24. Sự giản dị của Bác Hồ
Qua bao năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chủ tịch tích lũy được vốn kiến thức rất uyên thâm, kết tinh tinh hoa trí tuệ loài người, nhưng khi đến với cán bộ, quần chúng nhân dân, Bác đã chuyển hóa những kiến thức đó thành những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, rất bình dị và gần gũi.
Đầu năm 1946, có cuộc họp cán bộ từ Trung ương đến các địa phương. Bác đến thăm và nói chuyện, khi giải thích mối quan hệ giữa chính sách của Chính phủ với nhân dân thông qua đội ngũ cán bộ địa phương, Bác dùng một tấm bìa hình tam giác cân. Bác quay đáy tam giác lên trên, hướng đỉnh xuống dưới và nói, đây là chủ trương của Chính phủ (vừa nói Bác vừa chỉ tay dọc đáy trên của tấm bìa) có nhiều vấn đề lớn.
Rồi Bác chỉ tay xuống đỉnh tam giác phía dưới và nói, nhưng những chủ trương đó qua nhiều cấp, nhiều cán bộ yếu kém đến khi xuống dân thì bé lại chỉ còn chừng này. Sau đó, Bác lật tấm bìa đáy xuống dưới, đỉnh lên trên và giải thích, chiều đáy là nguyện vọng của nhân dân, có rất nhiều, rất phong phú được phản ánh từ cơ sở nhưng khi qua nhiều cấp, nhiều cán bộ thì chỉ còn bé chừng này, Bác chỉ tay vào đỉnh trên, xong Bác kết luận: “Vậy thì chúng ta phải làm gì để cho Chính phủ gần dân”. Ai dự họp cũng đều thấm thía lời dạy của Bác và tự tìm ra câu trả lời đúng với công việc của mình.
Cũng trong năm 1946, Nhà nước cách mạng non trẻ phải đối phó với nhiều kẻ thù trong giặc ngoài, bọn Việt cách, Việt quốc gây cho ta bao khó khăn, gian nan. Nhiều người lên yêu cầu Bác cho quét sạch chúng đi, Bác cười bảo: “Các chú giữ sức đánh Tây?”, rồi Bác giải thích “dòng nước đang chảy có cây gỗ chắn ngang, làm rác rưởi, lá cây đọng lại, các chú cứ vứt từng cái rác, từng cái lá thì không xuể mà phải tìm cách gạt cây gỗ đi thì dòng nước sẽ thông thoát”.
Trong thời kỳ kháng chiến nhiều cán bộ đi tuyên truyền về đường lối “trường kỳ kháng chiến”, khi nhân dân chất vấn “kháng chiến khi nào thành công?” nhiều người không giải thích được bèn về hỏi Bác. Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể, để đồng bào dễ hiểu, các chú lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ cụ thể như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con. Khi đến với nhân dân, với đồng chí, Bác ở bên họ như người thân, không có sự cách biệt giữa lãnh tụ với dân. Con người Bác, phong cách Bác, tư tưởng Bác toát lên một chân lý dễ hiểu: dân dã mà thanh cao, cụ thể dễ hiểu mà uyên bác, tinh tuý.
(Thường San, đăng trên báo Hậu Giang số 382, ngày 28/2/2007)
25. Bác Hồ với gương người tốt, việc tốt
Một buổi sáng tháng 5 năm 1968, lãnh đạo của một số Nhà xuất bản ở Trung ương được Bộ Văn hóa - Thông tin báo tập trung lên gặp Bác Hồ. Ai nấy rất hồi hộp, sung sướng, song vẫn chưa rõ có chuyện gì.
Khi được đồng chí Hà Huy Giáp kể lại mọi người mới hay: Thì ra mới hôm trước, đồng chí Lê Văn Lương (lúc đó là Bí thư Trung ương Ðảng - vào thăm Bác, thấy Người đang cặm cụi ngồi viết bên một chồng tài liệu, liền hỏi:
- Thưa Bác, Bác đang làm gì đấy ạ ?
Bác chỉ chồng tài liệu, đáp:
- Ðã hơn mười năm nay, Bác thường xuyên theo dõi gương người tốt, việc tốt trên các báo... Họ đều là những người bình thường, làm những việc bình thường cho xã hội. Những việc bình thường ấy, ai cũng có thể làm được nếu cố gắng một chút. Và nếu ai cũng làm theo người tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến và xã hội ta sẽ tốt lên. Từ bấy đến nay, Bác đã tặng Huy hiệu cho gần bốn nghìn người. Bây giờ, Bác định viết lại những tấm gương này, in thành sách để giáo dục đạo đức mới cho nhân dân ta. Bác đang xem lại những tấm gương mà Bác đã chọn và cắt dán từ báo ra đây.
Ðồng chí Lê Văn Lương xúc động, thưa với Bác:
- Xin phép Bác giao việc này cho các nhà xuất bản.
- Thế thì được. - Bác vui vẻ đáp. - Vậy những ai làm việc này xin mời đến đây để Bác giao trực tiếp và dặn dò cho rõ.
Sau khi thăm hỏi từng người, Bác chỉ vào một chồng vở đã đóng sẵn để trên bàn:
- Ðây là những tập bài viết về người tốt, việc tốt mà Bác đã tặng Huy hiệu từ đầu năm 1956 tới nay. Các chú đem về chọn lọc và thẩm tra lại cho chính xác, rồi viết lại cho ngắn gọn, trong sáng, hấp dẫn, nhưng không hoa hòe, hoa sói. Sách soạn ra cần có đủ mọi thành phần trong nhân dân, như một vườn hoa nhiều hương sắc... Một vườn hoa mà toàn hoa hồng cả, dù rất đẹp, nhưng đơn điệu, phải không? Chú ý là phải in đẹp và bán rẻ, phải chọn người biên tập có đạo đức, có trình độ.
Nói xong, Bác để 18 tập vở có dán các bài báo người tốt, việc tốt vào một cái hòm gỗ cũ, trao cho mọi người. Trở về, ai nấy hăm hở bắt tay vào việc. Ðược vài hôm, đã thấy Bác điện hỏi: "Các chú dự định bao giờ xong bản thảo?" Ðồng chí Hà Huy Giáp thưa với Bác là đến tháng 7. Ðúng hẹn, đầu tháng 7, Bác điện nhắc mang bản thảo để Bác xem... Bác cầm tập của Nhà xuất bản Lao động, mở giữa tập, chỉ vào một bài, rồi bảo đồng chí Hà Huy Giáp:
- Chú đọc bài này xem sao.
Ðồng chí Hà Huy Giáp vừa đọc cái "tít", Bác đã giơ tay, ngắt:
- Sao lại "Người thủ kho liêm khiết"? Sao không viết: "Người giữ kho trong sạch"?
Bác nghe hết bài, lại nói tiếp:
- Có một số chữ trong bài như "dược phẩm", "xuất nhập" sao không viết là vị thuốc và mua vào, bán ra?... Thôi, đọc sang tập của Nhà xuất bản Quân đội xem thế nào?
Ðồng chí Hà Huy Giáp tìm đọc chuyện một anh bộ đội, chiến đấu bị thương nặng thủng bụng. Khi phẫu thuật (Bác nhắc: Sao không viết là "mổ") chiến sĩ nọ vẫn ngẩng đầu động viên bác sĩ... Bác nhận xét:
- Bị thương nặng thủng bụng còn ngẩng đầu động viên bác sĩ, liệu có đúng thế không? Có lẽ hư cấu, hoặc chưa đến nỗi thủng bụng, nói quá lên. Phải nói sao cho chính xác, hợp lý thì người ta mới tin, mới có tác dụng giáo dục. Còn cái đoạn anh bộ đội phất cờ để ra hiệu bắn, anh bị thương tay nọ sao không phất cờ bằng tay kia, mà lại đi buộc cờ vào tay gãy, có vẻ vô lý đấy... Nào, chú đọc sang bản thảo của Nhà xuất bản Kim Ðồng đi.
Ðó là chuyện hai em bé gái chăn trâu, mặc dầu máy bay Mỹ bắn phá, vẫn xông ra cứu trâu. Bác góp ý:
- Các cháu dũng cảm thì đều đáng khen, nhưng phải thấy con người là qúy nhất. Vậy, không những phải sự việc có đúng thế không, mà còn phải cân nhắc xem có nên thế không. Một hành động tốt để riêng ra có thể biểu dương, nhưng nếu đặt thành vấn đề chung, nêu thành sách, thì cần cân nhắc lợi hại, trước mắt và lâu dài... Nào, chú đọc tiếp xem nào.
Bác nghiêng nghiêng đầu, chăm chú nghe, có khi đợi đọc xong cả bài, có khi mới đọc một đoạn, Bác đã nhắc ngay, nào: "Viết còn dài, chưa tập trung, tô vẽ thêm làm mất tự nhiên"; nào: "Nhân vật hay suy nghĩ nội tâm quá, như trong tiểu thuyết ấy"... Qua đọc thử mấy bài, được Bác chỉ ra ngay những thiếu sót. Nghe Bác nói, mọi người thấy cần phải quán triệt nhiều hơn nữa ý kiến chỉ đạo của Bác. Phải chọn lại, tìm lại những chuyện tiêu biểu nhất, điển hình nhất. Nhưng thế nào là tiêu biểu nhất. Có người thưa với Bác và được Bác giải thích:
- Như "Nhị thập tứ hiếu" ấy!
Sau này về nhà, ai nấy tìm đọc lại "Nhị thập tứ hiếu", thì mới rõ là phải tìm những gương tiêu biểu cho đạo đức của ta... Bác nhắc "Nhị thập tứ hiếu", cũng là gợi cả ý nên học lối viết theo cách kể chuyện dân gian cho thích hợp với những gương này, dễ nhớ và làm theo được.
Cuối buổi làm việc, Bác hỏi đồng chí Hà Huy Giáp:
- Các chú định bao giờ thì xong?
- Xin Bác đến ngày 02-9-1968 để mừng Quốc khánh ạ!
- Ðược! Các chú nhớ đúng hẹn!
Thế rồi, các nhà xuất bản tập trung sửa chữa bản thảo. Anh em ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phấn đấu rất cao, đúng ngày 02-9, đem 200 cuốn Vì nước, vì dân mới in xong lên biếu Bác. Bác xem và khen đúng hẹn thế là tốt. Bác góp ý: "Giá sách còn đắt". Bác chỉ giữ lại một cuốn và dặn:
- Từ nay về sau sách mới in không biếu nữa, vì sẽ ảnh hưởng đến giá thành, giá sách sẽ cao, nhân dân không mua được nhiều.
Tính ra suốt trong hai tháng, từ tháng 7-1968 đến tháng 9-1968, khi tập sách ra đời, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Hà Huy Giáp mười lần về việc làm loại sách này.
(Nguyễn Phúc Ấm, biên soạn theo cuốn "Bác Hồ với sách người tốt, việc tốt" của Trần Kư - Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998).
26. Từ kỷ niệm tuổi thơ
Những năm học ở bên Pháp, tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Một đêm giao thừa, tất cả anh chị em người Việt Nam tụ tập tại trụ sở đón Tết của quê hương trên đất Pháp…
Tối hôm đó, Bác gặp Việt kiều ở Pari. Anh chị em Việt kiều quây quần xung quanh Bác như những người con tụ lại bên cha già. Trong tình cảm thương yêu rộng lớn, Bác dặn dò tất cả mọi người thế này: “Các cô, các chú phải cố gắng mỗi người học giỏi một nghề, sau này trở về giúp nước nhà, góp phần làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh”. Lời dạy của Bác đã trở thành bó đuốc soi đường cho tôi suốt những năm học tập ở xa quê hương.
Giữa năm 1959, tôi thi đỗ bằng thạc sĩ toán học. Nhớ lời Bác, tôi tình nguyện xin về nước phục vụ.
Trong những năm công tác ở Hà Nội, tôi được gặp Bác ba lần, một lần Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm của chúng tôi. Lần thứ hai, vào dịp Tết, tôi được gặp Bác. Trong buổi liên hoan đón năm mới hôm ấy Bác rất vui. Tôi lại được ngồi gần Bác. Bác cười chỉ vào tôi và nói với các đồng chí lãnh đạo ngồi bên cạnh:
- Sao ít phụ nữ thế? Bác muốn phong trào phụ nữ tiến bộ mạnh hơn nữa…
Tôi nghĩ trong đời tôi lúc bé đã được một lần Bác dạy cho cách học, những năm sống xa quê hương, hình ảnh Bác là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn để học tập. Khi trưởng thành lại được Bác săn sóc từ bữa ăn. Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã được Bác, Đảng, Cách mạng giải phóng và trở thành người có ích, được đem sức lực của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Đối với tôi, không có gì sung sướng hơn là giữ gìn những kỷ niệm về Bác - cái vốn quý báu mà Bác đã trao cho tôi từ khi còn bé. Cái vốn quý đó mỗi ngày càng được nhân lên gấp bội, như cuộc đời tôi, được Bác, Đảng dìu dắt mãi mãi đi trên con đường sáng…
(Trích lời kể của nữ Giáo sư, Tiến sĩ Toán học Hoàng Xuân Sính)
27. Tình thương của Bác
Hà Tĩnh - vùng "cán xoong" của khu 4 cũ - những ngày tháng 3 nǎm 1966, chia lửa với miền Nam, phải chịu đựng bao ác liệt đánh phá của không lực Hoa Kỳ.
Dã man nhất, chúng rải thảm bom B.52 vào các làng mạc hiền hòa, bệnh viện, chùa chiền, nhà thờ và trường học... Trường cấp 2 Hương Phúc thuộc huyện Hương Sơn là mục tiêu đánh phá của chúng.
Vào một ngày trung tuần tháng 3-1966, hàng đàn quạ Mỹ lồng lộn ném bom "tọa độ" vào trường. Buổi sáng, chỉ mỗi lớp 6A, vừa vào tiết học vǎn, 45 học sinh chỉ có một em sống sót. Hôm ấy, học trò gái Nguyễn Thị Mão vì có việc nhà xin phép đến muộn, nên em thoát khỏi bị vùi lấp dưới hố bom của bầy quỷ dữ.
Bác Hồ được tin đau thương này, đã cho mời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Vǎn Huyên lên cho Bác biết tình hình cụ thể giặc Mỹ leo thang hủy diệt các trường học.
Đoàn chúng tôi gồm: Em Nguyễn Thị Mão, học sinh lớp 6; thầy giáo chủ nhiệm Thái Vǎn Nhậm, cô Trương Thị Vi, đại diện gia đình học sinh và thầy trưởng ty giáo dục Lê Sĩ Nghĩa, cấp tốc về Hà Nội để gặp Bác theo lệnh của Bộ. Bác bận trǎm ngàn việc lớn của đất nước, mà không quên một lớp học nhỏ đau thương - nơi thâm sâu xa vời - trong trǎm ngàn trường lớp khác. Chúng tôi theo Bộ trưởng vào Ba Đình báo cáo với Bác sự việc tàn bạo của giặc Mỹ ở Hương Sơn vừa xảy ra. Lúc chúng tôi đến, Bác chờ sẵn ở sảnh đường phòng khách Phủ Chủ tịch. Thầy trò chúng tôi có ngờ đâu Người lại trân trọng và chu đáo với anh chị em chúng tôi như vậy!
Bác thân mật hỏi thǎm từng người. Tôi thay mặt đoàn thưa cùng Bác giặc Mỹ đã trút bom hủy diệt toàn bộ ngôi trường. Hôm ấy, may là các lớp khác học buổi chiều. Lớp sáu chỉ còn mỗi một em sống sót là em Mão. Bác bảo Mão đến ngồi kề Bác. Bác nhẹ nhàng vuốt tóc cháu gái bé bỏng, như ông ngoại vỗ về an ủi cháu. Mấy lần câu chuyện tôi kể phải dừng lại vì Bác rút khǎn tay lau mắt.
Đến lượt cô Trương Thị Vi, người thân của học sinh bị nạn, đứng lên:
- Thưa Bác, cháu đại diện cho phụ huynh học sinh, em ruột cháu bị lấp vùi trong cǎn hầm, ngạt thở chết. Cha già không đi được, cháu đi thay.
Bùi ngùi lặng im một lúc, Bác hỏi:
- Cháu có biết phụ huynh là gì không?
- Thưa Bác, phụ huynh là cha mẹ ạ!
Bác ôn tồn giảng giải thêm:
- Phụ huynh là cha anh. Ngày xưa phong kiến trọng nam khinh nữ, nên chỉ nói đến cha anh, xem nhẹ vai trò của mẹ. Hôm nay, Bác dặn chú Huyên là ta có từ cha mẹ thì cứ gì phải dùng phụ huynh. Còn học sinh thì ta dùng học trò cũng được. Từ nào ta thiếu thì hãy mượn. Bộ trưởng Nguyễn Vǎn Huyên đỡ lời thưa Bác:
- Chúng cháu đã bắt đầu dùng "Hội cha mẹ học sinh".
Còn phụ huynh học sinh thì dùng cha mẹ học trò, hoặc gia đình học trò... ạ?
Nghe đến từ gia đình, Bác nhắc nhở và nhấn mạnh:
- Nhân đây Bác nhắc các thầy cô giáo là, giáo dục ở nhà trường phải biết kết hợp với gia đình. Vì gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội, nhà trường mới tốt, mới dạy tốt, học tốt được? Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Gia là nhà, đình là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong nhà, ngoài sân thôi. Nghĩa là chỉ lo cho những người trong nhà mình ấm no, yên ổn. Ngoài ra ai nghèo khó mặc ai. Như thế là chưa đủ. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ: Những người lao động trong một nhà máy, một cơ quan, trường học... đều phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng hơn nữa, thì có đại gia đình các dân tộc Việt Nam và "công nông thế giới đều là anh em".
Rồi Bác quay sang hỏi cháu Mão:
- Cháu làm được những việc gì giúp cha mẹ, gia đình?
- Thưa Bác, cháu gánh nước, gánh lúa, cấy hái được ạ.
- Cháu gánh được bao nhiêu cân?
- Dạ thưa, được ba mươi ạ!
- Cháu gặt hái, cấy được là giỏi. Bác khen cháu vừa học vừa giúp gia đình. Nhưng tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu đừng gánh nặng quá. Mười một tuổi như cháu gánh ba mươi cân là không nên!
Bác lại hỏi đồng chí Nghĩa, Trưởng ty Giáo dục:
Hà Tĩnh của chú được bao nhiêu thầy cô, học trò giỏi?
Anh Nghĩa không chuẩn bị, hơi lúng túng. Bác nhìn sang đồng chí Bộ trưởng, Bộ trưởng cũng chưa được báo cáo, nhưng nhanh trí lấy chân khều nhẹ vào chân tôi - có ý nhờ tôi trả lời hộ vì gần đây tôi được Vǎn phòng Bác chuyển đến sáu Giấy khen, Huy hiệu Hồ Chủ tịch và sáu phần quà tặng giáo dục Hà Tĩnh, nên tôi mạnh dạn thưa:
- Thưa Bác, Hà Tĩnh có hai giáo viên và bốn học trò được tuyên dương và thưởng Huy hiệu Bác.
- Hà Tĩnh có 82 vạn dân mà chỉ có chừng ấy thầy cô dạy giỏi, học trò giỏi là quá ít. Bác nhắc các cô chú về phải nhân rộng ra toàn ngành, thi đua với Bắc Lý dạy tốt, học tốt nhiều hơn nữa. Rồi Bác dặn dò phải có kế hoạch đào hầm, che chắn và phân tán các trường đại học về nông thôn bảo đảm an toàn cho thầy trò.
Chúng tôi quyến luyến không dám chia tay Bác. Bác chia quà cho từng người một và bảo gói đem về. Duy chỉ có Bộ trưởng Nguyễn Vǎn Huyên không dám nhận. Bác nhắc phần chú Huyên sao để lại.
- Thưa Bác, cháu không còn con nhỏ, chúng ra riêng cả.
- Thì chú mang về cho thím vậy?
Cả buổi họp giờ mới dám cười, và chúng tôi đã biến đau thương thành hành động, thi đua với Bắc Lý "dạy tốt, học tốt".
(Đào Huy Hi kể, trích trên Báo Nhân Dân ngày 16-5-1997)
Tâm Trang (tổng hợp)