59. Gặp Bác ở Tân Trào
Vào một buổi sáng tháng 5-1945, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đến giao cho tôi nhiệm vụ nấu nướng để tiếp bộ đội. Nhận việc, tôi nghĩ bộ đội hành quân xa, vừa đói, vừa khát, nên tôi bàn với anh chị em nên nấu cháo loãng cho bộ đội ăn. Chiều đến. Xong việc, tôi tranh thủ rang ít chè. Vừa rang chè tôi vừa suy nghĩ về những công việc sắp tới của Hội Phụ nữ.
Và sao gần chiều tối rồi mà vẫn chưa thấy bộ đội đến. Tôi nhìn ra ngoài sân bỗng thấy một đoàn người đi vào. Đi trước là một Ông Cụ già mặc quần áo người Nùng. Cụ đi giầy vải, bước đi nhanh nhẹn. Đoàn người lên nhà tôi. Thấy tôi, Ông Cụ tiện cất tiếng chào hỏi. Tôi đáp lại:
- Bẩm ngài, không dám.
Ông Cụ liền nói:
- Không phải bẩm ngài đâu, đồng chí ta cả, đi đánh Tây, đuổi Nhật thôi!
Cơm nước đã sẵn sàng. Tôi dọn mâm lên, mời mọi người. Ông Cụ già cùng ngồi mâm với đồng chí Văn và mấy đồng chí khác nữa. Nghĩ đến người già có tuổi, đi đường xa, tôi lấy mấy quả trứng gà đặt vào mâm và mời Cụ. Cụ bèn từ chối:
- Gà đẻ ấp lấy con, sao lại đem mời chúng tôi.
Thấy tôi mời mãi, Cụ đành phải nhận và mời mọi người cùng ăn.
Bữa cơm đơn giản đã xong. Mọi người ngồi quây quần uống nước, hỏi thăm chuyện gia đình và công tác của tôi. Đồng chí Văn giới thiệu cho tôi biết người ngồi cạnh Ông Cụ già là đồng chí Đại Toàn: "Việc cần liên hệ với các đồng chí ở đây thì cứ trao đổi với Đại Toàn". Còn Ông Cụ có vầng trán cao rộng, đôi mắt tinh nhanh, giọng nói ấm áp và rất đỗi hiền từ là ai, tôi không được biết. Song Ông Cụ là người nhiều tuổi mà vẫn tham gia cách mạng nên tôi rất tôn kính. Đối với các đồng chí khác, sự tôn kính còn được thể hiện trong một quan hệ công tác.
Ông Cụ cùng đồng chí Đại Toàn và hai đồng chí nữa ở nhà tôi. Cụ mang theo một cái máy chữ, hành lý của Cụ rất đơn giản.
Các đồng chí khác có cả điện đài. Gia đình tôi dành cho Ông Cụ và các đồng chí một gian để làm việc và nghỉ ngơi. Thời gian ở nhà tôi, Ông Cụ và các đồng chí đều ăn cơm chung với gia đình. Lúc đầu tôi sắp cơm một mâm riêng cho Ông Cụ và các đồng chí. Nhưng Cụ nhất định không chịu, và mời cả gia đình tôi ngồi chung. Ông Cụ ăn được ít cơm lắm, mỗi bữa chỉ ăn được non hai lưng bát thôi. Ăn được ít, nhưng làm nhiều, tôi rất lo cho sức khỏe của Cụ.
Ở nông thôn dạo ấy, rau xanh rất hiếm. Thấy tôi băn khoăn, hiểu ý, Ông Cụ liền hỏi:
- Nhà ta có vừng không? Có chè xanh không?
Tôi trả lời:
- Vừng cũng có, còn chè xanh thì nhiều lắm.
Rồi Cụ nói:
- Thế thì không lo. Ta dùng măng chấm muối vừng, dùng chè xanh nấu canh là nước chan cơm thế là ngon rồi.
Ông Cụ còn vận động gia đình tôi trồng rau muống. Cụ nói với nhà tôi (khi ấy là Chủ nhiệm Ban Việt Minh xã Tân Trào):
- Chủ nhiệm phải vận động bà con đi chạy giặc, nhưng cũng phải khẩn trương làm mùa, không thì chết đói, cần trồng nhiều rau muống để ăn và nuôi bộ đội nữa. Sắp tới bộ đội sẽ còn về đông hơn.
Ở nhà tôi, Ông Cụ làm việc liên tục, rất ít khi nghỉ ngơi, thường thường cứ 4 giờ sáng là Ông Cụ dậy và đánh thức mọi người dậy tập thể dục. Ông Cụ rất năng tập thể dục buổi sáng. Tập xong, Ông Cụ vào nhà lấy khăn ra khe suối rửa mặt, sau đó về nhà ngồi vào chỗ làm việc. Tôi thấy lúc thì Cụ đọc, khi thì viết, khi thì đánh máy, lúc thì hội ý, v.v. không phút nghỉ ngơi. Thấy vậy, tôi muốn đỡ việc giặt giũ cho Cụ. Tôi thưa chuyện đó với Đại Toàn. Nhưng Ông Cụ từ chối, vì Cụ không muốn làm phiền nhân dân. Hôm sau, tôi lại nói, lần này, Cụ không nỡ từ chối. Tôi đem áo của Cụ đi giặt, phơi khô, rồi khâu vá lại những chỗ bị rách và đứt chỉ.
Làm việc suốt từ sáng đến trưa, cơm nước xong, không nghỉ, Ông Cụ lại đi. Có lúc thì Cụ đi dạo quanh làng một tí. Nhiều khi lại vào các gia đình để xem việc ăn uống và nghỉ ngơi của bộ đội. Khi quay về, Cụ lại tiếp tục ngồi vào chỗ làm việc cho đến lúc gia đình dọn cơm chiều. Trong ngày cũng có lúc Ông Cụ đi xem việc luyện tập của bộ đội. Có lần bộ đội đi lấy củi, có một số ít đồng chí không đi, Ông Cụ liền hỏi:
- Sao các đồng chí này không đi lấy củi?
Có đồng chí trả lời:
- Thưa Cụ, chúng cháu không có dao.
Ông Cụ liền nói:
- Không có dao thì lên rừng dùng tay kéo, bẻ, rứt lấy, ngày nắng phải đi lấy củi, lúc mưa thì mới có củi để đun.
Tối đến, Ông Cụ làm việc tới khuya mới chịu đi nghỉ. Tuy bận nhiều việc, nhưng Ông Cụ vẫn dành thì giờ để nói chuyện với gia đình và bà con trong bản. Cụ thường gợi lên cảnh khổ của nhân dân ta dưới ách Nhật, Tây. Và Người nêu lên muốn thoát khỏi vòng nô lệ của Nhật, Tây thì chỉ có cách là đứng lên đánh đuổi bọn chúng, để giành lấy độc lập, tự do.
Bộ đội đến đông, để cung cấp đủ gạo cho bộ đội, tôi vận động chị em thanh niên đến nhà tôi xay giã hai ngày liền. Ông Cụ thấy chúng tôi xay giã như vậy, nhân lúc nghỉ ngơi, Cụ mời chị em lên nhà và hỏi chuyện:
- Chị em xay giã gạo để làm gì?
Chúng tôi trả lời:
- Để cho bộ đội ăn, đánh Tây, đuổi Nhật.
Ông Cụ gật đầu và nói:
- Đúng. Xay giã gạo nuôi bộ đội cũng tức là chị em chúng ta đã tham gia đánh Tây, đuổi Nhật.
Mọi người sung sướng, cảm động trước những lời động viên của Ông Cụ. Chúng tôi không biết nói chuyện gì, chỉ nhìn Cụ một cách trìu mến và kính trọng. Cụ lại hỏi tiếp chúng tôi:
- Chị em có đồng bạc trắng thường giữ bằng cách nào để khỏi mất?
Có chị nói:
- Thưa Cụ cất vào trong hòm ạ.
Lại có chị nói:
- Thưa Cụ cất vào trong bao vải rồi buộc vào lưng ạ.
- Các chị đều nói đúng cả, cất giấu bí mật cẩn thận như vậy là đồng bạc trắng không sao mất đi đâu được. Bây giờ, cán bộ, bộ đội đến đông, chị em chúng ta phải giữ bí mật bảo vệ cán bộ, bộ đội như thế nào cho cẩn thận như cất giấu đồng bạc trắng vậy. Muốn thế, ai hỏi gì cũng ba không: Không biết, không thấy, không nghe...
Cụ tươi cười nhìn chúng tôi và hỏi tiếp:
- Bây giờ ta còn có vua quan không?
Nghe Ông Cụ hỏi, tôi nhớ ngay đến câu nói của Ông Cụ hôm mới đến nhà tôi "Không phải bẩm ngài đâu, đồng chí ta cả, đi đánh Tây, đuổi Nhật thôi". Tôi thấy mình chưa hiểu gì lắm về cách mạng. Là cán bộ trong Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc đấy, nhưng tôi chỉ biết làm những công việc cụ thể của Đoàn thể thôi. Sự hiểu biết còn nông cạn và ấu trĩ. Tuy vậy trả lời câu hỏi của Ông Cụ đối với tôi cũng không khó lắm. Được Ông Cụ khuyến khích, sau giây phút im lặng, mọi người phát biểu sôi nổi. Chị thì nói rằng có, người nói rằng không, v.v..
Ông Cụ liền giảng giải:
- Ta bây giờ làm cách mạng, thay cũ đổi mới, sẽ không có vua, quan nữa, nhân dân ta tự làm chủ xã hội ta.
Rồi Cụ nói tiếp:
- Muốn vậy, chúng ta phải đoàn kết, cùng một lòng đánh đuổi giặc Nhật, ví như nhiều chiếc đũa nếu đem bó lại thì khó có thể bẻ gãy đấy, nhưng rời từng chiếc một thì rất dễ bẻ.
Được gần gũi Cụ, nghe Cụ giảng giải, tôi càng hiểu thêm nhiều điều mới lạ.
Tôi được đồng chí Lý (tức Kháng) giao nhiệm vụ quản lý và phân phát gạo cho các đơn vị bộ đội.
Tôi không biết chữ, không thể ghi chép được. Tôi rất lo, sợ nhầm lẫn, nhưng cũng vui lòng nhận lời. Không có cân, tôi đong bằng ống. Tôi lấy một sợi lạt dài, cứ phát một ống, tôi lại gập một khúc lạt. Đồng chí Kháng trông thấy liền hỏi tôi:
- Cái gì đấy chị?
Tôi nói:
- Con số của em đấy.
Đồng chí phá lên cười. Tôi ngượng đỏ mặt và tủi cho mình vì không biết chữ nên phải làm như vậy.
- Phải đi học thôi chị ạ. Chiều nay chị đi vận động mọi người, nhất là chị em trẻ về đây họp bàn về việc học tập văn hóa, không có văn hóa, không có chữ thì làm việc gặp nhiều khó khăn lắm.
Nghe đồng chí Kháng nói, tôi cũng nghĩ như vậy nhưng bây giờ nhiều tuổi rồi, không biết có học được không. Tôi hơi lo và nói ngay:
- Học chữ khó lắm, em sợ không học được.
Ông Cụ đang làm việc nghe thấy tôi nói vậy, Cụ nói luôn:
- Học chữ dễ thôi. Đan dậu khó thế mà các chị còn đan được nữa là học.
Tôi nói:
- Thưa Cụ, nhưng mà đan dậu có hàng có lối của nó...
Cụ nói tiếp:
- Học chữ cũng như học đan dậu ấy. Học vài hôm sẽ thấy hàng lối của nó. Phải học mới biết, không học thì biết sao được, là người cách mạng thì phải học.
Được Ông Cụ dạy bảo, khuyên nhủ, được đồng chí Kháng giao nhiệm vụ, tôi vận động chị em về họp bàn việc học tập. Có cách mạng chị em mới được đi học, ai cũng muốn học. Nhưng chỉ băn khoăn là nhiều tuổi rồi sợ không học được. Tôi nhắc lại lời dạy bảo của Ông Cụ, chị em thêm phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm học. Hôm sau lớp học đã được khai giảng ở Nhà Cứu quốc, hơn hai mươi chị em đã vui vẻ đến lớp.
Nói đến việc học tập, Ông Cụ rất khéo động viên, dạy bảo. Một hôm, nhân lúc nghỉ ngơi, Ông Cụ hỏi nhà tôi bao nhiêu tuổi rồi. Nhà tôi nói là 38 tuổi. Tuy chưa già nhưng yếu.
Ông Cụ liền nói:
- Ông Chủ nhiệm chưa già đâu, còn khoẻ lắm. Tôi nhiều tuổi hơn ông nhưng tôi còn làm cách mạng, còn phải học... Ông Chủ nhiệm này, càng già càng phải hăng hái tham gia mọi việc cách mạng: Phải học tập văn hóa, học kinh nghiệm công tác, học ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc được tốt hơn, không khôn hết được đâu.
Rồi Cụ kể:
- Có một lần tôi đi công tác, dọc đường trời mưa đường trơn lầy lội. Ba em bé thấy tôi chúng nói với nhau: "Chà cái ông già này, trời mưa đường trơn mà không chống gậy, không sợ ngã nhỉ". Từ đấy về sau khi trời mưa hoặc đường trơn lầy, tôi đều chống gậy, thấy dễ đi hơn và không ngã.
Cả nhà cười vang! Còn chúng tôi, rất thấm thía những lời dạy bảo của Ông Cụ.
Ông Cụ còn đưa giấy bút cho cháu Khoái - con trai duy nhất của hai vợ chồng tôi để đi học.
Ở nhà tôi được một thời gian ngắn thì Cụ chuyển lên lán Nà Lừa. Gia đình tôi muốn giữ Cụ ở lại, nhưng sinh hoạt ở trong bản và của gia đình tôi không tiện cho Cụ làm việc. Nhà tôi lại đông người ra vào, cũng có người biết được ở nhà tôi có ông già mặc quần áo người Nùng, hiểu sâu, biết rộng, được mọi người kính trọng nên tò mò đến thăm. Do vậy, tôi cũng không dám ngăn. Nhà tôi đã dẫn Ông Cụ cùng đồng chí Đại Toàn và bốn đồng chí nữa đi tìm khu đất và làm nhà cho Ông Cụ.
Nhà của ông Cụ chỉ là một cái lán nhỏ rất đơn giản, nhưng gọn gàng, xinh xắn, ở trên đồi Nà Lừa, gần suối nước, không xa bản bao nhiêu.
Hôm ra đi, cháu Khoái cứ níu áo theo sau. Cụ liền nói với tôi để cho cháu ra ở với ông Cụ vài hôm cho vui. Tôi đồng ý, mà cũng không ngăn được, vì trẻ con được người già yêu thì nó cứ theo. Nhưng ở với Ông Cụ được hai tối, nhớ tôi, cháu lại về.
Tết tháng 5 đến (Tết sâu bọ), nhà tôi làm bún, làm bánh, thịt gà... Tôi lên mời Cụ, nhưng Cụ bận việc không đến được. Hôm ấy, tôi và cả cháu Khoái mang quà lên cho Cụ. Có người ở trong làng thấy vậy, cũng bắt con gà sống mang theo, lên biếu Cụ. Ông Cụ rất trân trọng tấm lòng của nhân dân, nhưng Cụ từ chối:
- Tôi có phải là thầy cúng đâu mà ông mang gà sống lên. Ông mang về nhà đi.
Ở trên lán, tuy bận nhiều việc, nhưng thỉnh thoảng, Cụ vẫn ra ngoài bản thăm các gia đình, đi mừng đám cưới, xem việc luyện tập của bộ đội...
Nhân dân Tân Trào hăng hái tham gia mọi vệc như khuân vác đồ đạc, vũ khí, ủng hộ bộ đội mọi mặt. Để động viên mọi người, Ông Cụ nhờ chị Minh Châu mang quà tặng của Ông Cụ cho bà con. Mỗi gia đình được một hộp cá hoặc hộp thịt, hay hộp mứt... (những thứ đó do ta lấy được của một đơn vị quân Đồng minh thả dù xuống ngay khu vực Tân Trào). Các cháu nhỏ mỗi cháu được một cây bút chì hay quyển vở để đi học. Ông Cụ lên lán được một thời gian thì bị ốm, bị sốt cao. Được tin, nhà tôi liền ra tận Ngòi Thia (gần xã Hồng Thái) lấy râu ngô về nấu nước cho Cụ uống để giải nhiệt. Tôi giã ngô non và lấy nước cho Cụ uống, nhưng Cụ ăn được rất ít. Trông người Cụ gầy đi nhiều. Tôi biết Cụ ốm nặng, nhưng không có một thứ thuốc gì chữa cho Cụ được. Các đồng chí Văn, Đại Toàn, v.v. hết sức lo lắng, tìm thuốc men để chạy chữa. Tôi lên thăm luôn, mang theo gạo để nấu cháo cho Cụ. Bệnh vẫn chưa đỡ, thấy tôi, Cụ gượng dậy bảo tôi hãy về nhà làm việc, đừng lo cho Cụ. Sức khỏe của Cụ dần dần được phục hồi. Ai cũng mừng cho Cụ.
Sau Đại hội Quốc dân ở ngoài đình Tân Trào thì bộ đội ở trong làng cũng rút dần đi hết để tiến về tỉnh, về xuôi giành chính quyền. Đồng chí Văn và nhiều đồng chí cán bộ ở gần Ông Cụ cũng đã đi.
Vào một buổi chiều cuối tháng 8, Ông Cụ cho người xuống báo tin mời nhà tôi lên chơi. Sáng hôm sau, Ông Cụ và các đồng chí đã ra đi...
Biết tin, tôi cứ bùi ngùi, nhớ thương, một con người đáng kính, hết lòng vì nước, vì dân...
Nước nhà giành được độc lập, tin vui tràn khắp núi rừng, bản làng. Ở huyện, không khí nhộn nhịp vui tươi náo nức đi rước ảnh Chủ tịch nước do huyện tổ chức. Nhìn thấy ảnh, tôi mới biết Ông Cụ già mà gia đình tôi đã có dịp gần gũi, người mà tôi thường lên thăm ở lán Nà Lừa chính là Chủ tịch nước Việt Nam ta.
Lòng tôi tràn ngập sự xúc động và niềm vui sướng tự hào...
(Lương Thị Khanh kể, nguyên cán bộ Phụ nữ Cứu quốc xã Tân Trào)
60. Giáo dục các cháu tiến bộ nhiều hơn nữa
Ngày 14-6-1969, Bác lại cho mời chúng tôi đến gặp Bác tại nhà. Chúng tôi vừa mừng vừa lo; mừng vì được gặp Bác, nhưng lo không biết Bác gọi về việc gì. Chúng tôi bồi hồi xúc động nghe Bác căn dặn về việc giáo dục các cháu miền Nam đang học tập ở miền Bắc. Bác biết rõ đầy đủ tình hình các trường học sinh miền Nam. Bác nêu tên một số cháu ngoan và một số cháu còn chậm tiến bộ. Bác bảo chúng tôi: Các cháu miền Nam ra đây xa gia đình, xa quê hương, các cô, các chú phải quan tâm đến tình cảm của các cháu và có trách nhiệm giáo dục cho các cháu tiến bộ. Ngoài việc nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu còn cần phải có tình cảm thật sự thương yêu các cháu. Vì kháng chiến chống Mỹ mà các cháu phải sống xa quê hương, xa gia đình. Bác còn căn dặn chúng tôi phải đem hết tinh thần trách nhiệm cùng với các cơ quan, đoàn thể, các ngành và địa phương có liên quan ở miền Bắc giáo dục cho các cháu tiến bộ nhiều hơn nữa. Chúng tôi hứa với Bác cố gắng làm đúng những lời Bác chỉ bảo để Bác vui lòng.
Nghe những lời dạy bảo ân cần của Bác, chúng tôi càng thấm sâu tấm lòng yêu thương của Bác đối với miền Nam, đối với thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi xúc động hẳn khi biết Bác gọi chúng tôi đến căn dặn việc giáo dục các cháu miền Nam sau ngày 10-5 là ngày Bác viết Di chúc để lại cho toàn dân ta. Kể làm sao cho hết tấm lòng của Bác đối với đồng bào, chiến sỹ, thanh thiếu nhi miền Nam!
Tình cảm của Bác đối với miền Nam sâu rộng hơn biển Đông. Công ơn của Người đối với miền Nam cao dày hơn dãy Trường Sơn. Nhân dân miền Nam đời đời ghi nhớ công ơn của Bác!
(Song Tùng, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
61. Phải chăm chỉ học tập
…
Ít lâu sau, tôi được sang làm việc bên Bác. Hàng ngày, Bác làm việc ở nhà riêng. Thường Bác tự đánh máy lấy. Hết giờ làm việc, Bác cùng sinh hoạt chung với anh em. Vui nhất là sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường cùng anh em trong cơ quan đánh bóng chuyền. Bác già, tay cứng nên búng bóng yếu, “đối phương” muốn gỡ điểm, thường phát bóng vào chỗ Bác, Bác liền nói to:
- A, “truy tủ” hả. Bác vừa nói vừa nhảy lên đỡ bóng.
Có lần đối phương phát bóng “ác” quá, Bác biết không đỡ được, liền kêu:
- Trường, Kỳ, Kháng, Chiến đâu? Cứu bóng! Người đánh lẫn người xem cười vui vẻ.
Bây giờ theo chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, cơ quan chọn cử một số cán bộ trẻ ra nước ngoài học. Tôi cũng ở trong số đó. Nhưng tôi không muốn đi.
Biết được điều đó, Bác liền gọi đến. Bác hỏi, tôi trả lời Bác:
- Dạ, thưa Bác, cháu muốn được công tác ạ.
- Thế cháu muốn công tác thật tốt không?
- Có ạ.
- Có muốn phục vụ nhân dân được không?
- Có ạ.
- Thế thì phải đi học. Bây giờ có điều kiện thì phải học tập. Học tập để hiểu nhiều, biết nhiều. Có hiểu nhiều biết nhiều, mới phục vụ nhân dân tốt được.
Sau khi giảng giải và khuyên tôi đi học là cần thiết, Bác dặn:
- Đi học thì phải chịu khó, chăm chỉ học tập. Chưa hiểu thì hỏi, không được giấu dốt, đã hiểu rồi thì bảo lại cho bạn cùng hiểu.
Rồi Bác lấy cái hộp thuốc lá của Bác đưa cho tôi. Bác nói:
- Bác cho cháu cái hộp này để đựng kim chỉ, ngoài giờ học thêu, thùa, vá, may. Con gái phải biết làm những điều đó.
Tôi sang nước bạn ở khu học xá, rồi vào trường sư phạm. Tốt nghiệp xong, tôi về nước, dạy học ở Việt Bắc cho đến ngày chiến thắng thực dân Pháp, tôi mới về Thủ đô.
(Hiền Đức, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
Tâm Trang (tổng hợp)