Chỉ mục bài viết

 8. Lần đầu gặp gỡ với Việt Nam 

Tôi không hiểu tại sao, ngày 27/7/1946 tôi lại nhận lời mời của người Việt Nam. Có lẽ để thoát khỏi những hồ sơ của văn phòng Bộ, hay để xem vườn hồng ở Bagatelle mà người ta từng ca ngợi. Cuộc chiêu đãi người ta mời tôi là để chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pa-ri theo lời mời của Chính phủ Pháp trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán khó khăn ở Phôngtennơblô.

Nói về Việt Nam, tôi không biết gì hơn phần đông đồng bào chúng tôi.  Dư luận nước Pháp rất chia rẽ. Các bạn kháng chiến của tôi cũng không thoát khỏi cuộc tranh luận đó, người thì muốn nước Pháp giành lại quyền toàn vẹn các thuộc địa và tuyên bố rằng dưới thời chiếm đóng họ cũng đã chiến đấu vì mục tiêu đó. Đấy cũng là quan điểm của một số lớn những người từng tham gia vào lực lượng Pháp tự do. Những người khác - trong đó có Lucie và tôi thì coi thời đại thực dân đã qua rồi. Chúng tôi còn dám so sánh cuộc chiếm đóng thuộc địa như thời kỳ chúng tôi bị Đức chiếm và đã chiến đấu chống lại nó.

 Ngày 06 tháng 3, nước Pháp ký Hiệp định công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Grăng Xanhtơni, đại diện Chính phủ Pháp biết rõ rằng đó là để đạt được sự quay lại Bắc kỳ của quân đội Pháp và để quân Trung Hoa rút đi. Cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô phải xem xét nhiều vấn đề đang còn bỏ lửng. Cùng lúc đó Đô đốc DArgenlieu lại tiến hành ở Đà Lạt một cuộc thương thuyết khác nhằm giải quyết việc vận mệnh Đông Dương.

Được mời đến Pháp, Hồ Chí Minh không tham gia Phái đoàn đàm phán ở Phôngtennơblô do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đây là tất cả những gì tôi biết được về quan hệ Pháp - Việt, khi một người trong Ban Tổ chức đề nghị giới thiệu tôi với Chủ tịch của họ.

Đi qua đám đông, người ta dẫn tôi về phía con người nhỏ nhắn, tươi cười với chòm râu dài, đôi mắt tinh anh trên hai gò má cao. Ông cầm tay tôi tách khỏi đám đông bao quanh và nói: “Ông Ôbrắc tôi đã biết về những việc ông làm cách đây 3 năm ở Mác-xây đối với đồng bào tôi, xin cảm ơn ông”.

 Khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, người ta đã đưa đến hàng nghìn lao động Đông Dương để thay thế công nhân Pháp bị động viên. Sau cuộc thất trận năm 1940, những người đó tập trung trong các trại để trải qua những năm tháng chiếm đóng. Một trại gần Mác-xây đã tập trung hai hay ba nghìn người, mà cuối tháng 8 đầu tháng 9 với tư cách là Ủy viên Chính phủ, tôi được biết là họ đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Tôi cử đến một quan sát viên mà báo cáo gửi về quả là rõ ràng. Ban Chỉ huy trại đã dung túng hay tổ chức hệ thống đánh bạc, gái điếm và bán chợ đen những khẩu phần gạo ít ỏi mà họ phân phối. Trại nằm trong tay những tên đầu gấu có thế lực. Tình trạng tử vong đến mức không thể chấp nhận được. Và thời kỳ đó, khi công việc còn được giải quyết nhanh chóng, quyết định của tôi đã được áp dụng ngay.

Ban Chỉ huy cũ bị gạt ra và thay vào những người trung thực. Tôi cho những người lao động bầu đại biểu của mình vào một Ủy ban Tư vấn thay mặt cho họ bên cạnh Ban Chỉ huy trại. Nói tóm lại tôi đã làm những gì có thể làm được.

Từ đấy, những người lao động Đông Dương, mà nhóm có tổ chức nhất là những người Việt Nam, đã tỏ thái độ biết ơn đối với tôi. Chúng tôi nhận được 1 hộp sô cô la vào ngày đầu năm, được mời đến ăn Tết với họ và lâu lâu là một bữa ăn Việt Nam. Việc mời tôi đến Bagatelle không phải là điều bất ngờ.

Khoác tay nhau trên những con đường nhỏ ở Bagatelle cùng với con người mà những trang đầu của báo chí đang đưa lên thành nhân vật chính của thời sự, tôi không biết nói gì với ông.

- Thưa Chủ tịch, ngài có thích Pa-ri không?

- Tất nhiên và tôi đã biết từ nhiều năm trước, nhất là khu phố La tinh.

- Chỗ ở của Người có tốt không?

- Chính phủ của ông đã thuê cho tôi một tầng của tòa dinh thự trong khu phố Khải hoàn môn. Nhưng tôi thấy không hợp, tôi thấy thiếu một cái vườn.

- Tôi rất vui lòng chỉ cho ngài nhà của tôi. Nhưng tôi ở khá xa, tận ngoại ô, ở Soiny-sous-Montmonrency phía Bắc Pa-ri.

- Vậy thì ông Ôbrắc, tôi rất vui lòng đến thăm vườn của ông. Nếu không phiền thì tôi sẽ đến vào thứ 3 tới để uống trà cùng với hai người bạn của tôi.

Chiều hôm đó tôi báo cho Lucie biết cuộc viếng thăm của người khách nổi tiếng này. Vào đúng ngày giờ đã hẹn vị Chủ tịch của tôi đến cùng đoàn mô tô hộ tống của Sở Cảnh sát thành phố. Bàn ăn được dọn trước nhà, trong sân nối tiếp với khu vườn không lấy gì làm rộng lắm. Ba mẹ của Lucie cũng có mặt ở đây, bà đến để gặp chúng tôi vì Lucie sắp sinh cháu. Cháu Jean-Pierre, 5 tuổi đã đi học về. Cháu bé Catherine đang chơi trong vườn. Đúng là khung cảnh của một gia đình êm ấm.

- Trà của ông thì chưa được ngon lắm nhưng nhà của ông thì lớn thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Người hỏi:

- Những ai sống ở đây?

Tôi trả lời:

- Những người ngài thấy ở đây và một cô trông trẻ.

- Tôi muốn đi thăm nhà? Người nói.

Ngôi nhà gồm ba tầng (…) Sau khi đi thăm khắp nhà từ tầng hầm đến gác thượng, Hồ Chí Minh kết thúc cuộc viếng thăm bằng những nhận xét ngắn gọn, như là tiện dịp nói qua: “Tầng hai của ông không có ai ở. Tôi thích khu vườn. Nếu tôi được ở đây thì hơn là sống trong dinh thự”.

Tính lịch thiệp, sự quan tâm và cả tình cảm mà con người đó biểu lộ khiến chúng tôi lập tức đề nghị ông đến ở cùng gia đình. Thế là đã mở ra, có thể nói là một chương mới trong cuộc đời tôi, hay nói đúng hơn là khởi đầu cho một loạt sự kiện sẽ trải dài trong hơn 40 năm và cho đến nay vẫn tiếp tục, khi tôi viết những dòng này. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn là có những mối quan hệ đã được những người Việt Nam phác họa từ khi tôi đi qua Mác-xây.

Không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, Lucie và tôi vẫn được coi là những người cảm tình tích cực, cái mà người ta gọi là “những người bạn đường”. Hình như ở đây có sự tiếp nối thái độ dấn thân liên tục của chúng tôi. Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bạn bè với những người bạn kháng chiến, đang giữ những vị trí chính trị và xã hội rất khác nhau. Nhưng chúng tôi chịu ảnh hưởng từ những phân tích của Đảng Cộng sản và chúng tôi mong muốn đứng về phía những người đi tìm công lý. Đấy là trường hợp những nhà lãnh đạo Việt Nam đang đấu tranh cho độc lập của đất nước họ.

Cuộc sống chung của chúng tôi với Bác Hồ được tổ chức không mấy khó khăn. Con người có tính cách đặc biệt đó, ngoài những đức tính thiên phú khác, còn có khả năng thiết lập ngay những mối quan hệ đơn giản nhất với tất cả những người đối thoại, dù họ là Bộ trưởng hay nông dân. Chỉ trong chốc lát, ai cũng thấy thoải mái và không bao giờ ông giữ khoảng cách, mà thường những người tự biết hay làm ra vẻ là nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng thường ẩn mình sau đó.

Người bạn thân thiết của Bác Hồ trong sáu tuần lễ Người ở nhà tôi có lẽ là bà mẹ vợ tôi, một bà nông dân vùng Bourgogne, vẫn giữ lối nói thẳng với óc thông minh sâu sắc. Bác Hồ đã gợi cho bà kể về công việc, những thói quen, những định kiến của người trồng nho chúng tôi và trao đổi về những nông dân nước ông.

Một buổi sáng, người ta đem báo đến, tất cả các báo Pháp mà cả báo Đức, Anh, Mỹ, Nga. Và Bác không có gì thích hơn là đọc lướt qua tất cả, ngồi trên bãi cỏ, giữa những người đến thăm. Nhiều lần trong tuần Bác đến thăm người làm vườn trong làng và trở về tay ôm đầy hoa. Trong ngày nếu không đi gặp những người đối thoại ở Pa-ri, thì Bác tiếp khách tại nhà. Những người đàm phán ở Phôngtennơblô hầu như đến gặp Bác hàng ngày. Buổi chiều, Bác đề nghị chúng tôi mời ăn tối những nhân vật khác nhau, chính khách cánh hữu hay cánh tả, nhà văn, nhà báo. Những bữa ăn đó, mà mẹ vợ tôi thường tìm cách không tham dự, đã cho chúng tôi cơ hội để theo dõi bên lề sự dậm chân tại chỗ của một cuộc đàm phán rõ ràng không đi đến kết quả.

Việc chợ búa và nấu ăn là một gánh nặng đối với Lucie, mẹ vợ tôi và chị giúp việc. Còn có vấn đề về tài chính nữa, vì lương hai chúng tôi không đủ để bảo đảm một lối sống trong nhà như vậy. Sau mấy ngày đắn đo, với sự ngần ngại của nền giáo dục tư sản mà tôi được hưởng, tôi đành phải nói thật với vị khách. Ông Hồ đề nghị đưa một người bạn cũ đến làm việc cả ngày, đó là một đầu bếp số một đang mở quán ăn nhỏ ở khu phố La tinh và ông ta đã đề nghị được tạm thời đóng cửa tiệm. Vậy là bố già Ti đến. Ông chiếm lĩnh nhà bếp, hầm rượu và nhà phụ. Nhà tôi trở thành một nơi tuyệt vời của bếp ăn Việt Nam. Là một người thành thạo và luôn tươi cười, ông Ti quả là một chuyên gia lớn về ẩm thực…

Cuối tháng 7 nhân dịp sinh nhật tôi, Bác Hồ tặng tôi một bức tranh của họa sĩ Việt Nam Vũ Cao Đàm. Đó là bức tranh một bà mẹ trong sáng, bàn tay dài của bà mẹ với những ngón thon nhỏ, ve vuốt và bảo vệ đầu đứa con.

Hai hay ba ngày sau khi con gái tôi Elisabeth được sinh ra ở nhà hộ sinh Prot-Royal, các cô y tá trông thấy một người khách khác thường tới thăm, hai tay ôm hoa và kẹo, họ đã nhận ra ngay vì hình ảnh Người được đăng lên khắp các báo. Bác Hồ bế cháu bé trên tay và trước khi đặt xuống nôi đã quyết định nhận làm cha đỡ đầu của cháu. Người gọi Êlidabét là Babét (Babette). Từ đấy đã xảy ra cái nghi thức đặc biệt như thế này: Cứ mỗi lần sinh nhật của Babette, Người luôn gửi đến cháu một món quà nhỏ hay một kỷ vật gì đó…

Khi cuộc đàm phán Phôngtennơblô kết thúc, Bác Hồ để phái đoàn trở về trước còn mình ở lại Pháp một thời gian để ký với Marius Moutet một văn bản không rõ ràng gọi là Tạm ước, đặt một vài cơ sở để tiến tới một Hiệp nghị và hòng cứu vãn hòa bình, đã gây cho ông những khó khăn với các bạn cực đoan khi trở về nước. Ngày 19 tháng 9 ông xuống tàu ở Toulon và chúng tôi nhận được một bức thư ngắn gửi khi tàu cập bến Port-Said…

Trong những năm chiến tranh đó, hai lần người ta yêu cầu tôi sang Việt Nam, để gặp người bạn Hồ Chí Minh của mình. Tôi từ chối vì biết rằng họ không có đề nghị gì đưa ra và cuộc đi của tôi chỉ là cái cớ cho những chính khách dựa vào để tiếp tục chiến tranh.

(Raymông Ôbrắc1, trích từ cuốn hồi ký Nơi ký ức dừng chân của Raymông Ôbrắc, Nxb. Odole Jacob, 1996. - Đào Hùng dịch)

9. Hồ Chí Minh chân lý của lịch sử

“Căn nhà tre nhỏ ở làng Kim Liên, nơi 85 năm trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, một căn nhà nhỏ mà chính gia đình của Người xây dựng nên. Thời tiết Nghệ An luôn luôn nóng. Cửa sổ và cửa ra vào căn nhà là những lỗ nhỏ trên tường. Căn nhà đó cũng giống như những căn nhà của người nông dân miền Trung Việt Nam khác.

Khi đồng chí Hồ Chí Minh sinh ra cũng là lúc hơn một nửa thế kỷ, đại bộ phận loài người còn sống dưới ách thuộc địa và nửa thuộc địa. Hầu hết nhân dân Đông Dương mù chữ, bệnh tật đã giết chết hàng nghìn, hàng vạn người, đất đai màu mỡ bị cướp đoạt, nhân dân rất đói khổ.

Khi Người 30 tuổi, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Đại hội đóng vai trò quyết định trong việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp - Người đã nói lên một sự thật, một bằng chứng: “Bọn thực dân áp bức rất tàn bạo, dã man 560 triệu người”.

Những tàn tích cuối cùng của hình thức thống trị tàn bạo và đểu cáng đó bị chìm dần từ nửa thế kỷ nay. Đồng chí Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, là người tổ chức cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân, là người tổ chức cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi.

Lúc 40 tuổi, đồng chí Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Người trở thành lãnh tụ của Đảng và tại Đại hội Đảng, người đã công bố cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Đảng của Người và chính Người trở thành biểu tượng của tự do ở Đông Dương lúc đó và của sự tách khỏi hàng ngũ thuộc địa. Vai trò đó được nhân lên gấp bội sau khi thực dân mới Mỹ thay thế chỗ của thực dân Pháp. Chúng cướp phá, bóc lột, thi hành chính sách ngu dân và giết người hàng loạt. Nhưng chúng không đạt được mục đích của chúng.

Tất cả những chương trình mà Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh đề ra năm 1930 đã nhanh chóng được thực hiện ở miền Bắc chiến thắng.

Năm người 64 tuổi, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và nước Việt  Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Chí Minh trở thành căn cứ địa cách mạng cho cả nước.

Người luôn có mặt bên cạnh các chiến sĩ trong cả những lúc mưa bom, bão đạn và Người nói: “Nhân dân ta anh hùng, đường lối của ta đúng. Chúng ta nhất trí, đại bộ phận nhân loại ủng hộ chúng ta. Chúng ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ. Chúng ta có quyết tâm. Nhân dân ta nhất định thắng”.

Trong lúc đế quốc Mỹ muốn dìm miền Bắc trong biển máu và nước mắt, đồng chí Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thắng lợi nhất định thuộc về Việt Nam. Hai miền Tổ quốc sẽ được thống nhất. Làm theo lời Người, học sinh rời ghế nhà trường, nam sinh ghi tên đi chiến đấu chống đế quốc Mỹ bên cạnh Người.

Trên con đường mang tên Người, hết năm này đến tháng khác những phụ nữ, trẻ em và cụ già chân đi dép cao su chở gạo, thuốc men, đạn dược cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Những quả bom khổng lồ của Mỹ xóa đi hàng 100 con đường mòn thì những người công nhân vận tải Việt Nam lại tìm ra 200 đường mòn khác... Trên con đường mang tên Người, sự đi lại nhộn nhịp không bao giờ dứt. Mỗi hạt gạo đều sẻ làm đôi gửi ra cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Những người yêu tự do đặt tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Dù họ bị truy nã, bị tù đày chém giết thì Sài Gòn cũng mãi mãi vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên gọi đó là biểu tượng cho lòng tha thiết yêu tự do. Những Tổng thống bù nhìn, những tên Toàn quyền, đại sứ và tướng tá cố làm cho người ta quên đi, biết bao lần chúng xuyên tạc, nói xấu đồng chí Hồ Chí Minh ở miền Nam. Nhưng tất cả đều vô ích. Lịch sử đã đưa kẻ thù của Người về dĩ vãng, những kỷ niệm về chúng đang bị lu mờ đi. Những kỷ niệm về đồng chí Hồ Chí Minh luôn luôn rực rỡ.

Các dân tộc không bao giờ quên vị lãnh tụ chân chính, họ luôn luôn trung thành với những người thực sự đại diện cho ý nguyện và tình cảm của họ.

Đồng chí Hồ Chí Minh không bao giờ yêu cầu bất cứ ai bắt chước mình. Người chỉ muốn sao cho mọi người hiểu rõ sự nghiệp mà vì nó Người đã sống. Mỗi lời nói, việc làm của Người đều thể hiện điều đó.

Chính vì vậy mà Người đã trở thành lãnh tụ chính. Nhân dân Việt Nam hiểu và làm theo Người, coi những nhiệm vụ Người nêu ra là của chính mình. Đồng chí Hồ Chí Minh không có vợ, tất cả thì giờ người hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng và hạnh phúc của dân tộc. Người không có con, nhưng Người có hàng triệu, hàng triệu người con trai và con gái trung thành noi gương Người. Nhân dân Việt Nam tuân theo lời dạy của Người. Hàng triệu người trên thế giới khâm phục những hành động của họ. Khi họ dũng cảm chống lại bọn đế quốc Mỹ giết người, người ta nói rằng họ không sợ chết. Không đúng. Họ là những người yêu cuộc sống vui tươi và điềm tĩnh, nhưng họ rất sợ phải sống nô lệ...

Có nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác về đồng chí Hồ Chí Minh, mỗi người đều dùng những phương tiện nghệ thuật của mình cố gắng miêu tả Người. Nhưng ít người miêu tả được hết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có rất nhiều kỷ niệm, ý nghĩ, tình cảm về con người mảnh khảnh đó. Những lời nói của con người, phương tiện của nghệ thuật không đủ để miêu tả những đặc điểm đó. Ít có người Việt Nam có thể nói hết tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người cha, người thân kính nhất ấy...

Hồ Chí Minh là chân lý của lịch sử.

Năm 1969, lúc Người từ trần không phải chỉ có nhân dân của Người thương tiếc. Cả thế giới có lương tri đều khóc trước linh cữu Người. Chiến tranh tiếp tục, Người chưa được thấy ngày chiến tranh kết thúc. Trong “Di chúc” của mình, Người viết về những kế hoạch của mình sau ngày thắng Mỹ. Người muốn trước hết đi thăm hỏi hai miền Nam, Bắc thân yêu, để chào những người làm nên chiến thắng, những cán bộ chính trị, những chiến sĩ quân đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Sau đó sẽ đi thăm bè bạn khắp năm châu để cảm ơn về sự giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam giành thắng lợi.

Lẽ ra Người cũng đến thăm đất nước chúng tôi, biết bao người Hunggari đã hiến máu, và bằng công sức của mình giúp đỡ Việt Nam, đáng lẽ bây giờ đã có thể bắt tay Người và nay chỉ có thể tưởng nhớ Người trong ngày sinh của Người và vui ngày chiến thắng với nhân dân Việt Nam.

Hôm nay, hơn một nửa thế giới cùng với chúng ta kính cẩn trước đồng chí Hồ Chí Minh giản dị và khiêm tốn. Việc chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng cuộc sống tự do ở các nước thuộc địa này chẳng còn là ước mơ nữa: Ngày mai của nhân loại là thế giới tự do và nhân đạo đang được xây trên con đường Hồ Chí Minh dài hàng vạn dặm trong lễ kỷ niệm lần thứ 85 Ngày sinh của Người.

(Matê Gioocgi, trích bài đăng trên báo Tự do nhân dân, cơ quan Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari, số ra ngày 18/5/1975)

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa

 1. Một nhân vật lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống sự chiếm đóng của quân Đức từ năm 1940. Sau chiến tranh, ông giữ vai trò quan trọng trong việc tái thiết nước Pháp, tham gia điều hành công việc của Liên Hợp quốc. Nhưng đặc biệt ông đã trở thành bạn của Bác Hồ từ năm 1946 và từng làm trung gian giữa Pháp và Việt Nam trong những cuộc thương lượng bí mật thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: