Chỉ mục bài viết

 37. Cái tên vô cùng tôn kính và thân yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của Người

Việt Nam là một cái tên vô cùng thân thiết, vô cùng gần gũi đối với trái tim mọi người nhân dân Cu Ba. Việt Nam đối với chúng tôi là một tấm gương, một nguồn cổ vũ trong cuộc đấu tranh của chúng tôi. Nhân dân Cu Ba hiểu rất rõ vai trò lớn lao của nhân dân Việt Nam trong phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Việt Nam đã nêu cho tất cả các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới một bài học bất hủ. Không có một phong trào giải phóng dân tộc nào, không một dân tộc nào đã từng đấu tranh để giành độc lập của mình mà đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và anh hùng như nhân dân Việt Nam. Cần phải nhắc lại hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp khi nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc đấu tranh của mình. Nói đến điều đó không thể nào không nhắc tới cái tên vô cùng tôn kính và thân yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do hiểu rõ tầm quan trọng lịch sử vô cùng lớn lao và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười quang vinh, do tiếp thu tư tưởng sáng ngời của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ trong Chủ nghĩa Mác - Lênin bài học và con đường để tìm ra giải pháp cho tất cả các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức và bóc lột. Đồng chí Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách thiên tài cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì quyền lợi của quần chúng bị bọn phong kiến và giai cấp bóc lột áp bức. Người đã tìm ra con đường là kết hợp giữa những tư tưởng yêu nước của các dân tộc với sự cần thiết phải giải thoát họ khỏi sự bóc lột xã hội. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thấy rằng các dân tộc lạc hậu do bị áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân có thể có những bước nhảy vọt trong lịch sử và xây dựng nền kinh tế của mình theo con đường xã hội chủ nghĩa, không phải trải qua sự hy sinh và những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa tư bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có một quan điểm chiến lược rõ ràng mà còn thấy sự cần thiết phải thành lập và xây dựng một đảng viên tiên phong lãnh đạo cuộc đấu tranh đó. Và chính Người đã bắt tay xây dựng nên Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này là Đảng Lao động Việt Nam. Người đã tổ chức nên Đảng, giáo dục Đảng và rèn luyện Đảng trong cuộc đấu tranh. Chính nhờ vậy mà nhân dân Việt Nam đã có được đội tiên phong của mình, một Đảng sáng suốt, biết đoàn kết tất cả các lực lượng tiến bộ của nhân dân trong một mặt trận rộng rãi để đưa họ đi đến thắng lợi.

Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời của đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến lược và chiến lược trong sáng của Người một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình. Đồng chí Hồ Chí Minh đã biết vận dụng một cách thiên tài vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam những nguyên lý bất hủ của chủ nghĩa Mác - Lênin và lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của Người. Vì nếu làm khác đi thì không một dân tộc nào có thể viết được trang sử vẻ vang và anh hùng như nhân dân Việt Nam là đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp và sau đó là đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Nhân dân Việt Nam vốn là một dân tộc nhỏ bé nhưng đã đánh bại cả hai lực lượng hùng mạnh nhất trong thế giới hiện đại. Đó là một tấm gương vĩ đại mà nhân dân Việt Nam đã nêu cho thế giới. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một quan điểm rất rõ về các lực lượng của phong trào cách mạng quốc tế và dựa vào sự đoàn kết của phong trào ấy, vì nếu không có sự đoàn kết đó thì không có một dân tộc nào có thể thắng được các lực lượng hùng mạnh của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới ngày nay. Đây là một trong những bài học tuyệt vời khác mà Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã chỉ ra cho tất cả các dân tộc cách mạng trên thế giới. Ngoài ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bảo vệ kiên quyết nhất sự đoàn kết của các lực lượng tiến bộ và cách mạng trên thế giới. Người hiểu rằng mọi sức mạnh cần thiết nhất để chiến thắng kẻ thù đế quốc chính là ở trong sự đoàn kết đó.

Đồng chí Hồ Chí Minh thân yêu, người mà chúng ta không thể nào quên được đã nói:

          “Còn non, còn nước, còn người

          Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Trung thành với Anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam “mười lần đẹp hơn" ấy. Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa anh hùng…

(Trích bài phát biểu của đồng chí Phiđen Caxtơrô Rudơ trong dịp sang thăm nước ta tháng 9 năm 1973).

38. Hồ Chí Minh với văn hóa dân tộc và quốc tế

Đã có nhiều nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà khoa học lớn của Việt Nam và thế giới viết về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tài năng, đạo đức, tác phong của Người. Đặc biệt, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với sự đánh giá của đồng chí Phạm Văn Đồng trong tác phẩm: “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”. Chúng tôi cho rằng đó là những lời đánh giá tuyệt đối đúng và hết mực sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng sự hiểu biết có hạn của mình, hôm nay, tôi muốn bàn về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, văn học và nghệ thuật mà nó xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Văn hóa dân tộc, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn bộ những di sản, những giá trị vật chất và tinh thần của tổ tiên và nhân loại để lại mà mỗi chúng ta có nghĩa vụ phải bảo toàn, học tập và phát huy những mặt tốt đẹp, nhằm xây dựng lên cuộc sống mới, con người mới, con người có trách nhiệm làm tròn sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngay từ những năm còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, thể hiện trong đời sống, trong mối quan hệ tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Những tác phẩm: “Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa”, “Con rồng tre”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết khi còn hoạt động ở Pháp vào hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, là những tác phẩm vừa có tính chính trị cao, đồng thời cũng là những tác phẩm văn học điển hình. Nó cực lực lên án chế độ thực dân Pháp; nó thể hiện tâm hồn của một con người yêu nước, yêu đồng bào, lòng nhớ thương Tổ quốc; nó mang bản sắc của người Á Đông nhưng đồng thời cũng rất đậm nét tính cách con người Việt Nam; nó không chỉ chống áp bức bóc lột, chống bạo quyền mà còn đòi được độc lập và tự do.

Với tư cách là người lãnh đạo Đảng và nNhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng. Người đã vạch ra con đường đúng đắn cho cách mạng, đồng thời cũng vạch ra một đường lối đúng đắn cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Người coi “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sỹ phải là chiến sỹ trên mặt trận ấy”.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau khi hòa bình lập lại, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn luôn luôn quan tâm chỉ bảo và vạch đường lối cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển. Những lời nói giản dị, những bài viết ngắn gọn của Người làm toát lên những vấn đề lớn của thời đại. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến viếng mộ Tổ, đền thờ vua Hùng tại Phú Thọ. Đó là việc làm rất phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của con người Việt Nam. Tại đây, Người đã nói chuyện với con cháu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Một lời dạy bảo giản dị, mộc mạc nhưng nói lên truyền thống của ngày hôm qua, nhiệm vụ ngày hôm nay và còn có ý nghĩa với muôn đời mai sau. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (ngày 17/6/1966), Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Một câu nói giản dị, ngắn gọn đã trở thành một câu danh ngôn mang những âm vang sâu rộng không chỉ bó hẹp trong đất nước, con người Việt Nam mà còn là lý tưởng đấu tranh của nhân dân các nước bị áp bức bóc lột và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người cách mạng, Người nhận mình là “nhà cách mạng chuyên nghiệp” và không nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Nhưng chính bản thân Người là tác giả của rất nhiều tác phẩm vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa rất hiện đại. Vì là một nhà văn hóa chân chính mà Người làm cách mạng và làm cách mạng không chỉ giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột mà cái cao quý nhất là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hóa nô dịch và xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc. Hàng năm, cứ mùa Xuân đến, Người lại làm thơ chúc Tết toàn dân. Mỗi bài thơ của Người vừa là một chỉ thị sáng suốt, một lời khuyên nhủ ân cần, vừa là một bông hoa nở trên từng chặng đường kháng chiến. Người rất hiểu những rung động và sự khao khát đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Đồng thời, Người cũng nghiêm túc yêu cầu “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể ở ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Văn hóa, nghệ thuật theo quan điểm của Người phải tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh cách mạng. Nhiệm vụ của văn hóa, văn nghệ là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sáng tác lên những tác phẩm ca ngợi những truyền thống tốt đẹp của cha ông và những tư tưởng, hành động tiên tiến xuất hiện trong cuộc sống mới. Chính vì vậy, trong những sáng tác của mình, Người viết rất ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân. Người dùng những điển tích đúng chỗ, đúng lúc nên càng làm đẹp thêm vốn cổ của dân tộc và làm hay cho văn chương Việt Nam ngày hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu rất rộng và sâu sắc vốn văn hóa, văn nghệ thế giới. Vậy mà Người không lạm dụng tiếng nước ngoài, cũng không hề bài ngoại. Người làm giàu vốn ngôn ngữ dân tộc mình bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trên 30 năm ở nước ngoài, đi khắp năm châu, bốn biển, trải qua bao nhiêu nghề: Làm báo, làm ảnh, viết sách và hoạt động cách mạng lúc hợp pháp, lúc bí mật, lúc bị cầm tù và chính những năm tháng đi tìm đường đi cứu nước, cứu dân đó đã giúp cho người hiểu tường tận văn hóa, văn nghệ của thế giới. Người đã nhiều lần trò chuyện với các tác giả nước ngoài về các đại văn hào thế giới, Người đã viết những bài phê bình, giới thiệu các đại văn hào thế giới, viết về triết học và nghệ thuật Ấn Độ (1958) và nền nghệ thuật In-đô-nê-xia (1958). Văn phong của Người là tổng hòa vốn văn hóa nghệ thuật giữa Á và Âu mà chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm“Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Nhật ký trong tù”... những lời châm biếm của Pháp, những nụ cười của Anh và chất hàm súc của Đường thi. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ am hiểu về nền văn hóa dân tộc mình mà còn rất am hiểu nền văn hóa thế giới và Người không chỉ làm cho nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam phong phú thêm mà Người còn đóng góp cho nền văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp, trong sáng về một quan niệm nhân sinh và thế giới, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại. Bởi thế, những tư tưởng văn hóa của Người đến với các dân tộc như một lẽ tự nhiên, có sức cổ vũ sâu sắc mỗi con người, mỗi dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó sâu sắc với dân tộc mình; đồng thời Người cũng đã dành nhiều tình cảm thắm thiết cho mọi dân tộc trên thế giới.

Hai nước Lào và Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời. Tình đoàn kết đó lại càng thêm bền chặt từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp và nó thấm nhuần vào từng người dân Lào và Việt Nam. Nó xuyên suốt trong mọi lĩnh vực công tác cách mạng. Nó là những dòng máu đỏ cùng chảy về một con tim. Khi chúng tôi nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đã đưa lại cho nhân dân Việt Nam một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật mới cũng tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa lại cho nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của dân tộc Lào một luồng gió mới, mở ra một thời đại mới, một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật mới, vừa kế tục nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc vừa được nâng lên để vươn tới một nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của thời đại và tương lai - đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cách mạng. Những tư tưởng lớn, những quan điểm về văn hóa và những tác phẩm của Người đã trực tiếp giúp cho đội ngũ văn nghệ sĩ Lào thấy rõ con đường đi hướng về tương lai xán lạn. Chúng tôi mãi mãi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi ghi nhớ những câu thơ của Người:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

(PHIÊNG XIXULAT1, trích trong Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.207-211).

39. Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh

Ngày 15 tháng 7 năm nay, hồi 7 giờ sáng tại một trong những ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, xây dựng xung quanh Phủ Chủ tịch, tôi ngồi đợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới. Người đã nhận lời cho tôi phỏng vấn. Người đến, mặc một bộ quần áo nâu - bao giờ người ta cũng thấy Người mặc quần áo này, như tất cả mọi nông dân Việt Nam và đầu đội mũ vải, tay chống gậy nhỏ. Giọng nói của Người yếu hơn so với những lần trước tôi được gặp hồi năm 1964 - 1965, nhưng con mắt vẫn tinh anh như xưa, vừa hóm hỉnh, vừa sâu sắc, vừa hiền từ. Thấy tôi, Người nói đùa ngay một câu về mái tóc ngày càng bạc trắng của tôi.

Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không một chút nghi thức. Chúng tôi cùng ngồi xuống bên cạnh nhau trước một cái bàn bày bánh ngọt và cà phê mà tôi không lúc nào thấy Người đụng tới. Chúng tôi bắt đầu vào công việc.

Cũng vẫn là con người tôi đã được biết cách đây mấy năm, mà sự có mặt phi thường của Người như choán hết cả gian phòng, có thể nói làm xóa nhòa sự có mặt của những người khác; nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp, hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta những phút đầu thấy đôi chút lúng túng nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái ngay.

Nếu không có đôi mắt sáng và chòm râu dài thì nét mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trông có vẻ rất trai trẻ. Ở Người hình hài như thu lại đến mức nhỏ nhất chỉ còn toát ra ý chí và trí tuệ là những cái tuy đã toát ra ngoài thể xác nhưng vẫn hoàn toàn hiện thực. Lúc bấy giờ tôi không thể không nghĩ: “Bác Hồ sẽ từ giã cõi đời này khi nào sự thoát xác kia trở nên hoàn toàn”. Và tôi nghĩ rằng Người sẽ qua đời theo cách như vậy. Nhưng hỡi ôi, cách đây một tháng rưỡi, không gì có thể làm cho người ta ngờ rằng việc ấy lại xảy ra quá sớm như thế.

Giờ phút tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong kinh nghiệm sống của một người. Người không để lộ với tôi những bí mật Nhà nước - trong khi chúng tôi nói chuyện về Lênin, Người không tìm cách dạy tôi một bài học nào về đạo đức hay chính trị. Người chỉ kể lại những chuyện cũ năm xưa - thế nhưng càng nghe tôi càng thấy rằng Người vừa nói về một vấn đề lớn của Nhà nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý và chính trị cao siêu nhất.

Có hai điểm làm tôi chú ý đặc biệt. Trong đề cương mà tôi đưa cho Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa. Người không viết: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn” mà viết “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”… Đây không phải là một cái tật trong cách sử dụng ngôn ngữ mà đây chính là một nếp suy nghĩ của Người, nếp suy nghĩ ấy thể hiện ra như vậy, làm cho người ta thấy rằng trong tất cả mọi tình huống dù là đen tối nhất, Người đã phân biệt rõ cái gì là tích cực, cái gì hướng về cuộc sống và tương lai.

Lại một lúc khác, khi nhắc đến những kỷ niệm cũ của Người ở Đại hội Tua, câu chuyện có đề cập một nghị sỹ thuộc Đảng Xã hội tại Đại hội đã ngắt lời Người một cách không nhã nhặn lắm và về sau nghị sỹ ấy không bao giờ còn là bạn chính trị của Chủ tịch nữa. Bác Hồ nói: Chúng ta chẳng nên nhắc đến tên người ấy làm gì. Hồi tôi mới bước vào cuộc đời đấu tranh, ông ấy đã giúp đỡ tôi khi tôi còn ở trong Đảng Xã hội, và lúc đó chưa có sự phân liệt ở Tua.

Chuyện xảy ra cách đây đã 50 năm rồi, thế mà vị đứng đầu Nhà nước này vẫn tế nhị tới mức giữ bí mật tên tuổi một người khác chính kiến và có thái độ không được lịch sự đối với mình.

Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19 tháng 5 năm sau), Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà gửi trẻ, trường học, bệnh viện hay phòng đọc sách. Người nói mấy câu rất nhanh bằng tiếng Việt với các cán bộ giúp việc Người, rồi theo phép lịch sự, quay lại phía tôi tóm tắt bằng tiếng Pháp một cách hết sức thoải mái, dễ dàng những lời Người vừa nói bằng tiếng Việt mà tôi cũng đã nắm được ý chính. Sau đó, chúng tôi lại quay về với công việc đang bàn.

Một giờ sau, Bác Hồ đứng dậy, nói mấy lời thân ái gửi thăm các con tôi, rồi đứng dậy đi ra, bởi vì cho tới phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi công việc của dân tộc Việt Nam mà Người đời đời là một biểu tượng sinh động.

(SÁCLƠ PHUỐCNIÔ2, trích bài đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 04 tháng 9 năm 1969).

Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:.

1. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
2. Nhà báo Pháp, Tiến sĩ sử học, nguyên: Phóng viên thường trú báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt Nam, Giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: