Chỉ mục bài viết

 20. Bài học dựa vào dân

Đầu năm 1950, Đoàn đại biểu Đảng - Công đoàn Nam Bộ được đến chào Bác cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ. Chúng tôi được chụp ảnh chung với Bác. Khi từ Sài Gòn ra, tôi đang là Trưởng ban cán sự nội thành Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ.

Trong thời gian còn ở Việt Bắc, có lần tôi được đi theo các anh Phạm Hùng và Võ Nguyên Giáp đến Nhà sàn của Bác ở An toàn khu Sơn Dương. Trong buổi nói chuyện, tôi thấy Bác đặc biệt chú ý tới tình hình miền Nam. Khi tôi có ý định xin tiền của Trung ương, Bác cười và bảo:

- Trung ương không có tiền, mà chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm nhưng biết cách thì cũng có thể đốt cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được.

Bác muốn nhắc nhở: Phải tuyệt đối tin ở dân, dựa vào dân để kháng chiến.

Do yêu cầu cấp bách của tình hình Nam Bộ nên tháng 3-1950, Trung ương cử đồng chí Phạm Hùng cùng một số đồng chí khác trong đó có tôi trở về miền Nam. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tôi được trở ra Bắc nhận công tác mới. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, tôi được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Từ đó về sau, trong các cuộc họp của Trung ương, tôi thường được gặp Bác hoặc được Bác hỏi chuyện một cách thân mật, ân cần.

Đầu tháng 02 năm 1965, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác về thăm và chúc Tết đồng bào, bộ đội, cán bộ và công nhân tỉnh Quảng Ninh. Lúc đó, tôi đang làm Bí thư Khu ủy Quảng Ninh. Khi xe đến phà Bãi Cháy, chờ mãi không thấy phà sang, Bác nói:

- Thôi, ta đi đò qua Bãi Cháy.

Trên đò, nhìn thấy một em bé cõng bạn bị liệt đi học, tôi liền thưa với Bác, Bác gật đầu, nhìn em bé nhưng không nói gì. Lên đò, trên đường đi bộ về khách sạn Du Lịch, Bác nói với tôi:

- Vừa rồi, chú khen cháu bé trước mặt Bác như vậy sẽ làm cho cháu chủ quan.

Bác nói từ tốn, nhưng qua câu nói đó, tôi cũng rút ra được bài học cho mình là nên khen ngợi một cách vừa phải, kín đáo và tế nhị, tránh để cho người được khen dễ sinh ra tự mãn, kiêu căng.

Ngày 30 Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ, tôi cùng Bác đi ca nô trên Vịnh Hạ Long để chúc Tết đồng bào. Đến Đông Triều, Bác cùng chúng tôi vào một trường học ăn trưa. Lúc đi có cả vợ con tôi. Trong bữa ăn, Bác gắp thức ăn cho vợ tôi. Lần sau gặp tôi, Bác nói:

- Chú làm ngoại giao, khi ăn có phụ nữ thì phải tiếp thức ăn cho họ.

Qua đó tôi thấy được sự quý trọng và xử sự rất văn minh của Bác đối với phụ nữ.

Tôi còn nhớ hồi còn ở Thành ủy Hà Nội, tôi được cùng tham gia buổi Bác duyệt bản quy hoạch thành phố Hà Nội. Hiện nay, bức ảnh chụp Bác đang xem bản quy hoạch tôi vẫn còn giữ trong cuốn sổ album của tôi. Sự kiện này làm tôi nhớ mãi, vì lú đó có một đồng chí trong Trung ương đề nghị Bác là nên xây dựng Văn phòng Trung ương Đảng ở nơi khác, đẹp hơn chỗ hiện nay, là trường học của Anbexarô. Nghe thấy thế, Bác trả lời:

- Văn phòng Trung ương như thế là được rồi.

Sau khi im lặng một lúc, Bác hỏi:

- Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng ở chỗ nào thì tốt không?

Mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình và nói tiếp:

- Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất.

Bác muốn dạy cho chúng ta hiểu rằng, Đảng và nhân dân là một. Đảng phải luôn được nhân dân yêu mến và bảo vệ.

Trên đây là một số mẩu chuyện và sự kiện mà tôi còn nhớ. Những câu chuyện mà tôi có vinh dự được gần Bác, gặp Bác và được Bác ân cần chỉ bảo những điều bổ ích. Giờ đây, trên cương vị là Trưởng ban Ban Thi đua của Trung ương Đảng, tôi luôn luôn cố gắng học tập đức tính của Bác là quan tâm đặc biệt tới phong trào thi đua của quần chúng nhân dân.

Những lời dạy của Bác đã và sẽ mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động trong công tác của tôi.

(Nguyễn Thọ Chân kể, trích trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

21. Những lời Bác dạy đầu tiên

Mùa Thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tàu Đuymông Đuếvin. Tàu này là một chiếc tàu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ, tình hình ở trong nước đang căng thẳng ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để được kéo dài những ngày chung sống với Bác.

Trên chuyến xe lửa từ Pari đi Macxây, Bác nói:

- Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào…

Lên tàu rồi, một hôm Bác dặn:

- Ở nhà không có gì đâu. Nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm.

Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm tên đại tá chỉ huy tàu tổ chức tập trận giữa biển cả mênh mông, tiếng súng đại bác, súng máy các loại thi nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung tóe ngoài khơi. Trong chúng tôi, thoạt tiên cũng có người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng xem. Bác mỉm cười bảo chúng tôi:

- Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú. Các chú có sợ không?

Nhân đó, Bác chỉ cho chúng tôi thấy bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng…

Tại Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác khen…

Vinh dự đó thuộc về anh em ngành quân giới trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của Bác đã đóng góp một phần.

Những lời dạy của Bác như bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.

(Theo Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, đăng trên báo Hậu Giang, số 395 ngày 30/3/2007)

22. Một lần được gặp Bác Hồ

Bữa cơm đêm hôm ấy, chúng tôi cùng ăn chung. Bác Hồ bảo không nên dùng nghi lễ, hãy để tất cả các đĩa thức ăn trên bàn không cần phải đưa từng đĩa một. Bác nói: “Cái gì tôi thích thì tôi lấy, cái gì anh thích thì anh lấy, như ở nhà mình”.

Bác Tukimin có nhiệm vụ xem xét, phục vụ lúc ăn uống cũng được Người kéo vào và bảo ngồi cùng ăn.

Ăn xong, đột nhiên Bác Hồ yêu cầu tôi đưa Người đi dạo phố mà không cần bảo vệ. Tôi được bỏ quân phục và tất cả phù hiệu.

Tất nhiên là tôi ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao Người lại tin cậy chúng tôi, những người mà Người chưa hề quen biết đến như thế?

Tôi nghĩ: Chắc là vì Người rất tin tưởng vào bản thân mình. Nhưng tôi cũng cảm thấy sung sướng khi được Bác Hồ tin cậy. Đúng là khi được nhận trách nhiệm và được tin cậy thì ai cũng rất sung sướng.

Chúng tôi đưa Bác Hồ đi xem những cái tốt đẹp của thành phố Giacácta, và chúng tôi cũng không thấy thẹn khi đưa Người đi xem những cái chưa tốt, vì tôi nghĩ phải chăng Người là một nhà cách mạng, một chiến sĩ, tất biết rõ việc xây dựng phải khó khăn biết bao nhiêu, tất biết rõ nhân dân và yêu cầu của nhân dân.

Lúc nhìn sông Gilirung, tôi xấu hổ khi thấy nhân dân tắm ở đấy, và giặt quần áo cũng ở đấy. Trong thâm tâm tôi chỉ muốn cho vị khách quý xem những cái tốt đẹp, nhưng lại gặp những sự thật đắng cay.

Hình như Người đoán được điều tôi đang suy nghĩ, Người liền nói: “Thay đổi tình hình và xây dựng quả không thực hiện được trong thời gian ngắn, không thể thay đổi tình hình trong một đêm như làm ảo thuật. Cần phải có tính nhẫn nại cách mạng. Miễn là chúng ta không quên rằng cách mạng không chỉ để giành độc lập chính trị mà còn phải nhằm mục đích và phải thu kết quả cho đời sống nhân dân. Nhân dân phải được ăn nhiều hơn, mặc đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn. Nếu không, thì cách mạng không có ích gì”.

Đêm hôm ấy, một đêm đầy sao, tôi nói chuyện với vị lão thành ấy về chiến tranh du kích, về sự dã man của quân thù, quyết tâm và hy sinh của nhân dân, hoài bảo và lý tưởng chung của chúng tôi.

Đêm hôm ấy, ranh giới hai hàng rào ngăn cách đều bị xóa hết đối với tôi. Tôi không còn cảm thấy Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người Việt Nam nữa, mà chỉ như một chiến sĩ giản dị có thể xem như một người Cha, một người chỉ huy và một người bạn, không còn là một người nước ngoài nữa.

Quả là những lý tưởng có thể đạt tới một xã hội công bằng và phồn vinh có thể thắt chặt lòng người này với người khác. Chủng tộc hay dân tộc không quan trọng, điều quan trọng là những lý tưởng. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao trong những ngày sau đó, Bung Cácnô và Bác Hồ lại có mối quan hệ với nhau chặt chẽ, thoải mái và thân thiết đến thế.

Đêm chia tay ở Mê Đăng, tôi và bạn tôi được gọi lại, Người nói: “Tôi cảm ơn tất cả các bạn, vì nhờ tất cả các bạn mà cuộc đi thăm của tôi thành công. Tôi thực sự cảm thấy như giữa anh em trong nhà; mong rằng cuộc đấu tranh của các bạn thành công. Để làm kỷ niệm, tôi tặng các bạn những vật này: Một tấm hình và Huy hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ, không phải mọi người đều được Huy hiệu này, mà chỉ những người thực sự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới có”.

Tôi đáp lại với Người rằng bảo vệ và phục vụ Người đối với chúng tôi là một vinh dự, tôi đã học được nhiều. Tôi đã học được rằng: Người ta phải làm, phải nghĩ và phải sống như thế nào để được xứng đáng là người lãnh đạo. Những điều tôi thu nhập được là rất quý báu.

Tôi là vệ sĩ của Bác Hồ, nhưng ngược lại chắc rằng Bác Hồ là người che chở tôi, nếu như có xảy ra chuyện gì.

(Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

23. Bác soi sáng cho tôi con đường đi lên phía trước

Một niềm xúc động và tự hào lớn đã đến với tôi vào giữa năm 1946. Đó là lúc tôi thấy Bác Hồ lần đầu tiên ở sân bay Buốc-giê, khi Bác đến Pari để đàm phán về hòa bình ở Việt Nam. Bác ung dung tươi cười trong bộ ka-ki giản dị, giữa đám đông quan chức cao cấp và tướng tá thay mặt Chính phủ Pháp mặc lễ phục lỗng lẫy đến đón Bác. Bác đã lên xe đi xa rồi, tôi còn đứng lại để ngắm lá Quốc kỳ rộng lớn màu đỏ sao vàng tung bay trước gió, trên đỉnh cao chót vót của đài chỉ huy sân bay. Điều này làm tôi phấn khởi và suy nghĩ nhiều. Hồ Chủ tịch đã tạo ra một quá trình lịch sử mới, đưa nước ta từ chỗ tối tăm đến chỗ quang vinh. Là một Việt kiều lâu năm ở Pháp, tôi cảm thấy mình đã tìm ra lẽ sống và niềm tin tưởng, tự hào về Tổ quốc mình. Công lao của Hồ Chủ tịch thật như trời biển.

Tôi được gặp Bác lần cuối ở Pháp, trong một bữa cơm thân mật tại nhà một đồng chí công nhân già. Lúc này hội Phông-ten-nơ-blô đang bế tắc. Nhưng Bác cởi mở, lạc quan và chủ động biết bao Bác hướng chúng tôi nghĩ về tương lai và dặn: “Các chú cố gắng để nhanh chóng có một nghề vững vàng, khi có điều kiện là về giúp nước!”. Mặc dù có những khó khăn trước mắt, Bác vẫn nhìn thấy vầng ánh sáng rực rỡ của ngày mai… Cuối tháng 7 năm 1950, tôi trở về nước và may mắn lại được gặp Bác ngay. Bác đang trên đường đi công tác và chỉ dừng lại vài phút để cho tôi gặp. Bác căn dặn: “Chú là cán bộ kỹ thuật, cán bộ sản xuất. Làm việc gì cũng phải cân nhắc xem chủ trương có thiết thực không, có phục vụ bộ đội đánh giặc không? Phải dựa vào công nhân, cùng nhau khắc phục khó khăn để tiến lên, phải tập trung cố gắng vào một số mục tiêu nhất định mới có kết quả tốt…” Bác đi rồi, mắt tôi vẫn nhìn theo Bác, trong bộ quần áo nâu giản dị, trên mình con ngựa nâu khuất dần sau rặng cây rậm rạp… Bác đi đâu? Hơn một tháng sau, tin chiến thắng oanh liệt của quân ta ở vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng đã trả lời tôi điều đó. Lúc này, Bộ Công Thương cử tôi phụ trách Nha Công nghiệp. Nhà máy Trần Hưng Đạo tập trung lực lượng làm hàng vạn dao rựa và hàng nghìn chiếc cân treo phục vụ việc làm nương của đồng bào rẻo cao theo chỉ thị của Bác Hồ. Chúng tôi rất lo vì khó khăn có nhiều. Nhưng hình ảnh Bác trên lưng ngựa đi công tác khắp nơi lại hiện ra trước mắt tôi. Bác đi đến đâu là ở đấy có thêm thắng lợi. Chúng tôi càng tin tưởng và quyết tâm đạt bằng được kế hoạch sản xuất.

Bác hiểu rất rõ tâm tư, tình cảm ý nghĩ của cán bộ kỹ thuật và thường chỉ bảo, động viên rất tận tình. Đầu năm 1955, tôi xuống xã Chí Chủ theo bà con nông dân đi làm đất để chuẩn bị vụ khoai. Mới nửa giờ lao động, bàn tay tôi đã sưng lên, cái vồ gỗ chẳng đập vỡ được những hòn đất rắn như đá. Trời lâu không mưa, đồng ruộng nứt nẻ, dòng nước sông Thao cứ chảy xiết về xuôi mà không làm mát được đất đai và lòng người Chí Chủ. Lúc này tôi mới thấm thía ý nghĩa thủy lợi là biện pháp hàng đầu và sự cần thiết phải có máy bơm nước. Năm 1961, Đảng giao cho tôi và một nhóm cán bộ công nhân nhà máy Trần Hưng Đạo nghiên cứu chế tạo máy nổ đi-ê-den để phục vụ bơm nước, tôi đã đem hết sức mình cùng anh em hoàn thành sớm máy nổ 20 ngựa đầu tiên. Máy này được triển lãm ở Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng. Bác gọi tôi lên hỏi:

- Còn những bộ phận nào các chú chưa làm được?

- Thưa Bác, còn bơm cao áp và vòng bi.

- Cần tiếp tục cố gắng hơn nữa. Rồi Bác vừa nói vừa cười: Chú có bảo đảm là máy này không phải chủ là “Máy triển lãm” không?

- Chúng cháu xin bảo đảm bảo với Bác rằng chúng cháu sẽ sản xuất hàng loạt để phục vụ nông nghiệp trong năm nay.

- Vậy Bác chờ bà con nông dân có ý kiến đã, rồi Bác sẽ có ý kiến vào cuối năm.

Tôi về truyền đạt lại với nhà máy ý kiến của Bác. Anh em rất phấn khởi, bàn nhau chuẩn bị thật khẩn trương để sản xuất hàng loại một trăm máy với chất lượng tốt. Cuối năm, chúng tôi sản xuất được hơn 150 máy. Bà con nông dân rất hoan nghênh, Bác thưởng nhà máy Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong Hội nghị chính trị đặc biệt cuối tháng 3 năm 1966, tôi lại được vinh dự gặp Bác.

Qua hơn 20 năm phục vụ cách mạng, tôi may mắn gặp Bác Hồ kính yêu trong những giờ phút có ý nghĩa của lịch sử dân tộc, bộ óc thiên tài của Bác soi sáng cho tôi con đường đi lên phía trước; trái tim vĩ đại của Người truyền cho tôi biết bao tình cảm cách mạng.

Tôi nguyện giữ mãi tình cảm cao quý đó, trọn đời ghi nhớ và làm theo những lới dạy bảo ân cần của Bác.

(Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: