54. Hồ Chí Minh và Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc, Người vun đắp tình hữu nghị Việt Trung, nhà cách mạng vô sản, đã từng đến Quế Lâm bốn lần, đã hoạt động cách mạng trong thời gian chiến tranh chống Nhật, trong vai một quân nhân bình thường. Người đã ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và có những cống hiến mãi mãi không phai mờ cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Trung Quốc và đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Việt Nam, viết lên những trang sử sáng chói trong quan hệ hữu nghị Trung - Việt.
Một thành viên của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm
Về Quế Lâm, Hồ Chí Minh ở thôn Lộ Mạc - một trạm vận chuyển của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, Người lấy tên là Hồ Quang với tư cách là một quân nhân của Bát lộ quân, Lý Khắc Nông đề nghị Người làm việc ở Phòng Cứu vong. Phòng Cứu vong giống như một câu lạc bộ, là nơi các nhân viên học tập và sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Hồ Chí Minh là một trong những người phụ trách phòng đó. Người làm việc rất chu đáo, chân thành với mọi người và sống giản dị.
Đồng chí Hà Khải Quân là một người công tác cùng với Hồ Chí Minh trong những năm đó nhớ lại: Tôi và đồng chí Hồ Chí Minh (lúc ấy mang tên Hồ Quang) cùng làm việc ở Phòng Cứu vong của Văn phòng Bát lộ quân từ cuối năm 1938 đến mùa Hè năm 1939 và cùng ở một chỗ.
Hồ Chí Minh nói tiếng phổ thông còn hơi lai tiếng Quảng Đông. Lúc ấy, tôi chưa biết rõ cương vị của Người. Phòng Cứu vong giống như một câu lạc bộ nhưng không phải là câu lạc bộ bởi vì phòng còn có nhiệm vụ giáo dục chính trị, văn hoá. Tôi là Chủ nhiệm Phòng Cứu vong kiêm giáo viên văn hoá. Phòng Cứu vong còn có một vài uỷ viên, Hồ Chí Minh là uỷ viên bảo vệ sức khoẻ kiêm uỷ viên phụ trách tờ báo tường. Tôi nhớ là Đồng chí kiểm tra vệ sinh rất tỉ mỉ và yêu cầu rất nghiêm khắc. Những ai làm vệ sinh không tốt Đồng chí đều phê bình. Ngoài ra Hồ Chí Minh còn phụ trách báo tường, đồng thời là Chủ biên tờ Sinh hoạt tiểu báo. Đó là tờ báo nội bộ của Văn phòng.
Các bài đều được viết trên giấy kẻ ô vuông, sau đó đóng thành tập. Đồng chí tự vẽ bìa, đồng thời cũng viết bài, có lúc làm thơ theo lối cổ của Trung Quốc. Đồng chí viết bài thường xuyên, rất đúng thời gian, làm việc rất cẩn thận. Sinh hoạt tiểu báo 10 ngày ra một kỳ1.
Chúng tôi gặp lại một số đồng chí nhiều tuổi, các đồng chí nhớ lại những ấn tượng sâu sắc:
Một là, đồng chí Hồ Chí Minh dậy rất sớm, ngay sau khi dậy việc đầu tiên là quét nhà. Hầu như ngày nào đồng chí cũng quét nhà. Nền nhà lúc ấy bằng đất, lúc quét bụi tung lên, Người thường dùng khăn mặt hoặc mùi soa bịt miệng lại như khẩu trang. Người không sợ bẩn và không sợ mệt nhọc.
Hai là, cuộc sống của Hồ Chí Minh rất gian khổ và chất phác. Mùa Hè người thường mặc áo may ô, chân đi guốc mộc hoặc dép lê, không có quần áo sang trọng, dù đi vào thành phố cũng chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ màu nâu. Người rất ít dùng xà phòng thơm, chỉ dùng xà phòng giặt và cũng chỉ dùng để rửa tay. Người cũng ăn "đại táo" như mọi người, ăn gạo lức, rau luộc. Hàng ngày Người tự đi lấy cơm ở nhà bếp.
Ba là, Hồ Chí Minh rất thân ái với đồng chí, không hề nổi nóng. Quan hệ với quần chúng rất tốt, nói năng ôn tồn, các đồng chí khác cũng rất kính trọng Người, coi Người là lớp đàn anh. Mùa Đông 1939, có lần đồng chí Lý Kim Đức biết Người muốn đi Long Châu bắt liên lạc đã hỏi Người với vẻ lo lắng: “Đồng chí ra đi có khả năng bị bọn phản động trong nước bắt không?”. Hồ Chí Minh trả lời: “Tôi chỉ là một viên đá trong cả dòng sông, trên mặt tôi không dán ba chữ cộng sản thì sợ gì!”. Trong giọng nói của Người đầy tinh thần lạc quan cách mạng.
Bốn là, Người thường xuyên tham gia các buổi ngâm thơ, ca hát liên hoan quân dân... Người rất thích các hoạt động thể dục, hàng ngày Người buộc bao cát hoặc buộc thỏi sắt vào chân để rèn luyện sức khỏe. Mùa Hè thì bơi cùng với các đồng chí khác.
Con người Hồ Chí Minh rất hóm hỉnh, cởi mở. Có một lần, đồng chí Long Phi Hổ do không biết rõ về Hồ Chí Minh, bèn nói đùa:
- Đồng chí là người ở đâu?
Người nói:
- Tổ tông thì ở đảo Hải Nam, còn thực tế thì sống ở nước ngoài.
- Tại sao lại lấy tên là Hồ Quang?
- Tôi có râu, lại trọc đầu nên gọi là Hồ Quang (vì chữ "Hồ" đọc theo tiếng Bắc Kinh nghĩa là râu, chữ "Quang" đọc theo tiếng Bắc Kinh có nghĩa là trọc). Cả hai người đều cười ha hả.
Trong điện mừng của Hồ Chí Minh ngày 01 tháng 7 năm 1961 gửi tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đã nhớ lại hoàn cảnh lịch sử lúc ấy như sau: “Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc cuối năm 1938, vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong Bát lộ quân, tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm phụ trách nghe rađiô một đơn vị ở Hành Dương”2.
Mốc son lịch sử của tình hữu nghị Trung - Việt.
Thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến Trung Quốc nhưng thời gian ở Quế Lâm là lâu nhất. Người đã kết nghĩa với Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và nhân dân Quế Lâm, dựng lên mốc son lịch sử của tình hữu nghị Trung - Việt.
Ở Quế Lâm Người đã đồng tình và ủng hộ hết lòng sự nghiệp kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Cuối năm 1938 và năm 1940, Hồ Chí Minh đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm và qua công tác của mình, Người hiểu thêm về cách mạng Trung Quốc và mặt trận dân tộc thống nhất. Người thường viết bài, viết báo cáo, bình luận và các tài liệu khác để gửi Quốc tế Cộng sản và gửi đăng trong nước, giới thiệu tư tưởng của Mao Trạch Đông về chiến tranh nhân dân và đường lối, phương châm, chính sách về mặt trận dân tộc thống nhất của nhân dân Trung Quốc.
Những kinh nghiệm đó không những có ý nghĩa chỉ đạo đối với cách mạng Việt Nam mà còn có tác dụng tích cực đối với nhân dân Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Hồ Chủ tịch, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân” đã viết: Lúc ấy tôi làm việc tại tờ báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix) một tờ báo bằng tiếng Pháp của Đảng xuất bản công khai. Tòa soạn thường nhận được một số bài báo từ nước ngoài gửi về đề nghị chúng tôi đăng. Những bài đó đều ký tên P.C.Lin và đánh máy chữ. Mỗi lần nhận được chúng tôi đều xem đi, xem lại. Chúng tôi đều biết đó là những bài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Có một số bài nêu ý kiến về mặt trận dân chủ rộng rãi, có bài phân tích về tình hình quốc tế, có bài giới thiệu những kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc...
Những bài của Hồ Chí Minh được đăng lên báo thường gây dư luận mạnh mẽ và sự chú ý của đông đảo nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân Việt Nam đồng tình và ủng hộ cách mạng Trung Quốc.
Ở Quế Lâm, người đã trực tiếp góp phần vào cách mạng Trung Quốc. Những ai gặp Hồ Chí Minh đều có ấn tượng rất sâu sắc: Người làm việc tỉ mỉ và trách nhiệm, sinh hoạt giản dị, chân thật và yêu thương mọi người, có tinh thần hy sinh và tấm lòng của người cộng sản và trở thành tấm gương cho những người cộng sản chúng tôi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm có một nhiệm vụ nặng nề là chuyển mọi khoản quyên góp của đồng bào Hồng Kông và kiều bào ở hải ngoại ủng hộ kháng chiến đến Diên An kịp thời. Hồ Chí Minh đã từng giúp đỡ hết lòng. Khi chúng tôi gặp đồng chí Lý Kim Đức, trước đây là Trưởng phòng Phòng Cơ yếu của Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, đồng chí nhớ lại: Với sự giúp đỡ của Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam, các đồng chí ở Văn phòng chúng tôi đi qua Hà Nội và Hải Phòng để mua các vật tư phục vụ kháng chiến chống Nhật. Rất nhiều vật tư Hoa kiều quyên góp đều từ Hà Nội đến Quế Lâm, sau đó chuyển đi Diên An và các nơi khác. Trong số vật tư đó có một chiếc xe ô tô con của Mỹ mà Hoa kiều muốn tặng riêng cho Mao Chủ tịch. Sau này Mao Chủ tịch đã có lần đi chiếc xe ấy để đàm phán với Quốc dân Đảng3.
Ở Quế Lâm, Người thường viết bài cho Cứu vong nhật báovới nội dung phong phú, góp phần nghiên cứu thêm lịch sử quan hệ Trung - Việt. Tháng 11, 12 năm 1940 bọn phản động trong Quốc dân Đảng rất căm ghét tờ Cứu vong nhật báocủa Đảng Cộng sản do đồng chí Hạ Diễn làm Chủ biên. Trước tình hình đó Hồ Chí Minh liên tiếp viết bài cho Cứu vong nhật báo, có lúc Người còn đích thân đưa bài đến cho Hạ Diễn…
Người viết bài này đã tra cứu Cứu vong nhật báo bản lưu trữ ở Quế Lâm tìm thấy 10 bài bình luận đăng trên Cứu vong nhật báo, ký tên Bình Sơn, thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1940 trong mục “Cương ngữ” của báo. Những bài đó là:
- “Ô Ôngtrôicomat” đăng ngày 15/11/1940.
- “Chú ếch và con bò” đăng ngày 24/11/1940.
- “Trò đùa dai của Rudơven và tiên sinh” đăng ngày 27/11/1940.
- “Hai Chính phủ Vécxây” đăng ngày 29/11/1940.
- “Bịa đặt” đăng ngày 02/12/1940.
- “Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc” đăng ngày 04/12/1940.
- “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc” đăng ngày 04/12/1940.
- “Mắt cá giả ngọc trai” đăng ngày 05/12/1940.
- “Ý Đại Lợi thực bất đại lợi” đăng ngày 16/12/1940.
- “Việt Nam phục quốc quân hay mại quốc quân” đăng ngày 18/12/1940.
Những bài báo đó phần lớn xoay quanh đề tài kháng chiến chống phát xít, cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và quan hệ Trung - Việt, được tác giả bình luận, phân tích rất sâu sắc, ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống Nhật, là những trang sáng chói trong lịch sử quan hệ giữa nhân dân hai nước Trung - Việt.
Tại Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm hiện còn lưu giữ một số hiện vật của Hồ Chí Minh là minh chứng lịch sử của năm xưa, nói lên những cống hiến quan trọng của Người cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc.
Năm 1977 chính quyền nhân dân Quảng Tây đã chính thức thành lập Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân. Phần trưng bày có nhiều hiện vật và tư liệu cách mạng, trong đó có ba hiện vật về Hồ Chí Minh: Chiếc khăn bông, Hồ Chí Minh đã dùng lúc Người ở Quế Lâm (hiện vật loại 1 cấp quốc gia, do bà Hạ Chí Hủ tặng); kính đeo mắt gọng mạ vàng, Hồ Chí Minh đã dùng lúc Người ở Quế Lâm (hiện vật loại 2 cấp quốc gia do Ngô Khê Như tặng) và bức thêu Chủ tịch Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh tặng Lý Khắc Long khi Người đi thăm Trung Quốc sau ngày giải phóng (hiện vật loại 3 cấp quốc gia, do Lý Luân tặng).
Nhà lưu niệm Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm còn thu thập được nhiều tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh khi Người sống ở Quế Lâm, những hiện vật và tư liệu đó đã có tác dụng giáo dục tích cực đối với thanh, thiếu niên về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh sẽ in sâu mãi mãi trong trái tim của nhân dân Trung Quốc.
Lời kết
Những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm chỉ là một phần trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, xong đã phản ánh chân thực về mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ của nhân dân hai nước Trung - Việt trong sự nghiệp cách mạng chung. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: Mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam thật là: Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình".4
Ngày nay chúng ta tìm hiểu bước đường Người đã đi qua để mọi người đừng quên lịch sử, để tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Việt phát triển bình thường và lành mạnh. Hãy ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mối tình hữu nghị vinh quang muôn đời”.
(Hùng Chính Tác5, trích trong sách Hồ Chí Minh một người Châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000)
55. Hồ Chí Minh một người Châu Á của mọi thời đại
Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong năm 1900... Người sinh ra trong một gia đình nhân sỹ - nông dân ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 19 tháng 5 năm 1890. Ở đây, có thể nói rằng, trong những thập niên tới, nhiều tác phẩm về Bác Hồ sẽ ra đời vì Người là một trong số ít người Châu Á đã để lại dấu ấn của mình ở nơi tôn thờ những người vĩ đại của Châu Á hiện đại. Chắc chắn người ta đã viết nhiều về Người, đặc biệt là về các cuộc đấu tranh chính trị vì tự do, độc lập6. Nhưng còn nhiều điều chúng ta cần phải biết về người Châu Á vĩ đại này của lịch sử từ những cách nhìn khác nhau. Mục đích của bài này là nhằm tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách và tư tưởng, đặc biệt là nhấn mạnh về Người với tư cách là một nhà văn hóa. Viết một điều gì đó về các khía cạnh của sự phát triển văn hóa của Hồ Chí Minh, về thái độ của Người đối với văn hóa và về vị trí của Người trong thế giới văn hóa Châu Á, là một nhiệm vụ khó khăn và là cơ hội để dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình nhằm mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về con người của thế kỷ XX này. Khó mà mô tả được một nhà văn hóa như Hồ Chí Minh nhưng một phần của những tác phẩm, hành động, những nét đặc biệt, những tư tưởng, lời phát biểu và thành quả của Người sẽ minh họa tính quên mình, tính vững chắc của mục đích, tính kiên định trong bảo vệ mục tiêu, sự trung thành đối với nhân dân và tinh thần bất khuất trong cuộc đời của Người, cuộc đời của một nhà cách mạng, của lòng dũng cảm, tinh thần ham hiểu biết, yêu nước, sự thông thái và trên hết là chủ nghĩa nhân bản của Người.
Năm 1909, Người 19 tuổi, là một thanh niên trẻ có nước da sáng, dáng mảnh dẻ và nhẹ nhàng. Người đã quyết định, làm người phụ bếp trên tàu và cuộc sống đó đã đưa Người đến những cảng ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và qua Mỹ và có lẽ cả Nam Mỹ. Ở Huế, Người đã có tiếng là một học sinh có tài, được đào tạo tốt những kiến thức về Việt Nam, về Trung Quốc và tiếng Pháp tại Trường Quốc học danh tiếng. Chính thân phụ người, cụ Nguyễn Sinh Sắc, một người đã đạt học vị Phó bảng đã khuyến khích con trai ông học tiếng Pháp. Người cha nhân sĩ tin rằng tương lai của đất nước sẽ được phụng sự bởi việc mở rộng nền văn hóa.
Chúng ta đã biết Người đã phải phấn đấu như thế nào trong điều kiện khó khăn và túng thiếu khi ở Luân Đôn và Pari.
Nhưng chính là ở Pari tâm hồn của Người được rộng mở. Nhưng nỗi gian truân cay đắng và lạc quan trước đó đã đem lại cho Người một nhận thức rõ rệt về thực tế với tất cả những mâu thuẫn và nghịch lí của nó: Sự rắc rối trong tính đa dạng của nó và sự thấu cảm mạnh mẽ đối với những người cố gắng đương đầu với chúng. Phía trước Người là một sứ mệnh vĩ đại sẽ đưa Người trở thành một nhân vật huyền thoại, kiến trúc sư của nước Việt Nam và một lãnh tụ thực thụ của nhân dân mình.
Ngoài việc tham gia nhiều và tích cực trong hoạt động chính trị với tư cách là một thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, Người đã tìm cách dành thời gian, trong khi ở Pari (1917 - 1923) để làm giàu tri thức với một tinh thần ham học hỏi và đã mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác để đi đến chân trời văn hóa phong phú.
Thế giới tri thức của thế kỷ XX được phong phú hơn bởi Bác Hồ là một phần của thế giới ấy. Người đã có những đóng góp có giá trị lâu dài với những tác phẩm chính trị cùng với loạt bài viết của Người trên các báo Người tự do (La Libertaire), Đời sống công nhân (La Vieouvrière), Người bình dân (Le Populaine) và Nhân đạo (L’ Humainité), Người đã sáng lập và là Biên tập viên cho tờ Người cùng khổ - tờ báo viết về các thuộc đia. Những tác phẩm của Người đề cập rất nhiều vấn đề, như vở kịch “Con rồng tre” nhạo báng triều đình Huế và “Hồi tưởng của một người lưu vong”. Cuốn sách“Bản án chế độ thực dân Pháp” là một sự tiến công đối với những hành động của thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đahômây, Malagaxy và Tây Ấn. Cuốn sách “Đường Kách mệnh” do Người viết đã vạch ra đường hướng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Các bài báo và tác phẩm của Người được đọc rộng rãi ở Việt Nam. Cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người như cuốn kinh thánh của những tri thức trẻ Việt Nam và bút danh Nguyễn Ái Quốc của Người trở nên quen thuộc với mọi nhà.
Người không bao giờ viết những luận văn đồ sộ hoặc bản tự thuật. Người là một trong số ít những nhà lãnh đạo Châu Á mà giai đoạn đầu trong cuộc đời mình được bao phủ bởi những bí ẩn. Trong khi nói chuyện với các nhà báo, Người thường tránh những câu hỏi về quá khứ của Người với những lời đối ứng như “quá khứ của tôi không quan trọng, tôi chỉ quan tâm đến tương lai”, hoặc như “tôi là một người già và tôi muốn giữ những bí mật nhỏ bé của tôi. Hãy đợi cho đến khi tôi chết”.
Thơ là một phần của cuộc đời Người. Các sinh viên văn học rất chịu ơn Người vì tập thơ “Nhật ký trong tù” của Người. Điều đáng ngạc nhiên là Người đã diễn tả những tình cảm, suy nghĩ và mong muốn sâu thẳm nhất của mình không phải bằng chữ Quốc ngữ, là tiếng Việt được Latinh hóa mà bằng tiếng Hán theo truyền thống của Lý Bạch (701 - 762) và Đỗ Phủ (712 - 770) ở thời Đường. Khả năng hiếm có này là cho người ta nhớ lại Giôdép Cônrát, một nhà văn Ba Lan đã trở thành bậc thầy vĩ đại về văn phong và văn xuôi Anh. Màu sắc của quyền tự do con người và ý nghĩa của đạo đức công lý đã thấm đượm trong những dòng thơ của Người. Những vần thơ mang ngụ ý tinh tế, dí dỏm của Người được nâng lên bởi sự hiểu biết sâu sắc của một con người hiện đại.
Tuy nhiên, Kinh C.Chen vẫn cho rằng thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không mang lối nói hay màu sắc cổ điển, ra vẻ mô phạm mà được viết bằng ngôn ngữ bình thường theo kiểu hiện đại. Tất cả các bài thơ đều ngắn, đơn giản - thậm chí Người không được học hành cũng có thể hiểu được một cách trực tiếp, nhưng đầy xúc cảm và chứa đựng nhiều lời nhận xét hoặc châm ngôn về đạo lý.
Từ góc độ đạo lý, chúng ta hiểu điều chủ chốt Người muốn nhắn nhủ:
“Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần cần phải cao.”
Trong các bài tiếp theo, giọng thơ biểu thị tinh thần chịu đựng mạnh mẽ:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.”
Bài “Đêm thu” của Người gợi nên tính nhạy cảm của người Á Châu và mang dấu ấn của sự đau khổ và bất công:
“Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,
Muôn tơ vương vấn mộng sầu;
Ở tù năm trọn thân vô tội,
Hoà lệ thành thơ tả nỗi này”.
Tính chiến đấu cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ sau đây, vì rằng thơ ca không phải chỉ là hư ảo và tưởng tượng, mà còn là lương tâm của nhân dân:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu của miền Tây Liễu Châu đã mang lại cho Người nguồn cảm hứng để viết một bài thơ cho bạn bè Người sau thời gian ở tù hơn một năm. Tất cả mọi người đều vô cùng vui mừng khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trả tự do và vẫn còn sống. Lúc đó, ở tuổi năm ba, Hồ Chí Minh đã là một người nổi tiếng trong nước. Bởi sự uyển chuyển và hoàn toàn tinh tế, bài thơ mang hương vị của sự nồng hậu và lãng mạn kiểu Châu Á:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh,
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”.
Vì thế, tuyển tập thơ của Người giống như một công trình bất hủ thể hiện tinh thần bất khuất, nghị lực và tình yêu quê hương mãnh liệt của người bất chấp mọi tai ương, khó khăn.
Rất hiếm nhà lãnh đạo Châu Á đương đại nào lại được trang bị đầy đủ các ngôn ngữ hiện đại như vậy. Trong thời kỳ ở Luân Đôn, Pari và Mátxcơva, Người có thể nói và đọc được ít nhất bảy thứ tiếng. Người nói tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Hiếm có người nào có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ một cách nhanh nhạy và vận dụng nó một cách siêng năng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về điểm này Chester A.Bain nói với chúng ta rằng: Khi học một ngôn ngữ mới, Người học đúng mười từ một ngày, không hơn không kém. Khi dịch thuật, Người định ra một số lượng cố định số trang phải dịch trong mỗi ngày và luôn luôn hoàn thành trước khi đi ngủ...
Trong bản dịch cuốn binh pháp của tôn tử, Người đã dịch với sự chính xác chặt chẽ và cẩn thận, tỉ mỉ, có thể sánh với các bản luận thuyết cổ xưa.
Người có tính cách giống Gandhi, gần như lối tu khổ hạnh của người theo đạo Phật. Xét cá tính riêng của Người về ăn mặc và nhà cửa, Người là con người thích sống giản dị. Người biết thưởng thức các món ăn vì đã từng phục vụ tại nhà hàng Carltôn nổi tiếng dưới sự chỉ đạo của vua bếp Escoffier lừng danh. Tuy vậy, Người vẫn thích các món ăn theo khẩu vị thông thường hoặc của thường dân. Khi đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những nhận xét ý nghĩa của Người là:
Tôi được chọn làm Chủ tịch vì tôi chẳng có gì cả: Không gia đình, không nhà cửa, không của cải và chỉ có một bộ quần áo - đó là bộ tôi đang mặc.
Nếu chòm râu là dấu hiệu ngoại hình của Người thì bộ quần áo vải màu đất, đôi dép làm bằng lốp ô tô theo kiểu khắc khổ, chiếc gậy và chiếc khăn quàng cổ cùng với chiếc máy đánh chữ của Người đã trở thành những biểu tượng của đời sống vật chất mộc mạc của Người.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Người thường mặc bộ quần áo vải nâu giống như quần áo của người nhà quê (tức nông dân) và sống trong một túp lều tranh hầu như trống trơn ngoài chiếc máy đánh chữ của Người. Ruth Fischer có ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh như là biểu hiện thú vị của lòng tốt và sự giản dị. Theo lời của Võ Nguyên Giáp, thì Người là một con người giản dị tuyệt vời.
Joseph Ducroux viết về cuộc gặp của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1951: Tôi hiếm khi được gặp một người sống thanh đạm đến thế và khinh thường mọi xa hoa đến thế…
Tình hữu nghị là niềm an ủi đối với tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói những lời này khi Người tiếp Jean Sainteny và Leon Pignon vào khoảng tháng 3 năm 1946. Người đã xây dựng nhiều tình bạn ấm áp và dài lâu. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người thực sự đã giúp tạo nên mối dây liên hệ sống động giữa biết bao nhân vật lỗi lạc mà người có dịp quen biết, với đất nước yêu dấu của người.
Là một nhà giáo, hiền triết và giảng viên, cái đáng quý ở Người là luôn chủ trương liêm chính, tiết kiệm, cần cù, trung thực, chí công và chống bạo ngược, tư lợi, Philippe Devielers một tác giả có uy tín về lịch sử và văn hóa Việt Nam viết: “Hiển nhiên là người phản đối mọi bạo lực”. Ai cũng đều thấy rõ tình thương yêu Người dành cho những người ngư dân thường ở địa vị yếu đuối thấp hèn và hay làm trung gian hòa giải của Người.
Cuối cùng, cần nói tới quan điểm văn hóa văn nghệ của Người. Người nói: “Văn hóa, thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục... Văn hóa, gắn liền với lao động, sản xuất”.
Tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa, xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức.
Cũng vậy, trong khi nói chuyện với các nghệ sĩ tại triển lãm tranh năm 1951, Người nhấn mạnh: Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, Người khuyên các nghệ sĩ đi sâu vào quần chúng.
Người cũng yêu thích thiên nhiên chẳng kém văn chương nghệ thuật và Người rất thích làm vườn.
Nói tóm lại, nhãn quan văn hóa của người là bao quát và sâu sắc. Người thể hiện quan điểm của mình trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, lúc là người tổ chức, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà viết kịch, nhà thơ, khi là nhà giáo, nhà chiến lược quân sự, lãnh đạo kháng chiến, khi lại là người làm vườn. Di sản Việt Nam và Châu Á phong phú và truyền thống Phương Tây ở Người đã tạo nên tất cả các điều đó. Người là một trong số ít người Châu Á lại thân thuộc với cả Châu Á và phương Tây. Ít người Châu Á nào lại được nhân dân yêu mến như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thực sự là thần tượng của nhân dân mình. Hiếm người Châu Á nào lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc tạo dựng một dân tộc mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cả sự nghiệp của mình, người luôn xuất phát từ tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, vừa bằng những kiến thức uyên bác, kinh nghiệm và tài nghệ của mình, vừa bằng sự tận tâm và liêm khiết, để dành được sự kính trọng và biết ơn của nhân dân.
Khó có thể có được một người Châu Á khác như Người ở thời đại chúng ta cũng như trong các thế hệ mai sau. Người thực sự là một người Châu Á của tất cả các thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.
(Sêraphin, Quysơn7, trích trong cuốn Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.153-160).
Khánh Linh (tổng hợp)
Chú thích:
1. Theo Hồi ký của Hà Khải Quân.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.367
3. Theo Hồi ký của Lý Kim Đức.
4. Theo Nhân dân nhật báo ngày 03/7/1961.
5. Di tích Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm.
6. Đây là một phần danh sách những tác giả đã viết về Hồ Chí Minh: Cheste A.Bain, King C.Chen, Chiang Yung Ching, Bernard B.Fall, Hà Huy Giáp, Hoài Thanh, Võ Nguyên Giáp v.v..
7. Nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu lịch sử dân tộc Manila, Philippin.