76. Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm
Thời kỳ ở Pác Pó, do phải giữ gìn bí mật, Bác Hồ ít tiếp xúc với các cháu thiếu nhi ở bên ngoài mà thường chỉ ra khu nhà đồng chí Dương Đại Lâm.
Nhà đồng chí Đại Lâm rất đông anh em và nhiều cháu bé. Những lần Bác ra chơi, ngoài việc trò chuyện với ông cụ thân sinh đồng chí Đại Lâm, Bác còn chăm sóc các cháu nhỏ, giúp đỡ gia đình đồng chí Đại Lâm.
Do các cháu chơi nghịch đất cát, quần áo lem luốc, bẩn thỉu; mặt khác do đời sống thiếu thốn, khó khăn vì sự bóc lột của bọn thống trị, có cháu đầu bị chốc lở, tanh tưởi mà không có thuốc chữa chạy.
Bác Hồ chữa cho các cháu bằng cách đem nước nóng rửa thật sạch chỗ lở chốc, rồi lấy tro bếp nóng, gói lại ấp lên đầu cho cháu. Bác làm việc này với tất cả sự cẩn thận, tận tình nên chỉ trong một thời gian ngắn, lở chốc trên đầu cháu bé bay đi đằng nào. Cháu lại chơi vui. Nhân dân ở đó kháo nhau "Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm (Củng Hồ tiếng địa phương là Bác Hồ). Thực ra, Bác Hồ chữa bệnh cho các cháu không chỉ bằng thuốc mà bằng tấm lòng thương yêu của một người cha, một người ông lúc nào cũng mong cho con cháu khoẻ mạnh, lớn khôn. Chính vì lo lắng đến tương lai hạnh phúc của con em, Bác đã không chỉ quan tâm mà còn rất chú trọng đến việc tổ chức giáo dục nhi đồng. Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ phải chú ý đến "Hội nhi đồng cứu quốc". Đồng chí Đức Thanh nghe lời dạy của Bác đã tổ chức ra Hội nhi đồng cứu quốc thôn Nà Mạ, trong đó có Kim Đồng, người thiếu niên anh dũng đã cống hiến tuổi thiếu niên đẹp đẽ, bất diệt của mình cho cách mạng.
(Trích trong "Bác Hồ kính yêu")
77. Bác Hồ với việc học tập và sử dụng tiếng nước ngoài
Các Mác, Ăngghen, Lênin - những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới đều là những người giỏi nhiều ngoại ngữ. Điều đó đã giúp các ông rất nhiều trong hoạt động khoa học, hoạt động lý luận và vận động cách mạng.
Sinh thời, Mác biết thành thạo mười ngoại ngữ, "đã đọc hầu hết các sách quan trọng của thời đại mình", đọc được tài liệu bằng tất cả các thứ tiếng Châu Âu, còn tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh đều viết rất giỏi.
Ăngghen biết đến 21 thứ tiếng trong đó có cả những tiếng cổ như tiếng Pháp cổ, tiếng Tây Ban Nha cổ.
Mác và Ăngghen khi trên 50 tuổi, do yêu cầu phải nghiên cứu những vấn đề về nước Nga mà hai ông đã học thêm tiếng Nga. Chỉ trong thời gian ngắn, hai ông đã đọc được nhiều tài liệu và tác phẩm văn học từ nguyên gốc Nga.
Còn Lênin thì biết thành thạo, đọc và dịch được tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc được tiếng Ba Lan và tiếng Ý.
Các ông đều là những tấm gương lớn về trau dồi ngoại ngữ, công cụ giao tiếp quan trọng nhất của nhân loại.
Bác Hồ của chúng ta cũng là một tấm gương học tập tiếng nước ngoài thành công trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn.
Hoàn cảnh có khác nhau nhưng các ông đều có chung một mục đích đấu tranh cách mạng giải phóng loài người khỏi áp bức, bóc lột; vì một xã hội văn minh, vì tình hữu nghị lâu dài giữa các dân tộc. Các ông đều giống nhau ở ý chí tự học không bao giờ ngừng.
Dưới đây là những câu chuyện về tấm gương Bác Hồ học tập và sử dụng tiếng nước ngoài.
Bác Hồ với tiếng Hán cổ và hiện đại
Tháng 8/1942, Bác có việc sang Trung Quốc thì bị bọn Quốc dân đảng bắt. Sau khi bị chúng trói, giải đi suốt mười tám nhà tù, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu. Đấy không phải là một trại giam chính cống, mà chỉ là một "cấm bế thất", một phòng giam nhỏ hẹp ngay bên cạnh đội cảnh vệ của tướng Trương Phát Khuê. Chỉ một mình Bác bị nhốt ở đó. Lâu lâu mới có một vài sĩ quan Quốc dân đảng bị phạt vào đó năm bảy ngày. Bác lợi dụng những dịp đó để học tiếng "quan". Trong thời gian 14 tháng bị giam cầm ở Quảng Tây, Bác đã viết "Nhật ký trong tù”. Cuốn sổ nhật ký đó to bằng bàn tay, dày 47 trang. Trên trang đầu ghi bốn chữ Hán “Ngục trung nhật ký", kèm theo bốn câu thơ và hình vẽ người tù hai cổ tay bị xích. Nhật ký gồm hơn một trăm bài thơ chữ Hán bất hủ. Với Bác, đó chỉ là một việc làm bằng "tay trái", là một sản phẩm bất đắc dĩ vì "trong ngục tối biết làm chi đây", nhưng lại là một tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Năm 1960, Nhật ký trong tù chính thức ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước. Mấy chục năm qua, tập thơ được in lại nhiều lần ở trong nước, trên thế giới, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Mỹ, ngày 11/8/1971, một nhà xuất bản chuyên ấn hành loại sách phổ cập đã đặt in 50 vạn cuốn Nhật ký trong tù. Một tập thơ được xuất bản với số lượng lớn như vậy là điều chưa từng thấy ở Mỹ. Nhiều chiến sĩ đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, bị giam trong các nhà tù của Mỹ, cũng đã thuộc lòng một số bài thơ của Bác. Chẳng phải bây giờ người ta mới thuộc mà trước khi chúng ta xuất bản rộng rãi tập thơ đó, một số đồng chí Trung Quốc đã nhớ nhiều bài trong tập thơ đó.
Quách Mạc Nhược, nhà học giả nổi tiếng của Trung Quốc nhận xét: "... Có một số thơ rất hay, nếu xếp chúng vào tập thơ Đường, Tống, e rằng cũng không dễ gì nhận ra". Theo Lỗ Tấn, thơ theo kiểu cổ, đến nay phần nhiều mất hết sức sống, "tất cả những bài thơ hay đến đời Đường đã làm hết rồi", thì đủ thấy trình độ Hán học cũng như thi tài của Bác uyên thâm xuất sắc đến mức nào rồi.
Ngoài “Nhật ký trong tù” ra Bác còn làm nhiều thơ bằng chữ Hán, Bác xen vào nhiều bạch thoại, có khi sửa lại câu thơ xưa cho hợp với hiện thực ngày nay. Điều đó chứng tỏ Bác nhớ nhiều và nhớ lâu văn chương cổ điển của Việt Nam, Trung Quốc và vận dụng độc đáo, sáng tạo, linh hoạt trong tác phẩm của mình. Và cũng như trong nhật ký, ngòi bút của Bác chẳng bao giờ ngừng nghỉ, dù là viết chữ Hán đòi hỏi trí nhớ cao. Có thể nói là Bác đã "xuất khẩu thành thơ"...
Bác đã dịch, biên dịch hoặc biên soạn được biết bao nhiêu tư liệu quý báu nhằm phục vụ kịp thời cho cách mạng. Sau hơn ba mươi năm trời xa đất nước, Bác lại trở về. Trong chiếc va-li mây của Bác (hiện còn ở Viện Bảo tàng cách mạng) chỉ vẻn vẹn có mấy thứ, trong đó có quyển Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô bằng tiếng Hán, Bác lược dịch quyển này làm tài liệu huấn luyện cán bộ. Trên chiếc bàn đá gần suối Lênin, dưới vòm dương xỉ xanh, ngày ngày Bác ngồi cặm cụi dịch quyển này, và từ đấy "Tức cảnh Pác Pó ra đời ":
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Khi dịch xong, Bác đã tổ chức "ăn mừng". Bữa ăn hôm ấy có thịt và rau tươi.
Bác còn lược dịch những điểm cơ bản trong tư tưởng chiến lược, chiến thuật quân sự của Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng 2000 năm trước đây của Trung Quốc, nhằm bồi dưỡng kiến thức quân sự cho mọi người. Và thế là, quyển “Phép dùng binh của Tôn Tử” (Binh thư Tôn Tử) ra đời. Quyển này do Việt Minh xuất bản vào tháng 02/1945, nhưng nó đã được dịch từ trước đó khá lâu.
Bác còn biên soạn quyển "Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh". Quyển này có đề ở ngoài bìa: "Hồ Chí Minh biên dịch và bình luận", nói về tiêu chuẩn đức tài, tư cách đạo đức và phép dùng binh cơ bản của một người tướng. Khổng Minh là nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc.
Về nghe và nói, Bác cũng thành thạo, cho nên lắm khi ứng đối tài tình với kẻ địch, khiến chúng bối rối. Tiếng Hán (dù là xưa hay nay) ở trong tay Bác đã trở thành một công cụ lợi hại, với kẻ thù là một vũ khí sắc bén "quật vào mặt chúng những làn roi cháy bỏng", như có người nước ngoài đã nhận xét, nhưng với bạn bè, anh em thì đó lại là phương tiện mầu nhiệm, là chiếc cầu hữu nghị để hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp chung của cách mạng.
Bác Hồ với tiếng Pháp
Năm 1923, nhà thơ Xô viết Ô-xíp Man-đen-xtam gặp Bác. Bác nói với nhà thơ: "Vào trạc mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe những từ tiếng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái... Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn náu đằng sau những từ ấy", "nhưng trong những trường hợp cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng không cho người nước ngoài chúng tôi xem sách báo. Không phải chúng chỉ không cho đọc các nhà văn mới mà cả Rút-xô và Mông-tét-xki-ơ nữa cũng bị cấm". "Vậy thì phải làm thế nào bây giờ?", Bác kết luận: "Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài".
Dù mới tiếp xúc với "Tây học", với nền văn hóa tư sản và hệ tư tưởng tư sản, nhưng qua những đoạn dẫn trên đây ta thấy Bác đã có cái nhìn sắc bén khác với những người bình thường. Hồi nhỏ, cụ Sắc luôn dạy các con phải "biết mình biết người". Vì thấm nhuần điều "biết mình biết người, trăm trận đánh, trăm trận thắng" nên Bác muốn đến tận sào huyệt của chúng (đến các "chính quốc" Pháp, Anh...) để tìm hiểu. "Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta".
Việc du học bị nghiêm cấm. Thế nhưng Bác vẫn kiên quyết ra đi với hai bàn tay trắng và một vốn tiếng Pháp ít ỏi học được trong nhà trường.
Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp. Tiếng Pháp là một "trở ngại" trong bước đầu đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Bác. Bác hiểu ngay rằng mình phải giao thiệp bằng tiếng Pháp để làm ăn sinh sống, để học tập và hoạt động cách mạng. Nhờ động cơ học tập đúng đắn và mạnh mẽ đó nên Bác đã nhanh chóng tìm ra được nhiều cách học thông minh, sáng tạo. Ngay trên chuyến tàu sang Pháp, Bác đã tranh thủ lúc rỗi để học đọc và viết tiếng Pháp với hai người lính trẻ được giải ngũ trở về Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nho nhỏ bằng tiếng Pháp. Khi đến thành phố Lơ Ha-vơ-rơ, Bác học tiếng với cô Sen. Tóm lại, những người xung quanh dạy Bác học. Muốn biết một vật nào đó tiếng Pháp gọi là gì. Bác chỉ vật ấy rồi hỏi, xong viết vào mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, để vừa làm việc vừa học được. Có khi viết chữ vào cánh tay. Tối đi làm về, Bác rửa tay rồi lại viết các chữ khác. Học được chữ nào, Bác ghép câu dùng ngay. Giăng Lông-ghê, cháu ngoại Các Mác, là chủ nhiệm báo "Dân chúng", cơ quan của Đảng Xã hội Pháp (hồi ấy Đảng Cộng sản Pháp chưa thành lập), đã khuyến khích Bác viết về Việt Nam. Nhưng bấy giờ, Bác chưa giỏi tiếng Pháp. Muốn viết gì, Bác phải nhờ luật sư Phan Văn Trường. Ông là một nhà trí thức yêu nước, đậu Tiến sĩ luật khoa ở Pa-ri, nhưng ông không muốn ký tên ở dưới và không viết hết điều mà Bác muốn nói, Bác rất khó chịu vì mình kém tiếng Pháp, Bác nghĩ: Muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học viết cho kỳ được, Bác làm quen với chủ bút tờ báo "Đời sống thợ thuyền", Bác ngỏ ý muốn viết bài nhưng ngại vì tiếng Pháp còn kém. Chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được.” Viết xong bài, Bác chép thành hai bản, một bản giữ lại. Lần sung sướng nhất trong đời viết văn, làm báo của Bác là bài đầu tiên được đăng trên tờ "Đời sống thợ thuyền”. Năm ấy là năm 1917. Bác đã so lại xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa cho như thế nào. Sau này, khi thấy đã bớt sai, ông chủ bút lại bảo: Bây giờ anh viết dài một tí, viết độ bảy tám dòng". Rồi cứ thế, Bác viết được cả một cột báo, có khi dài hơn. Lúc ấy, người chủ bút (là bạn thân của Bác) lại bảo viết ngắn lại. Rút ngắn cũng khó như kéo dài. Nhờ kiên trì rèn luyện nên Bác đã thành công.
Lần sung sướng thứ hai là khi mẩu chuyện về Pa-ri của Bác được đăng.
Thường thì suốt ngày làm việc, Bác đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Thấy Tôn-xtôi viết giản dị, rõ ràng, Bác rất thích và cũng viết một bài phóng sự về khu phố công nhân nghèo khổ nơi Bác ở. Sáng nào cũng viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi. Bảy giờ phải đi làm. Khi viết trời rét buốt. Ngón tay tê cống. Sau một tuần cặm cụi, Bác hoàn thành tác phẩm đầu tiên của mình. Bác nói với các đồng chí trong Ban văn học tòa soạn báo "Nhân đạo" rằng: "Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, tuỳ các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi...".
Cho đến năm 1945, trong đời làm báo, viết văn của Bác có ba lần sung sướng. Hai lần được đăng báo bài viết bằng tiếng Pháp. Lần sung sướng thứ ba là lần thảo bản "Tuyên ngôn độc lập", vì đó là một trang vẻ vang nhất trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1922, tờ "Người cùng khổ" (Le Paria) ra đời. Bác làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp. Bác kể lại: "Các đồng chí người thuộc địa Á Phi viết bài quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết". Trụ sở đầu tiên của Bác ở số nhà 16 phố Giắc Ca-lô, sau chuyển sang số nhà 3 phố Mác-sê đê Pa-tri-ác-sơ ở quận 6, là một nhà cổ xưa ở Pa-ri. Nơi đây, Bác làm việc để ra báo và cũng chính nơi đây là trụ sở của "Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa". Bác là một trong những người có sáng kiến ra tờ báo của hội này. Báo ra cả thẩy được 38 số. Khổ lớn, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và chữ Hán bên phải, do Bác viết. Báo này không có ban biên tập làm việc thường xuyên, vì ai nấy phải làm việc, sinh sống hoặc bận các công việc khác. Vì vậy, Bác nhiều lần được tập thể giao công việc sửa chữa bài vở và bán báo. Luật sư Mác Clanh-vin Blông-cua, người đảo Guy-a-đo-lúp, trong Ban biên tập nhận xét rằng: "Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo, anh viết khoẻ, có số viết tới hai, ba bài", "lời văn anh sắc bén, tư tưởng anh rõ ràng và mạnh mẽ", "xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh".
Người ta thường nhắc đến những bài của Bác trên tờ "Người cùng khổ" với một lòng xúc động, mến phục: Nào là bài "Động vật học" với giọng văn rất Pháp, đả kích sâu sắc bọn thực dân; "Vĩnh biệt vị vua chúa" mỉa Khải Định lúc hắn sang dự đấu xảo ở Pháp, nào là "Con rùa" nói lên sự tham nhũng tàn bạo của một tên quan cai trị Pháp ở Việt Nam; "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" mang tính chất một bài bút ký "viễn tưởng"; nào là "Hands off China"... Có kỳ như số ra ngày 01/8/1922 có đến ba bài viết và một bức vẽ của Bác.
Ngoài tờ "Người cùng khổ" ra, Bác còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp nữa. Ví dụ, trên báo "Nhân đạo", chúng ta thấy "Vấn đề bản xứ"; lời than vãn của bà Trưng Trắc"; "Con người biết mùi hun khói"; "Vi hành". Riêng bài "Vi hành" (Incognito) đăng ngày 19/02/1923, tác giả nói đây là trích những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch bằng tiếng Nam (tiếng Việt), nhưng chúng ta có cơ sở để đoán là truyện này ngay từ đầu đã được viết bằng tiếng Pháp.
Về sách của Bác, chúng ta chú ý đến quyển: Bản án chế độ thực dân Pháp. Đây là tác phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội, nó nêu ra những việc thật, người thật, dùng thuật "Gậy ông đập lưng ông" (trích lời người Pháp viết để làm tang chứng). Sách được viết bằng hình thức tiểu phẩm, làm thiên phóng sự điều tra mở đầu cho một nền văn học mới ở Việt Nam. Là văn kiện lịch sử, nó cũng là tác phẩm văn học lớn bằng tiếng nước ngoài trong văn học sử Việt Nam.
Bác dùng tiếng Pháp rất linh hoạt. Trong quãng đời mười năm ở Pháp, Bác đã diễn thuyết, nói chuyện phát biểu ở nhiều nơi. Nhưng đáng chú ý nhất là lời phát biểu của Bác ở Đại hội Tua (năm 1920) và "Bản tham luận về dân tộc thuộc địa" ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 (năm 1924). Hai lần phát biểu bằng tiếng Pháp đã chứng tỏ nhãn quang sáng suốt và sâu sắc về chính trị cùng tài năng tiếng nước ngoài của Bác, dường như Bác muốn nói gì, diễn tả như thế nào thì tiếng Pháp lúc đó đủ để phục vụ cho nhu cầu đó (ở Liên Xô còn giữ được bản ghi lời phát biểu bằng tiếng Pháp của Bác ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 và Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã chụp lại được bản ấy). Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác vẫn còn dùng tiếng Pháp ở nhiều nơi, nhiều lúc, rất có hiệu quả.
Tháng 5 năm 1946, Bác chủ động đến nói chuyện với một số lính Pháp đóng trong thành Hà Nội. Lúc ấy, quan hệ giữa ta và thực dân Pháp khá căng thẳng. Nhiều đồng chí đã đi theo và bảo vệ Bác. Tướng Xa-1ăng giở đủ ngón này ngón nọ ra với ý đồ "tác động tinh thần’'. Thật đúng là Bác đang đi vào nơi hang hùm miệng rắn vậy. Thế nhưng, Bác vẫn thản nhiên, ung dung, dùng thứ tiếng Pháp điêu luyện "rất Pháp" của mình để nói về tình yêu quê hương đất nước, về sự giải phóng nước Pháp khỏi bọn phát xít Đức, về nguyện vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam là giành cho được độc lập, tự do... Lính Pháp vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Xa-lăng bị một cú bất ngờ, hắn sợ nguy cơ phản chiến, nên hốt hoảng vội mời Bác nghỉ với lý do là "Sợ Chủ tịch mệt" (!?).
Vài ngày sau, Bác sang Pháp, nhiều người lo cho Bác vì bấy giờ đã có một máy bay Pháp chở một vị lãnh tụ ở Trung Đông đâm vào núi. Thế nhưng, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lại cũng vì tin tưởng ở Đảng Cộng sản và các lực lượng cách mạng ở Pháp nên Bác vẫn ra đi. Mấy tháng ở Pháp, Bác đã làm chấn động dư luận Pháp và thế giới, hết sức có lợi cho cách mạng. Có nhiều câu chuyện, ở đây chỉ xin nêu ra một mẩu chuyện có liên quan tới việc dùng tiếng nước ngoài của Bác.
Trong một buổi họp báo của Bác ở Pa-ri có gần một trăm phóng viên các nước đến dự. Một nhà báo tò mò hỏi:
- Thưa ngài Chủ tịch, Ngài là Cộng sản phải không?
- Phải - Chủ tịch Hồ Chí Minh điềm dạm trả lời.
- Ngài đã tham gia phong trào kháng chiến?
- Đã tham gia.
- Bao lâu?
- Gần 40 năm.
- Hình như Ngài đã từng ở tù?
- Ở các nhà tù khác nhau.
- Có lâu không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười. Nhìn thẳng vào mặt nhà báo tò mò, Chủ tịch nói: - Ở trong tù, thời gian bao giờ cũng lâu cả.
Trả lời đơn giản và bất ngờ. Đó là sự chế nhạo kín đáo hay là ý muốn ngắt lời nhà báo thiếu lễ độ nọ? Có một điều rất rõ, người Pháp, người Anh, người Mỹ đã hiểu được rằng con người có chòm râu nhọn ấy có thể mỉm cười ở Pa-ri, Luân Đôn cũng như ở Hà Nội. Đó là nụ cười của một nhà tiên tri biết mở rộng biên giới của hiện tại.
Câu chuyện dưới đây do giáo sư Trần Hữu Tước, Anh hùng Lao động, Viện trưởng Viện Tai - Mũi - Họng Việt Nam kể lại:
Trong thời gian đàm phán ở Pháp, hoạt động của Bác thật phong phú, Bác đọc nhiều báo và các bài nói về Việt Nam để nghiên cứu. Bác còn đi nghe hòa nhạc, xem vũ ba-lê, tham quan cơ sở bảo tàng... Sau khi ký bản Tạm ước vào nửa đêm 14/9/1946, Bác cùng vài người nữa về nước trên một thông tin hạm dài hơn trăm mét của Pháp. Lúc qua vịnh Cam Ranh để về Hải Phong, đô đốc Đác-giăng-li-ơ lúc ấy thay mặt Chính phủ Pháp ở Đông Dương điện ra xin gặp, cho nên tàu ghé vào Vịnh. Thì ra chúng bố trí rầm rộ. Hai thuỷ phi cơ bay lượn quanh chiến hạm bảy tầng lính thuỷ của Đác. Đác kéo hết các loại cờ, giương hết các nòng pháo. Bác chỉ đi với mỗi giáo sư Trần Hữu Tước lên tàu. Đối phó như vậy thật hiệu quả ngay. Khi ra cửa tàu đón, Đác đã phải nói ngay với giọng cáo già: "Thưa Chủ tịch, đến tuổi tôi, tôi lại được học rằng, đi với thầy thuốc là... thượng sách!". Bác chỉ mặc giản dị, thái độ thản nhiên, đường hoàng với phong cách người chủ ở đây, còn sự loè loẹt của chúng lại trở nên xa lạ, ngượng ngùng. Tiệc trên chiến hạm là một cuộc đấu trí. Để lưu ý xỏ xiên rằng Bác đang ngồi giữa hai tướng Pháp lừng danh (tức bị “đóng khuôn” kẹp chặt), giữa một bên là đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương, một bên là thống soái lục quân Viễn Đông, Đác-giăng-li-ơ lưỡi dẻo quẹo, vừa cười vừa nói: "Monsieur le président, vous voi la bién encadre phí I' Aơneé đ la Marinet" (Chủ tịch thật bị "đóng khung” giữa lục quân và hải quân đó!). Hắn cố nói kiểu nhát gừng, tách riêng và nhấn mạnh những tiếng “bién encadre" (thật bị đóng khung). Nói xong, Đác dương dương tự đắc ý cùng đồng bọn cười khoái chí vì câu nói hiểm hóc đó. Nhưng rồi chúng cũng ngồi lịm đi khi Bác mỉm cười, ung dung trả lời ngay: "Mais, vous savez, Mơnsieur I' Amiral, c'est le tableau qui fait la vaieur du cadre!" (Nhưng mà Đô đốc biết đấy, chính bức họa mới đem lại giá trị cho chiếc khung). Hồi tưởng lại, câu nói của Bác như có một ý nghĩa tiên tri: Pháp thua nhưng "vinh dự là thua Việt Nam". Trong bữa tiệc, còn nhiều câu trả lời ý vị bằng thứ tiếng Pháp đồng giọng và điêu luyện của Bác ứng đối với bọn thực dân. Cuối cùng, chúng thấy thực là đau nên phải thôi cái trò chơi chữ ấy. Nhiều câu chuyện của Bác hồi đó nay đã trở thành những giai thoại diệu kỳ.
(Trích trong "Bác Hồ với tiếng nước ngoài")
Tâm Trang (tổng hợp)