1. Bác dặn tôi giữ gìn sức khỏe
Tháng 7-1942, tôi có nhiệm vụ dẫn đồng chí Trần (Hoàng Sâm) cùng một số cán bộ đến các xã tổ chức tuyên truyền "tội ác phát xít Nhật". Bọn Pháp dò biết công việc của tôi. Chúng lùng bắt tôi, nhưng tôi trốn thoát. Chúng bắt vợ con tôi lên đồn, định lung lạc tinh thần để tôi ra đầu thú. Tôi rút vào hoạt động bí mật từ đó cùng với đồng chí Xích Thắng. Một lần, chúng tôi đang trao đổi tình hình thì có một đồng chí liên lạc người Mông đến trao thư của Ông Cụ hẹn gặp.
Đến một hang đá, chúng tôi gặp Ông Cụ cùng các đồng chí: Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Vân Trình, Lộc, Bình Dương đang quây quần bên chảo cháo gà sôi sùng sục trên bếp lửa. Đồng chí Xích Thắng giới thiệu tôi với Cụ. Ông Cụ chìa tay ra bắt và hỏi ngay chuyện vợ con tôi bị bắt. Cụ hỏi tôi có lo không. Tôi trả lời:
- Lo thì cũng lo nhưng làm thế nào được ạ. Chúng không bắt được mình thì chúng sẽ bắt vợ con hoặc bố mẹ, đánh vào tình cảm để hòng mình ra đầu thú. Chúng cũng không có cơm gạo đâu mà nuôi mình được. Đến một ngày nào đó, chúng sẽ phải trả giá. Tôi đã chuẩn bị tinh thần như vậy rồi.
Ông Cụ mỉm cười:
- Tất nhiên là như vậy. Nếu không hoạt động được công khai thì rút lui vào bí mật chứ sao. Rừng núi của ta rộng lớn như thế này, Tây lấy đâu ra quân lính để lùng bắt ta được. Chính vì ta thương vợ con mà ta đi làm cách mạng. Nếu bây giờ muốn gặp vợ con mà ra đầu thú thì sẽ bị chúng bắt bỏ tù. Rồi cả đời không được gặp vợ con nữa. Bây giờ chịu đựng thì một ngày gần đây sẽ được sum họp. Thôi, hãy ăn cháo đã.
Ông Cụ múc cháo cho từng người, đưa tận tay và giục ăn. Ăn xong, Ông Cụ giơ đồng hồ ra xem, hỏi chúng tôi đi hay ngủ lại. Chúng tôi đáp là muốn di ngay. Ông Cụ đồng ý và nói: Phải. Các đồng chí cũng nên về ngay để bám sát, ổn định tình hình. Nếu về thì phải dựa vào họ hàng, anh em thân thích để nắm tình hình của địch đã. Không được vào nhà mình ngay mà mắc bẫy của địch. Phải chọn cơ sở tốt. Không được bạ ai cũng bắt liên lạc. Bốn ngày sau, đồng chí quay lại báo cáo công việc.
Chúng tôi chào Ông Cụ và các đồng chí ra về. Đến lúc này, tôi mới biết Ông Cụ là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tôi mừng quá.
Đúng hẹn, tôi và đồng chí Xích Thắng quay về. Thấy mặt tôi đỏ gay, rên hư hử, Bác gọi đồng chí Cáp mang kim ra châm cứu cho tôi. Châm cứu cho tôi xong, Bác tập trung mọi người lại nghiên cứu tài liệu Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô. Bác giao cho một người đọc. Riêng tôi, Bác cho nằm nghe, nhưng không được ngủ. Sợ tôi không chú ý, bất thình lình Bác hỏi tôi: Tư bản chủ nghĩa là gì? Tôi trả lời: Thưa Cụ, tư là riêng, bản là vốn. Tư bản là vốn riêng ạ!
Bác không nói gì, lần lượt hỏi từng người. Mỗi người nói một cách, một ý khác nhau. Cuối cùng Bác hỏi đồng chí Vũ Anh. Đồng chí Vũ Anh trả lời đúng hơn cả. Bác kết luận:
- Định nghĩa như đồng chí Trinh (tên thật của đồng chí Vũ Anh) là đúng. Tư bản nếu hiểu theo nghĩa đen của chữ Trung Quốc là "vốn to". Song phải hiểu theo nghĩa bóng đó là những người có nhiều nhà máy, hầm mỏ, chuyên sống bằng bóc lột thợ thuyền…
Bốn ngày sau, khỏi sốt, tôi xin xuống làng công tác. Bác đưa tôi ra tận cửa hang. Thấy tôi còn xanh xao, Bác ân cần dặn dò giữ gìn sức khỏe để hoạt động lâu dài. Vừa bước được vài bước chân, đến mỏ đá hôm đầu tiên tôi biết Bác là lãnh tụ, bỗng tôi quay lại nhìn về phía hang, Bác vẫn đứng đó, vẫy tôi dặn với:
- Chú Hồng Mi, cố gắng công tác nhé. Nhưng phải giữ gìn sức khỏe đấy!
Sự quan tâm của Bác đối với cán bộ thật lớn lao ngay từ những câu nói rất đỗi giản dị ấy.
(Trịnh Nam Hiến (tức Lượng) kể, trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)
2. Những lời dạy bảo ân tình
Năm 1948, tôi đang công tác ở Liên khu 5 thì được phép đi điều trị ở một bệnh viện Trung ương tại chiến khu Việt Bắc.
Tuy ở căn cứ của Trung ương Đảng và Chính phủ nhưng trong khi ngày ngày nghỉ chờ tiêm thuốc, khám bệnh, tôi không dám nghĩ mình sẽ có dịp được gặp Bác thật. Thật bất ngờ, niềm hạnh phúc ấy lại đến với tôi. Nghe tin có một số cán bộ miền Nam ra chữa bệnh, Bác đến thăm. Cùng đi với Bác có anh Nguyễn Trọng Vĩnh. Lần này tôi thực sự được gặp Bác và còn được Bác thăm hỏi, trò chuyện. Bác đội mũ cát, mặc bộ quần áo nâu giản dị, khăn mặt vắt vai, chân đi dép cao su. Bác hồng hào, khỏe mạnh hơn nhiều so với hôm chúng tôi được thấy Bác ở cuộc mít tinh Tuần lễ vàng năm 1945. Dáng điệu của Bác thật là thanh thản, thoải mái. Bác đến bên giường tôi nằm, Bác hỏi:
- Chú tên là gì? Quê ở đâu?
Tôi thưa:
- Thưa Bác, cháu là Huỳnh Đắc Hương. Quê cháu ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Bác nói:
- Quảng Nam là đất cách mạng kiên cường. Các chú phải biết phát huy truyền thống đó. Chú còn trẻ, phải cố gắng chữa bệnh cho tốt để còn hoạt động lâu dài. Muốn chữa bệnh cũng phải có nghị lực như chiến đấu.
Bác còn hỏi một số tình hình và căn dặn các bác sỹ, y tá đi theo phải cố gắng chăm nom bệnh nhân cho thật tốt. Lần đầu tiên được ở cạnh Bác, được Bác hỏi han, tôi xúc động và lúng túng quá nên Bác hỏi gì tôi trả lời nấy và không nhớ là mình đã nói những gì. Cho đến khi Bác ra về, tôi vẫn còn ân hận là có nhiều điều muốn thưa với Bác mà cuối cùng không nói được lời nào. Tôi chỉ mới ngắm nhìn Bác.
Tôi biết Bác nghiện thuốc lá nặng, nhưng trong lúc thăm chúng tôi không thấy Bác hút. Bác tôn trọng nội quy của bệnh viện và không muốn làm ảnh hưởng đến chúng tôi. Tôi suy nghĩ mãi về hành động đó của Bác, thật giản dị mà cũng rất lớn lao. Bác để cho chúng tôi một bài học có giá trị giáo dục sâu sắc về ý thức tổ chức và kỷ luật.
Năm 1955, chúng tôi tập kết ra miền Bắc. Tôi công tác ở Cục Tổ chức thuộc Tổng cục Chính trị. Lúc ấy có chủ trương chuyển các đơn vị quân đội sang vừa sản xuất vừa luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Sư đoàn 305 của Liên khu 5 được chuyển lên địa phận Phú Thọ, khu vực Thậm Thình. Bác muốn lên thăm anh em. Anh Nguyễn Chí Thanh cử tôi lên trước để chuẩn bị.
Thế là một lần nữa tôi vinh dự được ở bên Bác. Cuộc gặp gỡ diễn ra hết sức giản dị mà ấm cúng. Anh em quây quần bên Bác, chẳng khác nào như đàn con quấn quít bên cha. Bác trò chuyện, thăm hỏi anh em, Bác nói đến những thắng lợi to lớn của cách mạng và con đường phải đi tới. Bác căn dặn quân đội cách mạng phải chiến đấu giỏi nhưng cũng phải sản xuất giỏi. Cha ông ta ngày xưa đã có truyền thống khi có giặc thì toàn dân đánh giặc, khi đất nước hết giặc thì ra sức sản xuất. Sư đoàn 305 đã chiến đấu giỏi, luôn sẵn sàng chiến đấu để góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và tiến tới thống nhất nước nhà. Bộ đội phải tôn trọng nhân dân, gắn bó với nhân dân, sống với nhân dân như cá với nước; phải kính trọng người già, phụ nữ, quý mến trẻ em; phải coi chỗ nào trên đất nước mình cũng là quê hương ruột thịt. Lời của Bác thật sự là những lời thân thiết của người cha dạy bảo các con, giản dị mà chân tình, dẽ hiểu mà sâu sắc, bao hàm một nội dung rộng lớn về tư tưởng cách mạng triệt để, về nhiệm vụ chiến lược của cả nước, vì mục tiêu chiến đấu và phẩm chất cách mạng của quân đội nhân dân.
Trước mắt, bước vào nhiệm vụ sản xuất, nhiều anh em còn băn khoăn lo lắng, nhưng sau khi nghe Bác nói thì ai cũng tin tưởng và thấy rõ trách nhiệm của mình.
Năm 1958, trong buổi lễ phong quân hàm của quân đội, tôi lại có dịp may mắn được gặp Bác. Được tham dự lễ có khoảng 20 cán bộ cả ba miền Bắc - Trung - Nam do Bộ Quốc phòng lựa chọn. Trong lễ tấn phong, Bác đã thân mật nói chuyện với anh em cán bộ cao cấp có mặt. Bác biểu dương quân đội đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Bác chỉ ra nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới. Bác nói: Quân đội ta phải kiên quyết bảo vệ những thành quả của cách mạng, tích cực tham gia công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Một lần nữa Bác lại nói đến sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đó là ý chí, tình cảm và quyết tâm của Bác. Ý chí của Bác cũng là ý của toàn dân, toàn quân ta. Bác nói tiếp: Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, quân đội ra phải là một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại. Mỗi đồng chí phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao trình độ chính trị và quân sự, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội ta… Bác căn dặn chúng tôi nhiều điều về trách nhiệm, phẩm chất của người cán bộ quân đội cách mạng…
Năm 1965, sau những thắng lợi ở miền Nam, Trung ương điện các quân khu cử người ra báo cáo. Ở miền Nam là anh Trần Văn Trà, Liên khu 5 thì tôi được cử đi đại diện cho Quân khu.
Trong thời gian công tác ở Trung ương, anh Trà và tôi được Bác cho gọi đến ăn với Bác bữa cơm thân mật. Anh Nguyễn Chí Thanh cùng dự với chúng tôi. Bác khen quân và dân Nam Bộ đánh trận Bàu Bàng, quân và dân Tây Nguyên đánh trận Plâyme như vậy là tốt. Nó chứng tỏ quân và dân ta không những đánh được Mỹ mà còn đủ sức đánh thắng Mỹ.
Bác hỏi vui tôi:
- Địch dùng trực thăng vận, các chú đã bị nó vồ trượt lần nào chưa?
Tôi thưa:
- Thưa Bác, ở trận Plâyme, trong lúc anh Chánh và cháu đang kiểm tra chiến trường thì không ngờ nó ập đến nhanh quá, nhưng nhờ có cây mắc cỡ mà chúng cháu không việc gì.
- Cây mắc cỡ nào cao thế à?
- Thưa Bác, vâng. Cây mắc cỡ trong đó mọc thành rừng, che kín đất mà màu cây cũng giống màu đất.
Bác còn hỏi anh Trà và tôi cũng nhiều chuyện nữa và dặn dò chúng tôi nhiều điều. Bác so sánh sự khác nhau giữa đánh pháp trước đây và đánh Mỹ ngày nay. Pháp tuy yếu hơn Mỹ nhưng điều kiện chiến đấu của chúng ta ngày ấy khó khăm hơn nhiều. Ngày ấy thực sự là châu chấu đá voi, nhưng cuối cùng ta đã làm cho voi lòi ruột. Đó là thế thắng tất yếu của cách mạng. Còn ngày nay là cuộc đọ sức của hai lực sỹ. Tuy Mỹ là lực sỹ khổng lồ, vũ trang đến tận răng nhưng không có chính nghĩa, không có địa lợi nhân hòa. Còn ta tuy là lực sỹ tí hon nhưng sức mạnh của cả đất nước, có nhân dân, có lối đánh riêng của mình và có sự ủng hộ của cách mạng và nhân dân thế giới. Sức mạnh của ta là sức mạnh của nhân dân và là xu thế đi lên của lịch sử. Còn sức mạnh của địch là sức mạnh của xu thế đi xuống nên nó sẽ dần dần bị tàn lụi và thất bại. Tất nhiên là phải biết đánh cho chúng thất bại.
Câu chuyện thân mật của Bác đã giúp cho chúng tôi một bài học vô cùng sâu sắc về đấu tranh cách mạng và tinh thần lạc quan cách mạng.
Có một chuyện vui. Biết chúng tôi ở chiến trường ăn uống kham khổ, hôm đó Bác bảo làm thêm thức ăn. Thấy chúng tôi ăn đã no mà thức ăn còn nhiều, biết tính Bác, anh Nguyễn Chí Thanh muốn đỡ cho chúng tôi. Anh thưa với Bác:
- Bác ngồi chơi đã lâu, mời Bác về nghỉ cho đỡ mệt.
Bác rất tinh ý, Bác cười:
- Để Bác ngồi tiếp với các chú miền Nam thêm lúc nữa.
Bác hỏi chúng tôi có muốn nghe chuyện ngoại giao không? Chúng tôi chưa hiểu ý Bác ra sao thì Bác đã kể chuyện có lần đồng chí Môlôtốp gặp Thủ tướng Anh Sớcsin. Vừa chuốc rượu, Thủ tướng Anh vừa nói đùa đồng chí Môlôtốp:
- Các ông phê phán tôi là phản bội giai cấp, nhưng chính các ông cũng không phải người thuộc giai cấp vô sản. Còn chính tôi mới xuất thân từ nghèo khổ.
Sớcsin nói thế có ý khoe mình là người của Công Đảng - Đảng của công nhân.
Môlôtốp cười xòa:
- Thế là chúng ta đều là người phản bội giai cấp.
Kể xong, Bác cười vui:
- Ngoại giao thì thế nhưng ăn uống thì phải thật thà, phải ăn thật hết, không được bỏ thừa.
Chúng tôi cùng cười nhưng hết sức xúc động trước tấm lòng của Bác.
Hồi ấy, tôi vẫn còn bị sốt rét luôn, người yếu, ăn uống kém, nhưng hôm đó tôi đã ăn rất ngon, gấp đôi ngày thường. Tôi cũng vui vì đã làm vui lòng Bác.
Sau thời gian công tác ở Tây Nguyên, tôi được chuyển sang công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc.
Chúng tôi cũng được tin là thời gian này, Bác đang mệt. Lời dạy của Bác đã làm cho chúng tôi thêm bồi hồi xúc động. Tất cả chúng tôi, những chiến sỹ tình nguyện sang giúp bạn chiến đấu hoặc công tác ở Lào, không ai không thấm sâu, không thuộc lòng những lời Bác dạy: Phải biết yêu quý, tôn trọng núi sông, nhân dân, Tổ quốc mình. Giúp bạn cũng là tự bảo vệ mình. Lời dạy của Bác thể hiện tình nghĩa quốc tế cao cả, tình cảm quốc tế đẹp đẽ, đường lối quốc tế vô cùng trong sáng của Đảng ta.
Giữa lúc đó thì Quân ủy Trung ương triệu tập một hội nghị cán bộ cao cấp. Một số anh em ở Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, trong đó có tôi, được về dự. Nghe tin Bác ốm, cả hội nghị đều rất băn khoăn và mong muốn được thăm Bác. Chiều ý chúng tôi, Bác để cho chúng tôi được gặp Bác ở nhà khách Chính phủ. Bác vẫn đi lại được nhưng sức khỏe của Bác đã giảm sút nhiều. Bác ân cần dặn dò chúng tôi nhiều điều. Riêng về vấn đề giúp bạn Lào, Bác nhắc lại và nhấn mạnh là phải bảo vệ thật tốt cánh đồng Chum. Biết Bác mệt, anh em chúng tôi không ai dám nói nhiều mà chỉ ngồi nghe như nuốt từng lời Bác, nước mắt cứ rưng rưng. Riêng tôi, tôi cầu mong cho sức khỏe cả Bác tốt lên để Bác dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của chúng ta đến ngày toàn thắng, và thầm hứa với Người: "Chúng cháu xin thực hiện bằng được lời dạy của Bác".
(Huỳnh Đắc Hương kể, trích trong cuốn Bác Hồ với đất Quảng, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000).
3. Kỷ niệm lần gặp Bác
Năm 1955, chừng 20 học sinh Việt Nam người dân tộc Khmer và 30 học sinh của các dân tộc Tây Nguyên tập kết ra Bắc có trình độ lớp 4 trở lên đi học ở Trường Trung sơ cấp Sư phạm miền núi Trung ương cùng các bạn học sinh dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Chúng tôi được nghe nhiều tiếng nói, âm sắc khác nhau của mỗi dân tộc thể hiện lòng yêu mến Bác Hồ bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình: Book Hồ, A Cha Hồ, Ava Hồ, Giàng Hồ, Ké Hồ, Prak Hồ, Um Hồ… và lúc nào chúng tôi cũng mong được gặp Người. Năm học 1956, ước mơ được gặp Prak Hồ của chúng tôi thành sự thật. Người đi thăm lớp học, nơi ở, nhà bếp, sân chơi,… của chúng tôi. Người dặn dò:
- Các cháu là con em các dân tộc trong cả nước về đây học tập để sau này trở thành thầy cô giáo phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà. Cố gắng học thật tốt để đem hiểu biết đó xây dựng quê hương mình. Các cháu phải có trách nhiệm mang ánh sáng văn hóa của Đảng về thắp sáng bản mường, buôn rẫy, phum sóc của mình…
Rồi Prak Hồ hỏi:
- Các cháu có đồng ý vậy không?
- Thưa Bác, có ạ!
Tất cả chúng tôi đồng thanh trả lời.
Năm 1957, Đoàn đại biểu Chính phủ Inđônêxia sang thăm Hà Nội, giáo sinh các dân tộc ở trường chúng tôi mặc trang phục theo dân tộc mình, đón Đoàn tại lễ đường Trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Bác Hồ giới thiệu chúng tôi với Tổng thống Xucácnô.
Rồi Người quay sang hỏi chuyện chúng tôi:
- Cháu là người dân tộc Khmer phải không?
- Dạ, phải!
Tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu tại sao Prak Hồ biết.
- Cháu học lớp mấy?
Người hỏi tiếp.
- Dạ, lớp 7 ạ!
- Nhớ ba má, quê hương miền Nam không?
- Dạ, nhớ lắm ạ!
Prak Hồ dặn:
- Cố gắng học thật giỏi để thể hiện tấm lòng nhớ thương ba má và quê hương…
Lần ấy là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp Bác. Từ đó, trong quá trình học tập cho đến khi tốt nghiệp, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô (1970) và mãi mãi không bao giờ tôi quên lời dặn dò của Người.
(Trần Thanh Pôn kể, đăng trên Báo Sài Gòn ngày 19/5/1990)
Tâm Trang (tổng hợp)