Chỉ mục bài viết

 

Phần 13

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại, người bạn lớn của nhân dân Ấn Độ và toàn nhân loại 

Với cương vị Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Đông Dương của Ấn Độ, tôi rất tự hào được tham dự Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã được vinh dự từ những năm 1957 và 1958 (khi tôi còn làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát và kiểm soát Quốc tế ở Việt Nam) gặp nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại đó, người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho tự do của tất cả nhân dân bị áp bức, người bạn lớn của Ấn Độ và toàn nhân loại.

Bác Hồ, cách gọi trìu mến của chúng tôi ở Ấn Độ, đã kết hợp được trong bản thân Người những đức tính của Mác, Lênin, Mahátma Găngdi và Giaoaháclan Nêru.

Người đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt Nam - bình dị, chuyên cần, yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực, chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng - Đó là phương châm cho mọi hành động của Người.

Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy Người có thể lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân phiệt Nhật và Tưởng Giới Thạch xảo quyệt một cách thành công. Sự ủng hộ toàn tâm của nhân dân đã làm cho dân tộc Việt Nam đánh đuổi được những kẻ áp bức ngoại bang, cảm hóa được cả những tay sai và bè lũ của chúng và cuối cùng hoàn thành thống nhất đất nước năm 1975. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống để chứng kiến thành tựu vĩ đại này, Người đã tiên đoán với sự tin tưởng mạnh mẽ về điều này trong “Di chúc” của Người.

Với quý vị thính giả ở đây, tôi nghĩ không cần thiết phải nhắc nhở và gợi lại công lao to lớn của Bác Hồ đối với cuộc đấu tranh của nông dân và công nhân, trí thức yêu nước ở Việt Nam, bằng sự gắn liền cuộc đấu tranh đó với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân, chống áp bức, chống sự thống trị của đế quốc, đặc biệt là ở Châu Á. Người không phải là một nhà dân tộc hẹp hòi, mà có những tình cảm lớn đối với mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những người nghèo, những người bất hạnh và bị áp bức. Điểm lại cuộc đấu tranh hơn ngàn năm của nhân dân Việt Nam chống ách đô hộ của nước ngoài, ngay cả từ khi thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là một bộ phận, một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Người không buộc tội nhân dân Pháp hoặc nhân dân Mỹ, mà chỉ lên án chính quyền thực dân đế quốc của họ. Trên thực tế người kêu gọi công nhân Pháp hãy làm nhiều hơn nữa cho sự giải phóng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa của Pháp. Hơn nữa, trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Người thảo và đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người đã trích dẫn cả lời kêu gọi của cách mạng Pháp về tự do, bình đẳng, bác ái và cả Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ về quyền bất khả xâm phạm của con người đối với hòa bình và mưu cầu hạnh phúc.

Tôi chỉ xin nêu ra vài nét trong rất nhiều nét lớn của bậc vĩ nhân này, nhằm nhấn mạnh sự hiểu biết rộng rãi, lòng tin tưởng mạnh mẽ của Người vào nhân dân mình cũng như toàn nhân loại và ý chí quyết tâm vững chắc của Người đạt tới các mục đích và lý tưởng cao cả mà Người đã đề ra trước nhân dân mình. Tôi xin được nhắc lại ngắn gọn một số hồi tưởng của bản thân mình.

Khi tôi đến thăm Người lần đầu năm 1957 tại cơ quan của Người ở Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên về cách ăn mặc giản dị của Người. Người mặc một bộ đồ bằng vải kaki, chân đi dép cao su. Người đưa tôi đi thăm căn nhà mà Người đang ở. Đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ bé, tiện nghi sơ sài, có nhiều cây xanh. Mặc dù giữ chức vụ cao, Hồ Chí Minh vẫn duy trì một nếp sống giản dị, làm cho Người có điều kiện gần gũi với quần chúng và quần chúng cũng đồng cảm với Người.

Người kể cho tôi nghe ngắn gọn về lịch sử Việt Nam và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân đối với việc thống nhất đất nước. Ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam đã làm cho họ trở thành một quốc gia và không một cường quốc nước ngoài nào có thể chia cắt được. Lúc đó, Người hỏi tôi một câu có vẻ đơn giản:

- Với tư cách làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát và kiểm soát quốc tế, Ngài có thể làm một điều gì đó được chăng để giúp cho việc thông tin và tiếp xúc giữa các gia đình bị chia ly kẻ Bắc, người Nam?

 Tôi nói với Người rằng, tôi sẽ cố hết sức thuyết phục nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam để họ đồng ý với việc này và nhờ Người nói với Chính phủ cho tôi danh sách những gia đình đó, cùng với địa chỉ. Người đồng ý ngay và cảm ơn tôi. Tôi đã có được sự đồng ý về nguyên tắc của nhà cầm quyền Nam Việt Nam về đề nghị nhân đạo này.

Về sau họ lại đề ra những điều kiện để gây rắc rối chứ không phải để giúp cho các gia đình chia ly và do đó cố gắng của tôi rút cuộc chẳng đi đến đâu. Khi gặp Người lần thứ hai, tôi kể cho Người về toàn bộ sự việc. Người cảm ơn tôi về những điều tôi đã làm và nói sẽ tiếp tục gắng sức bằng mọi cách. Người chỉ thị cho Thủ tướng, lúc đó là ngài Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục liên hệ với tôi.

Lần thứ ba, tôi gặp Người vào dịp Quốc khánh Ấn Độ, 26 tháng 1 năm 1958. Cơ hội ấy thật là tốt đẹp vì Người đã đến và lưu lại với chúng tôi gần 1 giờ. Tôi lúc nào cũng quý trọng bức ảnh chụp chung với Người vào dịp đó.

Lần cuối cùng, tôi gặp Người vào mùa Xuân năm ấy, khi một đoàn văn hóa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sắp sửa lên đường sang thăm Ấn Độ. Tôi tổ chức một cuộc chiêu đãi nhỏ vào buổi tối để tiếp đoàn Việt Nam và hỏi ý kiến Vụ trưởng Vụ Lễ tân, xem có nên mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị khác hay không. Tôi được thông báo rằng, có thể, cứ gửi giấy mời, nhưng rất ít khả năng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến tư thất của tôi vì Người chưa hề làm như vậy, đối với bất kỳ một vị đại sứ nào hồi đó. Tôi gửi giấy mời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo phép lịch sự, nhưng không dự kiến Người sẽ tới dự. Tuy nhiên, giữa buổi liên hoan, khi chúng tôi đang hát những bài Ấn Độ và Việt Nam cùng với các thành viên trong Đoàn, tôi rất ngạc nhiên và vui sướng thấy Vụ trưởng Vụ Lễ tân vào thông báo: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới”. Quả thật tôi hết sức vui mừng. Tôi ra đón Người và đưa Người vào phòng. Người cùng hát với chúng tôi, dùng một chút nước quả và trái cây, rồi ra về sau nửa giờ. Đây thật sự là một cử chỉ đẹp đẽ của Người mà tôi sẽ không bao giờ quên. Người nói về sự tôn trọng của mình đối với Mahátma Găngdi, Păngdít Nêru và nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi tới cháu “Inđira” của Người. Inđira Găngđi1 vốn thường gọi Người bằng “Bác” và viết thư cho Người.

Tôi muốn đặc biệt nói tới một bức thư Bác Hồ gửi cho Păngdít Nêru đang ở trong tù. Bức thư viết theo thể thơ như sau:

                      I

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

                      II

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;

Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,

Anh, trong gông xích bọn cừu nhân2.

Nhiều sự thay đổi và biến động lớn lao đang diễn ra trên thế giới. May mắn thay, những sự kiện đó cho đến nay đã diễn ra nói chung là hòa bình. Tuy nhiên cũng đã diễn ra tình trạng xói mòn và thất vọng đối với vai trò của Đảng cầm quyền ở nhiều nước - xã hội chủ nghĩa và không xã hội chủ nghĩa. Thế giới ngày nay có thể rút ra được một bài học trong đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đảng viên trong Đảng của mình hãy phục vụ nhân dân, giúp đỡ họ và học tập ở họ, không được ra lệnh hay bắt họ phải phục tùng. Đây là điều mà các đảng chính trị và các lãnh tụ Đảng có thể học hỏi.

Vì họ đã vi phạm nguyên tắc thiêng liêng này nên vai trò tiên phong trong xã hội của họ bị xói mòn... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ này hàng chục năm trước đây và lên tiếng cảnh tỉnh Đảng. Đảng đã tiếp thu lời khuyên của Người nên giữ được niềm tin của nhân dân và vai trò lãnh đạo của mình trong sự nghiệp phục vụ nhân dân. Mọi người khác hãy noi theo tấm gương này.

Một cống hiến quan trọng khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ trương làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hóa Việt Nam, gắn bó với các nền văn hóa khác trên thế giới. Các bài thơ, tiểu luận và diễn đàn của Người phản ánh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại, một niềm tin chung thủy đối với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy, người được yêu mến, khâm phục và kính trọng trên toàn thế giới. Tôi còn nhớ rõ nhân dân miền Nam Việt Nam, khi đất nước còn bị chia cắt đã hôn lên chân dung Người in trên giấy bạc như thế nào. Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới lại được nhân dân mình hết lòng mến mộ, tin yêu và kính trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi mong rằng Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và UNESCO sẽ sớm bắt tay vào việc dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mọi tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những tác phẩm này nói lên bản chất nhân đạo, lòng nhân ái, trí tuệ và tình cảm chan hòa mà Bác Hồ là hiện thân.

(T.N. CAUN3, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.30-34).

  1. Bác Hồ ngọn đuốc soi đường, nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào

Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vô cùng xúc động được đến đất nước Việt Nam anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, cùng với những người đồng chí anh em ruột thịt của mình, kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới.

Từ diễn đàn trọng thể này, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xin thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và tình cảm thiêng liêng nhất đến Bác Hồ. Xin gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và nhân dân Việt Nam anh hùng lời chào nồng nhiệt và thân thiết nhất.

….

Riêng đối với cách mạng Lào chúng tôi, tư tưởng và tình cảm cách mạng cao quý của Bác là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ những ngày cách mạng Lào còn trứng nước đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn luôn quan tâm dẫn đường, chỉ lối. Bác thường giáo dục chúng tôi phải: “Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường”. Bác nhấn mạnh: “Có nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường thì cách mạng mới phát triển nhanh chóng, đoàn kết quốc tế mới vững chắc”.

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương lớn mạnh, cách mạng ba nước đã trưởng thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng với tư tưởng chỉ đạo sáng suốt đã đề nghị Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 02 năm 1951) quyết định thành lập từng Đảng ở mỗi nước. Quyết định lịch sử hết sức đúng đắn đó đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và ý thức trách nhiệm của những người cách mạng ở mỗi nước đối với vận mệnh của dân tộc mình và thúc đẩy cuộc đấu tranh cứu nước của ba nước Đông Dương phát triển vượt bậc.

Bác Hồ luôn luôn giáo dục chúng tôi phải nắm vững sự nghiệp cách mạng Lào của nhân dân Lào, phải đi vào dân, phải đi xuống cơ sở, bám chắc lấy dân, lấy việc giáo dục động viên tổ chức nhân dân làm cách mạng là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Bác thường xuyên nhắc nhở chúng tôi chăm lo đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào.

Qua mỗi bước trưởng thành của cách mạng Lào, Bác và những người học trò gần gũi của Bác: Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi để xây dựng cơ sở, lập căn cứ cách mạng, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động đấu tranh ở vùng địch tạm thời kiểm soát, tiến hành đấu tranh, liên hiệp, thực hiện hòa hợp dân tộc…

Bác đã chỉ bảo chúng tôi nắm vững chiến lược, có sách lược đấu tranh sáng tạo, nhờ đó cách mạng Lào đã qua ba lần hòa hợp dân tộc, mỗi lần liên hiệp với đối phương là mỗi lần đưa cách mạng Lào đến gần thắng lợi hơn và khi có thời cơ thuận lợi đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Bác Hồ đã hết sức coi trọng việc giúp đỡ xây dựng lực lượng bên trong của cách mạng Lào, cho đó là yếu tố quyết định thành công của cách mạng Lào.

Bác đặc biệt coi trọng và luôn luôn chăm lo, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Việt - Lào - Cam-pu-chia, coi đó là một nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng của mỗi nước.

Người luôn luôn nhắc nhở ba nước anh em Việt, Lào, Cam-pu-chia phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau thì mới đánh thắng kẻ thù chung, mỗi nước mới có độc lập, nhân dân mới có ấm no, hạnh phúc.

Mối quan hệ đặc biệt đã biến thành hành động cách mạng của nhân dân hai nước. Trong nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã sang giúp nhân dân Lào chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào, coi Lào như Tổ quốc thứ hai của mình. Trên khắp mọi miền của đất nước Lào, máu của các chiến sỹ quốc tế Việt Nam đã hòa quyện với máu của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân Lào, vì sự sống còn của đất nước Lào.

Nhân dân Lào cũng đã biết bao hy sinh, góp phần mình vào việc tăng cường củng cố mối quan hệ đặc biệt đó. Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác, đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam.

Mối quan hệ đặc biệt đó đã thường xuyên thể hiện bằng tình cảm đặc biệt của Bác đối với cán bộ và nhân dân Lào chúng tôi. Trong trái tim tôi luôn luôn khắc sâu kỷ niệm trong một lần gặp Bác. Lúc đó, trời rét căm căm, tôi húng hắng ho, Bác đã lấy ngay chiếc khăn của Bác quàng vào cổ tôi. Được sưởi ấm trong hơi ấm của Bác, tôi rất xúc động và hiểu rằng Người muốn qua tôi gửi muôn vàn tình thương yêu tới cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân các bộ tộc Lào.

Tình yêu thương rộng lớn của Bác đã được thể hiện sâu sắc trong những vần thơ bất hủ của Người nói lên tấm lòng của hai dân tộc Việt - Lào.

                   “Thương nhau mấy núi cũng trèo,

                   Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

                   Việt Lào, hai nước chúng ta,

                   Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Để thực hiện di huấn của Bác, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sỹ, anh hùng với bao dòng nước mắt đau thương của biết bao bà mẹ, người chị, với công sức và tâm huyết của biết bao đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, trong ngày lễ thiêng liêng này, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước, không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi.

(CAY-XỎN PHÔM-VI-HẲN4, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh 
Chủ tịch Hồ Chí Minh in trong cuốn Bài ca đoàn kết (Xa-ma-khi) của Hội hữu nghị Việt - Lào Nghệ An, Nbx. Nghệ An, 2001).

Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:

  1. Cố Thủ tướng Ấn Độ, nhà hoạt động chính trị, xã hội và hoạt động quốc tế xuất sắc.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.372.
  3. Nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Đông Dương của Ấn Độ.
  4. Cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: