Thứ sáu, 29/03/2024

Chỉ mục bài viết

 10. Bác Hồ cũng như Môi Dơ1

Dù người ta thân mật gọi là Bác Hồ và kính cẩn gọi Cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì con người vừa mới qua đời vẫn là một trong những người đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trong thế kỷ chúng ta ngày nay. Dù ta có tìm xem ở Cụ, phần cộng sản hay phần quốc gia phần nào nhiều hơn, hoặc cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia đều ngang nhau ở Cụ, thì trong cương vị một nhà hoạt động chính trị và người đứng đầu nhà nước, Cụ vẫn là “nhà cách mạng chuyên nghiệp” trước hết đã đánh đuổi Pháp khỏi đất nước Cụ và sau đó lại không một chút nao núng đương đầu với lực lượng quân sự hùng mạnh nhất của thời đại ngày nay là đế quốc Mỹ...

Trong tuần vừa qua, trên báo chí và các làn sóng điện Pháp, đã vang lên một bản hòa tấu gồm những lời ca ngợi hầu như hoàn toàn nhất trí. Chỉ trừ có thái độ lố bịch của Gioocgiơ Biđôn là tỏ vẻ hằn học bực tức, còn thì tất cả các lãnh tụ chính trị đều ca ngợi đức tính của Cụ như: Trí thông minh, thái độ lịch thiệp, tài khéo léo, chí kiên quyết và không khoan nhượng, lòng thủy chung không gì lay chuyển nổi đối với lý tưởng mà Cụ hằng ôm ấp từ thời niên thiếu. Người ta tưởng hầu như quên hẳn Bác Hồ đã mở một đột phá đầu tiên vào các “đế quốc thực dân của chúng ta” và là bàn tay đắc lực nhất trong việc làm cho diện tích nước Pháp thu hẹp lại chỉ còn cái bình sáu cạnh...

… Những bước đầu học tập của Cụ là ở trên đất nước chúng ta, nơi mà giới cách mạng còn giữ mãi hình ảnh Cụ hồi đó là một chàng thanh niên Đông Dương, dáng mảnh khảnh và khiêm tốn, đã từng đến Đại hội Tua năm 1920 nhắc nhở các đảng viên Đảng Xã hội Pháp, ngay trước ngày phân liệt của Đảng này rằng: Một dân tộc đi đàn áp một dân tộc khác thì không thể có tự do...

Tiểu sử của cụ Hồ Chí Minh cho ta thấy khi trong tâm hồn và trái tim đã chứa đựng một ý chí kiên quyết, một tư tưởng mãnh liệt, một mục tiêu làm nức lòng người, thì không có thử thách nào mà người ta không dám chịu đựng. Mọi cố gắng cũng như mọi tư tưởng của người ta đều hướng về một mục đích, và đối với của Hồ Chí Minh, mục đích đó là nền độc lập của đất nước, là việc thiết lập một chế độ nhân dân nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột và suy đồi cho chế độ thực dân nuôi dưỡng. Để hoàn thành nhiệm vụ mà Người tự đặt ra cho mình, Hồ Chí Minh đã làm hầu như đủ mọi nghề. Nhà Nho uyên thâm đó, xuất thân từ một gia đình quan lại, đã làm phụ bếp trên một chiếc tàu thủy để được đi khắp thế giới. Cụ đã làm phu quét đường ở Luân Đôn, làm thợ ảnh ở Pa-ri. Người đã trải qua cảnh lao tù và sống những ngày gian nan, nguy hiểm của thời kỳ bí mật. Sinh nhai bằng những nghề tầm thường, Cụ đã quen với lối sống thanh đạm. Nếp sống thanh đạm đến mức khắc khổ này kết hợp với phong cách nhà hiền triết Phương Đông, đã tạo nên một thiên thần thoại chung quanh Bác Hồ và khiến Cụ trở thành một nhà tiên tri của Châu Á, báo hiệu công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức sẽ thành công. Vinh quang đến tột đỉnh, nhưng con người Cụ vẫn như trước kia, nghĩa là vẫn ghét xa hoa hào nhoáng, vẫn giản dị về ăn mặc cũng như trong tác phong sinh hoạt. Để cho các em học sinh vuốt râu mình lúc Cụ đến thăm trường, hoặc khi Cụ đi đôi dép bằng lốp cao su, thì đều không có chút gì là mị dân hoặc giả tạo cả.

Với Cụ, muốn đánh thắng chủ nghĩa thực dân thì phải hợp lực với những người lao động và dân chủ Pháp. Sự có mặt của Cụ ở Đại hội Tua là một tượng trưng. Người muốn rằng chính bản thân nhân dân Pháp sẽ giúp đỡ Cụ trong cuộc chiến đấu “chống kẻ thù chung”. Điều đó đã được thực hiện trong cuộc chiến tranh với Pháp. Tuy cuộc chiến tranh với Mỹ rõ ràng là khó hơn, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Thế rồi Cụ Hồ Chí Minh qua đời trước khi được nhìn thấy nền hòa bình mà Cụ biết bao mong ước. Cụ cũng giống như Môi Dơ đứng trước ngưỡng cửa “đất hứa hẹn”2 mà chưa kịp bước chân vào. Nhưng chiến thắng về tinh thần, chiến thắng của ý chí và lòng dũng cảm thì Cụ đã giành được.

 (Phrăngxoa Phôngviây Anri3, Trích bài đăng trên tuần báo Bằng chứng Thiên chúa giáo, số ra 11/9)

11. Đối với riêng tôi, Người cũng là đồng chí

Hồi đầu tháng 9 năm 1969, tôi đáp máy bay đi Hà Nội dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng và là lãnh tụ kính yêu đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam.

Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Người không chỉ thuộc về Việt Nam, mà là cả Đông Dương, cả Châu Á và có thể là cả thế giới, vì Người luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như các quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Riêng đối với tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến, và tôi cũng đã luôn ước mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhưng các bạn Việt Nam lại nói, Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi. Tôi đã đáp lại: “Thì chính đây là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước ngài nếu xảy ra rủi ro đối với ngài vì những trận ném bom của Mỹ”. Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch nữa.

Lúc máy bay cất cánh, tôi nghĩ thật là đau đớn biết bao, chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại là để dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này tôi mới được biết, lúc máy bay vừa cất cánh thì Si-rik Ma-tak đã vội triệu tập ngay đồng bọn trong đó có Lon Nol, ở ngay tại sân bay, để nhận định rằng đây là thời cơ tốt, thừa dịp lúc tôi đi vắng để phế truất tôi. Si-rik Ma-tak nói rằng nếu tiến hành ngay thì tôi sẽ không dám trở về Campuchia nữa. Nhưng Lon Nol là người rất mê tín, dị đoan, vợ lại vừa mới chết chưa hết tang, nên chưa dám khởi sự vì sợ xúi quẩy. Lon Nol đề nghị chờ một dịp khác, mặc dù khi tôi bay đi Hà Nội, CIA đã cam kết với Lon Nol là Mỹ sẽ ủng hộ cuộc đảo chính, chỉ cần Lon Nol và Si-rik Ma-tak quyết định các chi tiết hành động cụ thể và ngày giờ tiến hành. Nhưng sau đó Lon Nol cũng phải đi Pháp chữa bệnh. Vì vậy, mãi đến 18 tháng 3 năm 1970, cuộc đảo chính mới được tiến hành khi tôi sang Pháp điều trị bệnh.

Trong buổi tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi lại sực nhớ đến một trong những câu nói mà tôi cho rằng không có gì đúng hơn. Đó là câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình thường, tôi là một quý tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không cùng một thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới 30 tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn đất nước được độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đường cách mạng gay go ác liệt còn tôi một con người trẻ tuổi lại rất sợ chảy máu. Nhưng cuối cùng, chính Cụ đã dạy chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho phép các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do, đó là con đường đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định.

Lý do tôi từ chối khuất phục Mỹ xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu theo Mỹ, có nghĩa là tôi phải từ bỏ đường lối trung lập của Campuchia. Thứ hai, quả là tôi cũng như đại đa số nhân dân Campuchia, thật sự có thiện cảm với những vị lãnh đạo kháng chiến Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống sự xâm lược của Mỹ. Càng được tiếp xúc với những người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi càng đánh giá cao lòng yêu nước, tinh thần hy sinh phấn đấu và những tính cách nhân văn nhân bản của họ. Chính vì những lẽ đó, tôi đã chỉ thị tổ chức ba ngày theo nghi lễ Quốc tang truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay trong Hoàng cung, tại chính điện, nơi đặt ngai vàng. Một trăm vị sư sãi đã đọc kinh cầu nguyện trước sự tập hợp của tất cả các quan chức cao cấp trong khi ban nhạc cử bài “Chiêu hồn”.

Kinh nghiệm của các bạn Việt Nam đã cho tôi biết, con đường đi tới thắng lợi là lâu dài và khúc khuỷu, nhưng tôi cũng nghĩ rằng chính kinh nghiệm cũng như thắng lợi của các bạn Việt Nam sẽ làm cho bước đường đấu tranh vũ trang của Campuchia bớt gay go hơn.

Ngày 23/3/1970, tức năm ngày sau khi Lon Nol tiến hành đảo chính, Đài Phát thanh Bắc Kinh đã chuyển đi bản tuyên bố kháng chiến của tôi, trong đó tôi kiên quyết đòi giải tán chế độ bất hợp pháp, bất hợp hiến của Lon Nol và kêu gọi thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi và một quân đội giải phóng nhằm giải phóng cho Campuchia khỏi ách thống trị của Lon Nol, Si-rik Ma-tak, Cheng Heng, đồng thời cũng giải thoát cho Campuchia khỏi quan thầy đế quốc Mỹ.

Ngày 24 tháng 3, tôi lại nói trên Đài Phát thanh Bắc Kinh, kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy rút vào hoạt động bí mật hoặc chạy lên bưng biền chờ đón vũ khí và các huấn luyện viên quân sự sẽ được đưa tới, còn những người ở ngoài nước hãy nhanh chóng liên lạc với tôi tại Bắc Kinh. Trong thời gian từ 26 đến 30 tháng 3, qua những nguồn tin nước ngoài tôi được biết hàng trăm đồng bào tay không vũ khí, hăng hái đi biểu tình chống Lon Nol đã bị đàn áp rất dữ dội, nhiều người bị chết. Ngày 4 tháng 4, tôi lại một lần nữa lên tiếng trên Đài Phát thanh Bắc Kinh kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, bắt liên lạc với các lực lượng kháng chiến đã được thành lập tại vùng rừng núi.

Tôi không muốn ca ngợi quá lời các bạn Việt Nam cũng như không muốn tự khen đã được các bạn Việt Nam coi là đồng minh chiến đấu. Một hôm, tôi đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng: “Đề nghị bạn hứa với tôi một câu. Đó là, sau này toàn thắng cho tôi biết tại sao các bạn vẫn cứ vận chuyển được vũ khí quân nhu suốt dọc Trường Sơn mặc dù Mỹ trút xuống đây hàng ngàn tấn bom đạn kèm theo tất cả các kĩ thuật thám báo và hàng rào điện tử. Nhưng xin đừng nói ngay lúc này vì tôi ngại do vô ý sẽ tiết lộ bí mật của các bạn”. Phạm Văn Đồng cười rất vui và hẹn sẽ có ngày đưa tôi đi qua đường Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.

Đúng là những người Việt Nam đã đạt được những huyền thoại thần kỳ rất đáng kinh ngạc trong tinh thần dũng cảm và tận tụy mà Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài và nhà chiến lược gia quân sự nổi tiếng. Tôi đã có dịp nói chuyện lâu với tướng Giáp đúng thời điểm quân đội chế độ Sài Gòn đang tiến đánh Nam Lào hồi tháng 2 năm 1971. Suốt cả buổi chiều chúng tôi cùng nhau điểm lại tình hình Campuchia rồi lại cùng nhau ngồi ăn cơm tối. Sau bữa cơm, tôi càng ngạc nhiên hơn thấy tướng Giáp vẫn giữ tôi lại, mời uống cà phê và nghe nhạc, có vẻ như chẳng cần để ý gì đến thời gian. Cuối cùng, tôi đành phải nói:

- Thưa Tướng quân, tôi quả là người có lỗi, làm mất quá nhiều thời giờ của Ngài. Tôi không thể nào hiểu nổi giữa lúc bên Lào chiến sự đang diễn ra rất ác liệt vậy mà Ngài vẫn dành thời gian tiếp đãi tôi lâu như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nở nụ cười nhẹ nhàng đượm đôi chút hóm hỉnh rồi trả lời tôi:

- Ồ! Chiến dịch này đã được chuẩn bị chu đáo rồi. Các đồng chí Pa-thét Lào của chúng ta đã hoàn toàn có đủ mọi thứ cần thiết. Tôi không có gì phải lo tính nữa. Sáng nay, tôi nghe Đài Phát thanh, thấy Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quân đội ngụy Sài Gòn sẽ ở lại Lào đến giữa tháng sáu nhưng tôi cho rằng chỉ đến cuối tháng ba là chậm nhất chúng sẽ phải rút hết khỏi Lào!

Quả nhiên, đến 23 tháng 3 năm 1971, đơn vị cuối cùng của Thiệu đã phải chạy hết khỏi Lào.

(Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc4, theo Báo Văn nghệ, số 39, 28 9/2002)

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Một nhân vật truyền thuyết trong Kinh Cựu ước, người đã có công trong việc lãnh đạo dân tộc Do Thái đấu tranh để thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Ai Cập thời cổ.

2. Trong Kinh thánh, chỉ đất Sanaang (Palextin) phì nhiêu mà Thượng đế hứa cho người Do Thái. Chính Môidơ sau khi giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Ai Cập, đã đưa họ đến ngưỡng cửa của đất này, nhưng Môidơ kiệt sức và chết trên núi Xinai, điểm cao nhìn xuống Sanaang.

3. Nhà báo Pháp.

4. Cựu Quốc vương Campuchia.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: