Chỉ mục bài viết

12. Làm quân báo phải hết sức cảnh giác

Trung tuần tháng 7 - 1950, cơ quan của Bộ Chỉ huy chiến dịch đã có mặt tại địa điểm gần huyện lỵ Quảng Uyên (Cao Bằng). Một hôm, anh Văn gọi tôi cùng đến thăm các đồng chí cố vấn Trung Quốc ở cách chỉ huy sở Tà Lạng không xa. Trên đường về anh Văn nói với tôi: "Chúng ta ghé vào thăm Bác, nghỉ một lúc".

Sau khi anh Văn lên báo cáo với Bác trở về, bảo tôi: "Bác cho phép đồng chí lên gặp Bác đấy". Sắp được gặp Bác, tôi vừa mừng, vừa lo vì lần đầu tiên được trực tiếp báo cáo công việc với Bác, hoang mang không biết nói chuyện gì, bắt đầu câu chuyện ra sao thì chúng tôi đã đến nơi Bác nghỉ. Bác ngồi dậy nhìn tôi và có lẽ Bác thấy tôi đang lúng túng, Bác hỏi tôi về tình hình địch. Rồi Bác chỉ cho tôi ngồi gần và nói:

- Trong trận này ta đánh lớn, nhất định thắng nhưng địch không chịu thua một cách dễ dàng. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Chú rõ chưa?

- Vâng ạ.

- Thế nào bộ đội ta cũng bắt được nhiều tù binh địch, các chú phải giải thích chính sách tù hàng binh của ta cho họ rõ, để họ yên tâm. Làm công tác này chú có biết tiếng Pháp đấy chứ?

- Dạ có!

Bác suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp:

- Chú báo lại với Ban Chính trị chú ý tờ báo của mặt trận. Phải tuyên truyền kịp các chiến thắng của ta, những gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, những người tốt, việc tốt tận tụy phục vụ chiến đấu của đồng bào các dân tộc - chú ý viết ngắn gọn, dễ hiểu để kịp thời động viên bộ đội và nhân dân. Bác nói tiếp:

Ta đánh lớn và đánh dài ngày, cần nhiều lương thực và đạn dược. Bạn có giúp cho ta nhưng ta phải huy động trong dân nữa. Đồng bào dân tộc Cao - Bắc - Lạng rất hăng hái đóng góp tuy còn thiếu thốn. Phải hết sức tiết kiệm.

Trước khi tôi ra về, Bác còn dạy tôi cách rang thịt heo "kiểu Việt Minh" và dặn tôi nhớ phổ biến cho anh em.

Gần một tiếng đồng hồ bên cạnh Bác, được Bác căn dặn những điều rất thiết thực cho công tác, tôi rất phấn khởi và vô cùng vinh dự khi được gặp và hầu chuyện với Bác được toại nguyện. Đến nay hồi tưởng lại, tôi không bao giờ quên lần gặp Bác ngày hôm đó. Nhớ Bác với bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi tấm ván kê trên những tảng đá như lão nông dân. Nhớ mãi thái độ niềm nở, những lời chỉ bảo ân cần truyền cảm với những tiếng cười đôn hậu thắm tình cha con của Bác.

Một hôm, Bác đến Sở Chỉ huy gọi tôi và bảo đưa Bác đi gặp tù binh. Tôi lúng túng không biết làm thế nào để giữ bí mật, sợ tù binh nhận ra Bác thì Bác đã chỉ thị cho bác sĩ đem thuốc đỏ và bông băng râu Bác lại y như một chiến sỹ bị thương. Thật là tuyệt diệu. Tôi cho người chạy ra báo cho đồng chí Nghiêm Xuân Hiếu, cán bộ quân báo đang hỏi cung ở trại chuẩn bị gấp cho cán bộ trên gặp tù binh.

Tôi đưa Bác đến trạm, ba sĩ quan tù binh, một Đại úy Đồn trưởng Đông Khê và hai Trung úy đứng dậy khi thấy Bác vào. Lần đầu tiên tôi được nghe Bác nói tiếng Pháp hay quá, rất chuẩn. Ba tên tù binh mắt mở to rất ngạc nhiên.

Trên đường về, Bác cho biết hôm trước Bác đã gặp một toán tù binh được giải về trại, thấy có một tù binh bị thương, áo rách, Bác đã cho cái áo… Đi được một đoạn, Bác hỏi tôi:

- Sao chú lột giày của tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người Châu Âu, không có giày thì họ rất khó khăn, nếu chú sợ tù binh chạy thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ.

Rồi Bác cười và tôi cũng cười theo.

Chiến dịch kết thúc, Bộ Chỉ huy triệu tập Hội nghị sơ kết tại Lam Sơn - Cao Bằng. Có đông đủ cán bộ của ta và bạn đến dự. Hội nghị kết thúc, tôi ra về, tình cờ được gặp Bác, Bác nói: Chú quân báo! Trong chiến dịch công tác nắm địch có ưu và khuyết điểm, cần phải được tổng kết, nhưng chú ý giữ bí mật, rồi Bác cho tôi một điếu thuốc lá thơm.

Tôi vô cùng cảm động.

Chiến dịch biên giới kết thúc, kỷ niệm về những lần gặp Bác ở mặt trận đó mãi mãi còn in sâu đậm trong lòng tôi.

(Cao Pha kể, trích trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

13. "Sen vàng" tỏa hương

Hôm đó là sáng Chủ nhật, vào giữa mùa Thu năm 1963. Theo thường lệ, tôi sang nhà ăn rất sớm, vì từ nhà riêng sang nhà ăn khoảng cách chỉ mươi bước đường. Thật không ngờ Bác đã đến sớm hơn tôi...

Đã gần ba chục năm, nhưng mỗi lần gợi nhớ lại, chị Lan vẫn xúc động như buổi ban đầu đột ngột gặp Bác ngày nào.

 ... Tới nhà ăn, chị Lan định trao đổi công việc với tổ bếp thì một mậu dịch viên từ trên gác chạy xuống báo tin:

- Bác, Bác Hồ đến thăm nhà ăn.

- Thật à? Đâu Bác đâu?

- Bác đang trên gác.

  Vừa bàng hoàng, vừa xúc động, hai chân chị cứ díu vào nhau. Chị bỏ dép, chân không cứ thế chạy vội lên gác. Đúng là Bác Hồ rồi. Bác mặc quần áo kaki, chân đi dép cao su. Bác đang ở trong phòng chia cơm và thức ăn. Dường như Người đang trầm ngâm trước những suất cơm và thức ăn ít ỏi... Một đồng chí giới thiệu chị là người phụ trách nhà ăn tập thể Kim Liên này. Bác chỉ tay lên chiếc bóng đèn và một góc trần nhà nhắc nhở:

- Nơi chia thức ăn, sao để bẩn thế này?

Đến bây giờ chị mới nhìn thấy, bao lâu nay chị đâu có để ý. Hơi luống cuống, chị chưa tìm được lời. Nhưng nhìn vẻ mặt hiền từ và nụ cười độ lượng của Bác, chị trấn tĩnh lại:

- Thưa Bác chúng cháu xin sửa chữa ạ.

 Bác đi xuống nhà bếp, Người ôn tồn hỏi đồng chí Khai khi ấy là bếp trưởng:

- Chú làm công việc này có vui, có phấn khởi, có yên tâm không?

- Dạ, thưa Bác, cháu rất yên tâm. Vì đây là nghề của cháu. Trước đây cháu đi bán phở rong ạ!

Bác lại hỏi:

- Chú nấu thức ăn có được người ăn khen bao giờ không?

- Dạ, thưa Bác cũng có khi được khen, nhưng đôi lần cũng bị chê ạ!

Bác cười bảo:

- Nếu thế thì phải làm sao để ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê chứ!

Rồi Bác đề nghị đưa đi xem công trình phụ: Nhà tắm - nhà vệ sinh.

Trước khi ra về Bác gặp nhóm mậu dịch viên làm ca sáng, Người nói:

- Các cháu làm công việc gì?

- Thưa Bác, chúng cháu phục vụ bàn ạ!

- Công việc của cháu có gì vui, nói Bác nghe!

- Thưa Bác, khi nào được khách ăn khen, chúng cháu rất vui ạ.

Bác lại hỏi:

- Kim Liên là gì, các cháu có biết không?

- Thưa Bác không ạ!

Bác giảng giải:

- Kim là vàng, Liên là sen. Kim Liên và sen vàng. Đã là hoa sen vàng các cháu phải phấn đấu sao cho hương thơm tỏa mỗi ngày một xa. Bây giờ còn ít người ăn, sau này nhà ăn phát triển, các cháu còn phải phục vụ nhiều. Các cháu phải cố gắng góp phần bảo đảm sức khỏe của công nhân, cán bộ.

Bác còn dặn thêm:

- Các cháu phải làm thật tốt. Bao giờ có kết quả tốt, các cháu báo cho Bác biết, Bác sẽ trở lại thăm.

(Theo Trần Thành, báo Hà Nội mới, 1980).

14. Có cũ mới có mới

Cuối tháng 02 năm 1957, Bác Hồ đến thăm Đại hội văn nghệ lần thứ hai. Tôi là nhà văn cao tuổi nhất được cử ra tiếp Bác cùng với ông Hội trưởng. Gặp chúng tôi, Bác hỏi ngay:

- Việc khai thác vốn cũ dân tộc, các cụ đã làm đến đâu rồi?

- Thưa Bác, chúng tôi đang cố gắng.

Bác nói:

- Nên làm nhanh. Có trước mới có sau. Có cũ mới có mới, nhưng chúng ta không nên nệ cổ. Bây giờ là thời đại cách mạng, phải nhanh, phải cải cách.

Bác ngồi viết mấy câu để ra nói ở Đại hội. Bác đưa chúng tôi xem để góp ý kiến. Tôi thưa:

- Bác cũng là nhà đại văn nghệ rồi!

Bác bảo:

- Không đâu! - Ra Đại hội, Bác vừa cười vừa nói: - Cụ Hoàng vừa nói tôi là nhà văn nghệ. Không đâu, tôi chỉ là người thích văn nghệ thôi, chưa phải là nhà văn nghệ.

Cả hội trường vỗ tay, kính phục đức độ khiêm tốn của Bác. Câu nói của Bác làm tôi suy nghĩ rất nhiều. "Phải có trước mới có sau, có cũ mới có mới, nhưng ta không nên nệ cổ". Trong sáng tác, tôn trọng tính dân tộc, nhưng vẫn nâng cao vốn cũ lên để kết hợp với những đặc điểm của thời đại ngày nay. Thái độ của Đảng, của Bác đối với vốn cổ văn học nghệ thuật của cha ông ta là rất đúng.

Còn tuy Bác không nhận là một nhà văn nghệ, chỉ là người yêu văn nghệ thôi, nhưng theo tôi, chính Bác là một nhà thơ vĩ đại.

(Theo nhà văn Hoàng Ngọc Phách, trích trong cuốn Bác Hồ với văn nghệ sĩ)

15. Muôn vàn tình thân yêu dành cho các cháu gái

Một điều Bác dạy bảo mà suốt đời tôi không bao giờ quên là: “Báo chí là đại biểu cho dư luận, phải giúp Chính phủ đạt được thành công trong các chính sách đối nội đối ngoại. Sau này những lúc tình hình cách mạng có chuyển biến mới, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Câu nói của Bác giúp tôi nhớ tới vị trí và tính chất của báo chí ta. Một lần, Bác hỏi chị Thanh Thủy và tôi: “Các cô đã có con chưa? Các cô đã biết bế con, nuôi con chưa? Làm báo Phụ nữ không phải chỉ nói chính trị suông, giải phóng phụ nữ chung chung mà còn phải hướng dẫn cho chị em cách nuôi con, dạy con chăm lo việc gia đình. “Chị em trong cơ quan hỏi Bác nhiều điều. Bác trả lời cả những câu hỏi nhỏ nhặt nhất: “Tại sao trong họa báo Liên Xô lại thấy ảnh nhiều chị em để tóc dài? Có phải là sau khi vận động phụ nữ cắt tóc ngắn rồi lại phải vận động phụ nữ để tóc dài hay sao?”. Bác trả lời đại ý: Sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô có rất nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ phải đem hết sức mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn để đi lại cho gọn. Bây giờ, chiến tranh thứ hai kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ đã có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để…

Năm 1952 có Đại hội liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị bàn về chiến tranh du kích. Sau hai cuộc họp lớn đó, mọi người náo nức khen ngợi hai bản báo cáo của anh hùng Nguyễn Thị Chiên và của chị Phạm Thị Nhật, Bí thư chi bộ. Một hôm, Bác đến thăm cơ quan, chị em chúng tôi đều nói đến hai bản báo cáo ấy. Bác hỏi: “Các cô có biết vì sao mà báo cáo của các cô ấy hay không?”. Chị Đinh Thị Cẩn thưa: “Đó là do chị Chiên, chị Nhật đều lăn lộn, xông pha nhiều trong thực tiễn chiến đấu cho nên mới nói lên sự thật rất sinh động. Bác vừa cười vừa nói: “Đúng là như thế, nhưng không phải chỉ có thế. Các bản báo cáo ấy hay còn là do không có sự sửa chữa, thêm thắt của nhiều người khác…”. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Câu nói ý nhị của Bác nhắc nhở tôi mỗi khi sử dụng hoặc biên tập lại bài của thông tin viên, bạn đọc trong đông đảo nhân dân, phải luôn luôn cố gắng ghi lại đúng đắn, trung thực những lời nói, những ý nghĩ mộc mạc, giản dị của những con người trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu… không thể tùy tiện sửa đổi thêm bớt theo ý nghĩ chủ quan của mình./.

(Trích trong cuốn Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ,  Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2005)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: