Thứ sáu, 29/03/2024

Chỉ mục bài viết

 44. Đời đời nhớ ơn Bác

Hàng năm, nhân Ngày sinh của Bác, cán bộ, chiến sỹ Đoàn Tân Trào lại tập hợp đông đủ đến thăm phòng truyền thống của đơn vị. Nơi đây đã ghi lại một số hình ảnh hiện vật biểu hiện sự quan tâm dạy dỗ chăm sóc của Bác đối với cán bộ, chiến sỹ trong toàn đoàn.

Bước vào phòng đầu tiên chúng tôi đứng lặng hồi lâu trước bức tượng Bác bằng thạch cao trắng nổi trên nền cờ đỏ. Trong lòng chúng tôi trào lên một niềm thương nhớ vô hạn. Chúng tôi đặt tay lên và đứng nghiêm trang tưởng niệm Bác.

Phía bức tượng Bác là một lẵng hoa được đặt trong tủ kính trong suốt mang dòng chữ: "Lẵng hoa Bác Hồ tặng đơn vị nhân dịp 2.9.1968" với những cánh hoa lay ơn trắng muốt. Còn đây là những tấm Huy hiệu của Bác mà hàng năm Người đã giành phần thưởng cao quý này cho các đơn vị để tặng những cán bộ, chiến sỹ có nhiều thành tích xuất sắc nhất. Năm 1965, Bác đến thăm Hội nghị mừng công của toàn đoàn, Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho 5 cán bộ, chiến sỹ. Tận tay Bác đã trao huy hiệu cho từng đồng chí trong số đó có đồng chí Trần Văn Nhã, nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bác không những luôn chăm lo động viên giáo dục chúng tôi khi lập thành tích mà Người còn quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ. Những con cá rô phi béo, mập mạp này là giống cá của Bác cho đơn vị nuôi. Bác cho chúng tôi cả từng hạt giống cây rau để trồng. Nhìn những hạt rau để trong phòng truyền thống, chúng tôi lại càng nhớ đến những lúc tự tay Bác trồng rau, tưới nước trong vườn. Bác dạy từ cách trồng rau, bắp cơ, trồng thưa cây mới to được, cách tỉa từng quả đu đủ để quả chóng to, mau lớn. Có lần được đọc tờ báo khoa học, Bác lấy bút chì đỏ gạch những đoạn nêu tên kinh nghiệm trồng rồi gửi cho đơn vị.

Còn những quả lê, quả táo này khi đến thăm địa phương, Bác được nhân dân kính biếu, Người cũng mang về làm quà cho các đồng chí phục vụ bảo vệ Bác.

Quả vải này Bác đã dành cho đồng chí Nhuận. Đồng chí Nhuận đã giữ gìn trân trọng, coi đó là kỷ vật quý giá nhất trong đời mình. Khi chuyển công tác, đồng chí gửi lại làm lưu niệm trong Phòng truyền thống của đơn vị.

Trong dịp Tết Kỷ Dậu, đội văn nghệ của đơn vị được vinh dự vào phục vụ Bác. Bác khen ngợi và căn dặn đội phải cố gắng luyện tập và công tác không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt tốt hơn nữa. Sau cùng Bác đã dành thưởng cho mỗi đồng chí một quả cam và một lá thư chúc Tết. Quả cam này là do tự tay Bác trồng và chăm bón. Giống cam quý của Bác được anh em giữ gìn mang về quê hương ươm trồng thành những vườn cam tươi tốt. Hạt giống cam cũng được lưu lại đặt trong Phòng truyền thống của đoàn.

Chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ Bác khi nhìn lại những hình ảnh và hiện vật kỷ niệm cùng Bác đi chiến dịch trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những cái bếp, cái nồi nấu cơm và cái hộp sắt chúng tôi thường dùng để thức ăn cho Bác, được Bác đặt tên là "muối Việt Minh", trong hộp thường có 1/3 thịt, 1/3 muối 1/3 ớt mà tổ đồng chí L. đã mang theo để phục vụ Bác. Hình ảnh những bữa cơm trên đường đi. Bác cháu ngồi quây quần bên nhau trên những tầng đá nhẵn hay lùm cây ven suối, trải tàu lá chuối rừng, giở cơm ăn, lại hiện lên trong tâm trí tôi. Trong bữa ăn, Bác thường nhường cơm và thức ăn cho chúng tôi.

Còn tấm ảnh này Bác đang cùng tổ đồng chí A. ngồi trên chiếc "lầu" bằng nứa vượt sông trên đường đi chiến dịch. Nhớ lại có lần Bác cùng đồng chí L. ngồi thuyền qua sông, Bác bảo đồng chí ngồi gần bên Bác cho khỏi ngã. Đồng chí L. cảm động quá không nói được câu nào.

Cây cột gỗ này chúng tôi đã kiếm để làm hầm bảo vệ Bác. Chiếc cầu thang còn in dấu chân Bác lên xuống ngày nào trên chiếc nhà sàn ở núi rừng Việt Bắc, còn những cây tổ quạ này, trên đường đi chúng tôi tìm kiếm trong những hang đá, khe suối mang theo ngụy trang cho mái lán của Bác. Cây tổ quạ đó Bác chỉ cho chúng tôi làm, nhờ sống vào cây khác nên nó luôn xanh tốt giúp cho việc ngụy trang thật kín đáo.

Ai từng chịu đựng cái rét như cắt của núi rừng Việt Bắc mới có thể hiểu hết nỗi băn khoăn lo lắng của chúng tôi. Là thanh niên chúng tôi cũng rét không ngủ được, thế mà Bác đã già lại làm việc tới khuya. Đứng gác bên lán nhà Bác nghe gió lùa lạnh thấu xương. Nhìn lại nhà vẫn thấy ánh đèn Bác làm việc, chúng tôi thương Bác quá. Đây là những hòn than của chúng tôi đã từng đốt để Bác sưởi. Bác không cho chúng tôi làm thế. Thương Bác già, trời lại rét chúng tôi không thể yên tâm nên có những đêm đợi Bác đi ngủ chúng tôi mới đốt lửa sưởi ấm cho Bác. Thật cảm động biết bao, Bác thấy chúng tôi đứng gác ngoài trời rét, Bác đã lo cho chúng tôi từng chiếc áo ấm trong khi đó Bác vẫn dùng chiếc áo bông cũ.

Mặc dù hàng ngày Bác bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời giờ tăng gia sản xuất và tập luyện thể dục thể thao. Đây là hình ảnh Bác đánh bóng chuyền với chúng tôi, Bác mặc một chiếc áo lót, quần cụt. Người chuyền bóng nhanh nhẹn, khỏe như một thanh niên... Bác còn cùng chúng tôi tập bơi và câu cá ngoài suối nữa.

Đây là hình ảnh Bác nói chuyện thời sự với cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ. Nhìn ảnh lại nhớ lần chúng tôi sinh hoạt thì Bác xuống thăm, nhìn thấy tấm bản đồ Đông Phương, Bác hỏi đồng chí P, một đồng chí trẻ nhất của quân đội:

- Cháu có biết đất nước ta từ đâu đến đâu không?

Đồng chí P. không biết nên lúng túng chỉ lên tận nước Lào... Bữa đó Bác chỉ cho chúng tôi thấy rõ vị trí và hình dáng nước ta trên bản đồ Đông Phương. Bác giảng cho chúng tôi sự giàu có của đất nước Việt Nam, truyền thống anh hùng của nhân dân ta chống ngoại xâm từ xưa tới nay và tội ác tày trời của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Giảng xong dừng lại một chút, Bác hỏi:

- Các chú ở gần Bác mà để các chú chưa hiểu thì Bác cũng có khuyết điểm.

Sau cùng Bác còn dặn chúng tôi phải chịu khó học tập văn hóa để nâng cao trình độ nhận thức.

Hôm đó chúng tôi đều cảm động, có đồng chí đã khóc, hối hận vì chưa chịu khó học tập, tu dưỡng để Bác bận lòng.

Ngày nay Bác đã đi xa, nhưng những hình ảnh và hiện vật vô giá trong Phòng truyền thống như nhắc nhở Bác vẫn bên cạnh chúng tôi. Mỗi bước đi, mỗi bước trưởng thành của đoàn, của mỗi người đều mang theo hình ảnh vĩ đại và công ơn trời biển cửa Bác Hồ kính yêu.

(Đại tá Xuân Giao, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ - Bộ Công an)

45. Tình thương yêu bao la

Đoàn chuyên gia y tế Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi sang tới Thủ đô Hà Nội vào ngày 02 tháng 02 năm 1956, sau một thời gian ngót ba tuần đáp tàu liên vận quốc tế từ thành phố Béc lin. Chúng tôi cả thảy gồm 35 người, do Giáo sư Tiến sĩ Kiếc-sơ, nhà giải phẫu xuất sắc làm Trưởng đoàn. Tất cả chúng tôi sang Việt Nam lần đầu và đều tự hào nhưng cũng đều lo lắng, hồi hộp trước nhiệm vụ mà Hội đồng toàn quốc Mặt trận dân tộc đã giao cho là giúp trang bị nhà thương Phủ Doãn, tức bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức ngày nay, bằng những máy móc và dụng cụ y tế do nhân dân nước chúng tôi gửi tặng nhân dân Việt Nam anh em. Riêng tôi và một vài anh chị em nữa, trong đó có đồng chí Thít-xkê, Tôn-man, Đvê-sơ, Vít-xtu-ba có nhiệm vụ hoàn thành xưởng làm chân tay giả cho các đồng chí thương binh Việt Nam.

Tôi còn nhớ, những ngày đầu tới Việt Nam, thời tiết khá lạnh và Tết Nguyên đán cũng sắp đến. Cả một không khí nô nức chuẩn bị Tết. Chúng tôi đã được sống với các bạn Việt Nam trong không khí ấy và đã không bao giờ quên các món ăn dân tộc, các phong tục, các trò vui trong Tết cổ truyền. Riêng đồng chí trưởng đoàn của chúng tôi còn được hưởng một vinh dự đặc biệt cùng một số bạn quốc tế ăn Tết với Bác Hồ. Đi dự về, đồng chí đã kể cho chúng tôi nghe nhiều mẩu chuyện lý thú trong dịp vui hiếm có ấy và chúng tôi đều hy vọng rằng trong thời gian công tác ở Việt Nam sẽ có dịp được trông thấy Người. Và, không ngờ là chúng tôi đã không những được trông thấy vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam mà còn được thưa chuyện với Người, được ở bên Người nhiều lần.

Lần thứ nhất là tối mùng 9 tháng 6, chúng tôi được Bác mời đến dự cuộc vui trong vườn Phủ Chủ tịch do Người tổ chức riêng cho các chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu. Tôi nhớ đêm ấy Bác rất vui, coi chúng tôi như người quen thân đã lâu và chính vì vậy, ngay từ giờ phút đầu, chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy những ngăn cách giữa vị lãnh đạo tối cao của một Nhà nước với những công dân bình thường. Bác đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, về những đau thương, mất mát mà nhân dân Việt Nam phải chịu dựng để giành cho được nền độc lập, tự do chân chính của mình. Bác nói: Bác thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam chào mừng những người anh em xã hội chủ nghĩa đã từ những phương trời xa sang đây chung sức, chung lòng giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng lại đất nước. Bác cứ nói có thế, không đọc diễn văn trang nghiêm gì cả, cũng chính vì vậy mà chúng tôi càng thấm thía những điều Bác mong muốn. Bác đã đi gặp, nói chuyện với từng đoàn chuyên gia. Với đoàn chúng tôi, Bác cũng hỏi rất kỹ về công việc của từng nhóm, từng người. Biết tôi phụ trách nhóm chỉnh hình, Bác dừng lại hỏi khá kỹ nội dung công việc và dặn nếu có yêu cầu gì thì cứ cho Bác biết. Thấy chúng tôi còn rất trẻ, Bác hỏi thăm tình hình gia đình, vợ con ra sao. Tôi có thưa với Bác là tôi chưa xây dựng gia đình, người yêu của tôi đang công tác ở Thủ đô Béc-lin. Chúng tôi hứa hẹn với nhau là sẽ làm lễ thành hôn sau chuyến đi công tác này. Bác vỗ vai tôi thân mật nói: "Cho tôi gửi lời thăm người bạn gái thân yêu của đồng chí và mong hai người viết thư đều cho nhau". Tôi rất sung sướng được chuyển lời thăm của Người tới người yêu của tôi. Trong chín tháng công tác ở Việt Nam, tôi đã viết cho cô ấy những bức thư và điều thú vị là cho đến nay, những bức thư ấy vẫn còn giữ được cả. Bác cũng có hỏi thăm đồng chí Ác-nô Brốc, người vừa mới cưới vợ được ba tháng thì nhận được lệnh đi công tác ở Việt Nam. Đồng chí Ác-nô Brốc báo cáo với Bác rằng, lúc đầu người vợ ấy cũng buồn, nhưng khi hiểu rõ ý nghĩa công việc mà chồng sẽ làm thì lại vui vẻ ngay...

Cũng trong cuộc vui ấy, Bác đã đề nghị từng đồng chí chuyên gia hát một bài dân ca của nước mình. Mở đầu là tiếng hát êm dịu của một nữ văn công Việt Nam. Chúng tôi thấy gay quá, bởi vì làm thầy thuốc chúng tôi đâu có tài hát. Mà các chuyên gia nước khác cũng chẳng hơn gì chúng tôi! Nhưng rồi ai cũng hát. Đoàn chúng tôi rất ân hận là không thuộc một bài dân ca nào cả, cho nên đã xin phép Bác hát bài "Lữ đoàn Ten-lơ-man", một bài hát quen thuộc của những người đã từng chiến đấu ở Tây Ban Nha. Và Bác cũng gật đầu khen.

Nhờ có lần gặp ấy, được Bác Hồ quan tâm, khuyến khích, tôi càng tự tin trong công việc của mình. Chẳng hạn việc mở rộng xưởng chỉnh hình lúc đầu không phải là đã được nhiều đồng chí Việt Nam tán thành. Tôi đã trình bày ý kiến của tôi với một đồng chí cán bộ cao cấp của Việt Nam và không ngờ Bác cũng biết chuyện này. Cuối cùng ý kiến của tôi đã được Bác, đồng chí Trường Chinh hồi ấy là Tổng Bí thư Đảng và đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ.

Ngày 28/7/1956, nhân khánh thành bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác Hồ đã tới thăm, mang đến cho cán bộ, công nhân viên Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức niềm phấn khởi đặc biệt. Tiếc rằng, tôi không có mặt hôm đó vì bận đi công tác địa phương. Nhưng ít lâu sau, vào ngày 12/8, tại cuộc chiêu đãi tiễn Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc nước Cộng hòa Dân chủ Đức do đồng chí Smít-xlơ dẫn đầu đang ở thăm Việt Nam, tôi sung sướng được gặp lại Bác và có điều kiện báo cáo với Người về công việc của chúng tôi. Tôi cũng không quên bày tỏ niềm xúc động của mình về sự quan tâm của Bác. Bác bảo: "Chúng tôi cảm ơn các đồng chí mới đúng chứ!". Bác tỏ ý quan tâm đặc biệt với vấn đề làm chân tay giả và công tác thương binh xã hội nói chung. Qua những điều Người hỏi, tôi nhận thấy rất rõ tình cảm yêu thương của Bác đối với anh em thương binh. Thật ra, tôi đã nhận thấy điều đó ngay từ khi một đồng chí bác sĩ Việt Nam cho tôi xem bức thư của Bác Hồ gửi anh em thương binh, bệnh binh năm 1948. Lá thư ngắn, nhưng tràn đầy tình thương yêu của vị cha già đối với những người con ưu tú của Tổ quốc, đồng thời thể hiện nội dung hết sức đúng đắn đối với công tác thương binh. Tôi nhớ mãi một câu trong lá thư đó: "Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí". Vừa qua, tôi đã được đi nghiên cứu tình hình công tác thương binh trên toàn miền Bắc, vào đến tận khu giới tuyến ở Vĩnh Linh, cho nên đã có thể báo cáo với Bác Hồ một số suy nghĩ của tôi. Bác từng nói "Thương binh tàn chứ không phế” tôi nghĩ đó là một ý kiến hết sức quan trọng, bởi vì nó động viên mạnh mẽ anh em thương binh luôn luôn nhìn thấy triển vọng của đời mình, nghĩa là có thể trở thành người có ích cho xã hội. Bác Hồ rất chú ý nghe những điều tôi thưa với Người.

Sau đó, Bác nhìn tôi với vẻ trầm ngâm:

- Đồng chí Ô-đơ, đồng chí có vui lòng viết thành văn bản cho tôi những ý kiến đồng chí vừa nói không?

Tôi sung sướng đáp:

- Dạ, thưa Bác, được ạ!

Bác tỏ ý hài lòng. Một lát sau Người lại nói:

- Hay thế này vậy: Tôi sẽ đề nghị một nhà báo của chúng tôi đến ghi lại những ý kiến của đồng chí và cho đăng lên báo.

Tôi không ngờ điều tôi nói lại có thể có ích như vậy. Ít hôm sau, có một đồng chí ở báo Nhân dân đến tìm gặp tôi và chúng tôi đã làm việc với nhau trong hai giờ liền theo chỉ thị của Bác. Dĩ nhiên, tôi có thể nói tỉ mỉ hơn là khi thưa chuyện với Bác, và đã nói thêm về tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với sức khoẻ của anh em thương binh - thật tình là nó còn quan trọng hơn cả đối với người thường - nó giúp anh em vững tin ở sức lực mình, tự thấy làm chủ được sức khoẻ của mình, không bị lệ thuộc vào thương tật hay trở ngại vì thương tật. Tôi cũng trình bày một số kinh nghiệm về việc dạy nghề cho thương binh ở Cộng hòa Dân chủ Đức và báo Nhân dân cũng giới thiệu lại.

Là một thầy thuốc, tôi rất xúc động trước sự quan tâm của Bác đối với thương binh, một mối quan tâm chứa chan tình thương yêu. Chính tình cảm đó của Người đã động viên tôi nhiều trong những ngày công tác ở Việt Nam cũng như trong suốt quá trình công tác sau này của tôi. Có thể nói: Chúng tôi đã làm việc với tất cả trái tim mình.

(Trích trong “Bác Hồ như chúng tôi đã biết”)

46. Thi đua về lòng yêu nước thì ta thắng

Những bức ảnh Bác Hồ chúng ta biết được đến ngày nay, thường là không thấy Bác mặc com-lê, thắt cà vạt. Nhớ lại khoảng tháng 10 năm 1945, khi đi thăm tỉnh Thái Bình, Bác gặp một đội viên bảo vệ chân đi giầy ghệt, thắt lưng to bản (bấy giờ gọi là xanh-tuya-rông...) và thắt cả cà vạt nữa. Bác dừng lại nói:

- Chú mà cũng phải thắt cái này à?

Trong Bắc bộ phủ, thấy có một số cán bộ từ chiến khu mới về đã "xúng xính", Bác nhẹ nhàng:

- Trông các chú ra dáng người thành phố rồi...

Bác bao giờ cũng mong đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Rồi Bác còn mong các cháu có áo đẹp, cụ già có khăn lụa... Bác không bao giờ lấy ý của mình áp đặt người khác, không bắt ai cứ phải theo mình.

Lần sang thăm một nước bạn, một cán bộ ngoại giao xin phép Bác ra phố. Bác bắt cán bộ đó mặc quần áo, thắt cà vạt nghiêm chỉnh rồi mới cho phép đi.

Bác nói:

- Đời sống khá hơn thì ăn mặc cũng được khá lên. Nhưng phải tùy cảnh, tùy thời.

"Thời" và "cảnh" năm 1945 là đa số đồng bào ta vừa qua 80 năm bị áp bức nô lệ, qua cơn đói Ất Dậu, vừa bị lụt bão, miếng cơm, củ khoai chưa đủ ăn, áo không đủ mặc. Thế mà các cán bộ - là những đầy tớ của nhân dân, như lời Bác dạy - lại mặc những bộ quần áo sang trọng, đắt tiền, không phải lúc, thì "khó coi". Khi Bác đi thăm đồng bào nông dân, Bác đi dép, tới ruộng, Bác bỏ dép, xắn quần lội ruộng, tát nước với bà con. Trong khi đó có anh cán bộ đi giầy bóng loáng, chỉ có thể dừng trên bờ hỏi thăm.

Báo Nhân Dân ngày 18 tháng 5 năm 1994, có đăng một bài, nội dung tóm tắt như sau:

Chuyện rằng vào khoảng cuối tháng 4 năm 1946, do tình hình thực dân Pháp không chịu từ bỏ ý đồ xâm lược trở lại Việt Nam, để tạo điều kiện, thời gian chuẩn bị kháng chiến, Bác và phái đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, sang thăm Pháp điều đình với Chính phủ Pháp.

Trước ngày ra đi, vẫn thấy Bác làm việc theo đúng thời gian biểu đã định, chẳng thấy Bác "sắm sửa gì''. Trong khi đó, một số cán bộ trong phái đoàn lo tìm hiểu "mốt'' Pa-ri, lo may mặc những bộ com-lê, sơ mi, cà vạt, đóng giầy mới và có người còn lo cả khoản nước hoa.

Việc làm ấy của các cán bộ cũng là điều tốt. Nhưng có điều chắc là các "vị" đi hơi xa hay có thể hơi “ồn ào”, có vẻ như một cuộc thi đua may sắm. Chuyện đó đến tai Bác.

Thương yêu, bình đẳng, nhưng không thể không nhắc nhở, Bác nói:

- Các chú muốn thi đua với Tổng thống, Thủ tướng nước ngoài về ăn mặc thì thua họ thôi. Bác cháu ta thi đua với họ về lòng yêu nước, thương dân thì ta mới thắng.

(Nguyễn Việt Hồng kể, trích trong "Bác Hồ - con người và phong cách")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: