Chỉ mục bài viết

 54. Bác Hồ với dân tộc Phù Lá

Tháng 8-1958, hai đồng chí người Thái ở châu về báo cho biết tôi được cử trong Đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc Tây Bắc đi dự lễ Quốc khánh ở Thủ đô Hà Nội. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ được gặp Bác Hồ, được tham quan Thủ đô, sẽ được thấy nhiều cái mới lạ; lo vì người Phù Lá chưa đi đâu hết Châu Mường Tè bao giờ mà nay lại đi đến tận đâu đâu… Tôi đi bộ thật nhanh, năm ngày về đến Lai Châu, được ngồi ô tô về khu, về Hà Nội. Sau đó, lại được ngồi ô tô về xem các thành phố Hải Phòng, Nam Định… Đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp niềm nở, được biết nhiều cái mới lạ mà trong đời mình chưa được thấy bao giờ. Sáng ngày thứ bảy, chúng tôi được tin là sắp được lên gặp Hồ Chủ tịch. Cả đoàn phấn khởi. Riêng tôi, tuy phấn khởi nhưng lại rất lo không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi bồn chồn gặp các anh em đã từng đi Hà Nội, đã được gặp Bác để hỏi xem cách chào hỏi, đi đứng như thế nào.

Sáng hôm ấy, Đoàn đại biểu Tây Bắc ai cũng ăn mặc rất đẹp, rồi lên ô tô đến Phủ Chủ tịch, và được dẫn vào phòng họp, ngồi vừa yên chỗ thì Bác đến. Mọi người chào. Bác giơ tay chào lại rồi ai nấy ngồi vào ghế. Bác hỏi đến dân tộc nào thì đại biểu dân tộc ấy đứng lên cho Bác thấy. Các dân tộc khác đều có hai hoặc ba đại biểu, riêng dân tộc Phù Lá thì chỉ có mình tôi. Tôi chưa biết tiếng phổ thông nên phải nhờ người dịch ra tiếng Quan Hỏa mới hiểu được. Bác hỏi thăm sức khỏe các đại biểu. Ăn ngủ ra sao? Bác khen đoàn có nhiều đại biểu các dân tộc, nhưng lại phê bình là đoàn ít đại biểu nữ quá… Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, làm ăn, đoàn kết, trị an của các dân tộc anh em, Bác nói đại ý: Các dân tộc dù ít người dù nhiều người đều là anh em bình đẳng như nhau. Ngày xưa các dân tộc ít người bị thiệt thòi nhiều nhất, bây giờ cần cố gắng để tiến kịp các dân tộc anh em để được sống ấm no hạnh phúc, cần học văn hóa và tham gia các mặt công tác”.

Nói chuyện một lúc rồi Bác mời mọi người ăn kẹo, uống trà, phòng họp thật vui vẻ. Tôi ngồi im khoanh tay, không dám nhìn thẳng vào Bác, cũng không dám ăn uống gì. Bỗng có bàn tay khẽ vỗ vào vai tôi. Tôi ngẩng lên, bàng hoàng cả người: Bác Hồ! Chính Bác đang đứng sát bên tôi. Bác mỉm cười gật đầu hiền từ, thân mật khiến tôi bình tĩnh trở lại. Bác cầm tay tôi, chỉ vào phần chuối, kẹo vẫn còn nguyên vẹn trước mặt, Bác đưa tay làm hiệu, bày cách cho tôi ăn và bỏ cả kẹo vào túi tôi. Trước cử chỉ ân cần của Bác, tôi xúc động và chỉ biết làm theo.

Trước lúc chia tay, Bác ân cần chúc các đại biểu khỏe mạnh, Bác dặn các đại biểu về địa phương phải nói lại với bà con những điều mắt thấy tai nghe trong dịp về thăm Thủ đô. Bác nhờ các đại biểu chuyển lời Bác hỏi thăm đồng bào các dân tộc, hỏi thăm các cụ già, các chị em phụ nữ và cả các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Khi Bác ở phòng họp sắp ra, một đại biểu nói: Được gặp Bác thì mừng; xa Bác về địa phương lại nhớ Bác”. Bác cười: “… Nhớ Bác thì nhớ lời Bác dặn các dân tộc phải thật sự đoàn kết giúp nhau tiến bộ, phải chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ…”.

Chúng tôi bảo nhau: Bác luôn luôn kêu gọi các dân tộc đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để cùng được ấm no, học hành. Bác ở Thủ đô đó mà biết đến tận người Phù Lá, nên đại biểu người Phù Lá được gặp Bác, mắt nhìn rõ Bác, nghe lời Bác. Bác thương người Phù Lá như cha mẹ thương con vậy.

(Phàn Phí Giá kể, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

55. Được vẽ và nặn tượng Bác

Từ cách mạng đến nay, tôi may mắn được gặp Bác nhiều lần, lần nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi chỉ xin kể lại một vài mẩu chuyện nhỏ:

 Năm 1958, chúng tôi xin được gặp Bác để vẽ và nặn tượng Bác. Mãi chúng tôi mới được tin lên chỗ Bác ở. Hôm ấy quả là một ngày vui đáng ghi nhớ. Cùng đi với chúng tôi có anh Diệp Minh Châu, anh Trần Văn Lắm và một nhà điêu khắc người Đức. Từ một đất nước xa xôi sang, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi chỉ mong mỏi được gặp và trực tiếp nặn tượng Bác.

 Được toại nguyện, anh bạn người Đức và cả chúng tôi xiết bao mừng rỡ.

Có điều hôm đầu, Bác ngồi thấp mà anh bạn của chúng ta vừa cao lớn vừa đứng nặn theo tư thế và công việc của một nhà điêu khắc. Vì vậy, anh bạn luôn phải khom người.

 Sau buổi hôm đó, chúng tôi nghĩ ra một cách để giải quyết cái khó khăn nghề nghiệp của anh bạn. Chúng tôi mang bục gỗ và đặt bàn làm việc của Bác lên đấy. Ngắm nghía thấy vừa tầm nặn, chúng tôi thích thú lắm, nhất là anh bạn người Đức.

 Sáng hôm sau, chúng tôi đến thật sớm nhưng khi bước vào, chúng tôi thấy Bác đã ở đấy rồi. Một chân Bác đứng dưới đất, còn chân kia đặt lên bục. Vừa trông thấy chúng tôi Bác đã vui vẻ hỏi:

- Các chú có biết ngày xưa người ta xưng với vua như thế nào không?

Bị hỏi bất ngờ, chúng tôi bỗng nhiên lúng túng nhìn nhau, nhưng rồi cũng mạnh dạn trả lời:

- Thưa Bác, người ta xưng là “tâu bệ hạ” ạ!

 Bác bèn trỏ vào cái bục, châm biếm:

- Thế các chú muốn Bác làm vua hay sao mà lại mang cái bệ này đến?

Biết Bác đùa, chúng tôi ai nấy đều im, Bác lại nói tiếp:

- Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện.

 Chúng tôi đang lo Bác không lên bục, ngồi vào bàn làm việc. Nhưng đoán được tâm trạng đó, Bác vui vẻ bảo:

- Nói thế thôi chứ bây giờ Bác cũng “thượng bệ” cho các chú vui lòng...

 Đúng là Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc nào cũng thanh thản, ung dung. Vẽ và nặn tượng Bác cho được cái thần thái ấy quả không phải dễ. Cho đến nay chúng tôi cảm thấy tranh mình chưa thể hiện và lột tả được hết những nét riêng đáng quý đó của Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

 Lúc Bác còn sống, Bác thường đến thăm các cuộc triển lãm nghệ thuật. Lúc không đi được thì Bác có thư. Thư Bác gửi cho giới họa sỹ chúng tôi năm 1951 là một văn kiện lịch sử quan trọng, là kim chỉ nam hành động quý báu và thiết thực cho giới chúng tôi nói riêng, cho ngành văn nghệ nói chung, vì đến nay mỗi khi đọc lại bức thư ấy, chúng tôi càng thấy đúng và trong sáng, vẫn thấy phải cố gắng rất nhiều nữa mới mong có thể đạt được phần nào lời khuyên dạy của Người.

 Năm 1963, Bác có đến thăm Triển lãm nghệ thuật tạo hình trưng bày ở phố Tràng Tiền. Sau khi xem, Bác có nhận xét:

- Các chú làm việc tốt đấy. Tranh, tượng thế là có tình người.

Sau đó, Bác hỏi chúng tôi về phong trào mỹ thuật, về đội ngũ sáng tác mỹ thuật (có bao nhiêu nữ, bao nhiêu anh chị em người dân tộc, bao nhiêu anh chị em trẻ), rồi Bác bảo:

- Các chú là lớp người đi trước, nên dìu dắt anh chị em lớp trẻ, có kinh nghiệm gì thì phải tận tình bày vẽ cho anh chị em. Nhưng cũng phải cẩn thận, chú ý đừng để mất khiếu sáng tạo của họ.

 Xem tranh sơn mài, Bác khuyên chúng tôi nên nghiên cứu sao cho chất liệu này giữ được bền hơn nữa. Về nghệ thuật khảm trai, Bác cũng có ý kiến:

- Các chú cần cố gắng duy trì loại này. Nó quý lắm. Nó là cái vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa, phải phát triển nó lên.

 Trước khi rời khỏi phòng triển lãm, Bác nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng làm tốt hơn, phải đem nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

(Trần Văn Cẩn kể, trích trong "Bác Hồ với văn nghệ sỹ")

56. Cách ứng đáp mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1946, một nhà văn là Ủy viên thường trực Ban Vận động Đời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ: Cần, kiệm, liêm, chính.

- Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay nhưng nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay bằng mấy chữ khác không ạ?

- Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hằng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha ta đã từng hít thở, ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục hít thở, chú thấy có cổ không?

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mấy chục vạn quân Tưởng kéo vào tìm cách khiêu khích để lấy cớ tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Bác Hồ triệu tập các vị lãnh đạo cao cấp để xử lý một vấn đề "hệ trọng", Bác nói:

- Tướng T.V của quân đội Trung Hoa dân quốc có gửi cho tôi một bức công văn, nội dung như sau:

“Kính thưa Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm?"

Không cần phải nói, ai nấy đều có thể hình dung không khí tức giận bao trùm lên cuộc họp. Có những ý kiến đòi đánh.

Với phong thái bình tĩnh, ung dung, Bác Hồ nói: "Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn trong sự việc vừa đem ra bàn, họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?

Khoảng giữa năm 1949, một nhà báo Thái Lan trực tiếp phỏng vấn Hồ Chủ tịch để thăm dò xem Việt Nam đứng về phía nào trong cuộc chiến Quốc - Cộng ở Trung Quốc.

- Thưa Cụ Chủ tịch, nước Việt Nam của Cụ đứng về phía ông Tưởng hay ông Mao? Xin Cụ miễn cho câu trả lời "đứng trung lập".

- Chúng tôi đứng trung lập. Cũng như Thái Lan của ông đang đứng trung lập giữa Anh và Mỹ!

- Nghe nói quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã gửi cho Cụ súng cối và súng liên thanh. Cụ đã nhận được chưa, nếu chưa thì Cụ có định nhận không?

- Chúng tôi chưa nhận được gì hết. Còn đúng như ông nói là họ có ý định gửi cho chúng tôi thì trong trường hợp này, ông khuyên chúng tôi nên làm như thế nào?

Ngày 05/10/1959, ông Si-ra I-si Bôn, cố vấn biên tập báo A-xa-hi-sin-bun Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có việc Chính phủ Nhật Bản dự định bồi thường chiến tranh, mà phía Nhật lại chọn Việt Nam lúc đó do ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát làm đối tác. Câu hỏi và trả lời như sau:

Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết Ngài không hài lòng.

Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào mới đúng?

Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và đã gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản tiến hành đàm phán và ký kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy rằng, việc đòi hỏi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình là quý hơn hết.

(Trần Thành - Huệ Chi, đăng trên Báo An ninh Thủ đô, số 562, ngày 20-02-2001)

57. Thường ngày Bác yêu trẻ con một cách lạ

Mọi người chúng ta đều biết Bác Hồ yêu thương trẻ em như thế nào. Chúng ta có thể kể ra biết bao hình ảnh sinh động, những kỷ niệm sâu sắc, nói lên tấm lòng yêu thương thắm thiết của Bác Hồ đối với trẻ em. Nghĩ đến trẻ em, tự nhiên chúng ta nghĩ đến Bác Hồ. Những đồng chí có vinh dự được sống gần Bác đều kể lại rằng, Bác Hồ có cảm tình đặc biệt đối với trẻ em.

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ: "Có một đêm, Bác ngủ trên gác một căn nhà, tới 4 giờ sáng Người thức giấc. Ngoài trời gió vun vút đập vào cửa kính. Ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có tiếng trẻ rao hàng dưới đường phố vọng lên. Bác mở cửa ngó xuống nhìn cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép cửa lại”.

Nhà thơ Tú Mỡ nhớ lại trong Đại hội chiến sỹ thi đua năm 1952, sau một buổi chiếu bóng, mọi người lục tục đứng dậy ra về, Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to:

"Hãy khoan đã, để cho cháu bé ra trước, kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy". Đồng chí Tú Mỡ thốt lên: "Chao ôi! Óc sáng suốt của Bác thật lạ kỳ hiếm có! Bác chăm lo hàng vạn việc lớn mà không quên sót một việc nhỏ mà người khác thường không nghĩ tới. Ai chú ý chăm sóc các cháu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh".

"Chuyện thường ngày của Bác Hồ" do đồng chí Hoàng Quốc Việt viết đã khẳng định:

"Bác yêu trẻ con một cách lạ! Đang trò chuyện, đọc báo mà nghe trên đài có tiếng trẻ em bé hát là Bác dừng lại nghe. Đã nhiều lần Bác thi với đồng chí phục vụ đoán xem em bé vừa hát xong mấy tuổi. Rồi Bác bảo đồng chí ấy, lúc nào tiện, hỏi bên đài phát thanh xem. Mặc dù đồng chí ấy thường ngày về nhà vẫn chăm sóc con nhỏ mà lại hay đoán sai, còn Bác thường là đoán trúng. Bác bảo một đồng chí ở gần Bác thỉnh thoảng đưa cháu nhỏ năm tuổi đến chơi với Bác. Nhưng vì Bác bận, phải chọn thời gian vào buổi sáng sớm. Cháu bé sắp được đến với Bác Hồ thì thích lắm, tự mình thức dậy rất sớm, giục bố đi từng phút một. Có lần đến thấy trên nhà sàn chưa bật đèn, bố con chưa dám lên. Khi Bác bật đèn bố con lên nhà thấy Bác đã cầm sẵn trên tay mấy bông hoa cho cháu, Bác hỏi chuyện cháu rồi bảo hai bố con ngồi chơi đợi Bác tập thể dục. Bác tập xong vào nhà, thấy đồng chí ta không dám lấy kẹo bánh Bác bày sẵn cho ăn, Bác không bằng lòng và bảo:

- Ở nhà, cháu nó là con của cô chú, nhưng đến đây cháu là khách của Bác, chú có nhiệm vụ giúp Bác đãi khách chứ".

(Trích trong "Kể chuyện Bác Hồ", Nxb Giáo dục)

58. Bác Hồ với chiến sỹ người dân tộc

Bác của chúng ta yêu quý mọi chiến sỹ. Đối với các chiến sỹ giỏi, chiến sỹ người dân tộc, Bác còn chăm sóc hơn vì đây là những người làm cách mạng khó khăn hơn chiến sỹ trai, chiến sỹ người Kinh nhiều.

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà... những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nhiều chiến sỹ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột...

Mùa Thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sỹ người dân tộc Cà Tu, tham gia Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể:

“Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân.

Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:

- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?

Tôi thưa:

- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác.

Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giòn, anh Bên, em Thơ...

Bác nói:

- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".

Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta.

(Trích trong cuốn "Tấm lòng của Bác")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: