Chỉ mục bài viết

 42. Bác Hồ, người xây đắp nền tự do của nhân dân Việt Nam

Được gặp và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây quả là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ Người tỏ ra mình là một con người vĩ đại.

Mặc dù có rất nhiều trọng trách mà Người phải gánh vác, người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi, làm cho bạn cảm thấy thoải mái ngay.

Người nom có vẻ mảnh khảnh, nhưng lại mãnh liệt đến mức khó tưởng tượng nổi, trong sự tận tụy hoàn toàn vì nhân dân và đất nước của Người cũng như với lòng tự hào về hoàn cảnh, nền văn hóa và lịch sử của dân tộc mình.

Nếu cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam được thừa nhận là phong trào dân tộc giải phóng vĩ đại nhất từ trước tới nay thì đồng chí Hồ Chí Minh đã tạo ra phong trào đó. Người đã cổ vũ nhân dân, nhân dân không cảm thấy xa lạ mà lại hoàn toàn yêu mến Người, đối với họ người là Bác Hồ.

Đồng chí Hồ Chí Minh đồng thời còn là một nhà hoạt động quốc tế xuất sắc. Người đã giáo dục nhân dân vốn có lòng yêu nước sâu sắc, thành những người có tinh thần quốc tế.

Lần đầu tiên tôi gặp người ở Hội nghị Mátxcơva năm 1960 chúng tôi đã cùng nhau trải qua một buổi tối sinh động. Lúc đó sự quan tâm lớn nhất của Người là vấn đề thống nhất phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Năm 1965, các đồng chí Bin Alếchxanđơ, Giôn Mahôn và tôi đã gặp lại Người cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội đã bị tàn phá. Người vẫn như xưa, vẫn là Bác Hồ không hề nao núng.

Tất nhiên, cảnh tàn phá ghê gớm do sự xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra có giày vò Người, nhưng Người vẫn giữ một phong thái ung dung vì Người tin chắc ở thắng lợi.

Ngồi vào bàn ăn, Người tỏ ra hoạt bát, rất thông minh và tế nhị, những đồng chí Việt Nam cùng ngồi luôn luôn cười thoải mái trước những câu nói vui của Người.

Người muốn biết mọi điều đang xảy ra trong thế giới tư bản chủ nghĩa và nhìn thấu suốt được tất cả những vấn đề chúng tôi trình bày với Người.

Không một dân tộc nào làm cho tôi cảm xúc như người Việt Nam, tận tụy nhưng không cuồng tín, nhỏ bé nhưng không hề khuất phục, yêu chuộng hòa bình nhưng đã kiên định quyết tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng.

Đồng chí Hồ Chí Minh đã tượng trưng cho tất cả những điều đó. Có lẽ nói như vậy cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng sự đau buồn ở Việt Nam và trên thế giới thực là sâu sắc, bởi vì Người trước hết là thuộc về nhân dân Việt Nam, vì Người là một nhà cách mạng cộng sản vĩ đại, một nhà lý luận vĩ đại, một nhân vật thực sự vĩ đại mà vị trí có một không hai của Người trong lịch sử đã được xác nhận.

Tôi tin rằng những người bạn thân thiết của Người, Đảng của Người, dân tộc vĩ đại và bất khuất của Người sẽ hoàn thành sự nghiệp của Người: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”.

… Trong nửa thế kỷ qua, Người là một chiến sĩ cộng sản. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.

Toàn bộ cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời mà mỗi Người cộng sản phải noi theo.

Người đã thành công trong việc đoàn kết nhân dân đấu tranh giành độc lập, giành lấy chính quyền để có thể vượt qua được tình trạng nghèo nàn và những tai họa xã hội do chế độ thực dân để lại.

Cuộc đời và những hoạt động của Người đã thể hiện lòng tin không thể lay chuyển của Người vào nhân dân, thanh niên và những tai họa xã hội do chế độ thực dân để lại.

Cuộc đời và những hoạt động của Người đã thể hiện lòng tin không thể lay chuyển của Người vào nhân dân, vào những nam, nữ bình thường, những công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên có khả năng vượt qua những trở ngại ghê gớm nhất và giữ vững tinh thần dũng cảm tận tụy đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống lại một nước đế quốc mạnh nhất trên thế giới.

Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người đã làm nên lịch sử hiện đại. Sự lãnh đạo của Người đối với nhân dân Việt Nam không những ảnh hưởng đến lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả chiều hướng phát triển của những sự kiện trên toàn thế giới.

Từ tấm gương của nhân dân Việt Nam, những chiến sĩ đấu tranh cho tự do hiện đang cầm vũ khí chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa thực dân kiểu mới đều nhận thấy rằng bản thân mình cũng có thể giành được thắng lợi.

Hàng triệu người đang đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam đều nhận thấy chủ nghĩa đế quốc là kẻ xâm lược, là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới, điều mà hàng triệu người rất mong muốn.

Những thành quả về kinh tế và xã hội của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mang lại niềm tin tưởng cho những người ở những nước mới giành được độc lập, thấy rằng họ cũng có thể thanh toán những tàn tích của chế độ thực dân bóc lột.

Đối với thanh niên và sinh viên, cuộc sống và tinh thần phục vụ nhân dân của Người sẽ mãi mãi là tấm gương, là nguồn cổ vũ mãnh liệt trong những cuộc thử thách về chính trị đang chờ họ trong tương lai.

Tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của đồng chí Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta, đồng chí là một nhà cách mạng, một người yêu nước, một người giàu lòng nhân đạo, một nhà hoạt động quốc tế tận tụy.

Nhân dân Việt Nam thương tiếc vị lãnh tụ của mình, Người đã sáng lập ra đất nước và phong trào cách mạng của mình.

Nhưng họ sẽ không thương tiếc trong sự thất vọng, mà vui lòng tự hào, với quyết tâm tiếp tục đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ.

Nhân dân Việt Nam sẽ giành được hòa bình, sẽ xây dựng lại đất nước mình, sẽ tạo ra trên đất nước mình một xã hội xã hội chủ nghĩa, dân chủ và chính như vậy họ sẽ xây dựng một đài kỷ niệm sinh động để tưởng nhớ con người vĩ đại nhất của dân tộc mình, đồng chí Hồ Chí Minh.

Chúng ta kính chào vĩnh biệt một người cộng sản vĩ đại. Chúng ta nguyện cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam.

(GIÔN GÔ LAN1, trích bài đăng trên báo Sao mai, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Anh, số ra ngày 05 tháng 9 năm 1969).

43. Giữa Mạc Tư Khoa và Pari: Những lần được gặp Bác Hồ

Lúc ấy là năm 1946 ở Pari. Trong khi đại biểu các nước đồng minh chống Hítle và các nước vừa thoát khỏi ách thống trị của Hítle đang họp Hội nghị Hòa bình ở lâu đài Lúcxămbua thì Phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Pari và được đưa về ở một cách chu đáo tại một tòa nhà đẹp đẽ ở ngoại ô thành phố. Phái đoàn này sẽ đàm phán về việc Pháp phải vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam.

Dư luận chú ý nhiều đến những sứ giả đầu tiên của một dân tộc đã đánh đuổi trước hết là bọn Pháp và sau đó là bọn Nhật ra khỏi đất nước mình. Đất nước này vẫn còn rất xa lạ đối với báo chí mà Hội nghị Hòa bình đã thu hút về Pari. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng trăm nhà báo được thu hút đến cuộc họp báo do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh triệu tập.

Dưới ánh đèn pha của các phóng viên nhiếp ảnh, người ta thấy một người đàn ông nhỏ nhắn, dáng mảnh khảnh, mặc bộ quần áo màu xám bước vào phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu phát biểu với giọng nói nhẹ nhàng bằng thứ tiếng Pháp rất đúng và có thể nói là rất điêu luyện. Chủ tịch trả lời những câu hỏi thường là hiểm hóc với một thái độ hết sức thận trọng, tránh mọi điều gì có thể xúc phạm đến nước Pháp, là một bên đàm phán. Điều đó chẳng có gì là đáng cho người ta phải ngạc nhiên. Phía Việt Nam nghiêm chỉnh và cố tìm cách đoạn tuyệt với Pháp một cách hòa nhã.

Tại Trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa

Lúc ấy, không phải lần đầu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai mươi năm trước đó, tôi đã thường sát cánh với đồng chí Hồ Chí Minh trong công việc chung. Thời ấy, chúng tôi cùng ở Mạc Tư Khoa. Lúc bấy giờ ở đấy có một Trường Đại học Cộng sản dành riêng cho những người lao động Phương Đông, nơi học tập của nhiều thanh niên ở khắp các nước trong thế giới thuộc địa. Một trong những môn giảng dạy ở Trường Đại học này là môn lịch sử phong trào công nhân, trong đó đặc biệt đáng chú ý là lịch sử Quốc tế Cộng sản. Việc giảng dạy được tiến hành bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Nga (đối với các học viên Trung Quốc thì có một trường riêng: Trường Đại học Tôn Dật Tiên). Các giảng viên của các nhóm tiếng khác nhau, thêm vào đó còn có những người phiên dịch sang nhiều tiếng khác nhau của các dân tộc, thường tiến hành những cuộc họp thường kỳ để bàn bạc về công tác và về việc phối hợp chương trình giảng dạy.

Nguyễn Ái Quốc

Lúc ấy tôi ở nhóm tiếng Anh, gồm phần lớn là những người Ấn Độ, nhưng cũng có cả những người da màu ở các thuộc địa Châu Phi và những người Ảrập ở Ai Cập và Palextin trước kia. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc dạy nhóm nói tiếng Pháp, trong đó phần lớn là những người Bắc Phi và những người Đông Dương, như lúc đó người ta thường gọi. Chúng tôi đều biết rằng đồng chí là người sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cách mạng ở Đông Dương và đã từng sống lâu năm ở Pháp. Là giảng viên tương đối nhiều tuổi và có kinh nghiệm nhất nên những ý kiến của đồng chí thường có tác dụng quan trọng trong những buổi họp để bàn bạc công việc. So với các giảng viên khác, đồng chí có ưu thế lớn là hiểu được đất nước của các học viên như đất nước mình vậy. Hơn thế nữa, đồng chí đã từng tích cực tham gia các phong trào công nhân Pháp trong nhiều năm và là đại biểu Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Đại hội mà trong đó đa số đảng viên đảng của Giăng Giôrét2 đã quyết định tham gia Quốc tế Cộng sản.

Đối với những người trẻ tuổi như chúng tôi, khi góp ý kiến về việc gì, không bao giờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc tỏ ra mình là người hơn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn và không bao giờ đồng chí cười chúng tôi về những quan niệm của chúng tôi, thường là ngây thơ đối với thế giới thứ ba. Đồng chí coi chúng tôi như những người cộng tác bình đẳng, cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chung. Và ngày nay, mỗi khi tôi nghĩ rằng con người đó sau này trở nên một nhân vật thần kỳ với cái tên Hồ Chí Minh, đứng đầu cuộc đấu tranh anh hùng rất độc đáo của dân tộc mình thì tôi hiểu rằng cái phong cách đối xử khiêm tốn tự nhiên của đồng chí đối với thanh niên trong phong trào của chúng ta đã có một tác dụng như thế nào.

Thời gian trôi qua bao nhiêu năm rồi. Bỗng giữa năm 1945, tôi nhận được một tin do đài vô tuyến điện không quen biết truyền đi khắp thế giới bằng ký hiệu moócxơ. Đó là việc tin báo về việc Quân giải phóng nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi được bọn Nhật là những kẻ đã chiếm đóng Đông Dương sau khi Pháp bị đánh bại. Đứng đầu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam được giải phóng là Hồ Chí Minh. Ở Mạc Tư Khoa lúc đó không ai biết Hồ Chí Minh là người nào cả và mãi về sau chúng tôi mới rõ rằng đó chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người mà bao lâu nay chúng tôi không được tin tức gì. Từ một giảng viên bề ngoài trông rất bình thường trước kia, đồng chí đã trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại của một nhà nước cộng sản.

(PHƠRÍTXƠ GLAOBAOPHƠ, bài đăng trên báo Tiếng nói nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Áo số ra ngày 19 tháng 9 năm 1969).

44. Bức thư của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948

Số 1453.BK

Thư riêng

Kính gửi Ngài Hồ Chí Minh

Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bạn Lớn thân mến,

Ngài đoán nỗi vui mừng lớn lao mà tôi vừa cảm nhận, khi tiếp được bức thư riêng vô cùng thân ái của Ngài, đề tháng 02 năm 1948, do hai ông Nguyễn Đức Quỳ và Trần Mai3 chuyển tận tay; bức thư đó đã phải qua hơn một ngàn cây số và mất ba tháng trời để tới tôi; đó là dấu hiệu vật chất về tình cảm tốt đẹp của Ngài đối với tôi và đối với gia đình nhỏ bé của tôi.

Cũng như vậy, tôi mong ước rằng bức thư này có thể tới tay Ngài, mang tới Ngài tình bạn trung thành của tôi, cũng như lòng mến phục sâu xa của tôi đối với nhân vật tuyệt diệu và người lãnh đạo siêu việt mà trước mắt những người yêu nước, các chiến sỹ cách mạng, những người xã hội chân chính và những người thuần khiết, Ngài luôn luôn là hiện thân.

Tôi được biết qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhất là qua người bạn thân của tôi là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch4, những chiến công oanh liệt mà quân đội Việt Nam của Người ở miền Bắc đã giáng trả một cách anh hùng và xuất sắc trong mùa Đông năm ngoái cho các lực lượng thực dân Pháp một đòn nặng mà chúng không bao giờ có thể gượng lên nổi.

Ngài cũng biết rõ những khó khăn hiện nay của chúng tôi, cũng như quyết tâm chiến đấu giải phóng nước Lào của chúng tôi, lâu dài đến đâu là tùy theo ý muốn của kẻ thù. Những hy sinh đã, đang và sẽ còn gay go cho các dân tộc khốn khổ của chúng tôi bị bóp nặn và đè nén, chúng tôi biết rõ điều đó nhưng vì hạnh phúc, tương lai lâu dài của dân tộc, bây giờ chúng tôi cần phải chấp nhận các hy sinh đó, bởi vì đây là thời cơ bất ngờ, thời cơ này như lịch sử đã dạy cho chúng ta rõ là chỉ thỉnh thoảng mới trở lại một cách khó khăn. Và tất cả những người yêu nước thuộc thế hệ tôi đều ý thức được rằng họ sinh ra cho sự nghiệp lớn và sẵn sàng hy sinh cuộc sống của họ cho đại nghĩa.

Tôi luôn luôn vững tin rằng dân tộc Việt Nam vĩ đại dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Ngài, sẽ chiến thắng mọi kẻ thù chống lại độc lập và thống nhất đất nước. Tôi cũng không kém tin tưởng rằng sự hợp tác thẳng thắn và trung thành giữa các lực lượng kháng chiến Việt và Lào luôn luôn là bảo đảm duy nhất để cuối cùng chúng ta chiến thắng kẻ thù chung của các dân tộc Đông Dương là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân Pháp.

Tôi sẽ vô cùng biết ơn Ngài, nhờ Ngài nói với các bạn bè thân mến của tôi - những Người cộng sự dũng cảm bên cạnh Ngài, mà Ngài đã vui lòng chuyển tới tôi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của họ - rằng tôi chân thành cảm tạ họ về những lời chúc mừng tốt đẹp đó và để đáp lại tôi xin gửi tới họ tình bạn bền vững không hề suy chuyển.

Vợ tôi rất xúc động trước tình cảm của Ngài và nhờ tôi chuyển tới “vị Cha già của Tổ quốc” mà đối với vợ tôi, Ngài luôn luôn là tượng trưng.

Ba đứa con trai nhỏ tinh nghịch của tôi xin cảm ơn Ngài và gửi những cái hôn nồng thắm tới “Hồ Chí Minh muôn năm” của chúng, như lời bài hát nổi tiếng.

Vô cùng thân ái với Ngài.

Hoàng thân Xuphanuvông
Ngày 17 tháng 5 năm 1948

Số 2959/BK - Tái bút - Tôi muốn bức thư này được gửi tới Ngài nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày sinh của Ngài. Nhưng những hoàn cảnh bất ngờ cùng muôn vàn khó khăn đủ các loại đã ngăn cản không cho thực hiện ý định đó.

Tôi hy vọng rằng, nhà triết học bình thản là Ngài sẽ không trách cứ tôi về sự chậm trễ ngoài ý muốn đó, cũng như về sự tùy tiện của tôi đã phúc đáp lại, qua mấy dòng tái bút sơ sài này, vừa cho tấm danh thiếp đáng yêu của Ngài, vừa cho bức điện tín số 40/AH ngày 21 tháng 8 năm 1948, thông báo cho tôi những tin tức về sức khỏe của ông nhạc tôi. Vợ tôi và tôi kính nhờ Ngài vui lòng chuyển những lời cảm ơn chân thành của chúng tôi tới những người dưới sự quan tâm cao cả của Ngài, đang chăm lo với biết bao tận tụy với gia đình bên vợ của tôi và tới ba đứa con của chúng tôi5.

Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn Ngài về sự quan tâm mà Ngài đã mang lại cho chúng tôi.

Kính chào Ngài, 

Ngày 04 tháng 9 năm 1948

(Theo Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 12 năm 1993).

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:
1. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh.
2. Giăng Giôrét (1859-1914), một trong những người lãnh đạo của Đảng Xã hội Pháp, người sáng lập báo Nhân đạo (hiện nay là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp) và là người sáng lập Đảng Xã hội thống nhất Pháp. Ông bị bọn phản động ám sát trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất.
3. Năm 1948, hai đồng chí Nguyễn Đức Quỳ và Trần Mai được cử đi công tác nước ngoài, trên đường qua Lào đã chuyển bức thư của Bác Hồ cho Hoàng thân Xuphanuvông.
4. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là bạn thân của Hoàng thân Xuphanuvông từ hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
5. Vợ của Hoàng thân Xuphanuvông là người Việt Nam, kết hôn với Hoàng thân trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, bà cùng Hoàng thân sang Lào tham gia kháng chiến, gửi lại ba con cho ông bà nhạc ở Việt Nam. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Hoàng thân, có báo tin hai ông bà nhạc và các con của Hoàng thân vẫn bình an, điều đó làm cho vợ chồng Hoàng thân vô cùng cảm kích về sự quan tâm săn sóc của Hồ Chủ tịch và của các cán bộ địa phương.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: