Chỉ mục bài viết

5. Bác Hồ với các nghệ sỹ Balê

Alixia ALôngô là nữ nghệ sỹ balê bậc thầy, nổi tiếng ở Cuba và trên thế giới. Bà đã từng được tặng giải "Sao vàng" - giải thưởng quốc tế cao nhất dành cho một nghệ sỹ múa và được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Cuba.

Nghệ sỹ Alixia ALôngô đến thăm Việt Nam lần đầu tiên tháng 12 năm 1964. Gần 20 năm sau, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi đó, bà vẫn xúc động về cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch. Bà nói: "Những kỷ niệm của chúng tôi về Việt Nam, về Bác Hồ thật không thể diễn tả bằng lời. Hồi ấy mắt tôi không nhìn rõ, nhưng nghe Người nói, nghe tiếng dép Người đi, tôi hình dung ra tất cả. Đó là một con người vĩ đại và giản dị. Khi tôi đang nói đây, tôi vẫn như nghe thấy tiếng dép của Người và hình dung ra vóc dáng hiền từ của Người. Tôi nhớ mãi buổi sáng ngày 19 tháng 12 năm 1964. Hôm đó, chúng tôi được báo là 6 giờ sáng thì tới gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với một đoàn nghệ thuật balê, thường phải biểu diễn đến tận đêm khuya, bao giờ các diễn viên cũng có thói quen dậy muộn. Nhưng hôm đó mọi người dậy rất sớm, chuẩn bị xong xuôi từ một tiếng đồng hồ trước khi gặp Chủ tịch. Chúng tôi đến nơi, ai cũng xúc động khi nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu mà mình mong gặp và sự xúc động đã khiến không ai nói nên lời. Bác Hồ hiểu điều đó nên đã chủ động hỏi chuyện từng người. Người hỏi: "Trong số các đồng chí, số người nghe được tiếng Anh nhiều hơn hay số người nghe được tiếng Pháp nhiều hơn?". Mọi người giơ tay. Người nhận thấy số người nghe được tiếng Anh nhiều hơn, thế thì Người dùng tiếng Anh để nói chuyện. Người chủ động bố trí cho những ai biết tiếng Anh ngồi cạnh người không biết, để có thể dịch lại cho nhau. Người hỏi thăm kết quả biểu diễn của đoàn và nói chuyện rất thân mật, giản dị. Người kể cho chúng tôi nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Người vừa kể vừa cầm cái gạt tàn thuốc lá, và lấy bàn tay khum lại thành hình lòng chảo, rồi dùng con dao, cái đĩa miêu tả diễn biến của chiến dịch lịch sử này, và nói về ý đồ của địch, chủ trương của cách mạng. Người cầm cái này, sử dụng vật kia, dùng mọi cách diễn đạt để cho những điều phức tạp về chiến lược, chiến thuật của một chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ được diễn tả một cách đơn giản nhất. Trong chúng tôi, ai cũng được nghe hoặc đã được học về Điện Biên Phủ, nhưng thật kỳ lạ khi thấy rằng đối với con người vĩ đại đó thì câu chuyện lại giản dị như vậy.

Đến khi ra chụp ảnh kỷ niệm, đám thanh niên nam nữ ai cũng muốn được đứng gần Người. Họ chen nhau, chạy bên nọ qua bên kia, hồi lâu vẫn chưa ổn định được trật tự. Lúc đó Hồ Chủ tịch đứng ra và nói: "Để Bác sắp xếp cho". Thế là Người gọi cô trẻ nhất trong đoàn đứng cạnh, còn tôi thì Người cho đứng một bên và bảo mọi người lần lượt đứng vào. Thế là chụp được tấm ảnh mà ngày nay chúng tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm quý giá trong đời mình.

Lúc ra về, số thanh niên lại muốn chạy vào bắt tay Người, có anh chị em bắt tay xong còn vòng ra đằng sau xếp hàng lần nữa. Có người bắt tay lần thứ hai, và đến là thứ ba thì Người nhắc: "Thôi chứ, chú đã bắt tay đến lượt thứ ba rồi còn gì". Mọi người cười ồ vui vẻ và ra về với một niềm hân hoan thật hiếm thấy.

(Alixia ALôngô - nữ nghệ sỹ balê nổi tiếng của Cuba,
Bùi Ngọc Hải, Phạm Đình Lợi: Tuần tin tức
 - Thông tấn xã Việt Nam số ra ngày 19-5-1984)

6. Chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo ở Việt Nam bởi một trong những nhân vật quốc tế chủ nghĩa và cách mạng của tất cả các thời đại: Hồ Chí Minh

Thay mặt hàng triệu học sinh đại học Châu Phi, tôi xin gửi những lời chào anh em và đồng chí tới mảnh đất của chủ nghĩa anh hùng - Việt Nam, tới dân tộc Việt Nam bất khuất, tới Đảng Cộng sản Việt Nam được chỉ đạo bằng quan điểm khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, được vận dụng một cách sáng tạo bởi một trong những nhân vật quốc tế chủ nghĩa và cách mạng của tất cả các thời đại: Hồ Chí Minh.

Khoảng một năm trước, tôi đã tranh luận với em trai tôi khi đề cập đến cái tên đáng kính trọng Hồ Chí Minh. Tôi rất kinh ngạc trước hiểu biết của em tôi về con người vĩ đại này. Bởi vậy, tôi hỏi em tôi: Làm sao em biết Người, biết tên Người. Câu trả lời của em tôi đơn giản: Em vừa đọc về Người trong một cuốn sách và có ấn tượng rất lớn về cuộc đời của Người. Đáng ra, tôi không nên ngạc nhiên mới phải vì có đầy đủ lý do khiến em trai tôi ở tận nước Gana xa xôi mà lại biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng cuộc sống tận tụy, bằng hoạt động có nguyên tắc, bằng những sự chỉ giáo cách mạng của Người, tên Hồ Chí Minh hôm nay là cái tên quen thuộc, vang lên khắp mọi nơi trên thế giới, mang hy vọng và niềm tin về tự do cho tất cả các dân tộc bị áp bức và bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và tất cả các thế lực phản động.

Chủ đề của Hội nghị quốc tế quan trọng này "Việt Nam và thế giới" kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự thống nhất tự nhiên mà không thể không nhấn mạnh - sự thống nhất giữa các từ Việt Nam, thế giới và Hồ Chí Minh. Không ai có thể nghĩ về Việt Nam mà không nghĩ đến cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội lừng lẫy thế giới và cũng không ai có thể nghĩ về Việt Nam mà không nghĩ đến vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của Việt Nam. Và sức mạnh, tinh thần gắn bó ba khía cạnh không thể tách rời này của lịch sử loài người chính là thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lênin, nguyên tắc chỉ đạo của giai cấp công nhân và tất cả những chiến sỹ chân chính đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, vì giải phóng dân tộc và xã hội.

Nếu nhân dân Việt Nam tiêu biểu cho tính giản dị, khiêm tốn, chủ nghĩa anh hùng, cho ý chí độc lập không gì lay chuyển nổi, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng cho dân tộc của Người và của thời đại, của tất cả những phẩm chất cao đẹp và quý giá của Việt Nam một cách hoàn hảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chân chính, nhà lý luận lỗi lạc và nhà tổ chức thiên tài. Chính Người đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin tới Đông Dương và hoạt động kiên trì, liên tục để tuyên truyền ấy, để đưa tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

Áp dụng tài tình và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Người chỉ ra rằng, chủ nghĩa Mác không phải là một giáo lý mà là phương hướng để hành động. Một lần nữa Người cũng chứng minh rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng cách mạng duy nhất có thể đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có các phong trào dân tộc khác để lật đổ chủ nghĩa thực dân Pháp - phong trào Cần Vương cuối những năm 1880 và phong trào Văn Thân. Nhưng không phong trào nào có thể thành công, bởi vì thiếu sự chỉ đạo cả tư tưởng cách mạng và khoa học, chủ nghĩa Mác, và bởi vì họ không nắm gốc rễ trong nhân dân.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lôi cuốn được nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng, đã đạp tan chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cống hiến rất vĩ đại vào kho tàng truyền thống cách mạng thế giới về tổ chức, về chiến lược và chiến thuật đấu tranh vũ trang, về việc sử dụng mặt trận thống nhất. Người phát triển gần tới mực hoàn thiện cuộc đấu tranh du kích, việc sử dụng các hình thức đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, công khai và bí mật quy mô lớn và nhỏ. Những kinh nghiệm to lớn này mãi mãi được phong trào cách mạng thế giới quý trọng gìn giữ…

(Anthôni Acactô Ampô, đại diện Hội Liên hiệp học sinh đại học toàn Châu Phi, bài đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 23-5-1980)

7. Từ "Người cùng khổ" đến vị Chủ tịch nước

Những ai đã từng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những giai đoạn trong cuộc đời của Người đều có thể theo dõi con đường đi của nước Việt Nam từ ngày còn còng lưng dưới ách thực dân cho đến ngày trở thành người chủ vận mệnh của mình.

… Chính năm 1917, trong khói lửa của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên tôi gặp những người mà chúng tôi gọi là An Nam, cũng như hàng vạn người khác bị đưa từ nước họ sang làm việc ở xưởng vũ khí Rôan, trong khi một số anh em họ bị đưa ra mặt trận vào hàng ngũ “lính An Nam” và “lính Bắc kỳ”.

Sau đấy, tôi được biết đồng chí Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch tương lại của nước Việt Nam, lúc bấy giờ cũng đang ở Pháp…

Năm 1922, tới dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp. Có người nói với tôi: “Một thanh niên An Nam sẽ nói chuyện với các đồng chí về những nỗi khổ và hy vọng của đất nước đồng chí đó”. Tôi nhớ hình như người ta giới thiệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc với chúng tôi như thế. Đồng chí nói về những nỗi đau khổ của các dân tộc ở Đông Dương được hưởng tự do trong độc lập, rằng thanh niên cộng sản Pháp sẽ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Đông Dương, vì đó cũng là một biện pháp để giải phóng nước Pháp.

Nhìn và nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu, tôi hình dung lại những người An Nam làm việc ở xưởng sản xuất vũ khí Rôan bị bóc lột tàn tệ nhưng lại vô cùng tự hào đến nỗi không ai có thể nói là họ bị nô lệ.

Hai năm sau, năm 1924, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lần này không phải trong mấy phút mà trong nhiều tuần lễ, tại Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội đó, đồng chí đã phê bình một số mặt trong chính sách của Đảng, của đồng chí - Đảng Cộng sản Pháp - lúc đó chưa hoàn toàn thoát khỏi hệ tư tưởng thuộc địa. Đồng chí phê bình một cách không hài lòng nhưng đồng thời cũng không gay gắt. Nguyện vọng duy nhất của đồng chí là phát triển tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Trong nhiều cuộc nói chuyện khác, đồng chí thường đề cập vấn đề này, vấn đề mà đồng chí cho là hàng đầu.

Ba năm trôi qua, năm 1927, là đại biểu của thanh niên cộng sản Pháp trong Ban Thường vụ Thanh niên Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang nằm dưỡng bệnh mấy tuần tại vùng Côcadơ tôi nhận được một danh thiếp của đồng chí yêu cầu tôi đừng quên gửi cho đồng chí báo Nhân đạo và các sách báo khác của Đảng Cộng sản Pháp.

Mấy ngày trước đó, đồng chí đã nói với tôi rằng đồng chí rất vui mừng khi thấy hoạt động của những người cộng sản Pháp chống các cuộc chiến tranh ở Marốc và Xyri, về sự ủng hộ đối với các cuộc đấu tranh của các dân tộc Đông Dương. Đồng chí nói: “Tôi biết phải kinh qua nhiều khó khăn, phải kiên trì cố gắng, nhưng sự tồn tại của một Đảng Cộng sản ở Đông Dương sẽ tạo điều kiện để tổ chức và lãnh đạo đúng đắn cuộc giải phóng dân tộc và xã hội ở Việt Nam”. Và năm 1930, điều đó đã trở thành sự thật.

Đến năm 1946, tại Pari tôi lại gặp đồng chí, lúc này đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội đã nhân danh dân tộc mình tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam.

Người sáng lập tờ Người cùng khổ, tờ báo Pháp đầu tiên nói tới những người bị chủ nghĩa thực dân đàn áp, đã trở thành Chủ tịch nước…

Khốn thay, bọn thực dân Pháp không muốn để Việt Nam sống tự do trong hòa bình, và cuộc "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" bắt đầu.

Chính năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam ở Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Một buổi tối, đồng chí mời tôi tới dự bữa tiệc chiêu đãi vị đứng đầu một nước Châu Phi mới giải phóng, đồng chí nói: “Đồng chí hãy ngồi với chúng tôi vì đồng chí đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp, là những người luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Năm 1964, tôi sang Hà Nội để bày tỏ ý định của Đảng Cộng sản Pháp hành động chống đế quốc Mỹ đã thay đế quốc Pháp. Một buổi sáng, tôi cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trụ sở bỏ phiếu. Ở sân trụ sở, có hàng trăm người, phần lớn là phụ nữ. Khoác tay tôi, đồng chí quay về phía mọi người và nói: “Tôi xin giới thiệu với đồng bào một người Pháp nhưng là một người bạn thân, một người anh em. Đồng chí là đại diện của nước Pháp lao động và biết suy nghĩ, của nước Pháp đứng bên cạnh những người đang đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Tuần lễ mới đây tôi lại được gặp người đồng chí, người bạn thân thiết Hồ Chí Minh của tôi lần cuối cùng. Đồng chí không thể nói chuyện với tôi được nữa, song nghe đọc lời Di chúc của Người, ở từng câu, từng chữ, tôi cảm thấy Người còn sống, Người rất gần chúng ta!

Trước đó mấy giờ, trong khi nghẹn ngào ôm hôn nhau, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nói với đồng chí Lêô Phighe và tôi: “Cho đến tận những giây phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch còn nói với chúng tôi về những mối quan hệ hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai Đảng chúng ta. Người căn dặn chúng tôi phải chú ý bảo vệ mối quan hệ đó và chúng tôi sẽ thực hiện lời dặn của Người!”.

Đồng chí luôn luôn là bạn thân của những người cộng sản Pháp, đồng chí sẽ là tấm gương sáng đối với những người cộng sản Pháp. Là những người đã từng biết đồng chí từ ngày đồng chí còn là chiến sĩ bí mật, là những người mà tâm hồn luôn luôn ở bên cạnh đồng chí trong những năm gian khổ, khó khăn và lại được gặp đồng chí là Chủ tịch nước - đất nước mà đồng chí đã cùng với Đảng của đồng chí và dân tộc của đồng chí dựng lên - chúng tôi có thể chứng minh rằng lòng dũng cảm và ý chí bất khuất của đồng chí trong đấu tranh thật là vô địch.

Đối với mỗi người Việt Nam, đồng chí là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất. Đồng chí cũng là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất của chúng tôi, của những người anh em của đồng chí, của các cháu của đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp.

(Phrăngxoa Biu, Nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản Pháp, trích bài đăng trên tuần báo nước Pháp mới, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 17-9-1969).

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: