50. Ánh mắt Bác Hồ
Lần đầu tiên, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Điện Kremlin, nhân đi dự Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 02 năm 1952. Bấy giờ nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống bọn thực dân Pháp. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đối diện với Đoàn đại biểu Đảng chúng tôi. Tôi không thể nào quên được gương mặt gầy, nhưng toát lên một nghị lực phi thường, một thái độ kiên quyết của Người. Tôi còn nhớ rõ, khi Bác Hồ bước lên diễn đàn đọc bản tham luận, cả Hội trường bỗng im phăng phắc. Đúng là một sự im lặng hiếm có, tưởng chừng như đánh rơi một cái đinh cũng nghe thấy. Người nói về cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam và vạch trần những tội ác đẫm máu của quân xâm lược. Giọng nói của Người thật là xúc động. Tôi thấy hầu như những người có mặt đều không cầm được nước mắt. Đồng chí Stalin cũng rất xúc động, đã tiến đến ôm hôn và siết chặt tay Người và chúc cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam mau chóng đến ngày hoàn toàn thắng lợi.
Hôm ấy, khi ra về, nhà tôi nói nhỏ vào tai tôi: Em đã nhìn kỹ đôi mắt của đồng chí Hồ Chí Minh chưa? Trong đôi mắt ấy, em ạ, có nước mắt và có lửa. Lửa của niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân!
Từ ngày đó, mỗi lần nghĩ đến Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, tôi lại nhớ đến đôi mắt của Người. Qua hình ảnh Bác, qua con người Bác, chúng tôi thật sự tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam anh em tiến hành dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Người, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai năm sau, khi được tin đại thắng Điện Biên Phủ chúng tôi hết sức vui mừng. Và trong niềm vui ấy, chúng tôi càng nhớ đến đôi mắt có lửa của Bác Hồ, người chiến sĩ vĩ đại...
Nhưng đó mới là những ấn tượng buổi đầu. Mãi đến những ngày Bác dẫn Đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi, vào mùa Hè năm 1957, tôi mới có dịp được hiểu biết nhiều hơn về Người.
Dịp đó, vị Chủ tịch Vinhem Pích mệt nặng, nhà tôi và đồng chí Vante Unbơrích đã thay mặt Chủ tịch ra sân bay đón Bác Hồ. Theo sự xếp đặt của lễ tân, Bác và nhà tôi ngồi riêng một xe. Còn tôi thì ngồi sang xe khác. Thấy thế Bác liền cầm tay tôi và nói với Ốt-tô: “Chị Grốttơvôn phải ngồi với chúng ta chứ!”
Rất tiếc là hôm ấy trời mưa, Bác không thể đi xe mui trần để vẫy chào mọi người. Tuy vậy, trên suốt đoạn đường gần 30km từ sân bay trung tâm đến Nhà khách đặc biệt ở khu Păngcô, nhiều lúc Người yêu cầu dừng xe để xuống chào và bắt tay quần chúng. Bác hỏi chuyện những cụ già, Bác hôn các em bé. Ngay từ những giờ phút đầu tiên, Người đã thể hiện tình cảm hết sức gắn bó với nhân dân và cũng chính vì kính yêu Người, dưới trời mưa tầm tã hàng chục nghìn người vẫn cầm cờ, hoa và khẩu hiệu chào mừng vị khách quý.
Bản thân tôi, được ngồi bên Bác Hồ, cảm thấy thật sung sướng và vinh dự. Đi được một chặng dài, tôi thưa với Người:
- Kính thưa đồng chí Hồ Chủ tịch: Đồng chí làm thơ hay lắm! Nếu đồng chí cho phép, tôi xin đọc một hoặc hai bài thơ của đồng chí đã dịch ra tiếng Đức và đăng trên báo chí nước chúng tôi.
Bác gật đầu nhìn tôi và mỉm cười trìu mến. Tôi liền đọc bài “Cảnh khuya” do Người viết năm 1947:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bác Hồ nói bằng giọng rất vui:
- Ồ! Chị thuộc cả thơ của tôi ư?
Sau đó, tôi còn đọc cho Bác nghe bài “Đối Nguyệt” và “Lên núi” nữa. Đó là những bài thơ tôi rất thích, đã giữ rất cẩn thận, mà chính nhà tôi cũng thuộc một số câu. Chừng bốn, năm ngày trước khi Bác Hồ sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, nhà tôi bảo:
- Em ôn lại những bài thơ của đồng chí Hồ Chí Minh đi nhé! Thế nào cũng có dịp em đọc cho đồng chí ấy nghe...
Dịp ấy, hôm nay đã đến rồi. Cứ như trong một giấc mơ, tôi ngồi trong xe mà triền miên suy nghĩ: Đồng chí Hồ Chí Minh vĩ đại, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, trong giờ phút này, lại đang ngồi cạnh chúng tôi đây... Năm năm trời là một khoảng thời gian có thể làm người ta già thêm, nhưng thú thật, tôi lại có cảm tưởng Bác Hồ trẻ ra. Có lẽ vì những thắng lợi của nhân dân sau nhiều năm chiến đấu gian khổ đã làm Người vui hơn, khỏe hơn và tôi rất chăm chú nhìn đôi mắt của Người. Nếu như năm năm trước, ở đôi mắt ấy đã rực lên ánh lửa của niềm tin chiến thắng, thì hôm nay, lại ánh lên niềm vui của thắng lợi...
Bác là một vị Chủ tịch nước, một nhà chính trị lỗi lạc, nhưng cũng là một người giàu cảm xúc và rất yêu nghệ thuật. Trong thời gian ở thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác đã mấy lần đến thăm chúng tôi tại nhà riêng. Và chúng tôi cũng thường đến thăm Người tại biệt thự đặc biệt dành riêng cho các vị nguyên thủ quốc gia. Biệt thự ấy không xa chỗ ở của chúng tôi bao nhiêu.
Bác rất thích kiểu trang trí của gia đình tôi. Kiểu trang trí này hoàn toàn do nhà tôi tự thảo, xếp đặt, từ góc độ ánh sáng đến màu sắc. Bác khen kiểu trình bày trang nhã, gọn gàng, lịch sự.
Người cũng thích cái bồn hoa và bãi cỏ bên thềm. Sau này, khi gặp nhau tại Hà Nội, Bác vẫn nhắc đến căn nhà ấy của chúng tôi.
Bác và nhà tôi đã trao đổi rất nhiều về nghệ thuật.
Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi Bác tới, nhà tôi mời Bác nghe một đĩa hát thu bản nhạc giao hưởng số chín của Bétthôven, sáng tác trong những năm 1822 - 1824. Sự xúc động lộ rõ trên gương mặt Bác. Trong những giây phút này, tôi lại thấy đôi mắt Bác mơ màng, tư lự, đúng là đôi mắt của người nghệ sĩ giàu cảm xúc. Nhìn gương mặt ấy, người ta có thể liên tưởng đến Lênin khi nghe bản nhạc “Áppaxiônata” cũng của Bétthôven. Khi bản nhạc vừa dứt, Bác thong thả nói:
- Quả đúng như Bétthôven có lần nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn kiên cường bùng cháy”.
Vào một lúc khác, khi thành phố Berlin đã lên đèn, chúng tôi đến thăm Bác, Bác nói:
- Đồng chí Ốttô ơi, chúng ta đã thưởng thức nghệ thuật. Hôm nay, chúng ta cùng nhau đi vào cuộc sống, tôi muốn được nhìn Berlin vào ban đêm.
Nhà tôi có phần lo lắng, bởi vì chưa có sự chuẩn bị nào cả. Nhất là, hồi bấy giờ, giữa Thủ đô chúng tôi và Tây Berlin chưa có đường biên giới, còn đi lại tự do, sợ không được an toàn. Ốttô mỉm cười nói với Bác:
- Vào giờ này, đồng chí ạ, Berlin không có người đi đường đâu.
Bác đáp:
- Nhưng có nhiều ánh sáng.
Biết không thể từ chối được, chúng tôi gọi xe và mời Bác đi thăm Đại lộ Stalin, ngày nay là đại lộ Các - Mác. Đến nơi, Người đề nghị nhà tôi cùng đi bộ, như những người dân thường. Người quay một vòng và nói rất vui:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt tại Đại lộ Stalin.
Chúng tôi cùng cười. Bác nói tiếp:
- Các đồng chí biết không, sang đến đây, tôi mới biết mình rất giàu. Đấy... Chỗ nào cũng có tên tôi: "HO"...
Chúng tôi lại cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Người. "HO" là chữ gọi tắt của các cửa hàng quốc doanh ở Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi.
Đến 10 giờ đêm, nhiều người dân Berlin biết tin Bác đến, đã đưa cả gia đình ra quây quần bên Bác. Bác bảo với nhà tôi:
- Đồng chí Ốttô, Berlin vẫn có người đấy chứ.
Nhà tôi cười:
- Vì có đồng chí ở đây.
Có một đôi nam nữ thanh niên tiến đến trước Bác và nói với giọng xúc động:
- Kính chào đồng chí Chủ tịch, xin kính chào đồng chí Thủ tướng. Hai chúng tôi vô cùng sung sướng được gặp đồng chí Chủ tịch mà chúng tôi đã mang nặng lòng kính yêu từ lâu. Tôi là một công nhân và đây là người yêu của tôi, cô ấy vừa ở Tây Berlin sang. Đồng chí Chủ tịch à, hai chúng tôi sẽ không bao giờ quên được kỉ niệm lớn hôm nay.
Bác Hồ vui vẻ bắt tay hai thanh niên đó.
Và hai bạn trẻ, dù đi một quãng khá xa rồi, vẫn thỉnh thoảng nhìn lại phía chúng tôi...
*
* *
Hơn một năm sau, vào tháng Giêng năm 1959, tôi đã được theo nhà tôi sang Việt Nam khi Ốttô dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức đi thăm hữu nghị một số nước Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á...
Nhắc lại chuyến đi ấy, tôi vẫn bồi hồi nhớ đến Hà Nội, vào những ngày đầu năm lất phất mưa Xuân, cứ tưng bừng như một mùa hội lớn. Các đường phố được trang hoàng lộng lẫy. Nhân dân đứng chật ních hai bên đường, tay cầm cờ hai nước, cầm hoa đủ màu, vẫy chào Đoàn đại biểu. Hôm ấy, Bác Hồ đón chúng tôi tại Phủ Chủ tịch. Bác và nhà tôi ôm hôn nhau thắm thiết. Không biết bao nhiêu là vui mừng, xúc động! Người quay sang tôi và hỏi:
- Nữ đồng chí vẫn mạnh khỏe đấy chứ?
Tôi cảm ơn Bác và bày tỏ niềm vui sướng được gặp lại Người trên đất nước Việt Nam. Bác cười:
- Thế là điều mong muốn của chúng ta đã được thực hiện.
Tối hôm sau, 18 tháng Giêng, Bác chiêu đãi Đoàn đại biểu của chúng tôi rất trọng thể. Tôi được ngồi bên phải Bác. Bác Tôn Đức Thắng cũng ngồi bên tôi. Bác Hồ đã hỏi thăm chúng tôi rất nhiều về sức khỏe của đồng chí Vin-hem Pích, của các đồng chí lãnh đạo khác và về những thay đổi ở Berlin, ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nhất là những nơi Người đã đi qua. Tôi nhớ hình như Bác biết bảy thứ tiếng cả thảy. Thật là một thiên tài về ngoại ngữ. Trong bữa tiệc ấy, Bác đã tặng tôi một đóa hoa hồng. Tôi sung sướng đón từ tay Người món quà quý báu. Người hỏi tôi:
- Từ nay, chúng ta có thể xưng hô nhau theo cách thân mật được không?1
- Rất vinh dự ạ!
Thật vậy, tôi rất muốn được xưng hô với Bác một cách thân thiết, đúng như lòng mong muốn của mình. Đối với tôi, Người thực sự là một người cha, một người cha hiền từ, rộng lượng, tốt bụng!
Bác nói với tôi:
- Ngày mai, tôi mời cô đến chỗ tôi chơi.
Rồi Bác quay lại phía nhà tôi:
- Đồng chí Ốttô, đồng chí bận đàm phán, ngày mai để cô ấy sang chỗ tôi chơi, chẳng cần phải phiên dịch đâu.
Chiều hôm sau, đúng giờ hẹn, tôi đến nhà Bác, có hai nữ đồng chí nữa cùng đi với tôi.
Bác đón chúng tôi ở chân cầu thang. Bác chỉ ao cá trước nhà, chỉ vào những khóm cây, những vườn rau xanh tốt và tươi cười bảo:
- Cơ ngơi của tôi đấy. Nào ta lên nhà!
Lên đến tầng hai, Người bảo chúng tôi cởi giày. Chúng tôi cởi giày và bước vào phòng. Lên tới đây càng thấy căn nhà của Bác thật là đơn giản. Ngôi Nhà sàn hai gian thoáng đãng tầng dưới cả bốn bên đều để trống, tầng trên chia làm hai phòng. Bác giới thiệu:
- Cô thấy đấy, đây là buồng ngủ, có màn che muỗi. Còn đây là phòng làm việc của tôi, xung quanh có một hành lang để ai cần thì đi lại cho tiện...
Chúng tôi vô cùng xúc động về cách sinh hoạt đơn giản, thanh bạch của Bác. Một vị Chủ tịch Nước mà chỉ đi dép cao su quai to, mặc bộ kaki đã sờn, vào mùa rét thì cũng chỉ khoác thêm một cái áo kaki bốn túi màu nâu, cũng đã sờn...
Bước vào phòng làm việc với dáng điệu rất tự nhiên, Người ngồi xuống sàn nhà. Còn chúng tôi thì cứ loay hoay mãi, chẳng thấy ghế đâu cả, rồi cũng ngồi bệt xuống cạnh Người.
Qua lời Người kể, tôi được biết, hồi kháng chiến chống Pháp, khi ở Việt Bắc, Người cũng sống và làm việc trong một căn nhà tương tự như thế này...
Trong câu chuyện thân tình, tôi mạnh dạn hỏi Bác:
- Thưa Bác, sao Bác không lập gia đình?
- Cô ạ, cả đất nước Việt Nam này là gia đình tôi.
- Thưa Bác, sao Bác biết nhiều thứ tiếng như vậy?
- Tôi đã từng ở Pháp, ở Anh, ở Nga và ở Đức và nhất là hoạt động cách mạng thì phải biết nhiều tiếng.
- Thưa Bác, Bác thường làm gì trong những giờ rỗi?
- Tôi rất ít thì giờ rỗi. Nhưng nếu có thì đọc sách, tưới rau, trồng cây. Chợt Bác nhìn chúng tôi suốt lượt và mỉm cười:
- Tôi đã nói chuyện chính trị nhiều rồi. Bây giờ mời cô và các đồng chí đi câu cá.
Bác hỏi tôi:
- Cô có biết câu cá không?
- Thưa Bác, cháu có câu một lần, nhưng cá không ăn.
- Bây giờ cô thử câu ở ao của tôi...
Cái áo cá của Bác rộng chừng hai đến ba nghìn mét vuông, phẳng lặng như mặt gương, chỉ đôi khi mới thấy gợi lên đôi vòng tăm cá. Bác cho biết, trong ao Bác nuôi nhiều loại cá như rô phi, trôi, mè... Một số địa phương đã từng đến xin Bác giống cá rô phi đem về nuôi.
Tôi rất thú vị được câu cá ở ngay ao của Hồ Chủ tịch. Khổ một nỗi là câu mãi, câu mãi, mà cá không chịu cắn câu. Tôi buột miệng thưa với Bác:
- Bác Hồ ạ, ao của Bác không có cá đâu.
Bác khoát nhẹ tay:
- Lòng cô phải kiên nhẫn một chút. Cô biết không, tôi mà câu thì bao giờ cá cũng ăn.
Tôi thưa tiếp:
- Bác ạ, ở một số nước vì muốn để vị Nguyên thủ của mình được hài lòng, người ta đã mắc sẵn cá vào lưỡi câu đấy.
Bác cười vui vẻ:
- Nhưng ở nước chúng tôi thì không như vậy. Bản thân tôi là một người câu cá lành nghề.
Sau này, tôi được biết, câu cá là một cách giải trí của Bác.
Ở Chiến khu Việt Bắc, sau những giờ làm việc căng thẳng, Người cũng đã từng câu cá như vậy.
Sau đó, Bác dẫn chúng tôi đi xem những lùm hoa đẹp, có mùi thơm dịu dàng, và những khóm cây lạ mắt như đu đủ, quýt, vú sữa…
Với dáng điệu lịch sự, Bác hái một quả quýt và tặng tôi. Thật là một buổi chiều êm đềm, rất đáng ghi nhớ.
Trong tất cả những lần gặp Bác, buổi chiều ấy là dịp tôi được ở gần Bác nhiều nhất.
Hôm chiêu đãi tiễn Đoàn, Người gọi tôi ra một nơi và hỏi cảm tưởng về những ngày ở Việt Nam. Tôi có thể thưa với Bác tất cả những kỷ niệm tốt đẹp của mình, từ những ngày đầu tiên đến Hà Nội giữa một rừng cờ hoa, cho tới khi thăm Nhà máy in Tiến bộ, một vườn trẻ do các bà mẹ tỉnh Pốtxđam quyên góp mà dựng nên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức...
Tôi đã ôm hôn những người mẹ, những người chị, những cháu bé mũm mĩm rất ngoan, rất dễ thương và ở đâu, tôi cũng xúc động về dân tộc anh hùng, cần cù, mến khách như vậy. Tôi hiểu rằng, từ bản chất của mình, dân tộc Việt Nam có rất nhiều lý do để chiến thắng một cách vẻ vang. Dân tộc đó lại có vị lãnh tụ sáng suốt, đức độ tuyệt vời là Bác Hồ Chí Minh.
Bác nói nhỏ:
- Cô Giôhơnna, tôi muốn tặng cô một món quà.
Rất xúc động, tôi thưa với Bác:
- Cháu rất hân hạnh, nhưng thưa Bác…
Món quà của Bác dành cho tôi là một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, hiệu "Movado" trên mặt có hình Bác. Tôi sung sướng quá, nhẹ nhàng đeo vào tay và ôm chầm lấy Bác. Chiếc đồng hồ đó, cho đến nay tôi vẫn dùng và hiện nó chạy rất tốt. Sau này, vào dịp đầu năm 1968, Bác còn gửi tặng tôi một chiếc lược làm bằng xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam...
Buổi chia tay ấy ở Hà Nội thật là lưu luyến. Tôi chỉ kịp thưa với Bác:
- Bác ạ, cháu rất mong được gặp lại Bác!
Nhưng, thật không ngờ, đó lại là lần gặp Bác cuối cùng. Ngày 02 tháng 9 năm 1969, được tin Bác Hồ qua đời, tôi đau xót rụng rời như khi được tin cha tôi mất. Nhưng rồi sau những giờ phút nặng nề đau buồn nhất, tôi tự hỏi: Có lẽ nào, có lẽ nào một bậc vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại từ giã cõi đời này được? Không! Không! Người, với đôi mắt của người chiến sĩ, của người chiến thắng, của một nhà thơ, đôi mắt của một vị lãnh tụ, của một người cha thân yêu vẫn đang sống cùng chúng ta. Đôi mắt ấy không bao giờ khép…
Người vẫn nhìn rõ bước đi của dân tộc mình, của mỗi chúng ta. Bằng con mắt ấy, suốt cả đời mình, Người đã nhìn trước những bước đường của nhân dân và đã chỉ cho nhân dân đi tới tương lai hạnh phúc, huy hoàng. Hơn thế, Người đã góp phần đấu tranh cho lẽ phải và hạnh phúc của cả loài người.
Ai hiến dâng đời mình cho nhân dân, cho loài người, người ấy trở thành bất tử!
(GIÔHƠNNA GRỐTTƠVÔN2, trích trong sách Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985).
51. Hồ Chí Minh, người có đầy đủ năm đức tính của lãnh tụ mà Lênin đề ra
Trước hết, với tư cách cá nhân, tôi xin thay mặt cho đồng bào tôi, những người yêu nước, yêu độc lập, tự do, yêu công lý và hòa bình, xin bày tỏ lòng vui mừng phấn khởi cùng toàn thể nhân dân Việt Nam đã vinh hạnh được tổ chức UNESCO - một tổ chức của Liên hợp quốc chính thức công nhận người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn.
Trước khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Nguyễn Ái Quốc, cái tên xa xưa của Người, tôi muốn nói đến lãnh tụ Vlađimia Ilích Ulianốp Lênin, Người mà Hồ Chí Minh đã kính phục như là người thầy vĩ đại, Người mà Hồ Chí Minh đã đến Mátxcơva mong được gặp nhưng tiếc rằng Người đã đến muộn, Lênin đã mất trước đấy vài tháng.
Nói về Lênin, tôi muốn nói đến một điều ghi trong văn bản của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 04 tháng 01 năm 1923, đề cập vấn đề bầu Tổng Bí thư thay thế Lênin. Vì lúc này Lênin ốm nặng. Người thấy không thể đảm nhiệm công việc phục vụ Đảng được nữa, Người có một đề nghị, tất nhiên, Người không ghi cụ thể tên ai là người sẽ đảm nhận chức Tổng Bí thư mà chỉ nêu tiêu chuẩn cho một Tổng Bí thư như sau:
1. Là người phải có tính kiên trì, bền bỉ.
2. Phải luôn luôn trung thành và ngay thẳng.
3. Phải là người khiêm tốn, dịu dàng, mềm mỏng.
4. Phải có lòng nhân ái, biết quan tâm đến đồng chí mình.
5. Phải là người có tính kiên định.
Năm tiêu chuẩn đạo đức mà Lênin đặt ra cho Tổng Bí thư của Đảng Bônsêvích lúc bấy giờ thực chất là đạo đức của giai cấp cần lao, mà theo tôi nó thể hiện rất đầy đủ ở con người Hồ Chí Minh. Với đạo đức ấy, lại được trang bị bằng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã thực sự là kim chỉ nam cho mọi thắng lợi của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Người đã đem lại độc lập, tự do cho dân, cho nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02 tháng 9 năm 1945. Từ đây bắt đầu những ngày vô cùng bề bộn trong công cuộc khôi phục lại đất nước, Người đã có câu nói bất hủ: “Mọi thắng lợi là do dân và vì dân”.
Thế rồi thực dân Pháp xâm lược quay lại Việt Nam lần nữa vào tháng 3 năm 1946. Lúc này Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tiếp tục công cuộc chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
Hồ Chí Minh, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời chưa từng vì cuộc sống riêng tư, tất cả đều vì dân, vì nước, gia đình của người là nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất cả điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên yêu quý Người vô cùng, kính yêu Người như cha, như mẹ.
Hồ Chí Minh, cái tên được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng, cũng là biểu tượng của niềm tin, hy vọng, của lòng dũng cảm, của độc lập, tự do và hạnh phúc.
Chân dung của Người khắp cả nước đâu đâu cũng có, từ trong các túp lều tranh của nông dân lao động đến các dinh thự của nhà giàu, trong các nhà thờ Thiên chúa giáo hay trong các đền chùa đạo Phật...
Cho dù Người chưa từng là sinh viên ở trường đại học nào, nhưng sự hiểu biết của Người thật cao rộng và sâu sắc. Người luôn bày tỏ chính kiến của Người trên các trang báo kể cả báo trong nước hoặc báo tiếng Anh, tiếng Pháp. Người thông thạo không dưới năm thứ tiếng: Hán, Đức, Anh, Pháp, Nga và Nhật.
Về cá tính, Người chỉ nói ít và nói những điều cô đọng, là người nhân hậu và khiêm tốn, giản dị. Suốt nhiều năm trong cả thời kỳ tiến hành công cuộc kháng chiến chống Pháp, Người chỉ mặc bộ quần áo kaki và chiếc mũ cũng bằng vải kaki, đi dép kiểu Trung Quốc, nhiều lần có người đề nghị biếu quần áo sang trọng hơn để Người dùng thì người đã nhẹ nhàng từ chối rất khéo léo rằng: “Dân ta đang nghèo, đang khó khăn nhiều lắm, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”.
Sự ăn ở của Người cũng quá ư bình dân, với tư cách là Chủ tịch Nước nhưng nơi ăn chốn ở của Người không khác gì lối sống đạm bạc của giai cấp cần lao.
Khi bàn luận hay giải thích, hoặc đề cập vấn đề chính trị, Người luôn trình bày đơn giản để mọi người nghe dễ hiểu, khiến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ tiếp thu. Khi cần tranh luận Người không nói vòng vo, dùng từ khuôn sáo sách vở, Người dùng từ ngữ quen thuộc, gần gũi với mọi người, không triết lý dài dòng, khó hiểu.
Về sinh hoạt hàng ngày, Người dậy từ 5 giờ sáng ngồi vào bàn làm việc, uống trà, hút thuốc hoặc đọc sách hoặc điểm lại những công việc đã qua, sau đó ghi nhanh chương trình làm việc trong ngày vào quyển sổ tay và tất nhiên Người làm đầy đủ không bỏ sót từng chi tiết công việc đã ghi. Một điều đặc biệt là mặc dù bận trăm công nghìn việc, một việc mà không bao giờ Người bỏ qua là dành 30 phút tập thể dục vào buổi sáng, một lớp sinh hoạt đã hình thành đều đặn ở Người trong hàng chục năm.
Phần lớn thời gian, Người hy sinh cho công việc phục vụ nhân dân và Tổ quốc, không có mấy thời gian cho riêng mình. Là người đúng giờ tuyệt đối, tuyệt đối đến mức thành thành ngữ “giờ Bác Hồ” tức là muốn nói đến sự đúng giờ.
Một điều cần nói thêm, mặc dù đã là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, là lãnh tụ của Đảng, là Chủ tịch Nước nhưng lúc nào Người cũng là Người khiêm tốn, giản dị và đôn hậu. Hàng chục năm qua Người đã ở nhiều nơi, làm việc nhiều nơi, hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, dưới nhiều tên khác nhau khó có ai biết được Người hiện đang ở đâu và làm gì. Nói tóm lại Người là con người vô cùng linh hoạt, linh hoạt đến mức kỳ diệu. Cũng có nhiều người đã từng có lần tò mò muốn biết đến quá khứ kỳ diệu ấy của Người, Người đã giản dị trả lời: “Quá khứ của Bác không có gì đặc biệt mà cũng không quan trọng, cái điều mà Bác thấy cần phải quan tâm là vấn đề hiện tại và tương lai của nước nhà”.
Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc sinh ra ở Nghệ An, là quê hương của nhiều nhà cách mạng đã từng chiến đấu ngoan cường chống thực dân Pháp xâm lược trong suốt thời gian dài, kể từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Thân phụ của Người là người am hiểu về lịch sử, về văn học và cũng là nhà ái quốc có tên tuổi. Truyền thống gia đình và tính cách của thân phụ đã sớm hình thành tư tưởng cứu nước trong Nguyễn Ái Quốc, mới 12 tuổi đầu, Người đã sát cánh cùng cha, cùng anh chị ruột của mình giương cao tấm gương cứu nước, cứu nhà.
Năm 1911, khi mới 19 tuổi, Người đã tìm cách xuất dương, làm một thủy thủ trên con tàu sang Pháp, con tàu đã tiếp tục đưa Người vượt đại dương sang San Francisco rồi lại quay lại Luân Đôn cứ như thế trong nhiều năm.
Mãi đến năm 1918, Người trở lại Pháp, tại đây Người làm nghề chụp ảnh để kiếm sống. Thời gian ở Pari, Người đã gặp gỡ rất nhiều nhà ái quốc Việt Nam. Ở đâu cũng vậy, Người bao giờ cũng là một người học trò khiêm tốn, chăm chỉ, cần mẫn tìm tòi, học hỏi mọi vấn đề, mọi việc xảy ra trong xã hội. Người học bằng mọi cách, mọi phương tiện, học trong sách vở, trong các cuộc đàm luận, học ngay trong các báo chí hàng ngày, hàng tuần.
Năm 1924, Người sang Quảng Đông Trung Quốc với cái tên Tống Văn Sơ. Tại đây Người làm việc cho Quốc dân Đảng dưới hình thức là để tổ chức Hội Cứu quốc tại hải ngoại, đào tạo và huấn luyện thanh niên Việt Nam rồi đưa họ về nước tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng.
Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc bị bắt và bị giam một thời gian. Sau khi được tự do, Người sang Thái Lan, lúc đó gọi là Xiêm và đang ở thời kỳ của chế độ quân chủ. Tại đây, Người lại tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp cứu nước. Theo lời của sư cụ thượng tọa chùa Oắt Phô, tỉnh Uđonthani, hiện nay đã 80 tuổi kể lại: Ông Nguyễn tức Ông Hồ ở đâu cũng vậy, luôn luôn vì quyền lợi chung, sư cụ còn kể với tôi một mẩu chuyện nhỏ về đời hoạt động của Người tại tỉnh Uđonthani rằng: Hồi ấy chùa Oắt Phô tổ chức xây dựng điện thờ chính cho ngôi chùa, sư cụ Thượng tọa của chùa là Thích Thămchêđi là người có nhiều công đức, được dân kính trọng nhất vùng đứng ra quyên góp. Việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góc công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều. Một hôm trong lúc mọi người đang làm việc, cảnh sát Thái Lan ập vào chùa tìm bắt ông Nguyễn, mà hình như lúc này mật vụ của Pháp đã đánh hơi thấy sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Uđonthani. Trước tình thế đó sư cụ Thích Thămchêđi đã đứng ra can thiệp, che chở cho ông Nguyễn, sư cụ nói rằng: “Nhà chùa không có kẻ ác trốn, mọi người đây chỉ toàn thiện nam, tín nữ với lòng từ thiện đến xây điện thờ cho nhà chùa”. Cái uy của sư cụ đã khiến đám cảnh sát phải rút lui, nhờ đó ông Nguyễn đã thoát...
Ngài Priđi Pranômyông, một chính khách lỗi lạc của Thái Lan nói về Hồ Chí Minh rằng: Trong một dịp được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hỏi Ngài về một người ở tỉnh Phichít đã từng cứu mạng Người trong thời kỳ lưu lại ở đó với một thái độ cực kỳ biết ơn. Kể cả thời mà chính Ngài Priđi đã gửi vũ khí giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến với cả tấm lòng biết ơn với Chính phủ Xiêm, thể hiện bằng việc đặt tên cho Tiểu đoàn Bộ binh đã dùng vũ khí của nước Xiêm ủng hộ là "Tiểu đoàn Xiêm", việc ấy đã chứng tỏ rằng Hồ Chí Minh là người sống có nhân nghĩa tuyệt vời, luôn luôn nhớ đến công ơn những người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn.
Thưa quý vị, tất cả những gì tôi đã nói, có thể lộn xộn về ý tưởng, hoặc cũng có thể gọi là múa rìu qua mắt thợ, vì lẽ các quý bà, quý ông ở đây biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn tôi. Nhưng tôi vẫn cứ trình bày ở đây để khẳng định một lần nữa rằng Hồ Chí Minh là người có đầy đủ năm đức tính tiêu biểu của giai cấp cần lao như Lênin đã đặt ra. Đồng thời cũng là để kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn vô cùng thiêng liêng, trong sáng và chói lọi của Người.
Cũng trong dịp này tôi xin thay mặt cho nhân dân Thái Lan hết lòng kính trọng và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, một chiến sỹ cách mạng mà cả cuộc đời vì sự tự do và hạnh phúc của toàn thể nhân dân Việt Nam xứng đáng là một lãnh tụ quan trọng của thế giới.
(SIPHƠNÔM VICHIVÔRASAN3, trích trong cuốn Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 198-203)
Đức Lâm (tổng hợp)
1. Theo phong tục của người Đức, khi thân mật thì dùng chữ "Du", còn chữ "Sie" mang tính chất trọng thị, xã giao.
2. Vợ chồng đồng chi Ốttô Grốttơvôn cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Dân chủ Đức.
3. Nguyên Nghị sỹ Quốc hội Thái Lan