Chỉ mục bài viết

45. Ba mươi năm sau

Hồi ở Quốc tế Cộng sản, tôi có được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc một lần, nhưng cũng chỉ là một lần ngắn ngủi, thoáng qua, nhờ sự giới thiệu của đồng chí Vinhem Pich. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đồng chí lúc bấy giờ: Thân hình mảnh dẻ, đôi mắt sáng quắc, vầng trán rộng, gương mặt xương xương, khắc khổ. Và cái miệng hay cười, phong thái điềm tĩnh, nhã nhặn mới hấp dẫn làm sao! Dường như mới đó thôi, thế mà tính ra cũng đã ngót 50 năm rồi! Chỉ tiếc rằng, vì không làm việc trong cùng một bộ phận, tôi chưa lần nào có dịp nói chuyện riêng và lâu với đồng chí. Nhưng chúng tôi đều biết rõ đồng chí Vinhem Pich và đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân nhau lắm, có thể nói là quý nhau như anh em ruột vậy. Hồi đó cũng như sau này, tôi vẫn thỉnh thoảng được nghe đồng chí Vinhem Pich nhắc đến người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc đó của Việt Nam với mối thiện cảm sâu sắc những khi có tin tức gì về Việt Nam.

Đối với những người cộng sản Đức chúng tôi, đồng chí Nguyễn để lại nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Dưới thời bí mật, đồng chí đã từng sang Đức lăn lộn trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Đức chúng tôi. Đồng chí sang đây với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản.

Sau này, năm 1957, khi sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng chí Nguyễn - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ phút thân tình, thoải mái nhất, đã ôn lại với chúng tôi một vài mẩu chuyện về nước Đức ngày xưa. Đồng chí nhắc đến một khu công nhân Berlin mà đồng chí đã từng sống ở đó hàng tuần liền, nhắc đến tên những người giúp việc cho đồng chí… Đồng chí Ebéc, trong những năm 1950 còn là Thị trưởng của Thủ đô nước chúng tôi, đã trịnh trọng chào đồng chí Hồ Chí Minh là “một công dân cũ vĩ đại của Berlin”. Đồng chí Hồ Chí Minh mỉm cười:

- Các đồng chí nhớ lâu thật đấy. Ngày ấy, khi sang đây, tôi đã đóng vai một nhà triệu phú và lúc nào cũng bị bọn mật thám theo dõi. Nếu các đồng chí còn giữ được tài liệu mật thám phát xít thì sẽ tìm thấy hồ sơ về tôi trong đó đấy. Có điều là, tên tôi lúc đó khác với tên bây giờ…

Rồi, với nụ cười rất đôn hậu, đồng chí nói vui:

- Bây giờ thì trái lại, có công an hộ tống, có nhân dân đứng hai bên đường vẫy chào. Rất sung sướng là được trở lại mảnh đất năm xưa, được sống hồ hởi, cởi mở thực sự giữa những người anh em, những người đồng chí, cùng chung lý tưởng…

Nghe Chủ tịch nói, dĩ nhiên mỗi người chúng tôi đều cảm thấy sung sướng thực sự trước cuộc đổi đời kỳ diệu này. Trước ngày đồng chí Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức không bao lâu, đồng chí Vinhem Pich, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, đã gửi tới người bạn chiến đấu từ năm xưa của mình một bức thư chan chứa tình anh em. Đây là một đoạn trong bức thư đó: “Tôi trân trọng và thân ái kính mời đồng chí, trong dịp đi thăm các nước Châu Âu, đến thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức và tôi có thể báo tin chắc chắn với đồng chí Chủ tịch kính mến rằng, toàn thể nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ rất lấy làm vui mừng và vinh dự nếu Chủ tịch nhận lời mời của tôi. Riêng về tôi, tôi hy vọng rằng về mặt sức khỏe, tôi sẽ được bình phục khi Chủ tịch đến nước Cộng hòa Dân chủ Đức, để cá nhân tôi có thể tiếp đón được đồng chí. Với một niềm vui vô hạn và trong khi chờ đợi, tôi xin kính chào đồng chí”.

Thật lòng mà nói, hơn ai hết, chúng tôi, những người đã từng được chiến đấu bên cạnh hai vị Chủ tịch nước, càng hiểu nỗi lòng của đồng chí Vinhem Pich qua bức thư ấy. Và chúng tôi cũng càng hiểu sự lo lắng sâu sắc của đồng chí Hồ Chí Minh về sức khỏe của Chủ tịch Vinhem Pich. Khi đến Ba Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện ngay cho đồng chí Vinhem Pich tha thiết đề nghị đồng chí đừng ra sân bay đón. Tới Berlin, vừa xuống khỏi cầu thang máy bay, đồng chí Hồ Chí Minh đã hỏi thăm ngay sức khỏe của lão đồng chí mà Người vẫn gọi một cách trìu mến là “anh” của mình.

Thế là ngót 30 sau, kể từ những ngày ở Quốc tế Cộng sản, tôi đã hết sức vui mừng được gặp lại đồng chí Hồ Chí Minh - tức là đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân yêu ngày trước của chúng tôi. Gặp lại sau 30 năm, thử hỏi có biết bao nhiêu kỷ niệm cần nhắc lại, bao nhiêu suy nghĩ cần giãi bày. Tôi những mong muốn được gặp vị lãnh tụ lỗi lạc của phương Đông này để chúc mừng những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong mấy chục năm qua. Và điều mong muốn đó đã được thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân yêu của chúng tôi, sau nhiều năm xa cách, vẫn thân mật, vẫn đằm thắm như xưa. Và đặc biệt đồng chí vẫn không quên tên những người từng ở Quốc tế Cộng sản. Hoàn toàn không khách sáo, xã giao, đồng chí chân thành cảm ơn nhân dân và Đảng chúng tôi đã hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu đầy thử thách gian lao của Việt Nam.

Trong những giây phút gặp gỡ thân tình, không nhớ vì lẽ gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi đã đặc biệt nói với nhau nhiều về nước Pháp. Chắc hẳn vì mảnh đất này đã có những kỷ niệm không thể phai mờ đối với đồng chí từ những ngày đầu tiên đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Còn tôi, tôi cũng đã trải qua những ngày sôi động trong phong trào cách mạng Pháp, đã từng bị giam ở Nhà tù Côlômbê gần Thủ đô Paris, Trại tập trung Lơ Vécne, Trại giam Bóođu … Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh những trách nhiệm khác, từ nhiều năm nay tôi còn được cử làm Chủ tịch Hội hữu nghị Cộng hòa Dân chủ Đức -Cộng hòa Pháp. Có những đồng chí cộng sản Pháp vừa là bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là bạn của tôi như Môrít Tôrê, Pôn Vayăng Cutuyriê, Frăng xoa, Giắc Đuyclô. Riêng với Tôrê thì đồng chí Hồ Chí Minh tỏ ra yêu mến đặc biệt. Tại cuộc tiếp một phái đoàn các chiến sỹ chống phát xít do tôi làm Trưởng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động khi nói đến nhiệt tình của Tôrê đối với cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương trẻ tuổi và bảo vệ cách mạng Đông Dương. Kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp, Tôrê đã từng nói: “Nếu chúng ta muốn xứng đáng với Quốc tế Cộng sản thì trước hết chúng ta phải đoàn kết thực sự với hàng triệu công nhân và nông dân Đông Dương đang chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc Pháp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi đều nhận thấy Tôrê là một nhà chính trị rất thông minh, nhạy bén, luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, từ hoàn cảnh đấu tranh phức tạp của giai cấp công nhân Pháp và đồng thời cũng là một người bạn, một đồng chí được toàn Đảng yêu mến.

Nhân việc đồng chí Hồ Chí Minh nhắc đến Tôrê, tôi có kể lại cho Người nghe về Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Pháp họp vào cuối tháng 12 năm 1937, ở Áclơ mà tôi đã tham dự với tư cách là đại diện của Đảng Cộng sản Đức. Tại Đại hội này, trong bốn tiếng đồng hồ liền, Tôrê trình bày báo cáo của Trung ương Đảng dưới nhan đề “Nước Pháp của mặt trận nhân dân và sứ mệnh của nó trước thế giới”. Đồng chí kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tiếp tục đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ và tiến bộ xã hội. Hơn 1.000 đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt bản báo cáo và đứng dậy hát vang bài “Quốc tế ca”, bài “Những người Mácxây”. Tôi lấy làm ngạc nhiên và xúc động khi thấy các đảng viên của Đảng lại biểu thị lòng yêu mến đặc biệt của họ đối với Tôrê. Sau giờ nghỉ giải lao, toàn bộ Đại hội hát tặng đồng chí bài hát dân ca: “Khi mùa anh đào trở lại”, một bài hát của nhịp điệu uyển chuyển, nội dung đượm chút buồn nhưng cũng tràn đầy hy vọng, bài hát mà đồng chí Tôrê rất yêu thích. Sau này, tôi mới biết rõ xuất xứ của bài ca “Khi mùa anh đào trở lại”. Nó ra đời sau khi Công xã Pari thất bại, do đó, nội dung vừa buồn, vừa chứa chan niềm tin tưởng sâu sắc ở thắng lợi ngày mai…

Chúng tôi còn nhắc đến những kỷ niệm về đồng chí Đimitơrốp, con người có trái tim đầy tình cảm ấm áp, ưa thích những câu chuyện dí dỏm, hài hước; về đồng chí Tenlơman, nhân vật lịch sử lỗi lạc mà cũng là con người bằng da, bằng thịt, từng lăn lộn trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Đức với tất cả nhiệt tình sôi nổi và nghị lực phi thường; về đồng chí Vinhem Pich, con người vừa nghiêm túc vừa đôn hậu, vừa nguyên tắc, vừa độ lượng, vừa là lãnh tụ, vừa là người bạn chiến đấu thân yêu. Thủ đô Paris, Trại tập trung Lơ Vécne, Trại giam Bóođu … Những năm sau chiến tranh khi trở về ở gần nhau ở Păngcô (Béclin), tôi càng hiểu Chủ tịch Vinhem Pich trong tất cả sự hài hòa này. Chúng tôi cũng nhắc đến nữ đồng chí Clara Détkin với niềm khâm phục sâu sắc - người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp ở Đại hội Tua năm 1920 và được nữ đồng chí dạy cho từ Đức “Genosse” (đồng chí)…

Tôi còn được gặp riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam khác một lần nữa tại trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Lúc đó tôi là Quốc vụ khanh của Bộ. Tại lần gặp này tôi sung sướng được biếu Người món quà. Đó là tủ sách riêng của tôi, bao gồm những tác phẩm lớn về văn học cổ điển và hiện đại, những tác phẩm về lịch sử Đức và một số tuyển tập của Mác, Ăngghen và Lênin bằng tiếng Đức. Tôi biếu Người tủ sách này với ý nghĩ là nó sẽ trở thành cơ sở cho một thư viện về văn học và lịch sử Đức ở Trường Đại học Tổng hợp sau này. Hơn nữa tôi cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý sách. Mặc dù chương trình hoạt động sít sao, Người cũng đã tranh thủ cùng Thủ tướng Ốttô Grốttơvôn của chúng tôi đi thăm hiệu sách “Các Mác”, hiệu sách lớn nhất ở Thủ đô Béclin.

Tôi rất sung sướng được gặp, chứng kiến sự phát triển không ngừng của phong trào cộng sản quốc tế và tôi xin nói rằng phong trào cộng sản quốc tế vô cùng tự hào với những nhân vật lỗi lạc như Đimitơrốp, Tenlơman, VinhemPich, Gốtvan, Tôrê, Tiglôápti và Hồ Chí Minh… Đó là, những ngôi sao rực sáng của thời đại chúng ta.

Riêng về đồng chí Hồ Chí Minh, tôi có những ấn tượng hết sức sâu sắc. Là một người đã nhiều năm phụ trách công tác tổ chức Đảng, tôi được gặp biết bao nhiêu chiến sĩ ưu tú và luôn luôn cảm phục trước tinh thần cách mạng và đạo đức của họ. Nhưng có thể nói, tôi chưa lần nào bị thu hút một cách kỳ lạ như khi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Gặp đồng chí, từ những phút đầu người ta thấy ngay tầm cỡ lớn lao về chính trị, đạo đức của Người, sức mạnh về nghị lực của Người. Biết bao nhiêu ý chí gang thép ở con người mảnh dẻ, dịu dàng này! Người hầu như không bao giờ nói đến bản thân mình. Sau những lần tiếp xúc với Người, chỉ có thể nhớ mãi mối quan tâm của Người đối với nhân dân, đối với phong trào cách mạng trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng như Cộng hòa Dân chủ Đức là những bộ phận không thể tách rời. Gặp đồng chí Hồ Chí Minh, ngay từ phút đầu, không thể không nghĩ rằng, trước mắt mình đây là một người bạn lớn, một người cha thân yêu của thế hệ trẻ, một vị lãnh tụ suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho tự do của nhân dân!

(PHRĂNXƠ ĐALEM1, trích trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2006, tr.158-166).

46. Người con lỗi lạc của nhân dân Việt Nam

Giai cấp công nhân quốc tế luôn luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ, nhà tổ chức của cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia tức Đảng Lao động Việt Nam ngày nay là một trong những người con trung thành, nhà hoạt động quốc tế xuất hiện trong quá trình cuộc đấu tranh của giai cấp mình. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của người cộng sản tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức bóc lột của tư bản, là mẫu mực về tính đảng, về con người anh hùng cách mạng đã rèn luyện trong đấu tranh đầy khó khăn gian khổ. Những hoạt động cách mạng trong 50 năm qua của Người đều gắn liền với lịch sử anh hùng của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam…

Trong những năm xây dựng hòa bình cũng như trong những năm chống bọn xâm lược Mỹ, công lao vĩ đại của nhà tổ chức Hồ Chí Minh càng rõ rệt. Người đã giáo dục và thực hiện sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh và đặc điểm của đất nước mình.

(Trích bài đăng trên báo Sự thật (Mông Cổ) số ra ngày 18/5/1975)

47. Thăm một chiến sỹ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc

Tại Đông Dương, ảnh hưởng phong trào Găngđi thế nào? Tiếng vang, làn sóng của phong trào đó có lan đến đấy chút nào không? - Tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc.

- Không. - Nguyễn Ái Quốc trả lời. - Nhân dân An Nam chúng tôi là những nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm. Không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đương diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối.

Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva, đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa. Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan. Đồng chí nói tiếng Pháp - tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí.

Nguyễn Ái Quốc nói đến hai chữ "văn minh" một cách đầy khinh bỉ. Đồng chí đã đặt chân qua hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới, đã tới miền Bắc và miền Trung Châu Phi, đã thấy rất nhiều cảnh đau khổ. Khi nói chuyện, đồng chí thường hay dùng chữ "anh em". Anh em của Nguyễn Ái Quốc ở đây là những người da đen, những người Ấn Độ, những người Xyri, những người Trung Quốc...

Nguyễn Ái Quốc đã có lần gửi thư tới nhà văn Rơnê Marăng, người da đen có quốc tịch Pháp, là tác giả cuốn tiểu thuyết Batuala và đã đặt một câu hỏi một cách thẳng thắn: "Ông Marăng, ông muốn hay không muốn giúp đỡ công cuộc giải phóng các nước anh em ở thuộc địa?". Rơnê Marăng, người được Viện Hàn lâm Pháp quàng cho một vòng hoa danh dự, đã trả lời Nguyễn Ái Quốc một cách dè dặt và quanh co.

- Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho An Nam. Những gia đình như thế ở nước chúng tôi không phải làm việc gì. Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí chắc biết Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó người ta đưa ra khái niệm về "thế giới đại đồng". Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rút xô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài. Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô. Chúng tôi bị cấm, không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi trong nước cũng không được. Đường sắt được xây dựng với mục đích "chiến lược" riêng. Theo con mắt của thực dân, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng loại đường này. Tôi lang thang ra bờ biển và tôi đã vượt biển ra nước ngoài. Năm ấy tôi 19 tuổi. Ở Pháp lúc đó đang có Tổng tuyển cử. Bọn tư sản Pháp đã dùng những thủ đoạn bẩn thỉu nhất để bôi nhọ lẫn nhau.

Gương mặt Nguyễn Ái Quốc nhăn lại một cách khinh bỉ. Đôi mắt nặng nề, u ám bỗng bừng lên. Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm:

- Khi bọn Pháp đến cướp nước tôi, những gia đình nền nếp, gia giáo đã bỏ chạy hết không cộng tác với chúng. Bọn vô lại quen thói xu nịnh đã chiếm hết nhà cửa và vườn ruộng, chúng trở nên những tên tư sản mới giàu sụ, và chúng có khả năng giáo dục con cái theo kiểu Pháp. Bên chúng tôi coi những thanh niên đi học các trường dòng của bọn Pháp là bọn người bỏ đi, là những đồ cặn bã. Thế mà người ta đã trả tiền để làm việc đó. Và dù những kẻ học ở các trường đó có đần độn đến mức nào chúng cũng cố để được đi làm cảnh sát, làm sen đầm. Bọn cố đạo ở nước tôi chiếm tới một phần năm tổng số ruộng đất cả nước. Chỉ có những chủ đồn điền mới so sánh được với họ.

Thực dân Pháp là gì? Ồ, đó là những kẻ bất tài và thiển cận. Việc quan tâm đầu tiên của chúng là hình thành nhóm người thân thuộc. Sau đó, là chiếm đoạt và cướp bóc thế nào cho thật nhiều và thật nhanh. Mục đích của toàn bộ chính sách này là có được một ngôi nhà nhỏ, "ngôi nhà nhỏ của mình" ở Pháp.

- Thực dân Pháp đầu độc nhân dân chúng tôi. Chúng bắt mọi người phải uống rượu. Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên. Bọn thực dân Pháp đã lấy gạo xấu, rẻ tiền nấu rượu. Không ai thèm mua của chúng. Khốn thay rượu làm ra lại quá nhiều. Sau đó, người ta hạ lệnh cho các viên tỉnh trưởng cứ theo đầu người mà bắt buộc phải đi mua thứ rượu không ai uống.

Tôi đã hình dung ra được một cách rất cụ thể bọn thực dân đang dùng rượu đầu độc như thế nào dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Văn minh Châu Âu trên đất nước ấy dùng lưỡi lê, rượu độc và che giấu tất cả những cái đó dưới tà áo dài đen của bọn cố đạo. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.

- Hiện nay, ở Pari, một nhóm các đồng chí từ các nước thuộc địa của Pháp, 5 - 6 người Nam kỳ, Xu đăng, Mađagátxca, Haiti đang xuất bản tờ báo Le Paria để chống lại chính sách thuộc địa của Pháp. Đó là tờ báo nhỏ. Các cộng tác viên phải bỏ tiền túi ra để xuất bản, thay cho việc nhận tiền bút.

Cây gậy tre với lời hiệu triệu in trên báo đã bí mật đến khắp các làng mạc. Nó được chuyển từ vùng này sang vùng khác, và đã có sự đồng tình với nhau. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó, đã có những án tử hình và hàng trăm người đã bị mất đầu.

- Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo, theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm. Chúng tôi không biết uy tín của người thầy cúng, của linh mục là gì.

- Vâng, thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và "Lênin". Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsêvích và Lênin.

Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới.

Trên bàn có một tập bản thảo, một bản báo cáo công tác rõ ràng, mang phong cách truyền tin của phóng viên. Anh đang tưởng tượng đến đề tài: Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1947. Anh như đang nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của hội nghị, mà ở đó anh sẽ điều khiển chương trình nghị sự.

Lúc chia tay, Nguyễn Ái Quốc như nhớ điều gì.

- Vâng, chúng tôi còn có một cuộc “nổi dậy” nữa do Vua An Nam trẻ tuổi Duy Tân phát động, chống lại việc đưa những nông dân của chúng tôi đến chiến trường của Pháp. Vua Duy Tân đã chạy, bây giờ ông ấy đang sống lưu vong. Hãy kể về ông ấy nữa.

(Ô.MANĐENXTAM2, theo Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39 ngày 23/12/1923, theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr 460-464).

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:
1. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đản Cộng sản Đức, Ủy viên dự khuyết Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản.
2. Nhà báo Liên Xô.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: