Chỉ mục bài viết

 52. Câu chuyện cụ Phrăngxít Hăngri Lôdơbi

Trước khi được bào chữa cho vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi được nhiều người ở Hương Cảng (Hông Kông) biết tiếng vì hồi đó tôi có bào chữa cho một người Việt Nam bị nhà cầm quyền ở Hương Cảng bắt. Hiện nay tôi không nhớ tên người Việt Nam đó là ai. Nhà cầm quyền Hương Cảng định giao người Việt Nam này cho thực dân Pháp ở An Nam với lý do An Nam là của người Pháp. Sau khi xem lại các hiệp định ký kết giữa Pháp và nhà Vua An Nam lúc đó, tôi thấy chỉ có một hiệp ước trong đó nhà vua An Nam nhận cho Cố vấn người Pháp sang An Nam. Do đó tôi chuẩn bị giấy tờ ra trước Tòa án cãi rằng An Nam là của nhà vua An Nam chứ không phải của người Pháp, nên không thể trao trả người Việt Nam đó cho Pháp được. Sau đó, người Việt Nam trên đã được thả. Nhờ vậy mà Hương Cảng có thêm một số người biết tôi.

*

*          *

Một hôm có một người Việt Nam, hiện nay tôi không nhớ tên là gì nữa1 đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi giúp bào chữa cho người Việt Nam đó. Được tin này, tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó).

Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một số sĩ quan Pháp ở Hương Cảng. Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ. Đồng thời Tống Văn Sơ cũng nói cho tôi biết trường hợp bị bắt của mình. Sau đó tôi đến gặp Hội đồng Luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ đến gặp Chánh án.

Lần thứ hai tôi gặp Tống Văn Sơ ở Tòa án. Chánh án ngồi trên bàn cao. Tôi cũng có mặt trong phiên tòa cùng với luật sư Gienkin. Tống Văn Sơ đứng trước vành móng ngựa, tay bị xích. Tôi nói Gienkin xem tay Tống Văn Sơ. Gienkin nói lại với Chánh án xem tay Tống Văn Sơ. Tống Văn Sơ giơ tay đang bị xích lên cao. Gienkin nói luật pháp quy định đưa bị cáo vào Tòa án không được xích. Do đó, Chánh án phải ra lệnh tháo xích ở tay Tống Văn Sơ ra. Sau khi Tống Văn Sơ được tháo xích rồi Gienkin mới đọc trước tòa những lời bào chữa của luật sư.

Theo luật pháp của Anh hồi bấy giờ khi bắt một người chỉ được hỏi người đó năm câu mà thôi. Năm câu đó hiện nay tôi cũng không nhớ là gì nhưng đại để là tên, tuổi, làm nghề gì...

Không được hỏi sang câu thứ sáu dù câu đó là câu gì. Nhưng khi bắt Tống Văn Sơ, nhà cầm quyền Hương Cảng lại có hỏi một câu thứ sáu là: “Vì sao anh sang Nga?”. Nhà cầm quyền hỏi câu thứ sáu đó trái với pháp luật nên cuối cùng tòa án, tuyên bố phóng thích Tống Văn Sơ.

Nhưng vừa thả Tống Văn Sơ ra cảnh sát Hương Cảng lại bắt giam lần thứ hai, với âm mưu giao cho Pháp hoặc cho ám sát. Lần này Tòa án nói lần bắt giam thứ hai là hợp pháp vì Tống Văn Sơ đã bị kết án tử hình ở Đông Dương nên phải trả lại cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sau khi tôi nghiên cứu tài liệu thì thấy rằng một người bị kết án ở Thượng Hải chẳng hạn, đi sang Hương Cảng thì nhà cầm quyền Hương Cảng có quyền bắt lại và trao trả cho nhà cầm quyền Thượng Hải, nhưng điều đó chỉ áp dụng cho những người thuộc quốc tịch Anh mà thôi. Do đó tôi thấy cần phải đưa việc này lên tòa kháng án ở Luân Đôn. Tôi chuẩn bị giấy tờ xong cho in cẩn thận rồi gửi đi Luân Đôn cho các luật sư của tôi ở Luân Đôn.

Các luật sư ở Luân Đôn viết thư trả lời họ đã nhờ luật sư Pritt. Tôi phải kiếm tiền để trả cho luật sư Pritt. Còn về phía nhà cầm quyền Hương Cảng thì họ nhờ luật sư Stafford Cripps sau khi nhận được tài liệu của nhà cầm quyền Hương Cảng, luật sư Stafford Cripps đến gặp Pritt nói với Pritt rằng ông đã được nhà cầm quyền Hương Cảng giao cho làm việc này nhưng thấy không thể đem việc này ra tòa được vì mang ra tòa thì nhà cầm quyền Hương Cảng sẽ bị thất bại. Cuối cùng hai luật sư đồng ý rằng phải phóng thích Tống Văn Sơ. Stafford Cripps thay mặt nhà cầm quyền Anh, hứa giúp phương tiện cho Tống Văn Sơ muốn đi đâu thì đi. Sau đó Tống Văn Sơ lại được phóng thích.

Trong thời gian Tống Văn Sơ ở nhà lao, tôi có đến thăm nhiều lần, có lần đưa cả bà Lôdơbi và con gái đến thăm, họ thường mang thức ăn đến cho Tống Văn Sơ. Lúc đó ngay cả Thomas Southom hồi đó làm Thư ký thuộc địa, là người thứ hai sau Công sứ Hương Cảng và vợ Thomas Southom là một nhà văn nổi tiếng (thường lấy tên là Stella Benson) cũng đến nhà lao gặp Tống Văn Sơ. Tôi có yêu cầu nhà lao phải đối xử với Tống Văn Sơ tử tế. Từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện như vậy. Ai gần Tống Văn Sơ lúc đó đều phải kính phục. Sau khi ở nhà lao ra Tống Văn Sơ bị đau, phải vào nhà thương nằm, chúng tôi cũng thường hay lui tới.

Hồi đó có một chuyến tàu đi Liên Xô qua Tângiaba. Theo ý kiến của Tống Văn Sơ, tôi sắp đặt để Tống Văn Sơ đi Tângiaba nhưng nhà cầm quyền Hương Cảng không muốn như vậy, lại bí mật điện cho cảnh sát Tângiaba bắt lại và đưa về Hương Cảng. Khi về đến Hương Cảng, Tống Văn Sơ có viết cho tôi một bức thư nói rõ sự việc xảy ra và nhờ tôi can thiệp.

Tôi rất tức giận khi nhận được tin này. Đêm hôm đó tôi ngồi suy nghĩ suốt từ 8 giờ đến 12 giờ đêm xem nên làm như thế nào. Sáng hôm sau tôi quyết định đến gặp Công sứ Hương Cảng lúc đó là William Peel nói nhà cầm quyền Hương Cảng đã không giữ lời hứa và đề nghị để cho Tống Văn Sơ đi Hạ Môn bằng một chuyến tàu tôi đã chọn trước. Sau Công sứ Hương Cảng có gửi thư riêng cho tôi nói nếu đưa Tống Văn Sơ xuống tàu ở bến thì khi cảnh sát khám xét tàu trước khi nhổ neo có thể nhận ra Tống Văn Sơ và bắt lại, vì vậy phải lấy một chiếc thuyền riêng đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi rồi hãy lên tàu. Tôi cho anh thư ký riêng người Hoa của tôi tên là Loong, hiện nay vẫn còn làm việc với tôi, đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi, hẹn chiếc tàu sau khi đã khám xét xong sẽ đậu lại để đón Tống Văn Sơ đi Hạ Môn (Hồi đó cụ Lôdơbi có hai người thư ký Trung Hoa, một người là Loong, một người là Wong đã chết).

Suốt trong thời gian từ khi ở Tângiaba về Hương Cảng đến khi đi Hạ Môn, gia đình chúng tôi có chú ý giúp đỡ Tống Văn Sơ. Để tránh bị bọn mật thám theo dõi, tôi đưa Tống Văn Sơ vào ở trong Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (Chinese young men Christian association). Hội này có hệ thống từ bên Anh. Ký túc xá của Hội này gồm những nhân viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo sư, phần lớn chưa có gia đình đến ở với giá rẻ.

Ban ngày Tống Văn Sơ ở trong nhà, bà Lôdơbi thường mang thức ăn đến, Tống Văn Sơ có đưa cho bà một sợi dây trên có đánh dấu bằng từng nút số đo của vai, tay, cổ... để bà mang về may cho Tống Văn Sơ một bộ quần áo dài Trung Hoa để giả làm một giáo sư Trung Hoa ở trọ trong Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa - lúc đó Tống Văn Sơ cũng để râu mép để giả dạng. Tối đến tôi hẹn Tống Văn Sơ ra đợi ở một chỗ vắng gần Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa, vì xung quanh Ký túc xá có một bãi rộng. Tôi đến giả làm như một kiến trúc sư người Âu, còn Tống Văn Sơ giả làm một nhà thầu khoán đi xem đất xây nhà, rồi đưa Tống Văn Sơ về nhà ăn cơm chiều. Tôi không nhớ chuyện này xảy ra vào tháng mấy nhưng chỉ nhớ lúc đó trong nhà có lò sưởi và bộ quần áo may cho Tống Văn Sơ là bộ quần áo mặc rét.

Trong khi ăn cơm bà Lôdơbi cũng rất cẩn thận không để cho người làm trong nhà nhận ra Tống Văn Sơ. Trong phòng ăn ở nhà tôi hồi đó có một cái tủ, trên tủ có một tấm gương to. Bà Lôdơbi xếp Tống Văn Sơ ngồi quay lưng về phía gương để người đứng sau lưng không thể nhìn được mặt Tống Văn Sơ trong gương. Sau khi ăn cơm chiều xong, ngồi nói chuyện ở lò sưởi một lúc rồi tôi lại lái xe đưa Tống Văn Sơ về, nhưng trước khi đi đến chỗ để Tống Văn Sơ xuống tôi cũng cho xe chạy lung tung trong thành phố để đánh lạc hướng người theo dõi. Ở nhà hồi đó cũng có nhiều người bạn Trung Hoa đến chơi nên người nhà cũng cho rằng Tống Văn Sơ là một người bạn Trung Hoa mới quen của gia đình tôi mà thôi.

Sau khi Tống Văn Sơ đi Hạ Môn rồi tôi không được tin tức gì nữa. Mãi đến sau này tôi mới nhận được hai bức thư ký tên Newman của Tống Văn Sơ và nói tôi viết thư trả lời. Nhưng tôi sợ bọn cầm quyền lại tìm ra được địa chỉ của Tống Văn Sơ nên tôi không viết thư trả lời.

Sau này có một người Trung Hoa đến cho tôi biết Tống Văn Sơ làm Chủ bút một tờ báo ở Luân Đôn.

Đến năm 1956, một nhà báo Anh (đảng viên Đảng Cộng sản Anh sang thăm Việt Nam) về Hương Cảng đến tìm, trao cho tôi một bức thư và hai bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bức thư gửi vợ chồng tôi, một bức thư cho con gái tôi. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chúng tôi gửi ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gửi thư cảm ơn và gửi ảnh chúng tôi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đại diện Sở Vận tải Trung Hoa ở Hương Cảng điện thoại cho chúng tôi hai lần, đến gặp và gửi cho chúng tôi một gói quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong có một bức thêu Chùa Một cột và một cái khay sơn mài cùng với một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.

Bà Lôdơbi hứa sẽ về may cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam một bộ quần áo màu vải và kiểu như bộ may cho Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đó. Ông Lôdơbi hứa về sẽ tìm các bản hồ sơ chính của cụ và chụp ảnh những tài liệu báo chí, tài liệu riêng, biên bản tòa án ở tòa án để gửi lại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì cụ nói đó là tài sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng vì khi phát xít Nhật chiếm Hương Cảng cả gia đình bị bắt giam trong 3 năm 7 tháng, tài sản bị mất mát nên không biết nay có còn nữa không, nếu không còn bản chính thì cũng còn những bản in ở thư viện.

Ông Lôdơbi nói không gửi bức thư nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Marcel Cachin cả.

Sau đây là một vài cảm tưởng của gia đình cụ Lôdơbi: Được sang thăm Việt Nam hai cụ rất cảm động, hôm tiễn chân về, bà cụ nói, tôi cảm động đến nghẹn ngào không nói được nên lời nữa và khóc.

Tại Nhà máy Trung quy mô, bà cụ nói: “Các bạn rất may mắn có một vị lãnh tụ rất vĩ đại và tốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi rất cảm động nhưng chúng tôi không lạ vì chúng tôi thường được xem ảnh luôn và chúng tôi xem Bác như người nhà của chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng làm cho mọi người mến phục. Không phải bây giờ, ở đây mà trước kia khi ở Hương Cảng trong hoàn cảnh khó khăn cũng vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có cái biệt tài là làm cho mọi người đều cười được, từ các em thiếu nhi hôm đến chúc Tết ở Phủ Chủ tịch, đến các em nhi đồng ở Trại Nhi đồng miền Nam và đến cả các anh em công nhân ở Nhà máy Trung quy mô cũng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể làm cho mọi thứ đều cười. Chỉ có một thứ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh không làm cho cười được là mặt trời mà thôi.

Đến Việt Nam, tôi thấy một điều đặc biệt là mọi người đều vui vẻ, ai cũng có nụ cười trên môi, người nào cũng được ăn mặc theo ý thích của mình. Ở đây cây cối, đường xá, chùa chiền... được giữ gìn rất chu đáo. Trước đây tôi nghe nói nhiều đến Việt Nam nhưng dịp này mới biết Việt Nam như thế nào. Nhiều điều tôi mới được thấy lần đầu tiên và vượt quá ý nghĩ của chúng tôi.

Tôi có thể kết luận rằng đó là kết quả của cả cuộc đời hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nhân dân Việt Nam.

(Francis Henry Loseby2, trích trong cuốn Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2004, tr.272-276.

53. Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ

Năm 1990, chúng ta đang ở vào một thời điểm chưa từng có của những biến đổi xã hội. Đó là sản phẩm của 200 năm qua, những năm tháng đã sản sinh ra những lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới nhiều hơn tất cả những giai đoạn khác trong lịch sử. Trong số những lãnh tụ như Tômát Giécphécsơn, Mahátma Găngđi, Vlađimia Ilích Lênin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Mắc-tin Luthơ Kinh và Nenxơn Manđêla, chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ. Chỉ có Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa.

Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý cho toàn thể xã hội. Vậy thì tại sao chỉ Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về chủ đề phụ nữ. Để trả lời cho câu hỏi đó, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn lại những năm tháng đầu tiên của cuộc đời Hồ Chí Minh.

Không giống như các vị lãnh tụ khác của thế giới, người ta ít được biết về gia đình của Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy sự chấn thương của xã hội Việt Nam vào lúc đó và càng trở lên lý thú khi đặt trong bối cảnh của những gia đình truyền thống của Việt Nam, những gia đình không chỉ có ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, cô chú, bác ruột mà cả những gia đình thông gia. Chúng ta biết rằng trong thời thơ ấu của Hồ Chí Minh đã có nhiều sự kiện nổi bật. Khi Người còn nhỏ, thân phụ của Người, ông Nguyễn Sinh Sắc đã rời nhà ra đi thuyết giảng về chủ nghĩa dân tộc và chữa bệnh cho mọi người. Vì vậy thân mẫu của Người đã phải một mình nuôi dạy ba đứa con ở một nước đang còn bị chiếm đóng. Nói một cách khác, bà đã phải gánh vác toàn bộ gánh nặng.

Có hai nét nổi bật trong sự chiếm đóng của thực dân Pháp ở Việt Nam: Sự đàn áp tàn bạo đối với những người chống đối và sự bóc lột dã man đối với phụ nữ Việt Nam, những con người không được hưởng quyền cơ bản của con người và bị chiếm đoạt phẩm cách của con người, do những sự cấm đoán thô bạo và những lề thói có tính chất cổ hủ. Trong số những điều nói trên, phụ nữ bị bác bỏ quyền được học chữ, quyền được quyết định số lượng con cái, quyền được li dị một người chồng thô bạo, quyền được truy tố, thậm chí là chống lại kẻ hãm hiếp mình.

Mặc dù phải trải qua những vất vả và khó khăn, dường như là người mẹ của Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho hoạt động của chồng mình, là người yêu nước nồng nàn. Người con gái duy nhất của bà đã bị kết án tù chung thân ở 14 tuổi do việc mua bán vũ khí. Như vậy, từ thuở thiếu thời của Hồ Chí Minh, hai người phụ nữ trong gia đình của Người đã là nạn nhân của những tai họa và cả hai tai họa đó đều là hậu quả của sự bất công xã hội đối với phụ nữ. Chắc chắn là những tai họa này có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đối với cuộc đời của Người khi trưởng thành. Hồ Chí Minh đứng trước sự bất công xã hội không ngừng tăng lên và bị làm sâu sắc thêm bởi sự đàn áp tàn bạo đối với những người dám thách thức giới cầm quyền.

Như tất cả chúng ta ở đây đều rõ, chính là từ việc biết đến khẩu hiệu của cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái mà Hồ Chí Minh quyết định rời Việt Nam đi tìm những thực tế khác và nguồn gốc triết học của khẩu hiệu đó.

Tháng 6 năm 1911, Hồ Chí Minh xung phong vào làm thủy thủ trên một con tàu đi biển La Touche Tréville. Người làm nhiệm vụ của một người phục vụ trên tàu. Chính trên con tàu này, Người đã gặp một hình thức nô dịch khác đối với phụ nữ. Người đã gặp những người tôi tớ là những người vợ, những người con gái và chị em gái, những người mẹ và các bà. Những người đó bị giới hạn ở những vai trò nhỏ mọn trong xã hội mà nội dung chủ yếu của vai trò đó là làm đối tượng cho những ham muốn tình dục. Đối với những phụ nữ này, tất cả các hoạt động khác của họ cũng chỉ là thuộc về một loại là làm các trò tiêu khiển. Sự lười nhác được áp đặt lên họ, đã cầm tù họ trong suốt cuộc đời của mình.

Chúng ta không có bằng chứng nào về quan hệ bạn bè của Người với phụ nữ trong giai đoạn này, khác với những điều chúng ta biết về quan hệ bạn bè của Benjamin Franklin khi ông ta gặp những phụ nữ Pháp… Nhưng chúng ta biết rằng vào thời kỳ này, Hồ Chí Minh một thanh niên trẻ, đẹp trai, cao và tóc sẫm màu với vẻ hấp dẫn và uy tín đang tăng lên là những dấu hiệu bên ngoài báo trước Người sẽ là thiên tài vĩ đại. Về mặt thể chất và tinh thần Người hoàn toàn đối lập với các nhà kinh doanh Pháp bụng phệ đầu hói, chơi bời phóng đãng và đám con gái vênh vang, tự cao, tự đại, chỉ chạy theo mốt của họ.

Mỗi khi tàu dừng lại ở các cảng nước ngoài, như Cô-lôm-bô và nhiều cảng khác, Hồ Chí Minh nhận thấy có một kiểu chà đạp nhân cách phụ nữ khác nhau, thông qua trao đổi buôn bán gái điếm rất thịnh hành. Ở mỗi cảng, việc trao đổi, buôn bán này diễn ra ở góc độ khác nhau. Khi trở về Mác-xây, một thành phố lớn ở đất nước mà Người muốn đến, Hồ Chí Minh có lẽ đã ngạc nhiên khi thấy tình cảnh phụ nữ ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch đều rõ ràng, tồi tệ hơn ở các cảng mà Người đã tới. Mác-xây cũng là cảng giàu nhất mà nhộn nhịp nhất trong tất cả các cảng đó.

Chẳng bao lâu sau đó, Hồ Chí Minh lại lên một con tàu khác nhằm hướng tới thành phố New York, một cảng lớn hơn nữa. Chắc chắn đó là một điều kinh ngạc khi đi ngang qua tượng Nữ thần Tự do và phần gây ấn tượng là những tòa nhà chọc trời và giao thông đi lại hối hả đủ kiểu, diễn tả một cách kiêu hãnh sự đắc thắng của thế giới tư bản công nghiệp.

Nhưng vùng bến cảng này lại cũng đầy rẫy những nhà chứa và lũ cò mồi ma cô. Xa hơn nữa là vô số những xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ, trong đó có nhiều xí nghiệp thuê toàn phụ nữ. Chỉ bốn năm trước đó, vụ cháy ở nhà máy Triangle đã làm cả thế giới sửng sốt vì hàng chục công nhân nữ bị chết do bị khóa nhốt ở trong, không có lối ra. Vào khoảng thời gian Hồ Chí Minh đến New York, khu Brooklyn và các vùng lân cận phía Đông của thành phố đang tràn ngập những gia đình dân nhập cư Châu Âu, nhiều gia đình trong số đó có trên một chục trẻ em, tất cả đều sinh ra trong nghèo khổ và đó là hình mẫu đáng buồn về sự tàn bạo của con người đối với con người, cũng như đối với phụ nữ.

Chẳng bao lâu, Luân Đôn lại vẫy gọi Hồ Chí Minh. Khi đã tới đó Người lại trở thành một sinh viên say sưa nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ. Theo học Vua đầu bếp Excôphiê3 ở Luân Đôn, Hồ Chí Minh được biết nhiều bí mật của những người thuộc tầng lớp con ông cháu cha quý tộc nhất trong xã hội, thị hiếu cũng như quan điểm của họ nói chung.

Vào năm 1919, Hồ Chí Minh đã rất kiên quyết trong các phát biểu về quyền bình đẳng của phụ nữ. Nhưng cho đến lúc và sau đó, chưa có một phụ nữ nào đã bước vào cuộc đời Người, như là một người bạn riêng tư, bạn gái tâm tình hoặc người vợ. Thay vào đó, cùng với mối quan tâm của Người về công bằng, xã hội và đặc biệt là về các quyền của phụ nữ càng sâu sắc hơn, thì Hồ Chí Minh cũng tránh xa các quan hệ riêng tư và những người trong gia đình. Người ôm ấp một gia đình rộng lớn là dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, nam giới, phụ nữ và Người coi trẻ em ở khắp mọi nơi như con em của chính mình, coi phụ nữ ở khắp mọi nơi như em gái, chị gái của chính mình, những người đang phải chịu đựng những ách nặng nề.

Ngày nay, bài học về cuộc đời và tư tưởng của Hồ Chí Minh có rất nhiều và sáng rõ. Như Hồ Chí Minh thường chỉ ra, quan điểm của Người về công bằng xã hội cho phụ nữ được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn là công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Nhưng chính nam giới lại chính là những người miễn cưỡng nhất trong việc chuyển giao cho phụ nữ quyền bình đẳng mà họ đòi hỏi ở những người khác. Tại sao lại như vậy? Họ sợ gì vậy? Họ sợ rằng phụ nữ chúng tôi sẽ làm gì với quyền tự do của chúng tôi chăng? Chắc chắn là chúng tôi không thể làm điều gì tồi tệ hơn họ, như điều nam giới trên khắp thế giới sẵn sàng thừa nhận.

Đã kết luận, tôi tin rằng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy xúc động này, chúng ta phải làm nhiều hơn chứ không phải chỉ viết và đọc tài liệu về Hồ Chí Minh. Với tư cách là học trò của Người, chúng ta cần phải đẩy nhanh quá trình biến đổi để đạt được công bằng xã hội rộng lớn hơn cho phụ nữ và đồng thời cho cả nam giới. Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi những lời dạy bảo của Người và khuyến khích hàng triệu người nữa đọc những lời dạy của Người và đóng góp cho sự nghiệp công bằng, bình đẳng cho toàn nhân loại.

(Giôxơphin Stenxơn4, trích trong cuốn Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớnNxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.221-225)

Đức Lâm (tổng hợp)

Chú thích:

1. Theo đồng chí Tố Hữu thì đó là đồng chí Hồ Tùng Mậu.
2. Luật sư người Anh, người bào chữa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông.
3. Excôphiê là người Pháp, nổi danh với tên gọi "Vua đầu bếp" ở Luân Đôn lúc bấy giờ.
4. Nhà sử học, Đại học Florida, Atlantic (Hoa Kỳ).

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: