Chỉ mục bài viết

 77. Bác Hồ với việc học tập và sử dụng tiếng nước ngoài (tiếp)

Bác Hồ với các thứ tiếng khác

Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7, Bác đã ghi: Biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Trong bản lý lịch in sẵn bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp: "Đồng chí biết những thứ tiếng gì Bác đã viết bằng tiếng Nga để trả lời câu hỏi ấy, dưới ký tên bằng chữ Nga (Au). Như vậy là rõ: Ngay từ năm 1935, ngoài tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga được xem là những ngôn ngữ quốc tế thông dụng ra, Bác còn biết cả tiếng Đức và Ý cũng là hai thứ tiếng quốc tế nữa.

Bác học tiếng Đức từ bao giờ?

Năm 1923, trên đường đi công tác, Bác tuy chỉ ghé qua Thủ đô Béclin trong một thời gian ngắn, Bác vẫn học và có học được tiếng Đức. Lúc học, Bác mua báo Đức để tập đọc Bác nói: "Tiền mua một tờ báo lúc đó trải rộng ra bằng cả tờ báo". Chúng ta biết rằng hồi ấy nước Đức đang bị nạn đói nghiêm trọng, nạn lạm phát tồi tệ. Theo Xanh-tơ-ni, một nhà ngoại giao Pháp thì hồi ấy ở Béclin, Bác đã học xong phần cơ bản của tiếng Đức. Nhờ biết nhiều thứ tiếng nên Bác học tiếng Đức cũng nhanh và với việc dùng thường xuyên, với phản xạ nhạy bén mà sau này Bác có thể sửa vài chỗ đồng chí phiên dịch không chính xác. Như khi sang thăm nước Cộng hòa dân chủ Đức chẳng hạn, Bác đến nói chuyện với anh chị em học sinh thực tập sinh Việt Nam cùng các thầy cô giáo Đức. Đồng chí giỏi tiếng Đức nhất lớp được cử ra dịch. Bác giới thiệu có đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đến đây, nhưng đồng chí ấy lại dịch thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Bác đã chữa lại cho.

Còn nhớ có một lần, một nhà điêu khắc nước Cộng hòa dân chủ Đức tỏ ý mong đắp tượng Bác. Nể lắm Bác mới nhận lời. Trong quá trình làm việc, đồng chí ấy mới biết Bác có thể nói được nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Đức. Nhà điêu khắc tài giỏi này lúc ấy mới thấy mình lãng phí, không điều tra nghiên cứu kỹ tình hình nên đã đưa cả phiên dịch sang.

Về đọc, Bác cũng thành thạo. Khi đoàn Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên thế giới ở Đức về, đang tự học quanh đống lửa thì Bác đến. Một người đưa cho Bác một lá thư dài bằng tiếng Đức. Đây là thư của một tù binh Đức trong quân đội lê dương bị bắt trong chiến dịch biên giới năm 1950. Do chính sách khoan hồng nhân đạo của Chính phủ ta nên anh được trao trả về nước. Người tù binh ấy hiểu rõ sự thật, trong thư, anh gửi tặng Bác ảnh hai vợ chồng, anh báo tin là vợ anh có mang, anh xin Bác nhận làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ... Bác dịch ngay tức khắc cho mọi người nghe, dịch tới đâu ai nấy đều phá lên cười vui vẻ đến đấy...

Như vậy là, tiếng Đức tuy Bác ít sử dụng và không được thành thạo bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga của Bác thế nhưng nhiều người - kể cả người Đức - cũng vẫn kinh ngạc về vốn liếng thứ tiếng của Mác - Ăngghen này của Bác. V.Xan-bao, Ủy viên thường trực Ban Thư ký Ủy ban đoàn kết với Việt Nam của Cộng hòa dân chủ Đức được gặp Bác. Đồng chí cảm thấy "một điều rất lạ là sau 37 năm trời - kể từ năm Bác qua hoạt động bên nước Đức - Bác vẫn nói tiếng Đức một cách chính xác".

Về tiếng Ý, cũng có một mẩu chuyện vui vui. Khi còn hoạt động bí mật ở nước ngoài, trên đường đi công tác, Bác ghé qua nước Ý. Đến biên giới, bọn cảnh sát canh gác biên phòng của bọn phát xít đã giở xem quyển "Tự điển chống cộng quốc tế" dày khoảng 2000 trang, ghi tên tuổi những người cách mạng các nước từ vần A đến vần Z. Khi không thấy tên mới của Bác trong đó, chúng chào lễ phép: "Mời ông cứ đi”. Thế là Bác vào được nước Ý, nơi mà phụ nữ "hát rất hay", "trong như tiếng chuông". Bác đã đến cửa biển Náp-lơ, đi thăm núi lửa Vê-xu-vô, di tích phố Pom-pê-i, Thủ đô Rôm và đến dự hội chợ Mi-lăng. Ở đây có một cái tháp cao, lên tháp xem phong cảnh xung quanh phải mua vé. Bác đã chào cụ già gác tháp và hỏi bằng tiếng Ý: "Sao cụ, đời sống thế nào?", "Ôi, khổ lắm ông ạ! Biết bao giờ sẽ chấm dứt chế độ này". Rời ý, Bác đáp tàu Nhật sang Xiêm.

Về Xiêm (nay gọi là Thái Lan), Bác lấy tên là Thầu Chín, hoặc Chín Thầu nghĩa là ông già Trung Quốc. Bác đóng vai một nhà báo Trung Quốc. Theo đồng chí Lê Mạnh Trình, người xưa kia đã được Bác dạy bảo thì bây giờ "việc tổ chức kiều bào còn mắc bệnh hẹp hòi: Ở đất nước người ta lâu mà tiếng Xiêm, chữ Xiêm cũng không học, vì anh em cho rằng không bao lâu nữa, không đi nước ngoài thì cũng về nước để tuyên truyền, vận động, chứ chẳng ăn đời ở kiếp ở nơi đây. Mặt khác, tình hình có nhiều khó khăn, phong trào trong nước bị khủng bố dữ dội, anh em thấy tiền đồ cách mạng còn đen tối". Trước tình hình ấy, Bác chủ trương làm cho quần chúng Xiêm có cảm tình với cách mạng Việt Nam", "xin phép Chính phủ Xiêm cho lập trường học cho trẻ em Việt kiều, khuyến khích mọi người học tiếng Xiêm". Thầu Chín cổ động mọi người trong cơ quan hợp tác cùng học chữ Xiêm; số người cùng học được mươi người. Khi đặt chương trình, Thầu Chín đề ra trong thời gian đầu, mỗi ngày học 10 chữ, về sau tăng dần lên. Mọi người chê ít, đòi học nhiều hơn.

Thầu Chín chủ trương học 10 chữ thôi. Mọi người cho rằng nhất định mình học được. Chưa đầy 3 tháng, Thầu Chín đã xem được báo chữ Xiêm (còn những người khác thì chỉ hăng hái, vồ vập lúc đầu, về sau dần dần "bữa đực bữa cái". Kết quả "chữ thầy lại theo thầy! ").

Lớp học tiếng Xiêm kể trên là lớp học ngoài giờ làm việc, "lớp không chuyên", thì sức học như Bác đề ra là hợp lý, bảo đảm thành công mà trí nhớ không bị suy yếu vì học quá nhiều, quá khó trong một lúc, nhất là vào thời gian đầu. Sở dĩ Bác học chữ, tiếng Xiêm được nhanh và tốt như vậy, là nhờ mục đích cao đẹp tạo nên sự say mê, hào hứng, thái độ nghiêm túc kiên trì, kinh nghiệm già dặn trong việc học tiếng nước ngoài, cộng với một sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ của Bác.

Chính nhờ nhiều nhân tố học tập đó mà trong quá trình học tập, rèn luyện, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã nắm được tiếng Tây Ban Nha. Do thông thạo tiếng Anh, Pháp, Bác học tiếng Tây Ban Nha chẳng lấy gì làm khó khăn cho lắm. Hơn nữa, con người với "đôi bàn chân đã đi khắp thế giới" ấy, từng đặt chân lên nhiều nơi ở vùng châu Mỹ La-tinh như Pa-na-ma, U-ru-goay... là những nước nổi tiếng như Tây Ban Nha, lại còn đến cả Tây Ban Nha nữa, thì chắc rằng cái vốn của thứ tiếng quan trọng đứng hàng thứ ba về số người nói (sau tiếng Hán và Anh) này của Bác cũng không phải là quá ít ỏi. Trước khi trúng cử Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê, ông Xan-va-đo A-gien-đê Gớt-xen đã sang thăm Việt Nam. Tháng 6/1969, A-gien-đê được gặp người tượng trưng cho cả dân tộc Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị chính khách được gặp Bác này bày tỏ niềm kính phục vô hạn trước đức độ, tài năng của Bác. Riêng về tiếng nước ngoài, xin trích ra đây một đoạn "băng ghi âm" cuộc nói chuyện giữa Tổng thống và nhà báo Pháp Rê-gi Đơ-bray:

Đơ-bray: Đồng chí Hồ Chí Minh rất giản dị trong cách đối xử.

A-gien-đê: Thái độ của Người giản dị không thể tưởng tượng được. Trong cách đối xử với chúng tôi, Người thân ái một cách đặc biệt! Nổi bật khi Người nói với chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: "Cảm ơn các đồng chí!" và bao giờ cũng vậy, Người nói thêm: "Đất nước các đồng chí ở xa quá!". Tôi ngạc nhiên hỏi: “Người học tiếng Tây Ban Nha ở đâu?”. Người kể rằng, trước đây, Người đã từng đi dọc bờ biển châu Mỹ Latinh làm phụ bếp trên những tàu buôn. Con người từng bôn ba ở nước ngoài, từng kiếm sống bằng nghề nấu bếp bình thường ấy đứng trước chúng tôi giản dị như thế mặc dù có một sức hút mạnh mẽ trên thế giới. Đồng chí Hồ Chí Minh hiểu rất rõ thực tế của các dân tộc chúng ta.

Chẳng những Bác hiểu rõ thực tế của các dân tộc Hán, Pháp, Anh, Nga mà còn hiểu cả tiếng nói của các dân tộc ấy nữa. Nhằm phục vụ cho lý tưởng cao đẹp của mình, Bác chẳng nề hà ngần ngại điều gì. Một mặt, Bác học tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga... là những thứ tiếng nước ngoài có ý nghĩa "thế giới", "quốc tế" của nó, mặt khác khi cần thiết, Bác cũng học cả một vài thứ tiếng ít được dùng trên thế giới như tiếng Xiêm, Tiệp, và những thứ tiếng của các dân tộc ít người sống trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ lưu hành trên với vùng nhỏ hẹp mà thôi. Ở Viện Bảo tàng Cách mạng, chúng ta vẫn còn giữ được bút tích Bác học tiếng Tày hồi ở Việt Bắc như thế nào. Mới về Pác Pó, chẳng bao lâu, Bác đã nói được tiếng Nùng, giao thiệp với đồng bào ở vùng "quê hương thứ hai" của Bác (người Pác Pó nói tiếng Nùng). Chẳng những thế, Bác còn đặt một bài hát bằng tiếng Nùng rồi dạy dần cho các đồng chí ở xung quanh. Đó là “Bài hát thiếu niên cứu quốc hội" theo một điệu dân ca Nùng, một số câu dịch ra tiếng Kinh đại ý như sau:

Thiếu niên ta ở trong cứu quốc hội

Phải học để cứu nước nhà

Theo người lớn đánh Tây đuổi Nhật

Ta tự cứu lấy ta...

Bác đã đi hầu hết các tỉnh miền núi ở miền Bắc, Bác lên vùng cao cũng như xuống vùng thấp, quen biết rất nhiều địa phương. Nhiều khi vào một bản, nhân dân quây quần lại, khi thì Bác nói tiếng Kinh, lúc lại nói tiếng Tày, Nùng... tiếng quê hương của các dân tộc ít người. Bác thường khuyên cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền ngược cần phải học tiếng địa phương, nếu không như vậy thì "nửa câm nửa điếc", "khó gần gũi quần chúng". Bác nói: "Người Kinh lên miền núi công tác phải học cho được tiếng dân tộc. Không học tiếng dân tộc, bà con bảo đau đầu lại cho thuốc đau bụng, thể là bệnh chẳng khỏi mà có khi gây nguy hiểm chết người nữa", "Người dân tộc này phải học tiếng nói của người dân tộc khác để hiểu biết nhau hơn, giúp đỡ nhau học tập dễ dàng hơn và sau này nếu đi công tác ở vùng không phải dân tộc mình, cũng làm việc được tốt hơn".

Anh hùng La Văn Cầu người dân tộc Tày, đại biểu Quốc hội được gặp Bác. Trong câu chuyện đậm đà giữa Bác và người anh hùng đã nhờ đồng đội chặt tay mình để xông lên diệt địch này, Bác có dùng xen vào tiếng dân tộc "Bác phát âm, dùng từ rất đúng". Bác đề nghị anh nói chuyện cho một số người ở cơ quan trung ương nghe. Anh e ngại vì tiếng phổ thông (tiếng Kinh) chưa thành thạo, mà nói tiếng Tày thì người nghe lại không hiểu. Bác động viên: "Cháu biết tiếng phổ thông thế nào thì cứ nói thế ấy!”. Nhờ sự cổ vũ của Bác, anh đã nói chuyện thành công. Sau đấy, Bác lại còn khuyên bảo thêm: Cháu nói được tiếng phổ thông rồi, nhưng muốn nói thạo hơn, thì nên xem nhiều sách báo và mạnh dạn dùng tiếng phổ thông, không sợ sai, sai sẽ sửa, trước lạ sau quen".

Biết bao nhiêu đồng chí ta nhờ vâng theo lời Bác mà đạt được nhiều thắng lợi trong công tác, vừa giỏi chính trị chuyên môn lại vừa giỏi tiếng dân tộc (hoặc tiếng Kinh), tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng dắt tay nhau vươn lên, vươn mãi. Và chính Bác cũng là hiện thân của đoàn kết, nguồn gốc của mọi thắng lợi - đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ từng dân tộc, giữa các dân tộc với nhau, giữa dân tộc ít người với dân tộc nhiều người, đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới.

(Trích trong "Bác Hồ với tiếng nước ngoài")

78. Để các cháu làm chủ

Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với thiếu nhi. Từ ngày 22/6 đến ngày 11/7/961, Bác đã dành chỗ đó cho các cháu làm phòng triển lãm "Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy". Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Bác Hồ, Bác Tôn đã đến nói chuyện và dự liên hoan với 2.000 thiếu nhi trong buổi bế mạc ngày 11/7/1961.

Đồng chí phục vụ Bác cảm thấy như vẫn còn sôi động khi vào dịp hè năm 1961 các cháu thiếu nhi tổ chức triển lãm "Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy" trong nhà khách Phủ Chủ tịch.

Trung tâm triển lãm chính là phòng khách long trọng của ngôi nhà. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, ra bãi cỏ.

Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo:

- Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui.

Bác còn nhắc phải có nhiều kem, xi-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu.

Thỉnh thoảng những khi nghỉ, Bác cũng ra xem các cháu vui chơi. Có hôm Bác đi dạo ở phía dưới, thấy một phòng có kê các ghế băng. Bác hỏi các đồng chí ghế đó để làm gì. Đồng chí phục vụ thưa:

- Thưa Bác để dành cho các cháu bị mệt ạ. Thấy vậy, Bác bảo:

- Sao dành cho các cháu mà lại không có giường?

Ngày hôm sau, các đồng chí phục vụ triển lãm đã liên hệ với Bộ Y tế, và các ghế băng được xếp lại nhường chỗ cho những chiếc giường xinh xắn.

Bác Hồ là như vậy. Khách của Bác, dù là những người nhỏ bé nhất cũng luôn được tôn trọng và quan tâm chu đáo.

(Trích trong "Bác Hồ, người Việt Nam đẹp nhất")

79. Dưới gốc đa Tân Trào

Qua mấy ngày lội suối, tắt rừng, vượt đèo, đoàn đại biểu Hà Nội do đồng chí Hoàng Đạo Thúy dẫn đầu đã tới cây đa Tân Trào, điểm liên lạc cuối cùng.

Toàn đoàn khá mệt, ngồi nghỉ dưới gốc đa, có liên lạc đón và mời nước chè tươi.

Toàn đoàn đang ngắm nhìn chiến khu với sự cảm kích, hào hùng - Bởi rừng già hùng vĩ, núi non trầm mặc. Vừa lúc ấy, từ bản gần đó, một đoàn người đi ra, người quần áo Tày, người quần áo Dao. Dẫn đầu đoàn người là một cụ già mặc quần áo Tày, đội mũ sợi màu chàm, tay chống gậy. Được biết, đó là nhân dân địa phương ra đón đoàn đại biểu Hà Nội.

Đoàn đại biểu Hà Nội vội đứng lên chào mừng nhân dân địa phương. Sau phút chào hỏi vui vẻ, đồng chí Hoàng Đạo Thúy cử đồng chí Nguyễn Tài, Ủy viên dân vận của đoàn ra nói chuyện cùng nhân dân địa phương. Còn cả đoàn xin phép được ngồi nghỉ dưới gốc đa liền đó để chờ thượng cấp.

Được gặp đồng bào ở chiến khu, với niềm tự hào là đại biểu của Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội (8/1945), đồng chí Nguyễn Tài dùng hết khả năng tuyên truyền của mình để nói chuyện với đồng bào: Nào là tội ác của Pháp cùng Nhật xâm lược nước ta, cướp bóc thóc lúa, để hàng triệu đồng bào ta bị chết đói; nào là phát xít Đức đã đầu hàng; Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật; nào là lực lượng Việt Minh ta ở Hà Nội rất mạnh, khắp nước cũng rất mạnh. Thời cơ nổi dậy giành độc lập đã tới, v.v... Chúng ta lại có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo...

Đồng chí Nguyễn Tài vừa nói tới đây thì cụ già - người dẫn đầu đoàn nhân dân địa phương vỗ tay ngắt lời, nhân dân cùng vỗ tay hoan hô theo. Ông cụ ra hiệu, một nữ đại biểu từ trong đoàn nhân dân đứng ra đáp lời: “Nhân dân Tân Trào rất cảm ơn đoàn đại biểu Hà Nội đã về dự Đại hội. Đại biểu vừa rồi đã nói chuyện với nhân dân nhiều ý hay, lời đẹp. Dân ở đây cũng được cán bộ Việt Minh, nhất là ông Ké dạy bảo nhiều. Hợp với ý của đại biểu vừa nói. Như vậy là xuôi ngược một lòng cứu nước. Chúc các đại biểu Hà Nội thu nhiều kết quả”.

Nữ đại biểu phát biểu xong, thì nhân dân trở về bản. Đoàn đại biểu Hà Nội cũng đứng dậy, đôi bên vẫy chào nhau.

Ông cụ vẫy đồng chí Nguyễn Tài lại gần, cầm tay như dắt đi. Vừa đi, vừa hỏi:

- Đồng chí thấy nữ đại biểu nói thế nào?

- Dạ, nữ đồng chí ấy nói ngắn, nhưng thể hiện trình độ khá cao. Cháu đang băn khoăn là mình nói hơi thừa...

Ông Ké tủm tỉm cười, nhẹ nhàng bảo đồng chí Tài:

- Chú cần nhớ là Hà Nội bị địch chiếm trước, trên này bị địch chiếm sau. Bây giờ trên này lại được giải phóng trước, Hà Nội vẫn bị quân giặc cướp nước thống trị. Cho nên người đi sau không nên chỉ đường cho người đi trước.

Đồng chí Nguyễn Tài giật mình nhìn ông Ké: Trời ơi! Ông già miền núi gầy gò, mảnh khảnh kia nói đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: "Người đi sau sao lại chỉ đường cho người đi trước". Đồng chí Nguyễn Tài vội nắm chặt tay ông già: "Cháu hiểu ra rồi ạ". Nhìn theo bóng ông cụ bước đi, Nguyễn Tài thầm nghĩ: "Việt Minh mình có những sức mạnh, chính là ở những con người này đây”.

Thấy đồng chí Nguyễn Tài đi theo ông Ké một lát rồi bần thần đứng lại, đồng chí Hoàng Đạo Thúy liền tới gần và hỏi: "Ông Ké bảo gì, mà cậu ngẩn ngơ ra vậy?".

Đồng chí Nguyễn Tài kể lại lời ông Ké. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy gật đầu bảo: "Phải nhắc nhở anh chị em mình, trò chuyện với nhân dân vùng giải phóng, phải cẩn trọng". Nhìn theo bóng ông Cụ, rồi đồng chí Thúy thầm thì với đồng chí Tài: "Không khéo ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc đấy!".

Đến ngày khai mạc Quốc dân Đại hội, những băn khoăn đó của hai đồng chí mới được rõ ràng: Ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc.

(Trích trong "Những ngày được gần Bác")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: