39. Bài học đầu tiên về phương pháp đấu tranh với kẻ thù
Khoảng cuối tháng 5/1945, Bác rời nhà ông Tiên Sự xuống ở lán Nà Lừa. Trong căn lán đơn sơ nhỏ bé này, Bác đã cùng Trung ương họp bàn những vấn đề quan trọng quyết định vận mệnh của nước nhà. Chúng tôi cũng được xuống gần để phục vụ Bác. Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ quản lý, chuyên lo việc ăn uống của Bác và các đồng chí Trung ương về họp.
Một hôm tôi thấy anh Lợi và anh Đài Toàn dẫn về hai tên lính Tưởng. Thật ra trong nhận thức của chúng tôi lúc ấy chẳng ai ưa gì nhũng tên lính phương Bắc mà ông cha chúng đã từng ngạo mạn đem quân xâm lược nước ta. Vì thế thái độ của tôi đối với hai tên lính Tưởng vẫn còn nghi hoặc và con mắt nhìn quả là thiếu thiện cảm. Được tin họ đến. Bác cho gọi chúng tôi đến dặn:
- Các chú hãy bố trí nơi ăn nghỉ cho họ chu đáo.
Mặc dù băn khoăn, nhưng Bác đã bảo, chúng tôi phải chuẩn bị ngay. Trong lúc Bác và chúng tôi còn phải ở căn lán bằng tranh tre dựng tạm, chúng tôi đã dành cho họ một căn lán mới sạch sẽ và quang đãng. Sau chúng tôi được biết họ là điệp báo viên đến trước để liên lạc với quân đồng minh chuẩn bị vào giải giáp quân Nhật.
Sau khi giành chính quyền, bọn Tưởng đại diện quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Chúng vào nước ta ngày càng thể hiện là một đội quân ô hợp, chúng giở đủ trò quấy nhiễu và hạch sách ta đủ điều. Nhìn cách chúng ức hiếp nhân dân và khiêu khích ngay cả anh em trong đơn vị vũ trang bảo vệ Bắc Bộ phủ là nơi Bác làm việc, chúng tôi rất bất bình nên thường nói với nhau phải tiêu diệt hết bọn giặc Tưởng cho hả giận. Biết chuyện này, Bác hỏi chúng tôi:
- Các chú thấy ruồi nhặng có đáng ghét không?
Anh em cùng trả lời:
- Thưa Bác, có ạ!
Bác nhìn chúng tôi như thấu hiểu rồi nói giọng ôn tồn:
- Chúng ta mới giành độc lập ví như được chiếc bình quý mà bọn chúng như ruồi nhặng đang làm bẩn bình. Nếu không đuổi khéo, lỡ tay ta tự đập vỡ bình. Cho nên các chú phải bình tĩnh, khéo léo.
Chúng tôi hiểu ý nghĩa lời khuyên của Bác, từ đó không còn băn khoăn khi gặp phải sự khiêu khích của địch.
Trong những ngày đầu Chính phủ mới thành lập Bác rất bận, hàng ngày Người phải tiếp nhiều khách, khách là người đại diện cho các tổ chức hoặc cá nhân đến gặp Bác với những mục đích khác nhau. Tuy bận rộn Bác vẫn dành thời gian tiếp đón. Nếu là nhân dân, cán bộ hay nhân sĩ trí thức thì Bác chăm chú lắng nghe ý kiến và giải thích cặn kẽ, còn đối với bọn Pháp, Mỹ, Tưởng v.v... Bác vẫn cho gặp nhưng Bác dặn chúng tôi:
- Khi họ vào gặp Bác một lát thì các chú đưa chiếc "các" của khách mời đến báo cho Bác biết.
Các là do Bác bảo chúng tôi làm. Chính việc làm đó để dành được nhiều thời gian vàng ngọc cho Bác giải quyết công tác cách mạng và khiến những kẻ đến gặp Bác với ý đồ riêng không thể ngồi ỳ và không có cớ gây khó dễ cho ta.
Đầu năm 1947, giặc Pháp gây hấn, chiến sự đã lan ra vùng Hà Đông, Sơn Tây. Các cơ quan Trung ương lại chuyển vào vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tuy đời sống khó khăn gian khổ, nhưng Bác vẫn làm việc say sưa. Mỗi lần thay đổi chỗ ở, sau khi sắp xếp công việc xong, Bác đưa chúng tôi vào chương trình học tập văn hóa, chính trị, nhiều lần Bác trực tiếp phổ biến cho chúng tôi hiểu biết tình hình thời sự.
Một hôm, chúng tôi đang trao đổi với nhau về chủ trương trường kỳ kháng chiến của Đảng, đúng lúc đó Bác đi tới. Người hỏi chúng tôi đã thông suốt chủ trương của Đảng chưa? Ai chưa rõ thì cứ hỏi. Một đồng chí trong chúng tôi mạnh dạn:
- Thưa Bác, sức ta yếu mà đánh trường kỳ chắc sẽ hại người hại của lắm. Chúng cháu nghĩ mãi mà chưa hiểu tại sao.
Bác nhìn chúng tôi rất cảm thông, giọng Bác ấm áp:
- Ta như thanh niên mà giặc như lão già quỷ quyệt ta cậy sức trẻ đánh bừa sẽ không thắng giặc, vì vậy ta vừa dành vừa nuôi cho sức mình lớn lên khi giặc yếu ta mới lựa thế quật nó ngã.
Chừng như thấy chúng tôi đã hiểu, Bác kết luận:
- Như vậy trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Sau đó Bác bảo chúng tôi:
- Các chú tên gọi khác nhau, dễ lộ bí mật, nên để thể hiện quyết tâm kháng chiến của ta, từ nay Bác đặt cho các chú tên mới theo câu Bác vừa nói. Các chú có đồng ý không?
- Đồng ý! - Chúng tôi phấn khởi đồng thanh trả lời.
Chúng tôi có 8 anh em làm công tác bảo vệ, phục vụ Bác. Người đặt tên cho chúng tôi lần lượt: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Chúng tôi vinh dự mang tên mới Bác đặt cho từ ấy.
Quá trình công tác chúng tôi được Đảng giáo dục nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và phương pháp cách mạng, nhưng bài học đầu tiên Bác dạy đã để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc
(Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an kể, trích trong "Cận vệ Bác Hồ")
40. Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ
Một lần trên đường đi thăm hợp tác xã trồng cây giỏi ở huyện Quảng Oai (Hà Tây) Bác Hồ đã nhắc đến mẹ Bác.
Hôm ấy khi xe ô tô đến Quảng Oai, một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa xen em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng. Nhìn thấy các cháu vui, Bác Hồ cũng vui theo.
Người nói với chú Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe:
- Này! các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ phấn khởi, Bác mừng cho các cháu.
Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống.
- Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.
Mọi người cùng đi không nén nổi cảm xúc trước tình cảm của Bác đối với mẹ Bác là cụ Hoàng Thị Loan.
(Vũ Kỳ, trích trong "Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ")
41. Không như đến cửa quan ngày trước
Nhiều buổi Bác mải tiếp khách, quá bữa mới xuống nhà ăn. Thấy Bác mệt và bận quá, có lần anh em chúng tôi đề nghị với Bác bớt những cuộc gặp gỡ không thật cần thiết. Bác nói:
Chính quyền ta mới thành lập. Đồng bào, cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi. Đây cũng là dịp để nói rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ, của đoàn thể cho mọi người rõ. Ta không nên để đồng bào cảm thấy gặp những người trong Chính phủ bây giờ cũng khó khăn như đến cửa quan ngày trước.
Các chiến sỹ quân giải phóng làm nhiệm vụ cảnh vệ ở Bắc Bộ phủ, các đồng chí lái xe ở gần Bác là những người được hưởng nhiều sự chăm sóc. Đối với anh em, Bác không chỉ là đồng chí Chủ tịch nước. Bác còn là một người cha. Anh em đều thấy phần mình giúp đỡ được cho Bác quá ít so với phần Bác đã dành cho mình.
Mặc dù bận, Bác vẫn dành thời giờ chuyện trò, hỏi han anh em, từ bữa ăn có đủ no không, đến những vui buồn trong gia đình. Bác hay chú ý đến trật tự nội vụ và việc giữ vệ sinh của các chiến sỹ.
Buổi tối, cơ quan không làm việc. Thấy các chiến sỹ nằm dưới nhà nóng, Bác bảo lên gác ngủ cho mát. Một hôm, anh em vật nhau làm vỡ chiếc mặt bàn đá. Đồng chí quản trị bực mình, bắt tất cả xuống dưới nhà. Bác về thấy vậy, lại gọi anh em lên. Bác nói:
- Các chú là bộ đội, là thanh niên, phải sinh hoạt cho vui, cho khỏe. Chơi vật cũng tốt. Nhưng muốn vật nhau phải tìm bãi cỏ, chỗ rộng. Người ngã không đau và không làm đổ vỡ, thiệt hại đến của công. Lần này đã lỡ phải rút kinh nghiệm cho lần sau. Hôm nào các chú có chơi vật dưới vườn, nói Bác đến coi cho vui.
Đồng chí lái xe ít xem sách báo. Những buổi anh rỗi việc Bác gọi lên, bảo ngồi ở buồng bên, rồi đưa sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng, Bác qua kiểm tra. Có lần Bác vào, thấy tờ báo mở trên bàn, đồng chí lái xe tựa lưng vào ghế ngủ. Bác nhẹ nhàng đi ra. Lúc khác, Bác nói: “Mới đọc chưa hiểu, dễ buồn ngủ. Đọc ít lâu, hiểu rồi sẽ ham. Ham rồi sẽ không buồn ngủ nữa”.
Mùa Đông tới, đoàn thể phụ nữ nhiều nơi đã nghĩ tới tấm áo ấm của Bác trong những ngày gió lạnh. Những cô gái Hà Nội, các chị phụ nữ cứu quốc ở Quảng Yên… mang đến Bắc Bộ phủ những chiếc áo len dày dặn. Lần nào cũng vậy, Bác đều cảm ơn và bảo hãy mang hộ về cho một người già nhất và nghèo nhất ở địa phương.
Một buổi sớm, trời rét. Một đồng chí đến làm việc với Bác chỉ có chiếc áo mùa hè phong phanh. Bác vào buồng, lấy chiếc áo len của mình, đem ra đưa cho đồng chí cán bộ.
Về Hà Nội ở Bắc Bộ phủ, trong cương vị Chủ tịch nước, cuộc sống của Bác vẫn giản dị, thanh đạm như những ngày hoạt động bí mật ở chiến khu.
Võ Nguyên Giáp, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
42. Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai
Gặp cán bộ ngoại giao Bác thường dặn: “Các cô, các chú phải luôn rèn luyện phẩm chất chính trị, giữ gìn tư cách, phẩm chất của người làm công tác đối ngoại”. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự, nhất là việc bổ nhiệm các đại sứ. Chúng tôi nhớ về một việc đã làm Bác không vui. Một đồng chí vụ trưởng, cán bộ lâu năm, đã được quyết định giữ chức đại sứ tại một nước ở Đông Âu. Trước ngày lên đường đi trình Quốc thư, Bác nhận được báo cáo về việc đồng chí đó đã tổ chức một bữa tiệc “khao” linh đình. Sau khi xác minh sự việc đó là đúng, Bác xót xa và rất buồn khi dân và nước đang khổ, thì đồng chí này đã lãng phí như vậy. Vì vậy, Bác quyết định đình chỉ công tác đại sứ của đồng chí này. Bác phê bình, kiểm điểm để làm gương cho mọi người. Trong việc này, Bác tỏ ý không vui, Bác nói: “Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai!”.
(Lê Trang kể, trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta)
43. Nướng sắn
Ông cụ bóc vỏ được củ sắn nào lại đưa cho Bác và chúng tôi hơ nhựa, rồi vùi xuống tro nóng để nướng.
Nhìn Bác hơ củ sắn khô mà vẫn trắng, và khi vùi tro, sắn chín vàng rất đều, còn chúng tôi hơ củ nào cũng bị dính bụi củ ấy, ông cụ cười bảo:
- Các đồng chí phải học cái ké bộ đội này! Trông cầm củ sắn là biết ngay người có quen núi hay không đấy!
Đang ăn, chợt ông cụ hỏi một câu rất đột ngột:
- Ké bộ đội à, thấy người ở núi Hồng qua đây, nó kể chuyện Cụ Hồ, nghe họ nói thì Cụ Hồ tốt lắm, giỏi lắm vớ! Có thật Cụ Hồ như vậy không?
Chúng tôi phải cố giữ vẻ tự nhiên cho khỏi lộ. Bác vẫn nghe một cách chăm chú, rồi trả lời:
- Tôi cũng nghe nói, chắc là có.
Ông cụ vẻ hả hê sung sướng, mắt sáng lên, tay đập vào vai Bác mà nói:
- Con tôi nó viết thư về, nó cũng bảo thế! Nhiều cái tôi tin còn nhiều cái tôi chưa tin! Bác hỏi:
- Cụ chưa tin điều gì?
Ông cụ nuốt một miếng sắn, chiêu một ngụm nước chè rồi thẳng lưng, cất tiếng nói sang sảng rất cởi mở.
- Nói Cụ Hồ dạy dân phải đánh Nhật, đuổi Tây dân mới khỏi khổ, cái này tôi tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải đoàn kết Kinh, Thổ, Mán, Mèo, Nùng lại mới đánh được Tây, đánh được cái tụi quan của nó, cái này tôi cũng tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải làm ra nhiều gạo, nhiều ngô, sắn giúp bộ đội đánh Tây, tôi cũng tin đấy! Còn nói Cụ Hồ đi nhiều nước lắm - ông cụ ấy khoanh tay tròn trước mặt ra hiệu là nhiều, nhiều lắm, rồi tiếp - tôi già thế này mà ra đến Bắc Kạn, về Thái Nguyên thôi! Con tôi nó giỏi hơn, nó đi theo bộ đội đi Nam tiến. Nam tiến xa hơn, nhưng cũng chỉ trong nước ta thôi! Thế Cụ Hồ là người, sao đi được nhiều thế? Cái này không tin đâu, người mình sao tài thế?
Nghe ông cụ nói, chúng tôi cố giữ nét mặt bình thản, nhưng cũng không nhịn được cười. May ông cụ vui chuyện, cười nói sang sảng, nên cũng tưởng chúng tôi vui chuyện hưởng ứng mà thôi.
Bác cũng cười vui vẻ và giải thích cho ông cụ hiểu thêm:
- Cụ Hồ cũng là người mình thôi, nhưng đi nhiều nơi, học được nhiều cái hay ở mỗi nơi một ít, rồi được nhân dân trong nước góp vào mỗi người một ý, lại cùng nhân dân thực hiện ý ấy, nên câu nói Cụ Hồ mới đúng và việc đánh giặc cứu nước, sản xuất, học tập mới thắng lợi được. Cụ với tôi già thế này có thấy ai là người trên trời rơi xuống đâu.
Nghe Bác nói, ông cụ gật gù khen phải. Lúc ấy có đồng chí đi với tôi, ngồi hơi nghiêng trước ánh lửa. Cụ già chợt nhìn thẳng vào hai mắt đồng chí ấy, thấy nổi lên hai đốm lửa trông như hai con ngươi, ông cụ reo lên:
- Ái dà, thấy rồi, biết rồi ! Mắt Cụ Hồ là thế này đây!
Tôi giật mình, tưởng là ông cụ nhận ra Bác, nhưng nghe cụ giải thích, chúng tôi mới hiểu. Còn ông cụ tỏ vẻ sung sướng, lẩm bẩm trong miệng:
- Cụ Hồ là có thật rồi! Bây giờ thì tôi tin cả rồi! Ông cụ gật gù nói tiếp :
Nó đánh mình, nó giết mình, mình không đánh lại nó thì mình cũng chết. Đánh thì hả cái lòng mình chứ! Thấy thằng Tây có cái máy bay, cái súng lớn mà mình không có, nên lúc đầu cũng thấy sợ! Nhưng bây giờ biết có Cụ Hồ thật rồi, thì tin lắm! Nhất định mình thắng thôi!
Nói tới đây ông cụ bỗng im lặng, đăm đăm nhìn vào Bác và bảo:
- Cái mắt ké bộ đội này, cũng giống mắt Cụ Hồ, ké là người nhà Cụ Hồ phải không? Bác và chúng tôi gật đầu cười vui vẻ.
Ông cụ cũng cười, tự mình trả lời:
- Các đồng chí là bộ đội Cụ Hồ, thì là người nhà Cụ Hồ hẳn rồi, với lại con tôi cũng là bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng là người nhà Cụ Hồ. Rồi ông cụ hỏi: "Bộ đội có ảnh Cụ Hồ không cho xin một cái?".
(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
Tâm Trang (tổng hợp)