Chỉ mục bài viết

 48. Bác Hồ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ở Thủ đô mới tiếp quản

Đối với tôi, cái trùng hợp ngẫu nhiên của số phận là ở chỗ, năm 1954, khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông Mátxcơva, thì cũng là lúc Hiệp định Giơnevơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.

Vào một ngày đẹp trời của năm 1954, tôi được đồng chí Alécxanđrơ Anđrêépvích Lavrinsép mời đến. Lúc đó, Lavrinsép vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một con người lực lưỡng, điềm đạm chờ đón tôi và chăm chú nhìn tôi một cách tế nhị. Và không ngờ cuối buổi gặp mặt, ông ta mỉm cười với tôi một cách thoải mái và thân thiện. Tôi đã sống và thậm chí nhiều lúc trong chiêm bao đã nhìn thấy Việt Nam, bởi thế cuộc nói chuyện về Việt Nam với đồng chí Đại sứ đã mang đến cho tôi niềm vui thích. Tôi bước ra khỏi phòng. Một phút sau cô thư ký xuất hiện và nói:

- Anh đi sang Việt Nam nhé! - Cô ta mỉm cười với tôi một cách hữu nghị. - Anh là người hạnh phúc. Anh sẽ được thấy đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi chỉ khuyên anh một điều: Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó đối với anh không còn xa xôi nữa, hãy giữ lấy cái tự nhiên giản dị và linh hoạt như khi gặp Đại sứ hôm nay. Chúc anh lên đường may mắn!

Ba tuần sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam về tiếp quản Thủ đô, 29 tháng 10 năm 1954, Đoàn Đại sứ quán Liên Xô lần đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội cổ kính.

Khi chúng tôi đến Thủ đô Hà Nội, một cuộc mít tinh nhỏ đã được tổ chức. Sau đó chúng tôi chia nhau về nhà ở. Những tòa nhà của Đại sứ quán lúc đó chưa sửa chữa xong. Thêm vào đó, ngày kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày lễ lớn của nhân dân Xôviết đã đến gần.

Lúc đó, việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, không chỉ là thể diện của nhà nước Xôviết. Trong những ngày ấy, giới báo chí phương Tây muốn xuyên tạc cuộc sống của những người kháng chiến từ núi rừng Việt Bắc trở về và của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam như là những khu trại tập trung, những vòng vây khói lửa. Trong đó, không thể có những hoạt động bình thường của một nhà nước và các đại diện ngoại giao.

Lúc bấy giờ nhiệm vụ đối với Nhà nước Việt Nam không những chỉ củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, mà còn phải khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa trên mức độ cao hơn và phát triển củng cố mối quan hệ quốc tế chặt chẽ hơn với các nước khác trên thế giới, trước hết là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn và phức tạp, nhưng dù sao, Đại sứ quán Liên Xô cũng phải tổ chức một cuộc gặp mặt trọng thể với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, với các nhà ngoại giao, chính khách của Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ tại Việt Nam theo tiêu chuẩn ngoại giao đã được quy định tại Hội nghị quốc tế về công pháp và nghi thức ngoại giao năm 1865 tại Hunggari.

Ý nghĩa đầu tiên của cuộc tiếp đãi này là ở chỗ vị trí và thời điểm. Đó cũng là việc củng cố và thắt chặt mối quan hệ có tính chất quốc tế. Ngoài ra, cuộc tiếp đãi trọng thể mà Đại sứ quán Liên Xô tổ chức còn có thêm một ý nghĩa khác quan trọng hơn. Nó cần phải trở thành một sự kiện, khẳng định một cách trực quan tình trạng ổn định và triển vọng tốt đẹp của nhà nước Việt Nam và vị trí mới của nó ở miền Bắc. Vấn đề địa điểm đón tiếp được giải quyết một cách nhanh gọn. Đó là Hội trường của Câu lạc bộ quốc tế, cách Phủ Chủ tịch không xa.

Tuy nhiên, trong buổi chiêu đãi, phải tiếp đón hàng trăm vị khách mà nhà bếp của Câu lạc bộ quốc tế thì rõ ràng không thể đáp ứng được. Nó quá nhỏ và sơ sài.

Chủ nhân mới của ngôi nhà trở về từ rừng núi Việt Bắc, theo lệ thường và thói quen, khiêm tốn, giản dị và thực sự dân chủ. Với sự nhạy cảm tinh tế và đạo đức văn hóa cao cả của mình, Người không cho phép và không dám nghĩ đến việc ăn ở trong một căn phòng sang trọng của tòa nhà. Nơi đây trở thành nơi để tổ chức các cuộc hội nghị, các buổi đón tiếp ngoại giao và các cuộc ký kết quan trọng. Còn chính Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sống trong một ngôi nhà cách đó không xa.

Thế là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép Đại sứ quán Liên Xô dùng nhà bếp của Phủ Chủ tịch để nấu nướng tổ chức một cuộc tiếp đãi lớn vào ngày 7 tháng 11.

Nhiều lúc nhớ lại điều này tôi vẫn thốt lên: “Không bao giờ trong lịch sử”.

Một nhóm người làm bếp Việt Nam được phái đến giúp việc dưới sự chỉ đạo của nữ đầu bếp Nhina Iacốpna. Ở đây một trở ngại không nhỏ đã xảy ra. Nhina Iacốpna không biết một thứ ngoại ngữ nào, còn những người bạn Việt Nam giúp việc thì không hiểu tiếng Nga. Khó khăn đó đã được giải quyết ngay lập tức. Để giúp việc cho Nhina Iacốpna người ta phái đến hai thanh niên Xôviết, đó là thực tập sinh Niculin và tùy viên Cudơnhexốp. Cudơnhexốp nguyên là Đại sứ Liên Xô tại Thái Lan.

Thú thực, chúng tôi đi đến Phủ Chủ tịch trong tư thế sẵn sàng và thích thú, nhưng cũng không kém phần lo ngại. Bởi vì vốn tiếng Việt của chúng tôi lúc đó quá ít ỏi. Nhất là tên gọi các món ăn, và các món ăn Việt Nam thì với chúng tôi hoàn toàn xa lạ, chưa hề biết đến.

Tuy nhiên điều e ngại của chúng tôi hóa ra trở nên vô ích. Trong nhà bếp của Phủ Chủ tịch một bầu không khí hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau, vui vẻ và sôi động, mặc dầu không ai hiểu ngoại ngữ. Nhina Iacốpna đã tìm ra được cách để giải thích cho các bạn đồng nghiệp Việt Nam hiểu, bằng các động tác tay chân. Còn họ, những người giúp việc, hình như cũng đã tiếp nhận được một vài từ tiếng Nga cần thiết nào đó. Nhina Iacốpna đã nhanh chóng đạt được những kết quả bước đầu trong khi học tiếng Việt. Lúc thì chị ta khen “tốt lắm”, khi thì “thêm ớt”, “thêm muối”. Họ hiểu nhau khá tốt, sai lệch trong khi phát âm chẳng ai quan tâm đến. Lúc đó, tôi với Cudơnhexốp, không những chỉ làm nhiệm vụ phiên dịch, mà còn bị lôi kéo vào công việc phụ bếp.

Vào khoảng một hai giờ gì đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng đi vào nhà bếp. Tôi vẫn thường cho rằng, nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước ít khi và thậm chí có thể không bao giờ đi xuống bếp. Thế nhưng, vị Chủ tịch nhân dân chân chính, Bác Hồ đã đến thăm chúng tôi trong nhà bếp. Và đây cũng là một trường hợp hiếm hoi, khi chúng tôi, nhân viên Đại sứ quán Liên Xô cùng làm việc với các đầu bếp Việt Nam trong nhà bếp Phủ Chủ tịch.

Nên chăng, cần phải nói rằng, sự xuất hiện của Bác Hồ trong nhà bếp, có nghĩa là Bác đánh giá rất cao ý nghĩa của cuộc tiếp đãi ngoại giao sẽ tổ chức vào ngày hôm sau.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là vào ngày hôm trước đó, ngày 05 tháng 11, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở tiệc chiêu đãi toàn thể cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Liên Xô. Lúc đó, tôi là một thực tập sinh, không ở trong thành phần của Đại sứ quán và chỉ nhận được giấy mời trước giờ tiếp vẻn vẹn 30 phút. Trên thiếp mời in rõ ràng, đẹp mắt dòng chữ vàng: “Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trân trọng kính mời thực tập sinh Nicôlai Ivanôvích Niculin đến dự buổi gặp mặt thân mật nhân dịp Đoàn cán bộ Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam đến Hà Nội” - “Trân trọng kính mời” - Thông thường trong mọi trường hợp chỉ là nghi thức ngoại giao. Nhưng thật là ý nghĩa biết bao khi nó đi kèm với tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng chục năm sau, tôi vẫn giữ tấm thiếp mời đó như những vật kỷ niệm của đời mình. Nhưng chính cuộc gặp mặt thân mật đó, đã xảy ra dưới hình thức chiêu đãi trọng thể và trao đổi ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi cách tôi một quãng và Người không ngớt trò chuyện với A.A.Lavrinsép và các bạn Xôviết. Ngày đó tôi là người trẻ nhất ở Đại sứ quán.

Còn hôm nay, trong nhà bếp Phủ Chủ tịch là một Bác Hồ hoàn toàn khác. Bác mặc chiếc áo cổ đứng màu cỏ úa đã bạc đi khá nhiều, nhưng rất chu tất. Miệng Bác ngậm thuốc lá. Bác mỉm cười chào mọi người, nụ cười sảng khoái. Bác đi vòng quanh bếp, bắt tay bếp trưởng Nhina Iacốpna rồi bắt tay tôi và Cudơnhexốp. Bác đưa mắt bao quát nhìn quanh, chăm chú quan sát công việc chúng tôi làm. Khi biết những việc cơ bản đã chuẩn bị xong, Bác gật đầu rồi đưa mắt nhìn tôi và Cudơnhexốp một cách hài lòng.

- Các cậu đã có chỗ ngủ chưa? - Đột nhiên Bác Hồ hỏi chúng tôi một cách thân mật và gần gũi. Suốt đời tôi nhớ mãi câu hỏi này một cách chính xác.

Cảm động trước sự quan tâm của một vị Chủ tịch nước đối với những công việc bếp núc của mình, chúng tôi trả lời rằng, chúng tôi sẽ đi bộ về nhà ngủ.

- Không, giờ này đã muộn lắm! - Bác Hồ âu yếm nói. - Trong Phủ Chủ tịch sẽ có đủ chỗ cho hai thanh niên Liên Xô ngủ. Thành phố nói chung an toàn, nhưng dù sao cũng phải cảnh giác. Hãy sửa soạn cho hai anh bạn trẻ một chỗ nghỉ tương đối. - Bác quay sang nói với người cận vệ đi cùng.

Thế rồi giống như khi đến, Bác đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi nhẹ nhàng đi ra khỏi bếp.

Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một căn buồng rộng rãi và sang trọng, trong đó, đã trải sẵn chăn màn rất đẹp. Nơi đây đã hàng chục năm là chỗ ở của toàn quyền Pháp. Tôi không còn ngạc nhiên với những gì đã đến với mình nữa. Cuộc gặp gỡ tuyệt diệu với Bác Hồ đã đưa đến cho tôi một niềm vui sướng và thoải mái, một tình cảm nhân hậu, và sự quan tâm của một con người vĩ đại mà trước kia tôi chỉ được thấy trong phim và tranh ảnh.

Sáng ngày 07-11-1954, trong Phủ Chủ tịch, tôi tỉnh dậy với nụ cười trên môi, trong lòng phấn khởi như ngày hội. Mặt trời đã lên cao. Những gì đã xảy ra ngày hôm qua đều sống lại trong trí nhớ của tôi.

Sáu giờ chiều ngày hôm đó, trong Hội trường lớn của Câu lạc bộ quốc tế đã có mặt đầy đủ các chính khách ngoại giao. Nhưng người khách chủ chốt nhất - Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì vẫn chưa có mặt. Chúng tôi nóng lòng chờ Bác từng phút, từng phút.

- Nicôlai Ivanôvích! - Giọng nói của đồng chí Đại sứ vang lên nho nhỏ, nhưng đồng thời cũng nghiêm nghị và long trọng. - Đồng chí có nhiệm vụ ra cổng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí hãy ra đón Bác và mời Bác vào Hội trường.

Nói xong Alếcxanđrơ Anđrêépvích mỉm cười như động viên tôi. Từ đó đến nay, tôi vẫn không sao hiểu nổi tại sao vinh dự đó lại đến với mình.

Tôi đứng chờ bên cổng Câu lạc bộ quốc tế. Thời gian đối với tôi lúc đó kéo dài triền miên. Sự thực thì sự chờ đợi của tôi diễn ra chỉ trong khoảng chừng năm bảy phút mà thôi. Cuối cùng, một chiếc xe, chỉ duy nhất một chiếc commăngca sơn màu xanh bình thường nhẹ nhàng lướt tới. Và hầu như không ai nhìn thấy nó đã đi đến như thế nào.

Từ trong xe, Chủ tịch Hồ Chí Minh với dáng cương trực, khỏe mạnh bước ra. Bây giờ trước mắt tôi không phải là Bác Hồ mà tôi gặp hôm qua trong nhà bếp Phủ Chủ tịch. Một dáng dấp đường hoàng, chững chạc, hoàn tất. Tất cả tựu trung lại trong ánh mắt của một con người mang trên đôi vai mình một sứ mạng khổng lồ và vinh quang không gì so sánh nổi. Một con người đã từng trải trong mọi tình huống phức tạp, nguy hiểm và căng thẳng nhưng bao giờ cũng có những quyết định đúng đắn và sáng suốt. Một con người đã dành cả cuộc đời và sức lực cho một mục đích vĩ đại và duy nhất của dân tộc.

Sau cái bắt tay thân mật và ngắn ngủi, cùng những lời hỏi han cũng ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tôi đi vào Hội trường Câu lạc bộ quốc tế. Khi ngang qua tiền sảnh, Người bước chậm lại, và quay đầu nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rạng rỡ của một nhà thông thái. Người nhanh nhẹn cầm lấy tay tôi và nói: “Cậu trẻ quá!”. Trộm nghĩ trong hoàn cảnh đó, lời nói đó đã thể hiện quan hệ hữu ái của một vị Chủ tịch, của một người lớn tuổi đối với một thanh niên, mong muốn cho anh ta chóng trở nên thành đạt trong tương lai.

Giờ đây khi đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng của cuộc đời, khi mái tóc trên đầu tôi đã điểm bạc, khi tôi đã được Nhà nước Liên Xô, Việt Nam, Mông Cổ tặng thưởng nhiều huân, huy chương, đã được phong giáo sư, đã trở thành tiến sĩ khoa học, tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho tôi một phần thưởng cao quý nhất trong suốt cả cuộc đời tôi. Đó chính là lúc xa xưa, khi tôi “còn trẻ quá” trong ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ở Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng.

(N.I.NICULIN1, trích trong cuốn Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội nhà văn Việt Nam Hà Nội, 1995, tr.210-222).

49. Người đồng chí từ Phương Đông

Tôi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh nhiều lần và chủ yếu là tại các cuộc hội đàm của những người đứng đầu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế cũng như tại các Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đối với chúng tôi những người còn hoạt động âm thầm ngay giữa lòng xã hội tư bản, đồng chí luôn luôn dành cho những tình cảm anh em vô cùng thắm thiết. Cứ mỗi lần gặp Người, các đồng chí Togliatti, Tôrê và tôi lại cảm thấy vui mừng kỳ lạ. Chúng tôi gọi Người một cách trìu mến là “Người đồng chí từ Phương Đông”. Ở đồng chí Hồ Chí Minh dường như lúc nào cũng tỏa ra một tình cảm ấm áp, một sự cảm thông đầy tinh thần cộng sản. Và chỉ bằng ấy thôi cũng đủ sức thu hút và hấp dẫn những người xung quanh. Chúng tôi quý trọng đồng chí Hồ Chí Minh một cách đặc biệt, một phần nữa cũng là vì đã biết đồng chí đã từng bôn ba hoạt động ở nhiều nước phương Tây: Pháp, Đức, Anh, Italia… Có nơi nào lại không in dấu chân của đồng chí! Kỳ diệu thay, con người mảnh dẻ và dịu dàng ấy đã từng làm cho bao thế lực cường quyền phải khiếp sợ.

Trong thời kỳ bí mật đồng chí Hồ Chí Minh có sang Đức mấy lần và thường là với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản. Bấy giờ tôi cũng biết, song không thể gặp đồng chí vì hoạt động ở một tỉnh xa. Vào những năm 1920, Người cải trang làm một người Trung Quốc tham dự Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Etsơ. Ở đây, Người ngủ tại nhà những công nhân Đức. Các cuộc gặp gỡ sau diễn ra trong thời gian Người ở Béclin, Môabít.

Tôi chính thức tiếp xúc với đồng chí vào mùa Hè năm 1935, tức là khi tiến hành Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản trong gần một tháng kể từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 21 tháng 8 năm 1935. Tham dự Đại hội có 513 đại biểu, thay mặt cho 65 Đảng Cộng sản và một loạt tổ chức nằm trong Quốc tế Cộng sản. Tôi không thể nào quên được gương mặt của những nhà cách mạng lỗi lạc: Đimitơrốp, Xtalin, Cốtvan, Hồ Chí Minh, Vin-hem Pích, Ibaruri, Tôgliatti, Tôrê…

Tại Đại hội ấy, tôi được phân công cùng đồng chí Pê-tơ Ph-lo-rin viết 10 trang về tình hình Đức để bổ sung cho bản báo cáo chính trị của đồng chí Đimitơrốp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về tình hình Đông Dương và phong trào thuộc địa.

Trong lời khai mạc Đại hội, đồng chí Vin-hem Pích đã thay mặt Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhiệt liệt chào mừng nhân dân lao động Liên Xô, những người đang sôi nổi thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho giai cấp công nhân toàn thế giới một sức mạnh và niềm tin mới. Đồng chí đánh giá cao tinh thần anh hùng và sự quên mình của các chiến sỹ cộng sản hiện đang bị hành hạ trong nhà tù đế quốc, trong đó có các đồng chí ở Đông Dương và Chilê. Đại hội đã trân trọng cử đồng chí Enxtơ Tenlơman, vị lãnh tụ của những người cộng sản Đức, lúc đó đang bị bọn phát xít giam cầm, làm Chủ tịch danh dự của Đại hội.

Tôi còn nhớ, cũng tại Đại hội ấy, đồng chí Lê Hồng Phong, đã được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội và đọc bản tham luận hấp dẫn nói về sự lớn mạnh của các phong trào cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương. Các đại biểu rất chăm chú lắng nghe giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết của đồng chí. Trong Đoàn đại biểu Việt Nam có một nữ đồng chí, nghe nói sau này là vợ đồng chí Lê Hồng Phong.

Tiếc rằng, công việc bận liên miên, tôi không có điều kiện thăm và hỏi chuyện riêng các đồng chí Việt Nam. Sau Đại hội, các đại biểu được bố trí đi tham quan nhiều nơi trên đất nước Liên Xô thì tôi đột nhiên bị ốm, phải nằm bệnh viện.

Từ sau Đại hội ấy, như đã nói, tôi còn được gặp đồng chí Hồ Chí Minh nhiều lần. Người coi tôi như một người bạn thân thiết, tuy rằng tôi ít hơn đồng chí những 8 tuổi. Mỗi lần trông thấy tôi từ xa đồng chí đã giơ hai tay lên cao rồi mở rộng vòng tay, bước tới ôm hôn tôi trìu mến. Người thường hỏi tôi bằng tên riêng: “Đồng chí Mác, đồng chí vẫn khỏe đấy chứ?”.

Từ thâm tâm mình, tôi luôn luôn coi đồng chí Hồ Chí Minh là một người anh lớn, một tấm gương sáng ngời của người mácxít - lêninnít mẫu mực. Phải nói rằng, đồng chí Hồ Chí Minh đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có uy tín rất lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, đấu tranh với tinh thần bền bỉ và kiên quyết cho sự thống nhất của những người cách mạng chân chính toàn thế giới. Trong bất cứ vấn đề nào phải tranh luận, tiếng nói của đồng chí Hồ Chí Minh cũng có tác dụng mở ra một hướng đúng đắn nhất, dễ chấp nhận nhất. Về con người, đồng chí Hồ Chí Minh hết sức khiêm tốn, giản dị, thủy chung. Bất cứ ai trong chúng tôi cũng yêu mến đồng chí vì những đức tính ấy. Bất cứ ai trong chúng tôi cũng muốn được gần Người để nghe Người tâm sự, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của một cuộc đời từng trải vô cùng phong phú. Hơn nữa lời Người nói có sức hấp dẫn lớn, bởi vì Người nói với tất cả tấm lòng và muốn mọi người cùng làm tốt hơn.

Có một mẩu chuyện nhỏ về đồng chí Hồ Chí Minh mà nhiều anh em chúng tôi còn nhớ mãi: Năm 1956, sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XX, Đảng Cộng sản Liên Xô, các trưởng đoàn của các đảng anh em được mời dự bữa cơm thân mật tại Điện Kremli. Hôm đó đúng ngày 08 tháng 3, Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi đều đưa vợ đi. Đồng chí Vôrôsilốp đọc diễn văn, trong đó nhiệt liệt chúc mừng chị em nhân ngày lịch sử này. Giữa bầu không khí thân mật, ấm cúng của gia đình những người cộng sản, đồng chí Hồ Chí Minh nhanh nhẹn đến chúc mừng tất cả 18 chị em có mặt tại bữa tiệc đó. Mọi người đều vui vẻ, đồng thời rất xúc động trước sự quan tâm đầy tình cảm trìu mến cũng như trước cử chỉ hồn nhiên, rất đáng yêu của đồng chí. Được tiếp xúc nhiều lần với đồng chí, sau này vợ tôi vẫn nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một con người tuyệt diệu!”.

Lần đồng chí Hồ Chí Minh và tôi gặp nhau lâu nhất là vào mùa Hè năm 1957, khi đồng chí sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đó, tôi cũng đang có việc ở Béclin. Biệt thự của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố Maiacốpxki thuộc khu Păngcô. Tôi cũng ở gần phố ấy, không xa biệt thự của đồng chí bao nhiêu. Nói như người Đức thì chúng tôi ở gần nhau đến mức quẳng nhẹ một viên đá cũng tới đích. Chúng tôi thường tìm đến nhau sau các hoạt động chính thức của đồng chí. Có một hôm đồng chí tiếp tôi ở ngay chân cầu thang phía bên ngoài biệt thự. Đồng chí mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc hai màu đỏ và đen. Bữa ấy tôi mang cả hai cậu con trai của tôi sang thăm Bác Hồ. Hai cháu Hanxơ và Misaen rất sung sướng và vinh dự được gặp Người, nhưng có lẽ vì xúc động quá, các cháu hầu như không nói được gì với Bác Hồ. Người rất yêu mến hai cháu, âu yếm xoa đầu và hỏi chuyện học hành của chúng. Lát sau, đồng chí Hồ Chí Minh khoác tay tôi đi dạo trong vườn. Người hỏi tôi:

- Bệnh dạ dày của đồng chí đã đỡ chưa? Tôi rất lạ là Người còn nhớ đến cả một chuyện nhỏ ấy. Tôi nói với Người rằng, sau khi được các nhà chuyên môn của Cộng hòa Dân chủ Đức xem xét, điều trị, tôi thấy có khá hơn. Tuy nhiên, do công việc liên miên, nhiều khi khá căng thẳng, ít được nghỉ ngơi nên cũng khó lòng khỏi hẳn. Người nhìn tôi đầy thông cảm. Rồi chúng tôi trao đổi với nhau một số vấn đề về chính trị.

Trong tình anh em thân thiết, tôi đã kể cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe về vùng quê Enbinh của tôi, nơi mà lúc tôi còn thơ bé đã thấy rõ hai cảnh giàu nghèo, về gia đình khổ cực của tôi. Bố tôi là một người thợ nghèo, mẹ tôi quanh năm đi làm thuê cho nhà giàu. Mà chúng tôi thì có những tám anh chị em. Nhiều khi nạn thất nghiệp kéo dài hàng tháng trời, gia đình tôi càng túng bấn mọi bề. Mùa Hè đến, chúng tôi đi mót khoai, mót lúa, vào rừng kiếm thức này, thức nọ để mùa Đông còn có cái ăn. Rất nhiều trẻ em đi ăn xin. Bản thân tôi, có biết đôi giày là thế nào! Giữa mùa Đông giá rét chúng tôi cũng chỉ đi giày bằng gỗ và bít tất là những miếng vải vụn vá chằng, vá chịt. Đêm rét mà cũng chỉ ngủ trên những bao tải đựng lá cây khô… Thời thơ ấu của chúng tôi như vậy đấy, thật nhiều gian khổ, thật nhiều thử thách. Tôi không bao giờ quên được cái tuổi thơ ấy.

Chính do nghèo khổ, phong trào công nhân ở quê hương tôi phát triển sớm và mạnh. Những người thợ xây và thợ đóng tàu có thái độ cách mạng rất kiên quyết. Sự giác ngộ giai cấp của họ khá sâu sắc mà tôi sau này chỉ còn cảm thấy ở thợ thuyền vùng Rua, Hămbuốc và Laixích. Tôi nhớ biết bao hình ảnh ông Trindê, Chủ tịch Công đoàn vùng quê tôi, một người thợ kim khí rất kiên cường. Ông mất vào mùa Đông năm 1908, giữa tuyết lạnh, dòng người đưa tang ông đông lắm, kéo dài cả đường phố… Tôi cũng nhớ biết bao hình ảnh những người thợ xây dựng, những đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ: Họ đội mũ lưỡi trai đen rất to và thắt cà vạt đỏ rực, đó là mũ “Bêben”, cà vạt “Bêben” vì đồng chí Angút Bêben, lãnh tụ kính yêu của họ từng đội mũ ấy, thắt cà vạt ấy.

Từ một người thợ tán đinh rivê, một người thợ mỏ, tôi đã đi vào cách mạng. Đối với thế hệ chúng tôi, Các Lípnếch và Rôda Lúcxămbua, Clara Détkin và Phranxơ Mêrinh là lòng tin, là niềm tự hào vô bờ bến… Cuộc cách mạng tháng 11 năm 1918 là lò lửa thử thách chúng tôi, đưa chúng tôi trở thành những người cộng sản. Những năm tháng tù tội ở Phostanh, những ngày hoạt động sôi nổi ở Alen, bao đêm ròng miệt mài nghiên cứu những nét cơ bản nhất trong học thuyết của Mác, Ăngghen và Lênin… còn mãi mãi in đậm nét trong tâm hồn, trong trí nhớ của tôi.

Đồng chí Hồ Chí Minh, người anh lớn của tôi đã chăm chú nghe tất cả, không bỏ qua một chi tiết nào, một mẩu chuyện nào. Người đặc biệt thích thú những chi tiết về đời sống của anh chị em thợ mỏ. Ở nước tôi, than thực sự là vàng đen. Bản thân tôi từng là thợ mỏ nên có điều kiện mô tả một cách kỹ lưỡng cho Người nghe.

Càng nghe những câu chuyện về đời hoạt động của nhau, chúng tôi càng hiểu nhau, quý trọng nhau. Đồng chí Hồ Chí Minh và tôi đều thừa nhận: Chúng tôi là những người lao động cần lao, đâu có điều kiện để qua những trường học cao cấp. Song cuộc đấu tranh của cách mạng chính là trường đại học của chúng tôi. Và chính những công nhân bình thường là những người thầy đầu tiên của người cách mạng. Lớn lên từ phong trào quần chúng người cách mạng sống bằng tâm hồn, bằng lý tưởng của giai cấp mình…

Biết đồng chí Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tình hình xã hội ở Cộng hòa Liên bang Đức, tôi phác họa cho Người nghe những cảnh tượng khủng hoảng trong kinh tế và xã hội. Người tỏ vẻ suy nghĩ rất nhiều khi tôi giới thiệu cụ thể các thủ đoạn bóc lột hết sức tinh vi của bọn tư bản đối với công nhân. Bọn tư bản bóc lột công nhân hai lần: Một mặt, chúng bắt họ làm việc ngày đêm, bán sức lao động đến cùng kiệt, mặt khác đồng lương của họ lại bị chúng giữ lại gửi vào nhà băng để ăn lãi.

Cũng không biết đã bao lần tôi kể chuyện về đồng chí Hồ Chí Minh cho đồng bào, đồng chí ở Cộng hòa Liên bang Đức nghe. Và lần nào tôi cũng nói cho họ rõ rằng: Người rất quan tâm đến cuộc chiến đấu thầm lặng mà ác liệt của chúng tôi. Đồng chí Hồ Chí Minh đã từng hỏi tôi về cách tổ chức của Đảng để tiến hành đấu tranh cho quyền lợi thiết thực hàng ngày cũng như mục đích lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Trong khi trò chuyện với Người, tôi cũng hỏi nhiều về tình hình Việt Nam, nhất là về cuộc đấu tranh cho thống nhất đất nước. Người nói với tôi: “Cuộc đấu tranh ấy còn nhiều gian khổ, còn nhiều hy sinh”. Nhưng Người, với tầm nhìn rất thực tiễn, đã chỉ rõ dã tâm thâm độc của đế quốc Mỹ, đồng thời cho thấy những yếu tố tích cực trong phong trào cách mạng miền Nam. Người nói: “Tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ, cuối cùng nhân dân Việt Nam nhất định thắng”. Niềm tin đó của Người đã trở thành hiện thực vẻ vang trong niềm hân hoan, vui sướng của bầu bạn khắp năm châu.

Tiếc thay, đồng chí Hồ Chí Minh không còn nữa! Đối với riêng tôi, đây cũng là một sự mất mát, một tổn thất không sao bù đắp nổi. Từ ngày đó, tôi luôn giữ trong mình một tấm ảnh chụp hai chúng tôi đang nói chuyện cùng nhau tại một buổi chiêu đãi trọng thể ở Béclin. Tôi cũng thường đọc tác phẩm của Người, đọc cả thơ Người nữa. Toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của đồng chí Hồ Chí Minh luôn luôn cổ vũ nhiệt tình cách mạng của chúng tôi.

(MÁC RÂYMAN2, đăng trên Báo ảnh Việt Nam, tháng 5 năm 1981)

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích

1. Nhà Việt Nam học của Nga.
2. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đức.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: