47. Phê bình mà thành câu chuyện tâm sự
Hằng ngày, Bác dậy rất sớm. Nhà chật, gác lụp xụp, Bác vẫn tập thể dục, vươn vai, thở hít. Vận động xong thì Bác dọn dẹp trong nhà. Căn nhà tối tăm, bề bộn của một người nghèo như tôi bỗng trở nên ngăn nắp, quang quẻ, dễ thở hơn, như mới có thêm ánh sáng.
Ban ngày tôi bận cắt tóc. Bác hay xuống bếp chẻ củi, thổi cơm. Anh Kiên nhặt rau. Người vợ cũ của tôi làm ăn vất vả, hóa ra khó tính mà cũng rất hài lòng. Vợ tôi buôn gạo. Kỳ nào có gạo về, Bác cũng ra vác hộ.
Một lần có gạo về, tôi đang bận học, không có người khuân vác. Vợ tôi bực tức gắt gỏng. Tôi giận quá, từ tên gác xuống, rút guốc đánh máy cái. Vợ tôi chưa kịp bù lu bù loa thì Bác đã xuống rồi. Bác phê bình tôi: Sao anh lại làm như thế? Rồi Bác rủ anh Kiên và tôi cùng ra vác gạo. Bác bảo: Vác gạo cũng quan trọng. Không vác gạo thì không có ăn ngay. Được nghe Bác nói, vợ tôi chừng cũng hả lòng, không mè nheo dai dẳng như mọi khi. Buổi tối, Bác lại phê bình tôi một lần nữa, Bác phân tích tại sao người đàn bà nghèo khổ phải gắt gỏng, truy đến gốc nỗi khổ của những người bị bóc lột, Bác hỏi tôi đã là một đảng viên sao còn hành động như thế? Bác nói: Về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật. Bác nói rất thấm thía. Tuyệt nhiên Bác không gắt gỏng hay bực bội, nên tôi nghe ra ngay. Bác phê bình mà thành câu chuyện tâm sự, thấu vào tận ruột, tận gan.
Nhớ lại lúc đầu gặp gỡ, Bác không vồ vập nhưng Bác đi sâu vào đời sống gia đình giúp đỡ mọi việc thực tế, quan tâm thực sự đến đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi, nên Bác cảm hóa được mọi người trong nhà, tạo được một nếp sống khác hẳn. Nhất là đối với cháu Hải, Bác săn sóc thật chu đáo, hơn cả tôi là bố nó. Nó ngủ nghẹo đầu thì Bác sắp gối, nhẹ nhàng đặt nó nằm thẳng lại. Đêm Bác dậy mấy lần để đắp lại chăn cho nó. Bác luôn luôn lo cho nó ấm, đề phòng nó sưng phổi. Bác sờ bụng nó thấy ăn no mà giải rút buộc chặt thì lại nới ra. Nhiều lần Bác tắm cho nó, dặn nó phải ở sạch. Ngồi ăn cơm tuy chúng tôi là chủ nhà, Bác vẫn giục chúng tôi gắp thức ăn. Bao giờ Bác cũng gắp thức ăn cho cháu Hải trước.
(Hoàng Quang Bình kể, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")
48. Bác dạy nghiệp vụ bảo vệ
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo an toàn cho Bác, nhưng chính Bác lại rất quan tâm chỉ bảo cho chúng tôi những kinh nghiệm về phương pháp bảo vệ. Trước đây ở chiến khu phần lớn hoạt động của Bác bí mật nên lực lượng bảo vệ cũng ít lộ liễu. Hòa bình lập lại, vẫn chưa quen hoạt động ở thành phố, lại ít kinh nghiệm nên chúng tôi làm việc còn sơ hở, thiếu sót. Những lần như vậy chúng tôi đều được Bác nhắc nhở và chỉ bảo tận tình.
Khi về Hà Nội, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu bố trí lực lượng canh gác và bảo vệ tiếp cận Bác nhưng vẫn còn có những sơ hở và nhiều chỗ chưa hợp lý. Một hôm đang ở trong xe trên đường đi công tác, Bác nói với tôi:
- Trước đây khi còn ở nước ngoài, Bác thấy họ thường dùng lực lượng bí mật bảo vệ, các chú thử nghiên cứu xem có áp dụng được không?
Vâng lời Bác dạy chúng tôi đã suy nghĩ trao đổi và xin phép Bộ cho thành lập một đơn vị bảo vệ lấy tên 40, nhiệm vụ của đơn vị này là hóa trang bảo vệ trên đường và địa điểm Bác đến công tác. Từ ngày đơn vị thành lập, chúng tôi đã đảm bảo được phương án bảo vệ khá chặt chẽ. Có những lực lượng bí mật giám sát hoặc phòng ngừa ở những nơi xung yếu. Tuy nhiên do trình độ còn non kém lại ít kinh nghiệm nên việc bố trí lực lượng còn lộ tiễu. Những lần đó Bác phê bình và góp ý tận tình.
Tôi còn nhớ lần Bác về thăm Hợp tác xã Yên Duyên. Chiều hôm trước khi Bác đến, chúng tôi cử cán bộ đến nắm tình hình và tìm hiểu việc thu hoạch mùa màng của xã viên. Ban quản trị cho biết hiện nay Hợp tác xã rất thiếu người, nhân đó chúng tôi nhận lời sẽ cử một số anh chị em trong cơ quan đến gặt giúp một buổi.
Sáng hôm sau chúng tôi cho lực lượng xuống Hợp tác xã Yên Duyên nhận liềm hái ra đồng cùng gặt với bà con xã viên. Khoảng 7 giờ Bác đến, nhân dân đang gặt trên đồng trông thấy Bác đến chạy ùa về phía Người. Lực lượng của chúng tôi xen kẽ trong quần chúng. Bác ân cần thăm hỏi bà con xã viên về việc đồng án, kỹ thuật cấy lúa giăng dây, việc tổ chức gặt... Bác rất hài lòng. Năm nay lúa chiêm ở Hợp tác xã Yên Duyên đạt 4,5 tấn/ha. Bác vui vẻ nói với mọi người:
- Như thế là tốt.
Bà con đang hướng về phía Bác, chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của Người, chợt tôi thấy Bác chỉ tay về một cô gái hỏi:
- Cháu có phải lính của chú Kháng không?
Cô gái bỗng đỏ mặt, ấp úng mãi mới nói được:
- Thưa Bác, cháu là học sinh đến gặt lúa giúp Hợp tác xã ạ.
Bác lắc đầu cười đôn hậu. Trên đường về Bác nói với chúng tôi:
- Các cô, các chú không giấu được Bác đâu. Bà con xã viên mặc áo nâu già nhưng các cô, các chú mặc áo nâu non. Quai nón của nữ xã viên bằng vải đen, hoặc vải đỏ, các cô, các chú thì quai nón ni lông, vậy là các cô, các chú xã hội hóa chưa tốt.
Chúng tôi lại được Bác chỉ dạy một bài học về cách hóa trang và bố trí lực lượng.
Sau những lần được Bác chỉ bảo chúng tôi đã nghiên cứu đặc điểm nơi Bác đến thăm, chú ý bố trí anh em hóa trang cho phù hợp nên Bác phê bình ít hơn trước. Nhưng chúng tôi khắc phục được sơ hở này thì lại mắc thêm thiếu sót khác. Một năm vào ngày mùng Hai Tết, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy hoa quả Hà Nội. Sau khi thăm nhà máy xong, trên đường về Bác ghé vào một gia đình nông dân chúc Tết. Niềm vui và hạnh phúc lớn lao ấy đến với gia đình này thật đột ngột. Tin Bác đến chẳng mấy chốc lan ra. Nhân dân quanh đó ùa ra đứng quanh Người. Lực lượng cảnh vệ chúng tôi cũng hòa mình trong số quần chúng. Thấy một thanh niên đứng cạnh Bác mặc bộ com lê thắt cà vạt, Người hỏi:
- Cháu ở đâu?
Người thanh niên đó trả lời:
- Thưa Bác, cháu học ở trường Đại học Bách Khoa ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Tình hình học tập và giảng dạy ở trường thế nào? Ai là hiệu trưởng?
Lần này thì anh thanh niên tỏ ra lúng túng, ấp úng mãi không trả lời đúng câu hỏi của Bác. Bác cười rồi vỗ nhẹ vào vai tôi, lúc đó đang đi bên Bác:
- Lính của chú phải không? Thế là bị Bác bao vây rồi.
Tôi không giấu được Bác, đành phải báo cáo thật và xin lỗi Bác. Chúng tôi lại được Người dạy thêm bài học về nội dung và hình thức hóa trang phải ăn khớp với nhau. Việc làm của chúng tôi vừa rồi chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Bác quan tâm chỉ bảo chúng tôi nhiều việc bổ ích và thiết thực trong công tác cảnh vệ, nhưng điều Bác nhắc chúng tôi nhiều nhất là phải biết dựa vào quần chúng nhân dân.
Năm 1969, Bác đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, lúc đó sức khỏe Bác đã yếu đi lại rất khó khăn, mặc dù vậy Bác vẫn thực hiện nghĩa vụ của người công dân. Yêu cầu đặt ra là phải tìm một địa điểm xe có thể vào tận nơi bầu cử, Bác đi đến nơi bỏ phiếu không phải qua nhiều bậc lên xuống. Khảo sát một số nơi, chúng tôi đã tìm được hòm phiếu ở nhà thuyền Hồ Tây thuộc khu Ba Đình đạt yêu cầu đi lại. Còn thời gian Bác đến chúng tôi cũng tính toán chu đáo. Có ý kiến cho rằng để Bác bỏ phiếu trước giờ khai mạc nhưng không được vì như vậy trái với quy định thể lệ bầu cử. Hay bố trí lực lượng cảnh sát giữ trật tự khi Bác đến hòm phiếu? Suy đi tính lại thấy đều không ổn, sau cùng chúng tôi bố trí Bác đi vào buổi chiều. Lúc đó cử tri không đông như buổi sáng. Kết quả gần như chúng tôi mong muốn, Bác tiếp xúc được với nhân dân và khi Người bỏ phiếu không mất trật tự. Về đến Phủ Chủ tịch, Bác xuống xe. Tôi vừa đến gần Bác hỏi ngày:
- Chú có biết tại sao Nguyễn Hải Thần bị nhân dân ta ghét không?
- Dạ, vì chúng phản nước hại dân ạ.
Bác bảo:
- Không chỉ có thế mà còn bố trí bảo vệ lố lăng lắm.
Tôi chợt nhớ lại thời kỳ năm 1945, mỗi lần đi đâu Nguyễn Hải Thần thường ngồi xe có lính bảo vệ, lưỡi lê tuốt trần và còn đặt bốn khẩu đại liên diễu võ dương oai.
Tôi băn khoăn không biết Bác phê bình với cách bố trí lực lượng như thế nào, sau hỏi lại những đồng chí cùng ngồi xe với Bác được biết Bác nhìn quang cảnh nơi bỏ phiếu đã biết được ý định của chúng tôi bố trí lực lượng bảo vệ không muốn để nhân dân gần Bác.
Bác lại dạy chúng tôi một bài học về quan điểm và thái độ với nhân dân.
Ngoài những vấn đề nghiệp vụ, Bác còn khuyên chúng tôi nên học văn hóa, chính trị. Đặc biệt Người thường nhắc chúng tôi phái tích cực tập luyện võ thuật để có sức khỏe phục công tác. Bác là tấm gương sáng về tập luyện cho chúng tôi học tập.
Tôi còn nhớ cuối tháng 9/1945, tôi đang công tác ở Đại Từ (Thái Nguyên) thì nhận được lệnh về Hà Nội nhận công tác mới. Anh Cả cho biết tôi được Trung ương giao nhiệm vụ phục vụ bảo vệ Bác. Buổi trưa anh Cả dẫn tôi đến chào Bác, nghe tiếng tôi chào. Bác vui vẻ nói:
- Chú đã về đấy à.
Rồi Người ân cần thăm hỏi sức khỏe tôi và anh em còn công tác tận chiến khu, Bác cũng không quên hỏi thăm đồng bào vùng Tân Trào. Sau đó Bác nói đại ý:
- Ta đã giành chính quyền, nhưng tình hình còn khó khăn, phức tạp. Chú về cùng các chú khác giúp cho Bác một số việc. Anh em phải đoàn kết cảnh giác, giữ bí mật, cố gắng công tác tốt.
Tuy bận nhiều việc lớn của đất nước nhưng thỉnh thoảng buổi tối sau bữa cơm trước giờ đi ngủ, Bác vẫn dành ít phút chuyện trò thân mật với chúng tôi. Một hôm nhân lúc vui chuyện Bác hỏi tôi:
- Nghe nói chú giỏi võ phải không?
Tôi thưa với Bác:
- Thưa Bác, cháu ham thích võ nghệ và có học được chút ít.
Chú biết những môn gì?
- Thưa Bác cháu biết côn, quyền, kiếm mỗi thứ một ít.
Bác nhìn chúng tôi rất độ lượng:
- Trước đây ở nước ngoài Bác cũng học võ để rèn luyện sức khỏe, nhưng lâu ngày nên quyền Bác quên. Chú xem có bài nào dễ thì hướng dẫn Bác cùng tập.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Thưa Bác có bài Mai hoa quyền hợp với sức khỏe của Bác.
- Vậy sáng mai Bác cháu ta cùng tập nhé.
Tôi thật xúc động, Bác tuổi cao, sức yếu mà vẫn chăm tập luyện. Hôm sau 5 giờ sáng Bác đã gọi tôi dậy lên sân thượng nhà Bắc Bộ phủ tập quyền. Tôi làm động tác trước, Bác tập sau. Bài tập khá nhanh, chỉ vài buổi sáng đã thuộc cả bài. Tôi không thể quên có những đêm trăng thanh gió mát, trên mặt bằng ngôi nhà lớn, giống như trên một sàn tàu sóng biển xanh bao la, tôi thấy Bác múa quyền. Trong bộ bà ba giản dị, động tác của Bác khoan thai, mềm đẹp. Nhìn Bác tôi tưởng như ông tiên giáng trần, tuyệt đẹp.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Bác trở lại chiến khu Việt Bắc. Tuy cuộc sống khó khăn gian khổ, Bác vẫn khuyên chúng tôi phải siêng năng tập luyện để giữ gìn sức khỏe. Mỗi khi xây dựng nhà ở, Bác nhắc chúng tôi nên làm một cái sân nhỏ, kín đáo để Bác cháu có nơi tập luyện. Ở một vài nơi chúng tôi đã cố gắng làm được sân bóng chuyền. Ở rừng có được sân chơi bóng chuyền thì quả thật không phải dễ tìm. Phải có những cây to, tán lá giao nhau che kín được khoảng trống của sân, phòng khi máy bay trinh sát, mặt đất bằng phẳng và dọn sạch các gốc cây con. Chiều chiều sau giờ làm việc, Bác cháu vui vẻ ra sân. Bác tuy tuổi cao nhưng khi ra sân Người vẫn nhanh nhẹn không kém một cầu thủ thực sự, tuy nhiên những lúc quá say sưa anh em hay bỏ bóng vào chỗ Bác.
Bác rất vui, Người nói vui:
- Có giỏi thì tung vào "Tủ" đây này.
Bác cháu cười vang, trận đấu càng sôi nổi.
Bác cũng thích bơi. Những buổi chiều nếu không tăng gia, chơi bóng chuyền thì Bác bảo chúng tôi tắm suối. Mỗi lần Bác bơi, chúng tôi đều chú ý phân công đội hình xung quanh Bác để phòng những gì bất trắc xảy ra. Chúng tôi nói vui: Bác như chiếc máy bay Đa-cô-ta, còn chúng cháu như những chiếc bè vanh-xít đi theo bảo vệ. Bác cười vui với những câu nói đùa của chúng tôi.
Hòa bình lập lại, về Hà Nội trong điều kiện công tác và sinh hoạt có thay đổi, Bác vẫn luôn nhắc chúng tôi tập luyện. Một lần chúng tôi đang hướng dẫn cho anh em cảnh vệ mới tập võ thuật, Bác đi ngang qua thấy chúng tôi đang tập, Người đứng lại xem. Bác hỏi chúng tôi phương pháp tập luyện và chế độ ăn uống thế nào. Nghe xong, Bác nói:
- Các chú tập luyện như thế là tốt, nhưng không nên lệ thuộc vào bãi sẵn có, mà tập những chỗ không có bãi để quen với tình huống thực tế. Kẻ địch đánh ta nó không chờ nơi có bãi tập.
Vâng lời Bác dạy chúng tôi đã hướng dẫn cho anh em làm quen với những địa hình và tình huống thực tế. Năm 1969, được Bác cho phép chúng tôi đã biểu diễn võ thuật để Bác xem. Bác khen "các chú dã có tiến bộ nhưng cần cố gắng hơn nữa".
Điều Bác dạy bảo chúng tôi nhiều là phương pháp tập luyện. Có lần chúng tôi tập nhảy cao, Bác cũng dừng lại xem. Nhiều anh em chưa quen, có người co cả hai chân, có người lao cả người qua, có đồng chí sợ thì chui qua dây, Bác cho gọi chúng tôi lại, Người nói:
- Các chú muốn tập nhảy cao thì phải tập từ thấp lên cao và phải tập kiên trì thường xuyên.
Dừng một lát Bác nói tiếp:
- Ngày mai các chú hãy trồng hàng râm bụt ở lối đi này, mỗi lần đi ngang qua các chú nhảy qua theo độ lớn lên của nó. Như vậy các chú nhảy sẽ cao hơn.
Anh em chúng tôi bảo nhau thực hiện lời dạy của Bác. Hàng râm bụt mới trồng xinh xắn chả mấy bữa đã đâm chồi non xanh biếc, mỗi sáng chúng tôi nhảy qua 5 lượt. Hễ đi đâu về chúng tôi cũng phải nhẩy qua để vào đơn vị. Nhờ kiên trì tập luyện theo lời Bác dạy, hầu hết anh em đều nhảy qua 1,2m dễ dàng, nhiều đồng chí còn nhảy cao hơn nữa.
Ngày nay phong trào tập luyện của cán bộ chiến sỹ cảnh vệ lập được nhiều thành tích. Mỗi lần nhắc tới thành tích ấy, chúng tôi thường nói với nhau có thành tích vẻ vang này là nhờ lời dạy bảo năm xưa của Bác.
(Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an)
49. Đời sống của dân quan trọng hơn
Năm 1951, hai nhà quay phim chiến sỹ miền Nam Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền được tham gia vào đoàn cán bộ miền Nam ra Việt Bắc.
Đoàn đã được Bác Hồ tiếp thân mật và tổ chức đón tiếp long trọng tại Văn phòng Chủ tịch nước. Riêng mấy anh em điện ảnh miền Nam còn được Bác mời đến trong một cuộc liên hoan lửa trại đầm ấm. Anh em đề nghị Bác cho phép "quay" một số cảnh làm việc, sinh hoạt của Bác. Bác đồng ý. Với chiếc máy quay phim "cổ lỗ sỹ" và một số mét phim ít ỏi, Lê Minh Hiền đã ghi được một số hình ảnh quý giá - cho đến ngày nay là vô giá - về Bác Hồ.
Đồng chí Hiền và đồng chí Đoàn vẫn còn áy náy là Bác mặc quần áo giản dị quá, sợ mang về miền Nam chiếu lên, đồng bào có thể là quá xúc động hoặc là chê trách người quay phim. Đồng chí Đoàn bàn với đồng chí Hiền là đề nghị Bác mặc bộ ka ki đại cán, kiểu Tôn Trung Sơn, bộ độc nhất của Bác để quay ''cho đẹp".
Tưởng Bác đồng ý, nào ngờ Bác nói:
- Bác như thế đấy, có thế nào các chú cứ thế mà quay.
- ''Thua" keo này, lại bày keo khác. Lâu lâu hai anh em lại "xin" Bác mặc bộ đại cán "cho". Thấy các nghệ sỹ năn nỉ mãi, Bác cũng đành mặc "cho" đôi ba lần, những khi cần thiết... Tổ làm phim còn quay được một số cảnh Bác đánh máy chữ, trồng rau xanh, đi công tác lội suối, cưỡi ngựa. Anh em còn định xin quay một số cảnh nữa về đời sống hằng ngày của Bác.
Bác nói: - Thôi! Đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của nhân dân.
(Trích trong “Bác Hồ với chiến sỹ”)
Tâm Trang (tổng hợp)