Chỉ mục bài viết

 39. Nhớ lần được vào chúc Tết Bác

Vào dịp Tết năm 1962, đúng vào buổi chiều 30 Tết, chúng tôi đang tấp nập chuẩn bị đón mừng Xuân mới, bỗng được tin: Sáng mai mùng một Tết đơn vị được cử một số cán bộ, chiến sỹ vào chúc Tết Bác. Tin đến thật bất ngờ và truyền đi rất nhanh. Tiếng hỏi nhau, tiếng trả lời, tiếng hoan hô thật là náo nhiệt. Nhiều đồng chí vui sướng quá, miệng hoan hô, tay chân thì nhảy múa trông rất ngộ nghĩnh.

Với những bộ quân phục mới nhất, tất cả chúng tôi đã tập trung ở địa điểm quy định. Sáu giờ sáng chúng tôi đã đến trước cửa một ngôi nhà nhỏ trong Phủ Chủ tịch. Lúc ấy các đồng chí trong cơ quan, các đơn vị bạn cũng có mặt để vào chúc Tết Bác.

Từ phía ngoài nhà sàn nhỏ, chúng tôi đã nhìn thấy Bác, vẫn bộ kaki bạc màu, đôi dép cao su quen thuộc với dáng đi nhanh nhẹn. Bác đang đi về phía chúng tôi. Mọi người sung sướng hồi hộp quá nên khi Bác tới gần ai cũng chỉ nói được mỗi câu: Bác, Bác, Bác... Phần vì quá xúc động, nên đồng chí phụ trách lúng túng chưa kịp hô đơn vị để chào Bác, thì Bác đã thân mật hỏi ngay:

- Các chú vào chúc Tết Bác phải không?

Nghe giọng nói ấm áp của Bác, thấy Bác tươi cười hiền hậu, chúng tôi cảm thấy bớt phần hồi hộp, chúng tôi trả lời khá đều:

- Thưa Bác vâng ạ!

Đồng chí K. thay mặt anh em đứng ra chúc Tết Bác. Vừa nghe xong, Bác hỏi:

- Còn gì nữa không?

Chúng tôi lúng túng nhìn nhau chưa biết nói thế nào, may sao đồng chí H. đứng ở hàng đầu đã mạnh dạn thưa:

- Thưa Bác, Bác còn cho chúng cháu ăn Tết nữa ạ!

Bác cười, chỉ tay về phía đồng chí H. nói:

- Chú kia nói đúng.

Tiếng vỗ tay lại vang lên. Tiếp đó Bác đến thăm hỏi từng người về tình hình sức khỏe, tình hình gia đình, việc tổ chức ăn Tết ở đơn vị có vui không. Bác sắp đến chỗ tôi, tôi vừa vui sướng vừa hồi hộp, tim đập mạnh quá khiến tôi cứ run rẩy người lên. Vui vì được nhìn rõ Bác, được Bác sắp hỏi han nhưng lại lo khi Bác hỏi thì trả lời sao đây. Thế rồi Bác đã tới trước mặt tôi, tôi bỗng thấy mắt mình như nhòa khi nghe tiếng Bác.

- Chú có bộ quần áo đẹp thế.

Tôi lúng túng thật sự, chưa biết trả lời Bác ra sao, thì được Bác hỏi tiếp:

- Chú đi bộ đội từ bao giờ, sao chú nhiều huân chương thế?

Bác hỏi và tay chỉ vào ngực tôi, rồi Bác lại chỉ luôn vào ngực Bác, Bác nói:

- Bác chẳng có cái nào.

Tôi ấp úng đáp lời:

- Dạ... dạ thưa Bác, đây là huân chương của Bác, Bác để dành cho chúng cháu ạ.

Bác cười và chỉ tay vào đồng chí bên cạnh hỏi tiếp:

- Chú có huân chương không?

- Thưa Bác có ạ!

Chúng tôi hết sức xúc động và sung sướng được sự chăm sóc động viên của Bác. Chúng tôi thầm nghĩ mình phải làm gì để thực sự xứng đáng với tình thương yêu của Bác.

Sau đó Bác căn dặn chúng tôi:

- Năm nay các cô, các chú ăn Tết phải tổ chức thật tốt thật vui nhưng phải tiết kiệm, không nên tiêu những thứ chưa thật cần thiết. Nước ta còn nghèo, cần phải dành dụm để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Bác còn dặn thêm:

- Sang năm mới các cô, các chú phải chịu khó học tập tốt, công tác tốt để đạt được nhiều thành tích hơn nữa.

Sau đó Bác cho chúng tôi chụp ảnh chung với Bác. Chúng tôi ai cũng muốn được gần Bác hơn. Trong lúc đồng chí nhiếp ảnh đang chuẩn bị, Bác nhìn quanh một lượt, thấy tôi, Bác vẫy tay và bảo:

- Chú vào đây ngồi với Bác.

Tôi sung sướng và xúc động quá, vội vàng chạy lại bên Bác mà người cứ run lên, trống ngực đập thình thịch.

- Chú chuẩn bị xong chưa?

Bác hỏi đồng chí nhiếp ảnh.

- Thưa Bác xong rồi ạ.

- Khi nào chụp chú phải hai, ba để các chú ấy cười lên.

Chụp ảnh xong, chúng tôi được Bác cho phép vào ăn Tết với Bác. Trong căn phòng nhỏ xinh xắn, một dãy bàn trải khăn trắng muốt có các món ăn đã được bày sẵn. Thấy chúng tôi vẫn đứng chung quanh các dãy bàn, Bác đưa tay ra hiệu và nói:

- Các chú ngồi xuống.

Chờ chúng tôi ngồi đâu vào đấy, Bác đi quanh dãy bàn xem xét một lượt, rồi trở về chỗ ngồi, Bác âu yếm bảo chúng tôi:

- Các chú ăn đi!

Chúng tôi ngồi ăn, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Bác. Trong bữa ăn Bác đi đến từng bàn và luôn giục chúng tôi:

- Các chú ăn bánh chưng của Bác xem có ngon không?

- Các chú là bộ đội sao ăn chậm thế?

Thấy chúng tôi ăn uống vui vẻ, Bác tỏ ý hài lòng. Bữa ăn sắp xong, thấy Bác đứng dậy, chúng tôi đều đặt đũa xuống và hướng nhìn Bác. Với giọng ấm áp đầy yêu thương. Bác nói:

- Hôm nay Bác cháu ta vui Tết nhưng đồng bào miền Nam ta còn phải chiến đấu, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh...

Giọng Bác nghe trầm hẳn, Bác tiếp:

- Các chú, các cô ăn Tết với Bác hôm nay cơm thì được ăn no, nhưng thịt thì chưa đủ no.

Chúng tôi hiểu rằng Bác vui Tết với con cháu nhưng Người vẫn luôn nhớ đến đồng bào miền Nam. Lúc nào Bác cũng chỉ có một ý nguyện làm cho nước nhà thống nhất để toàn thể nhân dân ta ai cũng được no cơm và no thịt nữa.

Đồng chí K. thay mặt anh em xúc động nói:

- Năm mới chúng cháu kính chúc Bác mạnh khỏe và xin hứa với Bác quyết tâm thực hiện bằng được lời Bác dạy cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam để đồng bào miền Nam sớm được đón Bác vào ăn Tết...

Đồng chí K. dứt lời, chúng tôi thấy Bác mỉm cười. Bác vỗ tay hoan hô, chúng tôi cùng vỗ tay theo. Có tiếng ai hô: Năm mới kính chúc Bác mạnh khỏe! Tất cả chúng tôi đồng thanh hô lại rõ từng tiếng một... Tiếng vỗ tay lại vang lên tưởng như không dứt.

Mọi người ra về, lòng đầy phấn khởi. Được vào chúc Tết Bác là một niềm vinh dự, một hạnh phúc lớn lao, là phần thưởng vô giá đối với mỗi chúng tôi.

(Xuân Giao, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ, Bộ Công an kể, trích trong cuốn "Cận vệ Bác Hồ")

40. “Làm cán bộ là làm đầy tớ nhân dân, không phải làm quan”

 Năm 1956, tôi được cử về Hà Nội tham gia đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số đi thăm Trung Quốc bốn tháng. Hết thời gian tham quan, về nước, hôm sắp sửa trở lại Đồng Văn, tôi được tin sẽ được đến thăm Bác ở Phủ Chủ tịch. Tin ấy làm tôi vui như người đói được ăn, người khát được uống. Rồi chúng tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch. Bước chân lên thềm nhà cao rộng, đẹp đẽ, tôi hồi hộp vô cùng. Gặp Bác, người tôi nóng ran lên vì xúc động, tôi nhìn Bác không chớp mắt. Hôm ấy, tôi được tận mắt nhìn thấy Bác. Bác tươi cười hỏi thăm sức khỏe mọi người, rồi Bác hỏi ngay đến đời sống và tình hình làm ăn của các dân tộc miền núi. Bác hỏi:

- Đất đã cho ngô khoai tươi tốt, nuôi sống các cô, các chú, thế ngô khoai ăn xong, bây giờ các cô, các chú lấy cái gì mà trả lại cho đất nào?

Tất cả chúng tôi im lặng trước câu hỏi của Bác, lúng túng không biết trả lời thế nào cho phải. Thấy vậy, Bác nói: “Phải chăm bón, làm cho đất tốt thì người mới no, phải cải tiến kỹ thuật”. Bác cũng căn dặn chúng tôi phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không được xa rời quần chúng; mình là đại biểu của các dân tột ít người đã khổ cực nhiều rồi, nay được cách mạng, được Đảng dắt ra khỏi cuộc đời tăm tối, được quần chúng tin yêu cử ra làm việc, thì không lúc nào được xa rời quần chúng; làm cán bộ là làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan... Tôi nhớ rất kỹ lời dạy này của Bác. Tôi nghĩ mình làm việc cho quần chúng thì ít, ngược lại, quần chúng có thể giúp mình nhiều. Tôi nghĩ đơn giản thế này: “Giá như bây giờ mình thiếu ăn, mỗi nhà cho một ống thì thừa ăn ngay, nhưng mình bắt tay vào làm giúp quần chúng thì có được là bao!”. Tôi thấy những lời Bác dạy thật chí lý, chí tình, càng áp dụng vào thực tế càng thấy thấm thía.

(Vừ Mí Kẻ kể, trích trong cuốn “Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2016)

41. “Các chú phải nhớ công nhân trẻ tốt lắm"

Trong cuộc đời của mỗi người, có biết bao kỷ niệm vui buồn sâu sắc.

Nhưng trong tâm hồn chúng tôi chưa bao giờ có những tình cảm đặc biệt khó tả lạ lùng như khi gặp Bác Hồ ngày 18-7-1969.

Hôm ấy, chúng tôi dạy sớm, đến trước giờ. Đúng giờ hẹn, Bác xuất hiện đột ngột bên cửa phòng khách. Chúng tôi đứng sững, lặng ngắm từ mái tóc trắng, chòm râu bạc rung rung trên khuôn mặt hồng hào, bộ quần áo vải cũ đã bạc màu đến đôi tất sợi dưới chân và chiếc gậy nhỏ của Bác. Bác tươi vui thân mật bắt tay từng người, nhắc chúng tôi ngồi, bảo chúng tôi uống nước. Nhanh nhẹn, thân mật, Bác đã gây không khí cởi mở ngay từ phút đầu gặp gỡ. Hơi ấm trong tay Bác chuyển nhanh sang người chúng tôi.

Chúng tôi rất mừng thấy Bác vẫn khỏe mạnh. Tâm trí bị hút vào từng cử chỉ, lời nói của Bác. Chúng tôi muốn quan sát thật kỹ, ghi nhớ tất cả. Thấy chúng tôi ít nói, Bác thân thiết hỏi thăm gia đình từng người rồi Bác chuyển sang công việc chung rất tự nhiên. Bác căn dặn nhiều điều, đại ý là:

- Bác đã nhiều lần gặp công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác vừa nói vừa lấy trên bàn làm việc một tập báo đã cắt dán sẵn, bên cạnh có chữ của Bác ghi bằng bút chì đỏ. Bác đưa cho chúng tôi xem và nói tiếp:

- Bác xem báo Lao động có bài viết về chuyện một số công nhân nào đó mỗi ngày chỉ làm rất ít giờ. Bác rất đau lòng. Luật Nhà nước quy định mỗi công nhân, viên chức phải làm việc 8 giờ. Nếu có người chỉ làm việc ít giờ thì rõ ràng là người đó không làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân. Bác hỏi về tình hình cảng Hải Phòng. Chúng tôi báo cáo:

- Thưa Bác, phần đông anh chị em công nhân ở đây về mặt dũng cảm bốc dỡ hàng và đưa hàng vào kho, kể cả lúc địch đánh phá ác liệt là rất tốt. Nhưng về phần bảo quản hàng hóa chống hư hỏng, mất mát thì còn có chỗ chưa tốt. Bác tỏ vẻ không hài lòng:

- Như thế là các cô, các chú công nhân ở đây cũng có người chưa thấy hết trách nhiệm của mình và ý nghĩa việc mình làm. Hàng hóa đó đều là của giai cấp công nhân làm ra giúp ta để ta đánh Mỹ xâm lược và xây dựng kinh tế, cho nên chúng ta không được phép làm mất mát, hư hỏng. Nếu cứ để như thế thì một số hàng viện trợ ấy không sử dụng được vào mục đích đánh Mỹ và xây dựng kinh tế, như vậy cũng là không làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với bạn.

Bác hỏi thêm về tình hình giáo dục công nhân. Bác góp ý là công đoàn làm công tác giáo dục nhiều nơi còn chung chung, chính trị suông, chưa biết nắm công tác chính trị thúc đẩy sản xuất, động viên mọi người làm tròn trách nhiệm trong lao động sản xuất. Làm chung chung thì dễ, làm cụ thể phải chịu khó. Cho nên công tác giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại. Tiếp đó, Bác lại đưa cho chúng tôi xem một bài báo cắt trong tờ Hà Nội mới ra ngày 16-7-1969, ở mục “sinh hoạt công đoàn” nêu vấn đề “công đoàn cửa hàng thực phẩm Chợ Hôm thành lập ban kiểm tra quản lý vật tư hàng hóa”. Từ bài báo cụ thể ấy, Bác căn dặn chúng tôi: Công nhân phải nâng cao vai trò làm chủ tập thể, phải mạnh dạn đấu tranh. Lập ban kiểm tra là đúng, nhưng ban kiểm tra phải dựa vào quần chúng mà tiến hành công tác. Giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ, nếu họ không chịu sửa chữa khuyết điểm.

Bác vừa nói, vừa cho chúng tôi xem thêm một bài cắt trong báo Nhân Dân ngày 16-7 viết về công nhân mỏ phê bình một số cửa hàng bách hóa ở Mạc Khê phân phối hàng chưa tốt và đoàn xe Cọc 6 làm ăn luộm thuộm, thiếu vệ sinh. Bác bảo: Các báo đăng bài của công nhân phê bình thế là tốt. Báo Lao Động nên mở rộng mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ của công nhân, vừa nâng cao tính chiến đấu của tờ báo. Rồi Bác hỏi sang đời sống công nhân. Chúng tôi báo cáo:

- Thưa Bác, mặc dù trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, Nhà nước vẫn cố gắng đảm bảo cuộc sống về ăn, mặc, chữa bệnh cho công nhân. Tuy thế, đời sống công nhân còn khó khăn. Bác cho rằng, quần chúng rất thông cảm hoàn cảnh thiếu hàng, quần chúng chỉ phàn nàn việc phân phối không công bằng. Vẫn còn một số cán bộ lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trước quần chúng. Ngay trong công đoàn cũng có cán bộ mắc thiếu sót trên, làm cho đời sống quần chúng thêm khó khăn. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thật sự quan tâm đến đời sống quần chúng. Vì thế, cán bộ, công nhân, viên chức, nhất là cán bộ công đoàn, phải ra sức vận động công nhân, viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt qua khó khăn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác nói với tất cả những tình cảm thân thiết của một người cha lo lắng cho đời sống của các con. Chúng tôi vừa thấy ân hận về những thiếu sót của mình, vừa kính thương Bác. Bác muốn lo cho tất cả chúng ta sung sướng. Bác đã dạy chúng tôi bao lần về những bài học cụ thể ấy. Nhưng chúng tôi chưa hiểu thấu đáo, chưa quán triệt trong ý thức, tư tưởng, trong hành động, trong chỉ đạo cụ thể. Rõ ràng, chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều để làm tròn trách nhiệm. Mỗi khuyết điểm Bác nhắc đến, chúng tôi đều thấy đó là khuyết điểm của chính mình. Mỗi bài học Bác dạy, chúng tôi thấy chính là bài học vỡ lòng mà Bác đã dạy chúng tôi từ lâu nhưng chúng tôi chưa thấm và làm chưa được tốt. Qua những sự việc cụ thể trên, Bác đã nêu lên cho chúng tôi thấy những điều cần phải làm trong thời gian tới.

Bác nhấn mạnh vai trò của công nhân tham gia quản lý. Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa.

Bác cũng chỉ bảo cặn kẽ về vai trò của tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn không những phải giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế; không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng tạo điều kiện cho họ nắm được những hiểu biết khoa học - kỹ thuật.

Được ngồi bên Bác, nghe Bác căn dặn, chúng tôi đều hiểu là Bác lo lắng cho công nhân và tổ chức công đoàn rất nhiều. Chúng tôi thầm nghĩ xin cố gắng làm tốt lời Bác dạy để Bác vui lòng. Bác cười và nói tiếp: Các chú phải nhớ công nhân trẻ tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân. Bồi dưỡng văn hóa, khoa học - kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa. Trước khi kết thúc, Bác lại nhấn mạnh: Các chú nhớ là phải làm cho cán bộ thật đoàn kết nhất trí, không xa rời quần chúng. Phải thấy trách nhiệm vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng mà làm, chứ không phải vì cá nhân. Phải làm đúng lời dạy của Lenin vĩ đại: Giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ.

(Nguyễn Đức Thuận kể, trích trong cuốn "Phong cách Hồ Chí Minh", Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: