23. Ở Đại hội Tua
Năm 18 tuổi tôi đi lính ra trận, tham ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Bố tôi là đồ đệ của Giăng Giôrét, đã giải thích cho tôi hiểu chiến tranh đế quốc chỉ làm lợi cho bọn tư bản và ních chặt thêm két bạc của chúng. Trước khi chiến tranh kết thúc tôi bị thương nặng, được giải ngũ và từ đó tôi căm thù vô cùng những cuộc chiến tranh do bọn đế quốc gây ra.
Năm 20 tuổi, tôi làm thợ xe lửa ở Xômuya và lãnh đạo phong trào bãi công của thợ xe lửa ở đây. Lúc đó chưa có Đảng Cộng sản Pháp, trong Công đoàn Pháp có nhiều phần tử xã hội cơ hội chủ nghĩa, cho nên một số người lập ra “Ủy ban công đoàn đỏ” tỉnh Menêloa. Tôi có chân trong “Ủy ban Công đoàn Đỏ”, bao gồm nhiều ngành lao động trong Tỉnh; tháng 8 năm 1920 Ủy ban Công đoàn Đỏ tỉnh Menêloa và tổ chức “Đoàn thanh niên công đoàn xã hội” cử tôi và hai đồng chí nữa làm đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua.
Cuối năm 1920, chúng tôi đến Tua bằng xe lửa. Tới ga có các đồng chí ở địa phương ra đón. Ba chúng tôi ở trọ tại nhà đồng chí Rơ-véc-đi, thợ xe lửa ở Tua. Đại hội Đảng Xã hội khai mạc vào đúng dịp lễ Noel, ngày 25 tháng 12 năm 1920, tại phòng họp lớn của nhà Mane ở Tua. Sau lưng Đoàn Chủ tịch Đại hội có hai khẩu hiệu lớn: “Giải phóng người lao động là nhiệm vụ của chính người lao động”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Ngoài hành lang, cạnh phòng họp có nơi làm việc của nhân viên Sở Bưu điện để phục vụ nhà báo và các đại biểu. Ban nhạc “Tương lai nhân dân” hát bài Quốc tế ca, sau đó một ban nhạc đồng ca hát hai bài ca cách mạng khai mạc phiên đầu tiên của Đại hội Tua. Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm các đồng chí Mácxen Casanh cùng sáu, bẩy đồng chí khác và Chủ tịch danh dự của Đại hội là cánh thủy thủ Pháp làm binh biến trên biển Hắc Hải.
Đại hội đã trải qua những giờ phút vô cùng sôi nổi. Tôi nhớ nhất lúc Phrốtxa, Tổng Bí thư Đảng đang đọc diễn văn thì nữ đồng chí Clara Đétkin, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, đại diện Quốc tế Cộng sản bước vào Đại hội bất chấp sự bao vây, ngăn cản của cảnh sát Pháp. Một sự kiện nổi bật khác trong Đại hội là lúc Đoàn Chủ tịch giới thiệu với Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cả Đại hội đứng dậy vỗ tay như sấm ran, hoan hô nhiệt liệt người đồng chí Việt Nam có thân hình cao và gầy, khuôn mặt xương xương. Tôi nhớ rõ khung cảnh hoành tráng của Đại hội khi đồng chí Tổng Bí thư Đảng thay mặt Đoàn Chủ tịch ôm hôn đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tiếng vỗ tay vang dội.
Hồi ấy phòng họp Đại hội chưa có micro và hệ thống phóng thanh tốt như ngày nay. Đại hội đã lắng nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, tả lại nỗi thống khổ của 20 triệu người Việt Nam thời đó người ta gọi là người An Nam bị đàn áp, khủng bố, bóc lột thậm tệ dưới ách đô hộ Pháp, bị bọn thực dân dùng rượu với thuốc phiện đầu độc. Đồng chí nêu lên vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau đó, Gôngđơ trên Đoàn Chủ tịch Đại hội tuyên bố trước Đại hội: “Toàn thể Đảng Xã hội Pháp nhất trí phản đối những tội ác và sự lộng quyền của bọn tư bản ở Đông Dương”. Phải nói thêm là đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp giỏi.
Một vấn đề hết sức quan trọng được thảo luận trong Đại hội là vấn đề Đảng Xã hội Pháp gia nhập Đệ tam Quốc tế hay không? Lúc đó trong Đảng có nhiều khuynh hướng mâu thuẫn nhau và các đại biểu trong Đại hội ngồi theo khuynh hướng, những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó ngồi ở phía trái của phòng họp, nhìn từ trên Đoàn Chủ tịch xuống. Bàn các đại biểu xếp theo chiều dọc phòng họp chứ không xếp theo chiều ngang. Đồng chí ngồi ở dãy bàn thứ hai kể từ trái và ngồi cạnh đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê.
Người ta đưa ra trước Đại hội nhiều kiến nghị khác nhau về vấn đề Đảng Xã hội có gia nhập Đệ tam Quốc tế hay không? Có kiến nghị của Casanh - Phrốtxa ở “Ủy ban Đệ tam Quốc tế” đưa ra, kiến nghị Giăng Lôngghê Pôn Pho ở “Ủy ban Tái thiết quốc tế” đưa ra, kiến nghị của “Ủy ban Kháng chiến xã hội” do Lêông Blum và Paoli đưa ra và kiến nghị của Prétxơman. Kiến nghị của Casanh - Phrốtxa chủ trương hoàn toàn gia nhập Đệ tam Quốc tế còn các kiến nghị khác thì chống lại.
Đại hội tranh luận khá náo nhiệt chung quanh các kiến nghị nói trên. Cuối cùng Đại hội bỏ phiếu để quyết định. Kiến nghị Casanh Phrốtxa chủ trương gia nhập Đệ tam Quốc tế đã thắng lợi với đa số phiếu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Đệ tam Quốc tế. Những đại biểu chống việc gia nhập Đệ tam Quốc tế liền rời khỏi Đại hội, rủ nhau đi họp ở những nơi khác. Những người chủ trương gia nhập Quốc tế Cộng sản ở lại, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Pháp và Đại hội của Đảng Cộng sản Pháp mới ra đời tiếp tục họp tại phòng họp nhà Mane ở Tua và như thế đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp.
Riêng tôi không bao giờ quên được hình ảnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua và tôi kính trọng đồng chí ở tinh thần cách mạng vĩ đại và đức tính giản dị vô song. Trong tuổi già này tôi chỉ có một lời chúc chân thành cho nhân dân Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam của đồng chí Nguyễn Ái Quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ giành được hòa bình trong độc lập và tự do thật sự.
(Raun Lácsê1, Trích trong Bác Hồ ở Pa-ri, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.20-23).
24. Hồi ức về Hồ Chí Minh
Vào giữa những năm 1960, khi đại diện cho phong trào hòa bình Ô-xtrây-li-a tại một hội nghị Châu Âu, tôi được Hội đồng Hòa bình Việt Nam mời tới thăm Việt Nam trên đường trở về Ô-xtrây-li-a. Tại Hà Nội, sau những cuộc thảo luận với Hội đồng Hòa bình, tôi đã được đặc ân thú vị là trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc này xảy ra tại dinh trước đây của cao ủy Pháp ở Đông Dương, nhưng nay là trụ sở chính thức của Chủ tịch và dinh còn được dùng vào những cuộc tiếp đón chính thức. Chúng tôi ngồi trao đổi bên nhau trên chiếc ghế đẩu trong sân đình, cạnh một cái nhà nhỏ. Vào thời thực dân Pháp trước đây, chỗ này là nơi ở của người coi vườn của Cao ủy, nhưng nay là nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thái độ và cách đối xử thân mật, cởi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay lập tức làm người ta thoải mái và cuộc trao đổi sau đó giữa chúng tôi là một cuộc trao đổi giữa hai người bạn đi theo hai đường khác nhau để tìm cách chấm dứt sự xâm lược của đế quốc Mỹ và chư hầu Ô-xtrây-li-a của nó ở Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh chống áp bức của thực dân Pháp và sau khi giành được thắng lợi Người lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân mình bắt đầu một cuộc đấu tranh mới. Sự can thiệp chính trị và quân sự của Mỹ.
Những cuộc đấu tranh suốt đời để giành độc lập cho đất nước mình đã không làm cho Hồ Chí Minh trở thành một người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, trái lại, Người vẫn là một người quốc tế chủ nghĩa vĩ đại với một nhãn quan thế giới.
Người bảo tôi rằng phong trào phản chiến to lớn đã bắt đầu ở chính nước Mỹ và trở thành phong trào toàn thế giới phong trào lớn nhất trong lịch sử, có tầm quan trọng to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ cho tự do và độc lập và tình đoàn kết quốc tế ấy đánh dấu những bước đầu của một giai đoạn mới trong các mối liên hệ giữa người với người.
Chủ nghĩa quốc tế của Hồ Chí Minh tiêu biểu bởi tinh thần nhân đạo và thương người. Người đã nghiên cứu và đã học ở Pháp và làm việc ở Anh, đồng thời là hiện thân và ủng hộ những ai đấu tranh chống áp bức và bất công xã hội ở Châu Âu cũng như Châu Á. Nói thạo tiếng Pháp và tiếng Anh như tôi đã phát hiện trong cuộc trò chuyện với Người, Hồ Chí Minh nói cả tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Lòng nhân ái của Người biểu lộ đối với cả những kẻ do bọn cai trị của họ phái đi, nhiều khi trái ngược với ý muốn của họ, để tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo chống lại dân thường. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi đi thăm một nhóm nhỏ phi công Mỹ, bị bắn rơi trong các đợt ném bom và nay đang bị giam. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ, bị canh giữ, nhưng được đối xử lịch sự và theo đúng các điều luật quốc tế về tù nhân chiến tranh. Mục đích cuộc đi thăm của tôi, như tôi hiểu, là cho các phi công Mỹ trong những năm bị giam giữ, một sự tiếp xúc với một nền văn hóa và một ngôn ngữ giống như họ. Tôi thảo luận với họ, trả lời một vài câu hỏi của họ và nhận một vài bức thư để trao cho bạn bè, người thân của họ. Tôi không thể hình dung nước Mỹ có cách đối xử tương tự đối với tù binh chiến tranh mà họ bắt được.
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa sáng tạo vĩ đại và là một người hành động. Chủ nghĩa xã hội ở Người không bè phái cũng không giáo điều, mà nhân đạo và nhân loại. Nhiệm vụ đầu tiên là giành tự do, độc lập cho đất nước, thiết lập một xã hội - xã hội chủ nghĩa với tính cách một bộ phận của cuộc đấu tranh của Châu Á để tự giải phóng mình khỏi sự áp bức và bóc lột của đế quốc nước ngoài. Tư tưởng chính trị của Người chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa xã hội lớn Châu Âu được áp dụng vào một hoàn cảnh Châu Á và điều đó đã đem lại cho nó một ý nghĩa thế giới.
Tấm gương và tinh thần của Hồ Chí Minh sống mãi ở Việt Nam và trong lòng nhân dân Việt Nam. Tuy bị một kẻ thù cô lập hóa nó, Việt Nam sẽ lấy lại vị trí xứng đáng của mình trên thế giới nhờ tinh thần bất khuất mà họ đã biểu lộ một nửa thế kỷ đấu tranh cho các quyền của mình với tư cách một thành viên trong toàn thể cộng đồng thế giới.
(Giônlan (W.E.Gollan)2, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.250).
25. Một con người suốt đời vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội
... Trong Di chúc, văn kiện đặc sắc cuối cùng, biểu hiện sự sáng suốt của đồng chí Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”3.
Người viết như vậy, chính là vì Người hết lòng yêu mến nhân dân Việt Nam và Người mong muốn họ sẽ được sung sướng.
Và cũng chính vì đồng chí Hồ Chí Minh là người suốt đời phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, cho độc lập và tự do, cho Đảng và chủ nghĩa xã hội.
...
Chính nhờ có Đảng và chủ nghĩa xã hội, nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước đầu tiên đã chuyển từ chế độ thuộc địa sang chủ nghĩa xã hội và ngày nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có thể, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lại, chuyển sang gần tới một giai đoạn phát triển mới.
Bởi vậy, người chiến sĩ Việt Nam yêu nước vĩ đại ấy không phải chỉ là người của riêng nhân dân Việt Nam mà còn là người của phong trào cách mạng thế giới, người của phong trào cộng sản quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại của thời kỳ quang vinh trong những năm đầu tiên của Quốc tế III, vì Người bắt đầu hoạt động trong Quốc tế Cộng sản ngay lúc Lênin vừa mất. Chúng ta tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn vì Chủ tịch là một trong những chiến sỹ tiên phong của chủ nghĩa cộng sản, một trong những người đã tổ chức và phát triển phong trào cách mạng trong khắp năm châu bốn biển. Và đặc biệt hơn nữa là đối với chúng ta, những người Cộng sản Pháp, người chiến sỹ quốc tế vĩ đại ấy rất được tôn kính, vì năm 1920, lúc đồng chí Hồ Chí Minh còn ở Pháp, Người đã tham gia Đại hội Tua và do đó Người được coi như một trong những người sáng lập ra Đảng chúng ta. Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa nhân dân ta và nhân dân Việt Nam ngày càng chặt chẽ và thân thiết. Bởi vậy, buổi Lễ truy điệu được tổ chức hôm nay để tưởng nhớ đến người đồng chí của chúng ta, cũng là sự biểu hiện của mối tình đoàn kết hoàn toàn giữa chúng ta với nhân dân Việt Nam.
Cuối cùng, chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vì Người đã có những cống hiến vĩ đại như trên đã nói, mà còn vì đạo đức tuyệt vời của Người và vì ánh sáng mà Người đã tỏa ra khắp nơi. Vị Nguyên thủ ấy, nhà lãnh đạo được mọi người tôn kính ấy, Người đã làm cho bọn đế quốc kinh hồn khiếp vía ấy, chính là một người có đức tính dịu dàng, khiêm tốn, chỉ nghĩ đến người khác. Những đức tính tốt đẹp đó của Người đã biến thành một sức mạnh mà ngày nay, ngay cả trong giờ phút chúng ta tỏ lòng thương tiếc Người, đang được triển khai trên thế giới...
Tuy đã từ trần, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và phục vụ hòa bình.
Bởi vậy buổi Lễ truy điệu được tổ chức hôm nay để tưởng nhớ đến Người không phải là khóc thương thảm thiết một người đã vĩnh biệt chúng ta. Trái lại, sự tưởng nhớ đó phải là sự khẳng định rằng Người sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Đó cũng là sự khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự tất thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và thống nhất tổ quốc của nhân dân Việt Nam - sự nghiệp này là trung tâm cuộc chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành. Sự tưởng nhớ đó phải là biểu hiện lòng quyết tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết của chúng ta trong việc tăng cường ủng hộ về vật chất và chính trị đối với nhân dân Việt Nam cho đến ngày đế quốc Mỹ xâm lược bị đánh bại hoàn toàn.
Vẻ vang và vinh quang thay Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, chiến sĩ yêu nước và chiến sĩ quốc tế mẫu mực.
(Gioócgiơ Mácse4, Trích bài đăng trên báo Nhân đạo cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra 12/9/1969).
26. Hồ Chí Minh là ai?
… Đối với những ai từng biết điều gì xảy ra ở Đông Âu đầu thập niên 1950 thì ở Hà Nội tháng 8 năm 1945 cũng tương tự: Làm tê liệt các lực lượng vũ trang địa phương, cướp lấy công sở chủ chốt và cơ sở phục vụ công cộng. Mọi việc đều có tổ chức. Mọi việc đều được dễ dàng. Thành phố tràn ngập khí thế cách mạng.
Thậm chí Bảo Đại lúc ấy cũng điện cho Đờ Gôn chớ có đem quân Pháp sang Việt Nam: “Ngài có thể hiểu hơn, cho nên Ngài có thể thấy cái gì đang xảy ra ở đây nếu Ngài có thể cảm thấy ý muốn độc lập đã âm ỉ từ đáy lòng mọi người mà không có một sức mạnh nào có thể ngăn lại được nữa. Thậm chí Ngài tới để lập lại một chính quyền Pháp ở đây, người ta sẽ không tuân theo nó nữa. Mỗi làng sẽ là một ổ đề kháng. Mỗi người bạn cũ sẽ trở nên một kẻ thù. Các quan chức của Ngài và cả những người thực dân cũng sẽ xin đi khỏi cái không khí tắc thở này”.
Bảo Đại cảm thấy không thể tránh được ngày 25 tháng 8 chịu thoái vị, nhận chức “Cố vấn” của Chính phủ Việt Minh với cái tên của một công dân: Vĩnh Thụy.
Những ngày này, Cụ Hồ ở ngoại thành Hà Nội. Cuộc hành quân ào ạt được tổ chức chặt chẽ mà Cụ vạch ra từ căn cứ địa đã được các đồng chí của Cụ thực hiện thành công mỹ mãn. Cụ không cần dẫn đầu đoàn đại biểu diễu binh về Hà Nội. Họ đã vào thành phố khoảng ngày 25 tháng 8 nhưng chưa xuất đầu lộ diện. Dân chúng bàn tán về người đứng đầu Chính phủ mới!
- Lãnh tụ Việt Minh là ai? Có phải Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng?
- Một số người nói rằng người ấy là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là ai?
Có người nói Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Hư hư, thật thật. Hư mà thật, thật lại như hư.
Ngày 30 tháng 8, Việt Minh thông báo danh sách Chính phủ. Chủ tịch là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh một cái tên mà lúc ấy hầu như mọi người Việt Nam chưa từng biết đến. Người ta đoán chắc ông là Nguyễn Ái Quốc. Các nhà báo hỏi về gốc tích của Cụ, Cụ trả lời: “Tôi sinh ra là một người nô lệ. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Xét quá khứ của tôi như vậy, các đồng sự của tôi đã bầu tôi đứng đầu Chính phủ”.
Cụ trả lời mà như không trả lời, như thể Cụ nói: “Tên tôi là không quan trọng. Tôi là những nỗi đau khổ của các bạn bị người da trắng cầm tù. Và hơn tôi là người dành cho các bạn. Tâm hồn của các bạn là tôi”.
Như vậy 10 ngày sau khi Nhật đầu hàng, Việt Minh đã kiểm soát được Việt Nam và Cụ Hồ làm Chủ tịch.
(D.HamBớcxtem5, Trích trong Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn Hà Nội, 1995, tr.185-187)
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích:
1. Sinh năm 1896, xuất thân là thợ xe lửa, tham gia công tác công đoàn của thợ xe lửa Pháp trong nhiều năm, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia kháng chiến chống Đức, bị phát xít Đức bắt năm 1941, sau Chiến tranh thế giới thứ hai lại tham gia hoạt động cách mạng, năm 1951 về hưu và sống ở làng Aru (Arrou) thuộc tỉnh Ơêloa (Eure-et-Loir), cách thị xã Sác (Chartres) khoảng 40km về phía Tây nam.
2. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.498.
4. Chủ tọa buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pari.
5. Nhà báo Mỹ.