Chỉ mục bài viết

 28. Một lần nhớ mãi

Đầu năm 1967, Bác về Thái Bình. Ô tô đưa Bác đến bến Triều Dương thì phải sang phà. Mấy đồng chí ở Tỉnh ủy đến đón, một cán bộ định giới thiệu với Bác. Bác nói:

- Thôi, thôi đi về cho sớm.

Ca nô mắc cạn loay hoay mãi vẫn chưa cập được bến.

Trời chiều, không thể để Bác chờ lâu nên đành phải đưa thuyền nan ra đón Bác vào bờ. Bác trèo lên đê, hỏi cô Định, Thường vụ Tỉnh ủy:

- Có còn lối nào đi lý thú hơn nữa không? Cô Định thành thật thưa:

- Bác phải đi xe, chứ về chúng cháu còn xa lắm. Anh cán bộ đi theo Bác cười:

- Bác phê bình khéo đấy! Rồi nói khẽ "tưởng bở".

… Về xã Tân Hòa, cán bộ địa phương mời Bác ngồi ghế giữa ưu tiên. Bàn kê thì chật, Bác lựa mãi mới đứng lên được.

Bác mở đầu như một vế đối:

- Ghế ưu tiên nên người không nhúc nhích... Anh chị em chỉ biết cười trừ.

… Đến bữa cơm, Bác giở cơm nắm ra ăn. Cô Định cứ năn nỉ mãi, mời Bác dùng cơm nóng, Bác bảo:

- Bác dùng cơm này đã quen rồi...

Trong bữa cơm có bát dưa. Cô Định cứ gắp mãi dưa, Bác hỏi:

- Dưa có ngon không? Cô Định nói một mạch:

- Ngon lắm ạ. Tỉnh chúng cháu năm nay trồng dưa thừa ăn còn đem bán cho các tỉnh bạn. Bác tủm tỉm cười:

- Dưa này không phải dưa Thái Bình đâu. Dưa Bác đem từ Hà Nội về đấy...

Sau này, cô Định nói: Chỉ một lần ấy mà tôi nhớ đời. Học được bao nhiêu điều.

(Lê Văn, trích trong Bác Hồ - con người và phong cách)

29. Đánh nó xong rồi ta phải làm gì

Trong cuộc mít tinh, có chút vốn nào tôi đều đưa ra cả (từ việc phát xít Đức đã bị đánh gục, tới sự suy vong của phát xít Nhật, mâu thuẫn Nhật - Pháp v.v. ..).

Đang đà thao thao bất tuyệt, tôi bỗng thấy chị Chi hồi hộp ghé tai tôi thầm thì: - "Đồng chí già" đang đứng nghe đấy. Chắc đồng chí ấy đến từ đầu.

Tôi giật thót mình, tự nhiên khắp người nóng ran lên.

Bỗng "đồng chí già" từ trong đám đông bước ra. Người vẫn mặc bộ quần áo chàm như mọi khi. Dùng tiếng địa phương, Người hỏi:

- Đồng bào nghe cán bộ nói có hay không?

- Hay lớ!

- Đồng bào có biết cán bộ nói cái gì không?

- Á dà... à, cán bộ nói cái hay, nói cái tốt mà, nói dài mà, không nhớ hết đâu?

Điếng người, tôi tưởng đất dưới chân mình có thể bị sụt. Quay lại nhìn chị Chi, thì mặt chị cũng đỏ như gấc chín, từng giọt mồ hôi đang lấm tấm nơi tóc mai.

Cũng may, "đồng chí già" không hỏi chúng tôi câu nào. Đồng chí chỉ yêu cầu đồng bào đừng về vội, để đồng chí nói lại cho dễ nhớ thôi. Được đồng bào ưng thuận, đồng chí liền hỏi:

- Nhật và bọn quan lại của nó bây giờ so với Pháp và bọn quan lại của Pháp ngày trước, thế nào?

- Pháp như con hổ, con báo thì Nhật cũng như bọn con báo con hổ thôi.

- Bọn quan của Pháp trước là bọn quan của Nhật đấy mà.

- Rắn lột xác vẫn là rắn thôi.

- Không phải rắn lột xác đâu. Chó săn đổi chủ đấy!

"Đồng chí già" lại hỏi:

- Dân ta có thể để cho con rắn, con hổ ăn thịt mình không?

- Không! - Đồng bào cùng cất tiếng trả lời.

Rồi từ các cụ già tới các thanh niên nam nữ thi nhau kể chuyện giặc giết người, tù đày, thuế nặng, bãi lính, bắt phu, v.v.. Những điều họ kể ra còn sâu sắc, cay đắng hơn những điều tôi vừa nói, vì nó đều là những sự việc ngay trong địa phương, nhân dân đã mắt thấy tai nghe và chính họ kể lại.

Chờ cho đồng bào ngớt lời. "Đồng chí già" kết luận:

- Ta phải quyết tâm đánh Nhật, quyết tâm trừ bọn quan lại của chúng để cứu lấy nước mình. Đồng bào đồng ý không?

Tiếng hô "đánh" vang lên. "Đồng chí già" lại chỉ một thanh niên rất khỏe, hỏi:

- Một người khoẻ như anh này, đánh được không? Đồng bào cười ồ lên. Một người nói:

- Không đánh được đâu! Nó đông đấy, lại có súng to, súng nhỏ nhiều mà.

- Thế cả nước một lòng, Kinh, Thổ, Mán, Mèo cũng đứng dậy đánh có được không?

- Được, đánh được! Mọi người cùng một lòng thì sợ gì Nhật, sợ gì Tây. Thầy nó chết thì bọn quan tay sai của nó cũng chết thôi!

- Đánh nó xong rồi ta phải làm gì?

Đồng bào ngơ ngác nhìn nhau. Lúc ấy "Đồng chí già" mới nói thêm:

- Đánh xong rồi ta không lập lại cái quan nữa, vì ta biết nó ác lắm! Đồng bào đều nói:

- Phải, phải!

- Ta xem trong dân ta, ai tốt và giỏi thì mình chọn người ấy để giúp dân, lo làm ăn, sao cho dân có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành. Mọi dân tộc, mọi người thương nhau như anh em ruột một nhà.

Tất cả cất tiếng reo lên:

- Ái dà, được thế thì sướng chết mất thôi!

Mắt mọi người đều sáng lên, ngắm nhìn "Đồng chí già" như muốn uống từng lời . "Đồng chí già" lại hỏi:

- Đồng bào nhớ chưa?

- Nhớ rồi, nhớ rồi.

"Đồng chí già" còn dặn thêm về việc phòng gian, chống giặc, cách giữ "ba không" (không nghe, không thấy, không biết).

Cuộc mít tinh kết thúc, "Đồng chí già" cùng tôi và chị Chi trở về. Dọc đường "Đồng chí già" bảo tôi:

- Lần sau nói chuyện ở đâu, phải hiểu rõ trình độ dân nơi ấy, phải nói sao cho thiết thực, để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ thì đồng bào mới theo mình được.

Tôi và chị Chi đều vâng lời. Tới chỗ rẽ, chờ cho "Đồng chí già" đi khuất, tôi mới bảo chị Chi:

- Được một bài học thấm thía. Không rõ "đồng chí già" người Kinh hay người Thổ?

(Trích trong  Kể chuyện Bác Hồ)

30. Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật

Lần nào gặp Bác, câu đầu tiên Bác thường hỏi là: "Thế các cháu có đoàn kết không, có thương yêu nhau không?", rồi Bác dặn: "Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật".

Cả chi đoàn đã lấy lời nói đó của Bác làm nội dung tu dưỡng. Mỗi khi có gì va chạm, kém gắn bó với nhau, anh chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với lời Bác dặn, có anh chị em khóc nức nở vì hối hận chưa thực hiện được theo đúng lời Bác.

Có lần Bác hỏi tôi: "Trong chi đoàn cháu, có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" không?".

Tôi còn đang lúng túng, Bác đã bảo: "Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm "ngôi sao" thì cháu phải giúp đỡ".

Lần cuối cùng tôi được gặp Bác là vào tháng 7... Sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc... về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Tôi là Phó trưởng đoàn, nên cũng được gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angiêri cũng như ở Pháp, ở Ý..., cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ.

Bác vui vẻ bảo:

- Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).

Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo.

Xong Bác bảo: "Người ta hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô cả dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng"...

Thúy Quỳnh - Diễn viên múa kể, trích trong Kể chuyện Bác Hồ)

31. Trong Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước

Đại hội năm ấy, có sáu thiếu nhi đi dự, được Bác rất quan tâm. Hôm cuối Đại hội, các cháu rất vinh dự được lên ghế Đoàn Chủ tịch với Bác. Sướng quá, các cháu chạy ùa lên. Bác Hồ và Bác Tôn kéo ghế ra cho các cháu đứng vào cạnh hai Bác.

Trong đoàn thiếu nhi có Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay. Bác Hồ chăm chú nhìn Tứ, kéo Tứ lại gần. Bác giới thiệu với Đại hội:

- Dân tộc ta rất anh hùng, người lớn anh hùng, thiếu nhi cũng rất anh hùng. Như cháu Hoa Xuân Tứ này cụt hai tay mà vẫn học giỏi.

Rồi chỉ vào Đinh Thị Lê Kim, cô bé "Ba đảm đang", Bác bảo: - Cả cô bé hạt mít này cũng học lớp 6 rồi đấy.

Bác bắt nhịp cho Đại hội hát bài "Giải phóng miền Nam", Bác không hát nhưng vỗ tay theo nhịp, mắt Bác nhìn trìu mến.

Sau đó tất cả đại biểu anh hùng và tập thể anh hùng cùng các cháu thiếu nhi được chụp ảnh chung với Bác.

Bác đứng giữa, các cháu thiếu nhi vây quanh.

... Bác lại cho đoàn đại biểu thiếu nhi được gặp riêng Bác.

Ngồi quây quần quanh Bác, các cháu được Bác hỏi tên từng người. Bác chia cho mỗi cháu một cái bánh, Bác hỏi:

- Về dự Đại hội, các cháu muốn nói gì nữa không?

Đinh Thị Lê Kim kể với Bác Hồ ở Thái Lan, Kim không được học phải đi bán bánh, bị cảnh sát đánh. Kể đến đây, Kim khóc, Bác vỗ vai an ủi Kim, rồi Bác kể chuyện Bác hoạt động ở Thái Lan, Bác khen thiếu nhi ta rất anh hùng, dù là ở trong nước hay nước ngoài.

... Các cháu lại được chụp ảnh chung với Bác, hát cho Bác nghe bài “Nguyễn Bá Ngọc, người thiếu niên dũng cảm".

Khi các cháu thiếu nhi ra về, Bác Hồ đứng trông theo cho đến khi xe của các cháu rời bánh.

(Trích trong Bác Hồ với thiếu nhi)

32. Bác Hồ với hai nữ nghệ sĩ quân đội

Nghệ sĩ Kim Ngọc - một giọng ca vàng của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị - đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Một lần, chị và hai diễn viên Thùy Chi, Xuân Đức được vào hát cho Bác nghe. Hát xong, lúc trở về, Bác chia kẹo cho từng người và thơm lên trán mỗi người. Bác nói: “Các cháu chỉ được thơm một cái thôi, Bác còn để dành cho các chiến sĩ của Bác”.

Năm 1957, Đoàn Ca múa Quân đội sang biểu diễn ở Triều Tiên đúng dịp Bác đang thăm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Bác tìm ra chỗ Đoàn ở, trên một quả đồi cao. Bác đến để thăm hỏi và động viên đoàn.

Năm 1959, nghệ sĩ Kim Ngọc sinh cháu đầu lòng, thật là một tin vui cho gia đình nghệ sĩ. Sau khi sinh cháu, chị lại được gặp Bác. Vì vừa sinh con nên sức còn yếu, có lúc thấy giọng hát chị đuối dần.

Bác nói với chị: “Cháu vừa sinh nở, người gầy lắm, phải chú ý bồi dưỡng cho mau lại sức”. Chị thưa với Bác là do sức khoẻ kém nên tiếng hát không được như trước. Bác lại bảo: “Thế thì cháu phải đi học thêm về ca nhạc dân tộc… chân không đến đất, cật không đến trời, thì không ứng dụng được đâu... ”. Vâng lời Bác, sau đó chị đã xin đi học một lớp dân ca và nhờ đó sức hát lại lên.

Nghệ sĩ Tường Vi - một giọng ca được nhiều người yêu mến - kể lại vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Chị kể:

“ - Tôi cũng có hạnh phúc được gặp Bác nhiều lần. Không phải chỉ gặp Bác mỗi khi vào biểu diễn phục vụ chiến sĩ ở tuyến lửa, ở nơi xa về. Những lần ấy Bác đều gọi và vào cho quà. Bác thường hỏi: “Nơi các cháu đi qua, đồng bào có bị đói không” và “Đơn vị các cháu đến, bộ đội có bị ghẻ không?”. Nghe câu hỏi của Bác, tôi càng thấm thía sự quan tâm của Bác đối với mọi người...

Nhiều lần ấy, Bác thường hỏi một câu mà nghệ sĩ Tường Vi và mấy bà mẹ trẻ là diễn viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị không thể ngờ tới: “Thế các cháu đi diễn dài ngày thì gửi con cho ai?” Câu hỏi ấy làm cho các chị cảm động đến ứa nước mắt.

Nghệ sĩ Tường Vi kể một câu chuyện rất riêng của mình:

- Lần tôi sinh cháu đầu lòng, không may cháu bị mất. Tôi đau buồn quá đến phát ốm. Không rõ ai đã nói chuyện này với Bác, Bác cho gọi tôi vào. Được Bác gọi, tôi mừng quá, vội vào ngay. Bác nhìn tôi hồi lâu rồi bảo: “Thôi, “thua keo này, bày keo khác”. Trông cháu thiếu máu quá, nghỉ hát, bồi dưỡng đã…”

Lần gặp Bác này, tôi càng cảm nhận sâu sắc một điều: Bác quan tâm đến mọi người, đặc biệt là đối với các bà mẹ và trẻ em.

(Tạ Hữu Yên, trích trong Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh)

33. Hành lý đáng kể nhất

Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trong nước có việc sang Côn Minh. Bác sống ở nhà tôi trong mấy tháng. Mãi mãi sau này tôi còn nhớ những ngày được gặp Bác lần ấy. Bây giờ ngồi kể lại, tôi cứ bồi hồi như đang nâng niu trong tay vật gì thiêng liêng quý báu lắm, chỉ sợ sểnh tay không giữ được trọn vẹn. Tôi chỉ sợ nhớ không được hết, ghi không được đúng hình ảnh Bác trong những ngày đầy ánh sáng ấy của đời tôi.

Bác tới vào một buổi chiều mùa đông. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy Bác gầy quá. Đôi mắt Bác vẫn trong sáng, hiền từ như thế, nhưng đôi gò má của Bác cao lên. Da Bác không được đỏ đắn, tóc Bác đã bạc nhiều... Bác mặc một bộ quần áo nhuộm chàm phai màu; trời rét, Bác khoác thêm một cái áo bông ngắn sờn vai. Lúc tới, Bác đi đất, đầu đội một cái mũ vải cũng nhuộm chàm.

Nhà tôi là một tiệm cà phê. Hồi ấy tôi chưa được tham gia tổ chức, mới còn là một người cảm tình, nhà tôi là một cơ sở  hoạt động của Đảng ở Côn Minh. Tôi thu xếp mời Bác nghỉ trong một căn buồng trên gác, một căn buồng chật hẹp chỉ đủ kê một cái giường Bác nằm và một cái bàn Bác làm việc, nhưng có một khung cửa sổ. Thu xếp xong chỗ nghỉ cho Bác, chúng tôi soạn lại hành lý của Bác. Việc này phải nhờ mấy anh cùng đi với Bác - anh Phùng Thế Tài và một đồng chí người dân tộc thiểu số lúc ấy tên là Minh. Thực ra cũng chẳng có gì mà soạn. Hay nói cho đúng, những thứ Bác mang theo đều nên bỏ, đều nên thay cả, kể từ cái khăn mặt đến cái ống đựng thịt muối. Cái khăn mặt của Bác nhuộm chấm bạc thếch đã rách gần hết. Đôi giầy của Bác mang theo càng rách hơn, Bác đi đến nỗi lòi cả chân ra. Còn ống thịt muối? Hai anh Phùng Thế Tài và Minh ngày ấy còn rất trẻ. Các anh mở nắp ống thịt muối ra, lắc đầu kể lại cho chúng tôi nghe về "món thịt" ấy dọc đường. Các anh bảo đúng ra phải gọi là "muối thịt", vì thực tình đến chín phần muối mới có một phần thịt. Dọc đường vượt biên giới, mỗi ngày đi bộ, đến nơi phải nấu ăn, người nấu niêu cơm, người đi hái rau rừng, muối ấy và vài miếng thịt bỏ vào nấu canh. Ăn được nhiều, ít, Bác vẫn theo kịp hai anh đường trường, dốc núi. Hành lý của Bác, đáng kể nhất chính là ống thịt muối ấy. Nhưng cả ống thịt muối, chúng tôi cũng muốn bỏ  đi, khi nào Bác về sẽ làm ống khác.

Bác không cho làm thế, không cho vứt bỏ thứ gì cả, Bác bảo: Đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ ấy còn dùng được. Nhất là ống thịt muối, không nên phí phạm. Cùng lắm, Bác mới cho mua cái khăn mặt, và, vì công việc cần thiết, Bác mới cho mua đôi giày vải. Lúc nhà tôi đi mua, Bác còn dặn mua đôi ít tiền bằng vải thường thôi. Chiếc khăn mặt mua về, Bác lại đem nhuộm xanh, còn đôi giày vải, Bác phê bình nhà tôi đã mua một đôi loại kha khá.

Đường xa lâu ngày, lại lội suối, leo núi, Bác tới nơi thì mệt. Bác không cho đưa đi bệnh viện, sợ có những việc bất trắc. Bác chỉ cho nhà tôi mua vài ống thuốc tiêm; rồi hàng ngày tiêm cho Bác. Cũng may sao, chỉ một tuần sau, Bác bình phục và bắt tay vào công việc.

Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng ấy, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều đặn. Chúng tôi bảo nhau có thể có xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ .

(Tống Minh Phương kể, trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: