56. Về truyện đả kích và thơ trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đã nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà văn Liên Xô ở Hà Nội. Cũng như tất cả những ai đã gặp Người, trong những cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi được tiếp xúc với một tâm hồn hết sức phong phú, một con người khiêm tốn, giản dị, làm cho người ta phải ngạc nhiên, thấy những điều phỏng đoán của mình trước khi gặp Người không còn đúng nữa. Chúng tôi được gặp một con người hoạt bát, giàu ước mơ... Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi người, từ người bạn chiến đấu trong Đảng đến nông dân, công nhân. Do vậy, Người hiểu tường tận về họ và công việc của họ, lời Người nói thường đi thẳng vào trái tim họ.
Có lẽ, trong một chừng mực nào đấy, chúng ta cũng đoán được những phẩm chất này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành như thế nào dưới mái tranh đơn sơ, trong một căn nhà với đồ đạc sơ sài ở Làng Kim Liên, cách thành phố Vinh không xa lắm, nơi thân sinh Người đã ở, nơi Người sống thời thơ ấu. Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có học. Kiến thức của ông được xác nhận ở các khoa thi truyền thống hồi bấy giờ là điều kiện tốt để ông có thể làm quan. Nhưng chả nhẽ làm quan cho thực dân ở nước thuộc địa là Việt Nam mình? Ông không muốn. Ông đem kiến thức truyền lại cho con. Ở làng Kim Liên những năm trước đây, chúng ta có thể gặp những cụ già có phong thái giống Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cụ nhớ rõ về người hồi niên thiếu, và có thể dẫn ta đến nơi người đã từng ngồi hàng giờ xem bác thợ rèn làm việc, dẫn ta đến bên một lũy tre, bên một cái giếng trong mát, nơi in trẻ con thôn xóm thường hay tụ tập. Các cụ già đã sống trong những mái tranh ở đấy và con cháu họ cũng như mọi ngày trước, trồng cấy trên những cánh đồng...
Chính mái tranh sơ sài này của những nông dân làm tôi nhớ lại, lần đầu tiên, qua hàng cây râm mát, tôi nhìn thấy căn Nhà sàn người ta dựng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn Nhà sàn ở Hà Nội, trong một khu vườn của Dinh toàn quyền ngày trước, nay là Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam. Tại Phủ Chủ tịch sẽ diễn ra nghi lễ của những cuộc tiếp khách chính thức. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong Nhà sàn. Tại đây, mọi thứ đều bình dị, đơn giản - sự đơn giản đã trở thành phương châm trong cuộc sống của Người. Bất giác, tôi đi chậm lại. Tôi nghĩ đến con đường dài, bắt đầu từ cửa ngõ căn nhà tranh làng Kim Liên, qua bao nhiêu chông gai, ghềnh thác, đến những bậc thang của căn Nhà sàn giản dị, như một sự thách thức trước Dinh Toàn quyền to cao. Con đường ấy đã xuyên qua các đại dương, các lục địa, qua bao nhiêu quốc gia.
Năm 1911, đồng chí Hồ Chí Minh đã đi làm thuê, giúp việc nấu ăn trên một chiếc tàu thuỷ của Pháp, khởi hành từ Sài Gòn, 30 năm sau mới trở lại đất nước thân yêu một cách bất hợp pháp, ở một vùng núi thuộc biên giới phía Bắc. Năm 1942, người lại từ giã Việt Nam, đến năm 1944 trở về, chuẩn bị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa vũ trang.
Chúng ta sẽ không nói lại ở đây tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người đều đã biết. Chỉ xin nhắc lại rằng một cái đích trên cuộc hành trình dài dằng dặc ấy là, trong gió tuyết tháng Giêng Mátxcơva năm 1924, cùng với người dân Liên Xô và những người cộng sản khắp nơi trên thế giới, Người đã đi sau linh cữu Lênin, người thầy bao nhiêu lần Người ước ao được gặp mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đến đất nước chúng ta một lần ấy. Người đã từng học ở Trường Quốc tế Lênin và tham gia công tác của các tổ chức cộng sản. Thấy được những gì đã xảy ra ở nhà nước đầu tiên trên thế giới thật sự là nhà nước của người lao động, để tuyên truyền cho nó, Người viết “Nhật ký chìm tàu”, kể chuyện một người Việt Nam, một người Châu Âu, một người Châu Phi ba người bị đắm tàu, rồi được đưa đến nước Nga xôviết, thấy nền cộng hòa ở đây đã được sinh ra như thế nào sau Cách mạng Tháng Mười. Tác phẩm này đã lưu chuyển bí mật ở Việt Nam...
Sỏi khẽ lạo xạo dưới chân. Căn Nhà sàn bằng gỗ mỗi lúc một gần. Đã thấy dáng một Ông Cụ cúi xuống bên trong cửa sổ. Tiếng đánh máy chữ lách cách chìm vào khu vườn yên tĩnh. Chủ tịch ngẩng lên nhìn thấy chúng tôi, mỉm cười. Người đứng dậy, nhưng chắc chưa đánh xong một câu nào đó, Người lại ngồi xuống một chút, rồi đi ra cửa đón chúng tôi. Chúng tôi để giày dưới chân cầu thang, bước lên Nhà sàn, như vào một căn nhà nào ở nông thôn Việt Nam vậy.
Một chiếc bàn làm việc kê sát tường, cạnh cửa sổ. Phía trên là giá sách. Trên bàn có đặt chiếc máy đánh chữ dùng đã lâu, mấy tờ báo Việt Nam và nước ngoài, trong đó có tờ Sự thật và Tin tức của chúng ta. Tôi cũng thấy trên giá có sách tiếng Nga, hai cuốn Lênin và tập bản đồ thế giới đã cũ được đánh dấu ở mấy trang. Đồng chí Hồ Chí Minh nhìn chúng tôi, nói:
Sách ở đây ít thôi. Đó là thức ăn để tôi làm việc - rồi Người cười, nói thêm - kể ra, sách cũng nhiều, nhưng thỉnh thoảng tôi mới đọc được. Kể cả sách của các nhà văn, Người lại cười.
- Nhưng còn sách do Bác viết nữa chứ ạ? Tôi hỏi.
Người xua tay và nói luôn bằng tiếng Nga:
- Không... tôi chỉ là một nhà văn... bất đắc dĩ!
Mọi người đều cười...
Tôi đã được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những cuộc tiếp khách chính thức ở Phủ Chủ tịch. Tất nhiên, là ở đấy Người cư xử khác. Nhưng hôm nay... Tính hài hước của Người, những lối vui đùa hóm hỉnh và thâm thuý của Người, chắc chắn là Người đã có từ thời trẻ, khi viết những truyện châm biếm, đả kích đầu tiên.
Sau này, chú ý nhìn kỹ những bức ảnh, những chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chụp và vẽ vào những năm 1920, tôi lại thấy sự nghiêm trang, khắc khổ hiện trên khuôn mặt Người; quả thật, lúc bấy giờ Người sống rất chật vật. Còn những gì là tinh anh thì ẩn trong khoé mắt, với đôi môi thường giấu kín một nụ cười.
Bây giờ, ta hãy nói qua về các truyện đả kích. Đây là lần đầu, bạn đọc tiếng Nga làm quen với chúng. Trong những truyện này có nhiều lối đả kích sâu cay. (Ta không nên quên rằng đồng chí Hồ Chí Minh viết những truyện này không phải bằng tiếng mẹ đẻ mà bằng tiếng Pháp). “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” kết hợp cả chất bi và chất hài. Người con gái anh hùng của Việt Nam ngày xưa đã hiện về trước vị vua của triều đình nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng sẽ bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ. (Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý người đọc Châu Âu lúc bấy giờ: Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước Người bị gọi là "Annam" còn người Việt Nam bị gọi là "Anamít"!). Vị anh hùng quở mắng tên bán nước, làm cho hắn phải kinh hoàng trước bóng dáng mình. Tác giả so sánh sự hèn nhát của tên vua (về hắn, Người còn viết vở kịch "Con rồng tre") với Hămlét của Sếchxpia. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu biết về Sếchxpia. Người đã đọc một số tác phẩm của văn hào qua tiếng Anh. Có thể, trong truyện này của Người, có ảnh hưởng đôi chút của Sếchxpia. Song tôi cứ nghĩ, những gì mà truyện đề cập rất gần với tác phẩm Việt Nam.
Hãy lấy một thí dụ, trong bài văn dài của thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820): "Văn chiêu hồn" (tức "Văn tế thập loại chúng sinh") có đầy những bóng dáng, những oan hồn người chết, bằng chứng hùng hồn về những nỗi bất hạnh và sự bất công trong cuộc sống con người. Ngay cả khi ông tả phong cảnh, cái tối tăm, ảm đạm cũng hiện ra bức bối lạ thường. Ở những đầu dòng, ta đã đọc của Nguyễn Du:
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dịp đường lê lác đác sương sa.
Hay:
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh.
Chính vì vậy, Nguyễn Du được mọi người Việt Nam yêu mến. Tôi nhớ hôm ấy, trong căn Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói: Người thường đọc lại tác phẩm của Nguyễn Du, học ở thi hào tính nhân đạo và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ...
Những tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật này đã được thể hiện một phần trong lời than vãn của bà Trưng Trắc, phản ánh một sự thực lịch sử.
Chúng ta biết, trong những truyện cổ Việt Nam, nhà vua thường là người anh hùng nổi tiếng với những sự tích thần kỳ; đó là một cốt truyện rất phổ biến. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong truyện của Người có thêm chất trào phúng: Người nữ vương có công với nước vẫn là anh hùng dân tộc, còn tên vua bù nhìn thì hiện ra với một thân hình thật là thảm hại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kết hợp chất bi và chất hài trong truyện đả kích khác: "Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu". Tác giả đối lập người chí sĩ đấu tranh cho tự do của Việt Nam là Phan Bội Châu với Varen, một đảng viên Đảng Xã hội, người giữ cương vị cao của Nhà nước, phản bội lại quyền lợi công dân. Việc Varen phản bội không phải hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của sự thỏa hiệp giai cấp cộng với sự phản bội. (Chúng ta chú ý, truyện đả kích này là truyện đầu tiên mà những người dân thuộc địa được đọc). Và cái mẫu người Varen với những người cộng sự đáng khinh của hắn, cùng tất cả những gì thuộc về chúng đã tiêu biểu khá đầy đủ cho một kiểu chính khách thời nay: Ba hoa về sự giải phóng người lao động nói riêng cũng như giải phóng con người nói chung. Chúng là những kẻ đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ, và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy.
Truyện thứ ba - “Vi hành” là một truyện vừa duyên dáng, vừa mỉa mai, chế giễu những cố gắng vô ích, không chỉ của bọn thực dân “biết làm đỏm”, mà cả bọn tư sản hèn hạ đang ở trong vũng bùn làm sa lầy một mẫu quốc “trí thức và văn minh”.
Cũng nên nói thêm, ba truyện này chỉ là một phần nhỏ trong di sản văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bạn đọc tiếng Nga đã làm quen ở những lần in trước.
* * *
Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với văn chính luận của Người. Khi tôi hỏi Chủ tịch rằng, người Việt Nam rất yêu thơ và Chủ tịch thường hay làm thơ chính trị, mà hình thức thơ chính trị phải như thế nào để hấp dẫn người đọc, làm sao để thơ tăng được sức thuyết phục, Người nói:
- Đồng chí nói đúng. Tôi vẫn nghĩ thơ và chính trị không thể tách rời - Người ngưng một chút rồi nói thêm - còn, có phải thơ chính trị là không "cao quý"? Và đó không phải là loại mà người làm thơ có thể viết hay? Có phải nhà thơ không cần làm những bài thơ liên quan đến việc đấu tranh với những cái xấu? Không, không thể thế được. Tôi cho rằng, không nghi ngờ gì cả, cũng như các ngành nghệ thuật khác, thơ phải gắn bó với sự nghiệp cách mạng; đó là điều khẳng định. Và những gì đặt ta chung quanh chuyện này có quan hệ đến nhân cách nhà thơ.
Sau đó, Người lại ngừng một chút, rồi nói: Tự mỗi nhà thơ nên nghiêm khắc, không thể xem thường...
Bây giờ, tôi không dám bàn thêm gì với Chủ tịch. Hôm nay, đọc lại bản in thử quyển sách tiếng Nga chọn lọc một số tác phẩm văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp ra đời, tôi muốn nhắc lại lời nói đầu của Paven Grigôriêvích Antôcônxki, về những bài thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông dịch: "Tôi cảm thấy Người luôn luôn giữ vững quan điểm của mình về việc sáng tạo thi ca". Và tôi nghĩ, ngay từ khi mới giở những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Nga ở đây, bạn đọc cũng đồng tình với Antôcônxki.
Về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nên nói thêm một số điều cần thiết. "Nhật ký trong tù" có trên một trăm bài thơ viết vào những năm 1942 - 1943, hơn một năm Người bị giam ở Trung Quốc trong tình trạng không được xét xử. Người bị buộc tội làm gián điệp, rồi vào nhà tù Quốc dân Đảng. Ngày lại ngày, chúng dẫn Người qua từng chặng, hết huyện này đến phố khác. Nhưng người cộng sản kiên cường vẫn giữ được liên lạc. Tháng cuối cùng ở nhà giam, hằng tuần, Người đều nhắn tin về Pác Bó (một vùng núi thuộc tỉnh Cao Bằng), nơi có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Quân đội đang ở. Đồng chí Hồ Chí Minh viết bằng nước cơm bên lề những tờ báo Trung Quốc gửi về Pác Bó từ Liễu Châu, một thành phố phía Nam, Trung Quốc. Hơ nóng lên, người ta đọc được những bức thư ngắn đôi khi kèm theo những bài thơ bốn câu ta thấy ở cuối tập "Nhật ký trong tù". Năm 1960, Nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội đã in những bài thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành một quyển sách riêng. Những bài thơ này được dịch từ chữ Hán, một loại văn tự cổ Việt Nam dùng trong sách vở ngày trước, một thứ tiếng "Latinh" độc đáo ở Viễn Đông, (trong đó có chép nguyên văn những bài thơ chữ Hán). Về quyển sách này, P.G.Antôcônxki đã nói nhiều trong bản dịch của ông. Năm 1978, báo Nhân Dân lại giới thiệu thêm một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có ở "Nhật ký trong tù"; hai trong số những bài đó chúng tôi sẽ giới thiệu ở đây.
Chúng ta còn thấy điều này nữa: Khá nhiều bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ viết cho thiếu nhi. Đời hoạt động cách mạng của Người đã không cho Người được sống trong một gia đình. Cũng như các bậc nhân từ khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ. Người thường nói vui rằng tất cả thanh thiếu niên Việt Nam đều là con cháu Người. Đó là sự thật. Người luôn lo nghĩ về nhân dân và thiếu nhi miền Nam, làm thơ gửi thiếu nhi trong những dịp tết Trung thu và thường tiếp các cháu. Còn các cháu thì tự gọi mình là "cháu Bác Hồ Chí Minh". Tôi nhớ, có những lần biết tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cháu đã yêu cầu tôi kể chuyện về Bác Hồ.
Về thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết trong "Di chúc" của Người với tình yêu thương và niềm hy vọng...
Trong "Di chúc" Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc rằng Người không thể phục vụ cách mạng được thêm nữa. Chủ tịch biết khi Người mất, gánh nặng còn đè trên vai nhân dân, Đảng mà Người sáng lập... Người không được nhìn thấy thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai bán nước của chúng, không được thấy đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Nhưng trong mỗi thắng lợi của cuộc chiến đấu, cũng như trong mỗi thành tựu lao động của đồng bào mình, Người đã góp phần xứng đáng. Không phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Người không kịp đi thăm các nước anh em, bạn bè và cảm ơn sự giúp đỡ của họ đối với Việt Nam...
(M.TKÁTSỐP1, trích trong cuốn Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn Hà Nội, 1995).
57. Người sẽ còn sống mãi
Những người như vậy không bao giờ chết. Từ trong nỗi đau buồn của chúng ta trước sự từ trần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ tạo ra một nguồn nghị lực mới để có thể thực hiện đúng theo con đường Người đã vạch ra. Nhà cách mạng vĩ đại đó - một trong những nhân vật vĩ đại nhất của mọi thời đại - sẽ sống mãi không những trong lòng chúng ta mà cả trong sự cố gắng của chúng ta đối với việc thực hiện những lời dạy của Người.
Chúng ta hãy học và làm cho các thế hệ mới hiểu rõ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như một thiên anh hùng công an, trong cuộc đời đã diễn ra những giờ phút vĩ đại nhất của lịch sử một dân tộc chiến đấu cho tự do. Và trong cuộc đời của Người đã tập trung được tất cả những phẩm giá cao quý nhất của cao quý nhất của con người, những phẩm gái mà cái xã hội và chế độ đế quốc chủ nghĩa luôn luôn muốn phá hủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo chính trị và là một vị chỉ huy quân sự xuất sắc, trong công tác và về mặt kỷ luật cách mạng thì đó là một con người gang thép, nhưng đồng thời cũng rất thông cảm và dịu hiền vô hạn trong những quan hệ giữa người với người. Chính tấm gương của "con người mới" này - một con người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân - hiện thân cho mọi điều tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là con người của tương lai.
Những kẻ thù xấu xa nhất cũng phải tôn trọng Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người. Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ.
Người ta kể rằng: "Bác Hồ" dậy sớm, sáng nào cũng tập thể dục và tự quét, dọn buồng của mình. Sự giản dị trong cách ăn mặc và cách sống của Người có tính chất thần thoại. Những chi tiết này không mảy may là những chuyện vui, mà nó còn có nhiều ý nghĩa, chẳng khác gì sự hăng hái của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc, ý chí chiến đấu thể hiện trong suốt cả cuộc đời của Người đối với sự nghiệp cách mạng, hoặc là sự sáng suốt của Người khi phân tích tình hình chính trị.
Trong nửa thế kỷ của cuộc đời Người, từ khi còn là một chiến sĩ lưu vong trong những năm 1920 và đến khi trở thành vị lãnh tụ có uy tín to lớn của nhân dân Việt Nam ngày nay, con đường mà Người đã đi là một con đường cách mạng liên tục. Ngay từ những ngày hoạt động chính trị đầu tiên, khi đã thấy rõ giải pháp duy nhất cho các nước thuộc địa là giành lại nền độc lập từ tay bọn thực dân, Người đã hướng tất cả mọi nghị lực của mình vào các mục đích xa xôi đó. Làm thế nào để đạt được mục đích? Bằng phương pháp nào? Đó chính là những điều mà Người và các bạn chiến đấu của Người đã học được trong hành động. Trước hết phải thành lập Đảng và chuẩn bị cuộc đấu tranh vũ trang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt nhân dân Việt Nam trước khi thấy điều mong ước thiết tha nhất của mình được thực hiện là: Nước Việt Nam được thống nhất. Nhưng Người còn sống mãi trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Tư tưởng của Người sẽ vũ trang cho cánh tay của các chiến sĩ để giành lấy những chiến thắng mới to lớn hơn, cho đến khi tên lính ngoại quốc cuối cùng rút khỏi đất nước. Tên tuổi của Người cũng sẽ ghi sâu mãi mãi trong tâm trí chúng ta cũng như tình đoàn kết giữa hai dân tộc chúng ta: Angiêri và Việt Nam sẽ mãi mãi bền vững./.
Xã luận báo Chiến sĩ, cơ quan trung ương của Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri, số ra ngày 05/9/1969.
(Trích trong "Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr. 82-85).
Khánh Linh (tổng hợp)
Hết
Chú thích:
1. Tác giả Nga.