Chỉ mục bài viết

 40. Người bạn tốt của các dân tộc thuộc địa

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Chính phủ Pháp ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân thuộc địa và đẩy họ đi làm bia đỡ đạn trên chiến trường Châu Âu. Những người dân thuộc địa đi lính cho Pháp hồi đó bị đưa đi đánh quân Đức và phải chịu nhiều nỗi khổ cực. Chiến tranh kết thúc, nhân dân các thuộc địa Pháp được giác ngộ hơn và nhiều phong trào chống thực dân Pháp đã diễn ra khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó những người dân thuộc địa cư trú ở Pháp đã tập hợp lại và tổ chức ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Hội này thu hút những người Mađagátxca, Đahômây, Xênêgan Ghinê, Ăngtin, Guyaơlúp, Máctiních, Haiti, Angiêri, Đông Dương…

 Và tôi đã gặp anh Nguyễn Ái Quốc trong buổi thành lập Hội đó. Đây là vào năm 1922 ở Pari. Tôi nhớ rõ lần đầu tiên quen biết anh trong buổi họp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tôi thấy anh là người gầy gò, mảnh khảnh với một giọng nói nhỏ nhẹ, anh tự giới thiệu là người Việt Nam, làm nghề thợ ảnh đã đến ở Pari trước tôi 3 năm, hiện ngụ ở ngõ Côngpoanh. Anh nói tiếng Pháp hoàn hảo và tiếp xúc với anh tôi thấy ngay đó là một người đáng mến.

Chủ sở Hội của chúng tôi hồi đó ở số nhà 3 phố Mácsêđê. Đấy là một cửa hàng nhỏ bé, cũ kỹ, có hai gian, một gian nhìn ra phố và một gian ở phía sau. Hội viên của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa hội họp ở trong nhà đó. Tất cả có khoảng 100 hội viên. Đứng đầu Hội là ông Monnécvin, người đảo Ăngtin, giữ chức Tổng Thư ký Hội, về sau tôi gánh trách nhiệm đó một thời gian. Tôi là người Guyađơlúp. Hội không tổ chức thành nhóm, tổ hay chi bộ mà chỉ có hội họp chung. Đi vào trụ sở Hội người ta qua cửa ngách bên cạnh cửa hàng. Nhưng mỗi lần có cuộc họp bao giờ chúng tôi cũng thấy cảnh sát đứng canh gác ở phía ngoài cửa trụ sở của chúng tôi và bọn mật thám Pháp đứng điểm mặt. Chúng tôi hoạt động như thế cũng không phải dễ dàng và luôn luôn có sự uy hiếp.

Tôi gặp anh Nguyễn luôn trong các buổi họp của Hội. Có khi họp ở trụ sở Hội, có khi chúng tôi tổ chức mít tinh ở phòng họp của Hội để phổ biến kiến thức và phòng họp của Nhà Công đoàn ở phố Ôguýt Blăngki. Anh Nguyễn đi họp và đi dự các buổi mítting của Hội rất đều. Anh nghèo nhưng ăn mặc chỉnh tề. Hoạt động với anh tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Anh có lòng tin mãnh liệt ở thắng lợi cuối cùng và anh cho rằng muốn giải phóng dân tộc phải làm cách mạng, không có con đường nào khác. Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh. Một lần nghe tin thực dân Pháp khủng bố tàn sát nhân dân ở Đahômây thì anh căm phẫn, xúc động, đau đớn như chính việc đó xảy ra đối với nhân dân Việt Nam của anh. Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung. Anh đã trở thành bạn thân và tin cậy của tôi.

Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa sống bằng tiền đóng góp của hội viên. Mỗi hội viên đóng cho Hội mỗi tháng ba phrăng Pháp, ngoài ra có những người hảo tâm ủng hộ tiền cho Hội. Một hôm chúng tôi, trong đó có anh Nguyễn Ái Quốc, nảy ra ý kiến nên ra một tờ báo của Hội. Một sáng kiến táo bạo nhưng cũng đẻ ra nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Sau khi chúng tôi quyết định cứ ra báo. Chúng tôi thảo luận, đặt cho báo một cái tên: Người cùng khổ. Đây là bước phát triển mới của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

Chúng tôi phải thu xếp rất nhiều việc để ra được tờ báo. Tôi lúc đó là nghề trạng sư Pari, tôi hiểu pháp luật nhà nước Pháp, cho nên anh em cử tôi làm giấy tờ xin phép ra báo. Tôi phải đến tòa án và các bàn giấy của Pháp để làm mọi thủ tục cần thiết và cuối cùng thì xin được phép ra báo Người cùng khổ. Hội không có nhiều tiền để ra báo. Chúng tôi giao ước với nhau khi nào có tiền thì ra báo, cứ đủ tiền thì ra, có khi nửa tháng một kỳ có khi một tháng một kỳ, không nhất thiết phải ra đều kỳ. Nghĩa là báo chúng tôi không có ngân sách riêng. Chúng tôi tìm được chỗ in báo. Đấy là một nhà in tư nhỏ bé ở phố Croátxăng. Và sung sướng biết bao, tờ báo của chúng tôi đã ra đời. Đây là một tờ báo khổ to, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, tên báo bằng chữ Arab đặt bên trái và bên phải là tên báo bằng chữ Hán do anh Nguyễn Ái Quốc viết. Giá báo là 25 xu một số. Địa chỉ lúc đầu của báo là nhà số 16 đường Giắc Canlô, sau đổi về số nhà 3 phố Mácsêđê Patriácsơ, nơi đóng trụ sở của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

Cách làm việc của Tòa soạn báo Người cùng khổ rất tập thể. Chúng tôi không có Ban Biên tập làm việc thường xuyên vì mọi người chúng tôi đều phải sinh sống hàng ngày hoặc bận hoạt động nhiều việc khác. Mỗi kỳ ra báo, mỗi người đem bài viết của mình đến. Chúng tôi họp nhau lại, đọc chung, sửa chung rồi bàn nội dung cho số sau. Sau khi đã chọn bài một cách tập thể, chúng tôi phân công người chịu trách nhiệm sắp xếp lại và lo lắng việc xuất bản, đem bài đi nhà in chẳng hạn. Nhiều lần anh Nguyễn Ái Quốc được cử phụ trách chữa bài vở và xuất bản nhiều số báo. Anh tốt và có tinh thần tương trợ, cho nên có những lần đến lượt chúng tôi phải đi trông nom việc ra báo, nhưng thấy chúng tôi bận việc hoặc mắc chuyện gia đình, anh Nguyễn đã xung phong đi làm thay cho chúng tôi. Đấy là một người bạn tốt, nhẹ nhàng, đáng mến, lo xa, yêu thương đồng đội, chịu khó giúp đỡ người khác.

Báo Người cùng khổ xuất bản từ năm 1922 đến năm 1924, tất cả được 38 số. Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh viết khỏe, có số viết tới hai, ba bài. Toàn bộ những bài báo của anh là bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Lời văn của anh sắc bén, tư tưởng rõ ràng và mạnh mẽ: Đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở nhiều số, không những anh viết bài mà anh còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân. Tất cả những bài và tranh ký tên anh Nguyễn Ái Quốc trên báo Người cùng khổ mang một màu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh.

Dạo ấy, anh Nguyễn là người không có gia đình. Còn tôi thì đã có gia đình. Tôi lúc đó có bàn giấy trạng sư ở số nhà 10b phố Po Roayan Pari và cả gia đình tôi ở đây. Anh Nguyễn thường lại chơi, thăm gia đình tôi. Chúng tôi coi anh như người thân trong nhà và nhiều lần giữ anh lại ăn cơm. Anh giản dị, tự nhiên, vui tính. Anh hỏi vợ tôi: Bà chị của tôi. Anh gọi con gái tôi Êlian là cháu. Anh ăn uống ít và tôi có cảm tưởng là một người không đòi hỏi gì nhiều trong sinh hoạt. Một hôm anh đưa đến nhà tặng gia đình tôi một cái chiêng bằng đồng đường kính chừng 50 cm và một lư hương cũng bằng đồng. Những vật kỷ niệm quý giá đó tôi để ở nhà. Nhưng năm 1927 tôi về Goađơlúp, 13 năm sau mới trở sang Pari thì những vật đó đã mất. Tôi rất tiếc. Cả nhà tôi hết sức quý mến anh Nguyễn. Duy có điều chúng tôi không bao giờ thấy anh nói chuyện về gia đình, làng mạc, quê hương của anh. Chúng tôi cũng chẳng hỏi vì biết anh là một người hoạt động cách mạng, đời sống luôn luôn bị uy hiếp, có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Bỗng một hôm vào năm 1923, anh Nguyễn đến nhà chúng tôi và nói bằng một giọng lưu luyến:

- Hôm nay tôi đến chào anh chị. Tôi sẽ đi xa một thời gian mà không có dịp được gặp anh chị nữa. Xin chào anh chị và cháu ở lại mạnh khỏe và anh cho tôi gửi lời chào các đồng chí trong Hội Liên hiệp.

 Chúng tôi sửng sốt, bùi ngùi vì sắp phải xa một người thân. Lúc anh Nguyễn sắp sửa ra về con gái Êlian của tôi lúc đó lên 10 tuổi, chạy ra níu lấy chân anh Nguyễn hỏi:

- Chú Nguyễn! Chú Nguyễn! Chú sắp đi xa đấy à? Chú bỏ đi đấy à?

Tôi thấy anh Nguyễn tươi cười xoa đầu Êlian và nói:

- Sao cháu biết? Thật đúng là ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ. Chú đi rồi chú trở lại.

 Anh Nguyễn không nói cho chúng tôi biết anh đi đâu, nhưng chúng tôi hiểu đấy là do công tác cách mạng của anh cần giữ bí mật. Ngay lúc đó tôi đoán có lẽ anh đi Mátxcơva.

Bẵng đi nhiều năm tôi không có tin về anh Nguyễn. Cho đến năm 1927 tôi không ngờ được gặp lại anh ở Đại hội chống đế quốc họp ở Brúcxen, Thủ đô Bỉ. Chúng tôi mừng rỡ hết sức. Hai chúng tôi kể cho nhau nghe cuộc đời mấy năm qua của nhau. Đại hội chống đế quốc lúc đó họp trong lâu đài Étmông. Chính phủ Bỉ ra điều kiện cho Đại hội là có thể bàn các vấn đề nhưng không được bàn nhiêu về tình hình nước Côngô, thuộc địa của Bỉ. Phiên họp đầu tiên đặt dưới sự chủ tọa của nhà văn Hăngri Báctuýt, tác giả cuốn tiểu thuyết “Lửa”. Đại biểu các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh ngồi chật phòng họp. Người dự đông lắm cho nên tôi và anh Nguyễn không có điều kiện gặp nhau luôn trong Đại hội, nhất là chúng tôi lại bận việc ở tiểu ban. Tôi làm việc ở tiểu ban “Châu Phi da đen” còn anh Nguyễn thì làm việc “tiểu ban Châu Á”.

Tôi nhớ trong những phiên họp ở Hội trường, anh Nguyễn có lên diễn đàn đọc tham luận lên án chủ nghĩa thực dân. Chúng tôi lại chia tay nhau sau Đại hội, mỗi người đi một ngả.

Cho đến năm 1945, sau chiến tranh thế giới thứ hai, một hôm xem báo và xem phim ở Pari tôi thấy ảnh và tiểu sử vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhận ra ngay người bạn cũ của tôi và reo lên: “Chính đây là anh Nguyễn Ái Quốc!”. Chỉ khác là anh có thêm một chòm râu.

Mùa Hè năm 1946, tôi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp. Được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khách sạn Roayan Môngxô, tôi viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chào và hỏi thăm, mong được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nếu được thì đó là một điều vô cùng sung sướng đối với tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời ngay và mời tôi đến chơi ở khách sạn Roayan Môngxô. Hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một chiếc xe hơi đến tận nhà riêng tôi ở số nhà 51, phố Clốt Bécna, quận 5 ở Pari để đón tôi đưa đến khách sạn Roayan Môngxô. Người đến đón tôi cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến nhà tôi được vì có những sự phiền phức về ngoại giao và để tránh sự theo dõi của cảnh sát và mật thám Pháp.

Tôi vừa tới khách sạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạy ra ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm động và nghẹn ngào gặp lại người bạn cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn như xưa, giản dị, dịu dàng, vui tính, tuy có già đi ít nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh kể chuyện cho tôi nghe và nói cho tôi biết Người đến Pháp để làm gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tôi:

- Anh biết tôi. Anh hiểu tư tưởng tôi. Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi.

 Khi tôi xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh để ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo tôi:

- Ngày trước, khi tôi đến chơi nhà anh, “bà chị của tôi” cho tôi ăn bánh ngọt. Tôi không có bánh ngọt nhưng tôi có ít hoa quả gửi anh để nhờ anh đưa về biếu chị và cháu.

Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi người đưa đến cam, táo đặt trong một cái làn và trao tay cho tôi. Mấy hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tôi đến dự một buổi chiêu đãi ở vườn Bagaten trong rừng Bulônhơ và một buổi chiêu đãi khác ở Viện Bảo tàng Nhân chủng học trên Quảng trường Trôcađêrô. Tôi đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiêu đãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của tôi. Tôi sung sướng đứng nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi lại nhanh nhẹn dưới các quan chức, các nhân vật chính trị, các trí thức có tên tuổi của Pari. Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng tạo ra nền độc lập của nhân dân Việt Nam, là người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thành công hết sức vẻ vang. Tôi sung sướng vì thấy Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã dẫn đầu trong số những nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh giành lại chính quyền cho nhân dân mình.

Quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc còn thanh niên, tôi luôn luôn giữ trong lòng một cảm tưởng sâu sắc, một hình ảnh không bao giờ phai nhạt: Đó là một đồng chí rất tốt, rất trung hậu, rất dũng cảm với một lý tưởng đấu tranh vô cùng cao quý và đẹp đẽ.

(MẮC CLANHVIN BLÔNGCUA1, trích trong cuốn Bác Hồ ở Pháp, Nbx. Văn học, Hà Nội 1970, trang 48-56).

41. Ở thời đại này rất ít có nhân vật chính trị nào lại hết sức gần gũi nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với người Việt Nam mùa Xuân này là mùa Xuân của hòa bình, mùa Xuân của giải phóng, những niềm vui ấy có đượm một chút đau buồn bởi lẽ Bác Hồ không thể tham gia lễ mừng thắng lợi. Tuy vậy, con người ấy, con người đã từ biệt nhân dân Việt Nam sáng ngày 03 tháng 9 năm 19692 vẫn có mặt dưới nhiều hình thức: Sài Gòn bây giờ được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh; 55 ngày long trời lở đất, chấm dứt cuộc chiến đấu 30 năm được đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và đó là biểu hiện về lòng biết ơn của hàng triệu người Việt Nam. Ở thời địa này rất ít có một nhân vật chính trị nào lại hết sức gần gũi với nhân dân của mình như nhà hoạt động chính trị sinh ra ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ấy.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến hoàn cảnh sống cho con người hơn là đến những chính trị giáo điều.

Ở Người, một tác phong rất quán triệt là sự giản dị, giản dị từ bên ngoài, đôi dép, nếp sống cho đến chương trình làm việc, Người rất ghét những gì giả dối, nặng nề, hình thức. Người chủ trương giáo dục con người. Làm thế nào để giáo dục cả một dân tộc có ý thức và nghị lực đứng lên chống lại quân thù. Người có tài biến những sự việc phức tạp trở nên giản đơn, dễ hiểu. Người còn là một nhà thương lượng phi thường.

(PHÔNXƠ IXCAXƠN3, trích bài đăng trên báo Tin hàng ngày (Thụy Điển) số ra ngày 17/9/1975)

42. Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay

Người ta nhận thấy bản chất khoa học của học thuyết Mác - Lênin thông qua mục đích của học thuyết này. Mục đích đó là cung cấp một phương pháp tìm kiếm những giải pháp đúng đắn nhằm biến các tiềm năng của quá trình lịch sử thành hiện thực. Về mặt này sử dụng những kinh nghiệm thực tế của mình, Hồ Chí Minh đã đặt tư tưởng lý luận của Người trên cơ sở di sản của Lênin trong việc tìm kiếm một cách sáng tạo con đường cụ thể cho việc giải quyết các vấn đề quốc tế và các vấn đề dân tộc.

Để phân tích tỉ mỉ những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, việc đề cập ngắn gọn đến quá khứ của Người là một cách làm thích hợp. Hồ Chí Minh, người sáng lập phong trào cộng sản ở Việt Nam, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhân sĩ yêu nước gốc nông dân tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Từ khi còn nhỏ Hồ Chí Minh đã chứng kiến với sự lo lắng sâu sắc nỗi khổ đau của quần chúng bị chà đạp dưới ách thực dân Pháp. Vào thời trẻ của Người, Việt Nam chứng kiến sự phát triển của cuộc đấu tranh chống Pháp dưới hình thức các phong trào khác nhau. Ảnh hưởng từ nguồn gốc gia đình cùng với truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của nhân dân đã giúp Người trưởng thành, trở thành một người yêu nước kiên định.

Năm 1911, làm phụ bếp trên một tàu buôn của Pháp, Hồ Chí Minh đã tới một số thành phố ở Châu Á, Châu Phi và điều đó đã cho phép Người được chứng kiến nỗi bất công của ách thống trị thực dân. Năm 1913, tại Luân Đôn, Người đã tham gia một tổ chức cách mạng gọi là Hiệp hội những công nhân hải ngoại. Năm 1914, Người tới Mỹ nơi Người đã thu thập được những thực tế để viết một bài báo bóc trần tính chất lắt léo và mâu thuẫn của nền dân chủ và văn minh tư sản. Sống ở Pari, Người đã đưa ra với những cường quốc tham dự Hội nghị hòa bình Véc-xây bản yêu sách về quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Khi ở Pháp Người đã có một vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy sự nghiệp của Việt Nam. Người đã tham gia một cách tích cực các câu lạc bộ cấp tiến của giai cấp công nhân và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Hồ Chí Minh đã thể hiện nhiệt tình yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của Người với việc tổ chức những người cấp tiến từ các thuộc địa của Pháp trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Là một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết, Hồ Chí Minh thể hiện tài năng tổ chức và tuyên truyền của Người. Dưới sự chỉ đạo của chính Người, Hội Liên hiệp thuộc địa đã thường xuyên có các cuộc họp và xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), một phương tiện để đề cập các vấn đề thực dân và lên án chủ nghĩa đế quốc.

Những hoạt động đầy tính chiến đấu và quan điểm khoa học của Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo Quốc tế Cộng sản tại Mát-xờ-cơ-va, họ coi Người là một nhà cách mạng có những hứa hẹn đặc biệt.

Mùa Hè 1923, Người được triệu tập đến Mát-xờ-cơ-va để làm việc tại trụ sở của Quốc tế Cộng sản. Người là một trong những thành viên sáng lập Quốc tế Nông dân và đã tham gia Đại hội V của Quốc tế Cộng sản tại Mát-xờ-cơ-va năm 1924. Để bảo đảm việc thực hiện chiến lược Quốc tế Cộng sản ở Châu Á, Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa sâu sắc việc thành lập phong trào cách mạng Mác xít ở Việt Nam.

Vào năm 1925, làm việc ở Trung Hoa, Người đã tham gia vào việc thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng. Năm 1930, tại Hồng Kông, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với một sự áp dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào phong trào cách mạng Việt Nam. Do những cố gắng bền bỉ của Người, cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam đã được tăng cường.

Những sự kiện tiếp theo đã chứng minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã tràn tới và thâm nhập vào xã hội Việt Nam nhờ những cố gắng của Hồ Chí Minh. Các điều giảng dạy và chỉ thị cách mạng của Người, trong đó có tính đến các mặt thực tiễn của xã hội Việt Nam, đã đặt cơ sở cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của các nhà lý luận mácxít -Lêninnít là làm phong phú thêm nội dung hoạt động của giai cấp công nhân thế giới, các phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc. Việc vạch ra và hoàn thiện những kế hoạch phát triển của xã hội sẽ bảo đảm theo cách nhìn nhận lịch sử, dẫn tới việc tiếp thu một cách sáng tạo những kinh nghiệm mới trong quá trình cách mạng thế giới.

Thế giới trong thời đại ngày nay là một chỉnh thể của tính phụ thuộc lẫn nhau và sự gắn bó hữu cơ. Mặc dù đa dạng, nó phản ánh sự tác động lẫn nhau giữa tính quốc tế và tính quốc gia cũng như phản ánh những biểu hiện của các quy luật chung chung trong khuôn khổ của những đặc thù nằm trong tình hình cụ thể của nước này hay nước kia. Vì vậy, trong phạm vi vấn đề này, tôi muốn nói những tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn phù hợp với thời đại ngày nay.

Sự đánh giá chính trị sâu sắc dựa trên những nguyên tắc dân chủ của những người mácxít đã dẫn Hồ Chí Minh đến việc tăng cường và phát triển lý luận lêninnít về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong một loạt bài phát biểu và phân tích sâu sắc về chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã vạch trần sự bóc lột và áp bức của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình, Người đã bóc trần bộ mặt xảo quyệt mà chủ nghĩa đế quốc sử dụng để khuất phục giai cấp vô sản ở chính quốc và ở các thuộc địa. Về mặt này những tư tưởng của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng to lớn trong việc khuyến khích và cung cấp tri thức cho các lãnh tụ của giai cấp công nhân và các nhà cách mạng ở Á, Phi, Mỹ Latinh giải quyết một cách triệt để vấn đề dân tộc.

Sức sống của những tư tưởng Hồ Chí Minh là ở khả năng có thể áp dụng một cách sáng tạo phương pháp luận Mácxít - Lêninnít vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng của chủ nghĩa dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai tại Lào, Cam-pu-chia, An-giê-ri, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la đã có những diễn biến chống thực dân thành công nhất, đem lại động lực cho một Mặt trận thống nhất chống đế quốc.

Hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội được quyết định bởi sức mạnh và chất lượng của Đảng để đạt đến những mục tiêu đã đề ra của mình. Hơn nữa, là hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng xây dựng xã hội mới. Để đạt mục đích xã hội, việc xây dựng Đảng trên cơ sở dân chủ là một nhiệm vụ thiết yếu quyết định tính năng động của hệ thống chính trị. Vì lẽ đó, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong khuôn khổ của những nguyên tắc dân chủ với tất cả những mặt lý luận và thực tiễn của nó, đã trở thành sinh lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc xây dựng Đảng đòi hỏi những gắn bó của cán bộ Đảng, Nhà nước và cán bộ của các tổ chức quần chúng. Nếu không có một chính sách cán bộ đúng, không thể thực hiện được vai trò tiên phong của Đảng. Nói một cách khác, như Hồ Chí Minh đã nói: Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng và thực hiện cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư trong việc động viên và làm thức tỉnh các hoạt động chính trị - xã hội của quần chúng. Vì vậy, sự trong sáng của Đảng là một nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm củng cố cơ sở xã hội và sức mạnh của Đảng, để Đảng hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, trong việc đánh thắng quân phiệt Nhật, đế quốc Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Vì vậy, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với học thuyết về Đảng là sức mạnh, đã nêu ra được một tấm gương cho phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi.

Trong việc vạch ra chiến lược cách mạng để giải phóng Việt Nam khỏi ách đế quốc và thực dân mới, Hồ Chí Minh xem xét đặc thù của tình hình Việt Nam một cách cụ thể nhất. Người đã đưa ra những tư tưởng mới phát triển học thuyết mácxít về cách mạng và khoa học quân sự. Những tư tưởng về học thuyết quân sự của Hồ Chí Minh bao gồm một lý luận toàn diện với nhiệm vụ cụ thể cho quân đội, dân quân và nhân dân trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến toàn quốc. Dựa trên sự đánh giá sâu sắc về lý luận của Người về thực tế khách quan, Đảng đã vũ trang, xây dựng và phát triển khả năng của ba thứ quân. Đồng thời, sự phối hợp các cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao đã đem lại một sức mạnh cách mạng mạnh mẽ đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều cần lưu ý là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và sự hy sinh của họ nhằm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình là một bằng chứng sinh động về vai trò của quần chúng. Vì vậy, mục tiêu cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và những thắng lợi phi thường của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguồn kinh nghiệm cho các đảng anh em ở Châu Phi, đang bền bỉ chiến đấu chống các thế lực phản động quốc tế và tay sai gây rối.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu. Những nỗ lực hòa bình của nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đã bị cản trở bởi các đế quốc Nhật, Pháp và Mỹ. Để đối phó với âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận ba cuộc cách mạng và lý luận đó là một cái mốc trong tư tưởng của những người theo học thuyết Mác. Lý luận này nêu rõ chủ nghĩa xã hội có thể được xây dựng không chỉ trong điều kiện hòa bình mà cả trong điều kiện chiến tranh. Về thắng lợi của ba cuộc cách mạng có thể thấy là những kiến nghị của Hồ Chí Minh về tăng cường sản xuất và đẩy mạnh tiết kiệm đã có một tác động lớn đối với cuộc chiến tranh lâu dài và giáo dục tư tưởng tự lực cho nhân dân. Việc Đảng và nhân dân Việt Nam áp dụng một cách sáng tạo những huấn thị của Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn vào việc “đưa cuộc kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi”. Vì vậy, tư tưởng phong phú này đã trở thành đại diện cho một cách nhìn mới ở Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích và Ê-ti-ô-pi-a, những nước đã đi vào con đường cách mạng dân tộc dân chủ.

Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn kính là một nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận và hơn nữa là một nhà chiến lược thiên tài. Là một nhà lý luận Mácxít - Lêninnít, Người đã kế tục và phát triển các tư tưởng của Mác và Lênin trong bối cảnh của cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và trong bối cảnh của cả quá trình cách mạng thế giới.

Những quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng tạo phương pháp lịch sử và duy vật để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn gốc của những tư tưởng lỗi lạc của Người đã được kiểm nghiệm và thực hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đã mở ra những tiềm năng chưa từng có cho các phong trào giải phóng dân tộc.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh vào thời điểm lịch sử hiện nay cũng là một nguồn động lực quan trọng đối với các nước Châu Phi trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất và phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc mình.

(TÊSHÔM KÊBÊĐE4, trích trong Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớnNxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.82).  

Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Luật sư, sinh năm 1886, người đảo Goađơlúp, hoạt động trong "Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa", tham gai Ban Biên tập báo Người cùng khổ, làm nghề luật sư ở Pari.
2. Thông báo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 19/8/1989 công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969.
3. Nhà văn Thụy Điển.
4. Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - trường Đảng Êtiôpia.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: