát triển phong trào cách mạng trong khắp năm châu bốn biển. Và đặc biệt hơn nữa là đối với chúng ta, những người Cộng sản Pháp, người chiến sỹ quốc tế vĩ đại ấy rất được tôn kính, vì năm 1920, lúc đồng chí Hồ Chí Minh còn ở Pháp, Người đã tham gia Đại hội Tua và do đó Người được coi như một trong những người sáng lập ra Đảng chúng ta. Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa nhân dân ta và nhân dân Việt Nam ngày càng chặt chẽ và thân thiết. Bởi vậy, buổi Lễ truy điệu được tổ chức hôm nay để tưởng nhớ đến người đồng chí của chúng ta, cũng là sự biểu hiện của mối tình đoàn kết hoàn toàn giữa chúng ta với nhân dân Việt Nam.

Cuối cùng, chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vì Người đã có những cống hiến vĩ đại như trên đã nói, mà còn vì đạo đức tuyệt vời của Người và vì ánh sáng mà Người đã tỏa ra khắp nơi. Vị Nguyên thủ ấy, nhà lãnh đạo được mọi người tôn kính ấy, Người đã làm cho bọn đế quốc kinh hồn khiếp vía ấy, chính là một người có đức tính dịu dàng, khiêm tốn, chỉ nghĩ đến người khác. Những đức tính tốt đẹp đó của Người đã biến thành một sức mạnh mà ngày nay, ngay cả trong giờ phút chúng ta tỏ lòng thương tiếc Người, đang được triển khai trên thế giới...

Tuy đã từ trần, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và phục vụ hòa bình.

Bởi vậy buổi Lễ truy điệu được tổ chức hôm nay để tưởng nhớ đến Người không phải là khóc thương thảm thiết một người đã vĩnh biệt chúng ta. Trái lại, sự tưởng nhớ đó phải là sự khẳng định rằng Người sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Đó cũng là sự khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự tất thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và thống nhất tổ quốc của nhân dân Việt Nam - sự nghiệp này là trung tâm cuộc chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành. Sự tưởng nhớ đó phải là biểu hiện lòng quyết tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết của chúng ta trong việc tăng cường ủng hộ về vật chất và chính trị đối với nhân dân Việt Nam cho đến ngày đế quốc Mỹ xâm lược bị đánh bại hoàn toàn.

Vẻ vang và vinh quang thay Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, chiến sĩ yêu nước và chiến sĩ quốc tế mẫu mực.

(Gioócgiơ Mácse4, Trích bài đăng trên báo Nhân đạo cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra 12/9/1969).

26. Hồ Chí Minh là ai?

… Đối với những ai từng biết điều gì xảy ra ở Đông Âu đầu thập niên 1950 thì ở Hà Nội tháng 8 năm 1945 cũng tương tự: Làm tê liệt các lực lượng vũ trang địa phương, cướp lấy công sở chủ chốt và cơ sở phục vụ công cộng. Mọi việc đều có tổ chức. Mọi việc đều được dễ dàng. Thành phố tràn ngập khí thế cách mạng.

Thậm chí Bảo Đại lúc ấy cũng điện cho Đờ Gôn chớ có đem quân Pháp sang Việt Nam: “Ngài có thể hiểu hơn, cho nên Ngài có thể thấy cái gì đang xảy ra ở đây nếu Ngài có thể cảm thấy ý muốn độc lập đã âm ỉ từ đáy lòng mọi người mà không có một sức mạnh nào có thể ngăn lại được nữa. Thậm chí Ngài tới để lập lại một chính quyền Pháp ở đây, người ta sẽ không tuân theo nó nữa. Mỗi làng sẽ là một ổ đề kháng. Mỗi người bạn cũ sẽ trở nên một kẻ thù. Các quan chức của Ngài và cả những người thực dân cũng sẽ xin đi khỏi cái không khí tắc thở này”.

Bảo Đại cảm thấy không thể tránh được ngày 25 tháng 8 chịu thoái vị, nhận chức “Cố vấn” của Chính phủ Việt Minh với cái tên của một công dân: Vĩnh Thụy.

Những ngày này, Cụ Hồ ở ngoại thành Hà Nội. Cuộc hành quân ào ạt được tổ chức chặt chẽ mà Cụ vạch ra từ căn cứ địa đã được các đồng chí của Cụ thực hiện thành công mỹ mãn. Cụ không cần dẫn đầu đoàn đại biểu diễu binh về Hà Nội. Họ đã vào thành phố khoảng ngày 25 tháng 8 nhưng chưa xuất đầu lộ diện. Dân chúng bàn tán về người đứng đầu Chính phủ mới!

- Lãnh tụ Việt Minh là ai? Có phải Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng?

- Một số người nói rằng người ấy là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là ai?

Có người nói Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Hư hư, thật thật. Hư mà thật, thật lại như hư.

Ngày 30 tháng 8, Việt Minh thông báo danh sách Chính phủ. Chủ tịch là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh một cái tên mà lúc ấy hầu như mọi người Việt Nam chưa từng biết đến. Người ta đoán chắc ông là Nguyễn Ái Quốc. Các nhà báo hỏi về gốc tích của Cụ, Cụ trả lời: “Tôi sinh ra là một người nô lệ. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Xét quá khứ của tôi như vậy, các đồng sự của tôi đã bầu tôi đứng đầu Chính phủ”.

Cụ trả lời mà như không trả lời, như thể Cụ nói: “Tên tôi là không quan trọng. Tôi là những nỗi đau khổ của các bạn bị người da trắng cầm tù. Và hơn tôi là người dành cho các bạn. Tâm hồn của các bạn là tôi”.

Như vậy 10 ngày sau khi Nhật đầu hàng, Việt Minh đã kiểm soát được Việt Nam và Cụ Hồ làm Chủ tịch.

(D.HamBớcxtem5, Trích trong Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn Hà Nội, 1995, tr.185-187)

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Sinh năm 1896, xuất thân là thợ xe lửa, tham gia công tác công đoàn của thợ xe lửa Pháp trong nhiều năm, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia kháng chiến chống Đức, bị phát xít Đức bắt năm 1941, sau Chiến tranh thế giới thứ hai lại tham gia hoạt động cách mạng, năm 1951 về hưu và sống ở làng Aru (Arrou) thuộc tỉnh Ơêloa (Eure-et-Loir), cách thị xã Sác (Chartres) khoảng 40km về phía Tây nam.
2. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.498.
4. Chủ tọa buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pari.
5. Nhà báo Mỹ.


 27. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Cam-pu-chia

Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cam-pu-chia chúng tôi đánh giá rất cao tấm gương đạo đức, lối sống trong sạch, tinh thần rèn luyện và cương quyết đấu tranh chống đế quốc, thực dân vì độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con lỗi lạc, vị lãnh tụ sáng suốt của nhân dân Việt Nam anh em. Tấm gương anh hùng cao cả của Người - vị lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia đã được ghi vào lịch sử và trái tim của mọi người dân Cam-pu-chia. Chúng tôi quyết tâm giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị truyền thống anh em Cam-pu-chia - Việt Nam được trường tồn mãi(1) - HIÊNG XOM-RIN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lao vô cùng to lớn, bởi Người đã hy sinh tất cả, kể cả những gì thuộc về tình riêng để tìm đường cứu nước, sát cánh cùng nhân dân đấu tranh, lãnh đạo phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc và nhân dân Việt Nam khỏi ách thống trị của mọi thế lực thực dân. Thắng lợi trong cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam anh em, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có ảnh hưởng lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho sự vùng lên của nhân dân Cam-pu-chia và Lào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam mà còn sống mãi trong trái tim các tầng lớp nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chiến sỹ cách mạng kiên cường của nhân dân Việt Nam mà còn là người chiến sỹ cách mạng tiền bối của nhân dân Cam-pu-chia và Lào. Bởi lẽ Người là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Những đội tiên phong cách mạng đó đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc mình đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ chế độ cai trị thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bành trướng bá quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản bất diệt về truyền thống đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương với những bài học kinh nghiệm vô giá cho cách mạng Cam-pu-chia, cách mạng Lào cũng như cách mạng của nhân dân những nước đang phát triển khác.

Tinh hoa văn hóa và đạo đức của Người là tấm gương tuyệt đối tự giác phục vụ nhân dân, suốt đời đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người viết trong Di chúc là: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là, tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong đời sống thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương tuyệt sáng. Đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chỉ nghĩ đến lợi chung, không tính toán cá nhân bao giờ.

Phẩm chất tuyệt vời trên đây cho thấy cuộc sống trong sáng nhất mực của một con người vĩ đại đã là tấm gương cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Việt Nam cũng như mọi tầng lớp nhân dân cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Cam-pu-chia chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xa chúng ta, nhưng những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hòa bình, công lý và những người tiến bộ trên Trái đất. Tấm gương anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện đó đã được truyền lại cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay nhằm tiếp tục thực hiện Di chúc của Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chỉ sáu năm sau khi Người qua đời nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người rèn luyện và giáo dục đã thực hiện ước mong lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng miền Nam khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giành độc lập và tự do cho Tổ quốc Việt Nam và thống nhất đất nước mình.

Mặc dù Người có công lao to lớn đối với đất nước, Người không thích cho ai nói về đời tư của mình. Người sống giản dị, không bao giờ xa rời nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn mình với nhân dân, quan tâm nghe theo ý kiến quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm không phải một mà tất cả các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, chiến sỹ, trí thức, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, người già, người thiểu số và kiều dân Việt Nam ở nước ngoài… Trong Di chúc, Người đã để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho toàn dân, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể thanh thiếu niên. Đó cũng là tình cảm kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đến công tác xây dựng và vun đắp tình đoàn kết quốc tế. Trong quan điểm của Người, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý, nhân dân tiến bộ thế giới là anh em của nhau. Nhân dân Cam-pu-chia đã nhận được sự giúp đỡ theo tinh thần của chính sách đoàn kết này từ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam, những chiến sỹ quân đội Việt Nam anh em, những người giúp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi ách các loại thực dân, đế quốc và sau cùng là khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari.

Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn to lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, những người cách mạng Việt Nam, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em trong việc thực hiện chính sách đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi.

(NÂY PENA(2), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO: Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh -  Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.55-57)

28. Hồ Chí Minh, Người cộng sản, Người yêu nước và quốc tế chủ nghĩa

Đồng chí Hồ Chí Minh, trước hết là một người cộng sản, một nhà cách mạng đã làm thay đổi thế giới và đặc biệt đã làm thay đổi chính đất nước và dân tộc của Người.

Do những điều kiện của chính nhân dân Việt Nam và do nguyện vọng thiết tha muốn có những biến đổi cách mạng, muốn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp và muốn có một cuộc sống mới, tự do cho nhân dân, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia phong trào cách mạng và phong trào cộng sản từ hơn 50 năm qua.

Cuộc đời của Người là một thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng, đầy trí thông minh, tinh thần trong sáng, hoài bão lớn lao và quyết tâm sắt đá nhằm thực hiện bằng được những mục đích mà Người đã đề ra. Người là bạn chiến đấu của tất cả những lãnh tụ cộng sản vĩ đại trong thời đại của Người.

Người trước tiên tham gia Đảng Xã hội Pháp, rồi trở thành một người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người làm việc trong Quốc tế Cộng sản.

Trong suốt đời hoạt động chính trị lâu dài, với cương vị là một người Việt Nam yêu nước và một người cộng sản quốc tế, người luôn luôn kiên trì một tinh thần tận tụy hy sinh và chí công vô tư.

“Di chúc” cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ sự hòa hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, đã nêu bật sự cần thiết phải tiếp tục đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ thắng lợi hoàn toàn, đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong Đảng Lao động Việt Nam và đã tỏ nỗi đau buồn vì sự bất hòa trong phong trào cộng sản quốc tế.

Giáo huấn của Người đối với những người cộng sản Việt Nam và đối với tất cả những người cộng sản ở các nước khác… Là phải phấn đấu cho sự thống nhất, cho hòa bình, cho chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa xã hội.

Thông qua vô vàn thử thách, thông qua nghiên cứu và công tác thực tiễn, đồng chí Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường đi tới thắng lợi...

Cho đến ngày từ biệt cõi đời, Người không chút e ngại khi nói đến chủ nghĩa yêu nước. Có một vài người cho rằng những người xã hội chủ nghĩa mà lại nói về chủ nghĩa yêu nước thì thật là sai lầm, nhưng thực tế, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến việc giải phóng thế giới.

Vài học giả nêu câu hỏi: “Hồ Chí Minh là một người cộng sản hay chỉ là một người dân tộc chủ nghĩa?” Nhưng đối với những người cộng sản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế là hai mặt của một vấn đề, đó là cuộc đấu tranh để giành quyền lợi cho nhân dân ở chính nước đó và cả cho nhân dân toàn thế giới…

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ, cổ vũ và hưởng ứng của tất cả các tổ chức của phong trào công nhân quốc tế và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa… và Người đã thành công vì được tất cả các nước và các tổ chức ấy ủng hộ.

Không phải tất cả các nước đều có thể đóng được một vai trò cách mạng như Liên Xô và Trung Quốc đã làm, nhưng cuộc đấu tranh ở Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với thế giới, xứng đáng giữ vai trò đứng bên cạnh những nước nói trên.

Phong trào ở các nước khác đã có phần ủng hộ lớn lao cho nhân dân Việt Nam, nhưng nhân dân cách mạng Việt Nam còn đóng góp nhiều hơn vào phong trào của thế giới…

Hồ Chí Minh đã trở thành một khẩu hiệu cổ vũ cuộc đấu tranh chính trị ở chính ngay nước Mỹ, căn cứ chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc thế giới.

… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có phần to lớn vào việc làm cho người ta thấy rõ mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ những ngày đầu trong đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vai trò cách mạng của nông dân trong những điều kiện ở Châu Á và Người đã đề ra lý luận về cuộc chiến tranh lâu dài... Người đã áp dụng một cách sâu sắc thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào chính những điều kiện của đất nước Người.

Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhà lý luận vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế.

Dù là người cộng sản hay không phải người cộng sản, chúng ta, những người đã và đang tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đều phải học tập cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hồ Chí Minh, những học thuyết của Người và “Di chúc” cuối cùng của Người.

Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của Người là đấu tranh cho cách mạng và cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, thường lâu dài và phải được chuẩn bị bằng tất cả mọi con đường có thể có, để trước hết phục vụ cho lợi ích cách mạng và lợi ích của nhân dân lao động trong nước, đồng thời phù hợp với lợi ích chung của phong trào quốc tế.

Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người cuối cùng và vĩ đại nhất trong số những người sáng lập ra phong trào cộng sản quốc tế hiện nay. Chúng ta kính yêu Người và cũng như nhân dân Việt Nam, tất cả chúng ta đều đau buồn trước việc Người từ trần.

Thật là đau xót, đồng chí Hồ Chí Minh đã mất trước khi nhân dân Việt Nam không bao lâu nữa sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi đó sắp đến và thành tựu đó trong rất nhiều thế kỷ, sẽ mãi mãi gắn chặt với tên tuổi đồng chí Hồ Chí Minh, gắn chặt với dân tộc nhỏ bé của Người đã đoàn kết chiến đấu và tranh thủ được sự ủng hộ của toàn thế giới.

(L.A.ARông(3), trích bài đăng trên Báo Diễn đàn, số ra ngày 17 tháng 9 năm 1969).

29. Hồ Chí Minh và những chân lý không thể chối cãi

Ngày nay có ai trên thế giới còn nhớ đến dáng người thanh mảnh như trong huyền thoại, ăn mặc giản dị, đứng cao vời vợi ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945 và tuyên bố vào một giây phút huy hoàng.

“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”

“Có”, quần chúng đồng thanh trả lời.

Sau khi đưa ra những lời nói lừng danh thế giới trong Tuyên bố Độc lập của Mỹ năm 1776, Người đã chuyển sang trích dẫn Tuyên bố của Cách mạng Pháp năm 1789 về quyền công dân và con người.

Con người sinh ra phải được tự do và hưởng quyền bình đẳng. Đó là những chân lý không thể chối cãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quần chúng ủng hộ việc khẳng định các mục tiêu đó.

Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Sinh ra ở miền Trung nước Việt, Người rời Sài Gòn năm 1911, không phải để đi Nhật như những người bất đồng chính kiến thời ấy vẫn thường làm mà sang Pháp để học tập trên đất nước của tự do, bác ái và bình đẳng.

Nhưng cuộc hành trình khắp thế giới không ngừng gợi lên trong trí óc Người những trăn trở. Các hải cảng Châu Phi, Địa Trung Hải, các thành phố Hồng Kông, Xin-ga-po, Niu-oóc, Luân Đôn và Pa-ri, Người đã nhìn thấy tất cả những nơi ấy. Người nói thứ tiếng của họ. Người tiếp thu các câu chuyện của các chủng tộc khác nhau. Người thường lui tới các câu lạc bộ công nhân và học được tại chỗ những thử nghiệm của người dân thuộc địa tại các nước đó. Trong suốt thời gian ấy, Người đã nhận thấy các lập trường và thái độ khác biệt của người Châu Á và Châu Phi đối với các ông chủ da trắng.

Tại Pa-ri, khi được trao cho một bản cuốn sách của Lênin “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Người chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề của nước Việt Nam thuộc địa.

Người đã nghiên cứu cả lý luận cách mạng và cùng làm việc với các nhà cách mạng Trung Hoa tại Pa-ri. Năm 1923, Người dự Hội nghị Nông dân Quốc tế đầu tiên tại Mát-xơ-cơ-va và ở lại đó 3 năm. Năm 1938, Người sống tại Trung Quốc và năm 1941 về hẳn Việt Nam.

Sau ba mươi năm ở hải ngoại vị lãnh tụ cách mạng luôn mai danh ẩn tích, Người vốn là một người dân An Nam khốn khổ, đã thu được vô vàn kinh nghiệm và đã thông thuộc mọi chế độ thực dân, tư bản, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Giống như M. Gan-di, nhà trí thức khiêm nhường này tránh mọi phô trương lòe loẹt và sống một cuộc sống giản dị. Giống như Tôn Dật Tiên, bị coi là “một tội phạm” trong thời kỳ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đã trở lên khôn khéo hơn và triệt để hơn sau những năm tháng gian lao.

Thế nhưng, sau bức kiến nghị chân thành gửi đến các cường quốc tại Hội nghị hòa bình Véc-xây năm 1919, Người có thể thu hút sự chú ý của các đồng minh đang chiến đấu ở Châu Âu và Châu Á, đến tình cảnh đặc biệt của Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập.

Người là một học giả và một người ấp ủ những giấc mơ. Người đã học Hiến chương Đại Tây dương tháng 8 năm 1941, do Ru-dơ-ven và Sớc-sin công bố, hứa hẹn tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc. Người hiểu tất cả các dân tộc là bao gồm dân tộc mình. Những quan điểm chống thực dân của Ru-dơ-ven đã từng nổi tiếng và thái độ không nhất quán của ông ta đối với người Pháp ở Việt Nam đã được ghi chép trong hồ sơ Quốc hội Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ hứa trả lại tự do cho Phi-líp-pin. Điều đó không thể xảy ra ở Việt Nam ư? Cái chết của Ru-dơ-ven, những bận tâm sau chiến tranh của Châu Âu và cuối cùng, những biến đổi chính trị đang đe dọa Trung Quốc, đã làm giảm bớt cơ hội để Việt Nam được độc lập. Điều không thể tránh khỏi là sự chú ý của các đồng minh trước đây đã tập trung vào một thế giới khác, giờ đây mang màu đỏ hay màu trắng. Phong trào dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam được gắn cho cái nhãn hiệu “cộng sản”. Phải đập tan chứ không chỉ ngăn chặn mà thôi. Chính sách của Mỹ chuyển phắt từ cổ vũ sang nhập nhằng, sang hòa giải và cuối cùng sang can thiệp. Những hậu quả đã quá nhiều người biết đến và quá đau đớn cho nên không thể lặp lại một lần nữa. Đối với mọi bên - Việt Nam, Pháp và Mỹ đã mất quá nhiều năm tháng, quá nhiều sinh mệnh.

Hồ Chí Minh có phải là nạn nhân của những trớ trêu lịch sử không? Những thăng trầm của các bậc vĩ nhân chăng? Phải chăng Người đã nói lên những lời đúng vào một thời điểm sai? Phải chăng nền độc lập của dân tộc Người, nỗi trăn trở của Người, không quan trọng bao nhiêu so với bức tranh toàn cầu lớn hơn vào năm 1945 và do đó, phải giao lại cho người Pháp xử lý? Nhưng hồi đó, người Pháp đã không làm được và sau này người Mỹ cũng không làm được, bởi vì cả Pháp lẫn Mỹ đều không công nhận phong trào dân tộc của Việt Nam, xuất phát từ sự bất mãn tột độ của một dân tộc bị nô dịch. Cả Pháp lẫn Mỹ đều thiết tha và cổ súy chiêu bài về các nguyên tắc dân chủ dành riêng cho chúng nhưng lại không chịu chia sẻ với người khác, những người chân thành tìm kiếm quyền tự quyết. Người Mỹ chúng tôi có những anh hùng: Pa-tơ-rích Hen-ri Na-tan Han và vị tướng lĩnh cách mạng vĩ đại Gio-óc-giơ Qa-sinh-tơn. Người Việt Nam cũng có anh hùng, đó là Hồ Chí Minh và những người ủng hộ Người.

Đối với Hồ Chí Minh, Người đã không nhìn thấy giấc mơ của mình trở thành sự thật, nhưng Người đã để lại trong trái tim dân tộc Người tinh thần bất khuất của Người.

(Mun-Lơ Hê-Len(3), đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 18 tháng 4 năm 1990)

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:
1. Cảm tưởng của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia Hiêng Xom-rin khi đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5/1990, in trong sách Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.150.
2. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia.
3. Cố Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Ôxtrâylia.


30. Hãy học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người

 Một trong những nét nổi bật về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã sống nhiều năm ở nước ngoài - ở Châu Âu, Anh, Pháp, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Người đã từng là công nhân trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng ở Mátxcơva và trong các Đảng Xã hội ở Châu Âu, Người được thừa nhận là một vị lãnh tụ cách mạng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Đương nhiên Người không quan điểm mình là trên hết, nên phẩm chất lãnh đạo của Người được phát huy không chỉ do am hiểu lý luận xã hội chủ nghĩa mà còn do bản chất khiêm tốn, giản dị và cởi mở. Nói rõ hơn, Người không bao giờ có tham vọng cá nhân, phù phiếm; Người không cố công để trở thành một nhân vật xuất chúng, theo ngôn ngữ của các xã hội tư bản. Những năm tháng sống ở nước ngoài, Người dành thời gian chủ yếu cho việc nghiên cứu và học hỏi, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thực tế có phần dựa vào kinh nghiệm hàng ngày của bản thân trong giai cấp công nhân và đặc biệt sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, nghiên cứu chủ nghĩa xã hội đang dần dần từ lý luận biến thành hiện thực trên toàn Liên Xô. Những năm tháng sống ở nước ngoài, Người vẫn luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để giải phóng nhân dân nước mình khỏi ách đô hộ và bóc lột thực dân. Người cũng nhận thức sâu sắc rằng cần phải kết hợp sức chiến đấu của ý thức dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy với những mục tiêu đồng cảm về cơ bản là hòa bình và nhân đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong gần ba thập niên, Người đã sống và làm việc ở nước ngoài nhưng về ý thức Người không hề xa Tổ quốc. Tương lai của Việt Nam và nhân dân Việt Nam là cơ sở tư tưởng của Người về hầu hết các vấn đề lý luận và chiến lược; phấn đấu cho nền độc lập và tự do của Việt Nam là cơ sở để Người vươn lên về trí tuệ và chính trị.

Tháng 01 năm 1967, khi hành động bạo lực của đế quốc Mỹ chống Việt Nam lên đến mức ác liệt nhất, nhiều tác giả bảo thủ nổi tiếng ở Anh đã gửi thư cho Thời báo (Times) lên án các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và tự cho mình là “tiếng nói của lý trí”. Những người đó viết: “Khi tất cả các vấn đề ít quan trọng được giải quyết, chúng ta đứng ở phía nào?”. Tất nhiên câu trả lời của họ là phía Mỹ. Nhưng như hồi đó tôi đã phát biểu, việc giết và làm bị thương một triệu, một nửa triệu hay một phần tư triệu trẻ em Việt Nam phải chăng là một “vấn đề ít quan trọng?”. Phải chăng lí trí phương Tây, triết học phương Tây, văn hóa phương Tây, đạo đức phương Tây của chúng ta thường được khoe khoang nhiều đã đưa con người phương Tây của chúng ta tới chỗ coi việc thiêu sống trẻ em bằng bom napan và bom phốtpho là một vấn đề ít quan trọng, một vấn đề không đáng quan tâm?

Dù thế nào thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải bắt đầu trong những năm 1960 như báo chí, Đài Phát thanh, vô tuyến truyền hình phương Tây giới thiệu. Nó bắt đầu từ năm 1858, khi lần đầu tiên thực dân Pháp xâm nhập cơ cấu xã hội Đông Dương. Chiến tranh không phải đã diễn ra 10 năm như nhiều người phương Tây tưởng; nó đã diễn ra trong 117 năm. Trước hết, đó không phải là cuộc chiến tranh do người An Nam gây ra mà là do sự ngạo mạn của phương Tây, sự xâm lược của phương Tây, sự tàn bạo của phương Tây, sự lừa bịp của phương Tây và lòng tham của phương Tây. Đối với nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh đó đã trở thành nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự chiếm đóng và nô dịch của Pháp, sự xâm lược của Nhật Bản với sự cộng tác của Chính phủ Visi (Vichy), sự trở lại chiếm đóng của Pháp và cuối cùng là sự xâm lược của Mỹ và chư hầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật chủ chốt, nhân vật lãnh đạo trong cuộc đấu tranh lâu dài này. Nói như vậy không phải là làm giảm những nỗ lực anh hùng của những người khác, hoặc của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhưng ngay ở phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thừa nhận là Người có sức mạnh tập hợp trong cuộc kháng chiến và cách mạng của Việt Nam.

Tôi xin trích lời một nhà bình luận phương Tây, một người chống cộng cứng rắn Ôxtrâylia tên là Đênít Oácnơ (Denis Warner). Trong cuốn sách của mình “Người theo Đạo Khổng cuối cùng” ông ta nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có mặt khi mọi người cần tới mình. Oácnơ viết: “Vừa mới tập hợp những người cộng sản lại với nhau năm 1930, thì khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương mới nổ ra, Cụ Hồ lại đã sẵn sàng bắt tay vào việc tập hợp những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng sản vào một mặt trận thống nhất mới rộng rãi hơn. Tại một hội nghị ở Tĩnh Tây, phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Đông Dương, vào mùa Xuân 1941, những người Đông Dương dưới sự dẫn dắt lôi cuốn của Cụ Hồ đã thống nhất lập một mặt trận chung và tổ chức “Việt Minh” đã được thành lập”. Tôi đã trích dẫn lời một nhà bình luận, mà tôi bất đồng ý kiến về hầu hết các vấn đề chính trị chỉ vì một câu nói lên nhiều ý - đó là “sự dẫn dắt rất lôi cuốn của Cụ Hồ”. Tôi không thể nghĩ đến một lãnh tụ dân tộc nào lại có thể khiến một người ở phe kẻ thù ca ngợi như vậy.

Sự thống trị thuộc địa ở Việt Nam lẽ ra phải chấm dứt vào năm 1945 với Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh như các bạn đã biết, đó là một bản tuyên bố, trên thực tế, chứa đựng những từ ngữ của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ. Trong ba năm rưỡi, Việt Minh đã chiến đấu chống quân Nhật mà không hề được bên ngoài giúp đỡ. Nhưng các cường quốc, đế quốc không hề biết ơn về điều này. Quân Anh chiếm Sài Gòn, tái vũ trang quân Nhật đã bị đánh bại và bằng cách hèn hạ đó, muốn tái lập quyền lực đế quốc. Dĩ nhiên, hành động này biểu lộ việc bắt đầu chia cắt bất hợp pháp Việt Nam thành miền Nam và miền Bắc. Tháng 11 năm 1946, quân Pháp trở lại, đưa bốn tàu chiến đến gần cảng Hải Phòng và giết hại 6.000 người Việt Nam trong một trận bắn phá buổi chiều. Pháp đã khẳng định lại chiến lược đế quốc như nhà chính trị người Anh, ông Panmốcxtơn (Palmerston), đã vạch ra vào thời kỳ gọi là “Chiến tranh thuốc phiện” ở Trung Quốc. Ông ta nói: “Chúng ta phải đánh một đòn khác ở Trung Quốc”; “Các Chính phủ văn minh nửa mùa này không những chỉ phải nhìn thấy cái gậy mà còn phải cảm thấy cái gậy ở trên vai họ”.

Trước năm 1942, Pháp thống trị gián tiếp thông qua bọn quan lại và đến lúc đó lại cố gắng làm như vậy, trong khi Hồ Chí Minh đang phục hồi phong trào dân tộc và đặc biệt là Việt Minh, giống như năm 1930 và 1941, “sự dẫn dắt rất lôi cuốn” - nếu tôi có thể dùng lại những từ đó - lại có tính chất quyết định cho thắng lợi cuối cùng. Một giai đoạn quan trọng của cuộc đấu tranh giành độc lập thực sự đã kết thúc với thất bại to lớn của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng bộ máy kiểm soát của bọn quan lại ở thành thị vẫn hoạt động trong chừng mực nào đó ở miền Nam. Bộ máy này - tuy đã thối rữa nhưng vẫn tồn tại - đã bị Mỹ nắm lấy để thống trị miền Nam. Sự đồng lõa của các cường quốc, đế quốc đã rõ ràng. Từ năm 1945, Mỹ đã nhúng tay vào nhiều hoạt động ở Việt Nam khuyến khích các hoạt động quân sự của Pháp bằng cách viện trợ tới 800 triệu đô la một năm. Tháng 12 năm 1954, trách nhiệm tổ chức và huấn luyện quân đội Sài Gòn được chuyển giao từ Bộ Chỉ huy Pháp sang cho Phái đoàn quân sự Mỹ, bằng một hiệp định bí mật, rõ ràng là vi phạm Hiệp định Giơnevơ. Sau đó, Mỹ bắt tay vào hiện đại hóa chế độ Bảo Đại, tức là tạo nên một kiểu đế quốc chủ nghĩa do các tỉnh trưởng và lính đánh thuê Việt Nam điều hành. Tổng thống Mỹ Aixenhao đã nói một cách đặc biệt thẳng thắn về các lợi ích kinh tế của Mỹ ở Đông Dương đối với ông ta, các nguồn thiếc, cao su, lúa gạo, khô dừa và dầu mỏ của toàn vùng Đông Nam Á đang bị đe dọa. Trong đầu óc của giới thống trị ở Mỹ, các lợi ích vật chất của Mỹ là tối cao và trên cùng tận của sự thôi thúc về lợi ích vật chất cơ bản này là một hệ tư tưởng phù hợp. Cần phải có một cuộc chiến tranh thần thánh chống chủ nghĩa cộng sản, ngụy trang cho điều chủ yếu là một cuộc chiến tranh nhằm theo đuổi lợi ích vật chất và quyền lực. Hệ tư tưởng này thừa nhận cái gọi là “nền độc lập” của miền Nam, thách thức công khai những điều đã được ghi trong hiệp định Giơnevơ.

Năm 1961, tôi cũng dự một cuộc họp với Crítxna Mơnông (Krishna Menon), một chính sách lớn Ấn Độ và ông ta nói: “Tôi biết các nguyên tắc của Hiệp định vì tôi có mặt ở đó”. Rồi ông ta tiếp tục: “Về vấn đề Việt Nam dựa trên nguyên tắc chỉ có một Việt Nam… Vĩ tuyến 17 là ranh giới ngừng bắn, không có gì khác… ranh giới này - sông bến Hải - không phải là sự phân chia giữa hai nước. Và đó không chỉ là ý kiến của tôi mà đã được ghi trong Hiệp định”. Mỹ vẫn tiếp tục giả bộ cho rằng có hai nước ở Việt Nam và tin chắc rằng tuyển cử tự do hứa hẹn trong Hiệp định sẽ không bao giờ diễn ra. Vì sao? Vì các cấp chính quyền khác nhau ở Oasinhtơn tin rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng trong cuộc tuyển cử tự do. Theo quan điểm của Mỹ, họ thừa nhận rằng vấn đề là ở chỗ Hồ Chí Minh thu hút được sự mến mộ to lớn của nhân dân trên khắp nước Việt Nam.

Các nhà ngoại giao và nhà báo phương Tây đều bối rối vì Người không giống như hình ảnh đã được tiêu chuẩn hóa ở phương Tây về một nhà cách mạng hung hăng, mị dân và giống như người lính. Người dịch thơ từ tiếng Trung Quốc và bản thân Người cũng là một nhà thơ lớn. Người sống giản dị không giả dối, không xa hoa. Người hoạt động tự do giữa lòng nhân dân. Người đã hiểu được rất sâu sắc nền văn hóa và lối tư duy. Thậm chí đối với những người phương Tây hiểu biết rộng, sự giản dị và nhã nhặn, lịch sự của Người dường như khó có thể hòa hợp được với quyết tâm và sự kiên định chính trị của Người. Người không cư xử như một người cầm quyền, nhưng theo một ý nghĩa quan trọng, Người rõ ràng thu phục được trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam. Khó khăn của người phương Tây trong việc cố gắng hiểu được điều này là ở phương Tây, các tổng thống, thủ tướng, vua chúa và tướng lĩnh gần như luôn luôn làm ra vẻ và hoạt động như những kẻ thống trị, bao quanh họ bằng những phù hoa và nghi lễ, truyền đạt qua giọng nói, cử chỉ, lời lẽ một thái độ chỉ huy… Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo khác hẳn. Người luôn luôn gắn bó với nhân dân mình, rút ra bài học từ những nỗi thống khổ của nhân dân, không phụ lòng can đảm và ý chí quyết tâm của nhân dân.

Âm mưu chia cắt Việt Nam của đế quốc Mỹ bị thất bại. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng được thành lập ở miền Nam Việt Nam và tới năm 1963 bộ máy được gọi là “kiểm soát kiểu quan lại” đã gần sụp đổ. Hệ thống cố vấn quân sự của Mỹ chấm dứt và đến năm 1965 toàn bộ quân đội Mỹ đã được đưa vào trận với danh nghĩa là để bảo vệ một dân tộc không tồn tại gọi là Nam Việt Nam. Nhưng mục đích thực thì lại khác. Một cuộc tiến công vũ trang trên quy mô lớn đã được phát động chống lại Việt Nam. Vào lúc này, chia rẽ rõ ràng trong dư luận phương Tây, Việt Nam, đất nước mà các nước phương Tây đã dùng những thỏa thuận và cấu kết để chia cắt một cách bất hợp pháp, thì nay lại chia rẽ chính các nước phương Tây và sự chia rẽ đó xảy ra trong chính các nước đó nhiều hơn là giữa các nước đó với nhau. Trong khi nhân dân Việt Nam ngày càng thống nhất và quyết tâm hơn, nhân dân các nước đế quốc và chư hầu như Ôxtrâylia lại ngày càng mất đoàn kết và thiếu kiên quyết. Ở phần lớn các nước phương Tây, đã diễn ra một sự chấn động xã hội là kết quả của sự thách thức trực tiếp những giá trị của sự bá chủ của các thế lực quân sự tư bản chủ nghĩa. Đầu năm 1960, Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) tuyên bố ông ta sẽ không tái tranh cử và điều đó là dấu hiệu cho thấy sự đầu hàng của ông ta trước những sức ép của dư luận và cũng cho thấy ông ta nhận ra rằng không bao giờ người Việt Nam có thể bị đánh bại. Phải mất bẩy năm nữa để buộc Mỹ rút lui hoàn toàn, nhưng chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh về cơ bản đã rõ từ cuộc tiến công Tết năm 1968.

Tới lúc này, Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn cuối cuộc đời mình. Trong gần 80 năm, bắt đầu từ những kinh nghiệm của Người trong phong trào yêu nước, Người đã phấn đấu để xây dựng một xã hội dựa trên tự do, tự quyết, bình đẳng và công bằng về kinh tế. Người cộng sản xuất sắc của Italia Antonio Gramsi đã từng nói rằng trong cuộc đấu tranh vì một xã hội xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải sẵn sàng tuân theo câu châm ngôn là: “Sự bi quan của trí tuệ là sự lạc quan của ý chí. Trong phần cuối cuộc đời mình, Gramsi đã bị giam cầm trong một nhà tù của phát xít Mussolini. Theo tôi nghĩ, điều ông muốn nói bằng câu châm ngôn này là trong khi sự bi quan của trí tuệ có giá trị trong việc đánh giá thực tế xã hội (trong trường hợp của Gramsi) đó là chủ nghĩa phát xít, thì sự lạc quan của ý chí là hoàn toàn cần thiết trong việc xây dựng một thực tại xã hội mới. Hai cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đã diễn ra ở Cuba và Việt Nam, nơi mà sự lạc quan của ý chí đã chiến thắng những khó khăn to lớn. Ở Việt Nam, điều tưởng như không thể có được cũng đã xảy ra với việc một đội quân nông dân đã đánh bại một trong những bộ máy chiến tranh hùng mạnh nhất về mặt kĩ thuật. Mặc dù, Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày thắng lợi, xét về mặt lịch sử, Người là kiến trúc sư của thắng lợi đó.

Chúng ta đang sống trong một thời đại có nhiều thay đổi và phức tạp. Như Phạm Văn Đồng đã nói, chủ nghĩa xã hội “không phải là một khuôn mẫu, một kiểu mẫu cứng nhắc mà là một chế độ xã hội tiến bộ thừa hưởng tất cả những thành tựu của loài người”. Nói một cách khác, ông thấy rằng khả năng thay đổi và điều chỉnh lại thuộc về bản chất tiến bộ của chủ nghĩa xã hội.

Xã hội xã hội chủ nghĩa không bao giờ được dừng lại ở tình trạng cố định bất di bất dịch. Xã hội đó phải luôn có khả năng đổi mới cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đa số dư luận ở phương Tây cho rằng chủ nghĩa xã hội đang bị khủng hoảng. Có thể là như vậy, nhưng đừng bao giờ quên rằng chủ nghĩa tư bản đã hoạt động trong khủng hoảng hơn 500 năm, khủng hoảng là căn bệnh kinh niên của chủ nghĩa tư bản.

 Đây không phải là lúc nói về sự bi quan của trí tuệ. Đây là lúc nói về sự lạc quan của ý chí. Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người: Kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị khi xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, nhất là với công nhân và nông dân; có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; có sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa, một sự hiểu biết có phân tích về lịch sử, đặc biệt là về cách thức mà những biến đổi lịch sử đã diễn ra; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào - đó là sự lạc quan của ý chí.

(ALAN AXBON(1), trích trong Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.177-183)

31. Trong ngõ hẹp Công-poanh

Nhà số 9, ngõ Công-poanh này là nhà riêng của mẹ chồng tôi. Bà cụ xây cất ngôi nhà này từ thế kỷ thứ XIX. Nhà có ba cửa ra vào: Một cửa chính, một cửa ngách và một cửa bước thẳng vào sân trong. Nhà nằm trong một ngõ cụt thuộc khu phố nghèo ở Pa-ri. Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, mẹ chồng tôi mở nhà trọ. Cửa vào nhà hồi đó trông xấu xí, phía dưới bằng gỗ, trên lắp kính. Trong sân có một đàn gà chạy kiếm thức ăn.

Trong số những người ở trọ nhà tôi lúc bấy giờ có một người thanh niên Châu Á. Mẹ chồng tôi là chủ nhà, biết rõ tên của anh thanh niên ấy. Còn tôi, tôi thấy tên anh ta rất khó đọc và khó nhớ. Chúng tôi trong nhà quen gọi anh là “Anh Trung Quốc”, vì tưởng anh là người Trung Quốc. “Anh Trung Quốc” ở tầng hai. Buồng anh mỗi bề 3 mét, nhìn xuống ngõ. Thời đó, ngõ nhà chúng tôi không có điện. Mãi đến năm 1930 mới có điện. Tối đến người ta thắp đèn dầu. Đời sống nhân dân trong ngõ nghèo khổ nhưng mọi người ăn ở với nhau rất tốt. Nhà nọ biết nhà kia, thăm hỏi nhau, giúp đỡ nhau, chơi với nhau thân ái, chứ không ích kỷ như xã hội bây giờ, ai biết người nấy, ai sống chết kệ ai. “Anh Trung Quốc” ở trọ sống rất giản dị và hết sức đúng đắn. Khi nào người làm trong nhà đi vắng, mẹ chồng tôi thường sai tôi vào dọn buồng cho “Anh Trung Quốc”. Những lần như thế tôi mới có dịp thấy buồng của anh. Buồng nhỏ, kê vẻn vẹn một cái giường, một cái bàn, và một cái tủ. Trong buồng có chậu rửa mặt, nhưng vòi nước thì ở ngoài đầu cầu thang. Lò sưởi không có, mà mùa Đông ở Pa-ri thì rất lạnh. Tôi nhớ rõ một lần tôi gõ cửa buồng anh để vào dọn dẹp. Anh chào tôi và bảo tôi: “Bà Giam-mô, bà cứ để như thế cho. Không sao cả. Xin cảm ơn bà!”. Có lần tôi vào buồng để thay đồ trải giường cho anh thì gặp anh đang ngồi ăn cơm. Tôi thấy anh tay cầm bát cơm, tay cầm đũa. Anh nấu cơm lấy bằng cái bếp cồn để ở góc buồng. Anh chào tôi và nói: Cảm ơn bà Giam-mô. Tốt lắm. Cảm ơn bà. Một lần khác bước vào buồng, tôi thấy anh đang ngồi viết và lại thấy anh bảo: Bà Giam-mô bà cứ để tôi làm lấy, tôi không dám phiền bà. Cảm ơn bà.

Vải trải giường trong buồng anh do nhà trọ ở cung cấp và thay đổi, nhưng quần áo của anh thì anh tự giặt lấy. Anh ăn ở ngăn nắp, trật tự, không làm ầm ĩ bao giờ và mẹ chồng tôi suốt mấy năm trời anh ở trọ không hề than phiền một câu nào về anh. Gia đình tôi đều nhận xét anh là người lịch sự, biết điều, đứng đắn và là một thanh niên nước ngoài rất nghèo. Hàng ngày anh đi làm ở đâu chúng tôi không biết rõ. Bao giờ cũng thế, anh xuống thang, tìm trong hộp thư ở chân cầu thang xem có thư từ, báo chí người ta gửi cho anh không, rồi anh đi cửa ngách bên để ra phố. Đi đâu về anh lại tìm thư từ, báo chí trong hộp rồi mới lên buồng. Gia đình chúng tôi hồi đó ở tầng một, cho nên hàng ngày anh đi về chúng tôi đều thấy.

Có ngày cả hai buổi không thấy anh ra phố, chúng tôi lên buồng anh để hỏi thăm. Tôi cho rằng thời trước người ta sống có tình thương yêu đùm bọc nhau hơn thời nay ở cái đất Pa-ri này. Điều đặc biệt là tôi không thấy anh tiếp khách hay tiếp bạn bè trong buồng bao giờ. Bỗng một hôm “Anh Trung Quốc” từ giã nhà số 9 ngõ Công-poanh của chúng tôi đi đâu chúng tôi không rõ. Chúng tôi thương anh thanh niên ấy, sống thanh bạch đến thế là cùng. Rồi tới năm 1946, tôi nhớ rõ một hôm có nhiều nhà nhiếp ảnh đến chụp ảnh sân và căn nhà tôi ở. Và hôm đó tôi đến làm cơ quan Cứu tế Pháp, các bạn đồng sự của tôi đưa báo cho tôi xem ảnh chụp ngôi nhà số 9, ngõ Công-poanh của tôi và ảnh một vị Chủ tịch nước. Tôi nhìn ảnh và reo lên: Ồ! Đây là người đã ở trọ nhà tôi cách đây hơn hai mươi năm. Tôi nhận ra được rồi. Thì ra anh thanh niên Châu Á hồi ấy ở nhà tôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam ngày nay! Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nước Pháp! Các bạn cùng sở nói đùa với tôi: Này bà Giam-mô còn đợi gì nữa. Ông ấy làm đến Chủ tịch nước, liệu nói với ông ấy một tiếng xin một việc làm lương cao hơn! Riêng tôi thì chưa hết ngạc nhiên và vui mừng thấy người thanh niên sống nghèo khổ ở ngõ Công-poanh trở thành người đứng đầu toàn bộ nước Việt Nam. Từ đó, năm nào cũng có nhiều người, Việt Nam có, Pháp có, nước ngoài đến thăm nhà tôi, thăm nơi ở cũ của Hồ Chủ tịch ở nhà số 9, ngõ Công-poanh. Gia đình Giam-mô không ngờ có vinh dự được giữ lại một kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.

Một ngày tháng 9 năm 1969, nhiều nhà báo Pháp và nước ngoài liên tiếp đổ về nhà tôi và đứng trước sân hỏi dồn dập: Bà Giam-mô đâu? Chúng tôi cần gặp bà Giam-mô. Chúng tôi yêu cầu phỏng vấn cấp tốc bà Giam-mô!. Rồi họ chụp ảnh, cửa ngoài, cửa trong, chụp buồng ở cũ của Hồ Chủ tịch. Lúc đó tôi mới biết tin đau đớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần hôm trước ở Hà Nội. Tôi bàng hoàng, sửng sốt và xúc động như có một người thân trong gia đình vừa mất. Một con người cách mạng đã qua đời, một con người sống giản dị từ lúc thanh niên cho đến khi nhiều tuổi, và đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

(GIAMMÔ(2) kể, trích trong Bác Hồ ở Pa-ri, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.9-13.

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Nhà văn Ôxtrâylia.
2. Sinh năm 1907, chồng cụ làm nghề trang trí trần nhà. Bà là con dâu cụ quả phụ Giam-mô, chủ chính có nhà số 9, ngõ Công-poanh, Pa-ri, cho thuê trong những năm 1920 khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến ở trọ nhà cụ.


 32Vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các phong trào giải phóng dân tộc

 Nhắc tới cuộc đời Hồ Chí Minh, thực tế là nhắc tới lịch sử loài người. Đặc biệt lịch sử đầu thế kỷ XX cho đến khi thế kỷ XX kết thúc. Và cụ thể hơn, đó là lịch sử các nhân dân Châu Á chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân phương Tây đã từng được thiết lập ở đây qua nhiều thế kỷ. Đối với các nước Châu Á bị biến làm thuộc địa, thì sự hiểu biết lịch sử là rất quan trọng. Ba mặt được bao hàm trong lịch sử là hồi tưởng quá khứ, nhìn sâu vào hiện tại và cuối cùng là hướng tới triển vọng tương lai.

Con đường đi từ quá khứ tới tương lai thông qua hiện tại là một con đường diễn biến theo hình xoáy ốc. Đó không phải là một con đường đi xuống. Quy luật phát triển lịch sử không hoạt động “một cách định mệnh” và máy móc mà diễn ra thông qua sự tất yếu của những hoạt động có ý thức và cố gắng của con người.

Cố nhiên, các nhân vật lớn cũng có ảnh hưởng tới quy luật phát triển lịch sử và phát triển xã hội. Nhưng các nhân vật lớn không phải là những người tạo ra các biến cố lịch sử. Họ là những sản phẩm của thời đại của họ với tính cách một nhu cầu chính trị và xã hội.

Tiêu chuẩn này chiếm ưu thế trong quan điểm của chúng tôi về vai trò và vị trí lịch sử của Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX này.

 Người sống trong những ngày chủ nghĩa thực dân phương Tây và chủ nghĩa đế quốc tấn công Châu Á, cụ thể là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc Pháp chống lại Việt Nam và Đông Dương. Người đã nhìn thấy dân tộc mình, đã từng là vĩ đại trong thời độc lập của nó trước đấy, nay bị lăng nhục trong thời đại thực dân. Người đã nhìn thấy thế giới khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, và đó là một cuộc nội chiến giữa những người Châu Âu giành thuộc địa. Đó cũng là cuộc chiến tranh giữa “những người có” và “những người không có”. Người đã nhìn thấy chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu là nhằm phân chia lại thuộc địa và nó diễn ra giữa những kẻ có quá nhiều thuộc địa với những kẻ không có thuộc địa nào hết. Chiến tranh diễn ra chủ yếu giữa một bên là Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ và bên kia là Đức, Italia, Nhật. Cả hai bên đều có một khả năng tài chính công nghiệp to lớn và cạnh tranh với nhau.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng như trong chiến tranh thế giới thứ hai, các thuộc địa chẳng qua chỉ là những con bài của bọn đế quốc trong việc giành giật đất đai, bất chấp ý muốn của nhân dân các nước đó.

Hồ Chí Minh là người chưa bao giờ được hưởng giáo dục cao đẳng, đã học được nhiều ở sự phát triển lịch sử trong thế kỷ XX, nhất là của hai cuộc chiến tranh thế giới do chủ nghĩa đế quốc gây ra nhằm chia lại thuộc địa, tước đoạt quyền tự do, độc lập của các dân tộc.

Do đó, theo Hồ Chí Minh không có gì quý hơn độc lập, tự do. Bởi vì, nếu như chúng ta không thể giành lại được quyền tự do và độc lập từ bọn cai trị thực dân thì chúng ta sẽ vĩnh viễn mất Tổ quốc, chúng ta sẽ vĩnh viễn bị nô lệ. Do đó, chúng ta phải hy sinh. Chúng ta thà mất tất cả còn hơn là mất nước và bị nô lệ lần nữa.

Chính xuất phát từ lịch sử này mà Hồ Chí Minh đã rút ra được nhiều bài học đối với nhân dân. Nhân dân hay quần chúng là yếu tố quan trọng nhất trên thế giới.

Trong thế giới ngày nay, không có cái gì có thể chống lại sự đoàn kết của nhân dân. Trong thế giới ngày nay, không cái gì quý báu hơn nhân dân. Không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội, không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ nhân dân.

Lòng tin tưởng của Người vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân vì độc lập của quốc gia và dân tộc được biểu hiện rõ rệt trong những lời nói sau: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân”1.

 Người nói trong bức thư năm 1948, cho các cán bộ Việt Nam: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc"2.

Đó là một vài câu trong những lời dạy của Người mà Người đã rút ra từ lịch sử và trao lại cho nhân dân Việt Nam và các nhà lãnh đạo của nó trong việc tiến hành cuộc đấu tranh cho độc lập chống lại chủ nghĩa thực dân.

Khi Hồ Chí Minh đi thăm Inđônêxia từ 27/2 đến 8/3 năm 1959, Người đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Pátgiagiaran tại thành phố lịch sử Băngdung, Người đã tóm tắt trường học cuộc đời của Người trong xã hội và trong nhân dân như sau:

Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường Đại học. Tôi đã đi du lịch và đã làm việc, đó là trường đại học của tôi, đó là trường học của tôi… Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó đã dạy cho tôi cách yêu, cách ghét: Yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và căm ghét áp lực ích kỷ…

Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học quân sự. Với gậy tầm vông, nhân dân đã đánh bại quân đội đế quốc Pháp và để giành tự do, với Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trường học ấy cũng đã dạy tôi lịch sử. Tôi đã thấy rằng trên 50 năm qua, tất cả các nhân dân bị áp bức, như Inđônêxia, Ấn Độ, Việt Nam… ngày càng đi lên. Thế còn bọn đế quốc chủ nghĩa thì thế nào? Họ ngày càng đi xuống.

Trường học ấy đã dạy tôi chính trị. Chính trị là gì? Theo như tôi biết, đó là sự đoàn kết nhân dân. Sự đoàn kết của nhân dân Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xucácnô và với sự thống nhất ấy các bạn đã tống cổ bọn đế quốc Hà Lan. Sự đoàn kết trong nước và sự đoàn kết giữa các nước anh em, giữa Inđônêxia với Việt Nam và các nước Châu Á và Châu Phi. Sự đoàn kết ấy sẽ vĩnh viễn thanh toán bọn đế quốc.

Khoa học là gì? Nó có nghĩa là trở thành hữu ích cho nhân dân. Các cháu yêu quý! Các cháu sẽ là những nhà khoa học tương lai, không phải là những ông quan sống ở trên và cách xa nhân dân, mà để làm việc cho nhân dân.

Qua đó ta thấy rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tự học. Một người học tập độc lập không có sự hướng dẫn chính thức của một ông thầy. Ông thầy của Người là xã hội, là nhân dân nói chung và lịch sử phát triển xã hội.

Chính từ trong lòng xã hội và trong nhân dân mà Người đã học các khoa học xã hội, chính trị và quân sự. Đồng thời luân lý và đạo đức của khoa học là phải phục vụ quyền lợi nhân dân nói chung. Người không chỉ là một nhà tư tưởng, mà còn là một con người luôn luôn hành động. Cho nên Người vừa là một nhà tư tưởng vừa là một người hành động. Điều Người nghĩ và suy nghĩ sâu sắc, sau đó Người biến thành hành động trên cơ sở luân lý và đạo đức theo nhân dân.

Những hành động mà Hồ Chí Minh phát triển không chỉ trong lĩnh vực đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình mà còn cả trong lĩnh vực đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc thuộc địa cũng như trong lĩnh vực hiểu biết quốc tế giữa toàn thể loài người nhằm hướng tới hòa bình.

Đó là cội nguồn của những suy nghĩ và những ý nghĩ rất sâu sắc và nhân đạo được biểu hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Ngay lập tức Người kết hợp những điều này với nhu cầu cần một đầu óc tự do và độc lập để tạo nên tinh thần sáng tạo của nhân dân trong lĩnh vực của nghệ thuật và văn học.

Nghệ thuật và văn học của nhiệm vụ lịch sử là phục vụ tự do và độc lập. Mặt khác, tự do và độc lập dân tộc và những điều kiện tuyệt đối để làm tái sinh tinh thần sáng tạo của nhân dân trong dân tộc về mặt vật chất và tinh thần trong việc xây dựng Nhà nước.

Chính vì vậy cho nên năm 1962, nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Hồ Chí Minh nói:

“Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”3.

Cũng theo cách ấy, Người nhấn mạnh những ý kiến của Người ở Trường Đại học Pátgiagiaran, khi Người nói:

“Nhân dân Việt Nam từ lâu rất khâm phục nền văn hóa nghệ thuật tốt đẹp cổ truyền của nhân dân Inđônêxia. Những công trình kiến trúc lịch sử, những điệu múa, điệu nhạc dân tộc, những thơ văn lưu truyền từ nghìn xưa của nhân dân Inđônêxia làm cho ai nấy đến Inđônêxia đều thêm lòng yêu mến văn hóa của Inđônêxia. Bọn thực dân muốn kìm hãm nền văn hóa ấy nhưng nhân dân và những nhà tri thức Inđônêxia đã anh dũng đấu tranh để bảo vệ nền văn hóa dân tộc của mình. Từ ngày Inđônêxia giành lại độc lập, các nhà trí thức Inđônêxia mà các vị giáo sư là những người tiêu biểu, đã ra sức làm cho nền văn hóa Inđônêxia luôn ngày càng phát triển mạnh mẽ4.

Ở đây nữa, Hồ Chí Minh nói đấu tranh cho độc lập không những có mục tiêu là giành chủ quyền chính trị. Nó không chỉ thu hẹp ở chỗ tự lực cánh sinh về kinh tế chống lại sự bóc lột về kinh tế. Nó còn làm sống lại diện mạo dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, chống lại sự xâm nhập và sự phá hoại của văn hóa thuộc địa suy thoái.

 Nhân dân Inđônêxia gọi Hồ Chí Minh là Pamen (Bác Hồ), như vậy, Người được xem là một người anh em của những người lãnh đạo Inđônêxia vẫn thường được gọi là Bapak (Cha). Như vậy Bác Hồ san sẻ với các nhà lãnh đạo của chúng tôi tinh thần yêu “những đứa con” của mình (nhân dân nói chung).

Bác Hồ sống trong trái tim của nhân dân Inđônêxia như một người yêu nước đã chiến đấu không biết mệt mỏi cho nền độc lập dân tộc. Người cũng là một người quốc tế nhân đạo và là một người của cả nhân loại yêu quý hòa bình và hợp tác với mọi dân tộc trên cơ sở tự do, độc lập và hiểu biết lẫn nhau dựa trên bình đẳng, phù hợp với phẩm giá của con người.

(RÔEXLAN ÁPĐUNGANI5, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1995, tr. 105-113)

33. Một con người nồng hậu

Tôi nhớ mãi không quên hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai lần gặp ấy càng làm tôi nhận rõ đặc tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần gặp đầu vào năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pari nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Pháp từ ngày đồng chí rời khỏi Pháp năm 1923. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Pari với tư cách là nguyên thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó thiết cơm một số đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp tại khách sạn Roayan Môngxô. Chủ tịch còn cho mời chị Matin Pêri và tôi đến cùng dự vì Chủ tịch muốn tỏ lòng thương nhớ tới hai người bạn Pháp đã ủng hộ nhiệt tình cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Đó là Gabrien Pêri chồng chị Matin và Vayăng Cutuyriê chồng tôi.

Trong bữa ăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi lại những kỷ niệm của Chủ tịch về nước Pháp, về những năm Chủ tịch hoạt động cách mạng, về tình hình Việt Nam, về mối quan hệ giữa nhân dân Pháp và Việt Nam. Tôi nhớ lại hồi nhà tôi còn sống, nhà tôi có kể chuyện về đồng chí Nguyễn Ái Quốc cho tôi nghe. Pôn Vayăng nói với tôi: Chính nhờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc mà anh hiểu ra vấn đề chủ nghĩa thực dân Pháp và biết thêm về sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp ở thuộc địa. Và Pôn Vayăng cho rằng sự quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giúp ích rất nhiều trong suốt đời của mình để nắm chắc hơn vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Lần thứ hai, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh năm 1959. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang dự Quốc khánh lần thứ 10 của Trung Quốc, còn tôi thì tham gia Đoàn đại biểu Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế. Một hôm, tôi nhận được giấy mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến ăn cơm. Một chiếc xe hơi đến đón và đưa tôi tới biệt thự của Đoàn đại biểu Việt Nam. Tôi tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời tôi đến ăn cơm cùng với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Oandéc Rôsê dẫn đầu. Nhưng khi tới nơi tôi ngạc nhiên chỉ thấy có mình tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tôi biết: “Tôi đã mời bốn đồng chí Pháp đến ăn cơm vào một buổi khác. Tối nay tôi muốn gặp cô để nói chuyện về người bạn cũ của tôi là Pôn Vayăng Cutuyriê”.

Trong bữa ăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cho tôi nghe những lần đồng chí gặp chồng tôi thời kỳ Đảng Cộng sản Pháp mới ra đời sau khi hai người đã ngồi cạnh nhau tại Đại hội Tua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Vayăng Cutuyriê đã giải thích cho tôi biết đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp như thế nào, tình cảm quốc tế đã phát triển ở đồng chí như thế nào do đồng chí nhận thức được điều đó khi đứng trước những sự tàn bạo của chiến tranh đế quốc. Đồng chí đã giúp tôi hiểu nhân dân Pháp, còn tôi, tôi đã giải thích để đồng chí hiểu thế nào là chủ nghĩa thực dân. Sau khi rời Pháp, tuy xa xôi cách trở, tôi vẫn hằng theo dõi hoạt động của đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê qua những bài đồng chí viết trên báo Nhân đạo. Và đôi khi sự tình cờ lại giúp ích nhau. Năm 1933, tôi bị tù ở Trung Quốc giữa lúc Pôn Vayăng Cutuyriê tham gia Đoàn đại biểu của phong trào chống chiến tranh và chống chủ nghĩa phát xít sang Trung Quốc dự Đại hội chống chiến tranh ở Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu ấy do một người Anh tên là Máclô dẫn đầu. Chính Pôn Vayăng Cutuyriê lúc đó đã kiếm giúp cho tôi một người thầy cãi và giúp tôi bắt liên lạc với các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong thời kỳ hoạt động bí mật.

Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện về Việt Nam và Chủ tịch nói rằng Pôn Vayăng Cutuyriê sẽ vui mừng biết chừng nào nếu Pôn Vayăng Cutuyriê còn sống để được thấy nước Việt Nam ngày nay đã thoát khỏi ách thực dân và đang xây dựng cuộc sống mới mặc dầu bị chiến tranh tàn phá. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến sự tin tưởng vững chắc của Chủ tịch vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.

Khi tôi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhã ý tiễn tôi đến tận đầu cầu thang. Tôi quay lại nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh để chào Chủ tịch lần cuối cùng và tôi thấy vóc dáng gầy gò trong bộ quần áo trắng và nụ cười rạng rỡ của Người.

Tôi vô cùng cảm động về lần gặp này vì tuy bận việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả một buổi tối để nói chuyện trên phương diện tình cảm con người về một người bạn cũ đã qua đời 22 năm về trước. Đây là một trong những đặc tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người nồng hậu, cởi mở.

Ít năm sau, khi tập Nhật ký trong tù in bằng tiếng Pháp ra đời tôi nhận được một quyển do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho, kèm theo một trang lời đề nhắc lại một lần nữa tình hữu nghị của Chủ tịch với Pôn Vayăng Cutuyriê.

(MARI CLỐT VAYĂNG CUTUYRIÊ6, trích trong "Bác Hồ ở Pháp", 
Nxb. Văn học Hà Nội, 1970, tr.76-79).

34. Một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới

Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ với các đồng chí Việt Nam rằng đối với nhân dân, Chính phủ và những người cách mạng Chile, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và mãi mãi vẫn là tượng trưng của một niềm tin sâu sắc đã thành sự thật trong từng giây phút của cuộc đời Người.

Người là một nhà tổ chức cách mạng, một nhà lãnh đạo chính trị, một người đã từng bôn ba ở nước ngoài, một nhà tổ chức quân sự, một nhà văn, một nhà thơ. Rất hiếm có những người tập trung ở mình nhiều đức tính nổi bật đến thế. Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường. Một niềm vui sướng đối với tôi là đã được gặp Người. Tôi đã đến Việt Nam năm 1969, lúc mà tuổi tác đang đè nặng lên Người và đã mấy tháng liền Người không hề tiếp một đại sứ nào trình quốc thư. Tôi đã được một điều hân hạnh đặc biệt là Người đã rời giường bệnh để tiếp chúng tôi trong Đoàn đại biểu Đảng Xã hội. Chúng tôi đã được Người tiếp 45 phút liền.

Chưa bao giờ trong đời tôi, có dịp được trò chuyện, trao đổi và thảo luận với con người lỗi lạc, với những nhà cách mạng xuất sắc như Người. Chưa bao giờ có một con người nào đã để lại cho tôi những ấn tượng và cảm tưởng sâu sắc như đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến nhân vật huyền thoại đó, một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới. Tôi muốn nói với các đồng chí Việt Nam rằng trên vĩ tuyến này cũng như trên tất cả các vĩ tuyến khác, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện qua bài học mà cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho đồng bào Người.

... Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến những người đã đi tiên phong trên con đường đấu tranh như Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả cuộc đời mình, đã nêu cao quyết tâm giải phóng nhân dân mình và xây dựng một xã hội chủ nghĩa.

(Trích bài phát biểu của đồng chí Xavanđo Angiênđê trong dịp gặp hai Đoàn đại biểu thanh niên và học sinh đại học miền Bắc và miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ năm của Tổ chức sinh viên Mỹ latinh họp ở Thủ đô Xantiago, tháng 5 năm 1973).

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.97.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.420.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.646.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.354.
5. Tiến sỹ, nguyên Chủ tịch Nhóm cố vấn về hệ tư tưởng của Tổng thống Inđônêxia.
6. Vợ cựu Chủ nhiệm báo Nhân đạo Pôn Vayăng Cutuyriê đã quá cố, là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ dân chủ quốc tế, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp.


 

Phần 13

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại, người bạn lớn của nhân dân Ấn Độ và toàn nhân loại 

Với cương vị Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Đông Dương của Ấn Độ, tôi rất tự hào được tham dự Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã được vinh dự từ những năm 1957 và 1958 (khi tôi còn làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát và kiểm soát Quốc tế ở Việt Nam) gặp nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại đó, người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho tự do của tất cả nhân dân bị áp bức, người bạn lớn của Ấn Độ và toàn nhân loại.

Bác Hồ, cách gọi trìu mến của chúng tôi ở Ấn Độ, đã kết hợp được trong bản thân Người những đức tính của Mác, Lênin, Mahátma Găngdi và Giaoaháclan Nêru.

Người đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt Nam - bình dị, chuyên cần, yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực, chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng - Đó là phương châm cho mọi hành động của Người.

Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy Người có thể lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân phiệt Nhật và Tưởng Giới Thạch xảo quyệt một cách thành công. Sự ủng hộ toàn tâm của nhân dân đã làm cho dân tộc Việt Nam đánh đuổi được những kẻ áp bức ngoại bang, cảm hóa được cả những tay sai và bè lũ của chúng và cuối cùng hoàn thành thống nhất đất nước năm 1975. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống để chứng kiến thành tựu vĩ đại này, Người đã tiên đoán với sự tin tưởng mạnh mẽ về điều này trong “Di chúc” của Người.

Với quý vị thính giả ở đây, tôi nghĩ không cần thiết phải nhắc nhở và gợi lại công lao to lớn của Bác Hồ đối với cuộc đấu tranh của nông dân và công nhân, trí thức yêu nước ở Việt Nam, bằng sự gắn liền cuộc đấu tranh đó với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân, chống áp bức, chống sự thống trị của đế quốc, đặc biệt là ở Châu Á. Người không phải là một nhà dân tộc hẹp hòi, mà có những tình cảm lớn đối với mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những người nghèo, những người bất hạnh và bị áp bức. Điểm lại cuộc đấu tranh hơn ngàn năm của nhân dân Việt Nam chống ách đô hộ của nước ngoài, ngay cả từ khi thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là một bộ phận, một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Người không buộc tội nhân dân Pháp hoặc nhân dân Mỹ, mà chỉ lên án chính quyền thực dân đế quốc của họ. Trên thực tế người kêu gọi công nhân Pháp hãy làm nhiều hơn nữa cho sự giải phóng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa của Pháp. Hơn nữa, trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Người thảo và đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người đã trích dẫn cả lời kêu gọi của cách mạng Pháp về tự do, bình đẳng, bác ái và cả Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ về quyền bất khả xâm phạm của con người đối với hòa bình và mưu cầu hạnh phúc.

Tôi chỉ xin nêu ra vài nét trong rất nhiều nét lớn của bậc vĩ nhân này, nhằm nhấn mạnh sự hiểu biết rộng rãi, lòng tin tưởng mạnh mẽ của Người vào nhân dân mình cũng như toàn nhân loại và ý chí quyết tâm vững chắc của Người đạt tới các mục đích và lý tưởng cao cả mà Người đã đề ra trước nhân dân mình. Tôi xin được nhắc lại ngắn gọn một số hồi tưởng của bản thân mình.

Khi tôi đến thăm Người lần đầu năm 1957 tại cơ quan của Người ở Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên về cách ăn mặc giản dị của Người. Người mặc một bộ đồ bằng vải kaki, chân đi dép cao su. Người đưa tôi đi thăm căn nhà mà Người đang ở. Đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ bé, tiện nghi sơ sài, có nhiều cây xanh. Mặc dù giữ chức vụ cao, Hồ Chí Minh vẫn duy trì một nếp sống giản dị, làm cho Người có điều kiện gần gũi với quần chúng và quần chúng cũng đồng cảm với Người.

Người kể cho tôi nghe ngắn gọn về lịch sử Việt Nam và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân đối với việc thống nhất đất nước. Ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam đã làm cho họ trở thành một quốc gia và không một cường quốc nước ngoài nào có thể chia cắt được. Lúc đó, Người hỏi tôi một câu có vẻ đơn giản:

- Với tư cách làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát và kiểm soát quốc tế, Ngài có thể làm một điều gì đó được chăng để giúp cho việc thông tin và tiếp xúc giữa các gia đình bị chia ly kẻ Bắc, người Nam?

 Tôi nói với Người rằng, tôi sẽ cố hết sức thuyết phục nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam để họ đồng ý với việc này và nhờ Người nói với Chính phủ cho tôi danh sách những gia đình đó, cùng với địa chỉ. Người đồng ý ngay và cảm ơn tôi. Tôi đã có được sự đồng ý về nguyên tắc của nhà cầm quyền Nam Việt Nam về đề nghị nhân đạo này.

Về sau họ lại đề ra những điều kiện để gây rắc rối chứ không phải để giúp cho các gia đình chia ly và do đó cố gắng của tôi rút cuộc chẳng đi đến đâu. Khi gặp Người lần thứ hai, tôi kể cho Người về toàn bộ sự việc. Người cảm ơn tôi về những điều tôi đã làm và nói sẽ tiếp tục gắng sức bằng mọi cách. Người chỉ thị cho Thủ tướng, lúc đó là ngài Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục liên hệ với tôi.

Lần thứ ba, tôi gặp Người vào dịp Quốc khánh Ấn Độ, 26 tháng 1 năm 1958. Cơ hội ấy thật là tốt đẹp vì Người đã đến và lưu lại với chúng tôi gần 1 giờ. Tôi lúc nào cũng quý trọng bức ảnh chụp chung với Người vào dịp đó.

Lần cuối cùng, tôi gặp Người vào mùa Xuân năm ấy, khi một đoàn văn hóa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sắp sửa lên đường sang thăm Ấn Độ. Tôi tổ chức một cuộc chiêu đãi nhỏ vào buổi tối để tiếp đoàn Việt Nam và hỏi ý kiến Vụ trưởng Vụ Lễ tân, xem có nên mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị khác hay không. Tôi được thông báo rằng, có thể, cứ gửi giấy mời, nhưng rất ít khả năng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến tư thất của tôi vì Người chưa hề làm như vậy, đối với bất kỳ một vị đại sứ nào hồi đó. Tôi gửi giấy mời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phép lịch sự, nhưng không dự kiến Người sẽ tới dự. Tuy nhiên, giữa buổi liên hoan, khi chúng tôi đang hát những bài Ấn Độ và Việt Nam cùng với các thành viên trong Đoàn, tôi rất ngạc nhiên và vui sướng thấy Vụ trưởng Vụ Lễ tân vào thông báo: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới”. Quả thật tôi hết sức vui mừng. Tôi ra đón Người và đưa Người vào phòng. Người cùng hát với chúng tôi, dùng một chút nước quả và trái cây, rồi ra về sau nửa giờ. Đây thật sự là một cử chỉ đẹp đẽ của Người mà tôi sẽ không bao giờ quên. Người nói về sự tôn trọng của mình đối với Mahátma Găngdi, Păngdít Nêru và nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi tới cháu “Inđira” của Người. Inđira Găngđi1 vốn thường gọi Người bằng “Bác” và viết thư cho Người.

Tôi muốn đặc biệt nói tới một bức thư Bác Hồ gửi cho Păngdít Nêru đang ở trong tù. Bức thư viết theo thể thơ như sau:

                      I

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

                      II

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;

Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,

Anh, trong gông xích bọn cừu nhân2.

Nhiều sự thay đổi và biến động lớn lao đang diễn ra trên thế giới. May mắn thay, những sự kiện đó cho đến nay đã diễn ra nói chung là hòa bình. Tuy nhiên cũng đã diễn ra tình trạng xói mòn và thất vọng đối với vai trò của Đảng cầm quyền ở nhiều nước - xã hội chủ nghĩa và không xã hội chủ nghĩa. Thế giới ngày nay có thể rút ra được một bài học trong đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đảng viên trong Đảng của mình hãy phục vụ nhân dân, giúp đỡ họ và học tập ở họ, không được ra lệnh hay bắt họ phải phục tùng. Đây là điều mà các đảng chính trị và các lãnh tụ Đảng có thể học hỏi.

Vì họ đã vi phạm nguyên tắc thiêng liêng này nên vai trò tiên phong trong xã hội của họ bị xói mòn... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ này hàng chục năm trước đây và lên tiếng cảnh tỉnh Đảng. Đảng đã tiếp thu lời khuyên của Người nên giữ được niềm tin của nhân dân và vai trò lãnh đạo của mình trong sự nghiệp phục vụ nhân dân. Mọi người khác hãy noi theo tấm gương này.

Một cống hiến quan trọng khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ trương làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hóa Việt Nam, gắn bó với các nền văn hóa khác trên thế giới. Các bài thơ, tiểu luận và diễn đàn của Người phản ánh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại, một niềm tin chung thủy đối với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy, người được yêu mến, khâm phục và kính trọng trên toàn thế giới. Tôi còn nhớ rõ nhân dân miền Nam Việt Nam, khi đất nước còn bị chia cắt đã hôn lên chân dung Người in trên giấy bạc như thế nào. Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới lại được nhân dân mình hết lòng mến mộ, tin yêu và kính trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi mong rằng Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và UNESCO sẽ sớm bắt tay vào việc dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mọi tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những tác phẩm này nói lên bản chất nhân đạo, lòng nhân ái, trí tuệ và tình cảm chan hòa mà Bác Hồ là hiện thân.

(T.N. CAUN3, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.30-34).

  1. Bác Hồ ngọn đuốc soi đường, nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào

Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vô cùng xúc động được đến đất nước Việt Nam anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, cùng với những người đồng chí anh em ruột thịt của mình, kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới.

Từ diễn đàn trọng thể này, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xin thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và tình cảm thiêng liêng nhất đến Bác Hồ. Xin gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và nhân dân Việt Nam anh hùng lời chào nồng nhiệt và thân thiết nhất.

….

Riêng đối với cách mạng Lào chúng tôi, tư tưởng và tình cảm cách mạng cao quý của Bác là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ những ngày cách mạng Lào còn trứng nước đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn luôn quan tâm dẫn đường, chỉ lối. Bác thường giáo dục chúng tôi phải: “Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường”. Bác nhấn mạnh: “Có nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường thì cách mạng mới phát triển nhanh chóng, đoàn kết quốc tế mới vững chắc”.

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương lớn mạnh, cách mạng ba nước đã trưởng thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng với tư tưởng chỉ đạo sáng suốt đã đề nghị Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 02 năm 1951) quyết định thành lập từng Đảng ở mỗi nước. Quyết định lịch sử hết sức đúng đắn đó đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và ý thức trách nhiệm của những người cách mạng ở mỗi nước đối với vận mệnh của dân tộc mình và thúc đẩy cuộc đấu tranh cứu nước của ba nước Đông Dương phát triển vượt bậc.

Bác Hồ luôn luôn giáo dục chúng tôi phải nắm vững sự nghiệp cách mạng Lào của nhân dân Lào, phải đi vào dân, phải đi xuống cơ sở, bám chắc lấy dân, lấy việc giáo dục động viên tổ chức nhân dân làm cách mạng là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Bác thường xuyên nhắc nhở chúng tôi chăm lo đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào.

Qua mỗi bước trưởng thành của cách mạng Lào, Bác và những người học trò gần gũi của Bác: Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi để xây dựng cơ sở, lập căn cứ cách mạng, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động đấu tranh ở vùng địch tạm thời kiểm soát, tiến hành đấu tranh, liên hiệp, thực hiện hòa hợp dân tộc…

Bác đã chỉ bảo chúng tôi nắm vững chiến lược, có sách lược đấu tranh sáng tạo, nhờ đó cách mạng Lào đã qua ba lần hòa hợp dân tộc, mỗi lần liên hiệp với đối phương là mỗi lần đưa cách mạng Lào đến gần thắng lợi hơn và khi có thời cơ thuận lợi đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Bác Hồ đã hết sức coi trọng việc giúp đỡ xây dựng lực lượng bên trong của cách mạng Lào, cho đó là yếu tố quyết định thành công của cách mạng Lào.

Bác đặc biệt coi trọng và luôn luôn chăm lo, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Việt - Lào - Cam-pu-chia, coi đó là một nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng của mỗi nước.

Người luôn luôn nhắc nhở ba nước anh em Việt, Lào, Cam-pu-chia phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau thì mới đánh thắng kẻ thù chung, mỗi nước mới có độc lập, nhân dân mới có ấm no, hạnh phúc.

Mối quan hệ đặc biệt đã biến thành hành động cách mạng của nhân dân hai nước. Trong nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã sang giúp nhân dân Lào chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào, coi Lào như Tổ quốc thứ hai của mình. Trên khắp mọi miền của đất nước Lào, máu của các chiến sỹ quốc tế Việt Nam đã hòa quyện với máu của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân Lào, vì sự sống còn của đất nước Lào.

Nhân dân Lào cũng đã biết bao hy sinh, góp phần mình vào việc tăng cường củng cố mối quan hệ đặc biệt đó. Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác, đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam.

Mối quan hệ đặc biệt đó đã thường xuyên thể hiện bằng tình cảm đặc biệt của Bác đối với cán bộ và nhân dân Lào chúng tôi. Trong trái tim tôi luôn luôn khắc sâu kỷ niệm trong một lần gặp Bác. Lúc đó, trời rét căm căm, tôi húng hắng ho, Bác đã lấy ngay chiếc khăn của Bác quàng vào cổ tôi. Được sưởi ấm trong hơi ấm của Bác, tôi rất xúc động và hiểu rằng Người muốn qua tôi gửi muôn vàn tình thương yêu tới cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân các bộ tộc Lào.

Tình yêu thương rộng lớn của Bác đã được thể hiện sâu sắc trong những vần thơ bất hủ của Người nói lên tấm lòng của hai dân tộc Việt - Lào.

                   “Thương nhau mấy núi cũng trèo,

                   Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

                   Việt Lào, hai nước chúng ta,

                   Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Để thực hiện di huấn của Bác, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sỹ, anh hùng với bao dòng nước mắt đau thương của biết bao bà mẹ, người chị, với công sức và tâm huyết của biết bao đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, trong ngày lễ thiêng liêng này, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước, không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi.

(CAY-XỎN PHÔM-VI-HẲN4, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh 
Chủ tịch Hồ Chí Minh in trong cuốn Bài ca đoàn kết (Xa-ma-khi) của Hội hữu nghị Việt - Lào Nghệ An, Nbx. Nghệ An, 2001).

Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:

  1. Cố Thủ tướng Ấn Độ, nhà hoạt động chính trị, xã hội và hoạt động quốc tế xuất sắc.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.372.
  3. Nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Đông Dương của Ấn Độ.
  4. Cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

 37. Cái tên vô cùng tôn kính và thân yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của Người

Việt Nam là một cái tên vô cùng thân thiết, vô cùng gần gũi đối với trái tim mọi người nhân dân Cu Ba. Việt Nam đối với chúng tôi là một tấm gương, một nguồn cổ vũ trong cuộc đấu tranh của chúng tôi. Nhân dân Cu Ba hiểu rất rõ vai trò lớn lao của nhân dân Việt Nam trong phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Việt Nam đã nêu cho tất cả các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới một bài học bất hủ. Không có một phong trào giải phóng dân tộc nào, không một dân tộc nào đã từng đấu tranh để giành độc lập của mình mà đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và anh hùng như nhân dân Việt Nam. Cần phải nhắc lại hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp khi nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc đấu tranh của mình. Nói đến điều đó không thể nào không nhắc tới cái tên vô cùng tôn kính và thân yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do hiểu rõ tầm quan trọng lịch sử vô cùng lớn lao và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười quang vinh, do tiếp thu tư tưởng sáng ngời của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ trong Chủ nghĩa Mác - Lênin bài học và con đường để tìm ra giải pháp cho tất cả các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức và bóc lột. Đồng chí Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách thiên tài cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì quyền lợi của quần chúng bị bọn phong kiến và giai cấp bóc lột áp bức. Người đã tìm ra con đường là kết hợp giữa những tư tưởng yêu nước của các dân tộc với sự cần thiết phải giải thoát họ khỏi sự bóc lột xã hội. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thấy rằng các dân tộc lạc hậu do bị áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân có thể có những bước nhảy vọt trong lịch sử và xây dựng nền kinh tế của mình theo con đường xã hội chủ nghĩa, không phải trải qua sự hy sinh và những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa tư bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có một quan điểm chiến lược rõ ràng mà còn thấy sự cần thiết phải thành lập và xây dựng một đảng viên tiên phong lãnh đạo cuộc đấu tranh đó. Và chính Người đã bắt tay xây dựng nên Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này là Đảng Lao động Việt Nam. Người đã tổ chức nên Đảng, giáo dục Đảng và rèn luyện Đảng trong cuộc đấu tranh. Chính nhờ vậy mà nhân dân Việt Nam đã có được đội tiên phong của mình, một Đảng sáng suốt, biết đoàn kết tất cả các lực lượng tiến bộ của nhân dân trong một mặt trận rộng rãi để đưa họ đi đến thắng lợi.

Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời của đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến lược và chiến lược trong sáng của Người một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình. Đồng chí Hồ Chí Minh đã biết vận dụng một cách thiên tài vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam những nguyên lý bất hủ của chủ nghĩa Mác - Lênin và lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của Người. Vì nếu làm khác đi thì không một dân tộc nào có thể viết được trang sử vẻ vang và anh hùng như nhân dân Việt Nam là đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp và sau đó là đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Nhân dân Việt Nam vốn là một dân tộc nhỏ bé nhưng đã đánh bại cả hai lực lượng hùng mạnh nhất trong thế giới hiện đại. Đó là một tấm gương vĩ đại mà nhân dân Việt Nam đã nêu cho thế giới. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một quan điểm rất rõ về các lực lượng của phong trào cách mạng quốc tế và dựa vào sự đoàn kết của phong trào ấy, vì nếu không có sự đoàn kết đó thì không có một dân tộc nào có thể thắng được các lực lượng hùng mạnh của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới ngày nay. Đây là một trong những bài học tuyệt vời khác mà Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã chỉ ra cho tất cả các dân tộc cách mạng trên thế giới. Ngoài ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bảo vệ kiên quyết nhất sự đoàn kết của các lực lượng tiến bộ và cách mạng trên thế giới. Người hiểu rằng mọi sức mạnh cần thiết nhất để chiến thắng kẻ thù đế quốc chính là ở trong sự đoàn kết đó.

Đồng chí Hồ Chí Minh thân yêu, người mà chúng ta không thể nào quên được đã nói:

          “Còn non, còn nước, còn người

          Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Trung thành với Anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam “mười lần đẹp hơn" ấy. Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa anh hùng…

(Trích bài phát biểu của đồng chí Phiđen Caxtơrô Rudơ trong dịp sang thăm nước ta tháng 9 năm 1973).

38. Hồ Chí Minh với văn hóa dân tộc và quốc tế

Đã có nhiều nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà khoa học lớn của Việt Nam và thế giới viết về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tài năng, đạo đức, tác phong của Người. Đặc biệt, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với sự đánh giá của đồng chí Phạm Văn Đồng trong tác phẩm: “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”. Chúng tôi cho rằng đó là những lời đánh giá tuyệt đối đúng và hết mực sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng sự hiểu biết có hạn của mình, hôm nay, tôi muốn bàn về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, văn học và nghệ thuật mà nó xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Văn hóa dân tộc, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn bộ những di sản, những giá trị vật chất và tinh thần của tổ tiên và nhân loại để lại mà mỗi chúng ta có nghĩa vụ phải bảo toàn, học tập và phát huy những mặt tốt đẹp, nhằm xây dựng lên cuộc sống mới, con người mới, con người có trách nhiệm làm tròn sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngay từ những năm còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, thể hiện trong đời sống, trong mối quan hệ tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Những tác phẩm: “Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa”, “Con rồng tre”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khi còn hoạt động ở Pháp vào hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, là những tác phẩm vừa có tính chính trị cao, đồng thời cũng là những tác phẩm văn học điển hình. Nó cực lực lên án chế độ thực dân Pháp; nó thể hiện tâm hồn của một con người yêu nước, yêu đồng bào, lòng nhớ thương Tổ quốc; nó mang bản sắc của người Á Đông nhưng đồng thời cũng rất đậm nét tính cách con người Việt Nam; nó không chỉ chống áp bức bóc lột, chống bạo quyền mà còn đòi được độc lập và tự do.

Với tư cách là người lãnh đạo Đảng và nNhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng. Người đã vạch ra con đường đúng đắn cho cách mạng, đồng thời cũng vạch ra một đường lối đúng đắn cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Người coi “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sỹ phải là chiến sỹ trên mặt trận ấy”.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau khi hòa bình lập lại, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn luôn luôn quan tâm chỉ bảo và vạch đường lối cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển. Những lời nói giản dị, những bài viết ngắn gọn của Người làm toát lên những vấn đề lớn của thời đại. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến viếng mộ Tổ, đền thờ vua Hùng tại Phú Thọ. Đó là việc làm rất phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của con người Việt Nam. Tại đây, Người đã nói chuyện với con cháu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Một lời dạy bảo giản dị, mộc mạc nhưng nói lên truyền thống của ngày hôm qua, nhiệm vụ ngày hôm nay và còn có ý nghĩa với muôn đời mai sau. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (ngày 17/6/1966), Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Một câu nói giản dị, ngắn gọn đã trở thành một câu danh ngôn mang những âm vang sâu rộng không chỉ bó hẹp trong đất nước, con người Việt Nam mà còn là lý tưởng đấu tranh của nhân dân các nước bị áp bức bóc lột và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người cách mạng, Người nhận mình là “nhà cách mạng chuyên nghiệp” và không nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Nhưng chính bản thân Người là tác giả của rất nhiều tác phẩm vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa rất hiện đại. Vì là một nhà văn hóa chân chính mà Người làm cách mạng và làm cách mạng không chỉ giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột mà cái cao quý nhất là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hóa nô dịch và xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc. Hàng năm, cứ mùa Xuân đến, Người lại làm thơ chúc Tết toàn dân. Mỗi bài thơ của Người vừa là một chỉ thị sáng suốt, một lời khuyên nhủ ân cần, vừa là một bông hoa nở trên từng chặng đường kháng chiến. Người rất hiểu những rung động và sự khao khát đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Đồng thời, Người cũng nghiêm túc yêu cầu “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể ở ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Văn hóa, nghệ thuật theo quan điểm của Người phải tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh cách mạng. Nhiệm vụ của văn hóa, văn nghệ là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sáng tác lên những tác phẩm ca ngợi những truyền thống tốt đẹp của cha ông và những tư tưởng, hành động tiên tiến xuất hiện trong cuộc sống mới. Chính vì vậy, trong những sáng tác của mình, Người viết rất ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân. Người dùng những điển tích đúng chỗ, đúng lúc nên càng làm đẹp thêm vốn cổ của dân tộc và làm hay cho văn chương Việt Nam ngày hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu rất rộng và sâu sắc vốn văn hóa, văn nghệ thế giới. Vậy mà Người không lạm dụng tiếng nước ngoài, cũng không hề bài ngoại. Người làm giàu vốn ngôn ngữ dân tộc mình bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trên 30 năm ở nước ngoài, đi khắp năm châu, bốn biển, trải qua bao nhiêu nghề: Làm báo, làm ảnh, viết sách và hoạt động cách mạng lúc hợp pháp, lúc bí mật, lúc bị cầm tù và chính những năm tháng đi tìm đường đi cứu nước, cứu dân đó đã giúp cho người hiểu tường tận văn hóa, văn nghệ của thế giới. Người đã nhiều lần trò chuyện với các tác giả nước ngoài về các đại văn hào thế giới, Người đã viết những bài phê bình, giới thiệu các đại văn hào thế giới, viết về triết học và nghệ thuật Ấn Độ (1958) và nền nghệ thuật In-đô-nê-xia (1958). Văn phong của Người là tổng hòa vốn văn hóa nghệ thuật giữa Á và Âu mà chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm“Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Nhật ký trong tù”... những lời châm biếm của Pháp, những nụ cười của Anh và chất hàm súc của Đường thi. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ am hiểu về nền văn hóa dân tộc mình mà còn rất am hiểu nền văn hóa thế giới và Người không chỉ làm cho nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam phong phú thêm mà Người còn đóng góp cho nền văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp, trong sáng về một quan niệm nhân sinh và thế giới, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại. Bởi thế, những tư tưởng văn hóa của Người đến với các dân tộc như một lẽ tự nhiên, có sức cổ vũ sâu sắc mỗi con người, mỗi dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó sâu sắc với dân tộc mình; đồng thời Người cũng đã dành nhiều tình cảm thắm thiết cho mọi dân tộc trên thế giới.

Hai nước Lào và Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời. Tình đoàn kết đó lại càng thêm bền chặt từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp và nó thấm nhuần vào từng người dân Lào và Việt Nam. Nó xuyên suốt trong mọi lĩnh vực công tác cách mạng. Nó là những dòng máu đỏ cùng chảy về một con tim. Khi chúng tôi nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đã đưa lại cho nhân dân Việt Nam một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật mới cũng tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa lại cho nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của dân tộc Lào một luồng gió mới, mở ra một thời đại mới, một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật mới, vừa kế tục nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc vừa được nâng lên để vươn tới một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của thời đại và tương lai - đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cách mạng. Những tư tưởng lớn, những quan điểm về văn hóa và những tác phẩm của Người đã trực tiếp giúp cho đội ngũ văn nghệ sĩ Lào thấy rõ con đường đi hướng về tương lai xán lạn. Chúng tôi mãi mãi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi ghi nhớ những câu thơ của Người:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

(PHIÊNG XIXULAT1, trích trong Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.207-211).

39. Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh

Ngày 15 tháng 7 năm nay, hồi 7 giờ sáng tại một trong những ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, xây dựng xung quanh Phủ Chủ tịch, tôi ngồi đợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới. Người đã nhận lời cho tôi phỏng vấn. Người đến, mặc một bộ quần áo nâu - bao giờ người ta cũng thấy Người mặc quần áo này, như tất cả mọi nông dân Việt Nam và đầu đội mũ vải, tay chống gậy nhỏ. Giọng nói của Người yếu hơn so với những lần trước tôi được gặp hồi năm 1964 - 1965, nhưng con mắt vẫn tinh anh như xưa, vừa hóm hỉnh, vừa sâu sắc, vừa hiền từ. Thấy tôi, Người nói đùa ngay một câu về mái tóc ngày càng bạc trắng của tôi.

Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không một chút nghi thức. Chúng tôi cùng ngồi xuống bên cạnh nhau trước một cái bàn bày bánh ngọt và cà phê mà tôi không lúc nào thấy Người đụng tới. Chúng tôi bắt đầu vào công việc.

Cũng vẫn là con người tôi đã được biết cách đây mấy năm, mà sự có mặt phi thường của Người như choán hết cả gian phòng, có thể nói làm xóa nhòa sự có mặt của những người khác; nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp, hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta những phút đầu thấy đôi chút lúng túng nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái ngay.

Nếu không có đôi mắt sáng và chòm râu dài thì nét mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trông có vẻ rất trai trẻ. Ở Người hình hài như thu lại đến mức nhỏ nhất chỉ còn toát ra ý chí và trí tuệ là những cái tuy đã toát ra ngoài thể xác nhưng vẫn hoàn toàn hiện thực. Lúc bấy giờ tôi không thể không nghĩ: “Bác Hồ sẽ từ giã cõi đời này khi nào sự thoát xác kia trở nên hoàn toàn”. Và tôi nghĩ rằng Người sẽ qua đời theo cách như vậy. Nhưng hỡi ôi, cách đây một tháng rưỡi, không gì có thể làm cho người ta ngờ rằng việc ấy lại xảy ra quá sớm như thế.

Giờ phút tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong kinh nghiệm sống của một người. Người không để lộ với tôi những bí mật Nhà nước - trong khi chúng tôi nói chuyện về Lênin, Người không tìm cách dạy tôi một bài học nào về đạo đức hay chính trị. Người chỉ kể lại những chuyện cũ năm xưa - thế nhưng càng nghe tôi càng thấy rằng Người vừa nói về một vấn đề lớn của Nhà nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý và chính trị cao siêu nhất.

Có hai điểm làm tôi chú ý đặc biệt. Trong đề cương mà tôi đưa cho Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa. Người không viết: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn” mà viết “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”… Đây không phải là một cái tật trong cách sử dụng ngôn ngữ mà đây chính là một nếp suy nghĩ của Người, nếp suy nghĩ ấy thể hiện ra như vậy, làm cho người ta thấy rằng trong tất cả mọi tình huống dù là đen tối nhất, Người đã phân biệt rõ cái gì là tích cực, cái gì hướng về cuộc sống và tương lai.

Lại một lúc khác, khi nhắc đến những kỷ niệm cũ của Người ở Đại hội Tua, câu chuyện có đề cập một nghị sỹ thuộc Đảng Xã hội tại Đại hội đã ngắt lời Người một cách không nhã nhặn lắm và về sau nghị sỹ ấy không bao giờ còn là bạn chính trị của Chủ tịch nữa. Bác Hồ nói: Chúng ta chẳng nên nhắc đến tên người ấy làm gì. Hồi tôi mới bước vào cuộc đời đấu tranh, ông ấy đã giúp đỡ tôi khi tôi còn ở trong Đảng Xã hội, và lúc đó chưa có sự phân liệt ở Tua.

Chuyện xảy ra cách đây đã 50 năm rồi, thế mà vị đứng đầu Nhà nước này vẫn tế nhị tới mức giữ bí mật tên tuổi một người khác chính kiến và có thái độ không được lịch sự đối với mình.

Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19 tháng 5 năm sau), Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà gửi trẻ, trường học, bệnh viện hay phòng đọc sách. Người nói mấy câu rất nhanh bằng tiếng Việt với các cán bộ giúp việc Người, rồi theo phép lịch sự, quay lại phía tôi tóm tắt bằng tiếng Pháp một cách hết sức thoải mái, dễ dàng những lời Người vừa nói bằng tiếng Việt mà tôi cũng đã nắm được ý chính. Sau đó, chúng tôi lại quay về với công việc đang bàn.

Một giờ sau, Bác Hồ đứng dậy, nói mấy lời thân ái gửi thăm các con tôi, rồi đứng dậy đi ra, bởi vì cho tới phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi công việc của dân tộc Việt Nam mà Người đời đời là một biểu tượng sinh động.

(SÁCLƠ PHUỐCNIÔ2, trích bài đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 04 tháng 9 năm 1969).

Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:.

1. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
2. Nhà báo Pháp, Tiến sĩ sử học, nguyên: Phóng viên thường trú báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt Nam, Giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam.


 40. Người bạn tốt của các dân tộc thuộc địa

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Chính phủ Pháp ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân thuộc địa và đẩy họ đi làm bia đỡ đạn trên chiến trường Châu Âu. Những người dân thuộc địa đi lính cho Pháp hồi đó bị đưa đi đánh quân Đức và phải chịu nhiều nỗi khổ cực. Chiến tranh kết thúc, nhân dân các thuộc địa Pháp được giác ngộ hơn và nhiều phong trào chống thực dân Pháp đã diễn ra khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó những người dân thuộc địa cư trú ở Pháp đã tập hợp lại và tổ chức ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Hội này thu hút những người Mađagátxca, Đahômây, Xênêgan Ghinê, Ăngtin, Guyaơlúp, Máctiních, Haiti, Angiêri, Đông Dương…

 Và tôi đã gặp anh Nguyễn Ái Quốc trong buổi thành lập Hội đó. Đây là vào năm 1922 ở Pari. Tôi nhớ rõ lần đầu tiên quen biết anh trong buổi họp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tôi thấy anh là người gầy gò, mảnh khảnh với một giọng nói nhỏ nhẹ, anh tự giới thiệu là người Việt Nam, làm nghề thợ ảnh đã đến ở Pari trước tôi 3 năm, hiện ngụ ở ngõ Côngpoanh. Anh nói tiếng Pháp hoàn hảo và tiếp xúc với anh tôi thấy ngay đó là một người đáng mến.

Chủ sở Hội của chúng tôi hồi đó ở số nhà 3 phố Mácsêđê. Đấy là một cửa hàng nhỏ bé, cũ kỹ, có hai gian, một gian nhìn ra phố và một gian ở phía sau. Hội viên của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa hội họp ở trong nhà đó. Tất cả có khoảng 100 hội viên. Đứng đầu Hội là ông Monnécvin, người đảo Ăngtin, giữ chức Tổng Thư ký Hội, về sau tôi gánh trách nhiệm đó một thời gian. Tôi là người Guyađơlúp. Hội không tổ chức thành nhóm, tổ hay chi bộ mà chỉ có hội họp chung. Đi vào trụ sở Hội người ta qua cửa ngách bên cạnh cửa hàng. Nhưng mỗi lần có cuộc họp bao giờ chúng tôi cũng thấy cảnh sát đứng canh gác ở phía ngoài cửa trụ sở của chúng tôi và bọn mật thám Pháp đứng điểm mặt. Chúng tôi hoạt động như thế cũng không phải dễ dàng và luôn luôn có sự uy hiếp.

Tôi gặp anh Nguyễn luôn trong các buổi họp của Hội. Có khi họp ở trụ sở Hội, có khi chúng tôi tổ chức mít tinh ở phòng họp của Hội để phổ biến kiến thức và phòng họp của Nhà Công đoàn ở phố Ôguýt Blăngki. Anh Nguyễn đi họp và đi dự các buổi mítting của Hội rất đều. Anh nghèo nhưng ăn mặc chỉnh tề. Hoạt động với anh tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Anh có lòng tin mãnh liệt ở thắng lợi cuối cùng và anh cho rằng muốn giải phóng dân tộc phải làm cách mạng, không có con đường nào khác. Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh. Một lần nghe tin thực dân Pháp khủng bố tàn sát nhân dân ở Đahômây thì anh căm phẫn, xúc động, đau đớn như chính việc đó xảy ra đối với nhân dân Việt Nam của anh. Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung. Anh đã trở thành bạn thân và tin cậy của tôi.

Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa sống bằng tiền đóng góp của hội viên. Mỗi hội viên đóng cho Hội mỗi tháng ba phrăng Pháp, ngoài ra có những người hảo tâm ủng hộ tiền cho Hội. Một hôm chúng tôi, trong đó có anh Nguyễn Ái Quốc, nảy ra ý kiến nên ra một tờ báo của Hội. Một sáng kiến táo bạo nhưng cũng đẻ ra nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Sau khi chúng tôi quyết định cứ ra báo. Chúng tôi thảo luận, đặt cho báo một cái tên: Người cùng khổ. Đây là bước phát triển mới của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

Chúng tôi phải thu xếp rất nhiều việc để ra được tờ báo. Tôi lúc đó là nghề trạng sư Pari, tôi hiểu pháp luật nhà nước Pháp, cho nên anh em cử tôi làm giấy tờ xin phép ra báo. Tôi phải đến tòa án và các bàn giấy của Pháp để làm mọi thủ tục cần thiết và cuối cùng thì xin được phép ra báo Người cùng khổ. Hội không có nhiều tiền để ra báo. Chúng tôi giao ước với nhau khi nào có tiền thì ra báo, cứ đủ tiền thì ra, có khi nửa tháng một kỳ có khi một tháng một kỳ, không nhất thiết phải ra đều kỳ. Nghĩa là báo chúng tôi không có ngân sách riêng. Chúng tôi tìm được chỗ in báo. Đấy là một nhà in tư nhỏ bé ở phố Croátxăng. Và sung sướng biết bao, tờ báo của chúng tôi đã ra đời. Đây là một tờ báo khổ to, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, tên báo bằng chữ Arab đặt bên trái và bên phải là tên báo bằng chữ Hán do anh Nguyễn Ái Quốc viết. Giá báo là 25 xu một số. Địa chỉ lúc đầu của báo là nhà số 16 đường Giắc Canlô, sau đổi về số nhà 3 phố Mácsêđê Patriácsơ, nơi đóng trụ sở của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

Cách làm việc của Tòa soạn báo Người cùng khổ rất tập thể. Chúng tôi không có Ban Biên tập làm việc thường xuyên vì mọi người chúng tôi đều phải sinh sống hàng ngày hoặc bận hoạt động nhiều việc khác. Mỗi kỳ ra báo, mỗi người đem bài viết của mình đến. Chúng tôi họp nhau lại, đọc chung, sửa chung rồi bàn nội dung cho số sau. Sau khi đã chọn bài một cách tập thể, chúng tôi phân công người chịu trách nhiệm sắp xếp lại và lo lắng việc xuất bản, đem bài đi nhà in chẳng hạn. Nhiều lần anh Nguyễn Ái Quốc được cử phụ trách chữa bài vở và xuất bản nhiều số báo. Anh tốt và có tinh thần tương trợ, cho nên có những lần đến lượt chúng tôi phải đi trông nom việc ra báo, nhưng thấy chúng tôi bận việc hoặc mắc chuyện gia đình, anh Nguyễn đã xung phong đi làm thay cho chúng tôi. Đấy là một người bạn tốt, nhẹ nhàng, đáng mến, lo xa, yêu thương đồng đội, chịu khó giúp đỡ người khác.

Báo Người cùng khổ xuất bản từ năm 1922 đến năm 1924, tất cả được 38 số. Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh viết khỏe, có số viết tới hai, ba bài. Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Lời văn của anh sắc bén, tư tưởng rõ ràng và mạnh mẽ: Đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở nhiều số, không những anh viết bài mà anh còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân. Tất cả những bài và tranh ký tên anh Nguyễn Ái Quốc trên báo Người cùng khổ mang một màu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh.

Dạo ấy, anh Nguyễn là người không có gia đình. Còn tôi thì đã có gia đình. Tôi lúc đó có bàn giấy trạng sư ở số nhà 10b phố Po Roayan Pari và cả gia đình tôi ở đây. Anh Nguyễn thường lại chơi, thăm gia đình tôi. Chúng tôi coi anh như người thân trong nhà và nhiều lần giữ anh lại ăn cơm. Anh giản dị, tự nhiên, vui tính. Anh hỏi vợ tôi: Bà chị của tôi. Anh gọi con gái tôi Êlian là cháu. Anh ăn uống ít và tôi có cảm tưởng là một người không đòi hỏi gì nhiều trong sinh hoạt. Một hôm anh đưa đến nhà tặng gia đình tôi một cái chiêng bằng đồng đường kính chừng 50 cm và một lư hương cũng bằng đồng. Những vật kỷ niệm quý giá đó tôi để ở nhà. Nhưng năm 1927 tôi về Goađơlúp, 13 năm sau mới trở sang Pari thì những vật đó đã mất. Tôi rất tiếc. Cả nhà tôi hết sức quý mến anh Nguyễn. Duy có điều chúng tôi không bao giờ thấy anh nói chuyện về gia đình, làng mạc, quê hương của anh. Chúng tôi cũng chẳng hỏi vì biết anh là một người hoạt động cách mạng, đời sống luôn luôn bị uy hiếp, có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Bỗng một hôm vào năm 1923, anh Nguyễn đến nhà chúng tôi và nói bằng một giọng lưu luyến:

- Hôm nay tôi đến chào anh chị. Tôi sẽ đi xa một thời gian mà không có dịp được gặp anh chị nữa. Xin chào anh chị và cháu ở lại mạnh khỏe và anh cho tôi gửi lời chào các đồng chí trong Hội Liên hiệp.

 Chúng tôi sửng sốt, bùi ngùi vì sắp phải xa một người thân. Lúc anh Nguyễn sắp sửa ra về con gái Êlian của tôi lúc đó lên 10 tuổi, chạy ra níu lấy chân anh Nguyễn hỏi:

- Chú Nguyễn! Chú Nguyễn! Chú sắp đi xa đấy à? Chú bỏ đi đấy à?

Tôi thấy anh Nguyễn tươi cười xoa đầu Êlian và nói:

- Sao cháu biết? Thật đúng là ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ. Chú đi rồi chú trở lại.

 Anh Nguyễn không nói cho chúng tôi biết anh đi đâu, nhưng chúng tôi hiểu đấy là do công tác cách mạng của anh cần giữ bí mật. Ngay lúc đó tôi đoán có lẽ anh đi Mátxcơva.

Bẵng đi nhiều năm tôi không có tin về anh Nguyễn. Cho đến năm 1927 tôi không ngờ được gặp lại anh ở Đại hội chống đế quốc họp ở Brúcxen, Thủ đô Bỉ. Chúng tôi mừng rỡ hết sức. Hai chúng tôi kể cho nhau nghe cuộc đời mấy năm qua của nhau. Đại hội chống đế quốc lúc đó họp trong lâu đài Étmông. Chính phủ Bỉ ra điều kiện cho Đại hội là có thể bàn các vấn đề nhưng không được bàn nhiêu về tình hình nước Côngô, thuộc địa của Bỉ. Phiên họp đầu tiên đặt dưới sự chủ tọa của nhà văn Hăngri Báctuýt, tác giả cuốn tiểu thuyết “Lửa”. Đại biểu các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh ngồi chật phòng họp. Người dự đông lắm cho nên tôi và anh Nguyễn không có điều kiện gặp nhau luôn trong Đại hội, nhất là chúng tôi lại bận việc ở tiểu ban. Tôi làm việc ở tiểu ban “Châu Phi da đen” còn anh Nguyễn thì làm việc “tiểu ban Châu Á”.

Tôi nhớ trong những phiên họp ở Hội trường, anh Nguyễn có lên diễn đàn đọc tham luận lên án chủ nghĩa thực dân. Chúng tôi lại chia tay nhau sau Đại hội, mỗi người đi một ngả.

Cho đến năm 1945, sau chiến tranh thế giới thứ hai, một hôm xem báo và xem phim ở Pari tôi thấy ảnh và tiểu sử vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhận ra ngay người bạn cũ của tôi và reo lên: “Chính đây là anh Nguyễn Ái Quốc!”. Chỉ khác là anh có thêm một chòm râu.

Mùa Hè năm 1946, tôi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp. Được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khách sạn Roayan Môngxô, tôi viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chào và hỏi thăm, mong được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nếu được thì đó là một điều vô cùng sung sướng đối với tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời ngay và mời tôi đến chơi ở khách sạn Roayan Môngxô. Hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một chiếc xe hơi đến tận nhà riêng tôi ở số nhà 51, phố Clốt Bécna, quận 5 ở Pari để đón tôi đưa đến khách sạn Roayan Môngxô. Người đến đón tôi cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến nhà tôi được vì có những sự phiền phức về ngoại giao và để tránh sự theo dõi của cảnh sát và mật thám Pháp.

Tôi vừa tới khách sạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạy ra ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm động và nghẹn ngào gặp lại người bạn cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn như xưa, giản dị, dịu dàng, vui tính, tuy có già đi ít nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh kể chuyện cho tôi nghe và nói cho tôi biết Người đến Pháp để làm gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tôi:

- Anh biết tôi. Anh hiểu tư tưởng tôi. Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi.

 Khi tôi xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh để ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo tôi:

- Ngày trước, khi tôi đến chơi nhà anh, “bà chị của tôi” cho tôi ăn bánh ngọt. Tôi không có bánh ngọt nhưng tôi có ít hoa quả gửi anh để nhờ anh đưa về biếu chị và cháu.

Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi người đưa đến cam, táo đặt trong một cái làn và trao tay cho tôi. Mấy hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tôi đến dự một buổi chiêu đãi ở vườn Bagaten trong rừng Bulônhơ và một buổi chiêu đãi khác ở Viện Bảo tàng Nhân chủng học trên Quảng trường Trôcađêrô. Tôi đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiêu đãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của tôi. Tôi sung sướng đứng nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi lại nhanh nhẹn dưới các quan chức, các nhân vật chính trị, các trí thức có tên tuổi của Pari. Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng tạo ra nền độc lập của nhân dân Việt Nam, là người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thành công hết sức vẻ vang. Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã dẫn đầu trong số những nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh giành lại chính quyền cho nhân dân mình.

Quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc còn thanh niên, tôi luôn luôn giữ trong lòng một cảm tưởng sâu sắc, một hình ảnh không bao giờ phai nhạt: Đó là một đồng chí rất tốt, rất trung hậu, rất dũng cảm với một lý tưởng đấu tranh vô cùng cao quý và đẹp đẽ.

(MẮC CLANHVIN BLÔNGCUA1, trích trong cuốn Bác Hồ ở Pháp, Nbx. Văn học, Hà Nội 1970, trang 48-56).

41. Ở thời đại này rất ít có nhân vật chính trị nào lại hết sức gần gũi nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với người Việt Nam mùa Xuân này là mùa Xuân của hòa bình, mùa Xuân của giải phóng, những niềm vui ấy có đượm một chút đau buồn bởi lẽ Bác Hồ không thể tham gia lễ mừng thắng lợi. Tuy vậy, con người ấy, con người đã từ biệt nhân dân Việt Nam sáng ngày 03 tháng 9 năm 19692 vẫn có mặt dưới nhiều hình thức: Sài Gòn bây giờ được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh; 55 ngày long trời lở đất, chấm dứt cuộc chiến đấu 30 năm được đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và đó là biểu hiện về lòng biết ơn của hàng triệu người Việt Nam. Ở thời địa này rất ít có một nhân vật chính trị nào lại hết sức gần gũi với nhân dân của mình như nhà hoạt động chính trị sinh ra ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ấy.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến hoàn cảnh sống cho con người hơn là đến những chính trị giáo điều.

Ở Người, một tác phong rất quán triệt là sự giản dị, giản dị từ bên ngoài, đôi dép, nếp sống cho đến chương trình làm việc, Người rất ghét những gì giả dối, nặng nề, hình thức. Người chủ trương giáo dục con người. Làm thế nào để giáo dục cả một dân tộc có ý thức và nghị lực đứng lên chống lại quân thù. Người có tài biến những sự việc phức tạp trở nên giản đơn, dễ hiểu. Người còn là một nhà thương lượng phi thường.

(PHÔNXƠ IXCAXƠN3, trích bài đăng trên báo Tin hàng ngày (Thụy Điển) số ra ngày 17/9/1975)

42. Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay

Người ta nhận thấy bản chất khoa học của học thuyết Mác - Lênin thông qua mục đích của học thuyết này. Mục đích đó là cung cấp một phương pháp tìm kiếm những giải pháp đúng đắn nhằm biến các tiềm năng của quá trình lịch sử thành hiện thực. Về mặt này sử dụng những kinh nghiệm thực tế của mình, Hồ Chí Minh đã đặt tư tưởng lý luận của Người trên cơ sở di sản của Lênin trong việc tìm kiếm một cách sáng tạo con đường cụ thể cho việc giải quyết các vấn đề quốc tế và các vấn đề dân tộc.

Để phân tích tỉ mỉ những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, việc đề cập ngắn gọn đến quá khứ của Người là một cách làm thích hợp. Hồ Chí Minh, người sáng lập phong trào cộng sản ở Việt Nam, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhân sĩ yêu nước gốc nông dân tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Từ khi còn nhỏ Hồ Chí Minh đã chứng kiến với sự lo lắng sâu sắc nỗi khổ đau của quần chúng bị chà đạp dưới ách thực dân Pháp. Vào thời trẻ của Người, Việt Nam chứng kiến sự phát triển của cuộc đấu tranh chống Pháp dưới hình thức các phong trào khác nhau. Ảnh hưởng từ nguồn gốc gia đình cùng với truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của nhân dân đã giúp Người trưởng thành, trở thành một người yêu nước kiên định.

Năm 1911, làm phụ bếp trên một tàu buôn của Pháp, Hồ Chí Minh đã tới một số thành phố ở Châu Á, Châu Phi và điều đó đã cho phép Người được chứng kiến nỗi bất công của ách thống trị thực dân. Năm 1913, tại Luân Đôn, Người đã tham gia một tổ chức cách mạng gọi là Hiệp hội những công nhân hải ngoại. Năm 1914, Người tới Mỹ nơi Người đã thu thập được những thực tế để viết một bài báo bóc trần tính chất lắt léo và mâu thuẫn của nền dân chủ và văn minh tư sản. Sống ở Pari, Người đã đưa ra với những cường quốc tham dự Hội nghị hòa bình Véc-xây bản yêu sách về quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Khi ở Pháp Người đã có một vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy sự nghiệp của Việt Nam. Người đã tham gia một cách tích cực các câu lạc bộ cấp tiến của giai cấp công nhân và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Hồ Chí Minh đã thể hiện nhiệt tình yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của Người với việc tổ chức những người cấp tiến từ các thuộc địa của Pháp trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Là một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết, Hồ Chí Minh thể hiện tài năng tổ chức và tuyên truyền của Người. Dưới sự chỉ đạo của chính Người, Hội Liên hiệp thuộc địa đã thường xuyên có các cuộc họp và xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), một phương tiện để đề cập các vấn đề thực dân và lên án chủ nghĩa đế quốc.

Những hoạt động đầy tính chiến đấu và quan điểm khoa học của Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo Quốc tế Cộng sản tại Mát-xờ-cơ-va, họ coi Người là một nhà cách mạng có những hứa hẹn đặc biệt.

Mùa Hè 1923, Người được triệu tập đến Mát-xờ-cơ-va để làm việc tại trụ sở của Quốc tế Cộng sản. Người là một trong những thành viên sáng lập Quốc tế Nông dân và đã tham gia Đại hội V của Quốc tế Cộng sản tại Mát-xờ-cơ-va năm 1924. Để bảo đảm việc thực hiện chiến lược Quốc tế Cộng sản ở Châu Á, Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa sâu sắc việc thành lập phong trào cách mạng Mác xít ở Việt Nam.

Vào năm 1925, làm việc ở Trung Hoa, Người đã tham gia vào việc thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng. Năm 1930, tại Hồng Kông, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với một sự áp dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào phong trào cách mạng Việt Nam. Do những cố gắng bền bỉ của Người, cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam đã được tăng cường.

Những sự kiện tiếp theo đã chứng minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã tràn tới và thâm nhập vào xã hội Việt Nam nhờ những cố gắng của Hồ Chí Minh. Các điều giảng dạy và chỉ thị cách mạng của Người, trong đó có tính đến các mặt thực tiễn của xã hội Việt Nam, đã đặt cơ sở cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của các nhà lý luận mácxít -Lêninnít là làm phong phú thêm nội dung hoạt động của giai cấp công nhân thế giới, các phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc. Việc vạch ra và hoàn thiện những kế hoạch phát triển của xã hội sẽ bảo đảm theo cách nhìn nhận lịch sử, dẫn tới việc tiếp thu một cách sáng tạo những kinh nghiệm mới trong quá trình cách mạng thế giới.

Thế giới trong thời đại ngày nay là một chỉnh thể của tính phụ thuộc lẫn nhau và sự gắn bó hữu cơ. Mặc dù đa dạng, nó phản ánh sự tác động lẫn nhau giữa tính quốc tế và tính quốc gia cũng như phản ánh những biểu hiện của các quy luật chung chung trong khuôn khổ của những đặc thù nằm trong tình hình cụ thể của nước này hay nước kia. Vì vậy, trong phạm vi vấn đề này, tôi muốn nói những tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn phù hợp với thời đại ngày nay.

Sự đánh giá chính trị sâu sắc dựa trên những nguyên tắc dân chủ của những người mácxít đã dẫn Hồ Chí Minh đến việc tăng cường và phát triển lý luận lêninnít về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong một loạt bài phát biểu và phân tích sâu sắc về chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã vạch trần sự bóc lột và áp bức của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình, Người đã bóc trần bộ mặt xảo quyệt mà chủ nghĩa đế quốc sử dụng để khuất phục giai cấp vô sản ở chính quốc và ở các thuộc địa. Về mặt này những tư tưởng của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng to lớn trong việc khuyến khích và cung cấp tri thức cho các lãnh tụ của giai cấp công nhân và các nhà cách mạng ở Á, Phi, Mỹ Latinh giải quyết một cách triệt để vấn đề dân tộc.

Sức sống của những tư tưởng Hồ Chí Minh là ở khả năng có thể áp dụng một cách sáng tạo phương pháp luận Mácxít - Lêninnít vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng của chủ nghĩa dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai tại Lào, Cam-pu-chia, An-giê-ri, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la đã có những diễn biến chống thực dân thành công nhất, đem lại động lực cho một Mặt trận thống nhất chống đế quốc.

Hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội được quyết định bởi sức mạnh và chất lượng của Đảng để đạt đến những mục tiêu đã đề ra của mình. Hơn nữa, là hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng xây dựng xã hội mới. Để đạt mục đích xã hội, việc xây dựng Đảng trên cơ sở dân chủ là một nhiệm vụ thiết yếu quyết định tính năng động của hệ thống chính trị. Vì lẽ đó, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong khuôn khổ của những nguyên tắc dân chủ với tất cả những mặt lý luận và thực tiễn của nó, đã trở thành sinh lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc xây dựng Đảng đòi hỏi những gắn bó của cán bộ Đảng, Nhà nước và cán bộ của các tổ chức quần chúng. Nếu không có một chính sách cán bộ đúng, không thể thực hiện được vai trò tiên phong của Đảng. Nói một cách khác, như Hồ Chí Minh đã nói: Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng và thực hiện cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư trong việc động viên và làm thức tỉnh các hoạt động chính trị - xã hội của quần chúng. Vì vậy, sự trong sáng của Đảng là một nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm củng cố cơ sở xã hội và sức mạnh của Đảng, để Đảng hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, trong việc đánh thắng quân phiệt Nhật, đế quốc Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Vì vậy, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với học thuyết về Đảng là sức mạnh, đã nêu ra được một tấm gương cho phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi.

Trong việc vạch ra chiến lược cách mạng để giải phóng Việt Nam khỏi ách đế quốc và thực dân mới, Hồ Chí Minh xem xét đặc thù của tình hình Việt Nam một cách cụ thể nhất. Người đã đưa ra những tư tưởng mới phát triển học thuyết mácxít về cách mạng và khoa học quân sự. Những tư tưởng về học thuyết quân sự của Hồ Chí Minh bao gồm một lý luận toàn diện với nhiệm vụ cụ thể cho quân đội, dân quân và nhân dân trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến toàn quốc. Dựa trên sự đánh giá sâu sắc về lý luận của Người về thực tế khách quan, Đảng đã vũ trang, xây dựng và phát triển khả năng của ba thứ quân. Đồng thời, sự phối hợp các cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao đã đem lại một sức mạnh cách mạng mạnh mẽ đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều cần lưu ý là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và sự hy sinh của họ nhằm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình là một bằng chứng sinh động về vai trò của quần chúng. Vì vậy, mục tiêu cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và những thắng lợi phi thường của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguồn kinh nghiệm cho các đảng anh em ở Châu Phi, đang bền bỉ chiến đấu chống các thế lực phản động quốc tế và tay sai gây rối.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu. Những nỗ lực hòa bình của nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đã bị cản trở bởi các đế quốc Nhật, Pháp và Mỹ. Để đối phó với âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận ba cuộc cách mạng và lý luận đó là một cái mốc trong tư tưởng của những người theo học thuyết Mác. Lý luận này nêu rõ chủ nghĩa xã hội có thể được xây dựng không chỉ trong điều kiện hòa bình mà cả trong điều kiện chiến tranh. Về thắng lợi của ba cuộc cách mạng có thể thấy là những kiến nghị của Hồ Chí Minh về tăng cường sản xuất và đẩy mạnh tiết kiệm đã có một tác động lớn đối với cuộc chiến tranh lâu dài và giáo dục tư tưởng tự lực cho nhân dân. Việc Đảng và nhân dân Việt Nam áp dụng một cách sáng tạo những huấn thị của Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn vào việc “đưa cuộc kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi”. Vì vậy, tư tưởng phong phú này đã trở thành đại diện cho một cách nhìn mới ở Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích và Ê-ti-ô-pi-a, những nước đã đi vào con đường cách mạng dân tộc dân chủ.

Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn kính là một nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận và hơn nữa là một nhà chiến lược thiên tài. Là một nhà lý luận Mácxít - Lêninnít, Người đã kế tục và phát triển các tư tưởng của Mác và Lênin trong bối cảnh của cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và trong bối cảnh của cả quá trình cách mạng thế giới.

Những quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng tạo phương pháp lịch sử và duy vật để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn gốc của những tư tưởng lỗi lạc của Người đã được kiểm nghiệm và thực hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đã mở ra những tiềm năng chưa từng có cho các phong trào giải phóng dân tộc.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh vào thời điểm lịch sử hiện nay cũng là một nguồn động lực quan trọng đối với các nước Châu Phi trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất và phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc mình.

(TÊSHÔM KÊBÊĐE4, trích trong Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớnNxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.82).  

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Luật sư, sinh năm 1886, người đảo Goađơlúp, hoạt động trong "Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa", tham gai Ban Biên tập báo Người cùng khổ, làm nghề luật sư ở Pari.
2. Thông báo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 19/8/1989 công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969.
3. Nhà văn Thụy Điển.
4. Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - trường Đảng Êtiôpia.


 42. Bác Hồ, người xây đắp nền tự do của nhân dân Việt Nam

Được gặp và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây quả là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ Người tỏ ra mình là một con người vĩ đại.

Mặc dù có rất nhiều trọng trách mà Người phải gánh vác, người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi, làm cho bạn cảm thấy thoải mái ngay.

Người nom có vẻ mảnh khảnh, nhưng lại mãnh liệt đến mức khó tưởng tượng nổi, trong sự tận tụy hoàn toàn vì nhân dân và đất nước của Người cũng như với lòng tự hào về hoàn cảnh, nền văn hóa và lịch sử của dân tộc mình.

Nếu cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam được thừa nhận là phong trào dân tộc giải phóng vĩ đại nhất từ trước tới nay thì đồng chí Hồ Chí Minh đã tạo ra phong trào đó. Người đã cổ vũ nhân dân, nhân dân không cảm thấy xa lạ mà lại hoàn toàn yêu mến Người, đối với họ người là Bác Hồ.

Đồng chí Hồ Chí Minh đồng thời còn là một nhà hoạt động quốc tế xuất sắc. Người đã giáo dục nhân dân vốn có lòng yêu nước sâu sắc, thành những người có tinh thần quốc tế.

Lần đầu tiên tôi gặp người ở Hội nghị Mátxcơva năm 1960 chúng tôi đã cùng nhau trải qua một buổi tối sinh động. Lúc đó sự quan tâm lớn nhất của Người là vấn đề thống nhất phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Năm 1965, các đồng chí Bin Alếchxanđơ, Giôn Mahôn và tôi đã gặp lại Người cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội đã bị tàn phá. Người vẫn như xưa, vẫn là Bác Hồ không hề nao núng.

Tất nhiên, cảnh tàn phá ghê gớm do sự xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra có giày vò Người, nhưng Người vẫn giữ một phong thái ung dung vì Người tin chắc ở thắng lợi.

Ngồi vào bàn ăn, Người tỏ ra hoạt bát, rất thông minh và tế nhị, những đồng chí Việt Nam cùng ngồi luôn luôn cười thoải mái trước những câu nói vui của Người.

Người muốn biết mọi điều đang xảy ra trong thế giới tư bản chủ nghĩa và nhìn thấu suốt được tất cả những vấn đề chúng tôi trình bày với Người.

Không một dân tộc nào làm cho tôi cảm xúc như người Việt Nam, tận tụy nhưng không cuồng tín, nhỏ bé nhưng không hề khuất phục, yêu chuộng hòa bình nhưng đã kiên định quyết tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng.

Đồng chí Hồ Chí Minh đã tượng trưng cho tất cả những điều đó. Có lẽ nói như vậy cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng sự đau buồn ở Việt Nam và trên thế giới thực là sâu sắc, bởi vì Người trước hết là thuộc về nhân dân Việt Nam, vì Người là một nhà cách mạng cộng sản vĩ đại, một nhà lý luận vĩ đại, một nhân vật thực sự vĩ đại mà vị trí có một không hai của Người trong lịch sử đã được xác nhận.

Tôi tin rằng những người bạn thân thiết của Người, Đảng của Người, dân tộc vĩ đại và bất khuất của Người sẽ hoàn thành sự nghiệp của Người: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”.

… Trong nửa thế kỷ qua, Người là một chiến sĩ cộng sản. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.

Toàn bộ cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời mà mỗi Người cộng sản phải noi theo.

Người đã thành công trong việc đoàn kết nhân dân đấu tranh giành độc lập, giành lấy chính quyền để có thể vượt qua được tình trạng nghèo nàn và những tai họa xã hội do chế độ thực dân để lại.

Cuộc đời và những hoạt động của Người đã thể hiện lòng tin không thể lay chuyển của Người vào nhân dân, thanh niên và những tai họa xã hội do chế độ thực dân để lại.

Cuộc đời và những hoạt động của Người đã thể hiện lòng tin không thể lay chuyển của Người vào nhân dân, vào những nam, nữ bình thường, những công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên có khả năng vượt qua những trở ngại ghê gớm nhất và giữ vững tinh thần dũng cảm tận tụy đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống lại một nước đế quốc mạnh nhất trên thế giới.

Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người đã làm nên lịch sử hiện đại. Sự lãnh đạo của Người đối với nhân dân Việt Nam không những ảnh hưởng đến lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả chiều hướng phát triển của những sự kiện trên toàn thế giới.

Từ tấm gương của nhân dân Việt Nam, những chiến sĩ đấu tranh cho tự do hiện đang cầm vũ khí chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa thực dân kiểu mới đều nhận thấy rằng bản thân mình cũng có thể giành được thắng lợi.

Hàng triệu người đang đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam đều nhận thấy chủ nghĩa đế quốc là kẻ xâm lược, là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới, điều mà hàng triệu người rất mong muốn.

Những thành quả về kinh tế và xã hội của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mang lại niềm tin tưởng cho những người ở những nước mới giành được độc lập, thấy rằng họ cũng có thể thanh toán những tàn tích của chế độ thực dân bóc lột.

Đối với thanh niên và sinh viên, cuộc sống và tinh thần phục vụ nhân dân của Người sẽ mãi mãi là tấm gương, là nguồn cổ vũ mãnh liệt trong những cuộc thử thách về chính trị đang chờ họ trong tương lai.

Tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của đồng chí Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta, đồng chí là một nhà cách mạng, một người yêu nước, một người giàu lòng nhân đạo, một nhà hoạt động quốc tế tận tụy.

Nhân dân Việt Nam thương tiếc vị lãnh tụ của mình, Người đã sáng lập ra đất nước và phong trào cách mạng của mình.

Nhưng họ sẽ không thương tiếc trong sự thất vọng, mà vui lòng tự hào, với quyết tâm tiếp tục đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ.

Nhân dân Việt Nam sẽ giành được hòa bình, sẽ xây dựng lại đất nước mình, sẽ tạo ra trên đất nước mình một xã hội xã hội chủ nghĩa, dân chủ và chính như vậy họ sẽ xây dựng một đài kỷ niệm sinh động để tưởng nhớ con người vĩ đại nhất của dân tộc mình, đồng chí Hồ Chí Minh.

Chúng ta kính chào vĩnh biệt một người cộng sản vĩ đại. Chúng ta nguyện cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam.

(GIÔN GÔ LAN1, trích bài đăng trên báo Sao mai, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Anh, số ra ngày 05 tháng 9 năm 1969).

43. Giữa Mạc Tư Khoa và Pari: Những lần được gặp Bác Hồ

Lúc ấy là năm 1946 ở Pari. Trong khi đại biểu các nước đồng minh chống Hítle và các nước vừa thoát khỏi ách thống trị của Hítle đang họp Hội nghị Hòa bình ở lâu đài Lúcxămbua thì Phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Pari và được đưa về ở một cách chu đáo tại một tòa nhà đẹp đẽ ở ngoại ô thành phố. Phái đoàn này sẽ đàm phán về việc Pháp phải vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam.

Dư luận chú ý nhiều đến những sứ giả đầu tiên của một dân tộc đã đánh đuổi trước hết là bọn Pháp và sau đó là bọn Nhật ra khỏi đất nước mình. Đất nước này vẫn còn rất xa lạ đối với báo chí mà Hội nghị Hòa bình đã thu hút về Pari. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng trăm nhà báo được thu hút đến cuộc họp báo do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh triệu tập.

Dưới ánh đèn pha của các phóng viên nhiếp ảnh, người ta thấy một người đàn ông nhỏ nhắn, dáng mảnh khảnh, mặc bộ quần áo màu xám bước vào phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu phát biểu với giọng nói nhẹ nhàng bằng thứ tiếng Pháp rất đúng và có thể nói là rất điêu luyện. Chủ tịch trả lời những câu hỏi thường là hiểm hóc với một thái độ hết sức thận trọng, tránh mọi điều gì có thể xúc phạm đến nước Pháp, là một bên đàm phán. Điều đó chẳng có gì là đáng cho người ta phải ngạc nhiên. Phía Việt Nam nghiêm chỉnh và cố tìm cách đoạn tuyệt với Pháp một cách hòa nhã.

Tại Trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa

Lúc ấy, không phải lần đầu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai mươi năm trước đó, tôi đã thường sát cánh với đồng chí Hồ Chí Minh trong công việc chung. Thời ấy, chúng tôi cùng ở Mạc Tư Khoa. Lúc bấy giờ ở đấy có một Trường Đại học Cộng sản dành riêng cho những người lao động Phương Đông, nơi học tập của nhiều thanh niên ở khắp các nước trong thế giới thuộc địa. Một trong những môn giảng dạy ở Trường Đại học này là môn lịch sử phong trào công nhân, trong đó đặc biệt đáng chú ý là lịch sử Quốc tế Cộng sản. Việc giảng dạy được tiến hành bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Nga (đối với các học viên Trung Quốc thì có một trường riêng: Trường Đại học Tôn Dật Tiên). Các giảng viên của các nhóm tiếng khác nhau, thêm vào đó còn có những người phiên dịch sang nhiều tiếng khác nhau của các dân tộc, thường tiến hành những cuộc họp thường kỳ để bàn bạc về công tác và về việc phối hợp chương trình giảng dạy.

Nguyễn Ái Quốc

Lúc ấy tôi ở nhóm tiếng Anh, gồm phần lớn là những người Ấn Độ, nhưng cũng có cả những người da màu ở các thuộc địa Châu Phi và những người Ảrập ở Ai Cập và Palextin trước kia. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc dạy nhóm nói tiếng Pháp, trong đó phần lớn là những người Bắc Phi và những người Đông Dương, như lúc đó người ta thường gọi. Chúng tôi đều biết rằng đồng chí là người sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cách mạng ở Đông Dương và đã từng sống lâu năm ở Pháp. Là giảng viên tương đối nhiều tuổi và có kinh nghiệm nhất nên những ý kiến của đồng chí thường có tác dụng quan trọng trong những buổi họp để bàn bạc công việc. So với các giảng viên khác, đồng chí có ưu thế lớn là hiểu được đất nước của các học viên như đất nước mình vậy. Hơn thế nữa, đồng chí đã từng tích cực tham gia các phong trào công nhân Pháp trong nhiều năm và là đại biểu Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Đại hội mà trong đó đa số đảng viên đảng của Giăng Giôrét2 đã quyết định tham gia Quốc tế Cộng sản.

Đối với những người trẻ tuổi như chúng tôi, khi góp ý kiến về việc gì, không bao giờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc tỏ ra mình là người hơn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn và không bao giờ đồng chí cười chúng tôi về những quan niệm của chúng tôi, thường là ngây thơ đối với thế giới thứ ba. Đồng chí coi chúng tôi như những người cộng tác bình đẳng, cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chung. Và ngày nay, mỗi khi tôi nghĩ rằng con người đó sau này trở nên một nhân vật thần kỳ với cái tên Hồ Chí Minh, đứng đầu cuộc đấu tranh anh hùng rất độc đáo của dân tộc mình thì tôi hiểu rằng cái phong cách đối xử khiêm tốn tự nhiên của đồng chí đối với thanh niên trong phong trào của chúng ta đã có một tác dụng như thế nào.

Thời gian trôi qua bao nhiêu năm rồi. Bỗng giữa năm 1945, tôi nhận được một tin do đài vô tuyến điện không quen biết truyền đi khắp thế giới bằng ký hiệu moócxơ. Đó là việc tin báo về việc Quân giải phóng nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi được bọn Nhật là những kẻ đã chiếm đóng Đông Dương sau khi Pháp bị đánh bại. Đứng đầu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam được giải phóng là Hồ Chí Minh. Ở Mạc Tư Khoa lúc đó không ai biết Hồ Chí Minh là người nào cả và mãi về sau chúng tôi mới rõ rằng đó chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người mà bao lâu nay chúng tôi không được tin tức gì. Từ một giảng viên bề ngoài trông rất bình thường trước kia, đồng chí đã trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại của một nhà nước cộng sản.

(PHƠRÍTXƠ GLAOBAOPHƠ, bài đăng trên báo Tiếng nói nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Áo số ra ngày 19 tháng 9 năm 1969).

44. Bức thư của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948

Số 1453.BK

Thư riêng

Kính gửi Ngài Hồ Chí Minh

Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bạn Lớn thân mến,

Ngài đoán nỗi vui mừng lớn lao mà tôi vừa cảm nhận, khi tiếp được bức thư riêng vô cùng thân ái của Ngài, đề tháng 02 năm 1948, do hai ông Nguyễn Đức Quỳ và Trần Mai3 chuyển tận tay; bức thư đó đã phải qua hơn một ngàn cây số và mất ba tháng trời để tới tôi; đó là dấu hiệu vật chất về tình cảm tốt đẹp của Ngài đối với tôi và đối với gia đình nhỏ bé của tôi.

Cũng như vậy, tôi mong ước rằng bức thư này có thể tới tay Ngài, mang tới Ngài tình bạn trung thành của tôi, cũng như lòng mến phục sâu xa của tôi đối với nhân vật tuyệt diệu và người lãnh đạo siêu việt mà trước mắt những người yêu nước, các chiến sỹ cách mạng, những người xã hội chân chính và những người thuần khiết, Ngài luôn luôn là hiện thân.

Tôi được biết qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhất là qua người bạn thân của tôi là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch4, những chiến công oanh liệt mà quân đội Việt Nam của Người ở miền Bắc đã giáng trả một cách anh hùng và xuất sắc trong mùa Đông năm ngoái cho các lực lượng thực dân Pháp một đòn nặng mà chúng không bao giờ có thể gượng lên nổi.

Ngài cũng biết rõ những khó khăn hiện nay của chúng tôi, cũng như quyết tâm chiến đấu giải phóng nước Lào của chúng tôi, lâu dài đến đâu là tùy theo ý muốn của kẻ thù. Những hy sinh đã, đang và sẽ còn gay go cho các dân tộc khốn khổ của chúng tôi bị bóp nặn và đè nén, chúng tôi biết rõ điều đó nhưng vì hạnh phúc, tương lai lâu dài của dân tộc, bây giờ chúng tôi cần phải chấp nhận các hy sinh đó, bởi vì đây là thời cơ bất ngờ, thời cơ này như lịch sử đã dạy cho chúng ta rõ là chỉ thỉnh thoảng mới trở lại một cách khó khăn. Và tất cả những người yêu nước thuộc thế hệ tôi đều ý thức được rằng họ sinh ra cho sự nghiệp lớn và sẵn sàng hy sinh cuộc sống của họ cho đại nghĩa.

Tôi luôn luôn vững tin rằng dân tộc Việt Nam vĩ đại dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Ngài, sẽ chiến thắng mọi kẻ thù chống lại độc lập và thống nhất đất nước. Tôi cũng không kém tin tưởng rằng sự hợp tác thẳng thắn và trung thành giữa các lực lượng kháng chiến Việt và Lào luôn luôn là bảo đảm duy nhất để cuối cùng chúng ta chiến thắng kẻ thù chung của các dân tộc Đông Dương là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân Pháp.

Tôi sẽ vô cùng biết ơn Ngài, nhờ Ngài nói với các bạn bè thân mến của tôi - những Người cộng sự dũng cảm bên cạnh Ngài, mà Ngài đã vui lòng chuyển tới tôi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của họ - rằng tôi chân thành cảm tạ họ về những lời chúc mừng tốt đẹp đó và để đáp lại tôi xin gửi tới họ tình bạn bền vững không hề suy chuyển.

Vợ tôi rất xúc động trước tình cảm của Ngài và nhờ tôi chuyển tới “vị Cha già của Tổ quốc” mà đối với vợ tôi, Ngài luôn luôn là tượng trưng.

Ba đứa con trai nhỏ tinh nghịch của tôi xin cảm ơn Ngài và gửi những cái hôn nồng thắm tới “Hồ Chí Minh muôn năm” của chúng, như lời bài hát nổi tiếng.

Vô cùng thân ái với Ngài.

Hoàng thân Xuphanuvông
Ngày 17 tháng 5 năm 1948

Số 2959/BK - Tái bút - Tôi muốn bức thư này được gửi tới Ngài nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày sinh của Ngài. Nhưng những hoàn cảnh bất ngờ cùng muôn vàn khó khăn đủ các loại đã ngăn cản không cho thực hiện ý định đó.

Tôi hy vọng rằng, nhà triết học bình thản là Ngài sẽ không trách cứ tôi về sự chậm trễ ngoài ý muốn đó, cũng như về sự tùy tiện của tôi đã phúc đáp lại, qua mấy dòng tái bút sơ sài này, vừa cho tấm danh thiếp đáng yêu của Ngài, vừa cho bức điện tín số 40/AH ngày 21 tháng 8 năm 1948, thông báo cho tôi những tin tức về sức khỏe của ông nhạc tôi. Vợ tôi và tôi kính nhờ Ngài vui lòng chuyển những lời cảm ơn chân thành của chúng tôi tới những người dưới sự quan tâm cao cả của Ngài, đang chăm lo với biết bao tận tụy với gia đình bên vợ của tôi và tới ba đứa con của chúng tôi5.

Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn Ngài về sự quan tâm mà Ngài đã mang lại cho chúng tôi.

Kính chào Ngài, 

Ngày 04 tháng 9 năm 1948

(Theo Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 12 năm 1993).

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:
1. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh.
2. Giăng Giôrét (1859-1914), một trong những người lãnh đạo của Đảng Xã hội Pháp, người sáng lập báo Nhân đạo (hiện nay là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp) và là người sáng lập Đảng Xã hội thống nhất Pháp. Ông bị bọn phản động ám sát trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất.
3. Năm 1948, hai đồng chí Nguyễn Đức Quỳ và Trần Mai được cử đi công tác nước ngoài, trên đường qua Lào đã chuyển bức thư của Bác Hồ cho Hoàng thân Xuphanuvông.
4. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là bạn thân của Hoàng thân Xuphanuvông từ hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
5. Vợ của Hoàng thân Xuphanuvông là người Việt Nam, kết hôn với Hoàng thân trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, bà cùng Hoàng thân sang Lào tham gia kháng chiến, gửi lại ba con cho ông bà nhạc ở Việt Nam. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Hoàng thân, có báo tin hai ông bà nhạc và các con của Hoàng thân vẫn bình an, điều đó làm cho vợ chồng Hoàng thân vô cùng cảm kích về sự quan tâm săn sóc của Hồ Chủ tịch và của các cán bộ địa phương.


45. Ba mươi năm sau

Hồi ở Quốc tế Cộng sản, tôi có được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc một lần, nhưng cũng chỉ là một lần ngắn ngủi, thoáng qua, nhờ sự giới thiệu của đồng chí Vinhem Pich. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đồng chí lúc bấy giờ: Thân hình mảnh dẻ, đôi mắt sáng quắc, vầng trán rộng, gương mặt xương xương, khắc khổ. Và cái miệng hay cười, phong thái điềm tĩnh, nhã nhặn mới hấp dẫn làm sao! Dường như mới đó thôi, thế mà tính ra cũng đã ngót 50 năm rồi! Chỉ tiếc rằng, vì không làm việc trong cùng một bộ phận, tôi chưa lần nào có dịp nói chuyện riêng và lâu với đồng chí. Nhưng chúng tôi đều biết rõ đồng chí Vinhem Pich và đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân nhau lắm, có thể nói là quý nhau như anh em ruột vậy. Hồi đó cũng như sau này, tôi vẫn thỉnh thoảng được nghe đồng chí Vinhem Pich nhắc đến người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc đó của Việt Nam với mối thiện cảm sâu sắc những khi có tin tức gì về Việt Nam.

Đối với những người cộng sản Đức chúng tôi, đồng chí Nguyễn để lại nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Dưới thời bí mật, đồng chí đã từng sang Đức lăn lộn trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Đức chúng tôi. Đồng chí sang đây với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản.

Sau này, năm 1957, khi sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng chí Nguyễn - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ phút thân tình, thoải mái nhất, đã ôn lại với chúng tôi một vài mẩu chuyện về nước Đức ngày xưa. Đồng chí nhắc đến một khu công nhân Berlin mà đồng chí đã từng sống ở đó hàng tuần liền, nhắc đến tên những người giúp việc cho đồng chí… Đồng chí Ebéc, trong những năm 1950 còn là Thị trưởng của Thủ đô nước chúng tôi, đã trịnh trọng chào đồng chí Hồ Chí Minh là “một công dân cũ vĩ đại của Berlin”. Đồng chí Hồ Chí Minh mỉm cười:

- Các đồng chí nhớ lâu thật đấy. Ngày ấy, khi sang đây, tôi đã đóng vai một nhà triệu phú và lúc nào cũng bị bọn mật thám theo dõi. Nếu các đồng chí còn giữ được tài liệu mật thám phát xít thì sẽ tìm thấy hồ sơ về tôi trong đó đấy. Có điều là, tên tôi lúc đó khác với tên bây giờ…

Rồi, với nụ cười rất đôn hậu, đồng chí nói vui:

- Bây giờ thì trái lại, có công an hộ tống, có nhân dân đứng hai bên đường vẫy chào. Rất sung sướng là được trở lại mảnh đất năm xưa, được sống hồ hởi, cởi mở thực sự giữa những người anh em, những người đồng chí, cùng chung lý tưởng…

Nghe Chủ tịch nói, dĩ nhiên mỗi người chúng tôi đều cảm thấy sung sướng thực sự trước cuộc đổi đời kỳ diệu này. Trước ngày đồng chí Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức không bao lâu, đồng chí Vinhem Pich, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, đã gửi tới người bạn chiến đấu từ năm xưa của mình một bức thư chan chứa tình anh em. Đây là một đoạn trong bức thư đó: “Tôi trân trọng và thân ái kính mời đồng chí, trong dịp đi thăm các nước Châu Âu, đến thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức và tôi có thể báo tin chắc chắn với đồng chí Chủ tịch kính mến rằng, toàn thể nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ rất lấy làm vui mừng và vinh dự nếu Chủ tịch nhận lời mời của tôi. Riêng về tôi, tôi hy vọng rằng về mặt sức khỏe, tôi sẽ được bình phục khi Chủ tịch đến nước Cộng hòa Dân chủ Đức, để cá nhân tôi có thể tiếp đón được đồng chí. Với một niềm vui vô hạn và trong khi chờ đợi, tôi xin kính chào đồng chí”.

Thật lòng mà nói, hơn ai hết, chúng tôi, những người đã từng được chiến đấu bên cạnh hai vị Chủ tịch nước, càng hiểu nỗi lòng của đồng chí Vinhem Pich qua bức thư ấy. Và chúng tôi cũng càng hiểu sự lo lắng sâu sắc của đồng chí Hồ Chí Minh về sức khỏe của Chủ tịch Vinhem Pich. Khi đến Ba Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện ngay cho đồng chí Vinhem Pich tha thiết đề nghị đồng chí đừng ra sân bay đón. Tới Berlin, vừa xuống khỏi cầu thang máy bay, đồng chí Hồ Chí Minh đã hỏi thăm ngay sức khỏe của lão đồng chí mà Người vẫn gọi một cách trìu mến là “anh” của mình.

Thế là ngót 30 sau, kể từ những ngày ở Quốc tế Cộng sản, tôi đã hết sức vui mừng được gặp lại đồng chí Hồ Chí Minh - tức là đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân yêu ngày trước của chúng tôi. Gặp lại sau 30 năm, thử hỏi có biết bao nhiêu kỷ niệm cần nhắc lại, bao nhiêu suy nghĩ cần giãi bày. Tôi những mong muốn được gặp vị lãnh tụ lỗi lạc của phương Đông này để chúc mừng những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong mấy chục năm qua. Và điều mong muốn đó đã được thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân yêu của chúng tôi, sau nhiều năm xa cách, vẫn thân mật, vẫn đằm thắm như xưa. Và đặc biệt đồng chí vẫn không quên tên những người từng ở Quốc tế Cộng sản. Hoàn toàn không khách sáo, xã giao, đồng chí chân thành cảm ơn nhân dân và Đảng chúng tôi đã hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu đầy thử thách gian lao của Việt Nam.

Trong những giây phút gặp gỡ thân tình, không nhớ vì lẽ gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi đã đặc biệt nói với nhau nhiều về nước Pháp. Chắc hẳn vì mảnh đất này đã có những kỷ niệm không thể phai mờ đối với đồng chí từ những ngày đầu tiên đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Còn tôi, tôi cũng đã trải qua những ngày sôi động trong phong trào cách mạng Pháp, đã từng bị giam ở Nhà tù Côlômbê gần Thủ đô Paris, Trại tập trung Lơ Vécne, Trại giam Bóođu … Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh những trách nhiệm khác, từ nhiều năm nay tôi còn được cử làm Chủ tịch Hội hữu nghị Cộng hòa Dân chủ Đức -Cộng hòa Pháp. Có những đồng chí cộng sản Pháp vừa là bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là bạn của tôi như Môrít Tôrê, Pôn Vayăng Cutuyriê, Frăng xoa, Giắc Đuyclô. Riêng với Tôrê thì đồng chí Hồ Chí Minh tỏ ra yêu mến đặc biệt. Tại cuộc tiếp một phái đoàn các chiến sỹ chống phát xít do tôi làm Trưởng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động khi nói đến nhiệt tình của Tôrê đối với cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương trẻ tuổi và bảo vệ cách mạng Đông Dương. Kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp, Tôrê đã từng nói: “Nếu chúng ta muốn xứng đáng với Quốc tế Cộng sản thì trước hết chúng ta phải đoàn kết thực sự với hàng triệu công nhân và nông dân Đông Dương đang chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc Pháp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi đều nhận thấy Tôrê là một nhà chính trị rất thông minh, nhạy bén, luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, từ hoàn cảnh đấu tranh phức tạp của giai cấp công nhân Pháp và đồng thời cũng là một người bạn, một đồng chí được toàn Đảng yêu mến.

Nhân việc đồng chí Hồ Chí Minh nhắc đến Tôrê, tôi có kể lại cho Người nghe về Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Pháp họp vào cuối tháng 12 năm 1937, ở Áclơ mà tôi đã tham dự với tư cách là đại diện của Đảng Cộng sản Đức. Tại Đại hội này, trong bốn tiếng đồng hồ liền, Tôrê trình bày báo cáo của Trung ương Đảng dưới nhan đề “Nước Pháp của mặt trận nhân dân và sứ mệnh của nó trước thế giới”. Đồng chí kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tiếp tục đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ và tiến bộ xã hội. Hơn 1.000 đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt bản báo cáo và đứng dậy hát vang bài “Quốc tế ca”, bài “Những người Mácxây”. Tôi lấy làm ngạc nhiên và xúc động khi thấy các đảng viên của Đảng lại biểu thị lòng yêu mến đặc biệt của họ đối với Tôrê. Sau giờ nghỉ giải lao, toàn bộ Đại hội hát tặng đồng chí bài hát dân ca: “Khi mùa anh đào trở lại”, một bài hát của nhịp điệu uyển chuyển, nội dung đượm chút buồn nhưng cũng tràn đầy hy vọng, bài hát mà đồng chí Tôrê rất yêu thích. Sau này, tôi mới biết rõ xuất xứ của bài ca “Khi mùa anh đào trở lại”. Nó ra đời sau khi Công xã Pari thất bại, do đó, nội dung vừa buồn, vừa chứa chan niềm tin tưởng sâu sắc ở thắng lợi ngày mai…

Chúng tôi còn nhắc đến những kỷ niệm về đồng chí Đimitơrốp, con người có trái tim đầy tình cảm ấm áp, ưa thích những câu chuyện dí dỏm, hài hước; về đồng chí Tenlơman, nhân vật lịch sử lỗi lạc mà cũng là con người bằng da, bằng thịt, từng lăn lộn trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Đức với tất cả nhiệt tình sôi nổi và nghị lực phi thường; về đồng chí Vinhem Pich, con người vừa nghiêm túc vừa đôn hậu, vừa nguyên tắc, vừa độ lượng, vừa là lãnh tụ, vừa là người bạn chiến đấu thân yêu. Thủ đô Paris, Trại tập trung Lơ Vécne, Trại giam Bóođu … Những năm sau chiến tranh khi trở về ở gần nhau ở Păngcô (Béclin), tôi càng hiểu Chủ tịch Vinhem Pich trong tất cả sự hài hòa này. Chúng tôi cũng nhắc đến nữ đồng chí Clara Détkin với niềm khâm phục sâu sắc - người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp ở Đại hội Tua năm 1920 và được nữ đồng chí dạy cho từ Đức “Genosse” (đồng chí)…

Tôi còn được gặp riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam khác một lần nữa tại trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Lúc đó tôi là Quốc vụ khanh của Bộ. Tại lần gặp này tôi sung sướng được biếu Người món quà. Đó là tủ sách riêng của tôi, bao gồm những tác phẩm lớn về văn học cổ điển và hiện đại, những tác phẩm về lịch sử Đức và một số tuyển tập của Mác, Ăngghen và Lênin bằng tiếng Đức. Tôi biếu Người tủ sách này với ý nghĩ là nó sẽ trở thành cơ sở cho một thư viện về văn học và lịch sử Đức ở Trường Đại học Tổng hợp sau này. Hơn nữa tôi cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý sách. Mặc dù chương trình hoạt động sít sao, Người cũng đã tranh thủ cùng Thủ tướng Ốttô Grốttơvôn của chúng tôi đi thăm hiệu sách “Các Mác”, hiệu sách lớn nhất ở Thủ đô Béclin.

Tôi rất sung sướng được gặp, chứng kiến sự phát triển không ngừng của phong trào cộng sản quốc tế và tôi xin nói rằng phong trào cộng sản quốc tế vô cùng tự hào với những nhân vật lỗi lạc như Đimitơrốp, Tenlơman, VinhemPich, Gốtvan, Tôrê, Tiglôápti và Hồ Chí Minh… Đó là, những ngôi sao rực sáng của thời đại chúng ta.

Riêng về đồng chí Hồ Chí Minh, tôi có những ấn tượng hết sức sâu sắc. Là một người đã nhiều năm phụ trách công tác tổ chức Đảng, tôi được gặp biết bao nhiêu chiến sĩ ưu tú và luôn luôn cảm phục trước tinh thần cách mạng và đạo đức của họ. Nhưng có thể nói, tôi chưa lần nào bị thu hút một cách kỳ lạ như khi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Gặp đồng chí, từ những phút đầu người ta thấy ngay tầm cỡ lớn lao về chính trị, đạo đức của Người, sức mạnh về nghị lực của Người. Biết bao nhiêu ý chí gang thép ở con người mảnh dẻ, dịu dàng này! Người hầu như không bao giờ nói đến bản thân mình. Sau những lần tiếp xúc với Người, chỉ có thể nhớ mãi mối quan tâm của Người đối với nhân dân, đối với phong trào cách mạng trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng như Cộng hòa Dân chủ Đức là những bộ phận không thể tách rời. Gặp đồng chí Hồ Chí Minh, ngay từ phút đầu, không thể không nghĩ rằng, trước mắt mình đây là một người bạn lớn, một người cha thân yêu của thế hệ trẻ, một vị lãnh tụ suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho tự do của nhân dân!

(PHRĂNXƠ ĐALEM1, trích trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2006, tr.158-166).

46. Người con lỗi lạc của nhân dân Việt Nam

Giai cấp công nhân quốc tế luôn luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ, nhà tổ chức của cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia tức Đảng Lao động Việt Nam ngày nay là một trong những người con trung thành, nhà hoạt động quốc tế xuất hiện trong quá trình cuộc đấu tranh của giai cấp mình. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của người cộng sản tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức bóc lột của tư bản, là mẫu mực về tính đảng, về con người anh hùng cách mạng đã rèn luyện trong đấu tranh đầy khó khăn gian khổ. Những hoạt động cách mạng trong 50 năm qua của Người đều gắn liền với lịch sử anh hùng của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam…

Trong những năm xây dựng hòa bình cũng như trong những năm chống bọn xâm lược Mỹ, công lao vĩ đại của nhà tổ chức Hồ Chí Minh càng rõ rệt. Người đã giáo dục và thực hiện sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh và đặc điểm của đất nước mình.

(Trích bài đăng trên báo Sự thật (Mông Cổ) số ra ngày 18/5/1975)

47. Thăm một chiến sỹ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc

Tại Đông Dương, ảnh hưởng phong trào Găngđi thế nào? Tiếng vang, làn sóng của phong trào đó có lan đến đấy chút nào không? - Tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc.

- Không. - Nguyễn Ái Quốc trả lời. - Nhân dân An Nam chúng tôi là những nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm. Không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đương diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối.

Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva, đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa. Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan. Đồng chí nói tiếng Pháp - tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí.

Nguyễn Ái Quốc nói đến hai chữ "văn minh" một cách đầy khinh bỉ. Đồng chí đã đặt chân qua hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới, đã tới miền Bắc và miền Trung Châu Phi, đã thấy rất nhiều cảnh đau khổ. Khi nói chuyện, đồng chí thường hay dùng chữ "anh em". Anh em của Nguyễn Ái Quốc ở đây là những người da đen, những người Ấn Độ, những người Xyri, những người Trung Quốc...

Nguyễn Ái Quốc đã có lần gửi thư tới nhà văn Rơnê Marăng, người da đen có quốc tịch Pháp, là tác giả cuốn tiểu thuyết Batuala và đã đặt một câu hỏi một cách thẳng thắn: "Ông Marăng, ông muốn hay không muốn giúp đỡ công cuộc giải phóng các nước anh em ở thuộc địa?". Rơnê Marăng, người được Viện Hàn lâm Pháp quàng cho một vòng hoa danh dự, đã trả lời Nguyễn Ái Quốc một cách dè dặt và quanh co.

- Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho An Nam. Những gia đình như thế ở nước chúng tôi không phải làm việc gì. Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí chắc biết Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó người ta đưa ra khái niệm về "thế giới đại đồng". Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rút xô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài. Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô. Chúng tôi bị cấm, không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi trong nước cũng không được. Đường sắt được xây dựng với mục đích "chiến lược" riêng. Theo con mắt của thực dân, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng loại đường này. Tôi lang thang ra bờ biển và tôi đã vượt biển ra nước ngoài. Năm ấy tôi 19 tuổi. Ở Pháp lúc đó đang có Tổng tuyển cử. Bọn tư sản Pháp đã dùng những thủ đoạn bẩn thỉu nhất để bôi nhọ lẫn nhau.

Gương mặt Nguyễn Ái Quốc nhăn lại một cách khinh bỉ. Đôi mắt nặng nề, u ám bỗng bừng lên. Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm:

- Khi bọn Pháp đến cướp nước tôi, những gia đình nền nếp, gia giáo đã bỏ chạy hết không cộng tác với chúng. Bọn vô lại quen thói xu nịnh đã chiếm hết nhà cửa và vườn ruộng, chúng trở nên những tên tư sản mới giàu sụ, và chúng có khả năng giáo dục con cái theo kiểu Pháp. Bên chúng tôi coi những thanh niên đi học các trường dòng của bọn Pháp là bọn người bỏ đi, là những đồ cặn bã. Thế mà người ta đã trả tiền để làm việc đó. Và dù những kẻ học ở các trường đó có đần độn đến mức nào chúng cũng cố để được đi làm cảnh sát, làm sen đầm. Bọn cố đạo ở nước tôi chiếm tới một phần năm tổng số ruộng đất cả nước. Chỉ có những chủ đồn điền mới so sánh được với họ.

Thực dân Pháp là gì? Ồ, đó là những kẻ bất tài và thiển cận. Việc quan tâm đầu tiên của chúng là hình thành nhóm người thân thuộc. Sau đó, là chiếm đoạt và cướp bóc thế nào cho thật nhiều và thật nhanh. Mục đích của toàn bộ chính sách này là có được một ngôi nhà nhỏ, "ngôi nhà nhỏ của mình" ở Pháp.

- Thực dân Pháp đầu độc nhân dân chúng tôi. Chúng bắt mọi người phải uống rượu. Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên. Bọn thực dân Pháp đã lấy gạo xấu, rẻ tiền nấu rượu. Không ai thèm mua của chúng. Khốn thay rượu làm ra lại quá nhiều. Sau đó, người ta hạ lệnh cho các viên tỉnh trưởng cứ theo đầu người mà bắt buộc phải đi mua thứ rượu không ai uống.

Tôi đã hình dung ra được một cách rất cụ thể bọn thực dân đang dùng rượu đầu độc như thế nào dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Văn minh Châu Âu trên đất nước ấy dùng lưỡi lê, rượu độc và che giấu tất cả những cái đó dưới tà áo dài đen của bọn cố đạo. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.

- Hiện nay, ở Pari, một nhóm các đồng chí từ các nước thuộc địa của Pháp, 5 - 6 người Nam kỳ, Xu đăng, Mađagátxca, Haiti đang xuất bản tờ báo Le Paria để chống lại chính sách thuộc địa của Pháp. Đó là tờ báo nhỏ. Các cộng tác viên phải bỏ tiền túi ra để xuất bản, thay cho việc nhận tiền bút.

Cây gậy tre với lời hiệu triệu in trên báo đã bí mật đến khắp các làng mạc. Nó được chuyển từ vùng này sang vùng khác, và đã có sự đồng tình với nhau. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó, đã có những án tử hình và hàng trăm người đã bị mất đầu.

- Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo, theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm. Chúng tôi không biết uy tín của người thầy cúng, của linh mục là gì.

- Vâng, thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và "Lênin". Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin.

Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới.

Trên bàn có một tập bản thảo, một bản báo cáo công tác rõ ràng, mang phong cách truyền tin của phóng viên. Anh đang tưởng tượng đến đề tài: Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1947. Anh như đang nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của hội nghị, mà ở đó anh sẽ điều khiển chương trình nghị sự.

Lúc chia tay, Nguyễn Ái Quốc như nhớ điều gì.

- Vâng, chúng tôi còn có một cuộc “nổi dậy” nữa do Vua An Nam trẻ tuổi Duy Tân phát động, chống lại việc đưa những nông dân của chúng tôi đến chiến trường của Pháp. Vua Duy Tân đã chạy, bây giờ ông ấy đang sống lưu vong. Hãy kể về ông ấy nữa.

(Ô.MANĐENXTAM2, theo Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39 ngày 23/12/1923, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr 460-464).

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:
1. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đản Cộng sản Đức, Ủy viên dự khuyết Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản.
2. Nhà báo Liên Xô.


 48. Bác Hồ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ở Thủ đô mới tiếp quản

Đối với tôi, cái trùng hợp ngẫu nhiên của số phận là ở chỗ, năm 1954, khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông Mátxcơva, thì cũng là lúc Hiệp định Giơnevơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.

Vào một ngày đẹp trời của năm 1954, tôi được đồng chí Alécxanđrơ Anđrêépvích Lavrinsép mời đến. Lúc đó, Lavrinsép vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một con người lực lưỡng, điềm đạm chờ đón tôi và chăm chú nhìn tôi một cách tế nhị. Và không ngờ cuối buổi gặp mặt, ông ta mỉm cười với tôi một cách thoải mái và thân thiện. Tôi đã sống và thậm chí nhiều lúc trong chiêm bao đã nhìn thấy Việt Nam, bởi thế cuộc nói chuyện về Việt Nam với đồng chí Đại sứ đã mang đến cho tôi niềm vui thích. Tôi bước ra khỏi phòng. Một phút sau cô thư ký xuất hiện và nói:

- Anh đi sang Việt Nam nhé! - Cô ta mỉm cười với tôi một cách hữu nghị. - Anh là người hạnh phúc. Anh sẽ được thấy đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi chỉ khuyên anh một điều: Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó đối với anh không còn xa xôi nữa, hãy giữ lấy cái tự nhiên giản dị và linh hoạt như khi gặp Đại sứ hôm nay. Chúc anh lên đường may mắn!

Ba tuần sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam về tiếp quản Thủ đô, 29 tháng 10 năm 1954, Đoàn Đại sứ quán Liên Xô lần đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội cổ kính.

Khi chúng tôi đến Thủ đô Hà Nội, một cuộc mít tinh nhỏ đã được tổ chức. Sau đó chúng tôi chia nhau về nhà ở. Những tòa nhà của Đại sứ quán lúc đó chưa sửa chữa xong. Thêm vào đó, ngày kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày lễ lớn của nhân dân Xôviết đã đến gần.

Lúc đó, việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, không chỉ là thể diện của nhà nước Xôviết. Trong những ngày ấy, giới báo chí phương Tây muốn xuyên tạc cuộc sống của những người kháng chiến từ núi rừng Việt Bắc trở về và của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam như là những khu trại tập trung, những vòng vây khói lửa. Trong đó, không thể có những hoạt động bình thường của một nhà nước và các đại diện ngoại giao.

Lúc bấy giờ nhiệm vụ đối với Nhà nước Việt Nam không những chỉ củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, mà còn phải khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa trên mức độ cao hơn và phát triển củng cố mối quan hệ quốc tế chặt chẽ hơn với các nước khác trên thế giới, trước hết là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn và phức tạp, nhưng dù sao, Đại sứ quán Liên Xô cũng phải tổ chức một cuộc gặp mặt trọng thể với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, với các nhà ngoại giao, chính khách của Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ tại Việt Nam theo tiêu chuẩn ngoại giao đã được quy định tại Hội nghị quốc tế về công pháp và nghi thức ngoại giao năm 1865 tại Hunggari.

Ý nghĩa đầu tiên của cuộc tiếp đãi này là ở chỗ vị trí và thời điểm. Đó cũng là việc củng cố và thắt chặt mối quan hệ có tính chất quốc tế. Ngoài ra, cuộc tiếp đãi trọng thể mà Đại sứ quán Liên Xô tổ chức còn có thêm một ý nghĩa khác quan trọng hơn. Nó cần phải trở thành một sự kiện, khẳng định một cách trực quan tình trạng ổn định và triển vọng tốt đẹp của nhà nước Việt Nam và vị trí mới của nó ở miền Bắc. Vấn đề địa điểm đón tiếp được giải quyết một cách nhanh gọn. Đó là Hội trường của Câu lạc bộ quốc tế, cách Phủ Chủ tịch không xa.

Tuy nhiên, trong buổi chiêu đãi, phải tiếp đón hàng trăm vị khách mà nhà bếp của Câu lạc bộ quốc tế thì rõ ràng không thể đáp ứng được. Nó quá nhỏ và sơ sài.

Chủ nhân mới của ngôi nhà trở về từ rừng núi Việt Bắc, theo lệ thường và thói quen, khiêm tốn, giản dị và thực sự dân chủ. Với sự nhạy cảm tinh tế và đạo đức văn hóa cao cả của mình, Người không cho phép và không dám nghĩ đến việc ăn ở trong một căn phòng sang trọng của tòa nhà. Nơi đây trở thành nơi để tổ chức các cuộc hội nghị, các buổi đón tiếp ngoại giao và các cuộc ký kết quan trọng. Còn chính Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sống trong một ngôi nhà cách đó không xa.

Thế là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép Đại sứ quán Liên Xô dùng nhà bếp của Phủ Chủ tịch để nấu nướng tổ chức một cuộc tiếp đãi lớn vào ngày 7 tháng 11.

Nhiều lúc nhớ lại điều này tôi vẫn thốt lên: “Không bao giờ trong lịch sử”.

Một nhóm người làm bếp Việt Nam được phái đến giúp việc dưới sự chỉ đạo của nữ đầu bếp Nhina Iacốpna. Ở đây một trở ngại không nhỏ đã xảy ra. Nhina Iacốpna không biết một thứ ngoại ngữ nào, còn những người bạn Việt Nam giúp việc thì không hiểu tiếng Nga. Khó khăn đó đã được giải quyết ngay lập tức. Để giúp việc cho Nhina Iacốpna người ta phái đến hai thanh niên Xôviết, đó là thực tập sinh Niculin và tùy viên Cudơnhexốp. Cudơnhexốp nguyên là Đại sứ Liên Xô tại Thái Lan.

Thú thực, chúng tôi đi đến Phủ Chủ tịch trong tư thế sẵn sàng và thích thú, nhưng cũng không kém phần lo ngại. Bởi vì vốn tiếng Việt của chúng tôi lúc đó quá ít ỏi. Nhất là tên gọi các món ăn, và các món ăn Việt Nam thì với chúng tôi hoàn toàn xa lạ, chưa hề biết đến.

Tuy nhiên điều e ngại của chúng tôi hóa ra trở nên vô ích. Trong nhà bếp của Phủ Chủ tịch một bầu không khí hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau, vui vẻ và sôi động, mặc dầu không ai hiểu ngoại ngữ. Nhina Iacốpna đã tìm ra được cách để giải thích cho các bạn đồng nghiệp Việt Nam hiểu, bằng các động tác tay chân. Còn họ, những người giúp việc, hình như cũng đã tiếp nhận được một vài từ tiếng Nga cần thiết nào đó. Nhina Iacốpna đã nhanh chóng đạt được những kết quả bước đầu trong khi học tiếng Việt. Lúc thì chị ta khen “tốt lắm”, khi thì “thêm ớt”, “thêm muối”. Họ hiểu nhau khá tốt, sai lệch trong khi phát âm chẳng ai quan tâm đến. Lúc đó, tôi với Cudơnhexốp, không những chỉ làm nhiệm vụ phiên dịch, mà còn bị lôi kéo vào công việc phụ bếp.

Vào khoảng một hai giờ gì đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng đi vào nhà bếp. Tôi vẫn thường cho rằng, nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước ít khi và thậm chí có thể không bao giờ đi xuống bếp. Thế nhưng, vị Chủ tịch nhân dân chân chính, Bác Hồ đã đến thăm chúng tôi trong nhà bếp. Và đây cũng là một trường hợp hiếm hoi, khi chúng tôi, nhân viên Đại sứ quán Liên Xô cùng làm việc với các đầu bếp Việt Nam trong nhà bếp Phủ Chủ tịch.

Nên chăng, cần phải nói rằng, sự xuất hiện của Bác Hồ trong nhà bếp, có nghĩa là Bác đánh giá rất cao ý nghĩa của cuộc tiếp đãi ngoại giao sẽ tổ chức vào ngày hôm sau.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là vào ngày hôm trước đó, ngày 05 tháng 11, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở tiệc chiêu đãi toàn thể cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Liên Xô. Lúc đó, tôi là một thực tập sinh, không ở trong thành phần của Đại sứ quán và chỉ nhận được giấy mời trước giờ tiếp vẻn vẹn 30 phút. Trên thiếp mời in rõ ràng, đẹp mắt dòng chữ vàng: “Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trân trọng kính mời thực tập sinh Nicôlai Ivanôvích Niculin đến dự buổi gặp mặt thân mật nhân dịp Đoàn cán bộ Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam đến Hà Nội” - “Trân trọng kính mời” - Thông thường trong mọi trường hợp chỉ là nghi thức ngoại giao. Nhưng thật là ý nghĩa biết bao khi nó đi kèm với tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng chục năm sau, tôi vẫn giữ tấm thiếp mời đó như những vật kỷ niệm của đời mình. Nhưng chính cuộc gặp mặt thân mật đó, đã xảy ra dưới hình thức chiêu đãi trọng thể và trao đổi ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi cách tôi một quãng và Người không ngớt trò chuyện với A.A.Lavrinsép và các bạn Xôviết. Ngày đó tôi là người trẻ nhất ở Đại sứ quán.

Còn hôm nay, trong nhà bếp Phủ Chủ tịch là một Bác Hồ hoàn toàn khác. Bác mặc chiếc áo cổ đứng màu cỏ úa đã bạc đi khá nhiều, nhưng rất chu tất. Miệng Bác ngậm thuốc lá. Bác mỉm cười chào mọi người, nụ cười sảng khoái. Bác đi vòng quanh bếp, bắt tay bếp trưởng Nhina Iacốpna rồi bắt tay tôi và Cudơnhexốp. Bác đưa mắt bao quát nhìn quanh, chăm chú quan sát công việc chúng tôi làm. Khi biết những việc cơ bản đã chuẩn bị xong, Bác gật đầu rồi đưa mắt nhìn tôi và Cudơnhexốp một cách hài lòng.

- Các cậu đã có chỗ ngủ chưa? - Đột nhiên Bác Hồ hỏi chúng tôi một cách thân mật và gần gũi. Suốt đời tôi nhớ mãi câu hỏi này một cách chính xác.

Cảm động trước sự quan tâm của một vị Chủ tịch nước đối với những công việc bếp núc của mình, chúng tôi trả lời rằng, chúng tôi sẽ đi bộ về nhà ngủ.

- Không, giờ này đã muộn lắm! - Bác Hồ âu yếm nói. - Trong Phủ Chủ tịch sẽ có đủ chỗ cho hai thanh niên Liên Xô ngủ. Thành phố nói chung an toàn, nhưng dù sao cũng phải cảnh giác. Hãy sửa soạn cho hai anh bạn trẻ một chỗ nghỉ tương đối. - Bác quay sang nói với người cận vệ đi cùng.

Thế rồi giống như khi đến, Bác đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi nhẹ nhàng đi ra khỏi bếp.

Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một căn buồng rộng rãi và sang trọng, trong đó, đã trải sẵn chăn màn rất đẹp. Nơi đây đã hàng chục năm là chỗ ở của toàn quyền Pháp. Tôi không còn ngạc nhiên với những gì đã đến với mình nữa. Cuộc gặp gỡ tuyệt diệu với Bác Hồ đã đưa đến cho tôi một niềm vui sướng và thoải mái, một tình cảm nhân hậu, và sự quan tâm của một con người vĩ đại mà trước kia tôi chỉ được thấy trong phim và tranh ảnh.

Sáng ngày 07-11-1954, trong Phủ Chủ tịch, tôi tỉnh dậy với nụ cười trên môi, trong lòng phấn khởi như ngày hội. Mặt trời đã lên cao. Những gì đã xảy ra ngày hôm qua đều sống lại trong trí nhớ của tôi.

Sáu giờ chiều ngày hôm đó, trong Hội trường lớn của Câu lạc bộ quốc tế đã có mặt đầy đủ các chính khách ngoại giao. Nhưng người khách chủ chốt nhất - Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì vẫn chưa có mặt. Chúng tôi nóng lòng chờ Bác từng phút, từng phút.

- Nicôlai Ivanôvích! - Giọng nói của đồng chí Đại sứ vang lên nho nhỏ, nhưng đồng thời cũng nghiêm nghị và long trọng. - Đồng chí có nhiệm vụ ra cổng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí hãy ra đón Bác và mời Bác vào Hội trường.

Nói xong Alếcxanđrơ Anđrêépvích mỉm cười như động viên tôi. Từ đó đến nay, tôi vẫn không sao hiểu nổi tại sao vinh dự đó lại đến với mình.

Tôi đứng chờ bên cổng Câu lạc bộ quốc tế. Thời gian đối với tôi lúc đó kéo dài triền miên. Sự thực thì sự chờ đợi của tôi diễn ra chỉ trong khoảng chừng năm bảy phút mà thôi. Cuối cùng, một chiếc xe, chỉ duy nhất một chiếc commăngca sơn màu xanh bình thường nhẹ nhàng lướt tới. Và hầu như không ai nhìn thấy nó đã đi đến như thế nào.

Từ trong xe, Chủ tịch Hồ Chí Minh với dáng cương trực, khỏe mạnh bước ra. Bây giờ trước mắt tôi không phải là Bác Hồ mà tôi gặp hôm qua trong nhà bếp Phủ Chủ tịch. Một dáng dấp đường hoàng, chững chạc, hoàn tất. Tất cả tựu trung lại trong ánh mắt của một con người mang trên đôi vai mình một sứ mạng khổng lồ và vinh quang không gì so sánh nổi. Một con người đã từng trải trong mọi tình huống phức tạp, nguy hiểm và căng thẳng nhưng bao giờ cũng có những quyết định đúng đắn và sáng suốt. Một con người đã dành cả cuộc đời và sức lực cho một mục đích vĩ đại và duy nhất của dân tộc.

Sau cái bắt tay thân mật và ngắn ngủi, cùng những lời hỏi han cũng ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tôi đi vào Hội trường Câu lạc bộ quốc tế. Khi ngang qua tiền sảnh, Người bước chậm lại, và quay đầu nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rạng rỡ của một nhà thông thái. Người nhanh nhẹn cầm lấy tay tôi và nói: “Cậu trẻ quá!”. Trộm nghĩ trong hoàn cảnh đó, lời nói đó đã thể hiện quan hệ hữu ái của một vị Chủ tịch, của một người lớn tuổi đối với một thanh niên, mong muốn cho anh ta chóng trở nên thành đạt trong tương lai.

Giờ đây khi đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng của cuộc đời, khi mái tóc trên đầu tôi đã điểm bạc, khi tôi đã được Nhà nước Liên Xô, Việt Nam, Mông Cổ tặng thưởng nhiều huân, huy chương, đã được phong giáo sư, đã trở thành tiến sĩ khoa học, tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho tôi một phần thưởng cao quý nhất trong suốt cả cuộc đời tôi. Đó chính là lúc xa xưa, khi tôi “còn trẻ quá” trong ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ở Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng.

(N.I.NICULIN1, trích trong cuốn Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội nhà văn Việt Nam Hà Nội, 1995, tr.210-222).

49. Người đồng chí từ Phương Đông

Tôi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh nhiều lần và chủ yếu là tại các cuộc hội đàm của những người đứng đầu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế cũng như tại các Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đối với chúng tôi những người còn hoạt động âm thầm ngay giữa lòng xã hội tư bản, đồng chí luôn luôn dành cho những tình cảm anh em vô cùng thắm thiết. Cứ mỗi lần gặp Người, các đồng chí Togliatti, Tôrê và tôi lại cảm thấy vui mừng kỳ lạ. Chúng tôi gọi Người một cách trìu mến là “Người đồng chí từ Phương Đông”. Ở đồng chí Hồ Chí Minh dường như lúc nào cũng tỏa ra một tình cảm ấm áp, một sự cảm thông đầy tinh thần cộng sản. Và chỉ bằng ấy thôi cũng đủ sức thu hút và hấp dẫn những người xung quanh. Chúng tôi quý trọng đồng chí Hồ Chí Minh một cách đặc biệt, một phần nữa cũng là vì đã biết đồng chí đã từng bôn ba hoạt động ở nhiều nước phương Tây: Pháp, Đức, Anh, Italia… Có nơi nào lại không in dấu chân của đồng chí! Kỳ diệu thay, con người mảnh dẻ và dịu dàng ấy đã từng làm cho bao thế lực cường quyền phải khiếp sợ.

Trong thời kỳ bí mật đồng chí Hồ Chí Minh có sang Đức mấy lần và thường là với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản. Bấy giờ tôi cũng biết, song không thể gặp đồng chí vì hoạt động ở một tỉnh xa. Vào những năm 1920, Người cải trang làm một người Trung Quốc tham dự Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Etsơ. Ở đây, Người ngủ tại nhà những công nhân Đức. Các cuộc gặp gỡ sau diễn ra trong thời gian Người ở Béclin, Môabít.

Tôi chính thức tiếp xúc với đồng chí vào mùa Hè năm 1935, tức là khi tiến hành Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản trong gần một tháng kể từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 21 tháng 8 năm 1935. Tham dự Đại hội có 513 đại biểu, thay mặt cho 65 Đảng Cộng sản và một loạt tổ chức nằm trong Quốc tế Cộng sản. Tôi không thể nào quên được gương mặt của những nhà cách mạng lỗi lạc: Đimitơrốp, Xtalin, Cốtvan, Hồ Chí Minh, Vin-hem Pích, Ibaruri, Tôgliatti, Tôrê…

Tại Đại hội ấy, tôi được phân công cùng đồng chí Pê-tơ Ph-lo-rin viết 10 trang về tình hình Đức để bổ sung cho bản báo cáo chính trị của đồng chí Đimitơrốp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về tình hình Đông Dương và phong trào thuộc địa.

Trong lời khai mạc Đại hội, đồng chí Vin-hem Pích đã thay mặt Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhiệt liệt chào mừng nhân dân lao động Liên Xô, những người đang sôi nổi thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho giai cấp công nhân toàn thế giới một sức mạnh và niềm tin mới. Đồng chí đánh giá cao tinh thần anh hùng và sự quên mình của các chiến sỹ cộng sản hiện đang bị hành hạ trong nhà tù đế quốc, trong đó có các đồng chí ở Đông Dương và Chilê. Đại hội đã trân trọng cử đồng chí Enxtơ Tenlơman, vị lãnh tụ của những người cộng sản Đức, lúc đó đang bị bọn phát xít giam cầm, làm Chủ tịch danh dự của Đại hội.

Tôi còn nhớ, cũng tại Đại hội ấy, đồng chí Lê Hồng Phong, đã được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội và đọc bản tham luận hấp dẫn nói về sự lớn mạnh của các phong trào cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương. Các đại biểu rất chăm chú lắng nghe giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết của đồng chí. Trong Đoàn đại biểu Việt Nam có một nữ đồng chí, nghe nói sau này là vợ đồng chí Lê Hồng Phong.

Tiếc rằng, công việc bận liên miên, tôi không có điều kiện thăm và hỏi chuyện riêng các đồng chí Việt Nam. Sau Đại hội, các đại biểu được bố trí đi tham quan nhiều nơi trên đất nước Liên Xô thì tôi đột nhiên bị ốm, phải nằm bệnh viện.

Từ sau Đại hội ấy, như đã nói, tôi còn được gặp đồng chí Hồ Chí Minh nhiều lần. Người coi tôi như một người bạn thân thiết, tuy rằng tôi ít hơn đồng chí những 8 tuổi. Mỗi lần trông thấy tôi từ xa đồng chí đã giơ hai tay lên cao rồi mở rộng vòng tay, bước tới ôm hôn tôi trìu mến. Người thường hỏi tôi bằng tên riêng: “Đồng chí Mác, đồng chí vẫn khỏe đấy chứ?”.

Từ thâm tâm mình, tôi luôn luôn coi đồng chí Hồ Chí Minh là một người anh lớn, một tấm gương sáng ngời của người mácxít - lêninnít mẫu mực. Phải nói rằng, đồng chí Hồ Chí Minh đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có uy tín rất lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, đấu tranh với tinh thần bền bỉ và kiên quyết cho sự thống nhất của những người cách mạng chân chính toàn thế giới. Trong bất cứ vấn đề nào phải tranh luận, tiếng nói của đồng chí Hồ Chí Minh cũng có tác dụng mở ra một hướng đúng đắn nhất, dễ chấp nhận nhất. Về con người, đồng chí Hồ Chí Minh hết sức khiêm tốn, giản dị, thủy chung. Bất cứ ai trong chúng tôi cũng yêu mến đồng chí vì những đức tính ấy. Bất cứ ai trong chúng tôi cũng muốn được gần Người để nghe Người tâm sự, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của một cuộc đời từng trải vô cùng phong phú. Hơn nữa lời Người nói có sức hấp dẫn lớn, bởi vì Người nói với tất cả tấm lòng và muốn mọi người cùng làm tốt hơn.

Có một mẩu chuyện nhỏ về đồng chí Hồ Chí Minh mà nhiều anh em chúng tôi còn nhớ mãi: Năm 1956, sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XX, Đảng Cộng sản Liên Xô, các trưởng đoàn của các đảng anh em được mời dự bữa cơm thân mật tại Điện Kremli. Hôm đó đúng ngày 08 tháng 3, Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi đều đưa vợ đi. Đồng chí Vôrôsilốp đọc diễn văn, trong đó nhiệt liệt chúc mừng chị em nhân ngày lịch sử này. Giữa bầu không khí thân mật, ấm cúng của gia đình những người cộng sản, đồng chí Hồ Chí Minh nhanh nhẹn đến chúc mừng tất cả 18 chị em có mặt tại bữa tiệc đó. Mọi người đều vui vẻ, đồng thời rất xúc động trước sự quan tâm đầy tình cảm trìu mến cũng như trước cử chỉ hồn nhiên, rất đáng yêu của đồng chí. Được tiếp xúc nhiều lần với đồng chí, sau này vợ tôi vẫn nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một con người tuyệt diệu!”.

Lần đồng chí Hồ Chí Minh và tôi gặp nhau lâu nhất là vào mùa Hè năm 1957, khi đồng chí sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đó, tôi cũng đang có việc ở Béclin. Biệt thự của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố Maiacốpxki thuộc khu Păngcô. Tôi cũng ở gần phố ấy, không xa biệt thự của đồng chí bao nhiêu. Nói như người Đức thì chúng tôi ở gần nhau đến mức quẳng nhẹ một viên đá cũng tới đích. Chúng tôi thường tìm đến nhau sau các hoạt động chính thức của đồng chí. Có một hôm đồng chí tiếp tôi ở ngay chân cầu thang phía bên ngoài biệt thự. Đồng chí mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc hai màu đỏ và đen. Bữa ấy tôi mang cả hai cậu con trai của tôi sang thăm Bác Hồ. Hai cháu Hanxơ và Misaen rất sung sướng và vinh dự được gặp Người, nhưng có lẽ vì xúc động quá, các cháu hầu như không nói được gì với Bác Hồ. Người rất yêu mến hai cháu, âu yếm xoa đầu và hỏi chuyện học hành của chúng. Lát sau, đồng chí Hồ Chí Minh khoác tay tôi đi dạo trong vườn. Người hỏi tôi:

- Bệnh dạ dày của đồng chí đã đỡ chưa? Tôi rất lạ là Người còn nhớ đến cả một chuyện nhỏ ấy. Tôi nói với Người rằng, sau khi được các nhà chuyên môn của Cộng hòa Dân chủ Đức xem xét, điều trị, tôi thấy có khá hơn. Tuy nhiên, do công việc liên miên, nhiều khi khá căng thẳng, ít được nghỉ ngơi nên cũng khó lòng khỏi hẳn. Người nhìn tôi đầy thông cảm. Rồi chúng tôi trao đổi với nhau một số vấn đề về chính trị.

Trong tình anh em thân thiết, tôi đã kể cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe về vùng quê Enbinh của tôi, nơi mà lúc tôi còn thơ bé đã thấy rõ hai cảnh giàu nghèo, về gia đình khổ cực của tôi. Bố tôi là một người thợ nghèo, mẹ tôi quanh năm đi làm thuê cho nhà giàu. Mà chúng tôi thì có những tám anh chị em. Nhiều khi nạn thất nghiệp kéo dài hàng tháng trời, gia đình tôi càng túng bấn mọi bề. Mùa Hè đến, chúng tôi đi mót khoai, mót lúa, vào rừng kiếm thức này, thức nọ để mùa Đông còn có cái ăn. Rất nhiều trẻ em đi ăn xin. Bản thân tôi, có biết đôi giày là thế nào! Giữa mùa Đông giá rét chúng tôi cũng chỉ đi giày bằng gỗ và bít tất là những miếng vải vụn vá chằng, vá chịt. Đêm rét mà cũng chỉ ngủ trên những bao tải đựng lá cây khô… Thời thơ ấu của chúng tôi như vậy đấy, thật nhiều gian khổ, thật nhiều thử thách. Tôi không bao giờ quên được cái tuổi thơ ấy.

Chính do nghèo khổ, phong trào công nhân ở quê hương tôi phát triển sớm và mạnh. Những người thợ xây và thợ đóng tàu có thái độ cách mạng rất kiên quyết. Sự giác ngộ giai cấp của họ khá sâu sắc mà tôi sau này chỉ còn cảm thấy ở thợ thuyền vùng Rua, Hămbuốc và Laixích. Tôi nhớ biết bao hình ảnh ông Trindê, Chủ tịch Công đoàn vùng quê tôi, một người thợ kim khí rất kiên cường. Ông mất vào mùa Đông năm 1908, giữa tuyết lạnh, dòng người đưa tang ông đông lắm, kéo dài cả đường phố… Tôi cũng nhớ biết bao hình ảnh những người thợ xây dựng, những đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ: Họ đội mũ lưỡi trai đen rất to và thắt cà vạt đỏ rực, đó là mũ “Bêben”, cà vạt “Bêben” vì đồng chí Angút Bêben, lãnh tụ kính yêu của họ từng đội mũ ấy, thắt cà vạt ấy.

Từ một người thợ tán đinh rivê, một người thợ mỏ, tôi đã đi vào cách mạng. Đối với thế hệ chúng tôi, Các Lípnếch và Rôda Lúcxămbua, Clara Détkin và Phranxơ Mêrinh là lòng tin, là niềm tự hào vô bờ bến… Cuộc cách mạng tháng 11 năm 1918 là lò lửa thử thách chúng tôi, đưa chúng tôi trở thành những người cộng sản. Những năm tháng tù tội ở Phostanh, những ngày hoạt động sôi nổi ở Alen, bao đêm ròng miệt mài nghiên cứu những nét cơ bản nhất trong học thuyết của Mác, Ăngghen và Lênin… còn mãi mãi in đậm nét trong tâm hồn, trong trí nhớ của tôi.

Đồng chí Hồ Chí Minh, người anh lớn của tôi đã chăm chú nghe tất cả, không bỏ qua một chi tiết nào, một mẩu chuyện nào. Người đặc biệt thích thú những chi tiết về đời sống của anh chị em thợ mỏ. Ở nước tôi, than thực sự là vàng đen. Bản thân tôi từng là thợ mỏ nên có điều kiện mô tả một cách kỹ lưỡng cho Người nghe.

Càng nghe những câu chuyện về đời hoạt động của nhau, chúng tôi càng hiểu nhau, quý trọng nhau. Đồng chí Hồ Chí Minh và tôi đều thừa nhận: Chúng tôi là những người lao động cần lao, đâu có điều kiện để qua những trường học cao cấp. Song cuộc đấu tranh của cách mạng chính là trường đại học của chúng tôi. Và chính những công nhân bình thường là những người thầy đầu tiên của người cách mạng. Lớn lên từ phong trào quần chúng người cách mạng sống bằng tâm hồn, bằng lý tưởng của giai cấp mình…

Biết đồng chí Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tình hình xã hội ở Cộng hòa Liên bang Đức, tôi phác họa cho Người nghe những cảnh tượng khủng hoảng trong kinh tế và xã hội. Người tỏ vẻ suy nghĩ rất nhiều khi tôi giới thiệu cụ thể các thủ đoạn bóc lột hết sức tinh vi của bọn tư bản đối với công nhân. Bọn tư bản bóc lột công nhân hai lần: Một mặt, chúng bắt họ làm việc ngày đêm, bán sức lao động đến cùng kiệt, mặt khác đồng lương của họ lại bị chúng giữ lại gửi vào nhà băng để ăn lãi.

Cũng không biết đã bao lần tôi kể chuyện về đồng chí Hồ Chí Minh cho đồng bào, đồng chí ở Cộng hòa Liên bang Đức nghe. Và lần nào tôi cũng nói cho họ rõ rằng: Người rất quan tâm đến cuộc chiến đấu thầm lặng mà ác liệt của chúng tôi. Đồng chí Hồ Chí Minh đã từng hỏi tôi về cách tổ chức của Đảng để tiến hành đấu tranh cho quyền lợi thiết thực hàng ngày cũng như mục đích lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Trong khi trò chuyện với Người, tôi cũng hỏi nhiều về tình hình Việt Nam, nhất là về cuộc đấu tranh cho thống nhất đất nước. Người nói với tôi: “Cuộc đấu tranh ấy còn nhiều gian khổ, còn nhiều hy sinh”. Nhưng Người, với tầm nhìn rất thực tiễn, đã chỉ rõ dã tâm thâm độc của đế quốc Mỹ, đồng thời cho thấy những yếu tố tích cực trong phong trào cách mạng miền Nam. Người nói: “Tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ, cuối cùng nhân dân Việt Nam nhất định thắng”. Niềm tin đó của Người đã trở thành hiện thực vẻ vang trong niềm hân hoan, vui sướng của bầu bạn khắp năm châu.

Tiếc thay, đồng chí Hồ Chí Minh không còn nữa! Đối với riêng tôi, đây cũng là một sự mất mát, một tổn thất không sao bù đắp nổi. Từ ngày đó, tôi luôn giữ trong mình một tấm ảnh chụp hai chúng tôi đang nói chuyện cùng nhau tại một buổi chiêu đãi trọng thể ở Béclin. Tôi cũng thường đọc tác phẩm của Người, đọc cả thơ Người nữa. Toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của đồng chí Hồ Chí Minh luôn luôn cổ vũ nhiệt tình cách mạng của chúng tôi.

(MÁC RÂYMAN2, đăng trên Báo ảnh Việt Nam, tháng 5 năm 1981)

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích

1. Nhà Việt Nam học của Nga.
2. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đức.


 50. Ánh mắt Bác Hồ

Lần đầu tiên, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Điện Kremlin, nhân đi dự Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 02 năm 1952. Bấy giờ nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống bọn thực dân Pháp. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đối diện với Đoàn đại biểu Đảng chúng tôi. Tôi không thể nào quên được gương mặt gầy, nhưng toát lên một nghị lực phi thường, một thái độ kiên quyết của Người. Tôi còn nhớ rõ, khi Bác Hồ bước lên diễn đàn đọc bản tham luận, cả Hội trường bỗng im phăng phắc. Đúng là một sự im lặng hiếm có, tưởng chừng như đánh rơi một cái đinh cũng nghe thấy. Người nói về cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam và vạch trần những tội ác đẫm máu của quân xâm lược. Giọng nói của Người thật là xúc động. Tôi thấy hầu như những người có mặt đều không cầm được nước mắt. Đồng chí Stalin cũng rất xúc động, đã tiến đến ôm hôn và siết chặt tay Người và chúc cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam mau chóng đến ngày hoàn toàn thắng lợi. 

Hôm ấy, khi ra về, nhà tôi nói nhỏ vào tai tôi: Em đã nhìn kỹ đôi mắt của đồng chí Hồ Chí Minh chưa? Trong đôi mắt ấy, em ạ, có nước mắt và có lửa. Lửa của niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân!

Từ ngày đó, mỗi lần nghĩ đến Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, tôi lại nhớ đến đôi mắt của Người. Qua hình ảnh Bác, qua con người Bác, chúng tôi thật sự tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam anh em tiến hành dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Người, của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai năm sau, khi được tin đại thắng Điện Biên Phủ chúng tôi hết sức vui mừng. Và trong niềm vui ấy, chúng tôi càng nhớ đến đôi mắt có lửa của Bác Hồ, người chiến sĩ vĩ đại...

Nhưng đó mới là những ấn tượng buổi đầu. Mãi đến những ngày Bác dẫn Đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi, vào mùa Hè năm 1957, tôi mới có dịp được hiểu biết nhiều hơn về Người.

Dịp đó, vị Chủ tịch Vinhem Pích mệt nặng, nhà tôi và đồng chí Vante Unbơrích đã thay mặt Chủ tịch ra sân bay đón Bác Hồ. Theo sự xếp đặt của lễ tân, Bác và nhà tôi ngồi riêng một xe. Còn tôi thì ngồi sang xe khác. Thấy thế Bác liền cầm tay tôi và nói với Ốt-tô: “Chị Grốttơvôn phải ngồi với chúng ta chứ!”

Rất tiếc là hôm ấy trời mưa, Bác không thể đi xe mui trần để vẫy chào mọi người. Tuy vậy, trên suốt đoạn đường gần 30km từ sân bay trung tâm đến Nhà khách đặc biệt ở khu Păngcô, nhiều lúc Người yêu cầu dừng xe để xuống chào và bắt tay quần chúng. Bác hỏi chuyện những cụ già, Bác hôn các em bé. Ngay từ những giờ phút đầu tiên, Người đã thể hiện tình cảm hết sức gắn bó với nhân dân và cũng chính vì kính yêu Người, dưới trời mưa tầm tã hàng chục nghìn người vẫn cầm cờ, hoa và khẩu hiệu chào mừng vị khách quý.

Bản thân tôi, được ngồi bên Bác Hồ, cảm thấy thật sung sướng và vinh dự. Đi được một chặng dài, tôi thưa với Người:

- Kính thưa đồng chí Hồ Chủ tịch: Đồng chí làm thơ hay lắm! Nếu đồng chí cho phép, tôi xin đọc một hoặc hai bài thơ của đồng chí đã dịch ra tiếng Đức và đăng trên báo chí nước chúng tôi.

Bác gật đầu nhìn tôi và mỉm cười trìu mến. Tôi liền đọc bài “Cảnh khuya” do Người viết năm 1947:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bác Hồ nói bằng giọng rất vui:

- Ồ! Chị thuộc cả thơ của tôi ư?

Sau đó, tôi còn đọc cho Bác nghe bài “Đối Nguyệt” và “Lên núi” nữa. Đó là những bài thơ tôi rất thích, đã giữ rất cẩn thận, mà chính nhà tôi cũng thuộc một số câu. Chừng bốn, năm ngày trước khi Bác Hồ sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, nhà tôi bảo:

- Em ôn lại những bài thơ của đồng chí Hồ Chí Minh đi nhé! Thế nào cũng có dịp em đọc cho đồng chí ấy nghe...

Dịp ấy, hôm nay đã đến rồi. Cứ như trong một giấc mơ, tôi ngồi trong xe mà triền miên suy nghĩ: Đồng chí Hồ Chí Minh vĩ đại, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, trong giờ phút này, lại đang ngồi cạnh chúng tôi đây... Năm năm trời là một khoảng thời gian có thể làm người ta già thêm, nhưng thú thật, tôi lại có cảm tưởng Bác Hồ trẻ ra. Có lẽ vì những thắng lợi của nhân dân sau nhiều năm chiến đấu gian khổ đã làm Người vui hơn, khỏe hơn và tôi rất chăm chú nhìn đôi mắt của Người. Nếu như năm năm trước, ở đôi mắt ấy đã rực lên ánh lửa của niềm tin chiến thắng, thì hôm nay, lại ánh lên niềm vui của thắng lợi...

Bác là một vị Chủ tịch nước, một nhà chính trị lỗi lạc, nhưng cũng là một người giàu cảm xúc và rất yêu nghệ thuật. Trong thời gian ở thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác đã mấy lần đến thăm chúng tôi tại nhà riêng. Và chúng tôi cũng thường đến thăm Người tại biệt thự đặc biệt dành riêng cho các vị nguyên thủ quốc gia. Biệt thự ấy không xa chỗ ở của chúng tôi bao nhiêu.

Bác rất thích kiểu trang trí của gia đình tôi. Kiểu trang trí này hoàn toàn do nhà tôi tự thảo, xếp đặt, từ góc độ ánh sáng đến màu sắc. Bác khen kiểu trình bày trang nhã, gọn gàng, lịch sự.

Người cũng thích cái bồn hoa và bãi cỏ bên thềm. Sau này, khi gặp nhau tại Hà Nội, Bác vẫn nhắc đến căn nhà ấy của chúng tôi.

Bác và nhà tôi đã trao đổi rất nhiều về nghệ thuật.

Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi Bác tới, nhà tôi mời Bác nghe một đĩa hát thu bản nhạc giao hưởng số chín của Bétthôven, sáng tác trong những năm 1822 - 1824. Sự xúc động lộ rõ trên gương mặt Bác. Trong những giây phút này, tôi lại thấy đôi mắt Bác mơ màng, tư lự, đúng là đôi mắt của người nghệ sĩ giàu cảm xúc. Nhìn gương mặt ấy, người ta có thể liên tưởng đến Lênin khi nghe bản nhạc “Áppaxiônata” cũng của Bétthôven. Khi bản nhạc vừa dứt, Bác thong thả nói:

- Quả đúng như Bétthôven có lần nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn kiên cường bùng cháy”.

Vào một lúc khác, khi thành phố Berlin đã lên đèn, chúng tôi đến thăm Bác, Bác nói:

- Đồng chí Ốttô ơi, chúng ta đã thưởng thức nghệ thuật. Hôm nay, chúng ta cùng nhau đi vào cuộc sống, tôi muốn được nhìn Berlin vào ban đêm.

Nhà tôi có phần lo lắng, bởi vì chưa có sự chuẩn bị nào cả. Nhất là, hồi bấy giờ, giữa Thủ đô chúng tôi và Tây Berlin chưa có đường biên giới, còn đi lại tự do, sợ không được an toàn. Ốttô mỉm cười nói với Bác:

- Vào giờ này, đồng chí ạ, Berlin không có người đi đường đâu.

Bác đáp:

- Nhưng có nhiều ánh sáng.

Biết không thể từ chối được, chúng tôi gọi xe và mời Bác đi thăm Đại lộ Stalin, ngày nay là đại lộ Các - Mác. Đến nơi, Người đề nghị nhà tôi cùng đi bộ, như những người dân thường. Người quay một vòng và nói rất vui:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt tại Đại lộ Stalin.

Chúng tôi cùng cười. Bác nói tiếp:

- Các đồng chí biết không, sang đến đây, tôi mới biết mình rất giàu. Đấy... Chỗ nào cũng có tên tôi: "HO"...

Chúng tôi lại cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Người. "HO" là chữ gọi tắt của các cửa hàng quốc doanh ở Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi.

Đến 10 giờ đêm, nhiều người dân Berlin biết tin Bác đến, đã đưa cả gia đình ra quây quần bên Bác. Bác bảo với nhà tôi:

- Đồng chí Ốttô, Berlin vẫn có người đấy chứ.

Nhà tôi cười:

- Vì có đồng chí ở đây.

Có một đôi nam nữ thanh niên tiến đến trước Bác và nói với giọng xúc động:

- Kính chào đồng chí Chủ tịch, xin kính chào đồng chí Thủ tướng. Hai chúng tôi vô cùng sung sướng được gặp đồng chí Chủ tịch mà chúng tôi đã mang nặng lòng kính yêu từ lâu. Tôi là một công nhân và đây là người yêu của tôi, cô ấy vừa ở Tây Berlin sang. Đồng chí Chủ tịch à, hai chúng tôi sẽ không bao giờ quên được kỉ niệm lớn hôm nay.

Bác Hồ vui vẻ bắt tay hai thanh niên đó.

Và hai bạn trẻ, dù đi một quãng khá xa rồi, vẫn thỉnh thoảng nhìn lại phía chúng tôi...

*

*          *

Hơn một năm sau, vào tháng Giêng năm 1959, tôi đã được theo nhà tôi sang Việt Nam khi Ốttô dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức đi thăm hữu nghị một số nước Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á...

Nhắc lại chuyến đi ấy, tôi vẫn bồi hồi nhớ đến Hà Nội, vào những ngày đầu năm lất phất mưa Xuân, cứ tưng bừng như một mùa hội lớn. Các đường phố được trang hoàng lộng lẫy. Nhân dân đứng chật ních hai bên đường, tay cầm cờ hai nước, cầm hoa đủ màu, vẫy chào Đoàn đại biểu. Hôm ấy, Bác Hồ đón chúng tôi tại Phủ Chủ tịch. Bác và nhà tôi ôm hôn nhau thắm thiết. Không biết bao nhiêu là vui mừng, xúc động! Người quay sang tôi và hỏi:

- Nữ đồng chí vẫn mạnh khỏe đấy chứ?

Tôi cảm ơn Bác và bày tỏ niềm vui sướng được gặp lại Người trên đất nước Việt Nam. Bác cười:

- Thế là điều mong muốn của chúng ta đã được thực hiện.

Tối hôm sau, 18 tháng Giêng, Bác chiêu đãi Đoàn đại biểu của chúng tôi rất trọng thể. Tôi được ngồi bên phải Bác. Bác Tôn Đức Thắng cũng ngồi bên tôi. Bác Hồ đã hỏi thăm chúng tôi rất nhiều về sức khỏe của đồng chí Vin-hem Pích, của các đồng chí lãnh đạo khác và về những thay đổi ở Berlin, ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nhất là những nơi Người đã đi qua. Tôi nhớ hình như Bác biết bảy thứ tiếng cả thảy. Thật là một thiên tài về ngoại ngữ. Trong bữa tiệc ấy, Bác đã tặng tôi một đóa hoa hồng. Tôi sung sướng đón từ tay Người món quà quý báu. Người hỏi tôi:

- Từ nay, chúng ta có thể xưng hô nhau theo cách thân mật được không?1

- Rất vinh dự ạ!

Thật vậy, tôi rất muốn được xưng hô với Bác một cách thân thiết, đúng như lòng mong muốn của mình. Đối với tôi, Người thực sự là một người cha, một người cha hiền từ, rộng lượng, tốt bụng!

Bác nói với tôi:

- Ngày mai, tôi mời cô đến chỗ tôi chơi.

Rồi Bác quay lại phía nhà tôi:

- Đồng chí Ốttô, đồng chí bận đàm phán, ngày mai để cô ấy sang chỗ tôi chơi, chẳng cần phải phiên dịch đâu.

Chiều hôm sau, đúng giờ hẹn, tôi đến nhà Bác, có hai nữ đồng chí nữa cùng đi với tôi.

Bác đón chúng tôi ở chân cầu thang. Bác chỉ ao cá trước nhà, chỉ vào những khóm cây, những vườn rau xanh tốt và tươi cười bảo:

- Cơ ngơi của tôi đấy. Nào ta lên nhà!

Lên đến tầng hai, Người bảo chúng tôi cởi giày. Chúng tôi cởi giày và bước vào phòng. Lên tới đây càng thấy căn nhà của Bác thật là đơn giản. Ngôi Nhà sàn hai gian thoáng đãng tầng dưới cả bốn bên đều để trống, tầng trên chia làm hai phòng. Bác giới thiệu:

- Cô thấy đấy, đây là buồng ngủ, có màn che muỗi. Còn đây là phòng làm việc của tôi, xung quanh có một hành lang để ai cần thì đi lại cho tiện...

Chúng tôi vô cùng xúc động về cách sinh hoạt đơn giản, thanh bạch của Bác. Một vị Chủ tịch Nước mà chỉ đi dép cao su quai to, mặc bộ kaki đã sờn, vào mùa rét thì cũng chỉ khoác thêm một cái áo kaki bốn túi màu nâu, cũng đã sờn...

Bước vào phòng làm việc với dáng điệu rất tự nhiên, Người ngồi xuống sàn nhà. Còn chúng tôi thì cứ loay hoay mãi, chẳng thấy ghế đâu cả, rồi cũng ngồi bệt xuống cạnh Người.

Qua lời Người kể, tôi được biết, hồi kháng chiến chống Pháp, khi ở Việt Bắc, Người cũng sống và làm việc trong một căn nhà tương tự như thế này...

Trong câu chuyện thân tình, tôi mạnh dạn hỏi Bác:

- Thưa Bác, sao Bác không lập gia đình?

- Cô ạ, cả đất nước Việt Nam này là gia đình tôi.

- Thưa Bác, sao Bác biết nhiều thứ tiếng như vậy?

- Tôi đã từng ở Pháp, ở Anh, ở Nga và ở Đức và nhất là hoạt động cách mạng thì phải biết nhiều tiếng.

- Thưa Bác, Bác thường làm gì trong những giờ rỗi?

- Tôi rất ít thì giờ rỗi. Nhưng nếu có thì đọc sách, tưới rau, trồng cây. Chợt Bác nhìn chúng tôi suốt lượt và mỉm cười:

- Tôi đã nói chuyện chính trị nhiều rồi. Bây giờ mời cô và các đồng chí đi câu cá.

Bác hỏi tôi:

- Cô có biết câu cá không?

- Thưa Bác, cháu có câu một lần, nhưng cá không ăn.

- Bây giờ cô thử câu ở ao của tôi...

Cái áo cá của Bác rộng chừng hai đến ba nghìn mét vuông, phẳng lặng như mặt gương, chỉ đôi khi mới thấy gợi lên đôi vòng tăm cá. Bác cho biết, trong ao Bác nuôi nhiều loại cá như rô phi, trôi, mè... Một số địa phương đã từng đến xin Bác giống cá rô phi đem về nuôi.

Tôi rất thú vị được câu cá ở ngay ao của Hồ Chủ tịch. Khổ một nỗi là câu mãi, câu mãi, mà cá không chịu cắn câu. Tôi buột miệng thưa với Bác:

- Bác Hồ ạ, ao của Bác không có cá đâu.

Bác khoát nhẹ tay:

- Lòng cô phải kiên nhẫn một chút. Cô biết không, tôi mà câu thì bao giờ cá cũng ăn.

Tôi thưa tiếp:

- Bác ạ, ở một số nước vì muốn để vị Nguyên thủ của mình được hài lòng, người ta đã mắc sẵn cá vào lưỡi câu đấy.

Bác cười vui vẻ:

- Nhưng ở nước chúng tôi thì không như vậy. Bản thân tôi là một người câu cá lành nghề.

Sau này, tôi được biết, câu cá là một cách giải trí của Bác.

Ở Chiến khu Việt Bắc, sau những giờ làm việc căng thẳng, Người cũng đã từng câu cá như vậy.

Sau đó, Bác dẫn chúng tôi đi xem những lùm hoa đẹp, có mùi thơm dịu dàng, và những khóm cây lạ mắt như đu đủ, quýt, vú sữa…

Với dáng điệu lịch sự, Bác hái một quả quýt và tặng tôi. Thật là một buổi chiều êm đềm, rất đáng ghi nhớ.

Trong tất cả những lần gặp Bác, buổi chiều ấy là dịp tôi được ở gần Bác nhiều nhất.

Hôm chiêu đãi tiễn Đoàn, Người gọi tôi ra một nơi và hỏi cảm tưởng về những ngày ở Việt Nam. Tôi có thể thưa với Bác tất cả những kỷ niệm tốt đẹp của mình, từ những ngày đầu tiên đến Hà Nội giữa một rừng cờ hoa, cho tới khi thăm Nhà máy in Tiến bộ, một vườn trẻ do các bà mẹ tỉnh Pốtxđam quyên góp mà dựng nên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức...

Tôi đã ôm hôn những người mẹ, những người chị, những cháu bé mũm mĩm rất ngoan, rất dễ thương và ở đâu, tôi cũng xúc động về dân tộc anh hùng, cần cù, mến khách như vậy. Tôi hiểu rằng, từ bản chất của mình, dân tộc Việt Nam có rất nhiều lý do để chiến thắng một cách vẻ vang. Dân tộc đó lại có vị lãnh tụ sáng suốt, đức độ tuyệt vời là Bác Hồ Chí Minh.

Bác nói nhỏ:

- Cô Giôhơnna, tôi muốn tặng cô một món quà.

Rất xúc động, tôi thưa với Bác:

- Cháu rất hân hạnh, nhưng thưa Bác…

Món quà của Bác dành cho tôi là một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, hiệu "Movado" trên mặt có hình Bác. Tôi sung sướng quá, nhẹ nhàng đeo vào tay và ôm chầm lấy Bác. Chiếc đồng hồ đó, cho đến nay tôi vẫn dùng và hiện nó chạy rất tốt. Sau này, vào dịp đầu năm 1968, Bác còn gửi tặng tôi một chiếc lược làm bằng xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam...

Buổi chia tay ấy ở Hà Nội thật là lưu luyến. Tôi chỉ kịp thưa với Bác:

- Bác ạ, cháu rất mong được gặp lại Bác!

Nhưng, thật không ngờ, đó lại là lần gặp Bác cuối cùng. Ngày 02 tháng 9 năm 1969, được tin Bác Hồ qua đời, tôi đau xót rụng rời như khi được tin cha tôi mất. Nhưng rồi sau những giờ phút nặng nề đau buồn nhất, tôi tự hỏi: Có lẽ nào, có lẽ nào một bậc vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại từ giã cõi đời này được? Không! Không! Người, với đôi mắt của người chiến sĩ, của người chiến thắng, của một nhà thơ, đôi mắt của một vị lãnh tụ, của một người cha thân yêu vẫn đang sống cùng chúng ta. Đôi mắt ấy không bao giờ khép…

Người vẫn nhìn rõ bước đi của dân tộc mình, của mỗi chúng ta. Bằng con mắt ấy, suốt cả đời mình, Người đã nhìn trước những bước đường của nhân dân và đã chỉ cho nhân dân đi tới tương lai hạnh phúc, huy hoàng. Hơn thế, Người đã góp phần đấu tranh cho lẽ phải và hạnh phúc của cả loài người.

Ai hiến dâng đời mình cho nhân dân, cho loài người, người ấy trở thành bất tử!

(GIÔHƠNNA GRỐTTƠVÔN2, trích trong sách Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985).

51. Hồ Chí Minh, người có đầy đủ năm đức tính của lãnh tụ mà Lênin đề ra

Trước hết, với tư cách cá nhân, tôi xin thay mặt cho đồng bào tôi, những người yêu nước, yêu độc lập, tự do, yêu công lý và hòa bình, xin bày tỏ lòng vui mừng phấn khởi cùng toàn thể nhân dân Việt Nam đã vinh hạnh được tổ chức UNESCO - một tổ chức của Liên hợp quốc chính thức công nhận người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn.

Trước khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Nguyễn Ái Quốc, cái tên xa xưa của Người, tôi muốn nói đến lãnh tụ Vlađimia  Ilích Ulianốp Lênin, Người mà Hồ Chí Minh đã kính phục như là người thầy vĩ đại, Người mà Hồ Chí Minh đã đến Mátxcơva mong được gặp nhưng tiếc rằng Người đã đến muộn, Lênin đã mất trước đấy vài tháng.

Nói về Lênin, tôi muốn nói đến một điều ghi trong văn bản của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 04 tháng 01 năm 1923, đề cập vấn đề bầu Tổng Bí thư thay thế Lênin. Vì lúc này Lênin ốm nặng. Người thấy không thể đảm nhiệm công việc phục vụ Đảng được nữa, Người có một đề nghị, tất nhiên, Người không ghi cụ thể tên ai là người sẽ đảm nhận chức Tổng Bí thư mà chỉ nêu tiêu chuẩn cho một Tổng Bí thư như sau:

1. Là người phải có tính kiên trì, bền bỉ.

2. Phải luôn luôn trung thành và ngay thẳng.

3. Phải là người khiêm tốn, dịu dàng, mềm mỏng.

4. Phải có lòng nhân ái, biết quan tâm đến đồng chí mình.

5. Phải là người có tính kiên định.

Năm tiêu chuẩn đạo đức mà Lênin đặt ra cho Tổng Bí thư của Đảng Bônsêvích lúc bấy giờ thực chất là đạo đức của giai cấp cần lao, mà theo tôi nó thể hiện rất đầy đủ ở con người Hồ Chí Minh. Với đạo đức ấy, lại được trang bị bằng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã thực sự là kim chỉ nam cho mọi thắng lợi của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Người đã đem lại độc lập, tự do cho dân, cho nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02 tháng 9 năm 1945. Từ đây bắt đầu những ngày vô cùng bề bộn trong công cuộc khôi phục lại đất nước, Người đã có câu nói bất hủ: “Mọi thắng lợi là do dân và vì dân”.

Thế rồi thực dân Pháp xâm lược quay lại Việt Nam lần nữa vào tháng 3 năm 1946. Lúc này Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tiếp tục công cuộc chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.

Hồ Chí Minh, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời chưa từng vì cuộc sống riêng tư, tất cả đều vì dân, vì nước, gia đình của người là nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất cả điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên yêu quý Người vô cùng, kính yêu Người như cha, như mẹ.

Hồ Chí Minh, cái tên được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng, cũng là biểu tượng của niềm tin, hy vọng, của lòng dũng cảm, của độc lập, tự do và hạnh phúc.

Chân dung của Người khắp cả nước đâu đâu cũng có, từ trong các túp lều tranh của nông dân lao động đến các dinh thự của nhà giàu, trong các nhà thờ Thiên chúa giáo hay trong các đền chùa đạo Phật...

Cho dù Người chưa từng là sinh viên ở trường đại học nào, nhưng sự hiểu biết của Người thật cao rộng và sâu sắc. Người luôn bày tỏ chính kiến của Người trên các trang báo kể cả báo trong nước hoặc báo tiếng Anh, tiếng Pháp. Người thông thạo không dưới năm thứ tiếng: Hán, Đức, Anh, Pháp, Nga và Nhật.

Về cá tính, Người chỉ nói ít và nói những điều cô đọng, là người nhân hậu và khiêm tốn, giản dị. Suốt nhiều năm trong cả thời kỳ tiến hành công cuộc kháng chiến chống Pháp, Người chỉ mặc bộ quần áo kaki và chiếc mũ cũng bằng vải kaki, đi dép kiểu Trung Quốc, nhiều lần có người đề nghị biếu quần áo sang trọng hơn để Người dùng thì người đã nhẹ nhàng từ chối rất khéo léo rằng: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”.

Sự ăn ở của Người cũng quá ư bình dân, với tư cách là Chủ tịch Nước nhưng nơi ăn chốn ở của Người không khác gì lối sống đạm bạc của giai cấp cần lao.

Khi bàn luận hay giải thích, hoặc đề cập vấn đề chính trị, Người luôn trình bày đơn giản để mọi người nghe dễ hiểu, khiến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ tiếp thu. Khi cần tranh luận Người không nói vòng vo, dùng từ khuôn sáo sách vở, Người dùng từ ngữ quen thuộc, gần gũi với mọi người, không triết lý dài dòng, khó hiểu.

Về sinh hoạt hàng ngày, Người dậy từ 5 giờ sáng ngồi vào bàn làm việc, uống trà, hút thuốc hoặc đọc sách hoặc điểm lại những công việc đã qua, sau đó ghi nhanh chương trình làm việc trong ngày vào quyển sổ tay và tất nhiên Người làm đầy đủ không bỏ sót từng chi tiết công việc đã ghi. Một điều đặc biệt là mặc dù bận trăm công nghìn việc, một việc mà không bao giờ Người bỏ qua là dành 30 phút tập thể dục vào buổi sáng, một lớp sinh hoạt đã hình thành đều đặn ở Người trong hàng chục năm.

Phần lớn thời gian, Người hy sinh cho công việc phục vụ nhân dân và Tổ quốc, không có mấy thời gian cho riêng mình. Là người đúng giờ tuyệt đối, tuyệt đối đến mức thành thành ngữ “giờ Bác Hồ” tức là muốn nói đến sự đúng giờ.

Một điều cần nói thêm, mặc dù đã là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, là lãnh tụ của Đảng, là Chủ tịch Nước nhưng lúc nào Người cũng là Người khiêm tốn, giản dị và đôn hậu. Hàng chục năm qua Người đã ở nhiều nơi, làm việc nhiều nơi, hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, dưới nhiều tên khác nhau khó có ai biết được Người hiện đang ở đâu và làm gì. Nói tóm lại Người là con người vô cùng linh hoạt, linh hoạt đến mức kỳ diệu. Cũng có nhiều người đã từng có lần tò mò muốn biết đến quá khứ kỳ diệu ấy của Người, Người đã giản dị trả lời: “Quá khứ của Bác không có gì đặc biệt mà cũng không quan trọng, cái điều mà Bác thấy cần phải quan tâm là vấn đề hiện tại và tương lai của nước nhà”.

Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc sinh ra ở Nghệ An, là quê hương của nhiều nhà cách mạng đã từng chiến đấu ngoan cường chống thực dân Pháp xâm lược trong suốt thời gian dài, kể từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Thân phụ của Người là người am hiểu về lịch sử, về văn học và cũng là nhà ái quốc có tên tuổi. Truyền thống gia đình và tính cách của thân phụ đã sớm hình thành tư tưởng cứu nước trong Nguyễn Ái Quốc, mới 12 tuổi đầu, Người đã sát cánh cùng cha, cùng anh chị ruột của mình giương cao tấm gương cứu nước, cứu nhà.

Năm 1911, khi mới 19 tuổi, Người đã tìm cách xuất dương, làm một thủy thủ trên con tàu sang Pháp, con tàu đã tiếp tục đưa Người vượt đại dương sang San Francisco rồi lại quay lại Luân Đôn cứ như thế trong nhiều năm.

Mãi đến năm 1918, Người trở lại Pháp, tại đây Người làm nghề chụp ảnh để kiếm sống. Thời gian ở Pari, Người đã gặp gỡ rất nhiều nhà ái quốc Việt Nam. Ở đâu cũng vậy, Người bao giờ cũng là một người học trò khiêm tốn, chăm chỉ, cần mẫn tìm tòi, học hỏi mọi vấn đề, mọi việc xảy ra trong xã hội. Người học bằng mọi cách, mọi phương tiện, học trong sách vở, trong các cuộc đàm luận, học ngay trong các báo chí hàng ngày, hàng tuần.

Năm 1924, Người sang Quảng Đông Trung Quốc với cái tên Tống Văn Sơ. Tại đây Người làm việc cho Quốc dân Đảng dưới hình thức là để tổ chức Hội Cứu quốc tại hải ngoại, đào tạo và huấn luyện thanh niên Việt Nam rồi đưa họ về nước tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc bị bắt và bị giam một thời gian. Sau khi được tự do, Người sang Thái Lan, lúc đó gọi là Xiêm và đang ở thời kỳ của chế độ quân chủ. Tại đây, Người lại tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp cứu nước. Theo lời của sư cụ thượng tọa chùa Oắt Phô, tỉnh Uđonthani, hiện nay đã 80 tuổi kể lại: Ông Nguyễn tức Ông Hồ ở đâu cũng vậy, luôn luôn vì quyền lợi chung, sư cụ còn kể với tôi một mẩu chuyện nhỏ về đời hoạt động của Người tại tỉnh Uđonthani rằng: Hồi ấy chùa Oắt Phô tổ chức xây dựng điện thờ chính cho ngôi chùa, sư cụ Thượng tọa của chùa là Thích Thămchêđi là người có nhiều công đức, được dân kính trọng nhất vùng đứng ra quyên góp. Việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góc công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều. Một hôm trong lúc mọi người đang làm việc, cảnh sát Thái Lan ập vào chùa tìm bắt ông Nguyễn, mà hình như lúc này mật vụ của Pháp đã đánh hơi thấy sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Uđonthani. Trước tình thế đó sư cụ Thích Thămchêđi đã đứng ra can thiệp, che chở cho ông Nguyễn, sư cụ nói rằng: “Nhà chùa không có kẻ ác trốn, mọi người đây chỉ toàn thiện nam, tín nữ với lòng từ thiện đến xây điện thờ cho nhà chùa”. Cái uy của sư cụ đã khiến đám cảnh sát phải rút lui, nhờ đó ông Nguyễn đã thoát...

Ngài Priđi Pranômyông, một chính khách lỗi lạc của Thái Lan nói về Hồ Chí Minh rằng: Trong một dịp được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hỏi Ngài về một người ở tỉnh Phichít đã từng cứu mạng Người trong thời kỳ lưu lại ở đó với một thái độ cực kỳ biết ơn. Kể cả thời mà chính Ngài Priđi đã gửi vũ khí giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến với cả tấm lòng biết ơn với Chính phủ Xiêm, thể hiện bằng việc đặt tên cho Tiểu đoàn Bộ binh đã dùng vũ khí của nước Xiêm ủng hộ là "Tiểu đoàn Xiêm", việc ấy đã chứng tỏ rằng Hồ Chí Minh là người sống có nhân nghĩa tuyệt vời, luôn luôn nhớ đến công ơn những người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn.

Thưa quý vị, tất cả những gì tôi đã nói, có thể lộn xộn về ý tưởng, hoặc cũng có thể gọi là múa rìu qua mắt thợ, vì lẽ các quý bà, quý ông ở đây biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn tôi. Nhưng tôi vẫn cứ trình bày ở đây để khẳng định một lần nữa rằng Hồ Chí Minh là người có đầy đủ năm đức tính tiêu biểu của giai cấp cần lao như Lênin đã đặt ra. Đồng thời cũng là để kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn vô cùng thiêng liêng, trong sáng và chói lọi của Người.

Cũng trong dịp này tôi xin thay mặt cho nhân dân Thái Lan hết lòng kính trọng và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, một chiến sỹ cách mạng mà cả cuộc đời vì sự tự do và hạnh phúc của toàn thể nhân dân Việt Nam xứng đáng là một lãnh tụ quan trọng của thế giới.

(SIPHƠNÔM VICHIVÔRASAN3, trích trong cuốn Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 198-203)

Đức Lâm (tổng hợp)

1. Theo phong tục của người Đức, khi thân mật thì dùng chữ "Du", còn chữ "Sie" mang tính chất trọng thị, xã giao.
2. Vợ chồng đồng chi Ốttô Grốttơvôn cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Dân chủ Đức.
3. Nguyên Nghị sỹ Quốc hội Thái Lan


 52. Câu chuyện cụ Phrăngxít Hăngri Lôdơbi

Trước khi được bào chữa cho vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi được nhiều người ở Hương Cảng (Hông Kông) biết tiếng vì hồi đó tôi có bào chữa cho một người Việt Nam bị nhà cầm quyền ở Hương Cảng bắt. Hiện nay tôi không nhớ tên người Việt Nam đó là ai. Nhà cầm quyền Hương Cảng định giao người Việt Nam này cho thực dân Pháp ở An Nam với lý do An Nam là của người Pháp. Sau khi xem lại các hiệp định ký kết giữa Pháp và nhà Vua An Nam lúc đó, tôi thấy chỉ có một hiệp ước trong đó nhà vua An Nam nhận cho Cố vấn người Pháp sang An Nam. Do đó tôi chuẩn bị giấy tờ ra trước Tòa án cãi rằng An Nam là của nhà vua An Nam chứ không phải của người Pháp, nên không thể trao trả người Việt Nam đó cho Pháp được. Sau đó, người Việt Nam trên đã được thả. Nhờ vậy mà Hương Cảng có thêm một số người biết tôi.

*

*          *

Một hôm có một người Việt Nam, hiện nay tôi không nhớ tên là gì nữa1 đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi giúp bào chữa cho người Việt Nam đó. Được tin này, tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó).

Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một số sĩ quan Pháp ở Hương Cảng. Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ. Đồng thời Tống Văn Sơ cũng nói cho tôi biết trường hợp bị bắt của mình. Sau đó tôi đến gặp Hội đồng Luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ đến gặp Chánh án.

Lần thứ hai tôi gặp Tống Văn Sơ ở Tòa án. Chánh án ngồi trên bàn cao. Tôi cũng có mặt trong phiên tòa cùng với luật sư Gienkin. Tống Văn Sơ đứng trước vành móng ngựa, tay bị xích. Tôi nói Gienkin xem tay Tống Văn Sơ. Gienkin nói lại với Chánh án xem tay Tống Văn Sơ. Tống Văn Sơ giơ tay đang bị xích lên cao. Gienkin nói luật pháp quy định đưa bị cáo vào Tòa án không được xích. Do đó, Chánh án phải ra lệnh tháo xích ở tay Tống Văn Sơ ra. Sau khi Tống Văn Sơ được tháo xích rồi Gienkin mới đọc trước tòa những lời bào chữa của luật sư.

Theo luật pháp của Anh hồi bấy giờ khi bắt một người chỉ được hỏi người đó năm câu mà thôi. Năm câu đó hiện nay tôi cũng không nhớ là gì nhưng đại để là tên, tuổi, làm nghề gì...

Không được hỏi sang câu thứ sáu dù câu đó là câu gì. Nhưng khi bắt Tống Văn Sơ, nhà cầm quyền Hương Cảng lại có hỏi một câu thứ sáu là: “Vì sao anh sang Nga?”. Nhà cầm quyền hỏi câu thứ sáu đó trái với pháp luật nên cuối cùng tòa án, tuyên bố phóng thích Tống Văn Sơ.

Nhưng vừa thả Tống Văn Sơ ra cảnh sát Hương Cảng lại bắt giam lần thứ hai, với âm mưu giao cho Pháp hoặc cho ám sát. Lần này Tòa án nói lần bắt giam thứ hai là hợp pháp vì Tống Văn Sơ đã bị kết án tử hình ở Đông Dương nên phải trả lại cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sau khi tôi nghiên cứu tài liệu thì thấy rằng một người bị kết án ở Thượng Hải chẳng hạn, đi sang Hương Cảng thì nhà cầm quyền Hương Cảng có quyền bắt lại và trao trả cho nhà cầm quyền Thượng Hải, nhưng điều đó chỉ áp dụng cho những người thuộc quốc tịch Anh mà thôi. Do đó tôi thấy cần phải đưa việc này lên tòa kháng án ở Luân Đôn. Tôi chuẩn bị giấy tờ xong cho in cẩn thận rồi gửi đi Luân Đôn cho các luật sư của tôi ở Luân Đôn.

Các luật sư ở Luân Đôn viết thư trả lời họ đã nhờ luật sư Pritt. Tôi phải kiếm tiền để trả cho luật sư Pritt. Còn về phía nhà cầm quyền Hương Cảng thì họ nhờ luật sư Stafford Cripps sau khi nhận được tài liệu của nhà cầm quyền Hương Cảng, luật sư Stafford Cripps đến gặp Pritt nói với Pritt rằng ông đã được nhà cầm quyền Hương Cảng giao cho làm việc này nhưng thấy không thể đem việc này ra tòa được vì mang ra tòa thì nhà cầm quyền Hương Cảng sẽ bị thất bại. Cuối cùng hai luật sư đồng ý rằng phải phóng thích Tống Văn Sơ. Stafford Cripps thay mặt nhà cầm quyền Anh, hứa giúp phương tiện cho Tống Văn Sơ muốn đi đâu thì đi. Sau đó Tống Văn Sơ lại được phóng thích.

Trong thời gian Tống Văn Sơ ở nhà lao, tôi có đến thăm nhiều lần, có lần đưa cả bà Lôdơbi và con gái đến thăm, họ thường mang thức ăn đến cho Tống Văn Sơ. Lúc đó ngay cả Thomas Southom hồi đó làm Thư ký thuộc địa, là người thứ hai sau Công sứ Hương Cảng và vợ Thomas Southom là một nhà văn nổi tiếng (thường lấy tên là Stella Benson) cũng đến nhà lao gặp Tống Văn Sơ. Tôi có yêu cầu nhà lao phải đối xử với Tống Văn Sơ tử tế. Từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện như vậy. Ai gần Tống Văn Sơ lúc đó đều phải kính phục. Sau khi ở nhà lao ra Tống Văn Sơ bị đau, phải vào nhà thương nằm, chúng tôi cũng thường hay lui tới.

Hồi đó có một chuyến tàu đi Liên Xô qua Tângiaba. Theo ý kiến của Tống Văn Sơ, tôi sắp đặt để Tống Văn Sơ đi Tângiaba nhưng nhà cầm quyền Hương Cảng không muốn như vậy, lại bí mật điện cho cảnh sát Tângiaba bắt lại và đưa về Hương Cảng. Khi về đến Hương Cảng, Tống Văn Sơ có viết cho tôi một bức thư nói rõ sự việc xảy ra và nhờ tôi can thiệp.

Tôi rất tức giận khi nhận được tin này. Đêm hôm đó tôi ngồi suy nghĩ suốt từ 8 giờ đến 12 giờ đêm xem nên làm như thế nào. Sáng hôm sau tôi quyết định đến gặp Công sứ Hương Cảng lúc đó là William Peel nói nhà cầm quyền Hương Cảng đã không giữ lời hứa và đề nghị để cho Tống Văn Sơ đi Hạ Môn bằng một chuyến tàu tôi đã chọn trước. Sau Công sứ Hương Cảng có gửi thư riêng cho tôi nói nếu đưa Tống Văn Sơ xuống tàu ở bến thì khi cảnh sát khám xét tàu trước khi nhổ neo có thể nhận ra Tống Văn Sơ và bắt lại, vì vậy phải lấy một chiếc thuyền riêng đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi rồi hãy lên tàu. Tôi cho anh thư ký riêng người Hoa của tôi tên là Loong, hiện nay vẫn còn làm việc với tôi, đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi, hẹn chiếc tàu sau khi đã khám xét xong sẽ đậu lại để đón Tống Văn Sơ đi Hạ Môn (Hồi đó cụ Lôdơbi có hai người thư ký Trung Hoa, một người là Loong, một người là Wong đã chết).

Suốt trong thời gian từ khi ở Tângiaba về Hương Cảng đến khi đi Hạ Môn, gia đình chúng tôi có chú ý giúp đỡ Tống Văn Sơ. Để tránh bị bọn mật thám theo dõi, tôi đưa Tống Văn Sơ vào ở trong Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (Chinese young men Christian association). Hội này có hệ thống từ bên Anh. Ký túc xá của Hội này gồm những nhân viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo sư, phần lớn chưa có gia đình đến ở với giá rẻ.

Ban ngày Tống Văn Sơ ở trong nhà, bà Lôdơbi thường mang thức ăn đến, Tống Văn Sơ có đưa cho bà một sợi dây trên có đánh dấu bằng từng nút số đo của vai, tay, cổ... để bà mang về may cho Tống Văn Sơ một bộ quần áo dài Trung Hoa để giả làm một giáo sư Trung Hoa ở trọ trong Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa - lúc đó Tống Văn Sơ cũng để râu mép để giả dạng. Tối đến tôi hẹn Tống Văn Sơ ra đợi ở một chỗ vắng gần Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa, vì xung quanh Ký túc xá có một bãi rộng. Tôi đến giả làm như một kiến trúc sư người Âu, còn Tống Văn Sơ giả làm một nhà thầu khoán đi xem đất xây nhà, rồi đưa Tống Văn Sơ về nhà ăn cơm chiều. Tôi không nhớ chuyện này xảy ra vào tháng mấy nhưng chỉ nhớ lúc đó trong nhà có lò sưởi và bộ quần áo may cho Tống Văn Sơ là bộ quần áo mặc rét.

Trong khi ăn cơm bà Lôdơbi cũng rất cẩn thận không để cho người làm trong nhà nhận ra Tống Văn Sơ. Trong phòng ăn ở nhà tôi hồi đó có một cái tủ, trên tủ có một tấm gương to. Bà Lôdơbi xếp Tống Văn Sơ ngồi quay lưng về phía gương để người đứng sau lưng không thể nhìn được mặt Tống Văn Sơ trong gương. Sau khi ăn cơm chiều xong, ngồi nói chuyện ở lò sưởi một lúc rồi tôi lại lái xe đưa Tống Văn Sơ về, nhưng trước khi đi đến chỗ để Tống Văn Sơ xuống tôi cũng cho xe chạy lung tung trong thành phố để đánh lạc hướng người theo dõi. Ở nhà hồi đó cũng có nhiều người bạn Trung Hoa đến chơi nên người nhà cũng cho rằng Tống Văn Sơ là một người bạn Trung Hoa mới quen của gia đình tôi mà thôi.

Sau khi Tống Văn Sơ đi Hạ Môn rồi tôi không được tin tức gì nữa. Mãi đến sau này tôi mới nhận được hai bức thư ký tên Newman của Tống Văn Sơ và nói tôi viết thư trả lời. Nhưng tôi sợ bọn cầm quyền lại tìm ra được địa chỉ của Tống Văn Sơ nên tôi không viết thư trả lời.

Sau này có một người Trung Hoa đến cho tôi biết Tống Văn Sơ làm Chủ bút một tờ báo ở Luân Đôn.

Đến năm 1956, một nhà báo Anh (đảng viên Đảng Cộng sản Anh sang thăm Việt Nam) về Hương Cảng đến tìm, trao cho tôi một bức thư và hai bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bức thư gửi vợ chồng tôi, một bức thư cho con gái tôi. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chúng tôi gửi ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gửi thư cảm ơn và gửi ảnh chúng tôi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đại diện Sở Vận tải Trung Hoa ở Hương Cảng điện thoại cho chúng tôi hai lần, đến gặp và gửi cho chúng tôi một gói quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong có một bức thêu Chùa Một cột và một cái khay sơn mài cùng với một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.

Bà Lôdơbi hứa sẽ về may cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam một bộ quần áo màu vải và kiểu như bộ may cho Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đó. Ông Lôdơbi hứa về sẽ tìm các bản hồ sơ chính của cụ và chụp ảnh những tài liệu báo chí, tài liệu riêng, biên bản tòa án ở tòa án để gửi lại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì cụ nói đó là tài sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng vì khi phát xít Nhật chiếm Hương Cảng cả gia đình bị bắt giam trong 3 năm 7 tháng, tài sản bị mất mát nên không biết nay có còn nữa không, nếu không còn bản chính thì cũng còn những bản in ở thư viện.

Ông Lôdơbi nói không gửi bức thư nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Marcel Cachin cả.

Sau đây là một vài cảm tưởng của gia đình cụ Lôdơbi: Được sang thăm Việt Nam hai cụ rất cảm động, hôm tiễn chân về, bà cụ nói, tôi cảm động đến nghẹn ngào không nói được nên lời nữa và khóc.

Tại Nhà máy Trung quy mô, bà cụ nói: “Các bạn rất may mắn có một vị lãnh tụ rất vĩ đại và tốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi rất cảm động nhưng chúng tôi không lạ vì chúng tôi thường được xem ảnh luôn và chúng tôi xem Bác như người nhà của chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng làm cho mọi người mến phục. Không phải bây giờ, ở đây mà trước kia khi ở Hương Cảng trong hoàn cảnh khó khăn cũng vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có cái biệt tài là làm cho mọi người đều cười được, từ các em thiếu nhi hôm đến chúc Tết ở Phủ Chủ tịch, đến các em nhi đồng ở Trại Nhi đồng miền Nam và đến cả các anh em công nhân ở Nhà máy Trung quy mô cũng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể làm cho mọi thứ đều cười. Chỉ có một thứ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh không làm cho cười được là mặt trời mà thôi.

Đến Việt Nam, tôi thấy một điều đặc biệt là mọi người đều vui vẻ, ai cũng có nụ cười trên môi, người nào cũng được ăn mặc theo ý thích của mình. Ở đây cây cối, đường xá, chùa chiền... được giữ gìn rất chu đáo. Trước đây tôi nghe nói nhiều đến Việt Nam nhưng dịp này mới biết Việt Nam như thế nào. Nhiều điều tôi mới được thấy lần đầu tiên và vượt quá ý nghĩ của chúng tôi.

Tôi có thể kết luận rằng đó là kết quả của cả cuộc đời hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nhân dân Việt Nam.

(Francis Henry Loseby2, trích trong cuốn Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2004, tr.272-276.

53. Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ

Năm 1990, chúng ta đang ở vào một thời điểm chưa từng có của những biến đổi xã hội. Đó là sản phẩm của 200 năm qua, những năm tháng đã sản sinh ra những lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới nhiều hơn tất cả những giai đoạn khác trong lịch sử. Trong số những lãnh tụ như Tômát Giécphécsơn, Mahátma Găngđi, Vlađimia Ilích Lênin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Mắc-tin Luthơ Kinh và Nenxơn Manđêla, chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ. Chỉ có Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa.

Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý cho toàn thể xã hội. Vậy thì tại sao chỉ Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về chủ đề phụ nữ. Để trả lời cho câu hỏi đó, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn lại những năm tháng đầu tiên của cuộc đời Hồ Chí Minh.

Không giống như các vị lãnh tụ khác của thế giới, người ta ít được biết về gia đình của Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy sự chấn thương của xã hội Việt Nam vào lúc đó và càng trở lên lý thú khi đặt trong bối cảnh của những gia đình truyền thống của Việt Nam, những gia đình không chỉ có ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, cô chú, bác ruột mà cả những gia đình thông gia. Chúng ta biết rằng trong thời thơ ấu của Hồ Chí Minh đã có nhiều sự kiện nổi bật. Khi Người còn nhỏ, thân phụ của Người, ông Nguyễn Sinh Sắc đã rời nhà ra đi thuyết giảng về chủ nghĩa dân tộc và chữa bệnh cho mọi người. Vì vậy thân mẫu của Người đã phải một mình nuôi dạy ba đứa con ở một nước đang còn bị chiếm đóng. Nói một cách khác, bà đã phải gánh vác toàn bộ gánh nặng.

Có hai nét nổi bật trong sự chiếm đóng của thực dân Pháp ở Việt Nam: Sự đàn áp tàn bạo đối với những người chống đối và sự bóc lột dã man đối với phụ nữ Việt Nam, những con người không được hưởng quyền cơ bản của con người và bị chiếm đoạt phẩm cách của con người, do những sự cấm đoán thô bạo và những lề thói có tính chất cổ hủ. Trong số những điều nói trên, phụ nữ bị bác bỏ quyền được học chữ, quyền được quyết định số lượng con cái, quyền được li dị một người chồng thô bạo, quyền được truy tố, thậm chí là chống lại kẻ hãm hiếp mình.

Mặc dù phải trải qua những vất vả và khó khăn, dường như là người mẹ của Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho hoạt động của chồng mình, là người yêu nước nồng nàn. Người con gái duy nhất của bà đã bị kết án tù chung thân ở 14 tuổi do việc mua bán vũ khí. Như vậy, từ thuở thiếu thời của Hồ Chí Minh, hai người phụ nữ trong gia đình của Người đã là nạn nhân của những tai họa và cả hai tai họa đó đều là hậu quả của sự bất công xã hội đối với phụ nữ. Chắc chắn là những tai họa này có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đối với cuộc đời của Người khi trưởng thành. Hồ Chí Minh đứng trước sự bất công xã hội không ngừng tăng lên và bị làm sâu sắc thêm bởi sự đàn áp tàn bạo đối với những người dám thách thức giới cầm quyền.

Như tất cả chúng ta ở đây đều rõ, chính là từ việc biết đến khẩu hiệu của cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái mà Hồ Chí Minh quyết định rời Việt Nam đi tìm những thực tế khác và nguồn gốc triết học của khẩu hiệu đó.

Tháng 6 năm 1911, Hồ Chí Minh xung phong vào làm thủy thủ trên một con tàu đi biển La Touche Tréville. Người làm nhiệm vụ của một người phục vụ trên tàu. Chính trên con tàu này, Người đã gặp một hình thức nô dịch khác đối với phụ nữ. Người đã gặp những người tôi tớ là những người vợ, những người con gái và chị em gái, những người mẹ và các bà. Những người đó bị giới hạn ở những vai trò nhỏ mọn trong xã hội mà nội dung chủ yếu của vai trò đó là làm đối tượng cho những ham muốn tình dục. Đối với những phụ nữ này, tất cả các hoạt động khác của họ cũng chỉ là thuộc về một loại là làm các trò tiêu khiển. Sự lười nhác được áp đặt lên họ, đã cầm tù họ trong suốt cuộc đời của mình.

Chúng ta không có bằng chứng nào về quan hệ bạn bè của Người với phụ nữ trong giai đoạn này, khác với những điều chúng ta biết về quan hệ bạn bè của Benjamin Franklin khi ông ta gặp những phụ nữ Pháp… Nhưng chúng ta biết rằng vào thời kỳ này, Hồ Chí Minh một thanh niên trẻ, đẹp trai, cao và tóc sẫm màu với vẻ hấp dẫn và uy tín đang tăng lên là những dấu hiệu bên ngoài báo trước Người sẽ là thiên tài vĩ đại. Về mặt thể chất và tinh thần Người hoàn toàn đối lập với các nhà kinh doanh Pháp bụng phệ đầu hói, chơi bời phóng đãng và đám con gái vênh vang, tự cao, tự đại, chỉ chạy theo mốt của họ.

Mỗi khi tàu dừng lại ở các cảng nước ngoài, như Cô-lôm-bô và nhiều cảng khác, Hồ Chí Minh nhận thấy có một kiểu chà đạp nhân cách phụ nữ khác nhau, thông qua trao đổi buôn bán gái điếm rất thịnh hành. Ở mỗi cảng, việc trao đổi, buôn bán này diễn ra ở góc độ khác nhau. Khi trở về Mác-xây, một thành phố lớn ở đất nước mà Người muốn đến, Hồ Chí Minh có lẽ đã ngạc nhiên khi thấy tình cảnh phụ nữ ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch đều rõ ràng, tồi tệ hơn ở các cảng mà Người đã tới. Mác-xây cũng là cảng giàu nhất mà nhộn nhịp nhất trong tất cả các cảng đó.

Chẳng bao lâu sau đó, Hồ Chí Minh lại lên một con tàu khác nhằm hướng tới thành phố New York, một cảng lớn hơn nữa. Chắc chắn đó là một điều kinh ngạc khi đi ngang qua tượng Nữ thần Tự do và phần gây ấn tượng là những tòa nhà chọc trời và giao thông đi lại hối hả đủ kiểu, diễn tả một cách kiêu hãnh sự đắc thắng của thế giới tư bản công nghiệp.

Nhưng vùng bến cảng này lại cũng đầy rẫy những nhà chứa và lũ cò mồi ma cô. Xa hơn nữa là vô số những xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ, trong đó có nhiều xí nghiệp thuê toàn phụ nữ. Chỉ bốn năm trước đó, vụ cháy ở nhà máy Triangle đã làm cả thế giới sửng sốt vì hàng chục công nhân nữ bị chết do bị khóa nhốt ở trong, không có lối ra. Vào khoảng thời gian Hồ Chí Minh đến New York, khu Brooklyn và các vùng lân cận phía Đông của thành phố đang tràn ngập những gia đình dân nhập cư Châu Âu, nhiều gia đình trong số đó có trên một chục trẻ em, tất cả đều sinh ra trong nghèo khổ và đó là hình mẫu đáng buồn về sự tàn bạo của con người đối với con người, cũng như đối với phụ nữ.

Chẳng bao lâu, Luân Đôn lại vẫy gọi Hồ Chí Minh. Khi đã tới đó Người lại trở thành một sinh viên say sưa nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ. Theo học Vua đầu bếp Excôphiê3 ở Luân Đôn, Hồ Chí Minh được biết nhiều bí mật của những người thuộc tầng lớp con ông cháu cha quý tộc nhất trong xã hội, thị hiếu cũng như quan điểm của họ nói chung.

Vào năm 1919, Hồ Chí Minh đã rất kiên quyết trong các phát biểu về quyền bình đẳng của phụ nữ. Nhưng cho đến lúc và sau đó, chưa có một phụ nữ nào đã bước vào cuộc đời Người, như là một người bạn riêng tư, bạn gái tâm tình hoặc người vợ. Thay vào đó, cùng với mối quan tâm của Người về công bằng, xã hội và đặc biệt là về các quyền của phụ nữ càng sâu sắc hơn, thì Hồ Chí Minh cũng tránh xa các quan hệ riêng tư và những người trong gia đình. Người ôm ấp một gia đình rộng lớn là dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, nam giới, phụ nữ và Người coi trẻ em ở khắp mọi nơi như con em của chính mình, coi phụ nữ ở khắp mọi nơi như em gái, chị gái của chính mình, những người đang phải chịu đựng những ách nặng nề.

Ngày nay, bài học về cuộc đời và tư tưởng của Hồ Chí Minh có rất nhiều và sáng rõ. Như Hồ Chí Minh thường chỉ ra, quan điểm của Người về công bằng xã hội cho phụ nữ được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn là công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Nhưng chính nam giới lại chính là những người miễn cưỡng nhất trong việc chuyển giao cho phụ nữ quyền bình đẳng mà họ đòi hỏi ở những người khác. Tại sao lại như vậy? Họ sợ gì vậy? Họ sợ rằng phụ nữ chúng tôi sẽ làm gì với quyền tự do của chúng tôi chăng? Chắc chắn là chúng tôi không thể làm điều gì tồi tệ hơn họ, như điều nam giới trên khắp thế giới sẵn sàng thừa nhận.

Đã kết luận, tôi tin rằng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy xúc động này, chúng ta phải làm nhiều hơn chứ không phải chỉ viết và đọc tài liệu về Hồ Chí Minh. Với tư cách là học trò của Người, chúng ta cần phải đẩy nhanh quá trình biến đổi để đạt được công bằng xã hội rộng lớn hơn cho phụ nữ và đồng thời cho cả nam giới. Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi những lời dạy bảo của Người và khuyến khích hàng triệu người nữa đọc những lời dạy của Người và đóng góp cho sự nghiệp công bằng, bình đẳng cho toàn nhân loại.

(Giôxơphin Stenxơn4, trích trong cuốn Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớnNxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.221-225)

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:

1. Theo đồng chí Tố Hữu thì đó là đồng chí Hồ Tùng Mậu.
2. Luật sư người Anh, người bào chữa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông.
3. Excôphiê là người Pháp, nổi danh với tên gọi "Vua đầu bếp" ở Luân Đôn lúc bấy giờ.
4. Nhà sử học, Đại học Florida, Atlantic (Hoa Kỳ).


54. Hồ Chí Minh và Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc, Người vun đắp tình hữu nghị Việt Trung, nhà cách mạng vô sản, đã từng đến Quế Lâm bốn lần, đã hoạt động cách mạng trong thời gian chiến tranh chống Nhật, trong vai một quân nhân bình thường. Người đã ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và có những cống hiến mãi mãi không phai mờ cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Trung Quốc và đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Việt Nam, viết lên những trang sử sáng chói trong quan hệ hữu nghị Trung - Việt.

Một thành viên của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm

Về Quế Lâm, Hồ Chí Minh ở thôn Lộ Mạc - một trạm vận chuyển của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, Người lấy tên là Hồ Quang với tư cách là một quân nhân của Bát lộ quân, Lý Khắc Nông đề nghị Người làm việc ở Phòng Cứu vong. Phòng Cứu vong giống như một câu lạc bộ, là nơi các nhân viên học tập và sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Hồ Chí Minh là một trong những người phụ trách phòng đó. Người làm việc rất chu đáo, chân thành với mọi người và sống giản dị.

Đồng chí Hà Khải Quân là một người công tác cùng với Hồ Chí Minh trong những năm đó nhớ lại: Tôi và đồng chí Hồ Chí Minh (lúc ấy mang tên Hồ Quang) cùng làm việc ở Phòng Cứu vong của Văn phòng Bát lộ quân từ cuối năm 1938 đến mùa Hè năm 1939 và cùng ở một chỗ.

Hồ Chí Minh nói tiếng phổ thông còn hơi lai tiếng Quảng Đông. Lúc ấy, tôi chưa biết rõ cương vị của Người. Phòng Cứu vong giống như một câu lạc bộ nhưng không phải là câu lạc bộ bởi vì phòng còn có nhiệm vụ giáo dục chính trị, văn hoá. Tôi là Chủ nhiệm Phòng Cứu vong kiêm giáo viên văn hoá. Phòng Cứu vong còn có một vài uỷ viên, Hồ Chí Minh là uỷ viên bảo vệ sức khoẻ kiêm uỷ viên phụ trách tờ báo tường. Tôi nhớ là Đồng chí kiểm tra vệ sinh rất tỉ mỉ và yêu cầu rất nghiêm khắc. Những ai làm vệ sinh không tốt Đồng chí đều phê bình. Ngoài ra Hồ Chí Minh còn phụ trách báo tường, đồng thời là Chủ biên tờ Sinh hoạt tiểu báo. Đó là tờ báo nội bộ của Văn phòng.

Các bài đều được viết trên giấy kẻ ô vuông, sau đó đóng thành tập. Đồng chí tự vẽ bìa, đồng thời cũng viết bài, có lúc làm thơ theo lối cổ của Trung Quốc. Đồng chí viết bài thường xuyên, rất đúng thời gian, làm việc rất cẩn thận. Sinh hoạt tiểu báo 10 ngày ra một kỳ1.

Chúng tôi gặp lại một số đồng chí nhiều tuổi, các đồng chí nhớ lại những ấn tượng sâu sắc:

Một là, đồng chí Hồ Chí Minh dậy rất sớm, ngay sau khi dậy việc đầu tiên là quét nhà. Hầu như ngày nào đồng chí cũng quét nhà. Nền nhà lúc ấy bằng đất, lúc quét bụi tung lên, Người thường dùng khăn mặt hoặc mùi soa bịt miệng lại như khẩu trang. Người không sợ bẩn và không sợ mệt nhọc.

Hai là, cuộc sống của Hồ Chí Minh rất gian khổ và chất phác. Mùa Hè người thường mặc áo may ô, chân đi guốc mộc hoặc dép lê, không có quần áo sang trọng, dù đi vào thành phố cũng chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ màu nâu. Người rất ít dùng xà phòng thơm, chỉ dùng xà phòng giặt và cũng chỉ dùng để rửa tay. Người cũng ăn "đại táo" như mọi người, ăn gạo lức, rau luộc. Hàng ngày Người tự đi lấy cơm ở nhà bếp.

Ba là, Hồ Chí Minh rất thân ái với đồng chí, không hề nổi nóng. Quan hệ với quần chúng rất tốt, nói năng ôn tồn, các đồng chí khác cũng rất kính trọng Người, coi Người là lớp đàn anh. Mùa Đông 1939, có lần đồng chí Lý Kim Đức biết Người muốn đi Long Châu bắt liên lạc đã hỏi Người với vẻ lo lắng: “Đồng chí ra đi có khả năng bị bọn phản động trong nước bắt không?”. Hồ Chí Minh trả lời: “Tôi chỉ là một viên đá trong cả dòng sông, trên mặt tôi không dán ba chữ cộng sản thì sợ gì!”. Trong giọng nói của Người đầy tinh thần lạc quan cách mạng.

Bốn là, Người thường xuyên tham gia các buổi ngâm thơ, ca hát liên hoan quân dân... Người rất thích các hoạt động thể dục, hàng ngày Người buộc bao cát hoặc buộc thỏi sắt vào chân để rèn luyện sức khỏe. Mùa Hè thì bơi cùng với các đồng chí khác.

Con người Hồ Chí Minh rất hóm hỉnh, cởi mở. Có một lần, đồng chí Long Phi Hổ do không biết rõ về Hồ Chí Minh, bèn nói đùa:

- Đồng chí là người ở đâu?

Người nói:

- Tổ tông thì ở đảo Hải Nam, còn thực tế thì sống ở nước ngoài.

- Tại sao lại lấy tên là Hồ Quang?

- Tôi có râu, lại trọc đầu nên gọi là Hồ Quang (vì chữ "Hồ" đọc theo tiếng Bắc Kinh nghĩa là râu, chữ "Quang" đọc theo tiếng Bắc Kinh có nghĩa là trọc). Cả hai người đều cười ha hả.

Trong điện mừng của Hồ Chí Minh ngày 01 tháng 7 năm 1961 gửi tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đã nhớ lại hoàn cảnh lịch sử lúc ấy như sau: “Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc cuối năm 1938, vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong Bát lộ quân, tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm phụ trách nghe rađiô một đơn vị ở Hành Dương”2.

Mốc son lịch sử của tình hữu nghị Trung - Việt.

Thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến Trung Quốc nhưng thời gian ở Quế Lâm là lâu nhất. Người đã kết nghĩa với Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và nhân dân Quế Lâm, dựng lên mốc son lịch sử của tình hữu nghị Trung - Việt.

Ở Quế Lâm Người đã đồng tình và ủng hộ hết lòng sự nghiệp kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Cuối năm 1938 và năm 1940, Hồ Chí Minh đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và qua công tác của mình, Người hiểu thêm về cách mạng Trung Quốc và mặt trận dân tộc thống nhất. Người thường viết bài, viết báo cáo, bình luận và các tài liệu khác để gửi Quốc tế Cộng sản và gửi đăng trong nước, giới thiệu tư tưởng của Mao Trạch Đông về chiến tranh nhân dân và đường lối, phương châm, chính sách về mặt trận dân tộc thống nhất của nhân dân Trung Quốc.

Những kinh nghiệm đó không những có ý nghĩa chỉ đạo đối với cách mạng Việt Nam mà còn có tác dụng tích cực đối với nhân dân Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Hồ Chủ tịch, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân” đã viết: Lúc ấy tôi làm việc tại tờ báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix) một tờ báo bằng tiếng Pháp của Đảng xuất bản công khai. Tòa soạn thường nhận được một số bài báo từ nước ngoài gửi về đề nghị chúng tôi đăng. Những bài đó đều ký tên P.C.Lin và đánh máy chữ. Mỗi lần nhận được chúng tôi đều xem đi, xem lại. Chúng tôi đều biết đó là những bài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Có một số bài nêu ý kiến về mặt trận dân chủ rộng rãi, có bài phân tích về tình hình quốc tế, có bài giới thiệu những kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc...

Những bài của Hồ Chí Minh được đăng lên báo thường gây dư luận mạnh mẽ và sự chú ý của đông đảo nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân Việt Nam đồng tình và ủng hộ cách mạng Trung Quốc.

Ở Quế Lâm, người đã trực tiếp góp phần vào cách mạng Trung Quốc. Những ai gặp Hồ Chí Minh đều có ấn tượng rất sâu sắc: Người làm việc tỉ mỉ và trách nhiệm, sinh hoạt giản dị, chân thật và yêu thương mọi người, có tinh thần hy sinh và tấm lòng của người cộng sản và trở thành tấm gương cho những người cộng sản chúng tôi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm có một nhiệm vụ nặng nề là chuyển mọi khoản quyên góp của đồng bào Hồng Kông và kiều bào ở hải ngoại ủng hộ kháng chiến đến Diên An kịp thời. Hồ Chí Minh đã từng giúp đỡ hết lòng. Khi chúng tôi gặp đồng chí Lý Kim Đức, trước đây là Trưởng phòng Phòng Cơ yếu của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, đồng chí nhớ lại: Với sự giúp đỡ của Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam, các đồng chí ở Văn phòng chúng tôi đi qua Hà Nội và Hải Phòng để mua các vật tư phục vụ kháng chiến chống Nhật. Rất nhiều vật tư Hoa kiều quyên góp đều từ Hà Nội đến Quế Lâm, sau đó chuyển đi Diên An và các nơi khác. Trong số vật tư đó có một chiếc xe ô tô con của Mỹ mà Hoa kiều muốn tặng riêng cho Mao Chủ tịch. Sau này Mao Chủ tịch đã có lần đi chiếc xe ấy để đàm phán với Quốc dân Đảng3.

Ở Quế Lâm, Người thường viết bài cho Cứu vong nhật báovới nội dung phong phú, góp phần nghiên cứu thêm lịch sử quan hệ Trung - Việt. Tháng 11, 12 năm 1940 bọn phản động trong Quốc dân Đảng rất căm ghét tờ Cứu vong nhật báocủa Đảng Cộng sản do đồng chí Hạ Diễn làm Chủ biên. Trước tình hình đó Hồ Chí Minh liên tiếp viết bài cho Cứu vong nhật báo, có lúc Người còn đích thân đưa bài đến cho Hạ Diễn…

Người viết bài này đã tra cứu Cứu vong nhật báo bản lưu trữ ở Quế Lâm tìm thấy 10 bài bình luận đăng trên Cứu vong nhật báo, ký tên Bình Sơn, thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1940 trong mục “Cương ngữ” của báo. Những bài đó là:

- “Ô Ôngtrôicomat” đăng ngày 15/11/1940.

- “Chú ếch và con bò” đăng ngày 24/11/1940.

- “Trò đùa dai của Rudơven và tiên sinh” đăng ngày 27/11/1940.

- “Hai Chính phủ Vécxây” đăng ngày 29/11/1940.

- “Bịa đặt” đăng ngày 02/12/1940.

- “Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc” đăng ngày 04/12/1940.

- “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc” đăng ngày 04/12/1940.

- “Mắt cá giả ngọc trai” đăng ngày 05/12/1940.

- “Ý Đại Lợi thực bất đại lợi” đăng ngày 16/12/1940.

- “Việt Nam phục quốc quân hay mại quốc quân” đăng ngày 18/12/1940.

Những bài báo đó phần lớn xoay quanh đề tài kháng chiến chống phát xít, cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và quan hệ Trung - Việt, được tác giả bình luận, phân tích rất sâu sắc, ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống Nhật, là những trang sáng chói trong lịch sử quan hệ giữa nhân dân hai nước Trung - Việt.

Tại Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm hiện còn lưu giữ một số hiện vật của Hồ Chí Minh là minh chứng lịch sử của năm xưa, nói lên những cống hiến quan trọng của Người cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc.

Năm 1977 chính quyền nhân dân Quảng Tây đã chính thức thành lập Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân. Phần trưng bày có nhiều hiện vật và tư liệu cách mạng, trong đó có ba hiện vật về Hồ Chí Minh: Chiếc khăn bông, Hồ Chí Minh đã dùng lúc Người ở Quế Lâm (hiện vật loại 1 cấp quốc gia, do bà Hạ Chí Hủ tặng); kính đeo mắt gọng mạ vàng, Hồ Chí Minh đã dùng lúc Người ở Quế Lâm (hiện vật loại 2 cấp quốc gia do Ngô Khê Như tặng) và bức thêu Chủ tịch Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh tặng Lý Khắc Long khi Người đi thăm Trung Quốc sau ngày giải phóng (hiện vật loại 3 cấp quốc gia, do Lý Luân tặng).

Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm còn thu thập được nhiều tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh khi Người sống ở Quế Lâm, những hiện vật và tư liệu đó đã có tác dụng giáo dục tích cực đối với thanh, thiếu niên về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh sẽ in sâu mãi mãi trong trái tim của nhân dân Trung Quốc.

Lời kết

Những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm chỉ là một phần trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, xong đã phản ánh chân thực về mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ của nhân dân hai nước Trung - Việt trong sự nghiệp cách mạng chung. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: Mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam thật là: Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình".4

Ngày nay chúng ta tìm hiểu bước đường Người đã đi qua để mọi người đừng quên lịch sử, để tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Việt phát triển bình thường và lành mạnh. Hãy ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mối tình hữu nghị vinh quang muôn đời”.

(Hùng Chính Tác5, trích trong sách Hồ Chí Minh một người Châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000)

55. Hồ Chí Minh một người Châu Á của mọi thời đại

Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong năm 1900... Người sinh ra trong một gia đình nhân sỹ - nông dân ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 19 tháng 5 năm 1890. Ở đây, có thể nói rằng, trong những thập niên tới, nhiều tác phẩm về Bác Hồ sẽ ra đời vì Người là một trong số ít người Châu Á đã để lại dấu ấn của mình ở nơi tôn thờ những người vĩ đại của Châu Á hiện đại. Chắc chắn người ta đã viết nhiều về Người, đặc biệt là về các cuộc đấu tranh chính trị vì tự do, độc lập6. Nhưng còn nhiều điều chúng ta cần phải biết về người Châu Á vĩ đại này của lịch sử từ những cách nhìn khác nhau. Mục đích của bài này là nhằm tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách và tư tưởng, đặc biệt là nhấn mạnh về Người với tư cách là một nhà văn hóa. Viết một điều gì đó về các khía cạnh của sự phát triển văn hóa của Hồ Chí Minh, về thái độ của Người đối với văn hóa và về vị trí của Người trong thế giới văn hóa Châu Á, là một nhiệm vụ khó khăn và là cơ hội để dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình nhằm mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về con người của thế kỷ XX này. Khó mà mô tả được một nhà văn hóa như Hồ Chí Minh nhưng một phần của những tác phẩm, hành động, những nét đặc biệt, những tư tưởng, lời phát biểu và thành quả của Người sẽ minh họa tính quên mình, tính vững chắc của mục đích, tính kiên định trong bảo vệ mục tiêu, sự trung thành đối với nhân dân và tinh thần bất khuất trong cuộc đời của Người, cuộc đời của một nhà cách mạng, của lòng dũng cảm, tinh thần ham hiểu biết, yêu nước, sự thông thái và trên hết là chủ nghĩa nhân bản của Người.

Năm 1909, Người 19 tuổi, là một thanh niên trẻ có nước da sáng, dáng mảnh dẻ và nhẹ nhàng. Người đã quyết định, làm người phụ bếp trên tàu và cuộc sống đó đã đưa Người đến những cảng ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và qua Mỹ và có lẽ cả Nam Mỹ. Ở Huế, Người đã có tiếng là một học sinh có tài, được đào tạo tốt những kiến thức về Việt Nam, về Trung Quốc và tiếng Pháp tại Trường Quốc học danh tiếng. Chính thân phụ người, cụ Nguyễn Sinh Sắc, một người đã đạt học vị Phó bảng đã khuyến khích con trai ông học tiếng Pháp. Người cha nhân sĩ tin rằng tương lai của đất nước sẽ được phụng sự bởi việc mở rộng nền văn hóa.

Chúng ta đã biết Người đã phải phấn đấu như thế nào trong điều kiện khó khăn và túng thiếu khi ở Luân Đôn và Pari.

Nhưng chính là ở Pari tâm hồn của Người được rộng mở. Nhưng nỗi gian truân cay đắng và lạc quan trước đó đã đem lại cho Người một nhận thức rõ rệt về thực tế với tất cả những mâu thuẫn và nghịch lí của nó: Sự rắc rối trong tính đa dạng của nó và sự thấu cảm mạnh mẽ đối với những người cố gắng đương đầu với chúng. Phía trước Người là một sứ mệnh vĩ đại sẽ đưa Người trở thành một nhân vật huyền thoại, kiến trúc sư của nước Việt Nam và một lãnh tụ thực thụ của nhân dân mình.

Ngoài việc tham gia nhiều và tích cực trong hoạt động chính trị với tư cách là một thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, Người đã tìm cách dành thời gian, trong khi ở Pari (1917 - 1923) để làm giàu tri thức với một tinh thần ham học hỏi và đã mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác để đi đến chân trời văn hóa phong phú.

Thế giới tri thức của thế kỷ XX được phong phú hơn bởi Bác Hồ là một phần của thế giới ấy. Người đã có những đóng góp có giá trị lâu dài với những tác phẩm chính trị cùng với loạt bài viết của Người trên các báo Người tự do (La Libertaire), Đời sống công nhân (La Vieouvrière), Người bình dân (Le Populaine) và Nhân đạo (L’ Humainité), Người đã sáng lập và là Biên tập viên cho tờ Người cùng khổ - tờ báo viết về các thuộc đia. Những tác phẩm của Người đề cập rất nhiều vấn đề, như vở kịch “Con rồng tre” nhạo báng triều đình Huế và “Hồi tưởng của một người lưu vong”. Cuốn sách“Bản án chế độ thực dân Pháp” là một sự tiến công đối với những hành động của thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đahômây, Malagaxy và Tây Ấn. Cuốn sách “Đường Kách mệnh” do Người viết đã vạch ra đường hướng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Các bài báo và tác phẩm của Người được đọc rộng rãi ở Việt Nam. Cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người như cuốn kinh thánh của những tri thức trẻ Việt Nam và bút danh Nguyễn Ái Quốc của Người trở nên quen thuộc với mọi nhà.

Người không bao giờ viết những luận văn đồ sộ hoặc bản tự thuật. Người là một trong số ít những nhà lãnh đạo Châu Á mà giai đoạn đầu trong cuộc đời mình được bao phủ bởi những bí ẩn. Trong khi nói chuyện với các nhà báo, Người thường tránh những câu hỏi về quá khứ của Người với những lời đối ứng như “quá khứ của tôi không quan trọng, tôi chỉ quan tâm đến tương lai”, hoặc như “tôi là một người già và tôi muốn giữ những bí mật nhỏ bé của tôi. Hãy đợi cho đến khi tôi chết”.

Thơ là một phần của cuộc đời Người. Các sinh viên văn học rất chịu ơn Người vì tập thơ “Nhật ký trong tù” của Người. Điều đáng ngạc nhiên là Người đã diễn tả những tình cảm, suy nghĩ và mong muốn sâu thẳm nhất của mình không phải bằng chữ Quốc ngữ, là tiếng Việt được Latinh hóa mà bằng tiếng Hán theo truyền thống của Lý Bạch (701 - 762) và Đỗ Phủ (712 - 770) ở thời Đường. Khả năng hiếm có này là cho người ta nhớ lại Giôdép Cônrát, một nhà văn Ba Lan đã trở thành bậc thầy vĩ đại về văn phong và văn xuôi Anh. Màu sắc của quyền tự do con người và ý nghĩa của đạo đức công lý đã thấm đượm trong những dòng thơ của Người. Những vần thơ mang ngụ ý tinh tế, dí dỏm của Người được nâng lên bởi sự hiểu biết sâu sắc của một con người hiện đại.

Tuy nhiên, Kinh C.Chen vẫn cho rằng thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không mang lối nói hay màu sắc cổ điển, ra vẻ mô phạm mà được viết bằng ngôn ngữ bình thường theo kiểu hiện đại. Tất cả các bài thơ đều ngắn, đơn giản - thậm chí Người không được học hành cũng có thể hiểu được một cách trực tiếp, nhưng đầy xúc cảm và chứa đựng nhiều lời nhận xét hoặc châm ngôn về đạo lý.

Từ góc độ đạo lý, chúng ta hiểu điều chủ chốt Người muốn nhắn nhủ:

“Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần cần phải cao.”

Trong các bài tiếp theo, giọng thơ biểu thị tinh thần chịu đựng mạnh mẽ:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công.”

Bài “Đêm thu” của Người gợi nên tính nhạy cảm của người Á Châu  và mang dấu ấn của sự đau khổ và bất công:

“Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,

Muôn tơ vương vấn mộng sầu;

Ở tù năm trọn thân vô tội,

Hoà lệ thành thơ tả nỗi này”.

Tính chiến đấu cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ sau đây, vì rằng thơ ca không phải chỉ là hư ảo và tưởng tượng, mà còn là lương tâm của nhân dân:

“Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu của miền Tây Liễu Châu đã mang lại cho Người nguồn cảm hứng để viết một bài thơ cho bạn bè Người sau thời gian ở tù hơn một năm. Tất cả mọi người đều vô cùng vui mừng khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trả tự do và vẫn còn sống. Lúc đó, ở tuổi năm ba, Hồ Chí Minh đã là một người nổi tiếng trong nước. Bởi sự uyển chuyển và hoàn toàn tinh tế, bài thơ mang hương vị của sự nồng hậu và lãng mạn kiểu Châu Á:

“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;

Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,

Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”.

Vì thế, tuyển tập thơ của Người giống như một công trình bất hủ thể hiện tinh thần bất khuất, nghị lực và tình yêu quê hương mãnh liệt của người bất chấp mọi tai ương, khó khăn.

Rất hiếm nhà lãnh đạo Châu Á đương đại nào lại được trang bị đầy đủ các ngôn ngữ hiện đại như vậy. Trong thời kỳ ở Luân Đôn, Pari và Mátxcơva, Người có thể nói và đọc được ít nhất bảy thứ tiếng. Người nói tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Hiếm có người nào có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ một cách nhanh nhạy và vận dụng nó một cách siêng năng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về điểm này Chester A.Bain nói với chúng ta rằng: Khi học một ngôn ngữ mới, Người học đúng mười từ một ngày, không hơn không kém. Khi dịch thuật, Người định ra một số lượng cố định số trang phải dịch trong mỗi ngày và luôn luôn hoàn thành trước khi đi ngủ...

Trong bản dịch cuốn binh pháp của tôn tử, Người đã dịch với sự chính xác chặt chẽ và cẩn thận, tỉ mỉ, có thể sánh với các bản luận thuyết cổ xưa.

Người có tính cách giống Gandhi, gần như lối tu khổ hạnh của người theo đạo Phật. Xét cá tính riêng của Người về ăn mặc và nhà cửa, Người là con người thích sống giản dị. Người biết thưởng thức các món ăn vì đã từng phục vụ tại nhà hàng Carltôn nổi tiếng dưới sự chỉ đạo của vua bếp Escoffier lừng danh. Tuy vậy, Người vẫn thích các món ăn theo khẩu vị thông thường hoặc của thường dân. Khi đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những nhận xét ý nghĩa của Người là:

Tôi được chọn làm Chủ tịch vì tôi chẳng có gì cả: Không gia đình, không nhà cửa, không của cải và chỉ có một bộ quần áo - đó là bộ tôi đang mặc.

Nếu chòm râu là dấu hiệu ngoại hình của Người thì bộ quần áo vải màu đất, đôi dép làm bằng lốp ô tô theo kiểu khắc khổ, chiếc gậy và chiếc khăn quàng cổ cùng với chiếc máy đánh chữ của Người đã trở thành những biểu tượng của đời sống vật chất mộc mạc của Người.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Người thường mặc bộ quần áo vải nâu giống như quần áo của người nhà quê (tức nông dân) và sống trong một túp lều tranh hầu như trống trơn ngoài chiếc máy đánh chữ của Người. Ruth Fischer có ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh như là biểu hiện thú vị của lòng tốt và sự giản dị. Theo lời của Võ Nguyên Giáp, thì Người là một con người giản dị tuyệt vời.

Joseph Ducroux viết về cuộc gặp của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1951: Tôi hiếm khi được gặp một người sống thanh đạm đến thế và khinh thường mọi xa hoa đến thế…

Tình hữu nghị là niềm an ủi đối với tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói những lời này khi Người tiếp Jean Sainteny và Leon Pignon vào khoảng tháng 3 năm 1946. Người đã xây dựng nhiều tình bạn ấm áp và dài lâu. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người thực sự đã giúp tạo nên mối dây liên hệ sống động giữa biết bao nhân vật lỗi lạc mà người có dịp quen biết, với đất nước yêu dấu của người.

Là một nhà giáo, hiền triết và giảng viên, cái đáng quý ở Người là luôn chủ trương liêm chính, tiết kiệm, cần cù, trung thực, chí công và chống bạo ngược, tư lợi, Philippe Devielers một tác giả có uy tín về lịch sử và văn hóa Việt Nam viết: “Hiển nhiên là người phản đối mọi bạo lực”. Ai cũng đều thấy rõ tình thương yêu Người dành cho những người ngư dân thường ở địa vị yếu đuối thấp hèn và hay làm trung gian hòa giải của Người.

Cuối cùng, cần nói tới quan điểm văn hóa văn nghệ của Người. Người nói: “Văn hóa, thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục... Văn hóa, gắn liền với lao động, sản xuất”.

Tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa, xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức.

Cũng vậy, trong khi nói chuyện với các nghệ sĩ tại triển lãm tranh năm 1951, Người nhấn mạnh: Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, Người khuyên các nghệ sĩ đi sâu vào quần chúng.

Người cũng yêu thích thiên nhiên chẳng kém văn chương nghệ thuật và Người rất thích làm vườn.

Nói tóm lại, nhãn quan văn hóa của người là bao quát và sâu sắc. Người thể hiện quan điểm của mình trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, lúc là người tổ chức, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà viết kịch, nhà thơ, khi là nhà giáo, nhà chiến lược quân sự, lãnh đạo kháng chiến, khi lại là người làm vườn. Di sản Việt Nam và Châu Á phong phú và truyền thống Phương Tây ở Người đã tạo nên tất cả các điều đó. Người là một trong số ít người Châu Á lại thân thuộc với cả Châu Á và phương Tây. Ít người Châu Á nào lại được nhân dân yêu mến như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thực sự là thần tượng của nhân dân mình. Hiếm người Châu Á nào lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc tạo dựng một dân tộc mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cả sự nghiệp của mình, người luôn xuất phát từ tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, vừa bằng những kiến thức uyên bác, kinh nghiệm và tài nghệ của mình, vừa bằng sự tận tâm và liêm khiết, để dành được sự kính trọng và biết ơn của nhân dân.

Khó có thể có được một người Châu Á khác như Người ở thời đại chúng ta cũng như trong các thế hệ mai sau. Người thực sự là một người Châu Á của tất cả các thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.

(Sêraphin, Quysơn7, trích trong cuốn Hội thảo quốc tế Chủ tịch  Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã  hội, Hà Nội, 1995, tr.153-160).

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

 1. Theo Hồi ký của Hà Khải Quân.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.367
3. Theo Hồi ký của Lý Kim Đức.
4. Theo Nhân dân nhật báo ngày 03/7/1961.
5. Di tích Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm.
6. Đây là một phần danh sách những tác giả đã viết về Hồ Chí Minh: Cheste A.Bain, King C.Chen, Chiang Yung Ching, Bernard B.Fall, Hà Huy Giáp, Hoài Thanh, Võ Nguyên Giáp v.v..
7. Nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu lịch sử dân tộc Manila, Philippin.


 56. Về truyện đả kích và thơ trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà văn Liên Xô ở Hà Nội. Cũng như tất cả những ai đã gặp Người, trong những cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi được tiếp xúc với một tâm hồn hết sức phong phú, một con người khiêm tốn, giản dị, làm cho người ta phải ngạc nhiên, thấy những điều phỏng đoán của mình trước khi gặp Người không còn đúng nữa. Chúng tôi được gặp một con người hoạt bát, giàu ước mơ... Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi người, từ người bạn chiến đấu trong Đảng đến nông dân, công nhân. Do vậy, Người hiểu tường tận về họ và công việc của họ, lời Người nói thường đi thẳng vào trái tim họ.

Có lẽ, trong một chừng mực nào đấy, chúng ta cũng đoán được những phẩm chất này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành như thế nào dưới mái tranh đơn sơ, trong một căn nhà với đồ đạc sơ sài ở Làng Kim Liên, cách thành phố Vinh không xa lắm, nơi thân sinh Người đã ở, nơi Người sống thời thơ ấu. Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có học. Kiến thức của ông được xác nhận ở các khoa thi truyền thống hồi bấy giờ là điều kiện tốt để ông có thể làm quan. Nhưng chả nhẽ làm quan cho thực dân ở nước thuộc địa là Việt Nam mình? Ông không muốn. Ông đem kiến thức truyền lại cho con. Ở làng Kim Liên những năm trước đây, chúng ta có thể gặp những cụ già có phong thái giống Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cụ nhớ rõ về người hồi niên thiếu, và có thể dẫn ta đến nơi người đã từng ngồi hàng giờ xem bác thợ rèn làm việc, dẫn ta đến bên một lũy tre, bên một cái giếng trong mát, nơi in trẻ con thôn xóm thường hay tụ tập. Các cụ già đã sống trong những mái tranh ở đấy và con cháu họ cũng như mọi ngày trước, trồng cấy trên những cánh đồng...

Chính mái tranh sơ sài này của những nông dân làm tôi nhớ lại, lần đầu tiên, qua hàng cây râm mát, tôi nhìn thấy căn Nhà sàn người ta dựng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn Nhà sàn ở Hà Nội, trong một khu vườn của Dinh toàn quyền ngày trước, nay là Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam. Tại Phủ Chủ tịch sẽ diễn ra nghi lễ của những cuộc tiếp khách chính thức. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong Nhà sàn. Tại đây, mọi thứ đều bình dị, đơn giản - sự đơn giản đã trở thành phương châm trong cuộc sống của Người. Bất giác, tôi đi chậm lại. Tôi nghĩ đến con đường dài, bắt đầu từ cửa ngõ căn nhà tranh làng Kim Liên, qua bao nhiêu chông gai, ghềnh thác, đến những bậc thang của căn Nhà sàn giản dị, như một sự thách thức trước Dinh Toàn quyền to cao. Con đường ấy đã xuyên qua các đại dương, các lục địa, qua bao nhiêu quốc gia.

Năm 1911, đồng chí Hồ Chí Minh đã đi làm thuê, giúp việc nấu ăn trên một chiếc tàu thuỷ của Pháp, khởi hành từ Sài Gòn, 30 năm sau mới trở lại đất nước thân yêu một cách bất hợp pháp, ở một vùng núi thuộc biên giới phía Bắc. Năm 1942, người lại từ giã Việt Nam, đến năm 1944 trở về, chuẩn bị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa vũ trang.

Chúng ta sẽ không nói lại ở đây tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người đều đã biết. Chỉ xin nhắc lại rằng một cái đích trên cuộc hành trình dài dằng dặc ấy là, trong gió tuyết tháng Giêng Mátxcơva năm 1924, cùng với người dân Liên Xô và những người cộng sản khắp nơi trên thế giới, Người đã đi sau linh cữu Lênin, người thầy bao nhiêu lần Người ước ao được gặp mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đến đất nước chúng ta một lần ấy. Người đã từng học ở Trường Quốc tế Lênin và tham gia công tác của các tổ chức cộng sản. Thấy được những gì đã xảy ra ở nhà nước đầu tiên trên thế giới thật sự là nhà nước của người lao động, để tuyên truyền cho nó, Người viết “Nhật ký chìm tàu”, kể chuyện một người Việt Nam, một người Châu Âu, một người Châu Phi ba người bị đắm tàu, rồi được đưa đến nước Nga xôviết, thấy nền cộng hòa ở đây đã được sinh ra như thế nào sau Cách mạng Tháng Mười. Tác phẩm này đã lưu chuyển bí mật ở Việt Nam...

Sỏi khẽ lạo xạo dưới chân. Căn Nhà sàn bằng gỗ mỗi lúc một gần. Đã thấy dáng một Ông Cụ cúi xuống bên trong cửa sổ. Tiếng đánh máy chữ lách cách chìm vào khu vườn yên tĩnh. Chủ tịch ngẩng lên nhìn thấy chúng tôi, mỉm cười. Người đứng dậy, nhưng chắc chưa đánh xong một câu nào đó, Người lại ngồi xuống một chút, rồi đi ra cửa đón chúng tôi. Chúng tôi để giày dưới chân cầu thang, bước lên Nhà sàn, như vào một căn nhà nào ở nông thôn Việt Nam vậy.

Một chiếc bàn làm việc kê sát tường, cạnh cửa sổ. Phía trên là giá sách. Trên bàn có đặt chiếc máy đánh chữ dùng đã lâu, mấy tờ báo Việt Nam và nước ngoài, trong đó có tờ Sự thật và Tin tức của chúng ta. Tôi cũng thấy trên giá có sách tiếng Nga, hai cuốn Lênin và tập bản đồ thế giới đã cũ được đánh dấu ở mấy trang. Đồng chí Hồ Chí Minh nhìn chúng tôi, nói:

Sách ở đây ít thôi. Đó là thức ăn để tôi làm việc - rồi Người cười, nói thêm - kể ra, sách cũng nhiều, nhưng thỉnh thoảng tôi mới đọc được. Kể cả sách của các nhà văn, Người lại cười.

- Nhưng còn sách do Bác viết nữa chứ ạ? Tôi hỏi.

Người xua tay và nói luôn bằng tiếng Nga:

- Không... tôi chỉ là một nhà văn... bất đắc dĩ!

Mọi người đều cười...

Tôi đã được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những cuộc tiếp khách chính thức ở Phủ Chủ tịch. Tất nhiên, là ở đấy Người cư xử khác. Nhưng hôm nay... Tính hài hước của Người, những lối vui đùa hóm hỉnh và thâm thuý của Người, chắc chắn là Người đã có từ thời trẻ, khi viết những truyện châm biếm, đả kích đầu tiên.

Sau này, chú ý nhìn kỹ những bức ảnh, những chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chụp và vẽ vào những năm 1920, tôi lại thấy sự nghiêm trang, khắc khổ hiện trên khuôn mặt Người; quả thật, lúc bấy giờ Người sống rất chật vật. Còn những gì là tinh anh thì ẩn trong khoé mắt, với đôi môi thường giấu kín một nụ cười.

Bây giờ, ta hãy nói qua về các truyện đả kích. Đây là lần đầu, bạn đọc tiếng Nga làm quen với chúng. Trong những truyện này có nhiều lối đả kích sâu cay. (Ta không nên quên rằng đồng chí Hồ Chí Minh viết những truyện này không phải bằng tiếng mẹ đẻ mà bằng tiếng Pháp). “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” kết hợp cả chất bi và chất hài. Người con gái anh hùng của Việt Nam ngày xưa đã hiện về trước vị vua của triều đình nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng sẽ bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ. (Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý người đọc Châu Âu lúc bấy giờ: Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước Người bị gọi là "Annam" còn người Việt Nam bị gọi là "Anamít"!). Vị anh hùng quở mắng tên bán nước, làm cho hắn phải kinh hoàng trước bóng dáng mình. Tác giả so sánh sự hèn nhát của tên vua (về hắn, Người còn viết vở kịch "Con rồng tre") với Hămlét của Sếchxpia. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu biết về Sếchxpia. Người đã đọc một số tác phẩm của văn hào qua tiếng Anh. Có thể, trong truyện này của Người, có ảnh hưởng đôi chút của Sếchxpia. Song tôi cứ nghĩ, những gì mà truyện đề cập rất gần với tác phẩm Việt Nam.

Hãy lấy một thí dụ, trong bài văn dài của thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820): "Văn chiêu hồn" (tức "Văn tế thập loại chúng sinh") có đầy những bóng dáng, những oan hồn người chết, bằng chứng hùng hồn về những nỗi bất hạnh và sự bất công trong cuộc sống con người. Ngay cả khi ông tả phong cảnh, cái tối tăm, ảm đạm cũng hiện ra bức bối lạ thường. Ở những đầu dòng, ta đã đọc của Nguyễn Du:

Đường bạch dương bóng chiều man mác

Dịp đường lê lác đác sương sa.

Hay:

Trong trường dạ tối tăm trời đất

Xót khôn thiêng phảng phất u minh.

Chính vì vậy, Nguyễn Du được mọi người Việt Nam yêu mến. Tôi nhớ hôm ấy, trong căn Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói: Người thường đọc lại tác phẩm của Nguyễn Du, học ở thi hào tính nhân đạo và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ...

Những tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật này đã được thể hiện một phần trong lời than vãn của bà Trưng Trắc, phản ánh một sự thực lịch sử.

Chúng ta biết, trong những truyện cổ Việt Nam, nhà vua thường là người anh hùng nổi tiếng với những sự tích thần kỳ; đó là một cốt truyện rất phổ biến. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong truyện của Người có thêm chất trào phúng: Người nữ vương có công với nước vẫn là anh hùng dân tộc, còn tên vua bù nhìn thì hiện ra với một thân hình thật là thảm hại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kết hợp chất bi và chất hài trong truyện đả kích khác: "Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu". Tác giả đối lập người chí sĩ đấu tranh cho tự do của Việt Nam là Phan Bội Châu với Varen, một đảng viên Đảng Xã hội, người giữ cương vị cao của Nhà nước, phản bội lại quyền lợi công dân. Việc Varen phản bội không phải hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của sự thỏa hiệp giai cấp cộng với sự phản bội. (Chúng ta chú ý, truyện đả kích này là truyện đầu tiên mà những người dân thuộc địa được đọc). Và cái mẫu người Varen với những người cộng sự đáng khinh của hắn, cùng tất cả những gì thuộc về chúng đã tiêu biểu khá đầy đủ cho một kiểu chính khách thời nay: Ba hoa về sự giải phóng người lao động nói riêng cũng như giải phóng con người nói chung. Chúng là những kẻ đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ, và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy.

Truyện thứ ba - “Vi hành” là một truyện vừa duyên dáng, vừa mỉa mai, chế giễu những cố gắng vô ích, không chỉ của bọn thực dân “biết làm đỏm”, mà cả bọn tư sản hèn hạ đang ở trong vũng bùn làm sa lầy một mẫu quốc “trí thức và văn minh”.

Cũng nên nói thêm, ba truyện này chỉ là một phần nhỏ trong di sản văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bạn đọc tiếng Nga đã làm quen ở những lần in trước.

* * *

Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với văn chính luận của Người. Khi tôi hỏi Chủ tịch rằng, người Việt Nam rất yêu thơ và Chủ tịch thường hay làm thơ chính trị, mà hình thức thơ chính trị phải như thế nào để hấp dẫn người đọc, làm sao để thơ tăng được sức thuyết phục, Người nói:

- Đồng chí nói đúng. Tôi vẫn nghĩ thơ và chính trị không thể tách rời - Người ngưng một chút rồi nói thêm - còn, có phải thơ chính trị là không "cao quý"? Và đó không phải là loại mà người làm thơ có thể viết hay? Có phải nhà thơ không cần làm những bài thơ liên quan đến việc đấu tranh với những cái xấu? Không, không thể thế được. Tôi cho rằng, không nghi ngờ gì cả, cũng như các ngành nghệ thuật khác, thơ phải gắn bó với sự nghiệp cách mạng; đó là điều khẳng định. Và những gì đặt ta chung quanh chuyện này có quan hệ đến nhân cách nhà thơ.

Sau đó, Người lại ngừng một chút, rồi nói: Tự mỗi nhà thơ nên nghiêm khắc, không thể xem thường...

Bây giờ, tôi không dám bàn thêm gì với Chủ tịch. Hôm nay, đọc lại bản in thử quyển sách tiếng Nga chọn lọc một số tác phẩm văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp ra đời, tôi muốn nhắc lại lời nói đầu của Paven Grigôriêvích Antôcônxki, về những bài thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông dịch: "Tôi cảm thấy Người luôn luôn giữ vững quan điểm của mình về việc sáng tạo thi ca". Và tôi nghĩ, ngay từ khi mới giở những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Nga ở đây, bạn đọc cũng đồng tình với Antôcônxki.

Về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nên nói thêm một số điều cần thiết. "Nhật ký trong tù" có trên một trăm bài thơ viết vào những năm 1942 - 1943, hơn một năm Người bị giam ở Trung Quốc trong tình trạng không được xét xử. Người bị buộc tội làm gián điệp, rồi vào nhà tù Quốc dân Đảng. Ngày lại ngày, chúng dẫn Người qua từng chặng, hết huyện này đến phố khác. Nhưng người cộng sản kiên cường vẫn giữ được liên lạc. Tháng cuối cùng ở nhà giam, hằng tuần, Người đều nhắn tin về Pác Bó (một vùng núi thuộc tỉnh Cao Bằng), nơi có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Quân đội đang ở. Đồng chí Hồ Chí Minh viết bằng nước cơm bên lề những tờ báo Trung Quốc gửi về Pác Bó từ Liễu Châu, một thành phố phía Nam, Trung Quốc. Hơ nóng lên, người ta đọc được những bức thư ngắn đôi khi kèm theo những bài thơ bốn câu ta thấy ở cuối tập "Nhật ký trong tù". Năm 1960, Nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội đã in những bài thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành một quyển sách riêng. Những bài thơ này được dịch từ chữ Hán, một loại văn tự cổ Việt Nam dùng trong sách vở ngày trước, một thứ tiếng "Latinh" độc đáo ở Viễn Đông, (trong đó có chép nguyên văn những bài thơ chữ Hán). Về quyển sách này, P.G.Antôcônxki đã nói nhiều trong bản dịch của ông. Năm 1978, báo Nhân Dân lại giới thiệu thêm một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có ở "Nhật ký trong tù"; hai trong số những bài đó chúng tôi sẽ giới thiệu ở đây.

Chúng ta còn thấy điều này nữa: Khá nhiều bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ viết cho thiếu nhi. Đời hoạt động cách mạng của Người đã không cho Người được sống trong một gia đình. Cũng như các bậc nhân từ khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ. Người thường nói vui rằng tất cả thanh thiếu niên Việt Nam đều là con cháu Người. Đó là sự thật. Người luôn lo nghĩ về nhân dân và thiếu nhi miền Nam, làm thơ gửi thiếu nhi trong những dịp tết Trung thu và thường tiếp các cháu. Còn các cháu thì tự gọi mình là "cháu Bác Hồ Chí Minh". Tôi nhớ, có những lần biết tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cháu đã yêu cầu tôi kể chuyện về Bác Hồ.

Về thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết trong "Di chúc" của Người với tình yêu thương và niềm hy vọng...

Trong "Di chúc" Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc rằng Người không thể phục vụ cách mạng được thêm nữa. Chủ tịch biết khi Người mất, gánh nặng còn đè trên vai nhân dân, Đảng mà Người sáng lập... Người không được nhìn thấy thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai bán nước của chúng, không được thấy đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Nhưng trong mỗi thắng lợi của cuộc chiến đấu, cũng như trong mỗi thành tựu lao động của đồng bào mình, Người đã góp phần xứng đáng. Không phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Người không kịp đi thăm các nước anh em, bạn bè và cảm ơn sự giúp đỡ của họ đối với Việt Nam...

(M.TKÁTSỐP1, trích trong cuốn Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn Hà Nội, 1995).

57. Người sẽ còn sống mãi

Những người như vậy không bao giờ chết. Từ trong nỗi đau buồn của chúng ta trước sự từ trần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ tạo ra một nguồn nghị lực mới để có thể thực hiện đúng theo con đường Người đã vạch ra. Nhà cách mạng vĩ đại đó - một trong những nhân vật vĩ đại nhất của mọi thời đại - sẽ sống mãi không những trong lòng chúng ta mà cả trong sự cố gắng của chúng ta đối với việc thực hiện những lời dạy của Người.

Chúng ta hãy học và làm cho các thế hệ mới hiểu rõ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như một thiên anh hùng công an, trong cuộc đời đã diễn ra những giờ phút vĩ đại nhất của lịch sử một dân tộc chiến đấu cho tự do. Và trong cuộc đời của Người đã tập trung được tất cả những phẩm giá cao quý nhất của cao quý nhất của con người, những phẩm gái mà cái xã hội và chế độ đế quốc chủ nghĩa luôn luôn muốn phá hủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo chính trị và là một vị chỉ huy quân sự xuất sắc, trong công tác và về mặt kỷ luật cách mạng thì đó là một con người gang thép, nhưng đồng thời cũng rất thông cảm và dịu hiền vô hạn trong những quan hệ giữa người với người. Chính tấm gương của "con người mới" này - một con người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân - hiện thân cho mọi điều tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là con người của tương lai.

Những kẻ thù xấu xa nhất cũng phải tôn trọng Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người. Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ.

Người ta kể rằng: "Bác Hồ" dậy sớm, sáng nào cũng tập thể dục và tự quét, dọn buồng của mình. Sự giản dị trong cách ăn mặc và cách sống của Người có tính chất thần thoại. Những chi tiết này không mảy may là những chuyện vui, mà nó còn có nhiều ý nghĩa, chẳng khác gì sự hăng hái của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc, ý chí chiến đấu thể hiện trong suốt cả cuộc đời của Người đối với sự nghiệp cách mạng, hoặc là sự sáng suốt của Người khi phân tích tình hình chính trị.

Trong nửa thế kỷ của cuộc đời Người, từ khi còn là một chiến sĩ lưu vong trong những năm 1920 và đến khi trở thành vị lãnh tụ có uy tín to lớn của nhân dân Việt Nam ngày nay, con đường mà Người đã đi là một con đường cách mạng liên tục. Ngay từ những ngày hoạt động chính trị đầu tiên, khi đã thấy rõ giải pháp duy nhất cho các nước thuộc địa là giành lại nền độc lập từ tay bọn thực dân, Người đã hướng tất cả mọi nghị lực của mình vào các mục đích xa xôi đó. Làm thế nào để đạt được mục đích? Bằng phương pháp nào? Đó chính là những điều mà Người và các bạn chiến đấu của Người đã học được trong hành động. Trước hết phải thành lập Đảng và chuẩn bị cuộc đấu tranh vũ trang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt nhân dân Việt Nam trước khi thấy điều mong ước thiết tha nhất của mình được thực hiện là: Nước Việt Nam được thống nhất. Nhưng Người còn sống mãi trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Tư tưởng của Người sẽ vũ trang cho cánh tay của các chiến sĩ để giành lấy những chiến thắng mới to lớn hơn, cho đến khi tên lính ngoại quốc cuối cùng rút khỏi đất nước. Tên tuổi của Người cũng sẽ ghi sâu mãi mãi trong tâm trí chúng ta cũng như tình đoàn kết giữa hai dân tộc chúng ta: Angiêri và Việt Nam sẽ mãi mãi bền vững./.

Xã luận báo Chiến sĩ, cơ quan trung ương của Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri, số ra ngày 05/9/1969.

(Trích trong "Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr. 82-85).

Khánh Linh (tổng hợp)

Hết

Chú thích:

1. Tác giả Nga.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: