Chỉ mục bài viết

 68. Bác cho tôi chiếc áo trấn thủ

Mỗi ngày sống bên Bác là mỗi ngày tôi được thêm những bài học vô cùng quý báu. Bác chỉ bảo từng ly từng tý. Một kỷ niệm mà mỗi khi nhắc lại tôi thường bồi hồi xúc động, đó là chuyện Bác cho tôi chiếc áo trấn thủ. Mùa Đông năm ấy, Việt Bắc rét hơn mọi năm. Chúng tôi sống trong hang đá, lại càng rét. Sáng ra sương muối xuống dày đặc, làm cóng buốt chân tay. Khi mới về công tác với Bác, tôi chỉ có một bộ quần áo vải mộc. Mấy hôm liền, tôi đi công tác, ngực bị lạnh, làm tôi ho luôn.

Hôm ấy vào đưa thư cho Bác. Tôi đã cố nhịn ho nhưng không sao chịu được.

Thấy tôi ho, Bác hỏi:

- Chú ốm à, chú Thắng?

- Thưa Bác, không ạ!

Bác nhìn tôi:

- Sao trông người chú khác thế?

- Không ạ. - Chưa nói xong tôi đã ho rũ ra…

Bác liền đứng dậy:

- Chú không có áo rét à?

Bấy giờ cán bộ còn nghèo. Tôi ngần ngừ định không nói thật, nhưng rồi không dám dối Bác. Trả lời xong, tôi quay ra thì Bác gọi lại và đến đầu giường lật tấm chăn mỏng, lấy ra chiếc áo trấn thủ màu ngả vàng, Bác vẫn thường mặc, đưa cho tôi, Bác nói:

- Chú mặc tạm cái này cho đỡ lạnh. Mùa Đông cốt nhất phải giữ ngực cho ấm.

Tôi không dám cầm. Mùa rét, Bác cũng chỉ có một chiếc áo trấn thủ và một chiếc áo khoác ngoài. Mà Bác đã già rồi, ít chịu được rét. Thấy tôi chần chừ, Bác bảo:

- Chú mặc đi, cho đỡ rét.

- Thưa Bác...

- Chú cứ mặc vào.

Nhìn đôi mắt trìu mến của Bác, tôi không dám từ chối nữa. Bác giúp tôi cài cẩn thận từng cúc áo một. Có chiếc áo của Bác, ngực tôi ấm dần. Ấm bằng hơi ấm của bông và cả bằng tình thương của Bác. Nhờ có chiếc áo trấn thủ tôi dần dần khỏi ho.

Tôi giữ gìn chiếc áo Bác cho rất cẩn thận. Chỉ những lúc thật rét mới mặc.

Tôi có ý định giữ chiếc áo đó làm kỷ niệm, nhưng tôi không thực hiện được ý định. Một năm, tôi về nhà ăn Tết, dân tộc Dao chúng tôi sống du canh du cư, làm ăn thất thường, nên đời sống đói khổ. Trời rất rét, bố tôi vẫn chỉ có một manh áo mỏng. Thương bố quá, tôi đã biếu bố chiếc áo trấn thủ. Chiếc áo trấn thủ đã sờn, nhưng là chiếc áo ấm đầu tiên trong đời bố tôi được mặc. Bố tôi vui lắm. Nếu biết là chiếc áo của Bác Hồ cho, chắc bố tôi sẽ vui sướng biết chừng nào! Nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi không dám nói.

Bố tôi mặc được mấy năm chiếc áo vẫn còn tốt.

Theo phong tục người Dao, khi chết, người ta chôn theo tất cả những đồ quý giá của người đó lúc sống đã dùng. Bố tôi chết, gia đình cũng đã bỏ chiếc áo trấn thủ chôn theo. Chiếc áo trấn thủ Bác cho đã làm ấm ngực tôi, sưởi ấm ngực bố tôi, nay bố tôi đã mất, chiếc áo lại theo xuống suối vàng mãi mãi sưởi ấm cho linh hồn bố tôi. Phải chăng đó cũng là một niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.

(Triệu Hồng Thăng, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

69. Cá không xương

Cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta với các vị đại diện nước bạn diễn ra suốt cả ngày 26-7-1957. Đoàn ta thông báo ngắn gọn. Phía Cộng hòa Dân chủ Đức thông báo thành quả mọi mặt trong mấy năm qua. Do thời gian cách nhau sáu tiếng, 15 giờ chiều ở Béclin thì ở Việt Nam đã 21 giờ đêm, lại phải làm việc căng thẳng nên các đồng chí trong đoàn đại biểu ta ai cũng mệt mỏi và buồn ngủ. Khi phía bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi: Các đồng chí có loại cá không có xương không? Thưa không. Ở Việt Nam có loại cá không xương hay sao? Thủ tướng Đức hỏi với vẻ ngạc nhiên. Bác Hồ của chúng ta nói nghiêm nghị: Vâng, có (các thành viên đoàn Việt Nam tỉnh ngủ).

- Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không? - Thủ tướng đề nghị. Bác nghiêm trang trả lời: Chúng tôi sẵn sàng. Loại cá này ở quê hương đồng chí Song Tùng. Thủ tướng hướng về tôi: Đồng chí nhớ chuyển cho chúng tôi nhé?

Tôi lúng túng, biết là loại cá gì, nhưng không thể trả lời. Thế là Bác kể về câu chuyện “con cá gỗ” của người xứ Nghệ. Các đại biểu được một trận cười thoải mái. Mọi người tỉnh táo hẳn. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Xã hội thống nhất Đức kết luận hóm hỉnh:

- Bây giờ tôi mới tìm ra nguyên nhân vì sao nhân dân Việt Nam chịu đựng biết bao gian khổ đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược suốt mấy nghìn năm.

(Sơn Tùng, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

70. Không nên đao to búa lớn

Những người tiếp cận với Bác đều thấy rõ Bác Hồ làm việc hàng ngày theo một chương trình rất chặt chẽ. Bất kỳ lúc nào từ giờ giấc tiếp khách đến sinh hoạt, hội họp, Bác không bao giờ trễ một phút. Từ phong cách làm việc đó, Bác có lúc đã nghiêm khắc phê bình hiện tượng vi phạm kỷ luật lao động.

Ở Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao, trong một ngày Chủ nhật, đồng chí Th. được phân công trực. Văn phòng Bác gọi điện thoại nhiều lần về một bài trả lời phỏng vấn của Bác phải làm ngay nhưng không có hồi âm.

Ngay hôm sau, đã có một cuộc kiểm thảo. Điện thoại của đồng chí Vũ Kỳ tới Bộ và Vụ đã dặn: "Sự việc tác hại không lớn, nhưng cần nghiêm túc kiểm điểm cán bộ này, giúp đỡ sửa chữa khuyết điểm tránh đao to búa lớn". Có đồng chí lãnh đạo của Bộ yêu cầu phải nghiêm khắc và đề xuất hình thức kỷ luật đồng chí Th. để làm gương cho cán bộ khác. Khi kiểm tra, được biết đồng chí Th. vốn là một người xưa nay có ý thức tổ chức kỷ luật, nhưng không may lúc đó bị "Tào Tháo đuổi" và phải đến phòng y tế xin thuốc.

 Lại có thêm một cú điện thoại nữa từ Văn phòng, Bác căn dặn: Không nên đao to búa lớn việc này. 

Có lẽ mọi diễn biến đã được báo cáo lên Bác. Chỉ một sự việc nhỏ như vậy, của một cá nhân thôi mà Bác đã trực tiếp quan tâm. Kết quả là hình thức xử lý đã được điều chỉnh một cách ôn hòa có lý, có tình. Mọi người chúng tôi đều cảm động về phong cách kiểm tra, giúp đỡ phê bình nghiêm túc và đầy lòng nhân ái của Bác.

(Lê Trang, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

71. Một ngày Thu không thể quên

Một chiều Thu tháng 8/1942, bầu trời xanh ngắt, gió nhẹ thổi, không gian thoang thoảng mùi hương của đồng lúa sắp chín. Kim Đồng xách ống nước ở dưới suối lên, thấy anh Ngự Mạn đã đợi ở dưới chân cầu thang. Với nét mặt rạng rỡ, anh Ngự Mạn ghé sát vào tai Kim Đồng nói nhỏ:

- Có một cán bộ cao cấp vừa đến, cho gọi em lên gấp đấy!

- Anh có biết ai không?

- Suỵt! Nguyên tắc bí mật cơ mà.

Kim Đồng hồi hộp bước theo anh Ngự Mạn lên ngọn núi sau bản. Đến trước cửa hang Nục Én, anh ra hiệu cho Kim Đồng đợi một chút. Lát sau Kim Đồng thấy anh Đức Thanh bước ra, vẫn đôi mắt lúc nào cũng dịu dàng âu yếm, anh đưa Kim Đồng vào trong hang. Trống ngực Kim Đồng bỗng đập rộn lên khi nhìn thấy một "ông Ké" ngồi trên một tảng đá, dựa lưng vào thành hang, chòm râu và mái tóc đã điểm bạc. Trên khuôn mặt gầy, hơi xanh, sáng rực một đôi mắt như hai vì sao ấm áp. "Ông Ké" nhìn Kim Đồng trìu mến. Vẫn còn đang lúng túng chưa kịp chào, Kim Đồng bỗng thấy "ông Ké" hỏi:

- Cháu là Kim Đồng, Đội trưởng Đội Thiếu nhi cứu quốc phải không?

- Vâng ạ!

- Lại đây với Bác nào!

"Ông Ké" vẫy Kim Đồng lại gần và kéo vào lòng, đưa tay xoa đầu âu yếm:

- Cháu có ghét bọn Tây không?

- Dạ, có ạ!

- Vì sao nào?

- Vì bọn Tây sang cướp nước ta làm cho dân ta khổ.

"Ông Ké" khen Kim Đồng và đề nghị Kim Đồng kể về hoạt động của Đội cho mọi người cùng nghe. Nghe kể xong, "ông Ké" khen Đội đã có nhiều hoạt động phong phú, mưu trí và dũng cảm.

"Ông Ké" còn khuyên Kim Đồng nói đúng và các đội viên vừa hoạt động, vừa phải học văn hóa, học chính trị để mai này nước nhà độc lập, có đủ tài sức xây dựng đất nước.

Buổi chiều đó, Kim Đồng được "ông Ké" giữ lại ăn cơm. Chờ đêm xuống, Kim Đồng được cử theo ba anh đưa "ông Ké" vào Pác Pó an toàn. Do nguyên tắc bí mật, ngày đó, Kim Đồng chưa được biết rằng "ông Ké" đó chính là Bác Hồ kính yêu.

(Trích trong "Bình minh Nà Mạ, Bác Hồ kính yêu")

72. Ba lần được gặp Bác Hồ

Hồ Thị Thu kể:

Khi cháu ở trong Nam, cháu được nghe các chú đọc lời dạy của Bác Hồ, cháu càng thương nhớ Bác nhiều. Cháu và các bạn cháu mong sao nước nhà thống nhất, cùng đồng bào miền Nam đón Bác vào thăm. Qua thời gian chiến đấu, cháu được Đảng, Mặt trận cho ra miền Bắc để học tập, cháu vinh dự được gặp Bác.

Lần đầu cháu được gặp Bác, Bác hỏi cháu đã biết chữ chưa. Cháu vòng tay trả lời Bác mà cháu nói không nên lời, vì cháu cảm động quá. Sau, cháu cố gắng trả lời để Bác nghe:

- Dạ thưa Bác, cháu chưa biết chữ nào ạ. Vì gia đình cháu nghèo, ba má cháu mất sớm, cháu đông em nên không được đi học.

Vừa nói xong, cháu ngước lên nhìn Bác. Hai hàng nước mắt Bác rưng rưng làm cho cháu càng thêm cảm động.

Lần thứ hai cháu được gặp Bác. Bác hỏi cháu:

- Đồng bào miền Nam đấu tranh và chiến đấu như thế nào? Cháu liền đứng lên vòng tay lại:

- Dạ, thưa Bác, đồng bào miền Nam đấu tranh không sợ gian khổ, chiến đấu không sợ bị thương, không sợ hy sinh, mà chỉ sợ mù hai mắt, sau này nước nhà thống nhất, Bác vào thăm không nhìn thấy Bác.

Cháu ngước nhìn lên lại thấy Bác rưng rưng nước mắt. Bữa ấy Bác cho cháu ăn cơm. Cháu ngồi bên Bác, Bác gắp thức ăn cho cháu...

Lần thứ ba, cháu được gặp Bác ở Hội trường Ba Đình. Cháu mừng rỡ chạy lại ôm và hôn Bác. Bác hỏi cháu:

- Kỳ này cháu có ăn được cơm không, ăn được mấy bát? Cháu đáp:

- Dạ, thưa Bác, cháu ăn được hai bát ạ!

Ăn thế là ít đấy! Cố ăn nhiều cho khỏe vào.

Bác dặn thêm cháu phải giữ gìn sức khỏe cho thật tốt, học tập văn hóa, chính trị, lao động cho thật tốt, đoàn kết tốt, thương yêu đồng đội tốt, phải nghe lời các cô, các chú dạy bảo.

Sau những giờ phút quý báu ấy cháu ra về, không muốn rời Bác, chỉ mong sao gần Bác luôn luôn.

Ngày tháng qua đi, bệnh của cháu lại phát triển, nên các chú đưa cháu vào viện. Được tin ấy, Bác điện vào thăm cháu. Lúc ấy bệnh cháu quá nặng, đến khi cháu tỉnh dậy, các chú nói lại, cháu vô cùng xúc động, vì Bác bao nhiêu là công việc mà Bác còn quan tâm đến sức khoẻ của cháu. Thời gian sau cháu xa Hà Nội về trường học, hàng ngày cháu luôn thực hiện lời Bác dạy.

(Hồ Thị Thu - Dũng sĩ thiếu niên miền Nam, trích trong "Đời đời ơn Bác")

73. Hồ Chí Minh với thiếu nhi Đức

Ai cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu nhi. Nhưng có lẽ chưa bao giờ và chưa có bất cứ ai thể hiện tình cảm đối với thiếu nhi như Bác. Dưới đây là một trường hợp đặc biệt.

Khi đoàn xe đón đoàn đại biểu nước ta đi từ sân bay về Béclin bỗng nhiên đường bị tắc nghẽn.

Bác đi ô tô với Tổng Bí thư và vợ chồng Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Đức. Xe vừa vào thành phố, học sinh một trường mẫu giáo sắp hàng đón đoàn. Bác đề nghị cho ô tô dừng lại. Người bước ra, Tổng Bí thư và vợ chồng Thủ tướng nước bạn cùng xuống xe. Xe Đại sứ đi sát sau xe Chủ tịch. Tôi lo lắng không biết chuyện gì xảy ra., bỗng thấy Bác tiến lại các cháu thiếu nhi. Các cháu và cô giáo vây quanh Bác và các vị lãnh đạo. Bác bế một em bé lên và hỏi chuyện các em bằng tiếng Đức. Không khí thật đầm ấm vui tươi. Bác hỏi một người:

- Chú có kẹo không?

Thế là bà Thủ tướng cho người đi mua kẹo. Bác lần lượt chia kẹo cho các cháu.

Đoàn xe dừng lại 20 phút, Bác chia kẹo cho các cháu xong mới trở về ô tô. Sự kiện đặc biệt này, được dư luận nước bạn xôn xao bàn luận khá lâu, mọi người đều ca ngợi tình cảm tốt đẹp của Bác dành cho các cháu thiếu nhi.

(Song Tùng, trích trong "Bác Hồ sống mãi với chúng ta")

74. Bác quan tâm đến nữ phóng viên

Trong Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ ba, tôi là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam được vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh, đưa tin và viết về cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ trong và ngoài nước.

Đại biểu tỉnh nào cũng muốn chụp ảnh chung với Bác, nhưng Bác dành ưu tiên cho các đại biểu miền núi và đại biểu quốc tế. Vừa lúc Bác đang cầm điếu thuốc chưa kịp hút thì các chị đại biểu dân tộc vừa tập hợp nhau, quần áo đủ màu sắc xin chụp ảnh chung với Bác.

Tôi sung sướng được bấm một "Pô" ảnh chụp Bác đang đứng nói chung với các chị. Riêng phần mình, tôi vẫn thầm mong được chụp một ảnh chân dung Bác đứng một mình.

Các chị em đại biểu ra về, tôi tần ngần mãi giữa vườn cây. Tiễn đoàn đại biểu cuối cùng xong, Bác quay gót lại, bước chân lên mấy bậc cầu thang trước Phủ Chủ tịch.

Tôi vội giơ chiếc máy ảnh Pralike, nhưng chưa kịp bấm thì Bác đã bước nhanh lên thềm. Tôi đang loay hoay với chiếc máy ảnh chưa nghĩ ra cách nào để chụp được ảnh Bác, thì Bác trông thấy, Bác hiểu ý, mỉm cười đứng lại, trong vài giây kịp cho tôi bấm "tách".

(Nguyệt Tú, trích trong “Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ”)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: