Chỉ mục bài viết

 4. Hai lần gặp Bác

Trung thu năm 1966, Thành đoàn tổ chức cho Câu lạc bộ thiếu nhi biểu diễn tại Nhà hát thành phố, có báo cáo mời Bác Hồ đến vui với các cháu.

Sắp đến giờ mở màn. Mọi người nóng lòng mong Bác đến. Tôi đang khẩn trương chuẩn bị phía trong sân khấu. Thỉnh thoảng lại khẽ hé riđô nhìn ra các hàng ghế đầu xem Bác tới chưa. Nhưng chỗ Bác vẫn để trống mà phía sau đã ngồi đầy ắp ba tầng nhà hát.

Chợt có tiếng reo to: "Bác Hồ! Bác Hồ!". Tôi quay lại đã thấy Bác đứng đằng sau cánh gà trong bộ quần áo lụa giản dị, tay cầm chiếc quạt giấy nhẹ nhàng quạt cho mấy cháu đứng bên. Bác hỏi:

- Hôm nay các cháu biểu diễn gì?                                                                                                                                                     . .

- Dạ thưa Bác, hôm nay chúng cháu biểu diễn ca múa nhạc ạ!

Bác hỏi tiếp:

- Thế có tiết mục văn nghệ dân tộc không?

- Thưa Bác, có ạ!

Các cháu ríu rít quanh Bác, còn tôi, vì hồi hộp quá không biết nên thưa Bác điều gì. Bác đi thăm các đồng chí phục vụ nhà hát rồi xuống xem biểu diễn.

Tối biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp, vui, sôi nổi hơn bao giờ hết.

Một lần khác, tôi dẫn gần 100 cháu và cán bộ phụ trách vào biểu diễn phục vụ khách tại Phủ Chủ tịch.

Khi các cháu vừa hóa trang và chuẩn bị xong thì Bác và một số đồng chí từ Nhà sàn đi tới, trên con "đường xoài" mát rượi. Các cháu ùa ra đón Bác, còn tôi và mấy cán bộ đội chỉ đứng ngây ra nhìn Bác và đàn cháu nhỏ. Cháu nào cũng muốn chen vào để được gần Bác, để được Bác cầm tay, xoa đầu và hỏi han. Bác và các cháu đi dần về phía "sân khấu" nơi Bác sẽ tiếp khách.

Chợt Bác hỏi:

- Hôm nay các cháu làm gì mà đánh phấn, má hồng thế này?

- Thế không đánh phấn thì có biểu diễn được không? - Bác hỏi tiếp.

Các em đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác có ạ!

Cán bộ phụ trách chúng tôi lúc ấy đều hiểu ý Bác: Không nên quá câu nệ hình thức son phấn đối với tuổi thơ trong những buổi sinh hoạt thế này.

Cuối buổi biểu diễn, Bác cùng khách gọi các cháu đến để chia kẹo và chụp ảnh cùng Bác.

(Theo Lê Bul, đăng trên báo Hà Nội mới ngày 15-5-1985)

5. Những kỷ niệm ngoại giao sâu sắc với Bác Hồ

Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác và anh Trường Chinh gặp tôi, giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn đại biểu ngoại giao nước ngoài nhằm tuyên truyền về cuộc kháng chiến của ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Nhận nhiệm vụ được giao, tôi về tổ chức ngay đoàn đi.

Trong khi anh em đang chuẩn bị tài liệu để lên đường, Bác gọi tôi đến hỏi về công việc chuẩn bị và sức khỏe của đoàn, Bác bảo tôi: "Chú xem ai có khó khăn gì về gia đình không? Trước khi đi, cần kiểm tra lại sức khỏe của anh em, vì tôi biết chuyến này đi vất vả". Rồi Bác trao cho tôi bức thư do Bác tự đánh máy nhờ tôi trao lại cho anh em trong đoàn. Bác nói: "Cố gắng động viên tinh thần anh em cho tốt". Trong thư Bác viết:

"Gửi các đồng chí lên đường!

Một, chúc các đồng chí đi đường, chân cứng, đá mềm, thuận buồm xuôi gió.

Hai, các đồng chí đi đường sẽ cực khổ, công tác sẽ khó khăn.

Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan, để tranh lấy thắng lợi.

Ba, từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.

Bốn, các đồng chí phải: Ở trong nội bộ thì thương yêu giúp đỡ nhau, phê bình và học tập nhau. Trong công tác, thì cố gắng làm cho đầy đủ nhiệm vụ, làm cho xứng đáng lòng tin cậy của anh em thanh niên, của đoàn thể và của đồng bào.

Mong rằng các đồng chí sẽ nhớ những lời thành thật đó, và sẽ làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe.

Chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 2 năm 1948

Hồ CHÍ MINH"

Bác ký bằng mực tím và đóng dấu vuông, nhỏ, màu đỏ rất đẹp.

Tôi mang thư của Bác đọc cho anh em trong đoàn nghe. Ai nấy xúc động lắm. Anh Nguyễn Chương nhờ tôi báo cáo lên Bác là dù khó khăn, gian khổ thế nào, anh em cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Tôi đem ý kiến của anh em trong đoàn báo cáo lên Bác. Bác khen như vậy là tốt. Bác còn dặn phải hết sức quan tâm đến anh em, phát thêm cho mỗi đồng chí một bộ áo quần phòng khi đi đường…

Sau này, tôi nghe anh Nguyễn Minh kể lại, chuyến đi dù rất gian khổ nhưng ta vẫn cố gắng tuyên truyền ra quốc tế về cuộc kháng chiến của ta, nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam. Chuyến đi dài ngày của đoàn mang lại kết quả tốt đẹp, Bác rất vui mừng vì kết quả đó.

Nhân đà thắng lợi sau chiến thắng biên giới, Bác và Trung ương mở rộng mối quan hệ với các nước anh em. Một hôm, Bác gọi tôi đến và nói Bác muốn cử một đoàn đại biểu của ta sang thăm Trung Quốc và Triều Tiên nhằm góp phần cổ vũ nhân dân Trung Quốc anh em trong công cuộc xây dựng lại đất nước và nhân dân Triều Tiên anh em chiến đấu giải phóng Tổ quốc của họ. Cuộc đi thăm của ta còn nhằm mục tiêu chung là thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt - Trung - Triều, cùng nhau trao đổi, cùng nhau học tập kinh nghiệm, góp phần đẩy mạnh cao trào chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược Châu Á. Bác còn nói đại ý: Chúng ta hãy coi trọng công tác quốc tế như công tác trong nước. Bác giao cho tôi làm Trưởng đoàn, còn các thành viên trong đoàn do tôi lựa chọn. Nhưng Bác căn dặn: Đây là đoàn đại biểu có tính chất mặt trận - nhân dân, nên thành phần cần có công nhân, nông dân, quân đội, trí thức, phụ nữ, thiếu niên… Tôi vâng lời Bác dặn, bắt tay ngay vào soạn thảo kế hoạch và chọn người cho chuyến đi.

Ngày 03-7-1951, phái đoàn lên đường. Khi xe sắp chuyển bánh thì Bác đến. Bác bắt tay từng người rất chặt, kiểm tra hành lý của chúng tôi xem đủ chưa và ân cần dạy bảo những điều cần thiết khi ra nước ngoài. Vấn đề mà Bác chốt lại là cố gắng giữ mối quan hệ thật tốt đẹp với nhân dân các nước, coi đó là phẩm chất người cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế.

Sau hơn sáu tháng hành trình, thăm nhiều nơi ở Trung Quốc và Triều Tiên, ngày 13/12/1951, phái đoàn rời khỏi cột mốc biên giới Trung - Việt để về nước. Nghỉ ngơi ít ngày lấy lại sức khỏe, tôi xin phép gặp Bác và các anh trong Bộ Chính trị để báo cáo kết quả chuyến đi. Chuyến thăm này đã mang mối tình của nhân dân Việt Nam và của Bác đến với nhân dân Trung Quốc và Triều Tiên. Qua cuộc đi thăm này, chúng tôi thấy rõ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ có uy tín lớn trên trường quốc tế. Bác đánh giá cao chuyến đi. Bác nói: "Đây là chuyến đi của tình hữu nghị anh em Việt - Trung - Triều chiến đấu và chiến thắng".

(Hoàng Quốc Việt kể, trích trong cuốn Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1990)

6. Đóa sen hồng

Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa lớn, một người ông, một người cha vô cùng kính yêu của những người làm nghệ thuật như tôi. Là nghệ sỹ chèo, tôi đã vinh dự được gặp Bác bốn lần. Lần thứ tư tôi được gặp Bác là vào ngày 17/7/1969, sau khi tôi đi biểu diễn ở nước ngoài về. Tôi được Bác cho phép vào ăn cơm với Bác tại phòng riêng, có cả anh Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác cùng ăn. Bác hỏi tôi:

- Kim Liên đi Tây về chắc thèm canh cua lắm nhỉ?

Tôi thưa với Bác:

- Cháu thèm lắm, Bác ạ!

Bác lại bảo:

- Ừ, hôm nay Bác cho cháu ăn cơm với canh cua.

Thế là ba bác cháu ngồi vào mâm cùng ăn rất vui. Trong mâm cơm của Bác hôm đó có canh cua, có cà, một đĩa phèo lợn, một đĩa rau xào, một đĩa thịt nạc xào và một bát dấm ớt. Tôi ngồi ăn nhưng vẫn không ngừng quan sát Bác xem Bác ăn có ngon miệng không. Còn Bác thì không quên gắp thức ăn cho tôi. Thấy Bác ăn ít quá, tôi cố mời Bác ăn. Bác nói:

- Khi Bác ăn được thì không có cái gì để ăn. Khi có cái ăn thì ăn không được.

Tôi xúc động đến nghẹn ngào vì thương Bác!

Bác hỏi tôi:

- Chồng cháu có hay viết thư về không? Bích và Hồng có khỏe không?

Tôi sửng sốt và xúc động đến nghẹn ngào, không ngờ một vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc mà vẫn còn nhớ đến chồng, đến con của một người như tôi. Tôi ấp úng trả lời:

- Dạ thưa Bác, đã sáu năm rồi cháu chưa được gặp chồng cháu. Còn hai cháu Bích, Hồng vẫn khỏe ạ.

Bác lại hỏi tôi:

- Chú Xuân Thủy tặng cho cháu bài thơ thế nào, cháu đọc đi cho Bác nghe.

Tôi buông đũa xuống mâm và đọc bài thơ Đóa sen hồng:

Kim Liên quê ở Nam Hà…

Bác ngắt ngay ở đó và bảo:

- Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ.

Nói xong, Bác bảo tôi đọc tiếp. Tôi đọc một mạch trong giọng ngâm xúc động. Bác chăm chú nghe tôi đọc thơ. Còn tôi thì chăm chú nhìn Bác suýt nữa quên cả lời thơ. Tôi đọc xong, Bác gật đầu khen hay. Tôi vô cùng sung sướng và nói:

- Cháu thấy Bác đẹp như ông tiên vậy.

Bác liền quay sang nói với anh Vũ Kỳ giọng rất vui:

- Nó lại nịnh Bác để Bác thưởng kẹo cho nó đấy.

Ôi! Câu nói sao mà giống hệt như những người ông nói với cháu mà tôi vẫn được nghe ở gia đình hoặc ở đâu đó trong làng quê Việt Nam.

Ăn cơm xong Bác dặn anh Vũ Kỳ:

- Chú nhớ gửi kẹo cho hai cháu Bích, Hồng nhé.

Sau đó, Bác cho phép tôi được lên thăm Nhà sàn của Bác. Tôi theo chân Bác hồi hộp bước lên cầu thang. Bước vào phòng riêng của Bác, tôi đưa mắt quan sát khắp gian phòng đơn sơ mà lòng trào dâng một niềm thương cảm. Tôi không ngờ Bác Hồ, vị Chủ tịch nước kính yêu và vĩ đại của dân tộc lại ở trong một gian phòng nghỉ, tiện nghi quá giản đơn, của cải chẳng có gì! Như hiểu được ý nghĩ của tôi, Bác nói giọng trầm buồn:

- Bác chẳng có gì cho cháu cả! Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ bôn ba qua các nước, Bác có nhặt được mảnh gỗ, tự tay đẽo thành một cái thước kẻ để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm.

Tôi cầm cái thước mà rơm rớm nước mắt vì không ngờ Bác lại nghèo đến thế. Tôi phát hiện trên cái thước có ghi ba chữ cái: S - N - K (Suy nghĩ kỹ). Một lần nữa tôi lại hiểu thêm cuộc đời và nhân cách vô cùng trong sáng của Bác. Đến uyên thâm và vĩ đại như Bác mà khi viết và nói gì cũng phải: "Suy nghĩ kỹ". Cho đến nay, tôi vẫn giữ cái thước của Bác Hồ như giữ một vật thiêng liêng nhất.

(Kim Liên kể, trích trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

7. Mắc đèn trong vườn Bác

Ngày ấy, có vị tổng thống đến thăm nước ta. Cũng như mọi lần, chúng tôi vui sướng chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch mắc đèn trang trí trong vườn Bác.

Chúng tôi đến nơi làm việc thật sớm, phần để cho công việc chóng xong, phần để ngắm Bác kính yêu khi Bác đi những đường quyền trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đẹp mắt, hoặc Bác chăm cây vú sữa, tưới luống rau cải, tỉa cành hoa hồng buổi sớm...

Ăn cơm chiều xong, chúng tôi vội vã kiểm tra lại phần việc của mình, cố không sai sót để Bác vui lòng. Đúng 19 giờ 30 phút Bác ra vườn với chúng tôi. Cũng như mọi lần, chúng tôi sung sướng chào Bác. Bác tươi cười chào lại và nói:

- Các chú công nhân bật đèn lên cho Bác xem đi!

Tôi chạy vội lại phía trạm điện đóng cầu dao. Ánh sáng điện tỏa trên các ngọn cây, dưới vòm lá, lấp lánh, chiếu sáng đẹp khuôn mặt hiền từ và chòm râu bạc của Bác. Tôi sung sướng mời Bác đi quanh khu vườn rộng. Bác chú ý xem từng ngọn đèn và luôn luôn gật đầu tỏ ý hài lòng. Tôi đang phấn khởi thì Bác dừng lại, chăm chú nhìn một ngọn đèn pha dưới gốc cây rồi thân mật bảo tôi:

- Ngọn đèn này phải để khuất dưới lùm cây. Như thế đẹp hơn. Đồng bào qua đường nhìn vào đỡ chói mắt. Miệng nói, Bác nhanh nhẹn bước lại ngọn đèn. Tôi lo lắng quá vì lúc đó Bác lại đi đôi guốc mộc trên đường rải sỏi, dễ trượt ngã. Tôi chạy theo thưa với Bác:

- Bác để chúng cháu làm ạ!

Nhưng Bác đã cúi xuống, hai bàn tay cầm lấy thân đèn. Không còn cách nào khác, tôi cùng Bác khiêng pha đèn nặng vào lùm cây đinh hương. Giây phút ấy tôi vừa ân hận vừa sung sướng. Ân hận vì mình chưa làm cho Bác vừa ý, sung sướng vì được làm việc bên Bác dầu chỉ có mươi phút.

Ngọn đèn được Bác thay chỗ, đặt dưới vòm cây đinh hương lá nhỏ, khiến ánh sáng của nó đẹp hẳn lên. Bây giờ người đi đường nhìn vào sẽ không trông thấy đèn, chỉ thấy một vùng ánh sáng chiếu qua kẽ lá hắt lên thành một màu xanh dịu.

Một lần khác, chúng tôi lại vào chăng đèn ở Phủ Chủ tịch, để Bác đón khách quý. Nhớ lời Bác dặn: "Phải luôn luôn phát huy sáng kiến. Nhiệm vụ của chúng tôi là trang trí bóng đèn ở khu vực nhà tiếp khách phải khác hẳn mọi lần. Chẳng hạn, những lần trước, trên mỗi cây, chúng tôi thường mắc bóng đèn các màu xanh, đỏ, tím, vàng lẫn lộn. Lần này chúng tôi không làm thế. Như hai cây dừa nước ở bên nhà Bác ở, tôi đặt dãy đèn một màu từ dưới gốc lên ngọn. Sau đó thì tỏa ra các cây. Mỗi lá một dây đèn pha ánh sáng chiếu hắt lên. Cố nhiên là đèn chúng tôi để khuất hẳn trong lùm cây như lần trước Bác đã chỉ bảo. Khu vườn cây của Bác lộng lẫy hẳn lên. Chúng tôi sung sướng quá khi được Bác khen:

- "Lần này các chú mắc đèn đẹp đây. Khách của chúng ta cũng khen ngợi".

Sau khi khách về, chúng tôi được Bác cho xem phim. Tôi dắt cháu Vinh mới lên bốn tuổi cùng đi. Bác xoa đầu, bẹo má phình của nó rồi nói:

- Con chú kháu quá nhỉ!

Trước khi chiếu phim, Bác lại hỏi:

- Các chú thợ điện đã đủ mặt chưa?

Đồng chí tổ chức buổi chiếu phim thưa với Bác đã có đủ Bác mới cho chiếu. Lần này Bác cho chúng tôi xem cuốn phim "Người con gái của Đảng". Phim mới nên chưa có lời dịch thuyết minh, cầm bản nội dung phim, Bác dịch lại cho chúng tôi nắm được đầu đuôi câu chuyện. Bác xem rất chăm chú. Đến hết phim, Bác đứng dậy xúc động nói với chúng tôi:

- Các cô, các chú nhớ lấy! Người cộng sản là phải như thế!

Hôm tôi được kết nạp Đảng, trước cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời dặn dò của Bác lại văng vẳng bên tai tôi.

(Theo Dương Văn Hậu, trích trong cuốn Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: