32. Vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các phong trào giải phóng dân tộc
Nhắc tới cuộc đời Hồ Chí Minh, thực tế là nhắc tới lịch sử loài người. Đặc biệt lịch sử đầu thế kỷ XX cho đến khi thế kỷ XX kết thúc. Và cụ thể hơn, đó là lịch sử các nhân dân Châu Á chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân phương Tây đã từng được thiết lập ở đây qua nhiều thế kỷ. Đối với các nước Châu Á bị biến làm thuộc địa, thì sự hiểu biết lịch sử là rất quan trọng. Ba mặt được bao hàm trong lịch sử là hồi tưởng quá khứ, nhìn sâu vào hiện tại và cuối cùng là hướng tới triển vọng tương lai.
Con đường đi từ quá khứ tới tương lai thông qua hiện tại là một con đường diễn biến theo hình xoáy ốc. Đó không phải là một con đường đi xuống. Quy luật phát triển lịch sử không hoạt động “một cách định mệnh” và máy móc mà diễn ra thông qua sự tất yếu của những hoạt động có ý thức và cố gắng của con người.
Cố nhiên, các nhân vật lớn cũng có ảnh hưởng tới quy luật phát triển lịch sử và phát triển xã hội. Nhưng các nhân vật lớn không phải là những người tạo ra các biến cố lịch sử. Họ là những sản phẩm của thời đại của họ với tính cách một nhu cầu chính trị và xã hội.
Tiêu chuẩn này chiếm ưu thế trong quan điểm của chúng tôi về vai trò và vị trí lịch sử của Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX này.
Người sống trong những ngày chủ nghĩa thực dân phương Tây và chủ nghĩa đế quốc tấn công Châu Á, cụ thể là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc Pháp chống lại Việt Nam và Đông Dương. Người đã nhìn thấy dân tộc mình, đã từng là vĩ đại trong thời độc lập của nó trước đấy, nay bị lăng nhục trong thời đại thực dân. Người đã nhìn thấy thế giới khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, và đó là một cuộc nội chiến giữa những người Châu Âu giành thuộc địa. Đó cũng là cuộc chiến tranh giữa “những người có” và “những người không có”. Người đã nhìn thấy chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu là nhằm phân chia lại thuộc địa và nó diễn ra giữa những kẻ có quá nhiều thuộc địa với những kẻ không có thuộc địa nào hết. Chiến tranh diễn ra chủ yếu giữa một bên là Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ và bên kia là Đức, Italia, Nhật. Cả hai bên đều có một khả năng tài chính công nghiệp to lớn và cạnh tranh với nhau.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng như trong chiến tranh thế giới thứ hai, các thuộc địa chẳng qua chỉ là những con bài của bọn đế quốc trong việc giành giật đất đai, bất chấp ý muốn của nhân dân các nước đó.
Hồ Chí Minh là người chưa bao giờ được hưởng giáo dục cao đẳng, đã học được nhiều ở sự phát triển lịch sử trong thế kỷ XX, nhất là của hai cuộc chiến tranh thế giới do chủ nghĩa đế quốc gây ra nhằm chia lại thuộc địa, tước đoạt quyền tự do, độc lập của các dân tộc.
Do đó, theo Hồ Chí Minh không có gì quý hơn độc lập, tự do. Bởi vì, nếu như chúng ta không thể giành lại được quyền tự do và độc lập từ bọn cai trị thực dân thì chúng ta sẽ vĩnh viễn mất Tổ quốc, chúng ta sẽ vĩnh viễn bị nô lệ. Do đó, chúng ta phải hy sinh. Chúng ta thà mất tất cả còn hơn là mất nước và bị nô lệ lần nữa.
Chính xuất phát từ lịch sử này mà Hồ Chí Minh đã rút ra được nhiều bài học đối với nhân dân. Nhân dân hay quần chúng là yếu tố quan trọng nhất trên thế giới.
Trong thế giới ngày nay, không có cái gì có thể chống lại sự đoàn kết của nhân dân. Trong thế giới ngày nay, không cái gì quý báu hơn nhân dân. Không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội, không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ nhân dân.
Lòng tin tưởng của Người vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân vì độc lập của quốc gia và dân tộc được biểu hiện rõ rệt trong những lời nói sau: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân”1.
Người nói trong bức thư năm 1948, cho các cán bộ Việt Nam: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc"2.
Đó là một vài câu trong những lời dạy của Người mà Người đã rút ra từ lịch sử và trao lại cho nhân dân Việt Nam và các nhà lãnh đạo của nó trong việc tiến hành cuộc đấu tranh cho độc lập chống lại chủ nghĩa thực dân.
Khi Hồ Chí Minh đi thăm Inđônêxia từ 27/2 đến 8/3 năm 1959, Người đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Pátgiagiaran tại thành phố lịch sử Băngdung, Người đã tóm tắt trường học cuộc đời của Người trong xã hội và trong nhân dân như sau:
Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường Đại học. Tôi đã đi du lịch và đã làm việc, đó là trường đại học của tôi, đó là trường học của tôi… Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó đã dạy cho tôi cách yêu, cách ghét: Yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và căm ghét áp lực ích kỷ…
Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học quân sự. Với gậy tầm vông, nhân dân đã đánh bại quân đội đế quốc Pháp và để giành tự do, với Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trường học ấy cũng đã dạy tôi lịch sử. Tôi đã thấy rằng trên 50 năm qua, tất cả các nhân dân bị áp bức, như Inđônêxia, Ấn Độ, Việt Nam… ngày càng đi lên. Thế còn bọn đế quốc chủ nghĩa thì thế nào? Họ ngày càng đi xuống.
Trường học ấy đã dạy tôi chính trị. Chính trị là gì? Theo như tôi biết, đó là sự đoàn kết nhân dân. Sự đoàn kết của nhân dân Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xucácnô và với sự thống nhất ấy các bạn đã tống cổ bọn đế quốc Hà Lan. Sự đoàn kết trong nước và sự đoàn kết giữa các nước anh em, giữa Inđônêxia với Việt Nam và các nước Châu Á và Châu Phi. Sự đoàn kết ấy sẽ vĩnh viễn thanh toán bọn đế quốc.
Khoa học là gì? Nó có nghĩa là trở thành hữu ích cho nhân dân. Các cháu yêu quý! Các cháu sẽ là những nhà khoa học tương lai, không phải là những ông quan sống ở trên và cách xa nhân dân, mà để làm việc cho nhân dân.
Qua đó ta thấy rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tự học. Một người học tập độc lập không có sự hướng dẫn chính thức của một ông thầy. Ông thầy của Người là xã hội, là nhân dân nói chung và lịch sử phát triển xã hội.
Chính từ trong lòng xã hội và trong nhân dân mà Người đã học các khoa học xã hội, chính trị và quân sự. Đồng thời luân lý và đạo đức của khoa học là phải phục vụ quyền lợi nhân dân nói chung. Người không chỉ là một nhà tư tưởng, mà còn là một con người luôn luôn hành động. Cho nên Người vừa là một nhà tư tưởng vừa là một người hành động. Điều Người nghĩ và suy nghĩ sâu sắc, sau đó Người biến thành hành động trên cơ sở luân lý và đạo đức theo nhân dân.
Những hành động mà Hồ Chí Minh phát triển không chỉ trong lĩnh vực đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình mà còn cả trong lĩnh vực đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc thuộc địa cũng như trong lĩnh vực hiểu biết quốc tế giữa toàn thể loài người nhằm hướng tới hòa bình.
Đó là cội nguồn của những suy nghĩ và những ý nghĩ rất sâu sắc và nhân đạo được biểu hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Ngay lập tức Người kết hợp những điều này với nhu cầu cần một đầu óc tự do và độc lập để tạo nên tinh thần sáng tạo của nhân dân trong lĩnh vực của nghệ thuật và văn học.
Nghệ thuật và văn học của nhiệm vụ lịch sử là phục vụ tự do và độc lập. Mặt khác, tự do và độc lập dân tộc và những điều kiện tuyệt đối để làm tái sinh tinh thần sáng tạo của nhân dân trong dân tộc về mặt vật chất và tinh thần trong việc xây dựng Nhà nước.
Chính vì vậy cho nên năm 1962, nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Hồ Chí Minh nói:
“Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”3.
Cũng theo cách ấy, Người nhấn mạnh những ý kiến của Người ở Trường Đại học Pátgiagiaran, khi Người nói:
“Nhân dân Việt Nam từ lâu rất khâm phục nền văn hóa nghệ thuật tốt đẹp cổ truyền của nhân dân Inđônêxia. Những công trình kiến trúc lịch sử, những điệu múa, điệu nhạc dân tộc, những thơ văn lưu truyền từ nghìn xưa của nhân dân Inđônêxia làm cho ai nấy đến Inđônêxia đều thêm lòng yêu mến văn hóa của Inđônêxia. Bọn thực dân muốn kìm hãm nền văn hóa ấy nhưng nhân dân và những nhà tri thức Inđônêxia đã anh dũng đấu tranh để bảo vệ nền văn hóa dân tộc của mình. Từ ngày Inđônêxia giành lại độc lập, các nhà trí thức Inđônêxia mà các vị giáo sư là những người tiêu biểu, đã ra sức làm cho nền văn hóa Inđônêxia luôn ngày càng phát triển mạnh mẽ4.
Ở đây nữa, Hồ Chí Minh nói đấu tranh cho độc lập không những có mục tiêu là giành chủ quyền chính trị. Nó không chỉ thu hẹp ở chỗ tự lực cánh sinh về kinh tế chống lại sự bóc lột về kinh tế. Nó còn làm sống lại diện mạo dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, chống lại sự xâm nhập và sự phá hoại của văn hóa thuộc địa suy thoái.
Nhân dân Inđônêxia gọi Hồ Chí Minh là Pamen (Bác Hồ), như vậy, Người được xem là một người anh em của những người lãnh đạo Inđônêxia vẫn thường được gọi là Bapak (Cha). Như vậy Bác Hồ san sẻ với các nhà lãnh đạo của chúng tôi tinh thần yêu “những đứa con” của mình (nhân dân nói chung).
Bác Hồ sống trong trái tim của nhân dân Inđônêxia như một người yêu nước đã chiến đấu không biết mệt mỏi cho nền độc lập dân tộc. Người cũng là một người quốc tế nhân đạo và là một người của cả nhân loại yêu quý hòa bình và hợp tác với mọi dân tộc trên cơ sở tự do, độc lập và hiểu biết lẫn nhau dựa trên bình đẳng, phù hợp với phẩm giá của con người.
(RÔEXLAN ÁPĐUNGANI5, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1995, tr. 105-113)
33. Một con người nồng hậu
Tôi nhớ mãi không quên hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai lần gặp ấy càng làm tôi nhận rõ đặc tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lần gặp đầu vào năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pari nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Pháp từ ngày đồng chí rời khỏi Pháp năm 1923. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Pari với tư cách là nguyên thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó thiết cơm một số đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp tại khách sạn Roayan Môngxô. Chủ tịch còn cho mời chị Matin Pêri và tôi đến cùng dự vì Chủ tịch muốn tỏ lòng thương nhớ tới hai người bạn Pháp đã ủng hộ nhiệt tình cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Đó là Gabrien Pêri chồng chị Matin và Vayăng Cutuyriê chồng tôi.
Trong bữa ăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi lại những kỷ niệm của Chủ tịch về nước Pháp, về những năm Chủ tịch hoạt động cách mạng, về tình hình Việt Nam, về mối quan hệ giữa nhân dân Pháp và Việt Nam. Tôi nhớ lại hồi nhà tôi còn sống, nhà tôi có kể chuyện về đồng chí Nguyễn Ái Quốc cho tôi nghe. Pôn Vayăng nói với tôi: Chính nhờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc mà anh hiểu ra vấn đề chủ nghĩa thực dân Pháp và biết thêm về sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp ở thuộc địa. Và Pôn Vayăng cho rằng sự quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giúp ích rất nhiều trong suốt đời của mình để nắm chắc hơn vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Lần thứ hai, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh năm 1959. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang dự Quốc khánh lần thứ 10 của Trung Quốc, còn tôi thì tham gia Đoàn đại biểu Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế. Một hôm, tôi nhận được giấy mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến ăn cơm. Một chiếc xe hơi đến đón và đưa tôi tới biệt thự của Đoàn đại biểu Việt Nam. Tôi tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời tôi đến ăn cơm cùng với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Oandéc Rôsê dẫn đầu. Nhưng khi tới nơi tôi ngạc nhiên chỉ thấy có mình tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tôi biết: “Tôi đã mời bốn đồng chí Pháp đến ăn cơm vào một buổi khác. Tối nay tôi muốn gặp cô để nói chuyện về người bạn cũ của tôi là Pôn Vayăng Cutuyriê”.
Trong bữa ăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cho tôi nghe những lần đồng chí gặp chồng tôi thời kỳ Đảng Cộng sản Pháp mới ra đời sau khi hai người đã ngồi cạnh nhau tại Đại hội Tua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Vayăng Cutuyriê đã giải thích cho tôi biết đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp như thế nào, tình cảm quốc tế đã phát triển ở đồng chí như thế nào do đồng chí nhận thức được điều đó khi đứng trước những sự tàn bạo của chiến tranh đế quốc. Đồng chí đã giúp tôi hiểu nhân dân Pháp, còn tôi, tôi đã giải thích để đồng chí hiểu thế nào là chủ nghĩa thực dân. Sau khi rời Pháp, tuy xa xôi cách trở, tôi vẫn hằng theo dõi hoạt động của đồng chí Pôn Vayăng Cutuyriê qua những bài đồng chí viết trên báo Nhân đạo. Và đôi khi sự tình cờ lại giúp ích nhau. Năm 1933, tôi bị tù ở Trung Quốc giữa lúc Pôn Vayăng Cutuyriê tham gia Đoàn đại biểu của phong trào chống chiến tranh và chống chủ nghĩa phát xít sang Trung Quốc dự Đại hội chống chiến tranh ở Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu ấy do một người Anh tên là Máclô dẫn đầu. Chính Pôn Vayăng Cutuyriê lúc đó đã kiếm giúp cho tôi một người thầy cãi và giúp tôi bắt liên lạc với các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong thời kỳ hoạt động bí mật.
Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện về Việt Nam và Chủ tịch nói rằng Pôn Vayăng Cutuyriê sẽ vui mừng biết chừng nào nếu Pôn Vayăng Cutuyriê còn sống để được thấy nước Việt Nam ngày nay đã thoát khỏi ách thực dân và đang xây dựng cuộc sống mới mặc dầu bị chiến tranh tàn phá. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến sự tin tưởng vững chắc của Chủ tịch vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.
Khi tôi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhã ý tiễn tôi đến tận đầu cầu thang. Tôi quay lại nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh để chào Chủ tịch lần cuối cùng và tôi thấy vóc dáng gầy gò trong bộ quần áo trắng và nụ cười rạng rỡ của Người.
Tôi vô cùng cảm động về lần gặp này vì tuy bận việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả một buổi tối để nói chuyện trên phương diện tình cảm con người về một người bạn cũ đã qua đời 22 năm về trước. Đây là một trong những đặc tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người nồng hậu, cởi mở.
Ít năm sau, khi tập Nhật ký trong tù in bằng tiếng Pháp ra đời tôi nhận được một quyển do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho, kèm theo một trang lời đề nhắc lại một lần nữa tình hữu nghị của Chủ tịch với Pôn Vayăng Cutuyriê.
(MARI CLỐT VAYĂNG CUTUYRIÊ6, trích trong "Bác Hồ ở Pháp",
Nxb. Văn học Hà Nội, 1970, tr.76-79).
34. Một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới
Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ với các đồng chí Việt Nam rằng đối với nhân dân, Chính phủ và những người cách mạng Chile, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và mãi mãi vẫn là tượng trưng của một niềm tin sâu sắc đã thành sự thật trong từng giây phút của cuộc đời Người.
Người là một nhà tổ chức cách mạng, một nhà lãnh đạo chính trị, một người đã từng bôn ba ở nước ngoài, một nhà tổ chức quân sự, một nhà văn, một nhà thơ. Rất hiếm có những người tập trung ở mình nhiều đức tính nổi bật đến thế. Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường. Một niềm vui sướng đối với tôi là đã được gặp Người. Tôi đã đến Việt Nam năm 1969, lúc mà tuổi tác đang đè nặng lên Người và đã mấy tháng liền Người không hề tiếp một đại sứ nào trình quốc thư. Tôi đã được một điều hân hạnh đặc biệt là Người đã rời giường bệnh để tiếp chúng tôi trong Đoàn đại biểu Đảng Xã hội. Chúng tôi đã được Người tiếp 45 phút liền.
Chưa bao giờ trong đời tôi, có dịp được trò chuyện, trao đổi và thảo luận với con người lỗi lạc, với những nhà cách mạng xuất sắc như Người. Chưa bao giờ có một con người nào đã để lại cho tôi những ấn tượng và cảm tưởng sâu sắc như đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến nhân vật huyền thoại đó, một nhân vật tuy đã mất nhưng vẫn luôn luôn có mặt trong lương tri và ý chí của tất cả những người cách mạng trên toàn thế giới. Tôi muốn nói với các đồng chí Việt Nam rằng trên vĩ tuyến này cũng như trên tất cả các vĩ tuyến khác, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện qua bài học mà cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho đồng bào Người.
... Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến những người đã đi tiên phong trên con đường đấu tranh như Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả cuộc đời mình, đã nêu cao quyết tâm giải phóng nhân dân mình và xây dựng một xã hội chủ nghĩa.
(Trích bài phát biểu của đồng chí Xavanđo Angiênđê trong dịp gặp hai Đoàn đại biểu thanh niên và học sinh đại học miền Bắc và miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ năm của Tổ chức sinh viên Mỹ latinh họp ở Thủ đô Xantiago, tháng 5 năm 1973).
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.97.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.420.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.646.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.354.
5. Tiến sỹ, nguyên Chủ tịch Nhóm cố vấn về hệ tư tưởng của Tổng thống Inđônêxia.
6. Vợ cựu Chủ nhiệm báo Nhân đạo Pôn Vayăng Cutuyriê đã quá cố, là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ dân chủ quốc tế, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp.