Chỉ mục bài viết

 50. Phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên

Sáng mồng 03-9, một ngày sau lễ ra mắt, các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời tới dự phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên.

….

Đúng giờ làm việc, Hồ Chủ tịch từ căn phòng bên đi ra.

- Chào các cụ, chào các chú.

Lời chào của Bác đã mở đầu một không khí thân mật cho phiên họp.
Sớm nay, Bác đi một đôi giầy vải màu chàm đem từ chiến khu về. Đôi giày này, đồng bào Nùng đã khâu tặng Bác và được Bác dùng trong nhiều buổi tiếp khách nước ngoài. Bác nhanh nhẹn đi đến bên bàn làm việc. Bằng một cử chỉ cởi mở quen thuộc, Bác giơ rộng hai tay mời các đại biểu cùng ngồi. Cuộc họp không có diễn văn khai mạc. Bác lấy trong túi ra một mảnh giấy nhỏ ghi những ý kiến đã chuẩn bị. Phá bỏ những nghi thức thông thường, Bác đi ngay vào nội dung của cuộc họp.

- Thưa các cụ và các chú,

Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.

Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.

Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi có sáu vấn đề...

Vẫn với những lời lẽ rất giản dị như vậy, Bác nêu lên trước Hội đồng Chính phủ những vấn đề cấp bách nhất. Bác nói:

Một là phải phát động một phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói. Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai khoảng ba bốn tháng, sẽ mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo.

Thứ hai là mở một phong trào chống nạn mù chữ.

Thứ ba là tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.

Thứ tư là mở một phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại.

Thứ năm là bỏ ngay ba thứ thuế: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

Thứ sáu là ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết... Tất cả mọi vấn đề được Bác nêu ra trong vòng nửa tiếng. Những khó khăn chồng chất, phức tạp của chế độ thực dân để lại suốt tám mươi năm, những vấn đề sinh tử, cấp bách của dân tộc đã được Bác nêu lên một cách ngắn gọn, rõ ràng, cùng với những phương hướng, đôi lúc cả những biện pháp để giải quyết. Những đồng chí đã có dịp gần Bác đều thấy đây là nếp làm việc quen thuộc của Người.

Các Bộ trưởng thảo luận những điều Bác đã nêu lên và đều vui vẻ tán thành. Có những điều Bác nêu ra từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời hôm đó đến nay vẫn là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Phiên họp đã kết thúc trong buổi sáng.

Không khí giản dị, tự nhiên, thân mật của buổi họp đã rất mới lạ và gây một ấn tượng sâu sắc với một số người lần đầu làm việc với Bác.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

51. Bác vẫn sinh hoạt với chúng tôi

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm Bác Hồ đều dành thời gian để họp với tổ cảnh vệ một lần. Trong các cuộc họp đó không khí rất trang nghiêm, nhưng ai cũng rất vui, trước giờ họp anh em trong tổ đều tập trung đông đủ.

Đúng giờ Bác đến. Chúng tôi đứng dậy chào Bác. Bác ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi nói "Ta bắt đầu".

Tôi thay mặt anh em báo cáo tóm tắt với Bác về tình hình các mặt công tác của tổ trong một năm.

Nghe xong, Bác hỏi:

- Thế tổ ta năm nay tiến bộ hơn năm ngoái ở những mặt nào?

Tôi báo cáo thêm với Bác những điểm tiến bộ hơn và nêu những điểm còn yếu để đề ra phương hướng khắc phục. Bác khẽ gật đầu rồi nói: "Điểm kém ngày càng ít đi như vậy là tốt", rồi Bác bảo đồng chí phục vụ về nhà đưa sang một ít kẹo và một lẵng hoa hồng. Bác đứng dậy rút từng bông hồng và lần lượt tặng chúng tôi mỗi người một bông và nói: "Bác tặng mỗi chú một bông hồng". Chúng tôi sung sướng nhận hoa Bác tặng rồi cài lên áo, ngồi quây quần bên Bác liên hoan. Vừa liên hoan Bác vừa hỏi thăm tình hình gia đình từng đồng chí, rồi Bác căn dặn: "Các chú phải tranh thủ học tập chính trị nghiệp vụ, văn hóa, mỗi người học một năm phải lên một lớp. Bắn súng và nghiệp vụ phải giỏi". Rồi Bác nói:

- Các chú làm được không?

- Thưa Bác chúng cháu làm được ạ.

Trước lúc ra về, Bác tặng thêm chúng tôi một gói kẹo. Đồng chí nào có con nhỏ, Bác đưa hai gói rồi bảo: "Gói này phần chú, còn gói này Bác gửi cho các cháu ở nhà".

Chúng tôi nhìn nhau cười sung sướng tiễn Bác về. Nay Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng cuộc họp hàng năm của tổ cảnh vệ vẫn còn. Và khi đến những ngày cuối năm, chúng tôi quyết báo cáo nhiều thành tích của tổ mình với Bác như hồi Bác còn sống, vì chúng tôi hứa quyết tâm làm đúng di chúc thiêng liêng của Bác.

(Đồng chí Đĩnh, cán bộ đội bảo vệ Bác Hồ)

52. Bác nắm bàn tay THAN BỤI của chúng tôi

Hôm ấy, Bác đáp tàu từ Hà Nội lên thăm tỉnh Lào Cai. Anh Tư được phân công phục vụ toa có Bác. Thoạt đầu, anh đứng trên toa, nhìn xuống sân trông rõ Người. Anh đứng lên xoay mãi quả đấm cửa mà không mở được. Ngày thường anh chỉ “xoạch” một cái là đẩy rộng cửa ra. Bác đưa tay ra hiệu bảo Tư cứ từ từ, bình tĩnh. Anh thật không ngờ hôm nay được dịp thuận lợi nhất để tỏ lòng kính yêu Bác. Theo thói quen, anh đã chăm sóc toa xe sạch sẽ, bóng lộn. Cả bàn ghế cũng đã sáng loáng như gương. Thế mà anh vẫn thấy mình chưa tròn nhiệm vụ. Tư mời Bác nghỉ lưng, Bác ôn tồn bảo:

- Chú cứ để mặc Bác.

Tàu vẫn chạy như thường mà sao Tư thấy lắc lư nhiều. Tư lo cho Bác không được yên tĩnh. Mặt trời từ từ vén sương núi ngoi lên vàng chóe. Bình minh ở miền trung du thật đẹp đẽ, dịu dàng. Bác từ trong toa bước ra vui vẻ hỏi anh trật tự viên:

- Chú có thể cho Bác đứng ở đầu toa ngắm phong cảnh chứ?

Anh trật tự vâng một tiếng nhẹ và cúi xuống đóng chấn song cửa cẩn thận. Tàu chạy nhanh. Vẻ mặt Bác hồng hào. Gió lùa chòm râu bạc bay lướt qua trên các cánh đồng xanh mướt và núi rừng trùng điệp. Chiếc áo nâu giản dị bay phấp phới. Bác xoay qua Tư hỏi:

- Chú đi tập kết có gia đình đi cùng không?

- Dạ thưa Bác, không ạ!

- Có nhớ vợ con không?

- Dạ có.

- Nhớ nhiều không?

- Dạ nhiều.

- Thế là tốt. Càng nhớ càng cố gắng làm việc nhé?

Bác hỏi đến cô Thọ, nhân viên trên tàu:

- Quê cháu ở đâu?

- Thưa Bác, cháu ở Hồng Quảng.

- Công tác ngành đường sắt được bao lâu rồi?

- Dạ cháu đã làm hơn ba năm...

Bác cười:

- Ở ngành nào cũng đều có mặt các cháu gái, thế là tốt.

Khi tàu đỗ, Bác đi thoăn thoắt lên đầu máy. Anh Thị lái tàu và anh em đốt than, phụ việc tay còn dầu mỡ, lấm lem, thấy Bác đến thì luống cuống. Tất cả đứng thẳng mà hai bàn chân cứ nhấp nhổm. Bác chìa tay ra. Có anh vì tự thấy tay mình bẩn quá không dám bắt tay Bác. Bác ôn tồn bảo:

- Chính là có than bụi bám bàn tay các chú thì Bác và bà con đây mới được ngồi thảnh thơi mà vẫn đi đến nơi về đến chốn được.

Thế là mọi người đều mạnh dạn đưa bàn tay đen sạm nắm lấy tay Bác. Anh Thị cảm động quá giữ bàn tay Bác một hồi lâu. Bác chúc anh em kéo hàng vượt mức và đạt kỷ lục tiết kiệm than cao hơn nữa.

Ở Lào Cai, Bác lên tàu rất đúng giờ. Tàu bắt đầu chạy mà còn hai anh làm công tác báo chí và điện ảnh đến muộn, xách cặp, vác máy chạy theo vẫy gọi tàu. Bác đồng ý đề nghị của anh em công nhân đỗ tàu lại vài phút đợi. Khi hai người leo được lên tàu yên ổn, Bác mới phê bình:

- Báo chí, điện ảnh thì phải đi trước chứ. Các chú đừng để phải chạy theo sau đoàn tàu nữa nhé!

Hai anh ngồi vào toa đưa mắt nhìn nhau bẽn lẽn. Bác đi thăm nhiều nơi: Lào Cai, mỏ A-pa-tít, cầu Làng Giàng, thị xã Yên Bái. Nơi nào cũng đông nghịt đồng bào và công nhân nghe Bác nói chuyện. Nhất là thiếu nhi thì nhanh tay, nhanh chân hơn cả. Các em vừa hoan hô vừa đổ về phía Bác như làn sóng nhỏ cuốn vào bờ. Bác về đến Hà Nội lâu rồi mà dư âm của chuyến đi còn truyền mãi...

 (Trích trong “Hồ Chí Minh - Một huyền thoại kỳ vĩ”)    

53. Người Pháp, người Mỹ

Tuần báo "Đây Paris" ra ngày 18/6/1946 là một trong những bài viết sớm nhất, tương đối đầy đủ nhất về phong cách của Bác Hồ.

"Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời: "Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quí trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê".

Sự ăn ở giản dị đến cảm động, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đặc tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hành hạ mình cho khổ sở mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông.

Trong những ngày thường, ông dùng cơm ở Bắc Bộ phủ, ngồi chung với hết thảy mọi người. Người ta thấy quây quần xung quanh bàn ăn: Các bộ trưởng, những thư ký và cả những cậu thiếu niên phục vụ bàn giấy. Nhờ có đức tính giản dị của ông mà khi ngồi ăn với mọi người ông không làm ai phải giữ kẽ nhiều quá, mà trái lại, không khí chung lộ ra, lúc nào cũng thân mật, cũng vui vẻ, gây cho bữa ăn một vẻ gia đình.

Tính giản dị và thân mật của ông còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn. Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa chất phác nghe cũng hiểu ngay được. Ngày ông viết xã luận cho báo Cứu Quốc, trước khi đem bài cho nhà in, bao giờ ông cũng đem đọc cho một số người không biết chữ, ông già, bà già cùng nghe. Nếu ông thấy thính giả tỏ vẻ không hiểu mấy những ý tưởng trong bài viết lập tức ông viết lại ngay bài khác. Tất cả đức tính Hồ Chí Minh bao gồm trong một cử chỉ bé nhỏ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét lối nói khoa trương, văn vẻ. Mỗi bài diễn văn của ông là một bài học nhỏ kết luận bằng một ý kiến đạo đức. Bởi những ý tưởng hết sức giản đơn ấy mà bài diễn văn của ông có một tiếng vang lớn trong giới trí thức và dân chúng".

Hai mươi lăm năm sau bài viết trên, năm 1971 - sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Đây-vít Han-bơc-stơn trong cuốn sách "Hồ" của mình, do Nhà xuất bản Răng-dôm Hao-sơ ở Niu-Óoc ấn hành đã viết:

"… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất - một phong cách mà Phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.

Trong một nước khi mà dân chúng đã thấy những người cầm đầu đạt tới một địa vị nào đó rồi trở thành "Tây" hơn là "Việt Nam", bị quyền lực, tiền bạc và lối sống phương Tây làm thối nát; trong một nước khi những người đó đã ngoi lên khá cao thì không làm gì cho dân chúng cả, lập tức bị bán mình cho người nước ngoài, tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam: Kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách, những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ biết. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội kém phát triển...".

(Nguyễn Việt Hồng, trích trong "Bác Hồ, con người và phong cách")

  1. Thầy học của Bác là nhân dân

Một lần, Bác từ chiến trường Tây Bắc về, tạt vào cơ quan Hội Phụ nữ. Ta vừa chiến thắng, Bác rất vui, Bác nói: Các cô ở nhà có tiến bộ không, Bác đi công tác ở mặt trận, tiến bộ nhiều lắm. Thầy học của Bác là bộ đội, là dân công, là nhân bản. Bác bảo Bác có quà cho các cô, nhưng phải đoán đúng thì Bác mới cho. Chúng tôi, người đoán là kẹo, người đoán là bánh, có người lại đoán là nước hoa... Bác chỉ cười. Cuối cùng Bác đưa ra, mới biết đó là mấy hộp dầu cao. Bác bảo mùa rét sắp tới, Bác cho các cô để dùng cho khỏi bị cảm lạnh. Hồi ấy, tiết trời đã sang đông, chị em mới học đan được kiểu mũ người đi núi, đội ấm cả đầu và cổ, nhiều người đã đan gửi cho chồng. Trông thấy Bác đầu trần, chị Thanh Hương hỏi Bác đã có mũ chưa, Bác trả lời có rồi. Chị Thanh Hương xin xem rồi lại xin Bác đội lên. Quả tình cái mũ vừa cũ vừa không đẹp. Chị Thanh Hương chê là xấu lắm! Bác bảo: "Chẳng biết các cô đan đẹp thế nào mà chê mũ của Bác xấu". 

Tối hôm ấy, chị em bàn nhau phải đan biếu Bác một cái mũ thật đẹp. Chị Mỹ Hảo, người khéo tay nhất bấy giờ được chị em giao cho công việc ấy. Chị đan một mạch đến khuya thì xong. Vốn biết Bác có vật gì quý đều đem thưởng bộ đội hoặc biếu các cụ phụ lão, chúng tôi lo rằng cái mũ cũng sẽ không được Bác dùng.

Chúng tôi bàn nhau là phải viết thư gửi theo thưa với Bác là cái mũ này các cháu mỗi người đan mươi hàng, biếu Bác, mong Bác giữ mà dùng, may ra Bác nể tình mà giữ lại. Bẵng đi một thời gian, một hôm chị Thanh Hương và tôi lại được dự một cuộc họp. Bác đến, tất cả đại biểu nữ, như thường lệ, được gọi lên ngồi ở hàng ghế đầu. Chúng tôi nhìn lên chủ tịch đoàn thấy Bác rút trong túi ra cái mũ len chúng tôi gửi biếu, chúng tôi rất sung sướng.

Một hôm, Bác đem đến cho ba cái áo len. Chị Hoàng Thị Ái bấy giờ phụ trách cơ quan không dám nhận và thưa là để Bác cho các chiến sĩ có công. Bác bảo: "Bác có cho các cô đâu mà các cô từ chối. Đây là Bác cho các cô để bảo các cô biết cách trọng người già. Một cái các cô biếu Bác Tôn, một cái các cô biếu mẹ liệt sĩ Bùi Thị Cúc, còn một cái để dành đấy, khi cần thì có tặng phẩm mà dùng".

Tất cả sự săn sóc của Bác động viên chúng tôi phấn đấu vươn lên. Cơ quan dần dần được tổ chức ngăn nắp, vườn rau xanh tốt quanh năm và có cả một ruộng ngô. Nhưng tôi nghĩ đối với tất cả cán bộ nữ được Bác quan tâm chăm sóc lúc bấy giờ, điều quý báu nhất mà chị em giữ được là: Lòng thiết tha đi sâu vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Tìm ở đấy những bài học cho công tác, chị em luôn luôn suy nghĩ chăm nom đời sống phụ nữ, nhi đồng cũng như luôn nghĩ tới các bậc phụ lão đáng kính.

(Như Quỳnh, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: